Linh Hồn Của Tiền

ĐIỀU PHIỀN TOÁI CỦA CÔNG TÁC TỪ THIỆN VÀ “BÀN TAY GIÚP ĐỠ”



Có một câu châm ngôn: “Nếu bạn đến để giúp tôi, thì bạn đang chỉ lãng phí thời gian mà thôi, còn nếu bạn đến với tôi vì chính sự giải thoát của bạn được ràng buộc với tôi, thì chúng ta hãy cùng hợp tác.”

Là một người gây quỹ, tôi điều phối, tổ chức các mối hợp tác và đã thật sự dấn thân rất sâu vào thế giới cho-và-nhận của công tác từ thiện. Tuy nhiên, ngược lại với những gì tốt đẹp, thánh thiện mà chúng ta thường thấy, tôi cũng đã nhìn thấy được những mặt tối tăm, gian dối trong công tác này. Thật khó mà tưởng tượng được tại sao từ thiện lại có thể có mặt tối và gian trá, nhưng đây là sự thật.

Tôi bắt gặp mặt tối của công tác này rất nhiều năm về trước tại Chicago, khi tôi đã nhận tấm séc trị giá 50.000 đô-la từ vị tổng giám đốc của một công ty thực phẩm, rồi mãi về sau mới phát hiện ra đó là khoản tiền tội lỗi, một món tiền nhằm lấp liếm một số lỗi hớ hênh trong khâu tiếp thị của họ. Tôi còn gặp điều đó ở Bombay, nơi những người ăn mày hiển nhiên là sẽ sẵn sàng gây tật nguyền cho con cái mình chỉ để nài ép những người khách du lịch cho họ tiền, và những đồng tiền họ kiếm được bằng cách này chỉ càng làm cho sự lạm dụng đó tái diễn, và cuối cùng tạo nên một vòng luẩn quẩn của cuộc đời ăn xin. Tôi cũng đã thấy điều đó trong cách mà những người giàu có làm từ thiện để đánh bóng hình ảnh của mình trước công chúng, hoặc sử dụng tiền bạc để thu hút sự chú ý hoặc lợi dụng những người đang trong cơn cùng quẫn.Nó còn xuất hiện trong cái cách một số những tổ chức, những chương trình và một số cá nhân nép mình để bợ đỡ nhằm moi móc tiền bạc hoặc ân huệ của những người giàu.

Mặt tối cũng bộc lộ ra tại những đất nước khó khăn, nơi những lượng tiền và lương thực viện trợ khổng lồ rốt cuộc lại rơi vào tay những quan chức tham ô, càng tạo điều kiện cho họ củng cố sự bóc lột của mình đối với những người nghèo đang phải vật lộn với khó khăn, hoặc những nơi mà những người nhận viện trợ lại trở nên lệ thuộc vào các nguồn này. Thậm chí, nó cũng xuất hiện ngay trong những hoạt động nhân đạo vẫn luôn diễn ra hàng ngày, khi người cho và người nhận chẳng muốn dính dáng gì đến nhau: người cho như muốn giải thoát tiền bạc khỏi tay mình do mặc cảm tội lỗi.

Tiền được chuyển từ tay người có sang cho người không có, điều này càng tô đậm thêm quan niệm sai lầm rằng chỉ có bên “có” và bên “không có”, thay vì là hai bên sở hữu các nguồn lực khác nhau, gặp gỡ và trao đổi chúng với nhau để cả hai cùng có lợi.

Một dấu tích đau đớn của công tác từ thiện phóng tay và thiếu định hướng có thể được thấy rõ ở Ethiopia khi tôi còn ở đó vào đầu những năm 1990. Sáu năm trước đó, chương trình gây quỹ trên truyền hình lớn nhất thời bấy giờ, Live Aid đã được tổ chức, và đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của dư luận thế giới đối với nạn đói thảm khốc diễn ra vào năm 1984 tại Thung lũng Vực thẳm ở Ethiopia. Hàng triệu đô-la tiền viện trợ và lương thực đã được chuyển đến để đẩy lui sự chết chóc. Ethiopia và người dân nước này đã lọt vào tâm điểm dư luận thế giới trong vòng vài tuần. Hình ảnh những khuôn mặt hốc hác, đói kém, gầy mòn được phát sóng đi đã làm rung động con tim của các nước phát triển đến mức làn sóng đóng góp từ thiện đã
ồ ạt dồn đến, tràn ngập các tổ chức đang nỗ lực đẩy lui nạn đói và cứu trợ dân chúng.

Mặc dù số tiền đó đã mang lại nhiều điều có ích và cứu sống được rất nhiều người, nhưng khi tôi trở lại đó vào sáu năm sau, tôi vẫn bắt gặp những người còn đang ở trên bờ vực của cái chết, những người đã đánh mất đi ý thức tự lực và vẫn trông chờ thế giới đến cứu họ lần nữa. Giờ đây, không còn những dòng chữ lớn trên các phương tiện truyền thông cũng như các chương trình phát sóng trên tivi, họ chìm đắm trong bất lực và tuyệt vọng, trong khi cộng đồng quốc tế đã chuyển sang giải quyết những cuộc khủng hoảng ở nơi khác. Đã có những buổi nói chuyện về sự “mất hứng thú của những nhà từ thiện” và nguồn đóng góp đã suy giảm đến gần như con số không.

Trong những tuần làm từ thiện đó, dường như thế giới các nước giàu có đã làm vậy để xoa dịu sự bất an của bản thân về tình hình lúc bấy giờ hơn là thật sự giải quyết vấn đề cho Ethiopia.Vì vậy ngay khi tình hình đã trở nên bớt căng thẳng, sự chú ý cũng như tiền bạc đã kéo đi nơi khác. Mặt khác, người dân Ethiopia cũng đã biết được rằng họ cần phải tiếp tục giơ những đứa bé đang chết đói lên trước ống kính truyền hình thì mới có thể thu hút được sự chú ý mà họ đặc biệt cần tới, để có thể khiến cho tiền và hàng viện trợ lại tiếp tục đổ về phía họ. Cũng giống như trường hợp những người ăn xin có tổ chức tại Bombay đã tìm cách để moi móc của bố thí.Tôi bắt đầu thấy mối quan hệ giữa các đối tượng cho và nhận từ thiện ở đây, dựa trên cơ sở của sự thương hại và cảm thông cho “những người nghèo khó”, giống như một dạng lạm dụng sự nghèo đói khiến cho tất cả các bên liên quan đều trở nên suy đồi.

Tôi đã nhiều lần chứng kiến cái giá của mặt tối này trong quá trình hoạt động của mình ở các nước đang phát triển. Tôi đã gặp nhiều người còn rất nặng tư tưởng lệ thuộc. Tôi đã thấy hậu quả của việc nhận thức không đúng đắn về công tác từ thiện ở khắp nơi trên thế giới, thật sự nó đã len lỏi vào nhiều tổ chức, nhiều gia đình, và vào các mối quan hệ giữa các quốc gia, nơi mà người ta “giúp đỡ” nhau theo kiểu rất gia trưởng – từ trên xuống – và nó đã tạo ra sự lệ thuộc và những người bị lệ thuộc, thay vì khích lệ sự tự lực và một mối liên hệ tương thuộc tích cực. Nó làm cho tất cả mọi người trở nên tầm thường.

Dù là giữa các quốc gia với nhau, hay giữa những khuôn khổ nhỏ hơn như cộng đồng hoặc gia đình, khi những người quyên tiền tự coi mình là những người ra tay cứu giúp nhân từ, thì những “người nhận tiền” sẽ không thể tự tạo ra cho mình ý thức về sự tự lực hay giá trị bản thân. Những người ra tay cứu giúp đã bỏ lỡ một trải nghiệm đầy tính nhân văn về sự tương thuộc tích cực, còn những người nhận tiền thường tự cảm thấy mình là người vô dụng, thay vì là một đối tác có ích mà họ có thể trở thành. Không có cách nào để những người giàu có thể thật sự thay đổi bất cứ điều gì nếu như thiếu đi sự nhiệt huyết và quyết tâm của những đối tác thật sự biết cần phải làm gì. Chỉ khi người ta nhận ra sự thực đó, đề cao và đưa nó vào áp dụng vào trong các mối hợp tác của mình thì họ mới có thể xây dựng được những giá trị lợi ích trường tồn. Thiếu vắng đi quyết tâm đương đầu với thử thách như những thành viên trong một cộng đồng, thì công tác từ thiện sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà sẽ chỉ giúp chúng ta tạm thời lảng tránh được chúng. Xã hội đã dạy cho chúng ta cách đưa tay ra giúp đỡ và nhận lấy giúp đỡ, trong khi, trên thực tế, điều thật sự cần là sự hợp tác toàn tâm toàn ý.

Có sự khác biệt mà chúng ta cần làm rõ giữa công tác từ thiện và sự đoàn kết mà chúng ta bắt gặp phải trong quá trình hợp tác. Tad Hargrave, một điều phối viên của tổ chức Thanh niên vì Môi trường Lành mạnh (YES), đã diễn giải điều này thật tinh tế:

Từ thiện chỉ thật sự ý nghĩa nếu nó được đặt trên nền tảng của sự đoàn kết… Trong khi từ thiện có thể giúp đỡ những con người đang bị kết án bởi thể chế xã hội, thì sự đoàn kết buộc chính thể chế đó phải bị kết án. Nó không chỉ mang đến những nguồn lực, mà nó còn tích cực thay đổi ngay chính các thể chế mà đã phân phối các nguồn lực một cách bất bình đẳng, bóc lột người này để phục vụ người khác. Trong khi đó, đoàn kết lại nói: “Tôi không muốn hưởng lợi từ một thể chế bất công.”… Sự đoàn kết ra đời là nhờ chúng ta hiểu rằng chúng ta đều có liên kết với nhau, vì vậy quan niệm “chúng ta” chống lại “chúng nó” là hết sức sai lầm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.