Linh Hồn Của Tiền
ĐIỀU BÍ ẨN SAU CÁI ĐÓI VÀ CUỘC CHIẾN VỚI CÁI THIẾU
Cái đói và cái thiếu dường như có mối liên hệ rõ ràng và không thể lay chuyển được. Sao tôi có thể làm việc hết mình trong những cảnh thiếu thốn cả thức ăn và nước uống, mà vẫn khăng khăng rằng thiếu chỉ là lời nói dối? Tôi chỉ có thể nói chính hiện thực phũ phàng và đầy ngạc nhiên mà tôi trải nghiệm đã thúc đẩy tôi đưa tầm nhìn của mình vượt quá những thứ ngay trước mắt. Tôi đã nỗ lực để hiểu bi kịch của nạn đói. Nó không phải một thứ bệnh dịch bí ẩn. Nó không phải do đột biến gen hay một thế lực tự nhiên. Chúng ta biết cần phải làm gì khi một đứa trẻ bị đói. Chúng ta biết một người đang chết đói cần gì. Họ cần thức ăn. Trong bức tranh tổng thể về tài nguyên thế giới không có chi tiết nào giúp tôi hiểu tại sao 1/5 nhân loại bị đói và thiếu ăn. Thế giới tràn ngập thức ăn. Hiện nay, trên thế giới chúng ta có quá đủ thức ăn cho mỗi người được ăn thêm nhiều lần. Người ta lãng phí ở khắp nơi. Tại một số nước, kể cả Mỹ, người ta trả tiền cho nông dân để họ ngừng trồng trọt. Gia súc nuôi lấy thịt tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn lượng những người đói cần để thoát đói.
Năm 1977 khi tôi mới bắt đầu làm việc trong Dự án Xóa đói, tôi cho rằng có người đói bởi vì người ta không có đủ thức ăn. Nếu chúng ta mang thức ăn đến cho họ, vấn đề sẽ được giải quyết. Lập luận có vẻ hợp lý. Nhưng nếu nguồn thực phẩm của thế giới nắm giữ giải pháp cho những người đói, điều gì có thể giải thích cho những con số thống kê và thực tế về cái đói hiển hiện bướng bỉnh, bi kịch như không thể giải quyết được. Tại sao thế giới có thừa thức ăn cho mọi người mà mỗi ngày 41.000 người, phần lớn trong số đó là trẻ em dưới năm tuổi, chết vì đói và các nguyên nhân liên quan đến đói?
Liệu có phải vì không ai quan tâm? Khi những đứa trẻ đói khát kêu gào đòi thức ăn, chúng không kêu gào với tư cách người Bangladesh, người Italia hay người nghèo cùng thành phố với ta. Chúng lên tiếng với tư cách là con người, và chính bởi lòng nhân đạo, chúng ta cần phải hành động. Có phải vì chúng ta không thể nghe thấy tiếng kêu cứu đó, nên không thể đáp lại như một thành viên biết quan tâm trong gia đình nhân loại? Tại sao có nhiều người giả mù, giả điếc trước tiếng kêu của đứa trẻ, và chỉ khư khư quan tâm đến những người “của mình” – thậm chí khi chúng ta đã có thừa để chu cấp cho những người “của mình” và cả những người khác nữa?
Nhưng nếu lòng quan tâm chính là giải pháp, tại sao những đợt quyên góp thực phẩm và tiền trên quy mô lớn của một số người không mang đến một giải pháp lâu dài?
Có phải vấn đề nằm ở khó khăn trong phân phối? Vậy thì tại sao đồ uống có ga của Mỹ có thể tiếp cận từng người trên trái đất, chỉ cách một tầm tay?
Có phải tại vấn đề hậu cần? Vậy thì tại sao những quốc gia hùng mạnh như Mỹ có thể trang bị hậu cần để chuyển tên lửa và bom chính xác đến mọi mục tiêu quân sự dù nó ở nơi nào trên thế giới?
Có phải tại chính trị? Có phải tại chúng ta đa nghi và ích kỷ đến nỗi để mặc đứa trẻ chết đói bởi những người lớn chúng ta bất đồng về lý tưởng chính trị hay kinh tế?
Điều gì đã khiến ta nghe thấy tiếng kêu cứu mà vẫn không đáp lại hiệu quả?
Càng tiếp xúc nhiều với những người đói và những người làm việc hay ủng hộ tiền để giúp đỡ họ, tôi càng nhận ra nguyên nhân của nạn đói không phải chỉ là thiếu thức ăn. Nguồn gốc của nạn đói sâu xa và cơ bản hơn thế, bởi vì khi bạn mang thức ăn từ điểm A đến điểm B, tuy có thể giúp đỡ nhiều người trong một khoảng thời gian, thực ra bạn không giải quyết được nạn đói.
Lịch sử đã dạy chúng ta bài học đó. Làn sóng viện trợ cho Ethiopia năm 1985 đã giúp nhiều người có cái ăn trong một thời gian nhưng không thể giải quyết nạn đói của đất nước đó. Ethiopia tiếp tục là một đất nước đói nghèo. Thực phẩm viện trợ chuyển đến Somalia khi nước này gặp khủng hoảng năm 1993 và 1994 giúp được một số người nhưng thực tế chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực và tham nhũng đang hoành hành. Tương tự, nguồn viện trợ cho Biafra trong chiến tranh, và cho Campuchia trong cuộc khủng hoảng, bản thân hỗ trợ ấy không có gì xấu, một số người được giúp đỡ, nhưng nó không thể giải quyết tận gốc nạn đói dai dẳng triền miên.
Hết lần này đến lần khác tới mức thành thông lệ, trong những đợt ủng hộ quy mô lớn như thế, nguồn thực phẩm viện trợ bị những kẻ môi giới xấu xa nhưng có thế lực đánh cắp và bán lại. Chúng làm giàu nhờ lòng tham và nạn hối lộ lan tràn trên các đất nước kiệt quệ vì chiến tranh. Bên cạnh đó, lượng thực phẩm khổng lồ tràn vào thị trường làm giảm giá cả, khiến những người nông dân bản địa có khả năng trồng trọt không thể bán được nông sản bởi thực phẩm miễn phí ở khắp nơi – ít nhất trong một khoảng thời gian, cho đến khi cuộc tranh cướp để tích trữ và kiểm soát nguồn thực phẩm đó lắng xuống. Không những không thể giải quyết vấn đề, vòng luẩn quẩn của viện trợ, tham nhũng, thị trường khủng hoảng, và những khoản đầu tư tai hại vào nông nghiệp trở thành một phần của vấn đề. Nó tiếp tục duy trì những nguyên nhân gốc rễ của cơn khủng hoảng.
Cuối cùng, ảnh hưởng xã hội của hình thức viện trợ quy mô lớn này là những người được nhận, thậm chí những người chỉ được một phần nào đó, càng trở nên khốn khó, nghèo nàn hơn trước kia. Họ cảm thấy yếu đuối và vô vọng bởi thấy mình không thể chu cấp cho bản thân, phải ngửa tay nhận đồ trợ cấp và chịu ơn người ngoài đã cứu họ khỏi cảnh túng quẫn hết lần này đến lần khác. Họ thấy mình giảm giá trị và yếu đuối đi. Viễn cảnh tự cung cấp được cho mình thường bị cắt đứt và thu nhỏ lại bởi những việc họ buộc phải làm nếu muốn chạm được tay vào thực phẩm “cho không”. Hết lần này đến lần khác, khi tiền hay đồ viện trợ tràn đến các cộng đồng thông qua những hệ thống vốn dựa trên những giả định về sự thiếu thốn, khả năng giảm nhẹ chỉ nhất thời, và những người ở cả hai phía cho – nhận đều thấy mình vô dụng.
Tôi trăn trở với câu hỏi đó trong hàng năm trời khi ra sức kêu gọi mọi người tham gia thanh toán nạn đói và tìm kiếm những giải pháp ổn định cho bi kịch vẫn đang tiếp diễn. Khi tôi tìm hiểu những niềm tin cơ bản của mọi người ở hầu hết mọi nơi – mọi hệ thống, thể chế, mọi quan điểm, bao gồm cả những người đang chịu đói – tôi nhận ra rằng có những giả định cơ bản đã triệt tiêu gần như tất cả nỗ lực giải quyết vấn đề. Tất cả đều có thể được quy về những ngộ nhận và ám ảnh về sự thiếu thốn.
Dù hoàn cảnh kinh tế của chúng ta ra sao:
Khi chúng ta tin rằng không có đủ, rằng các tài nguyên là khan hiếm, chúng ta chấp nhận việc có người giành được những thứ họ cần và có người không. Từ đó, chúng ta hợp lý hóa việc một số người phải chịu số phận khó khăn hơn.
Khi chúng ta tin rằng càng có nhiều càng tốt, và đánh đồng việc có nhiều tiền hơn với việc có nhiều phẩm chất hơn – thông minh hơn, hay có năng lực hơn – những người nhận được ít tài nguyên hơn bị coi là kém thông minh, kém tài năng, thậm chí kém giá trị. Chúng ta cảm thấy chúng ta được phép coi thường họ.
Khi chúng ta tin rằng đó là điều tất yếu, chúng ta thừa nhận sự vô vọng. Chúng ta tin rằng không thể giải quyết được vấn đề. Chúng ta chấp nhận rằng trong gia đình nhân loại, cả những người có nhiều lẫn những kẻ có ít đều không có đủ tiền, thức ăn hay trí thông minh và tài nguyên để tạo ra những giải pháp lâu dài.
Bằng cách thách thức những giả định về nạn đói và viện trợ thực phẩm một cách hệ thống, Dự án Xóa đói đã vén lên bức màn của những ngộ nhận về sự thiếu thốn, mở ra những khám phá mới và khả năng mới. Cuối cùng Dự án đã đóng góp đáng kể trong công tác thanh toán nạn đói bằng cách tạo điều kiện để con người tự đứng dậy trên đôi chân của mình. Trong mọi hoàn cảnh, đối với các cá nhân cũng như đông đảo mọi người, khám phá lời nói dối và ngộ nhận về sự thiếu thốn là bước đầu tiên và mạnh mẽ nhất để chuyển mình từ tuyệt vọng và cam chịu thành độc lập và tự lực.
Chúng ta thường triết lý về những thắc mắc lớn không lời đáp trong cuộc sống. Đã đến lúc chúng ta quan tâm đến những câu trả lời không được ai thắc mắc. Và câu trả lời lớn nhất, được chấp nhận rộng rãi nhất trong nền văn hóa của chúng ta là mối quan hệ của chúng ta với tiền. Chính đó là nơi chúng ta gìn giữ ngọn lửa và ngộ nhận về sự thiếu thốn với một cái giá rất đắt.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.