Linh Hồn Của Tiền

BẢY CON NGƯỜI VĨ ĐẠI



Bangladesh là một quốc gia châu Á có trên 130 triệu dân sống trên một diện tích rộng ngang với bang Iowa. Đó đã từng là một mảnh đất giàu có với những khu rừng rậm nhiệt đới, thảm động thực vật phong phú, và một kho tàng tài nguyên thiên nhiên. Vào những năm 1900, các cánh rừng bị tàn phá trơ trụi để phục vụ cho lợi ích của nước ngoài, những người mau chóng đến rồi lại đi. Vùng đất này kiệt quệ bởi chiến tranh và những hậu quả của chính sách đất đai kém hiệu quả. Khi lớp cây cối và thảm thực vật đã từng phát triển mạnh bị mất đi, những cơn lũ theo mùa càng gây ra những thiệt hại lớn hơn cho đất và người nơi đây. Được Liên hợp quốc xếp là nước nghèo thứ hai trên thế giới vào cuối những năm 1970, Bangladesh đã đón nhận một cơn lũ khác – cơn lũ viện trợ. Trong một khoảng thời gian ngắn, nước này hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ từ bên ngoài. Bangladesh bắt đầu nổi tiếng toàn cầu là nghèo túng và vô vọng, là một chiếc bát ăn xin khổng lồ, và ngay trên đất nước này, người dân cũng bắt đầu nhìn nhận chính mình theo cách đó. Họ tin rằng mình là những người vô vọng, vô ích, phải phụ thuộc vào người khác nếu muốn tồn tại.

Dần dần, ở nhiều nơi, làng mạc và các cộng đồng tan rã. Những người trong các làng gần quận Sylhet cũng bắt đầu buông xuôi. Họ bàn nhau rời khỏi vùng và tìm kế sinh nhai ở nơi khác, hoặc cử những người đàn ông đến các thành phố, thị trấn lớn hơn để tìm việc làm sống qua ngày, rồi gửi tiền về nhà để chu cấp cho gia đình đang trong cơn bần hàn.

Sylhet nằm ở vùng đồi núi phía Bắc của Bangladesh, vừa đủ cao ráo để tránh được những đợt lụt hàng năm nhấn chìm các khu vực đất thấp xung quanh. Vùng đồi núi khô cằn từ lâu đã bị biến thành vương quốc của một loại cây dại đầy gai, mọc thành bụi, chỉ cho ra sản phẩm duy nhất là một loại quả độc. Các bụi cây đan ken vào nhau thành một bức tường khổng lồ, dày, nguy hiểm và không thể vượt qua. Cả khu vực um tùm đã được quy định là đất chính phủ, và nông dân địa phương không được phép canh tác trên đó.

Nhưng loài cây độc mọc thành từng bụi rậm ấy vẫn tiếp tục tràn sang cả những mảnh đất nhỏ mà dân làng vẫn trồng trọt; xâm lấn đất của cây trồng và đầu độc cả vùng đất.

Trong nhiều thế hệ, những người dân trong làng đã cố gắng duy trì cuộc sống tạm bợ nhờ trồng trọt trên những khoảnh đất nhỏ được nhà nước cấp. Tuy nhiên, ngay cả điều đó nay cũng trở thành một nhiệm vụ bất khả thi. Những người trẻ phải đi ăn xin trên đường hoặc ăn cắp vặt. Tội phạm ở mức cao chưa từng thấy. Vậy là những người dân làng đã từ bỏ những mảnh đất cằn cỗi và kém màu mỡ của mình, sẵn sàng cho những bước đi quyết liệt. Rất nhiều người chuẩn bị rời bỏ làng, đưa gia đình đến nơi khác, hoặc từ bỏ hy vọng đoàn tụ gia đình, cử những người đàn ông đến nơi khác tìm việc làm. Những cuộc trò chuyện giữa những người dân làng chỉ xoanh quanh những chuyện khẩn cấp và thực dụng. Người ta có thể chuyển đến đâu sinh sống, hoặc cử những người đàn ông đến nơi nào, để có thể trồng trọt hoặc kiếm tiền đủ để chu cấp cho gia đình. Người ta còn bàn đến chuyện xin viện trợ tài chính của Mỹ để có thể mua thực phẩm và các loại hàng hóa khác mà chẳng hề phải dốc sức lao động. Họ đã buông xuôi. Họ mệt mỏi và cam chịu. Họ cảm thấy giải pháp chắc hẳn nằm ở nơi nào đó khác, một người nào đó khác. Họ cảm thấy không thể tự mình tìm ra nó.

Chính vào khoảng thời gian này, Dự án Xóa đói bắt đầu hoạt động mạnh ở Bangladesh. Trước đó đã có rất nhiều tổ chức cứu trợ độc lập ở Bangladesh, thực hiện những công việc can đảm và có sức động viên lớn. Tuy nhiên, làm thế nào để cải thiện tình hình bền vững là sáng kiến của chính những người Bangladesh. Ngân hàng nổi tiếng hiện nay, Grameen, do Tiến sĩ Muhammed Yunus sáng lập, đưa ra một chương trình tín dụng vi mô, cấp những khoản vốn kinh doanh nhỏ cho phép những người phụ nữ nghèo túng nhưng chăm chỉ làm lụng được vay. Còn BRAC là một sáng kiến phát triển nông thôn do nhà lãnh đạo người Bangladesh Faisal Abed đề xuất ra. Sáng kiến đã gặt hái được thành công đáng kể tại trong khi những người bên ngoài thiếu am hiểu về người dân nơi đây đã thất bại.

Những thành công và kinh nghiệm thu được tại các vùng khác khiến chúng tôi càng tin tưởng rằng chìa khóa mở ra cánh cửa của sự phát triển nằm trong tay chính những người Bangladesh, và rằng viện trợ của bên ngoài không những không thể đưa họ vào vị trí làm chủ tương lai của chính mình, mà chỉ dần biến họ thành những kẻ ăn xin – một cách hệ thống và trên phương diện tâm lý.

Ở giai đoạn đầu trong quá trình xây dựng và củng cố mối hợp tác hiệu quả, chúng tôi cùng nhau tìm kiểu kỹ về nền văn hóa Bangladesh, thái độ và niềm tin của họ về chính bản thân, sự cam chịu và tuyệt vọng của họ. Dần dần chúng tôi nhận thấy sau một thời gian dài phụ thuộc vào viện trợ, những người này đã mất cảm giác về năng lực của chính mình và niềm tin rằng đất nước của họ có thể thành công. Trong các cuộc gặp của chúng tôi, những lãnh đạo người Bangladesh tin tưởng rằng họ chỉ thiếu một thứ; nếu có nó họ sẽ trở nên độc lập và tự chu cấp được cho bản thân. Thứ đó là niềm tin vào thế mạnh và khả năng của chính họ. Dự án Xóa đói, với tư cách là đối tác, quyết tâm xây dựng một chương trình nhằm giúp những người Bangladesh kết nối được với tầm nhìn về chính mình và đất nước mình, nhận thức được những tài sản họ đang có và những chiến lược cần thiết để biến ý tưởng thành hành động. Từ quyết tâm và sự hợp tác đó, chúng tôi tổ chức Hội thảo Tầm nhìn, Quyết tâm và Hành động. Nó kêu gọi những người tham gia cùng thực hiện một loạt các hoạt động thảo luận nhóm và tưởng tượng để hình dung ra một nước Bangladesh độc lập, tự cường: một đất nước thịnh vượng, lành mạnh mà trước đây họ đã chiến đấu để giành độc lập.

Tại Bangladesh, do có quá đông người, khi bạn tổ chức bất cứ cuộc hội họp nào, có thể hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người sẽ có mặt. Mọi người thường tập trung ở các công viên hay quảng trường. Ở thủ đô Dhaka có một công viên công cộng dễ dàng chứa được một nghìn người, hay thậm chí nhiều hơn thế. Đó là chỗ chúng tôi tổ chức một số buổi Hội thảo Tầm nhìn, Quyết tâm và Hành động đầu tiên. Chúng tôi quảng bá về cuộc gặp. Vào thời điểm bắt đầu hội thảo, cả công viên chật kín người. Bạn có thể hình dung, đó không phải là một nơi xinh đẹp với những thảm cỏ xanh rờn để nghỉ ngơi. Đó là một công viên hầu như không có một ngọn cỏ nào, la liệt trên mặt đất là hàng trăm con người nhỏ bé, nâu sạm, đẹp đẽ sát bên nhau, rất nhiều trẻ sơ sinh và trẻ em nhỏ. Mọi người thuộc mọi lứa tuổi ngồi chăm chú và ngập ngừng lắng nghe, mong sẽ tìm ra điều gì đó có ích cho mình.

Chương trình bắt đầu bằng một chút âm nhạc, một vài phần giới thiệu ngắn gọn, những lời phát biểu đầy cảm hứng của những người lãnh đạo cộng đồng và một số hoạt động tương tác ban đầu để tập trung năng lượng và sức chú ý của đám đông vào nhiệm vụ trước mắt. Sau đó chúng tôi bắt đầu chương trình, yêu cầu tất cả mọi người nhắm mắt lại và hình dung về hình ảnh của một đất nước Bangladesh độc lập tự chủ.

Bangladesh sẽ thế nào nếu nó là một đất nước xuất khẩu những thứ hàng hóa chất lượng số một của mình? Đất nước này sẽ thế nào khi nó trở nên nổi tiếng về nghệ thuật, âm nhạc và thơ ca? Sẽ thế nào nếu nó là một thành viên hữu ích trong cộng đồng toàn cầu, thay vì là cái bát ăn xin khổng lồ chuyên nhận viện trợ? Sẽ thế nào nếu những người lãnh đạo Bangladesh, bao gồm cả phụ nữ, đàn ông và thanh niên sẽ đóng góp tích cực cho xã hội? Hình ảnh về Bangladesh khi đó sẽ như thế nào?

Ban đầu, mọi người ngồi vai kề vai yên lặng, mắt nhắm, mặt không biểu lộ chút cảm xúc nào. Sự im lặng tràn ngập đám đông, cả biển người vẫn im lìm, mắt nhắm, chìm trong suy nghĩ. Sau vài phút, tôi nhận ra nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt một người đàn ông, rồi một người tiếp theo, và tiếp theo nữa. Mọi người vẫn ngồi yên với đôi mắt nhắm chặt, nhưng họ lặng lẽ khóc. Rồi sau đó, không chỉ là ba hay bốn, mười hay hai mươi khuôn mặt ướt nhòa nước mắt. Trong đám đông hơn một nghìn người, hàng trăm người đang khóc. Dường như chưa bao giờ trong đời họ từng hình dung đất nước họ có thể tạo ra khác biệt cho những đất nước khác, có thể trở thành một đất nước nổi bật, được ngưỡng mộ, có vai trò độc nhất trong cộng đồng thế giới. Đó là một suy nghĩ mới mẻ và táo bạo.

Khi chúng tôi kết thúc hoạt động suy ngẫm này, và mọi người chia sẻ với nhau những hình ảnh họ đã thấy về làng xóm, gia đình, trường học, nhà cửa, công việc, con cái, cháu chắt họ, tầm nhìn trở nên phong phú và chân thực, sống động và vui vẻ. Một tương lai mới được khai sinh.

Trong phần tiếp theo của buổi hội thảo, những người tham gia được kêu gọi hãy cam kết cống hiến cho tầm nhìn của mình. Họ được yêu cầu không chỉ hình dung, mà sẽ cam kết biến hình ảnh đó thành sự thật. Bạn có thể thấy họ rũ bỏ lo lắng và sợ hãi, rời bỏ cảm giác thiếu thốn và tiến tới sự sáng tạo của chính mình và gắn bó với nó. Trong bài tập đó, bạn có thể thấy tư thế và vẻ mặt mọi người thay đổi. Họ dường như trở nên mạnh mẽ rõ rệt. Cảm giác quyết tâm và quả quyết lan từ người này sang người khác, và điều tưởng như không thể trở thành khả thi. Cuối cùng, họ chia thành từng nhóm nhỏ, hợp tác và lên kế hoạch hành động làm để biến tầm nhìn thành hiện thực. Những hành động này cần thực tế, cụ thể ở từng địa phương, khả thi, thống nhất với những quyết tâm mới của họ và phục vụ cho tầm nhìn của họ. Mọi người dường như bắt đầu coi bản thân, gia đình, làng xóm và đất nước là những cá thể đầy năng lực, tháo vát, và mạnh mẽ – độc lập và tự chu cấp được cho mình.

Không lâu sau đó, những hội thảo như vậy được tiếp tục tổ chức, một số ở các thành phố, những lần khác ở các làng, có lần chỉ trong phạm vi các gia đình. Chủ nhật hàng tuần, hội thảo vẫn được tổ chức cho hàng nghìn người tại quảng trường ở Dhaka.

Tình cờ trong một chuyến đi đến Dhaka, một trong những vị trưởng làng ở vùng Sylhet đã tham dự một buổi Hội thảo Tầm nhìn, Quyết tâm và Hành động. Anh tên là Zilu. Lúc đó anh đang tới thăm một người họ hàng sống trong thành phố, và người anh họ này đã mời anh cùng đến công viên để xem buổi hội thảo nói về vấn đề gì. Nhưng Zilu không muốn đi, anh muốn bàn với người anh họ về chuyện đưa gia đình mình rời khu làng tiêu điều ở Sylhet về ở với anh ta, hy vọng mình có thể tìm việc làm trong thành phố và cho họ cơ hội đổi đời. Nhưng người anh họ cuối cùng cũng thuyết phục được Zilu, thế là họ cùng đến dự hội thảo.

Zilu hoàn toàn bị cuốn hút vào buổi hội thảo và bởi sự tỉnh ngộ về chính quyết tâm của anh đối với làng và cộng đồng quanh mình. Anh ở lại Dhaka thêm ba ngày, tham gia một khóa học để chính mình trở thành người tổ chức hội thảo. Sau đó, cùng với những thứ học được và tầm nhìn mới, anh trở lại Sylhet.

Trở về nhà, anh tập hợp sáu người bạn thân nhất và truyền lại tinh thần buổi hội thảo cho họ. Giờ đây họ có chung một tầm nhìn và quyết tâm phát triển các nguồn lực thiên nhiên và con người trên chính quê hương họ. Bảy người đàn ông đưa ra ý tưởng và lên kế hoạch thực hiện một dự án kinh doanh nông nghiệp mới đưa cả vùng thoát khỏi nghèo khó, tiến tới độc lập và cuối cùng là thịnh vượng. Họ gọi đó là Dự án Chowtee: Bước tiến Táo bạo hướng tới Tự lập.

Tôi đến Sylhet chỉ bốn tháng sau, vào tháng 4 năm 1994, cùng với 17 người đồng hành và cũng là những nhà quyên góp chủ chốt cho Dự án Xóa đói. Zilu đã mời chúng tôi đến để chỉ những tiến bộ mà anh và các bạn đã tạo ra trong vùng, cảm ơn những đóng góp chúng tôi mang đến cho đất nước anh và đồng bào anh. Zilu cùng sáu người bạn, những người chúng tôi gọi là nhóm Bảy Người Vĩ đại, đã kể cho chúng tôi câu chuyện về sự thay da đổi thịt của vùng, rồi chỉ cho chúng tôi thấy những thành quả đó.

Zilu chia sẻ với chúng tôi anh đã trở về từ buổi hội thảo ở Dhaka ra sao vào ngày tháng 12 đó. Anh đã có cảm hứng nhìn những tài nguyên mà anh và mọi người ở đây đang có với một con mắt khác. Anh quyết tâm thúc đẩy một tầm nhìn, một quyết tâm và một kế hoạch hành động. Khi sáu người bạn của anh cùng chia sẻ quyết tâm này, bước tiếp theo của họ là xem xét những tài nguyên họ đang có nhưng bị bỏ sót. Tại đó, ở rìa ngôi làng là vùng đất của chính phủ bị bỏ hoang cằn cỗi, mọc đầy những bụi gai dại độc. Bảy người đàn ông đến gặp các quan chức chính phủ và xin phép phá bỏ gần 7 ha cây dại xâm lấn đất đai của họ. Sau đó, họ vận động mọi người trong cộng đồng để có tiền mua các thiết bị và nguyên vật liệu cần thiết. Mọi người san sẻ phần tiết kiệm nghèo nàn của mình để ủng hộ cho sáng kiến này. Những người đàn ông đã quyên góp được số tiền cần thiết, trị giá hàng nghìn taka – lúc đó tương đương khoảng 750 đô-la. Cuối cùng, họ tự mình tổ chức một phiên bản của Hội thảo tầm nhìn, Quyết tâm và Hành động cho 600 người trong ngôi làng có 18nghìn người.

Sáu trăm con người đó bắt đầu làm việc, xây một con đường ven theo đường rìa của vùng đất, và bắt đầu phá dỡ cây dại. Ấn tượng với tầm nhìn, mục đích và quyết tâm rõ ràng của họ, chính phủ trao cho họ thêm 40 ha để trồng trọt. Họ đào tạo những thanh niên trước đó phải đi ăn xin hoặc phạm tội làm công việc trồng trọt. Họ đào tạo những người phụ nữ nghèo khó cùng cực, rất nhiều trong số đó đang ở góa, cùng tham gia trồng trọt. Trong khi dọn dẹp vùng đất, họ rất ngạc nhiên vì đã khám phá ra một chiếc hồ trước đó không được biết đến, và một dòng suối nhỏ đầy cá.

Cả khu vực này giờ đây đang được khai thác, chăm bón, giúp cung cấp thức ăn, tôm cá, đào tạo nghề và mang lại việc làm cho hàng trăm người. Cả 18 nghìn người quanh vùng gần đó cũng được hưởng lợi từ hoạt động này. Một vùng trước kia tan hoang vì nghèo đói bắt đầu có thể tự đứng vững, và dần dần khấm khá lên. Tỷ lệ tội phạm giảm đáng ngạc nhiên tới 70%.

Chúng tôi đi ngang qua các thửa ruộng cùng với Zilu và sáu thành viên còn lại trong nhóm Bảy Người Vĩ đại, đến thăm khu nuôi cá và khu ruộng thực hành. Chúng tôi kinh ngạc trước cuộc sống sung túc, niềm vui và thành công của mọi người ở đây. Khi bước bên họ tôi nhận ra rằng họ đã hoàn thành kỳ công này mà hầu như không cần sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Họ đã có tất cả mọi thứ mình cần – đất đai, nguồn nước, trí tuệ, sức khỏe, và khả năng kết nối tất cả yếu tố đó với nhau – những thứ họ đã đánh mất khi ngửa tay nhận viện trợ dành cho “Thế giới thứ Ba”, khi chìm đắm trong sự tuyệt vọng và bất lực mà chính nguồn viện trợ ấy đã gián tiếp khơi gợi ra. Một khi họ được truyền cảm hứng để nhìn nhận bản thân dưới một ánh sáng khác, thấy mình đủ mạnh mẽ, sáng tạo và đủ năng lực, quyết tâm của họ không còn bị hạn chế nữa. Thành công là điều tất yếu.

Khi nhìn những thửa ruộng trước kia là rừng và bụi rậm không thể vượt qua, tôi nghĩ về cuộc sống của chính chúng ta, và những thứ cây dại bao phủ lên những mảnh đất mơ ước của chúng ta, thứ đã tạm thời cản trở tầm nhìn của tâm hồn ta, hoặc khả năng nhìn nhận của ta. Trong thế giới của họ, đó là khu rừng và những thông điệp rắc rối gắn với viện trợ, bảo với họ rằng họ không có đủ, họ nghèo túng và không có khả năng tự giúp đỡ bản thân. Họ đã tin điều đó, và một khi còn giữ niềm tin ấy, họ không thể nhận ra những tài nguyên ở ngay trước mắt mình. Một khi họ đã dồn sự chú ý vào chính những tài nguyên bên trong vô hạn của mình, những tài nguyên bên ngoài bất ngờ hiện ra cho họ sử dụng. Họ bắt đầu nhận ra rằng những thứ họ cần đã ở sẵn đó từ lâu.

Tôi không bao giờ quên Bảy Người Vĩ đại. Khi bạn bị đè nặng bởi tâm lý thua cuộc như họ đã từng chịu, khả năng mơ ước và tưởng tượng của bạn cũng bị đè bẹp. Nó dường như đã chết. Khi tôi thấy mình mò mẫu tìm kiếm những thứ bên ngoài tầm tay với, tôi lại nghe thấy lời họ âm vang trong đầu mình, và biết rằng nếu tôi có thể nhìn lại từ trong mình, tiếp cận và trân trọng những thứ có sẵn, khi đó sức mạnh, công dụng và sự may mắn chúng mang đến sẽ lớn lên và phát triển rực rỡ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.