Linh Hồn Của Tiền
ĐỂ LẠI DI SẢN: KIẾN TẠO MỘT CUỘC ĐỜI ĐẦY ĐỦ
Khi tôi và Bill nhận ra rằng chúng tôi đang lạc trong bài mê hồn ca của thành công – khi con chúng tôi còn nhỏ – chúng tôi không chỉ bỏ lỡ nhiều niềm vui sẵn có trong cuộc sống, bằng cách dạy cho những đứa con ưa tìm hiểu, khám phá của mình từ những thứ nhỏ nhặt, đơn giản nhất; thậm chí chúng tôi đã nêu một tấm gương xấu cho chúng. Trong khi mải mê với việc kiếm tiền, gây ấn tượng với người khác, cố gắng đạt được những thứ biểu trưng cho sự thành đạt, và dồn sự tập trung cũng như chú ý của mình vào sức mạnh nghiễm nhiên của tiền bạc, chúng tôi đã vô tình gửi đến những đứa con của mình thông điệp về những điều quan trọng đối với một người “trưởng thành”.
Nếu như không có Buckminster Fuller và Dự án Xóa đói, thì chúng tôi vẫn mãi sống trong sự lầm lạc đó, nhưng chúng tôi đã hết sức may mắn. Chúng tôi đã có thể tự xác định lại được bản thân, trở nên coi trọng việc tạo ra sự khác biệt hơn việc tạo ra một gia tài.
Ở thời điểm bản lề này, Bucky đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống và công việc của tôi. Vào một buổi tối chúng tôi đã rất vinh dự được mời anh đến ăn tối tại nhà chúng tôi. Ba đứa con tôi lúc đó mới lên sáu, tám và mười tuổi. Tôi, Bill và Bucky cùng lũ trẻ ngồi quây quanh bàn ăn. Bucky thường được người ta gọi là “Vị cha già của Tương lai” và thật là thú vị – một món quà ý nghĩa – khi được thấy anh ngồi đó với lũ trẻ của chúng tôi, cùng chia sẻ một bữa tối thân mật, giản dị do chúng tôi tự nấu. Chợt Summer, cô con gái tám tuổi của tôi, bỗng nói một điều gì đó rất sâu sắc theo cách mà bọn trẻ con vẫn thường làm, nói lên một sự thật sâu thẳm bằng hiểu biết ngây thơ của mình. Lời nhận xét của cô bé làm ngỡ ngàng cả ba người lớn bên chiếc bàn ăn – cả tôi, Bill và Bucky – chúng tôi chợt đưa mắt nhìn nhau, xúc động thật sự bởi sự thông thái trẻ con.
Sau đó Bucky đã nói ra một điều khiến cho cuộc sống và mối quan hệ với tiền bạc của tôi thay đổi mãi mãi. Anh đã nói với tôi và Bill, “Hãy nhớ, con cái của các bạn chính là những bậc tiền bối của các bạn xét theo thời gian của vũ trụ. Chúng đã bước vào một thế giới phức tạp và tiến bộ hơn nhiều so với những gì các bạn hay tôi có thể biết. Chúng ta chỉ có thể quan sát vũ trụ đó qua đôi mắt của chúng.”
Coi các con của mình là những “bậc tiền bối theo thời gian của vũ trụ” quả là một suy nghĩ vừa lạ lẫm vừa hứng khởi đối với tôi. Tất cả những sự kiện then chốt và các tiến bộ công nghệ của thời đại ngày nay, những thứ lôi cuốn chúng ta thì đều đã là quá khứ đối với con cái chúng ta, là mảnh đất dưới chân chúng, ươm mầm cho những ước mơ và nỗ lực vĩ đại nhất theo những cách mà chúng ta chẳng thể tưởng tượng ra. Nhưng con cái chúng ta thì có thể làm vậy và thật sự đã làm vậy. Điều đó có nghĩa là gì, khi chúng được thừa hưởng một thế giới nơi mà những chiếc máy tính, phương tiện đi lại và công nghệ tốc độ cao đã khiến “cộng đồng thế giới” không còn là một khái niệm trừu tượng nữa, mà là một thực tại hiển hiện trước mắt? Điều đó có nghĩa là gì, khi chúng được lớn lên trong một thế giới nơi mà sự đầy đủ là nghiễm nhiên, nơi mà sự rộng lượng và hợp tác là những điều kiện chủ đạo của con người?
Tôi thấy lũ trẻ đang định hướng cho chúng tôi cũng giống như chúng tôi đang định hướng cho chúng, tất nhiên là theo một cách khác, và mặc dù tôi vẫn luôn biết rằng chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều từ các con của mình. Tôi chưa bao giờ từng nhận ra sự thực sâu sắc này về mối quan hệ giữa những người chúng tôi. Nó đã thay đổi nhận thức của tôi về mọi thứ và tôi bắt đầu dựa vào chúng – những “bậc tiền bối vũ trụ” – để nắm bắt lấy một thế giới quan vừa đậm chất tương lai, vừa chính xác và tiến bộ.
Lắng nghe chúng chính là khẳng định bản năng tự nhiên và tôn trọng những hiểu biết tự nhiên của chúng để khiến nó phát triển hơn nữa và mang lại lợi ích. Tôi nhận thấy rõ ràng rằng khi chúng ta dành cho con cái mình sự tôn trọng, chúng sẽ đào sâu hơn sự thông thái tự nhiên của mình và trở nên vững vàng hơn trước những ngộ nhận về sự thiếu thốn, trước những cơn khát có thêm tiền bạc, thêm đồ dùng như một trào lưu thương mại và văn hóa. Di sản mà chúng cần ta để lại không phải là tiền, mà là một lối sống có thể làm cho chúng trở nên sáng tạo, bền bỉ và được thể hiện hết mình trước thế giới dù số tiền chúng có là nhiều hay ít, và bất kể các nguồn lực khác tuôn chảy qua cuộc đời chúng ra sao.
Trong những năm đầu của Dự án Xóa đói, căn nhà của chúng tôi trở thành nơi trú chân cho rất nhiều người. Đó là nơi nghỉ chân khi bạn bè tôi đến thăm San Francisco, nhưng đó còn là nơi một người bạn của tôi đến nghỉ ngơi sau vụ ly dị; nơi một người khác hồi phục sức khoẻ sau một quãng thời gian vật lộn với bệnh ung thư. Mỗi khi các nhân viên của Dự án Xóa đói đến từ các quốc gia khác như Ethiopia hay Ấn Độ, họ sẽ đến ở nhà tôi một vài tuần. Tôi nhớ là cô Lalita, giám đốc của chúng tôi từ Ấn Độ đến, đã sống trong phòng làm việc, còn những đồng nghiệp của cô, Naji và Shalini thì dùng căn phòng dành cho khách, trong khi đó, Hiroshi và Janet đến từ Nhật Bản thì ở phòng chơi game dưới tầng hầm, còn Tunde Fafunwa đến từ Nigieria thì ngủ trong một chiếc túi ngủ đặt dưới chiếc đàn pianô. Con cái tôi lớn lên trong môi trường mà con người ở các nền văn hóa khác nhau liên tục đến rồi đi, chia sẻ thời gian, bữa ăn và những phút giây vui vẻ với gia đình tôi, biết và thể hiện ra rằng chúng tôi luôn có đủ để sẻ chia với bất kỳ ai đang và sẽ đến.
Việc chia sẻ này đôi khi cũng hơi quá mức đối với chúng, nhưng cho phép chúng trải nghiệm sự giàu có thật sự khi luôn có đủ nguồn lực để chia sẻ với bất kỳ ai cần đến ở với chúng tôi. Điều này đã làm cho cuộc sống của chúng tôi giàu có hơn rất nhiều. Những gì bạn chia sẻ chính là những gì bạn củng cố thêm, và những gì bạn sẻ chia sẽ tồn tại mãi mãi như một di sản thực thụ của bạn.
Đây chính là di sản mà chúng ta có nguy cơ đánh mất – lũ trẻ của chúng ta cũng có nguy cơ đánh mất – trong môi trường thương mại bao bọc chúng từ khi sinh ra. Trong ngành quảng cáo và tiếp thị mà người ta mệnh danh là “từ chiếc nôi đến nấm mộ,” có một chiến dịch được tính toán cặn kẽ nhắm đến những đứa trẻ với tư cách là những khác hàng tiềm năng ngay từ những khoảnh khắc đầu đời, gieo rắc những mầm mống dối trá của sự thiếu thốn, và củng cố thêm ngộ nhận về cái gọi là càng nhiều càng tốt.
Trung tâm giấc mơ mỹ kiểu mới, một tổ chức hoạt động xã hội và định hướng người tiêu dùng có uy tín đã từng viết rằng “trẻ em ngày nay được tiếp xúc với nhiều loại quảng cáo trên tivi, ngoài đường phố, trong cửa hàng,… các nhà làm quảng cáo đang công khai thu hút trẻ em trên quy mô chưa từng thấy, đổ xô đi xây dựng niềm tin vào thương hiệu ngay từ giây phút đứa trẻ đủ khả năng phân biệt lô-gô của các công ty với nhau hay nhại lại những câu quảng cáo. Các nhà làm quảng cáo ngày nay nhắm tới lũ trẻ bởi chúng là nơi họ sẽ gieo trồng hạt giống của chủ nghĩa đại tiêu thụ.”
Trong một nền văn hóa tiêu thụ, thương mại và luôn náo nhiệt này, thật khó để có thể nuôi lớn lũ trẻ con và dạy cho chúng nhận ra được khái niệm về sự đầy đủ ít được thừa nhận này, mặc dù đó chính lại là điều sẽ mang lại cho chúng những chiếc chìa khóa dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc và thỏa mãn. Trẻ con thì bẩm sinh đã rất tò mò và ưa khám phá; thế giới chính là nơi chúng tận hưởng niềm vui và khám phá các cơ hội. Chúng phát triển lành mạnh trong tình yêu thương và sự bao bọc của chúng ta, và mang đến cho chúng ta một món quà, chính là niềm vui của chúng, tính hiếu động của chúng và cảm nhận bẩm sinh về các khả năng của chúng.
Làm thế nào chúng ta có thể định hướng cho con cái mình có được một mối quan hệ chân thực với tiền bạc, khi mà nền văn hóa tiêu thụ thúc đẩy chúng muốn và mua những thứ chúng không thật sự cần? Làm sao để chúng ta có thể truyền cho chúng sức mạnh để có thể sống chính trực trước những cám dỗ đó? Chúng ta có thể giáo dục chúng về sự sai lạc và những ngộ nhận về sự thiếu thốn, và ta có thể xây dựng một bối cảnh cho sự đầy đủ. Trung tâm Giấc mơ Mỹ kiểu Mới đã đưa ra các gợi ý rất thực tế sau đây:
Hãy giúp con bạn hiểu được rằng mọi sản phẩm đều được làm từ những vật liệu khai thác từ Trái đất, và những sản phẩm vật chất đó không tự nhiên mà biến mất khi chúng được ném vào bãi rác.
Hãy dạy cho con bạn biết điều gì xảy ra với những phế liệu đó. Khi chúng ta tiêu thụ hàng đống các sản phẩm từ nhựa, các sản phẩm được đóng gói kỹ càng hay dễ vỡ, chúng ta đang để lại gánh nặng cho các thế hệ tương lai.
Hãy tìm ra các nguồn tài nguyên để tạo ra các sản phẩm thân thiện với Trái đất, bền vững, được làm từ các loại vật liệu có thể phân hủy sinh học hay các vật liệu tái chế.
Hãy làm gương cho con bạn. Tránh mua sắm tùy hứng. Hãy hạn chế tiêu thụ các sản phẩm khiến Trái đất kiệt quệ.
Hãy chỉ cho con bạn những cuốn sách và các nguồn thông tin khác để củng cố thêm những thông điệp này.
Hãy để chúng biết rằng cơn lốc tiêu xài, nợ nần, tích luỹ của cải bằng mọi giá là một phần không lành mạnh trong nền văn hóa của chúng ta, và chúng không nên để bị cuốn vào vòng xoáy đó. Hay cho chúng biết rằng có những lúc những tiếng gọi đó sẽ rất khó cưỡng lại, nhưng chúng phải mạnh mẽ hơn những tiếng gọi đó.
Hãy công khai xem xét lại cách ứng xử trước những đồng tiền chảy qua cuộc đời bạn để đánh giá xem các hành động của bạn có tạo điều kiện thuận lợi cho một lối sống lành mạnh, bền vững cho tất cả mọi người hay không. Hãy mời các con bạn tham gia vào quá trình cân nhắc, suy ngẫm và quyết định liên quan đến tiền bạc và mời chúng cùng đóng góp ý kiến.
Điều giá trị và hữu dụng hơn bất kỳ số tiền nào chính là việc để lại cho con cái chúng ta một mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc. Hãy giúp chúng hiểu rằng tiền đến rồi đi, rằng đó là điều nên khuyến khích, và rằng đó là một niềm hạnh phúc khi có thể định hướng cho dòng chảy của tiền bạc để hỗ trợ cho những quyết tâm cao cả nhất của chúng. Hãy giúp chúng hiểu, thể hiện rõ nét qua ngay chính cuộc đời bạn, rằng chỉ cần bạn trân trọng những nguồn lực nội tại của mình, là bạn đã có đủ những gì cần thiết để đương đầu với những thử thách của hoàn cảnh bên ngoài. Hãy giúp chúng trải nghiệm sự giàu có thực thụ, những nét đẹp và an lành của một cuộc sống tràn ngập sự kết nối giữa người và người, tràn ngập những định hướng đầy cảm hứng, sẻ chia và đầy trách nhiệm, thay vì chỉ tích luỹ của cải tiền bạc vô độ.
Một bài thơ Sufi rất được ưa thích do Hazrat Inayat Khan sáng tác mang lại cho chúng ta một cái nhìn hữu ích:
Tôi xin Người sức mạnh
Người cho tôi thử thách
Để rèn sức của mình.
Tôi xin Người trí tuệ
Người cho tôi khó khăn
Để tìm cách vượt qua.
Tôi xin Người giàu sang
Người cho tôi sức khoẻ
Để lao động hết mình.
Tôi xin Người can đảm
Người cho tôi hiểm nguy
Để quyết chí vượt qua.
Tôi xin Người tình yêu
Người cho tôi biết đến
Những con người khốn khổ
Để hết lòng cưu mang.
Tôi xin Người đặc ân
Người cho tôi cơ hội
Để vượt lên chính mình.
Tôi không được Người ban
Những gì mà mình muốn
Nhưng tôi đã nhận được
Mọi thứ mà mình cần.
Di sản chúng ta để lại trước hết là ở nhà và cho gia đình dù chúng ta có con cái hay không, nhưng nó cũng mở rộng đến môi trường làm việc và kinh doanh. Ở đó chúng ta có cơ hội thay thế các hệ thống dựa trên sự thiếu thốn, những yếu tố thúc đẩy tâm lý kiếmlợinhuậnbằngmọigiá, bằng các công việc kinh doanh, quản lý và các triết lý kinh tế xây dựng trên nền tảng của các nguyên lý và hoạt động của sự bền vững.
Tại công ty sản xuất rượu nho Fetzer Vineyards, Paul và các đồng nghiệp của mình đã áp dụng các công đoạn sản xuất thân thiện với môi trường và với Trái đất vào việc tạo ra những loại rượu hảo hạng. Các loại rượu của anh đoạt rất nhiều giải thưởng và công ty của anh thì đang làm ăn có lãi và phát triển thịnh vượng, trong khi tạo ra một mô hình sản xuất rượu thương mại kiểu mới cho toàn thế giới. Tầm nhìn cũng như hành động của cá nhân anh với tư cách là một lãnh đạo doanh nghiệp đang để lại một di sản của sự đầy đủ và thịnh vượng cho chính ngành sản xuất rượu và cho tất cả những người đang tiếp bước theo anh.
Rất nhiều doanh nhân cũng như những người khác trong quá trình tiếp cận công việc cá nhân của mình cũng đang vận dụng những nguyên tắc này. Cuối cùng, tính bền vững là một lời khẳng định đảm bảo sự đầy đủ cho tất cả mọi người ở mọi nơi trên thế giới và cho tất cả các thế hệ về sau. Những ngộ nhận về sự thiếu thốn là một di sản đã lùi vào dĩ vãng từ lâu. Quyết định lựa chọn con đường phát triển bền vững là một phần của việc để lại một di sản của sự đầy đủ trong quá trình kinh doanh, khi thực hiện nghĩa vụ làm cha mẹ, hay khi lãnh đạo một tập thể nào đó, và chính di sản đó đang tích cực thay đổi thế giới của chúng ta mỗi ngày.
Những thứ chúng ta mua sắm, đầu tư hay đóng góp có thể tạo nên thế giới của chúng ta. Những nguyên tắc về sự đầy đủ kết nối chúng ta với những sự thật sâu thẳm hơn và các giá trị sâu lắng hơn để gieo cấy một tương lai hạnh phúc, tự do và tự chủ ngay trước những truyện thần thoại về sự khan hiếm và thiếu thốn.
Nhà khoa học – tương lai học Willis Harman đã từng nói: “Xã hội mang đến tính chính danh và cũng có thể mang nó đi”.
Chúng ta có thể rút ra tính chính danh từ ngộ nhận về sự khan hiếm.
Dù chúng ta có nhiều hay ít tiền, chúng ta luôn có thể sử dụng tiền bạc của mình để tôn vinh cuộc sống, thay vì cố tranh giành để có được nhiều tiền hơn và bị ám ảnh bởi số tiền chợt đến và chợt rời khỏi cuộc đời chúng ta.
Chúng ta có thể từ bỏ sự khan hiếm để đến với sự đầy đủ, ngừng than vãn để bắt đầu quyết tâm, và thôi ganh ghét đố kỵ để mở lòng cho những biết ơn.
Chúng ta có thể tận dụng lập trường của mình, sức mạnh của việc đối thoại và sự tập trung có chủ đích vào các di sản của mình, để thay đổi giấc mơ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.