Linh Hồn Của Tiền

DI SẢN CỦA SỰ TỈNH TÁO TRƯỚC TIỀN BẠC



Tất cả mọi người chúng ta đều muốn để lại di sản là một gia đình mạnh khoẻ, những đứa con giỏi giang, một trái đất sống động và bền vững. Di sản trường tồn nhất chúng ta để lại không phải là những thứ chúng ta bỏ lại sau khi mất, mà là ở cách chúng ta ứng xử, đặc biệt là cách chúng ta ứng xử trước các vấn đề về tiền bạc.

Bạn muốn để lại di sản gì? Dù bạn là một người nghèo hay một nhà tỷ phú, bạn đều tạo ra sự khác biệt. Bạn đều để lại một di sản. Tạo ra một sự khác biệt bằng tiền bạc không có nghĩa là bạn phải có thật nhiều tiền bạc, trở thành một người nổi tiếng, hay một nhà làm luật, xuất hiện trên chương trình Oprah, hay hiến tặng tiền bạc cho trường đại học ưa thích của mình. Chúng ta để lại một di sản của sự đầy đủ – hay thiếu thốn – bằng nhiều cách, nhưng đặc biệt là thông qua mối quan hệ với tiền bạc. Chúng ta có thể phung phí, tích trữ và hay giữ khư khư, hoặc sẻ chia, phân phát, đóng góp và sử dụng chúng có ý thức.

Tôi đã luôn nghĩ rằng, ai đó khi lớn lên được thừa hưởng một đống tiền bạc thì quả là diễm phúc lớn – không bao giờ phải lo lắng, quan tâm đến tiền bạc hay thậm chí là nghĩ đến tiền bạc, ngoại trừ việc biết rằng bạn có cả núi tiền. Điều ngộ nhận càng nhiều càng tốt quả là mạnh mẽ đến mức ta khó có thể tin rằng có nhiều hơn đôi khi lại thật phiền toái. Tuy nhiên, thực tế lại kể cho ta một câu chuyện khác, và tôi đã nghe và nhìn thấy nó hết lần này đến lần khác khi được tiếp xúc và làm việc với những người ở trong câu chuyện đó.

Tại một hội thảo gần đây, một phụ nữ 26 tuổi, với mái tóc vàng và một khuôn mặt rất trẻ trung, đã chia sẻ với tôi và một nhóm nhỏ những người được hưởng thừa kế khác, rằng cô đã phải van xin cha mình đừng cho cô nhiều tiền, tuy vậy cha cô vẫn gửi cho cô 30 triệu đô-la ngay vào tuần đó. Cô cảm thấy bị đống tiền đè bẹp, hoảng sợ trước trách nhiệm sẽ phải gánh vác, thấy bối rối, ảo não, và lo lắng rằng mọi người sẽ phát hiện ra và sẽ căm ghét hay lợi dụng cô. Công việc mà cha cô đã làm để kiếm tiền đã phá hoại toàn bộ gia đình cô, gây chia rẽ những người anh chị em, khiến cha mẹ cô ly hôn và tạo ra những sự ghen ghét đố kỵ mà cô không hề muốn dính dáng đến. Cô cảm thấy tội lỗi và những cảm giác tồi tệ khác đã đè nén cô cùng với số tiền đó, và cô khó lòng chịu đựng được.

Có lẽ chúng ta sẽ sốc khi thấy sự bi đát và buồn thảm thường đi kèm những gia tài kếch xù được để lại đó. Tất nhiên, là có những ngoại lệ, đó là những người đã làm việc cần mẫn để chống lại các tác hại mà sự đặc quyền và giàu có thừa thãi mang lại. Tuy nhiên, trái với những điều chúng ta thường tưởng tượng, những gia tài thừa kế kếch xù không phải bao giờ cũng là những di sản đáng mơ ước.

Ở những đất nước và những cộng đồng thiếu thốn tiền bạc, cũng như đối với những người coi trọng tiền thái quá, thì điều tai hại nhất trong mối quan hệ với tiền bạc là để lại di sản một tâm hồn nghèo nàn mà nó sẽ khiến người ta tin rằng tiền bạc xác định họ là ai và họ có thể trở thành người như thế nào trong cuộc sống. Trong cả những xã hội giàu và nghèo, chúng ta đều biết rằng những người có thể tồn tại và phát triển là những người biết tận dụng từ những nguồn lực khác, sâu sắc hơn, để xây đắp nên những cuộc đời ý nghĩa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.