Linh Hồn Của Tiền

TRÒ CHUYỆN TẠO NÊN BỐI CẢNH CỦA CUỘC SỐNG



Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sống trên thế giới này. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sống trong một tập hợp các hoàn cảnh, nhưng thực ra là không. Chúng ta sống trong câu chuyện của chúng ta về thế giới và câu chuyện của chúng ta về các hoàn cảnh đó. Khi chúng ta đang trong một câu chuyện về sự sợ hãi và khủng hoảng, về sự giận dữ và báo thù, về sự ghen ghét, kèn cựa, đố kỵ, thì đó chính là thế giới mà ta đang sống. Nếu như chúng ta đang ở trong một câu chuyện về các khả năng, một câu chuyện về lòng biết ơn và trân trọng những gì đang xuất hiện ngay trước mắt ta, thì đó chính là thế giới mà ta đang sống. Trước đây tôi thường nghĩ rằng những từ ngữ chúng ta nói ra đơn giản là sự thể hiện ra bên ngoài của những suy nghĩ. Kinh nghiệm đã chỉ cho tôi thấy rằng bên cạnh đó, những từ chúng ta nói ra cũng tạo nên những suy nghĩ và kinh nghiệm của chúng ta, và thậm chí là cả thế giới của chúng ta. Câu chuyện mà chúng ta đối thoại với chính mình và với những người khác – những suy nghĩ thu hút được sự chú ý của chúng ta – có một sức mạnh to lớn đối với những cảm nhận của chúng ta, những trải nghiệm của chúng ta và thế giới quan của chúng ta vào khoảnh khắc ấy.

Sự thiếu thốn lộ diện thông qua những từ như không bao giờ đủ, trống vắng, sợ hãi, hoài nghi, ghen tỵ, tham lam, cạnh tranh, chia rẽ, cục bộ, xét nét, ganh đua, quyền bính, kiểm soát, bận rộn, sinh tồn, những sự giàu có bề ngoài. Trong câu chuyện về sự thiếu thốn, chúng ta đánh giá, so sánh và chỉ trích; chúng ta gắn mác cho người thắng và kẻ thua. Chúng ta khuyến khích sự phát triển về số lượng và sự dư thừa. Chúng ta chỉ tập trung xoay quanh những nỗi khao khát, trông đợi và thất vọng. Chúng ta đánh giá bản thânlà giỏi hơn hay kém hơn người khác. Chúng ta để tiền bạc định nghĩa mình, hơn là tự mình định nghĩa bản thân thông qua những cách thức sâu sắc hơn và thể hiện những phẩm chất đó qua tiền bạc của chúng ta.

Sự đầy đủ tự khẳng định thông qua những từ như biết ơn, thỏa mãn, yêu thương, tin tưởng, tôn trọng, đóng góp, lòng tin, lòng trắc ẩn, hòa đồng, trọn vẹn, quyết tâm, chấp nhận, hợp tác, trách nhiệm, bền bỉ, và những sự giàu có bên trong. Trong câu chuyện đi tìm sự đầy đủ chúng ta thừa nhận những gì đang hiện diện, trân trọng giá trị của nó, và vạch ra một tầm nhìn để có thể sử dụng nó nhằm tạo ra sự khác biệt. Chúng ta ghi nhận, khẳng định và ấp ủ. Chúng ta ca ngợi phẩm chất hơn là số lượng. Chúng ta coi trọng tính chính trực, khả năng và tài xoay sở. Chúng ta định nghĩa tiền bạc của mình bằng sức lực và mục đích của mình.

Sự khác biệt giữa hai nhóm từ vựng này và sức ảnh hưởng của chúng giống như hai khía cạnh vừa đầy cảm hứng vừa rất khó chịu, thể hiện trong phản ứng của cả nước Mỹ trước sự kiện tấn công khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Ngay sau cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại thế giới, Lầu năm góc, và một chiếc máy bay thứ tư đâm xuống Pennsylvania, trong không khí hoảng loạn và đau buồn đó, những phản ứng cao cả, rộng lượng và đồng cảm của tất cả mọi người xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng và các câu chuyện xung quanh chúng ta.

Ngày nối tiếp ngày, chúng tôi được nghe kể những câu chuyện, không chỉ là về những người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công hay hy sinh trong các nỗ lực giải cứu ngày hôm đó, mà còn là về hàng trăm và sau đó là hàng nghìn người tiếp tục đứng ra thể hiện sự quan tâm của mình bằng mọi cách có thể như viết thư, cầu nguyện, quyên góp lương thực, quần áo, và tiền bạc cho gia đình các nạn nhân và cho các nhân viên cứu hộ. Tôi còn nhớ đã đi đến ngân hàng máu gần nhà ở San Francisco, và thấy hàng loạt những người tình nguyện hiến máu đang xếp hàng ở đó. Khi chúng tôi đứng chờ trong hàng, mọi người trò chuyện với nhau, chia sẻ cú sốc và khát khao được đóng góp bằng một cách có ý nghĩa. Tất cả mọi người và tất cả mọi câu chuyện đều xoay quanh việc liệu tất cả chúng tôi có thể giúp đỡ như thế nào.

Trong những tuần đầu tiên đó, chúng tôi đều như thể đã rơi xuống vực thẳm, vực thẳm của trái tim và tâm hồn. Trong xã hội, câu chuyện của mọi người thể hiện những giá trị và hành vi đẹp đẽ nhất qua những ví dụ về những nhân viên cứu hộ, sự ủng hộ và tình thương yêu mà nhân dân thế giới dành cho nhân dân Mỹ, và nguyện vọng của tất cả công dân Mỹ muốn được giúp sức, hiến máu, hoặc quyên góp tiền. Mọi người đã mở tấm lòng mình bằng rất nhiều cách. Họ bày tỏ sự trân trọng đối với gia đình vẫn được bình yên của mình, trong khi khóc thương cho những ai đã mất đi những người thân yêu. Họ gác bỏ những khác biệt về tôn giáo của mình và cùng cầu nguyện chung trong các cuộc tập hợp đa tôn giáo. Sự cảm thông và lo ngại cho những người dân Afghanistan đang phải chịu sự cai trị hà khắc của những kẻ hồi giáo cực đoan đột nhiên trỗi dậy – đặc biệt là với những người phụ nữ và trẻ em, những người bị kiểm soát đặc biệt gắt gao. Người ta đã tổ chức những buổi thắp nến cầu nguyện, cầu nguyện ban đêm, và tất cả chúng tôi đều cảm thấy được kết nối với nhau bởi lòng khoan dung và đồng cảm.

Chỉ vài tuần sau đó, khi tâm lý khủng hoảng của người dân lan rộng và bắt đầu dẫn đến suy thoái kinh tế, đặc biệt là trong ngành bán lẻ, Tổng thống George W. Bush đã xuất hiện trên truyền hình kêu gọi nhân dân Mỹ giúp vực lại nền kinh tế bằng cách quay lại với công việc – công việc tiêu tiền. Đi mua sắm được tung hô như là biểu hiện của lòng yêu nước, là cách để cho những kẻ khủng bố thấy rằng chúng không thể phá hoại được nền kinh tế Mỹ, chủ nghĩa tiêu thụ của người Mỹ, tinh thần Mỹ, hay lối sống Mỹ.

Tôi nhớ những ngày sau bài phát biểu của ngài tổng thống, ban đầu thì mọi người còn e dè, lúng túng khi tạm gác lại các câu chuyện về những nỗi đau, lòng khoan dung và đồng cảm. Sau đó, câu chuyện đã bắt đầu chuyển hướng, với chỉ một chút lưỡng lự, sang một chủ đề mới. Chỉ trong vòng vài ngày, các nhóm phóng viên báo chí và tivi đã có mặt ở khắp các trung tâm mua sắm để phỏng vấn những người bán hàng − như những người chiến sĩ trên mặt trận thương mại – mới mẻ và thể hiện lòng yêu nước. Doanh số bán lẻ được đưa tin đều đặn hơn, với các dòng tít chạy đăng tải các con số đó theo cái cách như thể nói lên rằng mua sắm các mặt hàng bán lẻ là một biện pháp cứu cánh cho nền kinh tế quốc gia sau cuộc tấn công của những kẻ khủng bố. Những câu chuyện về những con người và những hoạt động cộng đồng liên quan đến các phản ứng có tính chất suy ngẫm hoặc tâm linh đều bị thay thế bằng các câu chuyện về nền kinh tế và các bộ phim ăn khách nhất trong tuần. Lặp đi lặp lại, những người được phỏng vấn ở các trung tâm mua sắm trở thành những phát ngôn viên do các phương tiện truyền thông dựng lên cho tất cả chúng ta, họ cho biết quyết tâm đi mua sắm và chi tiêu để thể hiện là họ “không sống trong sợ hãi.”

Những người trăn trở với những câu hỏi sâu xa hơn về lối hành xử của nước Mỹ trên chiến trường quốc tế thì không được chú ý nhiều, và ngay cả vấn đề làm thế nào để sử dụng tiền bạc và sức mạnh của chúng ta trong việc đẩy mạnh hợp tác và hòa bình hữu nghị với các quốc gia khác cũng vậy. Câu chuyện kia, câu chuyện mà chỉ vừa mới bắt đầu được nói đến trước bài phát biểu của tổng thống, đã đột nhiên bị gạt sang một bên. Như có sự dàn xếp sẵn, sự chú ý của công chúng được chuyển từ buồn đau, chia sẻ và tự soi xét sang vấn đề tiêu thụ và tích luỹ. Một câu chuyện có tính phòng bị và lảng tránh đã được bắt đầu. Trọng tâm của nó không gì khác ngoài tiền.

Lá cờ Mỹ giờ đây được xuất hiện dưới mọi hình thức có thể dùng để tiếp thị, từ điện thoại di động, cho đến đồ lót, cho đến các nhãn mác dán ở đuôi xe và bao bì thực phẩm. Lúc đó tôi đang có một bài thuyết trình ở Canada, rồi quay trở về Mỹ. Khi băng qua đường biên giới, tôi nhớ là đã thấy một biển quảng cáo khổng lồ trên đó trưng hình lá cờ, lá cờ mà thường làm cho tôi cảm thấy tự hào, nhưng trong bức tranh này, lá cờ có một số chiếc quai nho nhỏ gắn vào đó như một chiếc giỏ hàng khổng lồ, và kèm với nó là dòng chữ: “Nước Mỹ mở cửa chào đón kinh doanh.”

Nó đã trở thành câu chuyện của ngày mới, mà trong đó các giá trị Mỹ chuyển đổi từ các phẩm chất công dân và phẩm chất cá nhân sang dòng xoáy tiêu thụ và kinh tế; từ các giá trị nhân bản sang giá trị tiêu thụ. Sự chuyển hướng đánh đồng lòng yêu nước với chủ nghĩa tiêu thụ này quả là đã diễn ra đặc biệt không đúng lúc bởi nó đã làm gián đoạn đột ngột không khí u sầu của cả một đất nước. Hiện trường của các vụ tấn công còn đang ngổn ngang, gần 4.000 người thiệt mạng, không tìm thấy thi thể. Vậy mà nước Mỹ đã chuyển sang tiêu tiền như là một cách để giữ thể diện, cứu nền kinh tế, và cứu cả quốc gia. Trên thực tế điều này đã khẳng định những hình ảnh khuôn mẫu về những “người Mỹ xấu xí” như là những kẻ nông cạn, những kẻ sùng bái tiêu thụ vật chất mà những kẻ khủng bố đã dùng để lý giải cho sự thù hận của chúng.

Tôi không phản đối việc mua sắm. Tôi không phản đối những người kinh doanh hay bán lẻ. Đó là một phần rất sống động trong cuộc sống của chúng ta, nhưng nó không phải là bản chất của chúng ta. Nó không làm cho một con người hay một quốc gia trở nên vĩ đại. Nó sẽ không giúp cho một đất nước có thể hồi phục sau một cuộc tấn công hoặc một thảm kịch đã khiến cho hàng nghìn người phải bỏ mạng. Nó cũng thậm chí không thể cứu cánh một nền kinh tế tự hủy diệt phải dựa vào sự tăng trưởng tham lam vô độ và thiếu bền vững. Và nó sẽ không giúp chinh phục được sự nể trọng của những dân tộc và quốc gia tiêu thụ ít hơn trên khắp thế giới.

Nếu chúng ta coi câu chuyện của cả một quốc gia đó như một tấm gương phản ánh mối quan hệ với tiền bạc của chúng ta, ta sẽ thấy rằng trong giây phút khủng hoảng đó, phản ứng tự nhiên của chúng ta đã toát lên sự đầy đủ. Đột nhiên chúng ta đều được kết nối với nhau. Chúng ta có thừa để chia sẻ: tiền bạc để đóng góp, máu để hiến tặng. Trái tim của chúng ta rộng mở. Mọi người đổ về từ khắp mọi nơi để cùng làm việc giúp đỡ lẫn nhau. Cả đất nước cũng như cả thế giới tiến đến để giúp đỡ và chữa trị vết thương. Câu chuyện này đã tạo ra một thế giới bạn-và-tôi, một thế giới có khả năng hỗ trợ và thể hiện mối quan hệ rộng lượng và theo chiều hướng có lợi với tiền bạc.

Sau đó câu chuyện của cả quốc gia này chuyển sang đặt những mối lo về kinh tế, chi tiêu và mua sắm vào làm trọng tâm, và ngay lập tức chúng ta bị kìm kẹp trong sự thiếu thốn về tinh thần. Những thông điệp như thế vẫn là chưa đủ, càng nhiều càng tốt, và đó là điều tất yếu đã tiêm nhiễm vào trong câu chuyện của cả xã hội. Thế giới bạn-và-tôi đã biến mất, thay vào đó là một thế giới bạn-hoặc-tôi.

Sự sợ hãi thiếu thốn – không có đủ các hoạt động kinh tế, không có đủ sự kính trọng cần có với tư cách là một siêu cường quốc, an ninh nội địa không đủ vững chắc – đã trở thành lý do để sử dụng tiền bạc của chúng ta một cách phòng bị, lo âu, thậm chí là phi lý, như một màn thể hiện sức mạnh kinh tế và quân sự, cũng như sự đoàn kết chính trị. Chính câu chuyện này đã bảo vệ cho một phản ứng quân sự hung bạo và đe nẹt những ai có ý định giải quyết vấn đề có ý nghĩa hơn thông qua các hoạt động hợp tác ngoại giao và hoạt động nhân đạo. Đây là câu chuyện đã dẫn đến việc định nghĩa những người hàng xóm của nước Mỹ chúng ta thành hai nhóm là “ủng hộ chúng ta hay chống lại chúng ta”. Nó không chừa khoảng trống nào cho những bất đồng chính kiến có nguyên do hợp lý, và nó càng khuếch đại nỗi sợ hãi và nhu cầu phải báo thù lên những nước được coi là nằm trong “trục ma quỷ”. Đây là câu chuyện được bày ra nhằm dọn chỗ cho một cuộc chiến tranh.

Băng qua đường biên giới với Canada, tôi nhớ là đã thấy lá cờ-giỏ hàng đó và cảm thấy thất vọng tràn trề đến nỗi phải viết một bài bình luận về nó. Sau đó, bài viết này cũng đã được đăng tải. Trong những ngày tiếp theo, khi cơn bão mua sắm đang hoành hành và chủ nghĩa tiêu thụ nhanh chóng thế chỗ cho những câu chuyện về các giá trị nhân đạo sâu sắc nhưng thầm lặng hơn, tôi đã rất buồn khi viết một bài báo mà không bao giờ có thể hoàn thành nó. Sức mạnh của câu chuyện thúc đẩy bởi sự thiếu thốn lớn khiến tôi không tiến thêm được bước nào. Bí ẩn đó là điều tất yếu, là một lý lẽ đanh thép thật sự khó nhằn đối với tôi. Tôi nhớ là đã cảm thấy tuyệt vọng khi muốn người khác lắng nghe. Và tôi đã phải đầu hàng.

Khoảng thời gian đó, tôi có lịch hẹn gặp với 12 đồng nghiệp đến từ một nhóm có tên gọi là Liên minh Xu thế mới, một nhóm đối thoại bao gồm những nhà hoạt động xã hội có uy tín, những người đã hoặc đang dẫn dắt các phong trào và tổ chức quyết tâm kiến tạo một lối sống công bằng, thịnh vượng và bền vững. Chúng tôi đã hẹn gặp nhau trong khoảng hai ngày, và trong hai ngày hội họp đó, tôi cũng như tất cả mọi người đều cảm thấy nó như là một liều thuốc bổ.

Chúng tôi thừa nhận sự chuyển hướng đáng thất vọng trong câu chuyện của cả đất nước từ lòng hào phóng và đồng cảm sang sợ hãi, bất ổn, giận dữ, báo thù và chiến tranh, và quyết định là sẽ làm mọi điều có thể để giúp lèo lái câu chuyện sang một chiều hướng nhân bản hơn. Giải pháp giản dị nhất của chúng tôi đó là bắt đầu gửi đi một loạt các bức thư điện tử mời gọi mọi người kết nối lại với những phẩm chất tốt đẹp hơn trong chính con người họ và những người khác, hơn là cảm thấy lạc lõng trong nỗi sợ hãi và chủ nghĩa tiêu thụ lệch lạc. Một số bức thư đề cập trực tiếp đến những vấn đề nghiêm túc đang đối mặt với cả quốc gia, và những trăn trở mà sẽ có thể tạo ra những phản ứng hiệu quả hơn là một lời kêu gọi ra trận. Với những ngày lễ của tháng 12 đang gần kề, chúng tôi cũng chia sẻ với những người mà chúng tôi biết là đang tham gia vào những hoạt động có thể gọi là một “cuộc chuyển biến về quà tặng” vĩ đại. Họ đang chuyển từ việc mua quà sang quyên góp tiền bạc và thời gian, từ tiêu tiền vào những món quà tặng sang dành dụm thời gian bên người thân, từ việc thể hiện theo những lối mòn sang thể hiện những mối liên hệ sâu đậm hơn.

Chúng tôi đã gửi các bức thư đến danh sách các bạn bè, đồng nghiệp và những người khác, các cá nhân hoặc tổ chức, và kêu gọi họ tiếp tục chuyển những bức thư đó đi, và ghi thêm vào những thông điệp của riêng họ, để giúp cho những tình cảm trầm lắng, phi thương mại và chín chắn hơn này có một chỗ đứng quan trọng hơn trong câu chuyện của công chúng. Chúng tôi đã lập ra một trang web giúp cho mọi người có thể chia sẻ những câu chuyện của mình cùng các ý tưởng thay đổi quà tặng.

Từ ngay trong lúc soạn những bức thư này, chúng tôi cảm thấy như mình đang được làm mới lại. Khi các bức thư bắt đầu đến được với những người khác, và chúng tôi bắt đầu kết nối được với vài trăm người đầu tiên, rồi đến hàng nghìn người, có một điều rõ ràng là nhiều, rất nhiều người háo hức muốn được quay lại với một câu chuyện về sự đầy đủ, kết nối, và sẻ chia mà có thể giúp cho mọi tiếng nói đều được đào sâu và mở rộng hơn.

Mỗi một thông điệp đều là một minh chứng cho thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh hay câu chuyện nào, luôn có một lòng khao khát ngấm ngầm vươn tới sự kết nối và đầy đủ. Tốc độ lan truyền đáng kinh ngạc của chiến dịch gửi thư qua Internet là một điều nhắc nhở đến sự hiện diện của một thứ được gọi là “làn sóng ngầm” những con người suy nghĩ, nhìn nhận và đánh giá dựa vào bối cảnh của sự đầy đủ. Họ muốn thấy những khoản tiền thuế của mình, các khoản chi tiêu, và các khoản tiền viện trợ nhân đạo phải được chi vào những hoạt động giúp đẩy mạnh một lối sống bền vững, công bằng, xây dựng nền hòa bình thế giới, chứ không phải là vào sự kiệt quệ, trả thù và xây dựng lực lượng quân sự. Tôi lại được nhắc nhở rằng thật quan trọng biết bao khi những người nằm ở làn sóng ngầm như chúng ta nổi lên và nói ra ý kiến của mình, nhằm tạo nên một câu chuyện về sự đầy đủ và mời gọi những người khác cùng làm theo.

Sự kiện lịch sử trọng đại này, cùng với cuộc chiến kéo theo sau đó, đã đặt ra mối quan tâm đến rất nhiều vấn đề, bao gồm cả mối quan hệ giữa tiền bạc với chúng ta, với tư cách là một đất nước hoặc những cá nhân. Nỗi sợ không có đủ dầu mỏ của chúng ta là động lực thúc đẩy phần lớn các chính sách quốc gia và chiến lược quân sự của chúng ta tại khu vực Trung Đông. Là một quốc gia, chúng ta tỏ ra luôn sẵn sàng và sẵn lòng gây chiến vì lợi ích dầu mỏ, thậm chí đến mức độ là sát hại những con người vô tội, hơn là sẵn sàng hạn chế mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch của mình và sự lệ thuộc của mình vào dầu mỏ nước ngoài. Lòng tham vô độ này đã làm nước Mỹ trở nên mù quáng và vô nhân đạo đối với thế giới, và hậu quả của thái độ này là rất nghiêm trọng. Đã đến lúc phải nói lên sự thật và phải tự xem xét lại bản thân.Khi chúng ta nhận thấy được giá trị đích thực của thị hiếu tiêu dùng trong cả nước Mỹ, và hình ảnh của nước Mỹ trong con mắt phần lớn cộng đồng thế giới là những kẻ chỉ biết tiêu xài, kiêu căng và tham lam. Chúng ta có thể kiên định theo một lập trường, thay đổi giấc mơ, và chuyển câu chuyện sang sự đầy đủ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.