Linh Hồn Của Tiền

Chương 11: ĐỂ LẠI DI SẢN LÀ SỰ ĐẦY ĐỦ



Cuộc đời bạn sống chính là di sản bạn để lại.

Vào tháng 5 năm mẹ tôi 87 tuổi, bà bị chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối. Các bác sĩ nói bà chỉ còn sống được vài tháng nữa, và bà biết điều đó là sự thực. Bà quyết định dành quãng thời gian còn lại để tận hưởng từng giây phút của hiện tại, trân trọng căn nhà, khu vườn, gia đình mình, và những nơi và những con người thân quen, yêu dấu trong cuộc đời.

Những người con đã trưởng thành của bà, cả bốn chúng tôi đều sống xa căn nhà của bà ở Palm Springs, nhưng vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi bà. Tất cả chúng tôi đều lần lượt đến sống chung với bà, nhưng cuối cùng, tôi quyết định đến và ở lại với bà trong một thời gian dài, để giúp bà nhẹ nhàng tiến tới những giờ phút cuối cùng của đời mình. Tôi thấy việc cùng với mẹ mình đối mặt với những giờ phút cuối cùng của bà là một cơ hội có một không hai cho cả hai chúng tôi, cho gia đình tôi, nhằm tiến tới một mối quan hệ sâu sắc hơn hẳn trước đây giữa mỗi người chúng tôi. Rất nhiều năm trước đây, ngay trước sinh nhật lần thứ 13 của tôi, cha tôi đã đột tử trong một cơn đau tim khi đang ngủ. Trước đó ông không hề ốm đau hay bệnh tật gì, và ông vẫn còn rất trẻ ở độ tuổi 51. Nhưng một buổi tối nọ, tất cả chúng tôi đi ngủ, rồi cùng thức dậy vào sáng hôm sau, chỉ ngoại trừ ông ấy. Đó là một cú sốc và mất mát tinh thần quá lớn lao đối với tất cả chúng tôi.

Vì thế, được biết mình có thể chia sẻ những tuần và tháng cuối đời của mẹ là một hạnh phúc lớn lao đối với tôi. Hơn thế, đó là cơ hội để tôi đào sâu trải nghiệm của mình về ý nghĩa của cuộc sống, và cái chết. Đó không chỉ là một mất mát đột ngột, mà còn là một điểm kết thúc đang dần tiến đến, làm cho trải nghiệm về sự sống của chúng ta thăng hoa và sắc bén hơn.

Trong những ngày và tuần cuối cùng đó, chúng tôi dành hàng giờ để nói chuyện về cuộc sống, và về cuộc đời của bà. Chúng tôi hồi tưởng lại bà đã có một cuộc đời phong phú như thế nào, cùng ôn lại những kỷ niệm hạnh phúc, những món quà, những nỗi đau đớn, vất vả, thất vọng, nuối tiếc và cả những lỗi lầm, cùng suy ngẫm về tầm quan trọng của những ký ức ấy khi người ta đã đi đến đoạn cuối cuộc đời. Những ký ức và vết thương đau đớn đó có vẻ như vẫn luôn tươi mới trong bà, cho dù bao năm đã trôi qua, và thật dễ dàng để gợi lại chúng. Tuy nhiên, những niềm hạnh phúc, những thành tựu, những khoảnh khắc vinh quang, đó mới là những gì mà bà thật sự muốn dành thời gian nghĩ đến. Vì vậy, chúng tôi đã dành hẳn một tuần chỉ để làm điều đó. Bà muốn hoàn thiện cuộc đời mình bằng cách lục lại ký ức và mang ra kể cho mọi người về những trải nghiệm đã bị lãng quên từ lâu giữa bao bộn bề công việc hàng ngày.

Một hôm, chúng tôi chuyển sang vấn đề tiền bạc trong cuộc sống của bà. Thời gian đó, mẹ tôi vẫn có thể tự ngồi được trên ghế và đi bộ quanh với một chiếc gậy. Chúng tôi ngồi ngoài hiên nhà trong một ngày nắng đẹp dễ chịu, tận hưởng những làn gió nhẹ mang đến những mùi hương thanh khiết của khu vườn với những loài hoa đang nở rộ. Chợt mẹ tôi bắt đầu kể lại rằng trước kia bà đã từng là một nhà gây quỹ thành công, và giờ bà rất tự hào vì tôi đã nối nghiệp của bà. Bà nói rằng công việc gây quỹ của hai chúng tôi chẳng hề giống nhau, bởi khi đó và bây giờ đã là hai thời đại hoàn toàn khác biệt. Khi đó, những người phụ nữ giàu có ở một chừng mực nhất định đều làm từ thiện gần như là vì bắt buộc. Bà kể, đối với một số người, “làm từ thiện” là để nâng cao vị thế xã hội của mình. Bà cũng thừa nhận rằng bản thân cũng có động cơ đó, nhưng khi hồi tưởng lại, bà thấy rằng những cơ hội cống hiến, đóng góp thời gian và công sức để tổ chức và gây quỹ là những trải nghiệm đẹp đẽ và quan trọng nhất trong suốt cuộc đời bà.

Bà vẫn nhớ như in dự án gây quỹ đầu tiên của mình. Lúc đó bà còn là một người vợ, người mẹ trẻ ở độ tuổi 30, sống tại Evanston, Illinois. Bà nhận nhiệm vụ gây quỹ cho một tổ chức từ thiện tại địa phương. Đó là một tổ chức của cộng đồng, bố trí nuôi nấng và chăm sóc các trẻ em mồ côi hoặc bị bỏ rơi và tìm kiếm cha mẹ nuôi cho chúng.

Giờ đây, khoảng nửa thế kỷ sau, bà vẫn nhớ như in cảm giác khi bà quyết tâm quyên góp cho được 25.000 đô-la để mở rộng tòa nhà chăm sóc trẻ và khu văn phòng làm việc của tổ chức. Đó là một mục tiêu lớn, gần như bất khả thi đối với tổ chức của bà lúc đó. Trong khi đó, mẹ tôi vẫn còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm, và chẳng hề biết phải làm thế nào. Nhưng dù sao thì cũng cần phải có ai đó đứng ra nhận trách nhiệm, và mẹ tôi đã làm vậy.

Mẹ tôi cùng với nhóm của bà đã thực hiện mọi dự án có thể để kiếm đủ số tiền đó. Họ tổ chức bán bánh gây quỹ, quyên góp quần áo cũ, và cả các chuyến thăm thú các khu vườn. Họ thực hiện một loạt các sự kiện gây quỹ quy mô nho nhỏ nối tiếp nhau.

Thời đó, người ta không hay kêu gọi các cá nhân đóng góp tiền bạc trực tiếp như bây giờ, nhưng những hoạt động kể trên cũng mang lại được một khoản đáng kể. Khi gần đến hạn chót của đợt quyên góp, họ chỉ còn cách mục tiêu của mình 5.000 đô-la nữa. Mẹ tôi kể, lúc đó, bà cảm thấy kiếm được số tiền 5.000 đô-la còn lại là một trách nhiệm cá nhân. Chính khi đó, bà mới thật sự đến với công tác gây quỹ với một trái tim hoàn toàn trong sáng, bởi bà nhận ra rằng có rất nhiều cặp vợ chồng đã từng nhận con ở trung tâm này, và sẽ sẵn lòng quyên góp nếu được biết rằng số tiền họ đóng góp có thể giúp các cặp vợ chồng khác có được may mắn như họ. Với cái nhìn đó, bà đã lập một danh sách các cặp vợ chồng nhận con nuôi và gọi đến hẹn gặp với từng gia đình. Bà kêu họ ủng hộ tiền. Mỗi nhà một ít, 250 đô-la, 500 đô-la và họ đã quyên góp đến khi đủ tiền. Vậy là bằng cách này, bà đã tự kêu gọi quyên góp được 5.000 đô-la, cuối cùng, cả đợt họ đã thu được tất cả là 26.133 đô-la.

Mẹ tôi đã kể rằng đợt gây quỹ đó đã dạy cho bà biết ở đâu mọi người cũng muốn tạo nên những điều khác biệt. Mọi người đều muốn một cuộc sống vui khoẻ và có ích cho chính mình và cả những người khác, và quyên góp tiền bạc là một trong những cách hiệu quả và kỳ diệu nhất mà chúng ta có thể dùng để tạo ra sự khác biệt. Bà nói rằng mỗi một cuộc gặp gỡ với các gia đình đó đều là một cuộc trò chuyện thân tình, đáng nhớ, và bà hiểu rằng đề nghị của bà là một món quà đối với họ.

Chúng tôi đã ngồi nói chuyện và suy ngẫm về những gia đình đã có những thay đổi nhờ đợt gây quỹ đó, cả những gia đình đã quyên góp tiền và cả những gia đình sau này đến nhận con nuôi ở khu nhà mới, tất cả họ đều được hưởng lợi đến trọn đời. Sau đó, chúng tôi nhận ra những đứa trẻ khi đó được nhận ra khỏi trung tâm giờ đây cũng đều khoảng 50 tuổi cả rồi. Họ đã được nhận về và nuôi dưỡng bởi những gia đình yêu thương và mong muốn có họ. Chính những đứa trẻ đó giờ đây cũng rất có thể đã có con và rất nhiều người đã có cháu, và hàng bao thế hệ sẽ được nối tiếp nhau sinh ra trong những gia đình tràn ngập tình yêu thương đó. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nhận ra rằng khoản tiền 26.133 đô-la mà mẹ tôi đã quyên góp được từ thủơ nào vẫn còn có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của những người đó cùng con cháu của họ. Khi bạn gây quỹ vì những quyết tâm cao cả nhất của mình – ví như đối với mẹ tôi, đó là quyết tâm giúp những đứa trẻ mồ côi trở nên được yêu thương và chăm sóc – những nguồn lực tài chính đó sẽ còn tiếp tục mang đến những vụ mùa không bao giờ cạn kiệt, cũng như những mục đích cao cả của số tiền đó. Chúng tôi nghĩ về những em bé được nhận nuôi sau đợt gây quỹ đó, từ cơ sở mới xây đó. Mẹ tôi coi mỗi đứa trẻ đó là một phần di sản mà mẹ tôi đã giúp trung tâm để lại cho đời. Chúng tôi đều rất xúc động với ý nghĩ đó, và với sức mạnh có thể thay đổi thế giới của những đồng tiền từ thiện.

Trong một câu chuyện khác, bà đã hồi tưởng lại tất cả những đợt gây quỹ lớn mà mình đã tổ chức: những chiến dịch vận động tài trợ cho viện bảo tàng, cho một tổ chức nhận trẻ mồ côi quốc tế, một buổi hòa nhạc giao hưởng của địa phương, câu lạc bộ cho các cậu bé, câu lạc bộ cho các cô bé, một chương trình phúc lợi cho những người Mỹ da đỏ ở miền Tây – nơi bà sống hiện nay, một học viện cho người mù, nơi cư trú cho các loài động vật, một trung tâm xóa mù chữ, trung tâm chăm sóc những người đang gần đất xa trời mà nay vẫn đang cử các nhân viên của mình đến chăm sóc bà, một trại nghiên cứu sinh thái, một dự án biến một số vùng sa mạc thành những môi trường sinh thái tự nhiên thuận lợi cho sự sống, một trại xây dựng các con đường dẫn lên núi qua các khu vực hoang dã. Khi bà liệt kê hết dự án này đến dự án khác, tổ chức này đến tổ chức khác, bà nhận ra rằng có lẽ mình đã gây được hàng triệu đô-la tiền quỹ từ thiện, giúp hàng triệu người trở nên hạnh phúc và còn giúp ích cho nhiều người khác.

Số tiền đó, mặc dù đã được sử dụng hết từ lâu, nhưng bằng rất nhiều cách vẫn còn phát huy tác dụng và thậm chí còn giúp ích cho cả bà nữa. Những con đường mòn xuyên qua các khu vực hoang dã đang được các cháu bà sử dụng, những nhân viên chăm sóc người hấp hối thì đang phục vụ bà và cả gia đình của bà, tiền bạc và lòng hào phóng mà bà đã đem đến cho cộng đồng giống như những khoản đầu tư giờ đây mang lại nhiều lợi ích cho bà. Những khoản tiền đó sẽ còn phát huy tác dụng mãi mãi, không bao giờ bị cạn kiệt, mà liên tục mang đến lợi ích cho tất cả mọi người. Đó là một nhận thức ấn tượng và là khoảnh khắc sâu lắng đối với cả hai chúng tôi.

Một vài ngày sau mẹ tôi nói bà muốn gửi lời cảm ơn đến những người ở quanh khu phố có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của bà, đặc biệt là những người đã thật sự tốt bụng và tử tế với bà. Bà coi những mối quan hệ đó là những kho báu vô giá, và bà muốn họ biết bà quý trọng họ như thế nào. Bà lôi ra cuốn danh bạ điện thoại và tìm đến mục Những trang vàng. Bà nhờ tôi gọi đến tiệm giặt là. Tôi bấm số rồi chuyển máy cho bà, bà đã hỏi gặp ông quản lý. Sau một vài giây cô thư ký chuyển máy cho ông quản lý, và mẹ tôi bắt đầu nói:

“Ông Ken à, tôi Tenney đây! Tôi chỉ còn sống được đến khoảng tháng chín này nữa thôi, và tôi đang nói chuyện với con gái về tất cả những người đã làm cho chặng đường cuối cùng này của cuộc đời tôi trở nên thật là đặc biệt. Ông đã giúp giặt đồ cho tôi trong suốt 20 năm qua, và tôi cảm thấy đã được ông và các nhân viên của tiệm quan tâm và giúp đỡ rất nhiều. Tôi rất quý trọng ông, và tôi muốn ông biết rằng khi một người già đi và không thể tự chăm sóc được nhiều cho bản thân, những người hàng xóm cung cấp những dịch vụ thiết yếu như thế này trở thành những người quan trọng trong cuộc sống của người đó. Tôi mong ông có thể thu xếp thời gian đến dự đám tang của tôi, và xin hãy ngồi ở dãy ghế đằng sau gia đình tôi. Tôi muốn ông gửi địa chỉ và số điện thoại cho con gái tôi để nó có thể mời ông tới đám tang khi đến lúc.”

Bà đã nói chuyện với Mary và Susan, nhân viên của tiệm giặt là đó, và nói với họ những điều tương tự, nhưng đi sâu hơn ở một số chi tiết về việc bà quý trọng họ đến như thế nào. Sau đó, bà gọi đến xưởng sửa xe và nói chuyện với người thợ đã chăm sóc xe của bà. Chúng tôi gọi đến quầy dược phẩm, cho cậu bé giao hàng, cho cô nhân viên quầy mỹ phẩm ở cửa hàng bà ưa thích. Chúng tôi gọi đến nhà hàng ưa thích của bà, một nhà hàng nhỏ kiểu Pháp, để bà nói chuyện với những người chủ nhà hàng và với Martine, cô phục vụ bàn yêu thích của bà. Bà đã nói với họ rằng thật đặc biệt khi được quen biết với họ cũng như được họ quan tâm tử tế. Chúng tôi gọi điện đến cho người thợ cắt tóc, chuyên gia mátxa trị liệu, và người thợ cắt móng tay của bà. Chúng tôi gọi cho những người đã mang thực phẩm đến cho bà.

Mỗi cuộc nói chuyện đều rất cảm động. Mọi người đều ngạc nhiên. Họ không quen nghe người khác cảm ơn công việc của họ, đặc biệt là với một người đang gần đất xa trời. Tôi đã ghi lại tên và địa chỉ của tất cả mọi người để có thể mời họ đến đám tang của bà khi đến lúc.

Sau đó. chúng tôi chuyển sang phân chia một phần số tiền còn lại của bà cho tất cả 11 đứa cháu và ba đứa chắt của bà. Dù số tiền không nhiều, nhưng bà muốn chia cho mỗi đứa thật sớm để chúng có thể kể cho bà nghe chúng muốn sử dụng số tiền đó như thế nào, để bà có thể được cùng sẻ chia niềm vui đó với chúng.

Chúng tôi thắp vài ngọn nến và bắt đầu. Chúng tôi tập hợp các bức ảnh trong cả nhà lại, và lần lượt đặt từng bức ảnh trước mặt bà khi bà kể lại những phẩm chất và chặng đường đời đặc biệt của từng đứa. Đôi mắt bà nhòa lệ khi bà vừa ngắm những bức ảnh của những đứa cháu và bày tỏ bà yêu từng đứa đến nhường nào, chúng đặc biệt ra sao, và rằng mỗi đứa bọn chúng là một món quà cho cuộc đời bà. Sau đó bà viết một tấm thiệp, một tấm séc, sau đó chúng tôi cho chúng vào chung một phong bì để chuẩn bị gửi đi. Mỗi phong bì đó mất đến nửa tiếng để chuẩn bị; với 11 đứa cháu và ba đứa chắt của bà, chúng tôi phải mất khoảng ba ngày mới làm xong. Đó là những ngày đẹp đẽ nhất trong đời mẹ tôi. Bà tập trung cao độ và xúc động đến mức nó tràn ngập tâm trí bà, và bà phải nghỉ trước khi tiếp tục với công việc vào ngày hôm sau.

Cuối cùng, sau khi tất cả mọi người trong nhà đều đã được ghi nhận và nhớ đến, bà bắt đầu quay lại với những kỷ niệm khác, bao gồm những trải nghiệm thể hiện cái tâm mà bà luôn gìn giữ trong vấn đề tiền bạc qua suốt ngần ấy năm. Bà nhớ lại các tổ chức từ thiện và dịch vụ cộng đồng mà bà đã đóng góp, nhớ đến những lần bà cho mọi người vay những khoản tiền đáng kể ngay cả khi biết rằng họ sẽ không trả lại. Bà cảm thấy rằng những khoản tiền đó đã được sử dụng đúng cách, bởi vậy chẳng có gì đáng phiền lòng. Chúng làm cho bà cảm thấy mãn nguyện, hạnh phúc, và hài lòng với cuộc đời mình. Đó là một cuộc đời mà bà cảm thấy là đã sống tốt.

Vào tuần lễ sau đó chúng tôi tính toán mọi chi phí cần thiết để chăm sóc bà trong một vài tháng tới và trang trải cho chính đám tang của bà, để đảm bảo không phải làm phiền đến ai khác.

Cuối đời mình, mẹ tôi không còn nhiều tiền. Nhưng bà lại rất tự hào vì điều đó. George Bernard Shaw từng nói: “Tôi muốn được vắt kiệt sức lực lúc cuối đời mình.” Mẹ tôi là đại diện tiêu biểu cho lối suy nghĩ đó. Bà nói rằng bà nhận ra mình đã sử dụng hết sức lực và nguồn lực tài chính mà mình được ban tặng. Bà đã được tận dụng triệt để theo cách tốt nhất. Sức sống và của cải vật chất của bà đã được sử dụng hết theo cách tốt nhất. Cuối cùng bà sử dụng toàn bộ phần còn lại để kỷ niệm, vinh danh và thể hiện tình yêu thương với mọi người.

Tất nhiên, mẹ tôi cũng phải chịu đựng những ngày khủng khiếp; những ngày đau đớn, những ngày buồn bực và giận dữ, nhưng cuối cùng, khi bà qua đời, cuộc đời bà đã thật sự trọn vẹn. Tôi nhớ là mình đã nghĩ rằng, Chúa ơi, đó quả là một cái kết, một cuộc đời! Và vào những tuần cuối cùng đó, bà đã làm cho tôi thấm thía về sức mạnh vĩnh cửu của những đồng tiền may mắn, những đồng tiền được định hướng bởi sự chính trực, những dự tính và sức mạnh trường tồn của tình yêu thương. Đó là một phẩn của di sản vĩ đại mà bà để lại.

Tôi nhớ sau lúc mẹ tôi mất vài phút, tôi bước vào căn phòng đặt thi thể của bà. Tôi có thể cảm thấy linh hồn của bà đã rời đi; sinh lực của bà đã không còn lưu lại trong thân thể đó nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác rõ nét về sự hiện hữu của bà trong căn phòng, sức lực của bà, sức mạnh của bà, sự rộng lượng và tình yêu thương của bà. Chúng vẫn ở đó. Tôi cảm nhận được rõ ràng đó chính là di sản của chúng ta: những dự tính mà chúng ta biến thành sự thực trên cõi đời này thông qua hành động của mình, qua những giao tiếp chúng ta gặp, qua các cuộc nói chuyện chúng ta tạo ra, qua những mối quan hệ chúng ta may mắn có được, và qua những cách chúng ta thể hiện tình yêu thương. Thông qua công cụ tuyệt với là tiền bạc, chúng ta có thể nói lên chúng ta là ai và chạm vào thế giới.

Khi chúng tôi có mặt trong đám tang, ngoài những người trong gia đình và bạn bè thân thiết còn có tất cả những người chúng tôi đã gọi điện – người thợ giặt là, người thợ cơ khí, người đầu bếp và cô phục vụ bàn, cậu bé giao hàng, tất cả mọi người đều đến. Đó là những người đã cung cấp những dịch vụ mà mẹ tôi đã phải bỏ tiền ra mua nhưng họ cũng cảm thấy gắn bó tha thiết với cuộc đời bà bởi bà đã cho họ được bước vào.

Bà đã dành cho họ sự quý trọng và biết ơn vô hạn, và tôi biết rằng nó vẫn còn đọng lại cho đến tận bây giờ trong cuộc sống của họ. Mẹ tôi đã góp phần làm cuộc đời họ rạng rỡ lên bằng lòng quan tâm khi gọi những cuộc điện thoại rất giản dị đó. Những đứa cháu của bà thì được ban tặng những món tiền nhỏ mà bà đã dành cho chúng khi còn sống, và bà đã rất thích thú khi được nghe chúng kể về những dự định sử dụng tiền. Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi bà mất, nhưng tiền bạc của bà, tình yêu thương của bà vẫn và sẽ còn tiếp tục hiện diện nhiều năm nữa.

Di sản của mẹ tôi để lại một phần là sự tôn vinh lối ứng xử của bà trước các vấn đề về tiền bạc, và một nhận thức rõ ràng về sự viên mãn trọn vẹn trong cuộc sống. Qua những hoạt động gây quỹ hỗ trợ những người mà bà cảm thấy công việc của họ là quan trọng, qua những di sản bà để lại cho con cháu trong gia đình, và sự quý trọng bà dành cho những người vốn chỉ biết đến bà như một người khách bình thường trong khu phố, bà đã khiến tôi ngộ ra sự khác biệt to lớn mà một người có thể tạo ra trong cuộc sống của mọi người. Đó là sự hồi tưởng lại những khoảnh khắc kết nối thông qua tiền bạc của chúng ta, có lẽ là sâu đậm hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng; và những khoảnh khắc chúng ta hành động theo sự mách bảo từ trái tim; chính những khi đó, tiền bạc của chúng ta thể hiện con tim của chúng ta – kho báu thật sự của chúng ta. Bà không phải là một bà hoàng giàu có; mà chỉ là một người đóng góp nhiệt tâm và hào phóng vì cuộc sống và công việc của những người khác, những người mà bà săn sóc bằng chính thời gian, sức lực và tiền bạc của mình, từ khi bà còn là một phụ nữ trẻ đến khi bà qua đời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.