Linh Hồn Của Tiền

TỪ THIỆN TOÀN TÂM: SỰ ĐỒNG ĐIỆU CỦA TIỀN BẠC VÀ TÂM HỒN



Nếu có một sự bất ngờ nào đó chào đón tôi trong sự nghiệp gây quỹ thì ắt hẳn nó phải là điều: có những người làm từ thiện vĩ đại và nhiệt huyết nhất trên thế giới lại không phải là những người có nhiều tiền. Một số khác thì lại có tiền, có rất nhiều, và thậm chí vô cùng nhiều tiền. Thực sự thì ở Mỹ hay những nơi khác trên thế giới, những người làm công ăn lương bình thường cũng đóng góp nhiều cho công tác từ thiện như những người giàu có hay nổi tiếng. Theo như Báo cáo thường niên về Hoạt động Từ thiệnở Mỹ, vào năm 2000 hơn 200 tỷ đô-la Mỹ đã được chuyển đến cho khu vực phi lợi nhuận, và trong số đó chỉ 5% là do các tập đoàn đóng góp, 7% là của các quỹ hỗ trợ, 88% đến từ các cá nhân. Phần lớn các khoản đóng góp và sự hào phóng là của các cá nhân, và trong số họ thì 75% là những người có thu nhập dưới 150.000 đô-la một năm.

Sự hào phóng của những người dân ở các nước nơi mà nạn nghèo đói còn hoành hành thì thật đáng kinh ngạc. Ví dụ ở châu Phi, những người dân sống ở các ngôi làng vùng nông thôn, cũng giống như những nơi khác trên thế giới, phải dựa vào nhau và vào sự đoàn kết của ngay chính cộng đồng mình sinh sống để có thể tạo ra những điều kỳ diệu. Ví dụ, đối với những ngôi làng ở châu Phi hay ở Mêxicô, để có thể tạo cơ hội học lên đại học cho một thiếu niên, họ đã phải cùng nhau làm bất cứ thứ gì để có thể biến điều đó thành sự thực. Hoặc họ cũng sẽ dồn chung nguồn lực để cử một đại diện đi hội thảo tại Mỹ hay châu Âu. Tôi nhớ có một cậu thiếu niên đã được cử đến một hội thảo của Dự án Xóa đói được tổ chức tại Đức, nhờ sự chung sức của 300 người dân sống trong cùng một ngôi làng ở Nigieria với cậu, và toàn bộ tên tuổi của họ sau này đều đã được cậu bé kể ra tường tận.

Những con người đó không phải là những người mà chúng ta có thể gọi là giàu có về tiền bạc, mà họ chỉ có một chút tiền dành dụm để quyên góp khi có cơ hội được giúp đỡ một người nào đó trong cộng đồng hay đại gia đình của họ. Các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng có thể là những nơi mà ở đó, việc chung sức đóng góp như vậy đã trở thành cách để mọi người bày tỏ tình yêu thương hoặc sự hỗ trợ lẫn nhau.
Khi chúng ta nghĩ về công tác từ thiện, dường như nó thường là việc dành cho những người giàu; nhưng tôi thì lại thấy tất cả những hành động hào hiệp, nhân hậu và đầy tính sẻ chia ấy đều là hoạt động từ thiện, và tất cả chúng ta đều có thể tham gia vào mọi lúc.

Một trong những lầm tưởng khác đó là những người có nguồn lực đang bố thí cho những người không có. Nhưng thường thì đó không phải là con đường hiệu quả. Con đường thật sự hiệu quả là khi tất cả mọi người đều cùng đóng góp những tài sản hay nguồn lực để hiện thực hóa một tầm nhìn chung. Một số nguồn lực đó là tiền. Một số là mồ hôi công sức. Một số lại là sự cống hiến và nhiệt tình thực hiện điều mà mọi người đều đang mong chờ.

Bất kể họ có thể đóng góp những gì, sự cống hiến của mỗi người đều có giá trị ngang nhau. Khi chúng ta từ bỏ việc quá chú trọng đến vai trò của tiền bạc hơn bất cứ thứ gì khác, chúng ta sẽ nhìn thấy mọi người đều đang sở hữu và đóng góp những thứ tài sản nhất định. Tất cả mọi người đều đang ở trong cùng một con thuyền và phấn đấu vì một tầm nhìn chung. Đó là khi mọi thứ diễn ra trơn tru nhất, là khi tiền bạc chỉ là một trong số những cách để cùng đóng góp, và là một thứ mà một số người có để chia sẻ.

Trong một chuyến công tác đến Ethiopia cho Dự án Xóa đói, tôi đã cùng đi với một số người phụ nữ khác đến làng Lallibela, nơi mà có một nhóm những người phụ nữ già muốn gặp chúng tôi để bàn bạc về một dự án mà họ đang suy tính. Đó là một vùng đất vô cùng khắc nghiệt, khác xa với một nơi mà chúng ta có thể coi là mảnh đất màu mỡ cho bất kỳ công việc làm ăn nào. Phần lớn mọi người đều sẽ chê những người phụ nữ này là già và nghèo khổ, nhưng chúng tôi đã cùng nhau ngồi xếp thành vòng tròn trên nền đất cứng, 16 người phụ nữ chúng tôi đã sẵn sàng chung sức tư duy và hành động để biến một điều gì đó thành sự thực. Một số trong chúng tôi đến từ thế giới giàu có của nước Mỹ. Một số thì sinh ra và lớn lên tại mảnh đất cằn cỗi này, và cũng chắc chắn là sẽ yên nghỉ tại chính nơi đây.

Những người phụ nữ Ethiopia già hơn chúng tôi rất nhiều, họ ở độ tuổi 60-70, một số là những góa phụ và không còn con đường nào để kiếm sống. Họ mong ước sẽ mở được một quán nước bên cạnh con đường mà nhiều người nông dân thường đi qua, mang theo hàng hóa đến chợ của làng Lallibela. Quán nước đó sẽ là món quà có ích cho những khách bộ hành mệt mỏi, và là nguồn kiếm sống cho những người phụ nữ này. Họ muốn làm việc, nhưng sức họ lại yếu, không thể tiếp tục làm ruộng được nữa, không thể đi đến bất cứ khu chợ nào khác, do vậy phải làm gì đó cho phép họ có thể sống yên ổn ở một nơi.

Thiết kế cho quán nước của họ khá đơn giản, và họ đã bắt đầu xây ngôi nhà hình tròn chỉ có một phòng bằng những cành cây gãy hay các cây gỗ đã chết tìm được ở xung quanh. Họ đã xây được quán nước đó hoàn toàn bằng những vật liệu kiếm được tại địa phương, nhưng những thứ họ không thể kiếm được là bộ ấm chén, đĩa đựng chén, những thứ làm cho nó thật sự trở thành một quán nước chứ không phải chỉ là một chỗ nghỉ chân. Vì vậy, nhóm chúng tôi đã chia nhau mua những vật dụng cần thiết đó cho dự án này. Chúng tôi cũng lập ra một quỹ nho nhỏ để trang trải các chi phí hoạt động ban đầu cho quán nước, bao gồm việc mua các vật dụng và nguyên liệu cần thiết từ một thành phố gần nhất về. Việc này sẽ được tiến hành định kỳ nhờ một người phụ nữ trẻ làm công tác xã hội, sẵn sàng đảm bảo nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho quán nước của chúng tôi. Cô ấy đóng góp sức trẻ và sự nhiệt tình. Chúng tôi thì hỗ trợ về mặt tài chính, một việc chúng tôi rất sẵn sàng tham gia. Đó là một sự hợp tác hoàn hảo, và tôi vẫn nhớ lúc đó tôi đã nghĩ rằng mỗi người chúng tôi đã đóng góp phần của mình vào một bức tranh tổng thể, để cùng tạo ra một thứ kỳ diệu. Thực sự, đó là một trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ. Không phải là chúng tôi đã cho tiền những người phụ nữ “già cỗi và nghèo đói” này. Tất cả chúng tôi hợp tác vì những người phụ nữ này và tất cả những người đi chợ qua con đường này – và vì khát vọng muốn tạo ra sự khác biệt của mình.

Trong bối cảnh của sự đầy đủ, hoạt động từ thiện và giúp đỡ đã trở thành minh chứng hiển hiện cho sự tương thuộc. Toàn tâm từ thiện sẽ cho phép người ta đóng góp cả sự giàu có của mình, không chỉ với ý nghĩa tiền bạc, mà còn là cả thiện chí của mình. Chúng sẽ trở nên “bất di bất dịch” trong một tương lai mới, dù đó là việc cải thiện cơ sở vật chất cho một ngôi trường tại địa phương, hay bãi bỏ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, hay là nâng cao vị thế cho những người phụ nữ Indonesia đi nữa. Trong quá trình toàn tâm toàn ý điều chỉnh nguồn tiền lưu thông, họ đã đầu tư tâm hồn mình vào cùng với tiền bạc, tận hưởng và đồng thời bày tỏ sự đầy đủ viên mãn. Tôi gọi đây là sự đầu tư “thực thụ” và nó chẳng hề tạo ra một người nhận cụ thể nào. Nó là cơ hội cho chúng ta, những người cùng sống trong một gia đình nhân loại, chia sẻ với nhau tất cả những nguồn lực, đồng thời là một phần cuộc sống của chúng ta. Trong bối cảnh đó, những người đầu tư tiền bạc sẽ được trải nghiệm cảm giác đầy đủ, cảm giác là mình có tiềm lực và khả năng để chia sẻ.

Họ bắt tay với những người đang trực tiếp làm việc để cải tạo cơ sở hạ tầng trường học, hay bảo tồn một khu rừng nhiệt đới, hay những người làm việc trong các ngôi làng ở Indonesia để mở các lớp xóa mù chữ, các lớp khuyến nông hoặc cũng có thể là kỹ năng giảng dạy. Sự hợp tác này được dựa trên cơ sở bình đẳng nhằm hiện thực hóa một tầm nhìn chung của tất cả các bên. Tất cả mọi người đều chia sẻ sự giàu có của mình – thứ mà mọi người cảm thấy là sự đầy đủ, viên mãn và thịnh vượng trong công việc và trong cuộc sống của mình.

Con người phải luôn giang tay rộng mở, để đón nhận cũng như cho đi, và để cảm nhận những con người khác. Con người phải mở rộng trái tim để đón nhận, để cho đi và cảm nhận những trái tim khác. Sự cởi mở và tương hỗ đó, hình ảnh đôi tay và trái tim rộng mở đó, không chỉ kết nối chúng ta với những người khác, mà còn với cảm giác mãn nguyện và đầy đủ trong tâm hồn mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.