Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ

CHƯƠNG 6



SỢI DÂY XÍCH THỨ BA: NÉ TRÁNH SỰ CHỈ TRÍCH PHÊ BÌNH

Vô tình hoặc cố tình tránh né những lời phê bình chỉ trích sẽ làm tổn hại và bóp chết suy nghĩ sáng tạo trong bạn, đồng thời chặn đứng bước tiến của bạn ngay trước khi bạn bắt tay vào hành động.

“Tôi đã bảo anh rồi mà!”

“Tôi không thể tin là chị lại làm như vậy!” “Bạn đang nghĩ cái quái quỷ gì vậy?” “Lúc nào em cũng cư xử như thế!”

“Con chẳng bao giờ làm được việc gì ra hồn!” “Đừng có lố bịch như vậy!” “Cô điên đấy à?”

“Tôi biết ngay mà, thế nào chuyện này cũng xảy ra.” “Tại sao con không nghe lời mẹ?” “Đừng có quá nhạy cảm như vậy!”

“Hình như em phát phì rồi đó! Em phải bắt đầu để ý đến những món ăn vặt đi là vừa!”

Sự chỉ trích, phê phán, phê bình, bình phẩm… có thể được phát ra dưới nhiều hình thức: một lời nhận xét thẳng thừng, một câu hỏi xách mé, thậm chí là một ánh mắt coi thường, một cái nhếch mép cười khẩy hoặc chỉ là tiếng thở dài ngao ngán. Chẳng ai muốn bị chỉ trích, nhưng ai cũng từng bị chỉ trích, không nhiều thì ít. Điều trớ trêu là chúng ta không thích bị người khác phê bình nhưng lại không ngần ngại trong việc phê bình người khác. Tiếp nhận lời phê phán, đối với con người mà nói, là một trong những kinh nghiệm khó khăn nhất trong cuộc sống hàng ngày. Trái lại, đưa ra những thông điệp chỉ trích sao mà dễ dàng và tự nhiên đến thế!

Bạn có nhớ đã từng bị ai chỉ trích từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành không? Hãy dành một phút suy nghĩ về vấn đề này. Thầy cô giáo, cha mẹ, bạn bè, anh chị em, hoặc người yêu đã bình phẩm bạn ra sao? Tôi thì luôn nghe người khác bình luận đại loại như: mũi tôi to như quả cà chua, chữ tôi viết xấu như gà bới, nhìn tôi thật luộm thuộm, tính tình tôi ích kỷ, tôi quá ngu ngốc… Vâng, đó chỉ là một vài điều tôi nhớ được trong vô số nhãn mác dán vào tôi thời trẻ. Bạn đã nhớ ra điều gì chưa?

Bây giờ, bạn hãy cố nhớ lại những lời phê bình mà bạn nhận được trong vòng một tháng qua. Bạn có nghĩ tới điều gì không? Tiếp đến, hãy nhớ lại sự chỉ trích mà bạn đã thể hiện với người khác thời thơ ấu. Nhiều khả năng là bạn sẽ dễ nhớ những lúc người ta phê phán bạn hơn là ngược lại. Tại sao ư? Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời, sự chỉ trích làm bạn tổn thương nhiều hơn là bạn nghĩ. Có những lời nói gây ra những vết thương sâu đến nỗi não bộ không thể xóa mờ, thế nên, có khi cả đời người trôi qua mà bạn vẫn không thể quên được một câu nói đau như dao cứa hôm nào.

Quả thật, những lời phê bình bao giờ cũng đau đớn, nhức nhối, khó chịu đến mức khi lớn lên, bạn làm tất cả để trốn tránh nó. Bạn thường xuyên điều chỉnh hành vi của mình không phải vì lợi ích của bạn hay của người khác mà chỉ đơn giản là để tránh bị chỉ trích, bới móc mà thôi. Bạn càng quan tâm, nể trọng một người nào đó bao nhiêu thì những lời đánh giá tiêu cực của họ càng có sức tàn phá và làm bạn tổn thương bấy nhiêu.

Nỗi đau đớn khi bị chỉ trích khiến bạn rút lui khỏi những mối quan hệ mà mặt khác, có thể mang lại cho bạn niềm vui và hạnh phúc. Nỗi sợ bị phê bình khiến bạn không nói hoặc làm những việc tốt cho bản thân và những người xung quanh. Ví dụ, bạn không bắt đầu chương trình tập thể dục vì nếu bạn bỏ dở nửa chừng, thế nào cũng có người nói, “Biết ngay mà, anh thì chỉ tập được dăm bữa nửa tháng là cùng”. Hoặc bạn chẳng dám hé răng phát biểu ý kiến để cải thiện một mối quan hệ, hoặc thúc đẩy một dự án vì sợ có ai đó sẽ nói, “Thôi đừng làm chuyện vớ vẩn” hoặc “Chẳng được nước non gì đâu”. Thật là một thảm kịch cho loài người chúng ta, phải không?

Bao nhiêu mối quan hệ hoặc mái ấm gia đình sẽ được cứu vãn nếu người ta có thể thoải mái ra tay giúp đỡ chứ không chần chừ vì sợ bị phê phán. Bao nhiêu ý tưởng độc đáo và sáng kiến hữu ích nhằm cải thiện cuộc sống con người sẽ thành hiện thực nếu nỗi sợ bị chỉ trích không hề tồn tại. Có thể nói, sự phê bình là một trong những nhân tố có sức hủy hoại khủng khiếp nhất trong cuộc sống cá nhân, sự nghiệp của con người nói riêng và xã hội nói chung. Đó là mặt trái của đồng tiền, còn mặt phải là bao giờ cũng có cách giúp bạn hoàn toàn vượt qua được tác động tiêu cực từ sự chỉ trích của người khác và đánh bại hậu quả của nó trong cuộc sống. Như vậy, bạn có thể giải phóng bản thân khỏi những giới hạn mà bạn tự đặt ra cho mình, để có thể trở thành con người mà bạn hướng tới và đạt được bất cứ điều gì mà bạn xứng đáng.

Cách thức đập tan ảnh hưởng tồi tệ của sự chỉ trích là thay vì trốn tránh nó, bạn hãy đối mặt với nó. Cũng đừng tìm cách bỏ ngoài tai những lời phê bình hoặc tỏ thái độ lạnh lùng bất cần với nó. Thậm chí đừng học cách tự vệ để đối phó lại nó. Cách duy nhất để xua đuổi tác động xấu của sự chỉ trích là học cách giải quyết nó.

Giống như câu “Người chê ta mà chê phải là thầy ta”, bất cứ sự phê bình nào mà bạn nhận được cũng có thể trở thành đồng minh thân cận nhất hoặc kẻ thù tệ hại nhất của bạn, tùy thuộc vào ba yếu tố: nguồn phê bình, tính chính xác của sự phê bình và phản ứng của bạn đối với nó. Phải, bạn hoàn toàn có sự lựa chọn nhìn nhận sự chỉ trích như một người hết lòng hỗ trợ bạn hoặc một địch thủ muốn hãm hại bạn. Thậm chí bạn có thể chuyển những lời đả kích có dụng ý làm bạn tổn thương thành yếu tố có giá trị hữu ích to lớn đối với bạn.

BIẾN THÙ THÀNH BẠN

Nếu bạn hỏi bất cứ người nào đã từng tham gia chiến đấu hoặc làm điệp viên thì họ sẽ nói cho bạn biết rằng: giết chết quân địch hoặc gián điệp nước ngoài dễ hơn nhiều so với việc thuyết phục hắn trở thành đồng minh. Nhưng họ cũng công nhận rằng nếu bạn có thể biến thù thành bạn hoặc thành điệp viên hai mang, hay còn gọi là điệp viên nhị trùng, thì đây có thể coi là một thắng lợi kép. Giết một tên địch hay một điệp viên phe đối nghịch chỉ làm giảm đi nguy cơ mà hắn có thể gây ra cho bạn hoặc tổ chức của bạn. Biến hắn thành đồng minh không những loại trừ những bất lợi do người này mang lại, mà nó còn giúp bạn có thêm lợi thế trên chiến trường.

Điều này cũng đúng với sự phê bình. Việc tránh né, phản ứng mạnh hoặc bỏ ngoài tai những lời chỉ trích chỉ có tác dụng hạn chế bớt những tác động tiêu cực của nó đối với bạn. Nhưng những hành động này chẳng giúp ích gì cho sự phát triển cá nhân và mức độ thành công của bạn.

Ngược lại, nếu biến những lời khó nghe thành thông tin phản hồi mang tính xây dựng thì bạn sẽ nhận được lợi ích to lớn trong việc phát triển bản thân hoặc sự nghiệp, kinh doanh. Bằng cách này, khả năng những lời phê bình làm bạn tổn thương không những giảm xuống… bằng zero, mà nó còn tạo tiền đề vững chắc giúp bạn ngày càng hoàn thiện hơn, thành công hơn. Nghe có vẻ khó tin ư? Nhưng thực tế đúng như vậy. May mắn là việc làm này không quá khó khăn. Bạn chỉ cần đưa ra một sự lựa chọn cụ thể mỗi khi trở thành đối tượng bị phê bình. Khi bạn lựa chọn đúng, sự chỉ trích sẽ trở thành đồng minh thay vì kẻ thù của bạn và bạn không còn cảm thấy sợ nó nữa. Một khi không còn sợ nữa thì bạn sẽ – cả vô thức lẫn có ý thức – ngừng điều chỉnh lời nói và hành vi của mình nhằm tránh né nó. Bạn sẽ hoàn toàn tự do làm bất cứ việc gì để cải thiện hoàn cảnh hoặc mối quan hệ của mình, bất chấp rủi ro. Vậy bạn nên lựa chọn như thế nào khi đối diện với sự phê bình? Bạn phải chọn cách không phản ứng hoặc tự vệ, không rút lui hoặc tấn công, mà là “biến thù thành bạn”.

Việc này được tiến hành như thế nào? Hãy hành xử như một quan tòa khôn ngoan và tự nhủ, “Mình sẽ suy nghĩ về điều này”. Đó là một câu nói rất quan trọng mà bạn cần nhớ, vậy bây giờ bạn hãy nói to lên, “Mình sẽ suy nghĩ về điều này”. Đó không phải là bước duy nhất trong công thức “biến thù thành bạn” mà là bước đầu tiên. Bạn hãy thường xuyên nói câu đó mỗi khi tiếp nhận thông tin phê bình, nếu không nó sẽ đánh bại bạn đấy.

Như vậy, bước đầu tiên không phải là phản ứng tức thì, tự vệ hay “ăn miếng trả miếng” mà là cân nhắc thấu đáo. Bước thứ hai là bạn cần suy nghĩ về hai việc: nguồn chỉ trích và độ chính xác của sự chỉ trích.

NGUỒN CHỈ TRÍCH

Ai chỉ trích bạn và tại sao họ lại làm vậy? Người đó có đủ tư cách phê bình bạn không? Người đó có nắm trong tay tất cả dữ liệu cần thiết để đưa ra lời phê bình khôn ngoan và hợp lý không? Anh ta có hoàn toàn hiểu rõ những việc bạn làm, những lời bạn nói hoặc mục đích thật sự của bạn đằng sau những việc làm hoặc lời nói đó không? Hay anh ta chỉ phản ứng lại những gì anh ta nhận thức là ý định của bạn?

Bao giờ bạn cũng nên tự hỏi mình, “Sự chỉ trích này dựa trên cảm tính, kinh nghiệm hay thất bại (của bạn hoặc của anh ta) trong quá khứ, không đủ thông tin, suy nghĩ thiếu sáng tạo hay dựa trên tính hợp lý, khách quan của tình huống?”. Bạn cũng nên suy nghĩ xem liệu lời phê bình đó có hàm chứa ý nghĩa thật sự của nó không. Ví dụ, khi bà xã cằn nhằn bạn “không bao giờ” quan tâm đến cảm xúc của cô ấy thì thật ra, cô ấy không có ý nói “không bao giờ” mà là trong lần này hoặc một vài lần khác, bạn đã không quan tâm đến cảm xúc của cô ấy theo cách cô ấy mong muốn. Nếu ông xã than phiền rằng bạn “bao giờ” cũng đặt nhu cầu của “mọi người” lên trên nhu cầu của anh ấy thì anh ấy không hề ám chỉ “bao giờ cũng vậy” hay “tất cả mọi người”. Anh ấy chỉ muốn nói về hoàn cảnh hiện tại và một vài sự việc khác trong quá khứ mà thôi.

Ông chủ cũ của tôi tuyên bố rằng tôi là nỗi thất vọng lớn nhất trong cuộc đời sự nghiệp ông ấy và rằng tôi sẽ không bao giờ thành công trong lĩnh vực mà tôi theo đuổi. Mặc dù ông ấy tài giỏi và nắm giữ chức vụ phó chủ tịch công ty, ông ấy không đủ thẩm quyền để đưa ra lời tiên tri về tương lai của tôi. Ông ấy không phải là thầy bói, và chắc chắn không phải là Chúa Trời, thế nên làm sao ông có thể dự đoán tương lai của tôi được!

Trong khi vế trước trong lời phê bình của ông (rằng tôi là nỗi thất vọng lớn nhất) có thể đúng, vế sau hoàn toàn không có cơ sở, bởi vì nguồn phê bình này không đáng tin cậy để có thể nhận định chính xác về thành công trong tương lai của tôi.

Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên trước việc các cô thiếu nữ đánh giá quá cao những lời phê phán vô lý từ mẹ mình. Tôi đã chứng kiến nhiều người phụ nữ bị tổn thương trầm trọng trong một thời gian dài chỉ vì một lời nhận xét của mẹ họ. Chị em phụ nữ, xin các bạn hãy dành thời gian suy nghĩ về nguồn phê bình. Đối với bạn, mẹ bạn có thể là một vị thánh, nhưng có thể bà không phải là nhà tâm lý học trẻ em, người quản gia chuyên nghiệp, người đầu bếp lừng danh bốn biển, hoặc chuyên viên tư vấn hôn nhân gia đình. Là một người mẹ, chắc chắn tình yêu thương của bà dành cho bạn mênh mông như biển cả, với những mong muốn mà bà nghĩ là tốt nhất cho bạn. Bạn cần biết rằng mẹ bạn làm tất cả mọi việc vì yêu thương bạn và vì niềm khao khát được tiếp tục là người mẹ tốt của bạn. Nhưng bạn cũng nên nhận thức rõ rằng bà không phải là Thượng đế và cũng không phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Thế nên bạn không cần phải chống đối, tấn công hay lảng tránh những lời trách móc la rầy của mẹ mà chỉ cần chuyển hóa chúng thành những yếu tố tích cực đối với sự phát triển của cá nhân bạn.

Phải, việc cân nhắc nguồn và độ chính xác của thông tin, ý định và động cơ của người phê bình là bước đầu tiên trong việc biến sự chỉ trích từ thù thành bạn.

TÌM HIỂU ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA SỰ CHỈ TRÍCH

Bước cần làm tiếp theo là tìm hiểu độ chính xác của sự chỉ trích. Ta có thể ví sự chỉ trích như một xô đựng đầy nước. Đọng lại dưới đáy xô là một chút cát và thỉnh thoảng lẫn trong đất cát là những mẩu vàng thô. Khi có ai đó phê phán bạn, tức là họ hắt cả xô nước này vào mặt bạn. Phản ứng tự nhiên của con người có thể là một trong ba hành động sau: (1) cúi đầu xuống né và bỏ chạy, (2) giơ hai tay lên đỡ hoặc (3) giận dữ và tấn công lại đối phương.

Tiếc thay, tất cả những phản ứng tự nhiên này đều “trật chìa”. Đó chỉ là một xô nước, không phải là xô xi-măng. Chẳng ai chết hoặc bị thương chỉ vì bị tạt nước vào mặt. Thế mà trên thế gian vẫn không hiếm người rút súng ra bắn vào người chỉ trích mình. Phải, khi lãnh một xô nước vào mặt, bạn sẽ cảm thấy lạnh và khó chịu một lúc, nhưng rốt cuộc nó chỉ là nước mà thôi. Hãy lấy khăn lau khô mặt. Chút cát dưới đáy xô có thể còn dính lại trong mắt bạn, khiến bạn nhìn nhận mọi việc không rõ ràng; nước mắt có thể ứa ra, khiến tầm nhìn của bạn bị nhiễu loạn trong chốc lát. Hãy lấy cát ra khỏi mắt và suy nghĩ về vấn đề này bằng cách tìm hiểu nguồn chỉ trích và độ chính xác của nó. Đừng vội phản ứng ngay.

Bây giờ đến phần tốt đẹp, dễ dàng hơn: khi xem xét tính chính xác của sự phê bình, bạn thường thấy lấp lánh những mẩu vàng thô trong đó. Những mẩu vàng thô sẽ biến thành thỏi vàng mười nếu bạn biết cách dùng sự thật trong lời phê bình để cải thiện hành vi, thái độ hay lời nói của mình. Chẳng phải mỗi lần như thế, bạn lại tiến thêm một bước đến gần mục đích của đời mình hay sao?

Khi tôi viết kịch bản quảng cáo thương mại đầu tiên của mình vào năm 1976, tôi nóng lòng trình ngay cho sếp. Tôi đã dành trọn mấy ngày trời chăm chút từng câu chữ nên chắc mẩm sếp sẽ đánh giá cao và tự hào về tôi. Hôm ấy, tại nhà sếp, tôi hào hứng đưa cho ông xem như một cậu học trò vừa hoàn thành xuất sắc bài tập được giao. Sếp chăm chú đọc rồi ngước mắt nhìn tôi và buông một câu xanh rờn:

“Chẳng hề có “lưỡi câu” nào, không có gì khiến tôi phải quan tâm và theo dõi toàn bộ chương trình cả”.

Sau tất cả nỗ lực và hy vọng, tôi đứng chết trân như bị nhận cả một thùng nước lạnh xối vào mặt. Tôi có thể phản ứng lại: “Ông có biết tôi mất bao nhiêu ngày để viết kịch bản quảng cáo này không? Đây là một kịch bản tuyệt vời”. Tôi có thể tấn công ông bằng câu nói, “Trong đời mình, thử hỏi ông đã viết được bao nhiêu mẫu quảng cáo hay ho?”. Tôi cũng có thể tự vệ bằng cách đặt câu hỏi: “Ông nghĩ thế nào về câu này, dòng này?” hay “Tại sao ông chỉ chú ý đến vài lỗi lặt vặt mà không thấy được những điểm tốt chứ?”. Nếu tôi phản ứng, tấn công và phòng vệ, tôi có thể đã bỏ lỡ những mẩu vàng giá trị trong xô nước, những thứ mà sau này giúp tôi kiếm được hàng triệu đô.

Bạn thấy đấy, sếp tôi nói kịch bản của tôi không có “lưỡi câu”, còn tôi thì chẳng hiểu mô tê gì về “lưỡi câu” cả. Sau khi định thần lại, tôi hỏi, “Sếp nói thế nghĩa là gì?”. Ông bèn giải thích rằng, chẳng có ai thích xem tiết mục quảng cáo trên tivi. Mỗi khi đến giờ quảng cáo, lập tức người xem chuyển sang làm việc khác hay xem kênh khác. Vì thế, một kịch bản quảng cáo thành công phải “câu” được sự chú ý của khán giả vào màn hình. Vài phút sau, tôi nghĩ ra được một “lưỡi câu” ấn tượng. Thế là chương trình quảng cáo của công ty chúng tôi ra đời, đem lại doanh thu hơn 20 triệu đô trong năm đầu tiên kinh doanh. Quan trọng hơn, tôi học được một bài học quý giá mà tôi đã áp dụng trong hơn 800 kịch bản quảng cáo thương mại mà tôi viết và dàn dựng, nâng tổng doanh thu của chúng tôi lên trên 1 tỷ đô. Đời tôi có được ngày hôm nay là nhờ vào việc tôi đã học được cách nhìn thấy những mẩu vàng lấp lánh ẩn nấp sau những lời phê bình khó nghe.

Gần như bao giờ bạn cũng tìm được một thông tin giá trị ngay cả trong lời phê bình chối tai nhất. Đôi khi lẫn trong cát là những hạt bụi vàng, chứ không phải là những mẩu vàng, cho nên bạn phải nhìn thật kỹ và thành tâm mới thấy được. Khi ông chủ khắc nghiệt của tôi nói, “Anh là nỗi thất vọng lớn nhất trong đời tôi” thì nhận xét ấy chứa đựng rất nhiều nước, khá nhiều cát và một hạt bụi vàng bé tí ti. Ông ấy rõ ràng rất thất vọng về tôi, nhưng sao tôi có thể là nỗi thất vọng lớn nhất trong sự nghiệp của ông ấy khi tôi mới chân ướt chân ráo vào nghề? Hiển nhiên là ông cố tình phóng đại sự việc với hy vọng gây nên nỗi đau trong lòng tôi để trả đũa cho việc tôi đã làm ông thất vọng. Vì lúc ấy còn trẻ người non dạ, những hạt cát trong câu nói tàn nhẫn của sếp rơi vào mắt tôi, làm tôi đau đớn tột độ trong vài ngày. Sau khi làm chủ được cảm xúc giận dữ, cay đắng trong lòng, tầm nhìn của tôi trở nên trong trẻo hơn và tôi thấy được hạt bụi vàng đằng sau lời chỉ trích cay độc của sếp. Ông ấy thất vọng vì thành tích yếu kém của tôi và cho rằng tôi không tận tâm với công việc. Vậy thì bài học rút ra là, nếu muốn trụ lại lâu hơn trong công việc kế tiếp, tôi phải làm sao nâng cao hiệu quả làm việc và chứng tỏ lòng nhiệt thành với sếp và với công ty.

Bây giờ chúng ta hãy cùng trở lại với lời phê bình quen thuộc mà nhiều người trong chúng ta thường nhận được ngày nay, đó là câu nói “Anh/chị càng ngày càng béo”. Quả là một xô nước đầy cát. Chắc chắn bạn không cần nghe lời nhận xét này, vì bạn là người đầu tiên nhận ra mình đang lên cân. Hạt bụi vàng trong câu nói trên chính là sự xác nhận và củng cố ý nghĩ của bạn rằng bạn đang mập lên. Và nếu bạn cho phép, câu nói này sẽ giúp bạn có thêm quyết tâm chịu trách nhiệm về chế độ ăn uống và rèn luyện thể chất có lợi cho cơ thể bạn.

Những bài tập thể dục sẽ giúp bạn kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho hoạt động hàng ngày. Vì thế, thay vì khó chịu, nói móc lại hoặc rút vào vỏ ốc trước lời nhận xét trên, bạn hãy chịu khó đãi cát tìm vàng và nhân số vàng đó lên bằng cách hành động đúng đắn.

Đến đây xin bạn hãy ngừng lại một chút và ngẫm nghĩ về một lời phê phán mà bạn vừa nhận được từ một người mà bạn yêu thương.

Nhớ lại xem bạn đã có phản ứng như thế nào. Bỏ chạy, tự vệ hay phản công? Hãy cân nhắc về nguồn phê bình và độ chính xác của những lời nói đó. Hãy đi tìm mẩu vàng lẫn trong cát và nghĩ xem bạn có thể mang vàng vào sử dụng trong cuộc sống như thế nào.

PHẢN ỨNG CỦA BẠN TRƯỚC SỰ CHỈ TRÍCH

Bước thứ ba và là bước cuối cùng trong việc biến những lời phê bình thành thông tin phản hồi tích cực chính là phản ứng của bạn đối với nó. Tôi đã chỉ cho bạn thấy ba phản ứng sai lầm và một phản ứng đúng đắn trước sự phê bình. Vậy thì sự chỉ trích sẽ trở thành người bạn tốt nhất hay kẻ thù tệ hại nhất của bạn là tùy thuộc vào nguồn chỉ trích, độ chính xác của sự chỉ trích và phản ứng của bạn đối với nó. Tất cả những điều này được minh họa cụ thể trong một câu chuyện mà tôi đã từng nghe được.

Vào buổi sáng thứ bảy nọ, cặp vợ chồng nhà kia ghé ngang cửa hàng bán thú nuôi để tìm mua một chú cún. Vừa bước chân vào cửa hàng, họ đã nghe thấy tiếng chào hỏi ồn ào, khó chịu của một con vẹt trong lồng chim gần cửa.

“Này ông bạn”, con vẹt nói.

“Hả?” người chồng trả lời.

“Ông chồng ngu ngốc, bà vợ xấu xí”, con vẹt kêu to.

“Mày nói gì?”, người chồng tức giận hỏi.

“Tôi nói, ông đần độn còn vợ ông thì xấu xí!”

Thế là ông chồng nổi đóa lên, còn bà vợ thì khóc mếu máo. Ông chồng nhanh chóng đến gặp người chủ cửa hàng để trút cơn thịnh nộ.

“Chuyện này là thế nào? Vợ chồng tôi đang hào hứng tìm mua một con chó về nuôi thì bị con vẹt ngu xuẩn láo xược của ông phỉ nhổ vào mặt những lời không thể chấp nhận được. Nhìn vợ tôi kìa… mất cả vui.”

“Tôi không tin là nó lại tiếp tục làm một chuyện như vậy”, người chủ nói. Sau đó, ông ta mang găng vào một tay rồi đi về phía con vẹt. Ông túm lấy con vẹt rồi tát hai ba cái vào một bên đầu nó. Thấy vậy, vợ chồng người khách cảm thấy nguôi ngoai, họ đi một vòng quanh cửa hàng xem chó rồi về. Trên đường ra cửa, họ đi ngang qua con vẹt, nó nói, “Này ông bạn”. Người đàn ông quắc mắt nhìn con vẹt và nói, “Hả?”. Con vẹt đáp, “Ông biết rồi còn gì”.

Tôi kể câu chuyện này để nhấn mạnh ba ý. Theo bạn, ai là người khôn ngoan hơn, con vẹt hay cặp vợ chồng nọ? Rõ ràng con vẹt thông minh hơn. Buổi sáng thứ bảy của hai vợ chồng đó sẽ không bị tiêu tan bởi lời nói của con vẹt, nếu họ dành vài phút suy nghĩ về nguồn thông tin, tính chính xác của nó và kềm chế phản ứng của mình. Đó chỉ là một con vẹt chứ đâu phải là giáo sư đại học hay chủ hãng thời trang. Lời nói của nó chẳng có giá trị gì khi nhận xét về mức độ thông minh của ông chồng hay vẻ xuân sắc của bà vợ. Hiểu được điều này, họ có thể cười xòa và tự nhủ, “Con vẹt ngu ngốc này thì biết gì”.

Xét về phản ứng của họ, ta thấy ông chồng quả có hơi ngốc thật khi quan trọng hóa lời nói vô nghĩa của con vẹt, còn bà vợ thì chắc chắn không thể đẹp được khi bật khóc như vậy. Nếu họ tìm được “vàng trong cát” thì người đàn ông có thể đăng ký tham dự khóa ăn nói, còn người đàn bà có thể đổi kiểu tóc hoặc bắt đầu chương trình tập thể dục.

Một lần Gary Smalley và tôi bay từ Dallas tới Chicago. Ngồi xung quanh chúng tôi là những thành viên của nhóm Hoạt náo viên Dallas Cowboy. Gary yêu cầu một cô bé tự đánh giá ngoại hình của mình theo thang điểm từ 1 đến 10. Anh cố ý chọn một hoạt náo viên mà cả anh và tôi đều ngầm cho điểm 10 tuyệt đối. Nhưng cô bảo, “Cháu chắc cỡ 7 điểm”. Cả hai chúng tôi đồng thanh hỏi, “Tại sao?”. “Hãy nhìn cái mũi của cháu”, cô chỉ vào mũi mình rồi chỉ sang một bạn khác và nói, “Bạn ấy mới xứng đáng nhận điểm 10 tuyệt đối”.

Nghe vậy Gary đáp, “Tôi chẳng thấy gì không ổn với cái mũi của cháu, tại sao cháu lại nói thế?”. “Chú nhầm rồi”, cô gái nói giọng quả quyết. “Chú nhìn kỹ mũi cháu mà xem. Người bạn trai đầu tiên của cháu nói rằng cháu sẽ đẹp hoàn hảo nếu không có cái mũi này”.

Thật đáng buồn phải không? Cô gái này không bao giờ vượt qua được lời nhận xét ấy. Bạn trai của cô là chuyên gia về sắc đẹp ư? Hay anh ta là “chuyên gia về mũi”? Lẽ ra cô bé phải cân nhắc về tư cách của người phê bình, độ chính xác của lời phê bình và cười vào mũi anh ta. Anh ta cũng chỉ là một “con vẹt”, nói mà không biết mình đang nói gì.

Thế giới của chúng ta đầy rẫy những con vẹt – những người tùy tiện đưa ra những lời nhận xét vô tội vạ. Nhưng đó không phải là phận sự của bạn và tôi. Trách nhiệm của chúng ta là kiểm soát phản ứng của mình trước từng lời phê bình mà chúng ta nhận được. Cứ để họ tạt xô nước vào mặt bạn. Sau đó hãy lùi lại một bước, lau khô mặt, lấy cát trong mắt ra và tìm những mẩu vàng. Làm được như vậy, bạn sẽ biến tất cả những lời phê bình, chỉ trích thành người bạn tốt giúp bạn ngày càng khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn cả trong cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp.

Thời gian đầu, bạn sẽ phải nỗ lực nhiều để giữ thái độ thích hợp và không phản ứng tức thì trước sự chỉ trích. Sau khi luyện tập trong vài tháng, việc phản ứng đúng cách với những lời phê bình sẽ trở thành một thói quen tốt, hỗ trợ bạn suốt cả cuộc đời.

Bí quyết hiệu nghiệm 3:

Biến sự chỉ trích từ thù thành bạn

1. Liệt kê những lời phê bình đáng nhớ nhất mà bạn nhận được trong gia đình hoặc trong công việc.

2. Với mỗi lời phê bình, đánh giá tư cách của người phê bình bạn: đạt tiêu chuẩn cao, đạt tiêu chuẩn vừa vừa và không đạt tiêu chuẩn.

3. Hãy chọn những yếu tố nền tảng của mỗi lời phê bình trong danh sách bên dưới:

– Cảm xúc

– Kinh nghiệm, thất bại trong quá khứ của bạn hoặc của người phê bình bạn

– Không có đủ thông tin về mục tiêu, ý định hay tầm nhìn của bạn

– Suy nghĩ theo lối mòn, thiếu sáng tạo

– Tính logic

– Tình huống thực tế

4. Động cơ của người phê bình là gì? Có phải vì tình yêu, sự quan tâm chân thật của người đó dành cho bạn, cho công việc chung, cho những người xung quanh hay chỉ thuần túy là lòng ích kỷ, đố kỵ, sợ hãi, thù oán, giận dữ, hay vì người đó còn quá nông cạn, bồng bột thiếu suy nghĩ?

5. Sau khi cân nhắc thấu đáo, bạn nhận thấy lời phê bình của người ấy có điểm gì đúng?

– Định nghĩa về “nước” trong lời phê bình: yếu tố nào được phóng đại quá đáng, vô lý hoặc vô nghĩa.

– Định nghĩa về “cát” trong lời phê bình: yếu tố nào khiến bạn cảm thấy tổn thương hoặc đau đớn nhất (lời lẽ cụ thể, giọng nói, thái độ phê bình…)

– Định nghĩa về “vàng” trong sự phê bình: sự thật rút ra từ những lời phê bình có thể giúp bạn thành công hơn trong tương lai.

6. Bạn đã phản ứng lại lời phê bình như thế nào? Giận dữ, chống đối, phủ nhận, đổ lỗi, phản công hay rút vào im lặng? Bạn có lắng nghe, công nhận, cảm ơn hoặc đưa ra lời giải thích để người phê bình hiểu rõ hơn về bạn hoặc hành vi của bạn không?

7. Bạn có thể phản ứng như thế nào để mang lại lợi ích cho bản thân, sự phát triển cá nhân và mối quan hệ giữa bạn với người phê bình?

8. Viết ra những cách phản ứng mà bạn cho là tốt nhất với sự phê bình mà bạn nhận được trong tương lai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.