Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ

CHƯƠNG 5



SỢI DÂY XÍCH THỨ HAI:

NỖI SỢ THẤT BẠI

Nỗi sợ thất bại trong ý thức hoặc tiềm thức bào mòn khả năng vươn tới thành công của bạn.

Trong sáu sợi dây xích trói buộc không cho con người sống vì ước mơ của mình thì nỗi sợ thất bại là gông cùm mạnh mẽ nhất và khó bẻ gãy nhất. Sợi dây xích này bắt đầu hình thành từ thời thơ ấu của bạn và ngày càng vững chắc qua năm tháng. Cho đến lúc bạn tốt nghiệp phổ thông thì nó đã phát triển toàn diện và cắm sâu vào lòng đất rồi. Chẳng những nỗi sợ thất bại ngăn không cho bạn thực hiện ước mơ của mình, nó còn có sức hủy hoại to lớn khiến bạn từ bỏ ước mơ ngay trước khi có bất cứ nỗ lực nào. Trong thực tế, nó thường xuyên nhắc nhở bạn hãy dẹp mơ ước sang một bên.

Quả thật, nỗi sợ thất bại làm chậm sự phát triển tinh thần của bạn và thuyết phục bạn chấp nhận sự kém cỏi tầm thường trong tất cả các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống. Ước mơ, lý tưởng, hy vọng và tiếp đến là thành công của bạn… tất cả đều bị phá hủy không thương tiếc dưới bàn tay của vị bạo chúa này. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều người trong chúng ta đã sống trong nỗi sợ hãi thất bại lâu đến nỗi nó chuyển thành tiềm thức của họ. Thường thì những người này không nhận ra sự hiện diện của nó, nhưng trong từng giây phút, nó vẫn âm thầm tác động mạnh mẽ lên tính cách và hành động của họ.

NỖI SỢ THẤT BẠI RẤT DỄ LÂY NHIỄM VÀ ĐƯỢC TRUYỀN TỪ THẾ HỆ NÀY SANG THẾ HỆ KHÁC MỘT CÁCH VÔ THỨC.

Nếu bạn là một bậc cha mẹ thì điều này còn đáng sợ hơn. Nếu lý tưởng, hy vọng và thành tựu của bạn bị nỗi sợ thất bại làm cho biến dạng và hư hại, bạn sẽ giới hạn và phá hủy niềm tin, hy vọng cũng như thành tựu của con cái mà không hề hay biết. Nỗi sợ kinh hoàng này và tác hại của nó có sức lây lan rất nhanh từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, dù thế nào đi nữa bạn cũng phải chặt đứt sợi dây xích này, nếu không phải vì lợi ích của bạn thì là vì con cái bạn và những người mà bạn thật sự yêu thương. Mục tiêu của bạn là phải phá bỏ sự níu kéo không ngừng của nó, chặt đứt nó ra từng khúc, sao cho nó không bao giờ còn có sức mạnh cản đường bạn nữa.

Để làm được điều đó, trước tiên bạn cần hiểu rõ hai thành phần của sợi dây xích này: nỗi sợ hãi và sự thất bại; sau đó, bạn cần nhìn nhận bản chất của nó và cuối cùng, bạn cần học cách nhận diện sợi dây xích và tiêu diệt nó mỗi lần nó tái hiện.

Nỗi sợ hãi là một cảm xúc hoặc rất lành mạnh, hữu ích thậm chí có thể cứu mạng bạn, hoặc có sức hủy diệt, làm tê liệt cảm xúc của bạn, thậm chí nguy hiểm chết người.

Khi bạn còn bé, nỗi sợ tích cực mách bảo bạn về những giới hạn tự nhiên. Nó dạy bạn không được chạm tay vào nồi nước nóng (lần thứ hai), không được ngâm mình dưới nước quá lâu hoặc nhảy qua hàng rào quá cao. Lớn lên một chút, nó dạy bạn không nên đánh nhau với những đứa bạn hung hăng. Nó cũng dạy cha tôi cách trở thành một phi công chiến đấu cừ khôi, cứu được mạng sống của bản thân mình và đồng đội, bởi vì nó dạy ông đừng chắc chắn về bất cứ điều gì, hãy kiểm tra đi kiểm tra lại mọi chi tiết trước khi cất cánh.

Nỗi sợ tích cực dạy hầu hết mọi người phải tôn trọng kỷ cương luật pháp và biết rõ giới hạn trong hành vi cư xử của mình. Vì thế, nó giúp khối người trong chúng ta không bị bắt giam và tống vào tù. Tất cả những điều này cho thấy nỗi sợ tích cực là một yếu tố hữu ích tự nhiên mang lại kết quả tốt đẹp trong cuộc sống. Đối với những người Do Thái hay người theo đạo Thiên chúa thì cả kinh Torah lẫn Kinh thánh đều dạy rằng “Nỗi sợ Chúa Trời là điểm khởi đầu cho sự khôn ngoan”. (Thử hỏi có ai trên đời không muốn mình khôn ngoan?) Do đó, nỗi sợ tích cực hay nỗi sợ thân thiện là người bạn tri kỉ của bạn và bạn không nên phớt lờ hay bỏ qua nó.

Phàm đã có nỗi sợ tích cực thì phải có nỗi sợ tiêu cực. Nỗi sợ tiêu cực khiến bạn tập trung vào những điều bạn không nên sợ. Nó mang lại hậu quả tệ hại, có thể khiến bạn tê liệt cảm xúc, thậm chí chết người. Với nhiều người, nỗi sợ tiêu cực trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp khiến họ trở thành tù nhân của nó. Tuy vậy, trong đa số các trường hợp, nỗi sợ tiêu cực có vẻ mơ hồ hơn, nhưng vẫn đáng sợ không kém. Nó ngăn cản bạn làm những việc đáng làm và đạt được những thành tựu đáng có. Thật sự, nó có thể khiến bạn không hề có một nỗ lực hành động nào. Khi bạn tham gia đội bóng thiếu nhi, nỗi sợ tiêu cực ngăn không cho bạn đi những đường bóng táo bạo vì sợ bóng bay ra khỏi gôn. Lớn lên một chút, nó ngăn không cho bạn đăng ký vào đội thể thao ở trường vì sợ mình không đạt tiêu chuẩn hoặc thậm chí trong giờ học, nó ngăn không cho bạn giơ tay phát biểu vì sợ xấu hổ trước mặt bạn bè nếu trả lời sai.

Hồi còn học đại học, tôi chẳng bao giờ dám ngỏ lời mời cô gái nào đi chơi vì sợ bị khước từ. Người chồng hoặc vợ không dám yêu cầu người bạn đời của mình làm một việc quan trọng nào đó vì sợ người kia sẽ nói “không” hoặc tệ hơn, chế giễu hay chỉ trích mình. Nhân viên không dám đề xuất sáng kiến với ông chủ vì sợ bị từ chối. Thậm chí họ không dám mở kinh doanh vì sợ sẽ thất bại và mất hết những gì họ đã phấn đấu để có được.

Một trong những ông chủ cũ của tôi đột nhiên ngã quỵ vì cơn đau tim khi đang đánh quần vợt với bạn. Lúc xe cứu thương đến nơi thì mọi chuyện đã quá trễ, ông chủ xấu số của tôi đã tắt thở khi đến được bệnh viện. Vị bác sĩ trực ca cấp cứu hôm ấy giận dữ hỏi người bạn của ông chủ tôi là tại sao ông ta không thực hiện hô hấp nhân tạo trên sân quần vợt. Người bạn kia bối rối trả lời, “Tôi sợ làm gãy xương sườn ông ấy”. Thất vọng và phẫn nộ, vị bác sĩ đáp lại, “Trời đất ạ, thà sống với xương sườn bị gãy, còn hơn là chết!”.

Đây là một ví dụ hoàn hảo về nỗi sợ tiêu cực và hậu quả kèm theo của nó. Nỗi sợ của người bạn kia khiến ông ta chỉ nghĩ đến những điều sai lầm (khả năng làm gãy xương sườn) và không nhận thức được tình huống hiện tại (rằng ông chủ cũ của tôi, bạn của ông ta, sẽ chết nếu không có biện pháp trợ tim kịp thời). Nỗi sợ tiêu cực che mắt ông ta, khiến ông ta không nhìn thấy cơ hội đạt được thành tích phi thường bằng việc cứu sống bạn mình. Hậu quả của nỗi sợ này vô cùng thảm khốc. Một người đàn ông giã từ cuộc sống, một người vợ mất chồng và bảy đứa con mất cha. Mặc dù không một ai dám khẳng định rằng ông chủ tôi sẽ sống sót nếu được hô hấp nhân tạo trên sân quần vợt, nhưng tất cả chúng ta đều biết ông không thể sống được nếu không có nó.

Trong khi những nỗi sợ hãi kiểu này có thể không lấy đi tính mạng của bạn hay cuộc sống của những người mà bạn yêu thương, chắc chắn nó sẽ cướp đi của bạn và gia đình bạn những điều tốt đẹp mà bạn có thể đạt được và tận hưởng nếu không có nỗi sợ hãi đó.

Vấn đề ở chỗ, làm thế nào để phân biệt được nỗi sợ tích cực và nỗi sợ tiêu cực? Nỗi sợ tích cực khuyên nhủ bạn, bảo vệ và gìn giữ những điều mang lại lợi ích cho bạn và cho người khác. Nỗi sợ tiêu cực ngăn cản bạn làm những việc tốt và chặn đường không cho bạn đạt được những thành quả tốt đẹp cho bản thân và mọi người xung quanh. Nỗi sợ tích cực thường hướng đến lợi ích lâu dài, còn nỗi sợ tiêu cực chỉ biết đến kết quả trước mắt.

Ví dụ, nỗi sợ tiêu cực không cho tôi giơ tay hỏi trong giờ học vì tôi có thể đưa ra câu hỏi ngu ngốc khiến bạn bè và cô giáo cười chê. Nỗi sợ tích cực, ngược lại, nhắc nhở tôi rằng, nếu không mạnh dạn giơ tay hỏi, tôi sẽ không học được gì và thất bại sau này. Như vậy, nỗi sợ tiêu cực thiên về sự thỏa mãn tức thì, hoặc sợ mất một cái gì trước mắt. Sở dĩ tôi chia sẻ tất cả những điều này với bạn là để bạn có thể bứng tận gốc nỗi sợ tiêu cực ra khỏi tâm trí một cách hiệu quả nhất.

Bây giờ, khi bạn đã biết cách phân biệt nỗi sợ hãi đáng có với nỗi sợ hãi không đáng có, một câu hỏi khác được đặt ra: làm thế nào để phát hiện nỗi sợ tiêu cực dưới những biểu hiện khó thấy của nó và một khi đã nhận diện được thì làm thế nào để xua tan hay đánh bại nó?

LÀM THẾ NÀO PHÁT HIỆN NHỮNG NỖI SỢ HÃI MƠ HỒ CÓ THỂ KHIẾN BẠN ĐI SAI ĐƯỜNG CHỆCH LỐI

Bạn thật sự mong muốn điều gì? Nếu có thể đạt được bất cứ điều gì bạn khao khát – trong các mối quan hệ, công việc, sự nghiệp hoặc kinh doanh – thì bạn muốn đạt được điều gì? Đây là câu hỏi đầu tiên giúp bạn xác định rõ những nỗi sợ hãi mơ hồ có thể khiến bạn chuyển hướng từ những thành tựu phi thường sang những kết quả tầm thường. Một khi hiểu rõ bạn muốn gì, hãy liệt kê những chướng ngại vật cản trở bạn đạt được những điều đó. Sau khi biết rõ các trở ngại, hãy tự hỏi xem điều gì khiến bạn không dám đương đầu hoặc vượt qua khó khăn. Đây thường là lúc nỗi sợ của bạn xuất đầu lộ diện.

Ví dụ, bạn có thể trả lời câu hỏi: “Bạn mong muốn điều gì nhất trong hôn nhân?” rằng “Được thỏa mãn mọi nhu cầu cảm xúc sâu xa nhất của tôi”. Câu trả lời cho câu hỏi thứ hai: “Điều gì ngăn cản bạn không đạt được mong muốn đó?” có thể là “Vợ/chồng tôi không biết cách đáp ứng nhu cầu tình cảm của tôi, hoặc người ấy không quan tâm.”

Câu hỏi thứ ba quan trọng nhất, giúp nhận diện nỗi sợ hãi sâu kín trong lòng bạn: “Điều gì khiến bạn không dám đối đầu hoặc vượt qua trở ngại này?”. Đó có thể là nỗi sợ bị từ chối hoặc chỉ trích, nếu bạn bộc lộ nỗi lòng thầm kín của mình. Cũng có thể bạn sợ sẽ phát hiện ra sự thật rằng “người ấy” không quan tâm đến bạn như bạn nghĩ. Có thể bạn e ngại rằng mình không biết cách biểu lộ cảm xúc thật sự trong lòng mình. Bất kể nỗi sợ hãi của bạn là gì, bước đầu tiên để vượt qua nó là phải xác định chính xác nỗi sợ đó. Sau đó bạn có thể vô hiệu hóa rồi tiêu diệt nó.

Ví dụ về việc xác định nỗi sợ hãi

Ước                                 Trở ngại                                    Nỗi sợ phải đối đầu
muốn

Cuộc sống                Ông xã không                         Anh ấy sẽ nổi giận, chỉ trích hoặc khước từ tôi và nhu
vợ chồng                  quan tâm đến
                                                                                         cầu cảm xúc của tôi.
hạnh phúc                 cảm xúc của tôi.

Tìm một                    Chưa đủ năng lực                    Thất bại trong việc nâng cao khả năng bản thân và
công việc                   cho một công việc                  mất hết hy vọng. Đã không được gì còn có thể mất
tốt hơn                    tốt hơn.                                   luôn công việc hiện tại.

Kinh doanh             Không có đủ tiền                 Bị ngân hàng từ chối không cho vay hoặc không trả
riêng                        để mở công ty                          được nợ nần, có thể mất hết những gì đang có.

VÔ HIỆU HÓA VÀ TRIỆT TIÊU NỖI SỢ HÃI

Vô hiệu hóa nỗi sợ hãi cũng giống như việc rút ngòi nổ của một quả bom vậy, tức là làm cho nó không còn sức làm hại bạn, ở bất cứ phương diện nào. Một khi đã vô hiệu hóa được nỗi sợ hãi, bạn có thể dễ dàng đánh bại nó bằng cách thản nhiên tiến về phía trước như thể nó không hề tồn tại. Trong đời mình, tôi đã tự giải phóng bản thân khỏi những nỗi sợ hãi ngăn chặn bước đường tôi đi bằng bài tập đơn giản sau.

Bước đầu tiên là có một cách nhìn đúng đắn về nỗi sợ đó, đây là bước không thể bỏ qua vì thông thường bạn hay thổi phồng hoặc cường điệu nó thái quá. Đưa nỗi sợ hãi về trạng thái thật của nó bằng cách trả lời ba câu hỏi sau:

1. Điều tệ hại nhất nào có thể xảy ra nếu nỗi sợ hãi này trở thành sự thật?

2. Điều gì có khả năng xảy ra nếu nỗi sợ hãi này trở thành sự thật?

3. Điều tốt nhất nào có thể xảy ra với mình và với người khác, nếu mình đi ngược lại hoặc hành động bất chấp nỗi sợ hãi trong lòng?

Những câu hỏi trên giúp bạn trả nỗi sợ hãi về đúng bản chất của nó và như thế, bạn đã vô hiệu hóa được phần lớn những nỗi sợ hãi tệ hại nhất. Bên dưới là một ví dụ về việc vô hiệu hóa nỗi sợ hãi.

Nhìn nhận nỗi sợ hãi một cách đúng đắn

Nỗi sợ hãi                                         Anh ấy sẽ nổi giận, chỉ trích hoặc khước từ tôi.

Trường hợp xấu                             Thêm một nỗi thất vọng khác, mọi việc vẫn như cũ.
nhất

Trường hợp có                                  Anh ấy sẽ không nổi giận. Có thể anh ấy sẽ lắng nghe tôi và mọi việc
thể xảy ra                                            sẽ được cải thiện.

Trường hợp tốt                                 Anh ấy sẽ hiểu những cảm xúc của tôi và những điều tôi chia sẻ, mọi
nhất                                                  việc trở nên tốt hơn rất nhiều.

Bạn không nhất thiết phải xóa sạch nỗi sợ hãi trong lòng sau khi hoàn tất bài tập này (mặc dù nếu bạn làm được điều đó thì rất tuyệt), nhưng bạn sẽ nhận ra được bản chất của nỗi sợ đó và xem xét kỹ lưỡng những mặt lợi hại của vấn đề. Bên cạnh đó, bài thực hành này giúp bạn giải tỏa sự căng thẳng bị dồn nén bấy lâu khi bạn chôn giấu nỗi sợ trong lòng. Nó cũng giúp bạn khám phá những nhược điểm và phát huy những ưu điểm của mình.

HIỂU RÕ THÀNH PHẦN THỨ HAI… SỰ THẤT BẠI

Mục tiêu chủ yếu của chương này không phải là để xóa bỏ tất cả những nỗi sợ tiêu cực trong đời bạn (mặc dù làm được điều đó thì rất tốt) mà là trang bị cho bạn cách thức vô hiệu hóa hoặc chiến thắng một nỗi sợ hãi vốn đã xâm nhập vào từng lĩnh vực cuộc sống và là tác nhân quan trọng hạn chế những thành tựu của bạn – đó là nỗi sợ thất bại. Như tôi đã đề cập đến ở phần đầu chương, bước đầu tiên để đạt được mục tiêu này là phải hiểu hai thành phần: nỗi sợ hãi và sự thất bại. Trong khi sợ hãi là một cảm xúc, thất bại lại là một sự việc.

Khi Zig Ziglar viết lời giới thiệu cho quyển sách đầu tay của tôi, “Sổ tay triệu phú” (A Millionaire’s Notebook), ông viết, “Steven Scott là một bằng chứng sống cho thấy thất bại là một sự việc, chứ không phải là một con người”. Đó là sự thật. Như tôi đã kể cho bạn nghe ở chương đầu, trước năm 27 tuổi, tôi đã rất “thuần thục” nghệ thuật thất bại. Tôi thất bại trong cả hai lần kinh doanh riêng và mất bảy công việc ở những công ty khác. Vẫn chưa đủ, tôi còn thất bại trong hôn nhân nữa. Tôi chẳng hề biết vợ tôi mong muốn điều gì, chứ đừng nói gì đến việc đáp ứng nhu cầu của cô ấy.

Trải qua những thất bại liên tiếp trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp, tôi khám phá ra ý nghĩa và bản chất đích thực của thất bại, cùng những mặt lợi hại mà nó mang đến. Từ đó tôi học được cách biến những thất bại thành lợi thế, chứ không tình nguyện trở thành nạn nhân của nó và cho phép nó điều khiển tương lai của mình. Đây là định nghĩa của tôi về thất bại.

Thất bại là một sự việc mà trong đó bạn không đạt được kết quả mong muốn.

Nhưng quan trọng hơn định nghĩa trên là vai trò của thất bại trong cuộc sống của bạn.

Vai trò của thất bại: Bất cứ thất bại nào bạn trải qua cũng có thể trở thành người thầy vĩ đại, thậm chí là người cố vấn hiệu quả đối với thành công của bạn trong tương lai, hoặc là nhà độc tài chuyên chế hạn chế nghiêm trọng, hoặc thậm chí phá hủy mọi hy vọng thành công trong tương lai.

Điều này là tốt hay xấu? Thật ra, đó là điều tốt. Tôi nói thế bởi vì thất bại có vai trò như thế nào trong cuộc sống mỗi người là tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Vai trò của thất bại không thể được áp đặt vào bạn. Thất bại là người thầy hay bạo chúa đối với thành công trong tương lai của bạn? Câu trả lời nằm ở bản thân bạn, hoặc cái này hoặc cái kia, chứ không có điểm trung dung. Nếu bạn quyết định để cho thất bại trong quá khứ đóng vai người thầy thì nó sẽ trở thành người bạn và người thầy tốt nhất của bạn. Nếu bạn giao cho nó vai trò một kẻ độc tài thì bạn sẽ luôn chạy trốn và sợ hãi trước những nguy cơ thất bại trong tương lai. Không ai e sợ người thầy yêu quý của mình và ngược lại, không một người tỉnh táo nào lại đem lòng yêu mến một tên bạo chúa.

Thật không may, hầu hết mọi người đều gắn vai trò bạo chúa cho những thất bại trong quá khứ. Thất bại bao giờ cũng mang lại cảm giác đau đớn đến nỗi người ta có khuynh hướng bỏ chạy khỏi nó, càng nhanh càng tốt. Kết quả, người ta không bao giờ cho phép thất bại trở thành người thầy hay cố vấn của họ. Họ coi thất bại là tấn bi kịch. Bởi vì con người quay lưng bỏ chạy hoặc chôn giấu thất bại, thế nên tất cả những gì họ nhận được chỉ là niềm đau, sự cay đắng và nỗi giận dữ. Do những gì còn đọng lại trong họ là nỗi đau, họ làm tất cả mọi việc – vô thức hoặc có ý thức – để tránh né thất bại trong tương lai. Cách tốt nhất để ngăn ngừa thất bại là tránh xa sự rủi ro, mạo hiểm. Cách duy nhất để tránh rủi ro là chỉ cố đạt được những gì mà bạn biết chắc là sẽ đạt được. Và như thế, dù biết hay không biết, bạn cũng đề ra cho mình những mục tiêu tầm thường, nằm trong tầm với. Vậy sự tầm thường là kết quả mà bạn gặt hái được – trong các mối quan hệ, công việc, sự nghiệp hoặc bất cứ lĩnh vực nào – nơi mà nỗi đau từ những thất bại trong quá khứ quyết định những mục tiêu lớn nhỏ trong đời bạn.

Bằng cách ấy, nỗi sợ thất bại điều khiển suy nghĩ và cảm xúc của bạn một cách không thương tiếc và trở thành thế lực duy nhất có sức mạnh to lớn trong việc vạch ra ranh giới cho những gì mà bạn đạt được. Thật là một điều đáng buồn. Nhưng may mắn là bạn có thể dễ dàng loại trừ nỗi sợ thất bại và tác hại ghê gớm của nó.

Trước hết, bạn phải lựa chọn nhìn nhận tất cả những thất bại trong quá khứ và tương lai là những người thầy và cố vấn của bạn. Bạn làm điều này đơn giản bằng cách nghĩ về thất bại sau khi nỗi đau trong lòng đã dịu bớt và học hỏi những gì có thể từ kinh nghiệm này.

Không những bạn cần tự mình tìm hiểu lý do thất bại, mà bạn còn phải đi tìm lời khuyên và tham khảo ý kiến của người khác về vấn đề này. Tôi chắc là bạn sẽ ngạc nhiên trước những điều bạn phát hiện được. Nếu bạn viết những kinh nghiệm trong quá khứ vào sổ tay rồi xem lại một lần nữa trước khi hành động để đạt được mục tiêu mới trong cùng một lĩnh vực thì cơ hội thành công của bạn sẽ tăng lên đáng kể.

Trong khi đó, nếu bạn bỏ qua những thất bại trong quá khứ, không phân tích nguyên nhân, không rút kinh nghiệm và cũng không ghi lại để xem xét khi cần thiết, rất có thể bạn sẽ lặp lại cùng một sai lầm, hết lần này đến lần khác.

Có một cách khác giúp bạn loại bỏ nỗi sợ thất bại trong tương lai là thực hiện bài tập mà tôi đưa ra ở phần đầu chương về việc xử lý những nỗi sợ khác. Hãy viết rõ bạn sợ thất bại trong việc gì cùng hậu quả tệ hại nhất đi kèm với nó. Sau đó viết ra những gì bạn nghĩ là có khả năng xảy ra, nếu bạn thật sự thất bại. Cuối cùng, viết ra kết quả tốt đẹp nhất mà bạn có thể nhận được nếu bạn thành công. Thông thường, bài tập này sẽ giúp bạn đưa nỗi sợ thất bại về đúng bản chất của nó, và trong đa số các trường hợp, bạn sẽ loại trừ được nỗi sợ thất bại này.

BƯỚC QUAN TRỌNG CUỐI CÙNG TRONG VIỆC ĐẶT NỖI SỢ HÃI VÀO ĐÚNG CHỖ CỦA NÓ

Trả nỗi sợ hãi hay nỗi sợ thất bại về đúng bản chất của nó là một trong những bước quan trọng nhất. Nó không chỉ giúp bạn có được nhận thức đúng đắn mà còn có khả năng tránh những thất bại “tất yếu” hoặc đạt được những thành công vượt bậc.

Trong bước này, bạn phải học hỏi quan điểm và đi tìm lời khuyên của những nhà tư vấn đáng tin cậy. Những nhà tư vấn đáng tin cậy là những chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn e ngại, hoặc họ đã từng làm những việc mà bạn không dám làm. Ví dụ, nếu bạn muốn mở cơ sở kinh doanh và sợ thất bại, đừng tự giới hạn mình trong những thông tin từ người thân, họ hàng và đồng nghiệp. Đừng hỏi ý kiến của những người từ hồi nào đến giờ chỉ đi làm công cho các công ty. Bạn nên tìm đến những người đã đứng ra kinh doanh riêng, cả trường hợp thành công lẫn thất bại. Người thành công sẽ chia sẻ với bạn cách họ vượt qua những khó khăn, còn kẻ thất bại thì mách bảo bạn những cạm bẫy đã khiến họ vấp ngã. Kinh nghiệm của hai dạng người này sẽ mang lại cho bạn nỗi sợ tích cực nhằm bảo vệ bạn khỏi những mất mát không đáng có, đồng thời giúp bạn loại bỏ nỗi sợ tiêu cực chỉ làm thui chột và bóp chết ước mơ của bạn.

Trong đời mình, tôi đã nhiều lần “lên voi xuống chó” với những thắng lợi vang dội và những thất bại thảm khốc. Mặc dù bao giờ tôi cũng chọn thành công (tôi đâu có dại dột), tôi muốn nhấn mạnh với bạn rằng tôi không học hỏi được gì nhiều từ những thành công. Ngược lại, một số thất bại đã trở thành người thầy lớn đối với tôi. Thật vậy, những thất bại lớn nhỏ của tôi đã tạo thành một nền móng vững chắc và an toàn để từ đó ngọn tháp thành công của tôi được xây lên cao. Mặc dù công nhận giá trị to lớn của thất bại, tôi vẫn mang trong lòng nỗi sợ thất bại tự nhiên mỗi khi bắt tay vào hành động. Nhưng tôi cũng hiểu được rằng việc giải quyết nỗi sợ thất bại theo cách mà tôi vừa chia sẻ với bạn trong chương này luôn luôn giải phóng tôi khỏi móng vuốt của nó và thúc đẩy tôi mạo hiểm ở một mức độ cần thiết để gặt hái được những kết quả to lớn trong cuộc sống. Hãy áp dụng những kỹ thuật đó, rồi bạn sẽ thấy chúng cũng có tác dụng với bạn như với tôi vậy. Hãy nhìn thất bại trong quá khứ như một đòn bẩy cho thành công trong tương lai, chứ không phải là một cái cớ để chấp nhận sự tầm thường, bạn nhé!

Bí quyết hiệu nghiệm 2:

Vượt qua nỗi sợ thất bại

I. Phát hiện những nỗi sợ hãi mơ hồ

1 Chọn một lĩnh vực bất kỳ trong cuộc sống (sự nghiệp, hôn nhân, các mối quan hệ, sở thích, tài chính v.v…) và trả lời câu hỏi sau: Nếu bạn có thể đạt được bất cứ điều gì trong lĩnh vực này, bạn sẽ mong muốn điều gì?

2. Liệt kê tất cả những khó khăn, trở ngại khiến bạn không đạt được ước muốn đó.

3. Bây giờ hãy kể ra những nỗi sợ hãi, e ngại khiến bạn chùn bước không dám đối đầu với khó khăn và cố gắng vượt qua thử thách.

II. Vô hiệu hóa và loại bỏ nỗi sợ tiêu cực

Hãy trả lời những câu hỏi sau cho từng nỗi sợ hãi mà bạn kể ra ở trên:

1. Điều tệ hại nhất nào có thể xảy ra nếu những gì mình sợ trở thành sự thật?

2. Điều gì có khả năng xảy ra nếu nỗi sợ của mình trở thành sự thật?

3. Kết quả tốt nhất nào sẽ đến với mình và người khác nếu những gì mình sợ không xảy ra và mình vượt qua được những khó khăn thách thức?

III. Đặt nỗi sợ thất bại vào đúng vị trí của nó

Nếu bạn muốn nhận diện bất cứ nỗi sợ thất bại nào đang ngăn cản bạn theo đuổi một mong muốn cháy bỏng, một ước mơ đẹp hoặc một dự án hứa hẹn, bạn hãy trả lời ba câu hỏi ở phần II có liên quan đến nỗi sợ thất bại đó.

IV. Biến những thất bại trong quá khứ thành đồng minh mạnh mẽ

1. Kể ra những thất bại trong cuộc sống cá nhân hoặc sự nghiệp đã làm bạn tổn thương (hôn nhân hoặc quan hệ đổ vỡ, thất bại trong dự án, kinh doanh, bị người khác khước từ ý tưởng v.v…). Viết ra những lý do khả dĩ gây ra hoặc góp phần vào những thất bại ấy.

2. Viết ra những bài học hoặc nguyên tắc đằng sau những nguyên nhân đó.

3. Bạn có bỏ qua những bài học này và lặp lại sai lầm trong những mối quan hệ và dự án bạn đang thực hiện không? Nếu có hãy viết ra.

Nếu bạn cảm thấy khó trả lời những câu hỏi trên, hãy yêu cầu sự trợ giúp từ những người có liên quan đến thất bại của bạn hoặc có thể giúp bạn rút ra bài học từ những thất bại này.

4. Liệt kê những mối quan hệ hoặc dự án tương tự mà bạn đang tham gia và có thể thất bại.

5. Kể ra những hành động mà bạn có thể tiến hành để ngăn chặn việc lặp lại thất bại quá khứ trong những tình huống hiện tại tương tự.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.