Linh Hồn Của Tiền

ĐI MUA SẮM CHO CHÁU GÁI: TIẾNG GỌI THỨC TỈNH



Khi đứa cháu đầu tiên của tôi, Ayah, ra đời vào năm 1999, tôi rất sung sướng được lên chức bà nội. Tôi nóng lòng chờ đến lúc được đi sắm sửa cho cháu. Mọi cửa hàng đồ trẻ sơ sinh, mọi quảng cáo đều bám lấy trí tưởng tượng của tôi, đưa tôi vào thế giới của những vật báu màu hồng xinh đẹp dành cho cô cháu gái. Khi con bé được ba tháng tuổi, con dâu tôi Halima và tôi quyết định đi mua đồ trẻ sơ sinh cho con bé. Tất cả những thứ quà quần áo trẻ sơ sinh của Ayah bắt đầu chật; đã đến lúc mua thêm những thứ mới. Do lịch làm việc trong tuần rất kín, chúng tôi dự định đi mua sắm vào cuối tuần, khi chúng tôi có thể dành trọn một ngày cho công việc ấy. Chúng tôi sẽ gặp nhau ở một trung tâm mua sắm lớn ở hạt Marin, cách nhà khoảng nửa tiếng đi xe. Halima đi từ Oakland đến cùng với con bé, và con gái tôi, Summer sẽ đi từ nhà ở Sausalito. Ba người phụ nữ và một đứa bé con – điều này hứa hẹn một chuyến mua sắm ấn tượng.

Khi tôi vừa rời nhà, điện thoại reo, và đó là con trai tôi Zachar, bố của Ayah. Tôi có thể nhận ra qua giọng nói rằng nó sắp nói với tôi điều gì đó nghiêm túc. “Mẹ ơi!” nó nói, “con biết mẹ sắp đi mua sắm với Halima. Con muốn nói với mẹ rằng bọn con rất coi trọng chuyện mua cho con gái những thứ được sản xuất theo những cách chúng con thấy hài lòng.”

Sau đó, nó liệt kê tên những cửa hàng nó không muốn chúng tôi đến mua đồ. Một hệ thống siêu thị quốc gia rất được ưa chuộng bị phát hiện sử dụng lao động trẻ em ở Indonesia. Một cửa hàng bách hóa được ngưỡng mộ khác không có quy định chống lại thuốc nhuộm độc hại. Zachary và Hailma không muốn tiền của mình rơi vào túi những công ty đó.

Zachary tiếp tục, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, yêu cầu tôi không mua cho Ayah nhiều hơn mức con bé cần – chúng không muốn bắt đầu một lối sống hoang phí. Nó yêu cầu tôi chỉ mua hàng từ những cửa hàng hoặc hãng sản xuất tuân thủ quy trình sản xuất tự nhiên, bền vững và công bằng trong sử dụng lao động. Nó và Halima muốn những thứ chúng mua – và những thứ tôi mua cho con gái chúng – thống nhất với những giá trị của chúng. Nó tiếp tục kể tên một vài cửa hàng chúng tôi có thể tìm thấy những loại sản phẩm đó.

Tôi vẫn còn nhớ tôi đã hoàn toàn bất ngờ bởi cuộc nói chuyện đó. Những lời con trai tôi nói không hề giống bức tranh mua sắm tưng bừng mà tôi đang tưởng tượng trong đầu. Trước đó tôi chưa từng nghĩ như thế về chuyện mua quần áo cho cháu gái. Cách tôi nuôi nấng, dạy dỗ, cách tôi nhìn nhận và ở bên đứa bé mới sinh này hoàn toàn bị chi phối bởi những giọng nói cất lên từ nền văn hóa của tôi và quá khứ gia đình tôi. Tôi đã không nhận ra rằng mình hoàn toàn bị cuốn vào đó. Tôi đã tin tưởng vào những trò phù phiếm của ngành tiếp thị coi những người bà là khách hàng mục tiêu. Tôi đã hoàn toàn bị dắt mũi. Chính tôi, một nhà hoạt động xã hội, người nỗ lực làm việc để ngừng nạn bóc lột lao động trẻ em ở các nước đang phát triển và làm sạch môi trường, vậy mà hoàn toàn không nhận ra rằng tôi luôn sẵn sàng mua bất cứ thứ gì cho cháu mình, không để tâm thứ đó đến từ đâu, ai làm ra nó, nó được làm ra thế nào, và bất chấp hậu quả nào đến từ hành động đó.

Tôi cũng nhận ra rằng nếu không được nhắc nhở, chắc tôi sẽ mua nhiều hơn mức cháu tôi cần. Lúc ấy, diễu qua đầu tôi là những chuỗi bất tận các bộ váy hồng, giày dép, mũ, và cuộc diễu hành vô nghĩa lý ấy đột ngột dừng lại bởi cuộc nói chuyện với con trai tôi. Tôi biết là nó đúng. Cả Halima cũng đã chuyển đến tôi thông điệp ấy trong những cuộc nói chuyện trước đây. Thế nhưng việc mua sắm bốc đồng thật dễ dàng, khiến những thói quen của người khách hàng thông thái trong tôi phải lùi bước. Tất cả những lần tập huấn tôi đã dự, tất cả những lần chứng kiến sự độc ác và bóc lột ở châu Á, tất cả quyết tâm của tôi, đã tan biến trong niềm hân hoan vĩ đại của sự kiện đi mua sắm cho cháu gái. Phải nhờ đến cuộc gọi đánh thức của con trai tôi mới nhận ra rằng tôi chưa bao giờ mang hết những bài học đã học được áp dụng vào cuộc sống thực. Không phải cuộc sống của chính tôi, không phải hiện giờ.

Mặt tôi đỏ bừng, nhưng tôi rất biết ơn. Tôi hứa sẽ tôn trọng yêu cầu của con trai. Tôi gặp con gái và con dâu ở trung tâm mua sắm, và chúng tôi đi chọn mua đồ với một ý thức tôi chưa từng biết trước đây. Chúng tôi đọc các nhãn mác. Chúng tôi hỏi nhiều điều. Chúng tôi tìm hiểu về các loại sợi và nguồn gốc các vật liệu. Chúng tôi chọn những cửa hàng mà mọi người biết những người thợ thủ công đã làm ra sản phẩm, và chúng tôi chỉ mua đúng số quần áo cần thiết cho vài tháng tới của Ayah bé nhỏ.

Khi chúng tôi kết thúc, tôi không còn cảm thấy bị đe dọa bởi cái dường như là giới hạn cho tâm hồn mua sắm của tôi. Tôi rất vui sướng! Niềm vui vì đã mua cho cháu gái tôi những đồ vật đáng yêu, thậm chí càng tuyệt vời hơn bởi sự hài lòng khi tôi đã dùng tiền của mình cho những công ty và những người thợ thủ công đã đan chiếc khăn hay khâu những chiếc chăn. Tôi thấy dễ chịu khi trả tiền cho những nhân viên cửa hàng, cảm ơn họ về sự phục vụ chu đáo và tận tình. Chúng tôi kết thúc chuyến mua sắm với một cảm giác hài lòng và trọn vẹn. Chúng tôi không mua nhiều hơn mức Ayah có thể dùng, mà chỉ một lượng quần áo và đồ dùng trẻ em cần cho vài tháng tới của con bé. Thật mãn nguyện khi ta điều chỉnh dòng tiền và đầu tư bằng giá trị của chính mình, phân phát nó cho những người và những nơi chúng ta thấy yêu mến.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.