Linh Hồn Của Tiền

SỰ ĐẦY ĐỦ LUÔN SẴN CÓ TRƯỚC MẮT



Thế nào là đủ? Mỗi người trong số chúng ta có định nghĩa của riêng mình, nhưng hiếm khi chúng ta để cho mình cảm nhận điều đó. Bao giờ là lúc chúng ta thấy hạnh phúc trọn vẹn, đâu là nơi chúng ta có mọi thứ chúng ta muốn và cần, không thừa bất cứ thứ gì? Hầu như không ai có thể nhớ ra đã có lúc nào trong cuộc đời ta cảm nhận được điều đó. Như những người phụ nữ ở Microsoft, chúng ta thường vội vã vượt qua mốc đủ, như thể nó không hề ở đó. Tiếp đó sẽ đến lúc có nhiều hơn mức ta cần trở thành một gánh nặng. Chúng ta được bù đắp quá nhiều, nhồi nhét quá nhiều, ngập trong những thứ quá nhiều, tìm kiếm sự mãn nguyện bằng cách cố gắng nhiều hơn. Chúng ta không thể tìm thấy cảm giác mình khao khát khi lao vào cuộc đua tìm kiếm sự viên mãn hay giành thêm bất cứ thứ gì.

Mỗi người chúng ta thông qua mối quan hệ với tiền, với nhau và với cuộc sống có thể giành lại cảm giác đầy đủ, trọn vẹn cho mình. Chúng ta có thể tìm lại sự viên mãn và mãn nguyện. Người thầy vĩ đại nhất về sự đầy đủ chính là thiên nhiên và những quy luật tự nhiên của trái đất – những thứ luật không cần bổ sung sửa đổi hay tranh cãi trong Thượng nghị viện. Đó là những luật chúng ta phải tuân theo, dù ta có công nhận hay không.

Dana Meadows, nhà môi trường học vĩ đại đã nói rằng một trong những định luật cơ bản nhất của trái đất là định luật về sự vừa đủ. Bà từng viết, thiên nhiên nói rằng chúng ta “có quá nhiều, không hơn. Quá nhiều đất. Quá nhiều nước. Quá nhiều ánh nắng. Tất cả mọi thứ sinh ra trên trái đất lớn lên đến mức phù hợp thì dừng lại. Hành tinh này không lớn lên, nó chỉ tốt lên. Những sinh vật sống trên đó học tập, trưởng thành,sinh sôi, tiến hóa, tạo ra những vẻ đẹp, điều mới mẻ và sự phức tạp phi thường, nhưng vẫn chỉ trong những giới hạn tuyệt đối”.

Những ví dụ của tự nhiên có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, dạy ta những bài học cần thiết để tạo ra đột phá trong mối quan hệ với cuộc sống, để nó trở nên bền vững. Đặc điểm của sự đầy đủ cho phép chúng ta biến nền văn hóa không bền vững thành bền vững.

Liệu trong mối quan hệ của chúng ta với tiền và các nguồn lực, với tư cách cá nhân và cộng đồng, chúng ta có thể rũ bỏ mặc định rằng cái gì càng có nhiều càng tốt? Liệu chúng ta có thể nhận ra rằng tốt hơn không phải nhờ có nhiều hơn, mà nhờ đào sâu hơn cảm giác với những thứ có sẵn? Thay vì định nghĩa trưởng thành bằng những tiêu chí bên ngoài, bằng thu thập và tích lũy thêm tiền hay tài sản, liệu ta có thể định nghĩa trưởng thành là biết và trân trọng những tài sản ta đang nắm trong tay?

Tôi cho rằng sự đầy đủ rất chính xác. Vừa đủ là điểm bạn có thể đạt đến và lưu lại. Chúng ta thường nghĩ rằng “dư dả” mới là vạch đích mà chúng ta hướng đến và sẽ nhận ra. Tuy nhiên, đó là khái niệm không thể nào nắm giữ được nếu chúng ta nghĩ sẽ tìm được nó khi ta có thứ gì đó rất nhiều. Sự dư dả thực thụ là điều thật sự tồn tại; nó sinh ra từ cảm giác đầy đủ, trong trải nghiệm về vẻ đẹp và sự viên mãn của nó. Dư dả là sự thật của tự nhiên. Luật cơ bản của tự nhiên viết rằng có đủ và có hạn. Sự có hạn của nó không phải là điều đáng lo ngại, nó tạo ra một mối quan hệ chính xác hơn, đòi hỏi sự trân trọng và khả năng quản lý những tài nguyên đó bằng ý thức rằng chúng rất quý giá, trong việc tạo ra những điều tốt nhất cho nhiều người nhất. Tôi có thể nhận ra trong những phong trào bảo vệ môi trường hiện nay, nếu muốn đạt đến sự bền vững, ta cần nhận thức và khẳng định rằng chúng ta thật sự có cái chúng ta cần – không phải tài nguyên đang biến mất và chúng ta phải tiết kiệm bởi nó đang hao hụt dần đi – mà là chúng ta có cái chúng ta cần chính xác ở mức chúng ta cần tới. Do đó, chúng ta phải sử dụng chúng để tạo ra sự khác biệt. Chúng ta phải biết rằng nguồn lực là có hạn và quý giá, nhưng nó luôn có đủ.

Quan điểm này thống nhất với các quy luật của tự nhiên, kéo theo một hệ thống nguyên tắc và giả định mới cho nền văn hóa tiền bạc mới. Nó dạy chúng ta cách quản lý tiền chứ không phải tích cóp tiền. Nó dạy chúng ta cách sử dụng tiền bạc khôn ngoan và hiệu quả để phản ánh những tài sản tâm hồn, thay vì trình diễn khoa trương các tài sản vật chất. Khi làm như vậy, dù bạn là một tỷ phú người Mỹ hay một nông dân Guatemala, một người mẹ độc thân ở trung tâm thành phố hay một nhà quản lý bậc trung thuộc tầng lớp trung lưu, cảm giác đầy đủ và việc quản lý đầy trân trọng nguồn tài chính và các nguồn lực khác sẽ mở rộng cánh cửa dẫn đến hạnh phúc viên mãn. Sẽ chẳng có sự hy sinh – mà chỉ có sự hài lòng.

Sống đầy đủ cho phép chúng ta trải nghiệm khả năng và giới hạn tự do cá nhân. Trong khi những ngộ nhận về sự thiếu thốn quy định cách nhìn thế giới là không có đủ, càng có nhiều càng tốt và đó là quy luật.Sự thật về sự đầy đủ khẳng định rằng có đủ cho tất cả mọi người. Nhận thức đó khởi nguồn cho sự chia sẻ, sự hợp tác và cống hiến.

Có thể cách kiểm soát cuộc sống và thế giới của chúng ta không cho phép ta cảm nhận những điều đó vào mọi lúc, nhưng sự thật là có đủ và bất cứ sự dư dả hay giàu có thật sự nào đều bắt nguồn từ nhận thức về sự đầy đủ và sự đảm bảo rằng có đủ. Như Buckminster Fuller đã tuyên bố vào những năm 1970, đây là thế giới dành cho tất cả mọi người, không ai, không cái gì bị bỏ rơi, và chúng ta có sức mạnh cũng như tài nguyên để xây dựng thế giới bạn-và-tôi thay cho thế giới bạn-hoặc-tôi. Có đủ cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, để có được cảm giác vừa đủ, bạn phải sẵn lòng từ bỏ – từ bỏ cả cuộc đời gắn liền với những bài học và những lời nói dối về sự thiếu thốn.

Trong câu chuyện dân gian thời hiện đại Hershel và yêu tinh Hannukah của Erik Kimmel, một đám yêu tinh độc ác định phá buổi lễ kỷ niệm của một ngôi làng nhỏ, nhưng Hershel khôn ngoan đã lần lượt đánh lừa tất cả. Khi gặp một con yêu tinh tham lam, Hershel đưa cho nó một bình dưa muối. Khi con yêu tinh thò tay vào bình và nắm một nắm đầy, nó tức điên lên vì thấy bàn tay mình đã bị kẹt chặt trong chiếc bình. Quá tức tối vì bị bẫy, nó dồn cơn thịnh nộ vào Hershel. Cuối cùng, anh nói: “Mi có muốn ta chỉ cách phá vỡ lời nguyền không?”

“Có!” Con yêu tinh hét lên. “Ta không thể chịu được nữa rồi!”

“Hãy thả nắm dưa ra.” Hershel trả lời. “Chính lòng tham của mi là lời nguyền giam cầm mi.”

Tất nhiên chúng ta không phải bọn yêu tinh ác qủy dại dột và tham lam đó, nhưng sự sợ hãi trước sự thiếu thốn đã khiến chúng ta cố hết sức dang tay ôm chặt càng nhiều càng tốt, và lại tiếp tục níu lấy nhiều hơn nữa. Chừng nào chúng ta còn bám lấy niềm lo sợ ấy, chúng ta vẫn còn bị nó giam hãm, bàn tay đầy của cải, nhưng trái tim đầy sợ hãi và không trọn vẹn. Khi chúng ta từ bỏ nỗi sợ hãi và những cố gắng không điều kiện để tìm kiếm nhiều thêm, chúng ta đã tự giải phóng bản thân khỏi nhà tù. Chúng ta có thể dừng lại để suy xét xem ta đang sống ra sao với những thứ ta có, và liệu tiền có phục vụ những quyết tâm cao nhất của ta hay không.

Khi chúng ta ngừng cố gắng tìm kiếm thêm những thứ ta không thật sự cần, chúng ta cũng tự giải phóng một nguồn năng lượng mãnh mẽ đã bị cầm tù trong suốt cuộc đua. Chúng ta có thể tập trung và phân phối lại nguồn năng lượng và sự quan tâm của mình để trân trọng những tài sản ta đã có, những thứ đang ở sẵn bên ta, và tạo ra thay đổi bằng những tài nguyên ấy. Không chỉ nhận ra, mà ta còn tạo ra thay đổi bằng những thứ chúng ta đã có. Khi bạn tạo ra thay đổi bằng thứ bạn có, nó sẽ tự mình lớn lên.

Anne Morrow Lindbergh hiểu được đặc điểm tinh tế của sự vừa đủ khi bà viết trong cuốn sách Gift from the Sea (Món quà của Biển cả):

Người ta không thể nào nhặt hết những vỏ sò, vỏ ốc đẹp trên bãi biển. Người ta chỉ có thể nhặt được một ít, và chúng càng đẹp nếu chúng chỉ có ít. Một chiếc vỏ ốc sẽ ấn tượng hơn ba chiếc… Mỗi lần chỉ một… chỉ giữ lại những mảnh hoàn hảo, không nhất thiết là một mảnh hiếm, nhưng một mảnh hoàn hảo loại đó. Một chiếc đặc biệt bởi vẻ đẹp của chính nó, được không gian bao bọc giống như một ốc đảo. Chính bởi vì nó có hạn trong không gian, vẻ đẹp của nó càng rạng rỡ. Chỉ trong không gian những sự kiện, đồ vật và con người mới là độc nhất và quan trọng, và do đó, mới đẹp.

Trong suốt nhiều năm làm công việc gây quỹ, tôi đã làm việc và tiếp xúc với nhiều người, dù đó là những người được gọi là giàu có, trung lưu hay lam lũ, họ cũng đều được nếm trải cảm giác viên mãn và đầy đủ khi dùng những nguồn lực họ có, ở bất cứ mức độ nào, để tạo ra thay đổi. Khi họ sử dụng những thứ họ có để thực hiện những lý tưởng, quyết tâm cao nhất và thể hiện những giá trị sâu sắc nhất, trải nghiệm về sự giàu có thật sự của chính họ tự mở rộng ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.