Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ

CHƯƠNG 11



ĐỘNG CƠ THỨ HAI:

“SỨC MẠNH BABE RUTH”

MỘT SỨC MẠNH KHỦNG KHIẾP MÀ AI CŨNG CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC

ĐÁNH TRÚNG BÓNG ĐÃ LÀ TỐT NHƯNG HOME RUN CÒN TỐT HƠN

Babe Ruth bắt đầu sự nghiệp bóng chày nhà nghề từ vị trí cầu thủ ném bóng và nhanh chóng trở thành người ném bóng tay trái giỏi nhất Liên Đoàn Bóng Chày Mỹ với 89 trận thắng trong sáu mùa thi đấu đầu tiên. Anh đã lập kỷ lục ném bóng là 29 2/3 lượt chơi không tính điểm trong giải World Series năm 1918, một kỷ lục phi thường mà mãi đến 43 năm sau mới có người phá vỡ. Babe cũng là người, trong sự nghiệp của mình, lập kỷ lục về việc đánh trượt bóng. Tuy vậy, khi nghe đến tên Babe Ruth, bạn sẽ không nghĩ đến tài ném bóng thần sầu hay số lần đánh bóng trượt của anh. Không, tên tuổi của Babe đồng nghĩa với một điều và chỉ một điều mà thôi: đó là home run! Anh không chỉ đánh nhiều cú home run trong tổng số 11 trận đấu và lượt chơi mà anh tham gia hơn bất kỳ ai trong lịch sử, mà tỷ lệ “khủng” của anh – .847 (số lần về chốt chia cho số lần đánh bóng) là một kỷ lục không ai có thể sánh bằng. Bambino (Babe Ruth) vĩ đại đã học được cách dồn lực vào động tác đánh bóng và thêm khoảng cách vào các cú đánh, một điều mà trước và sau anh, chưa ai có thể làm được.

Tương tự như trong bóng chày, hầu hết mọi người sống mà chỉ hy vọng chạy về được đến chốt. Dù trong hôn nhân, quan hệ với con cái, kinh doanh hay sự nghiệp, họ luôn tránh việc đánh trượt bóng. Họ suy nghĩ giống như huấn luyện viên bóng chày đầu tiên của tôi. Mỗi khi tôi chạy đến vị trí phát bóng, ông sợ tôi sẽ vung gậy sai hướng và đánh trượt bóng đến nỗi ông hét lên, “Steven, bỏ bóng cũng tốt như đánh trúng bóng!”. Chẳng là ông muốn chắc ăn, chứ bất kỳ ai từng đánh trúng bóng và chạy về chốt một đều biết rằng việc bỏ bóng không thể nào tốt bằng việc đánh trúng bóng. Phải, cảm giác đánh trúng bóng rất tuyệt vời nhưng home run còn tuyệt hơn gấp ngàn lần(1).

Có những cầu thủ bóng chày tài năng hơn Ruth vào thời của anh, nhưng không ai trong số họ đạt thành tích cứu vãn một liên đoàn bóng chày hay xây dựng một đội bóng thành công nhất trong lịch sử về mặt tài chính như Ruth. Năm 1920, Ruth có nhiều cú home run hơn bất cứ đội nào trong liên đoàn (trừ một đội). Năm đó, hơn một triệu người hâm mộ say mê dõi theo mỗi bàn thắng mà Bambino mang về cho đội Yankee. Đó cũng là con số người hâm mộ lớn nhất của bất kỳ đội nào trong một mùa thi đấu. Điều trớ trêu là Yankees thậm chí còn không có một sân bóng riêng. Họ chơi trên sân Polo Grounds, sân nhà của đội New York Giants. Ông chủ của đội Yankees kiếm được nhiều tiền đến nỗi sau đó ông cho xây một sân bóng đẹp nhất nước Mỹ. Vào năm 1923, đội Yankee chơi trận đầu tiên trên sân riêng Yankee Stadium. Sân vận động này được biết đến như “Ngôi nhà Ruth dựng nên”. Lời nói này không hề phóng đại chút nào. Babe Ruth đúng là một kỳ thủ của những cú home run!

TẠI SAO ĐA SỐ MỌI NGƯỜI HÀI LÒNG VỚI VIỆC

BỎ BÓNG HOẶC ĐÁNH BÓNG VỪA PHẢI?

Nếu ai cũng thích những cú đánh bóng home run để ghi điểm tuyệt đối, tại sao đa số lại hài lòng với việc bỏ bóng hoặc đánh bóng vừa phải trong hầu hết các lĩnh vực cuộc sống? Dù bạn tin hay không thì chỉ có bốn lý do:

Chúng ta không nhận ra rằng chúng ta có khả năng đánh những cú home run.

Chúng ta không biết làm thế nào để đánh những cú home run.

Những cú đánh vừa phải hoặc chỉ cần đánh trúng bóng ít rủi ro hơn.

Chúng ta không đủ sức đánh những cú home run mạnh mẽ.

Tôi đã lý giải ba lý do đầu tiên trong những chương trước, khi tôi đề cập đến việc chặt đứt những sợi dây xích của việc lập trình sẵn sự tầm thường trong quá khứ, nỗi sợ thất bại, việc thiếu kiến thức và thiếu điều kiện. Trong chương này, tôi sẽ tập trung vào lý do thứ tư và chỉ cho bạn cách dồn sức vào động tác của mình để đánh bóng bay xa. Giải quyết vấn đề này tự bản thân nó sẽ là chìa khóa giải quyết triệt để ba vấn đề trên. Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách dồn lực vào động tác đánh bóng nhiều đến nỗi bạn sẽ lập tức nhận ra rằng:

Bạn có khả năng đánh những cú home run.

Bạn sẽ biết cách đánh những cú home run.

Bạn sẽ muốn mạo hiểm để đánh những cú home run.

Việc bỏ bóng hoặc chỉ hy vọng đánh trúng bóng chỉ còn là dĩ vãng.

Vậy thì tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với bạn? Dùng những hình ảnh trong bóng chày, tôi muốn nhắn nhủ với bạn rằng thay vì hướng đến một cuộc hôn nhân tương đối êm đẹp, bạn sẽ phấn đấu và đạt được hạnh phúc lứa đôi mỹ mãn, trong đó mọi nhu cầu và mong muốn sâu thẳm nhất của bạn và vợ/chồng bạn thường xuyên được đáp ứng. Điều đó có nghĩa là thay vì chấp nhận một công việc tạm ổn giúp bạn trang trải chi phí qua ngày, bạn sẽ nỗ lực cho một sự nghiệp trong đó bạn đạt được những thành tích vượt trên cả sự mong đợi cao nhất của ông chủ. Bạn sẽ trở thành một ngôi sao đang bay vút lên thay vì một ngôi sao đang dần tàn lụi. Càng ngày bạn sẽ càng gặt hái được nhiều thành tựu rực rỡ trong gia đình và sự nghiệp!

CHUYỂN CÁI TẦM THƯỜNG THÀNH CÁI XUẤT SẮC

Như bạn đã khám phá trong các chương trước, Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ là một phương pháp đơn giản nhưng có thể tạo ra những bước đột phá trong mỗi lĩnh vực mà nó được áp dụng. Đây là chương trình xác định mục tiêu dựa trên những giá trị cơ bản giúp biến một ước mơ, cho dù nó phi thực tế và cao xa đến mấy, thành hiện thực. Một kỹ thuật mà tôi gọi là Bay Lên Cung Trăng sẽ khiến Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ trở nên hiệu quả hơn bất cứ chương trình xác định mục tiêu nào khác. Chiến lược thúc đẩy của kỹ thuật này khác hẳn với những nguyên lý cơ bản trong các chương trình xác định mục tiêu mà tôi đã đọc hoặc nghe nói tới. Tôi đã lắng nghe vô số diễn giả về động lực cuộc sống và tìm hiểu nhiều chương trình xác định mục tiêu khác nhau. Mỗi chương trình mà tôi biết đến đều rất tuyệt và nếu làm theo nó, bất cứ ai cũng sẽ đạt được những chuyển biến đáng kể trong cuộc sống.

Trong thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ có 3% nhân loại sử dụng chương trình xác định mục tiêu, và 3% ấy có thu nhập nhiều gấp đôi tổng thu nhập của 97% còn lại. Theo một nguồn thông tin khác, nhóm 3% này hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và có những mối quan hệ tốt đẹp hơn những người không hề biết đến việc xác định mục tiêu. Với những thông tin trên, tôi không bao giờ coi nhẹ bất cứ chương trình xác định mục tiêu hiệu quả nào.

MỘT LỖ HỔNG LỚN TRONG HẦU HẾT CÁC CHƯƠNG TRÌNH XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU

Tuy nhiên, các chương trình xác định mục tiêu đều có chung một hạn chế nghiêm trọng. Và với giới hạn này, chúng có thể gia tăng gấp đôi, gấp ba thu nhập và thành tựu của một người, nhưng hiếm khi khuếch đại thu nhập và thành tích của họ lên hàng trăm hoặc hàng ngàn lần.

Điểm hạn chế trong tất cả những chương trình mục tiêu mà tôi xem xét nằm ở câu hướng dẫn: “Hãy đảm bảo những mục tiêu mà bạn đưa ra là thực tế và có thể đạt được”. Bạn được cảnh báo ngay từ đầu rằng, nếu đưa ra những mục tiêu phi thực tế, bạn sẽ khó lòng đạt được và bạn sẽ thất vọng, chán chường, có thể đến mức chấm dứt việc xác định mục tiêu.

Phải, tất cả những điều đó hoàn toàn có lý. Tôi chắc rằng nhiều người đã trở nên nản chí, mất tinh thần, thậm chí từ bỏ chương trình xác định mục tiêu vì đề ra những mục tiêu phi thực tế, không thể nào đạt được. Do đó tôi có thể hiểu được mối lo ngại của hầu hết những nhà diễn giả truyền động lực và các chuyên gia đào tạo. Tuy nhiên, nếu bạn áp dụng nguyên tắc này vào bất cứ chương trình xác định mục tiêu nào, kể cả Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ, bạn có thể nâng thành quả trung bình của mình lên một cách đáng kể, nhưng không bao giờ đạt được thành tích xuất sắc. Bạn có thể gia tăng kết quả gấp đôi hoặc gấp ba, nhưng chỉ có vậy thôi.

Mặt khác, nếu bạn muốn thường xuyên ghi điểm tuyệt đối trong mọi lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống, bạn đừng bao giờ làm theo lời khuyên ấy. Việc đưa ra những mục tiêu thực tế và dễ dàng đạt được là một cách thức kém cỏi, một hạn chế nghiêm trọng duy nhất trong các chương trình xác định mục tiêu. Nếu khát vọng của bạn chỉ là những thành tựu trên trung bình thì không sao, nhưng nguyên tắc này sẽ kiềm hãm bạn khỏi việc liên tục đạt được những thành tựu phi thường.

Hãy tưởng tượng nếu Thomas Edison chỉ đề ra những mục tiêu nằm trong tầm với, có lẽ bây giờ chúng ta đang ngồi đọc sách dưới ngọn đèn dầu to hơn, sáng hơn. Chúng ta sẽ lau dọn nhà cửa bằng chổi thay vì dùng máy hút bụi. Chúng ta sẽ sống trong những ngôi nhà không có máy điều hòa. Cũng sẽ không có ngành công nghiệp thu thanh, và chúng ta sẽ không bao giờ được xem phim. Cuộc sống của chúng ta sẽ hoàn toàn khác với bây giờ.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người bạn Henry Ford của chúng ta tự giới hạn mình trong khuôn khổ tầm thường như bao người khác? Chúng ta sẽ ra sao nếu ông không quyết tâm đạt được một mục tiêu không tưởng là sản xuất hàng ngàn chiếc xe hơi một ngày? Sẽ chỉ có người giàu mới được ngồi trên xe hơi còn những người khác vẫn tiếp tục cưỡi xe ngựa. Tôi có thể viết cả một quyển sách dày, miêu tả cuộc sống của con người thời hiện đại sẽ khác biệt như thế nào, nếu trong quá khứ, những người như Thomas Edison và Henry Ford chỉ biết đề ra những mục tiêu thực tế, vừa sức mình. May mắn là họ không hề biết đến nguyên tắc trói buộc của những chương trình xác định mục tiêu thời nay.

Xác định những mục tiêu thiết thực, khả thi tựa như việc giơ tay hái những trái táo trên cành cây cao nửa mét. Hái những trái táo đó dễ như trở bàn tay mà cũng không có nguy cơ bị té. Nếu bạn muốn hái mười trái táo trên cành cao nửa mét thì bạn sẽ hái được cả mười. Như thế chắc chắn tốt hơn là không hái được trái nào. Nhưng những trái táo trên cành cao nửa mét cũng dễ với tới đối với bầy chó, sâu bọ và lũ chuột. Những trái táo bị chó đớp hoặc bị sâu bọ đục rỗng có thể tốt hơn là không có trái nào, nhưng chúng không hề thơm ngon và thỏa mãn khẩu vị của bạn. Những mục tiêu thực tế và khả thi cũng giống như những trái táo đó, chúng sẽ giúp bạn qua cơn đói lòng, thậm chí tiếp thêm cho bạn một chút năng lượng, nhưng chỉ có vậy thôi.

Trong khi ấy, những trái táo trên cành cao chót vót 6 mét thì bầy chó, lũ chuột, sâu bọ (thậm chí những đứa trẻ hoặc thiếu niên) không với tới được. Những trái táo đó không bị hư, chưa có bàn tay nào chạm tới, ngon lành, chín mọng và mang lại vị ngọt tuyệt vời nơi đầu lưỡi. “Khoan đã,” bạn có thể nói, “tôi không thể nào với tới cành cao 6 mét đó”. Đúng thế, ngay cả ngôi sao bóng rổ Michael Jordan cũng không thể với tới cành này, cho dù anh có cố nhảy cao đến mấy. Những ước mơ và mục tiêu cao 6 mét đều phi thực tế và bất khả thi – ở cái nhìn đầu tiên. Điều đáng buồn là như thế. Điều đáng mừng là thậm chí đứa con trai bốn tuổi của tôi cũng có thể với tới cành cao 6 mét – tất cả những gì nó cần là một cái thang gấp. Đó là những gì mà các chiến lược và kỹ thuật tạo nên nghệ thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ mang đến cho bạn: một cái thang mà bạn có thể dùng để leo qua bất cứ bức tường nào ngăn cản bạn đạt được những mục tiêu không tưởng, phi thực tế và bất khả thi.

Khi bạn sử dụng thành thạo những chiến lược và kỹ thuật này, việc đạt được những mục tiêu không tưởng sẽ trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Nhưng để đạt được những mục tiêu và ước mơ đó, trước hết bạn phải từ bỏ thói quen đề ra những mục tiêu cao nửa mét và ngước mắt nhìn lên những cành cao 6 mét – đó là cái mà tôi gọi là kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng.

BAY LÊN CUNG TRĂNG: KỸ THUẬT TẠO LỰC ĐẨY LỚN CHO QUY TRÌNH HIỆN THỰC HÓA ƯỚC MƠ

Ở chương 2, tôi đã đề cập đến ba dạng người: những người mơ mộng, những người bóp chết ước mơ và những người thực hiện ước mơ. Tôi định nghĩa người thực hiện ước mơ là người nuôi những ước mơ lớn và đạt được chúng. Tôi cho rằng tối đa họ chiếm khoảng một phần nghìn số người trưởng thành. Cá nhân tôi quen biết một số người như thế và đọc sách về những người khác. Cho đến nay, tất cả những người tôi quen hoặc biết đến đều “nhắm tới mặt trăng” khi xác định mục tiêu trong cuộc sống. Nói một cách ngắn gọn, Bay Lên Cung Trăng có nghĩa là bạn đề ra những mục tiêu ngoài tầm với, thậm chí không thể đạt được nếu chỉ dựa vào sức của một mình bạn. Nhiều năm trước, khi tôi xác định mục tiêu cho một dự án, một người bạn thân bảo tôi, “Bao giờ cũng nhắm đến mặt trăng, nếu anh không tới được đó, thì anh vẫn ở trên cao”. Khi tôi bắt đầu áp dụng triết lý này vào việc xác định mục tiêu, mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Tôi bắt đầu nỗ lực làm những việc mà tôi tin là không thể đạt được và ngỡ ngàng khi thấy mình đạt được nó.

Nói cách khác, Bay Lên Cung Trăng là bắt đầu với những mục tiêu cao 6 mét và chỉ hạ tầm nhìn khi bạn không đạt được mục tiêu cao nhất. Bạn hãy bắt đầu từ mục tiêu cao nhất rồi hạ thấp dần, chứ đừng đi từ mức độ thấp nhất với những mục tiêu dễ dàng.

Ví dụ, mỗi khi bắt đầu một dự án mới và cân nhắc xem nhân vật nổi tiếng nào mà tôi muốn mời làm người đại diện, tôi có một sự lựa chọn. Tôi có thể tiếp cận những người nổi tiếng mà tôi nghĩ là nằm trong khả năng tài chính của tôi và sẵn lòng xuất hiện trong các chương trình quảng cáo thương mại. Tôi có thể gọi cho những người mà tôi có nhiều cơ hội hợp tác nhất. Đây không phải là cách làm dễ nhất, nhưng an toàn và tốn ít thời gian nhất, vì biết đâu tôi có thể thuyết phục ngay người đầu tiên mà tôi tìm đến. Điều này cũng tuân theo nguyên tắc truyền thống trong những chương trình xác định mục tiêu là đề ra những mục tiêu dễ đạt được.

Hoặc tôi có thể sử dụng kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng. Tôi sẽ tự hỏi, “Nhân vật nổi tiếng nào có thể đại diện cho sản phẩm này tốt nhất trên thế giới?”. Nếu tôi có thể chọn được bất kỳ gương mặt nổi bật nào đứng trước ống kính camera thì tôi sẽ chọn ai? Nếu tôi không ký được hợp đồng với người này thì người kế tiếp sẽ là ai và vân vân. Đây là kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng mà tôi và những người thành công khác tôi từng biết đã áp dụng. Kết quả, tôi đã mời được những nhân vật hiển hách nhất đứng ra đại diện cho những sản phẩm của tôi, trong số đó có Michael Landon, Cher, Jane Fonda, Charlton Heston, Tom Selleck, Chuck Norris, Kathie Lee Gifford, Ted Danson, Larry Hagman, Holly Hunter và 70 người nổi tiếng khác đang trên đỉnh cao sự nghiệp.

Nhiều người trong số họ chưa từng cân nhắc đến việc xuất hiện trong chương trình quảng cáo thương mại nào cho đến khi tôi đưa ra lời đề nghị. Ví dụ, khi tôi cần người đại diện cho một sản phẩm về giáo dục, tôi nghĩ Michael Landon và John Ritter là những người đại diện tốt nhất. Cả hai đều là ngôi sao trong những chương trình nổi tiếng và thật sự quan tâm đến giáo dục. Michael gặp nhiều khó khăn khi còn đi học và đã thành công bất chấp những trở ngại mà ông gặp phải trong học tập. Còn John từng là chủ tịch hội sinh viên trường Đại học University of Southern California và kết hôn với một cựu giáo viên. Tôi không có đủ nguồn tài chính để mời hai người này, nhưng tôi biết họ là những người đại diện tốt nhất – đứng đầu danh sách hạng A của tôi.

Kết quả là cả hai đều hợp tác với tôi trong những giai đoạn khác nhau của dự án. Nhờ sự tham gia của họ mà chương trình giáo dục mang tên “Ở đâu có ý chí, ở đấy có điểm 10” trở thành chương trình bán chạy nhất trong lịch sử, giúp cho hàng triệu học sinh cấp 2, cấp 3 và sinh viên đại học cải thiện kỹ năng học tập và đạt thành tích cao hơn trong học đường. Thậm chí, nó còn trở thành chương trình dạy “kỹ năng học tập” của nhiều trường đại học danh giá nhất nước Mỹ. Nếu tôi “biết thân biết phận” mời những nhân vật trong danh sách hạng B hoặc C thì chương trình này có thể sẽ không bao giờ được ra mắt, hoặc chỉ có thể đến với hàng ngàn người học chứ không phải hàng triệu người.

Kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng trong việc xác định mục tiêu hiệu nghiệm đến mức, khi bạn sử dụng nó, có hai điều có thể xảy ra. Thứ nhất, bạn sẽ đạt được những thành quả cao hơn bạn nghĩ rất nhiều và thứ hai, có nhiều khả năng là thành quả ấy sẽ tác động tới những người xung quanh bạn, thậm chí cả những thế hệ sau. Một trong những ví dụ tâm đắc nhất mà tôi muốn kể cho bạn nghe xảy ra vào những năm 1840, trong cuộc đời của một người tên là Nicholas Trist. Bạn có thể không biết đến ông, nhưng cuộc sống của nhiều thế hệ ở Mỹ chắc chắn đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ quyết định “nhắm tới mặt trăng” của ông.

Năm 1847, Tổng thống Mỹ James Polk cử Nicholas Trist sang Mexico để thương thuyết hiệp ước hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh giữa hai nước. Ngay sau khi Trist bước vào đàm phán, ông quyết định sẽ “nhắm tới mặt trăng” bằng cách yêu cầu phía Mexico nhượng lại một phần đất rộng lớn với giá rẻ như bèo. Những người khác (kể cả Tổng thống) đều cho rằng điều khoản nhượng tô này quá hoang đường không cách nào đạt được. Polk cảm thấy sốc và lo sợ rằng Trist có thể quá ngông cuồng mà làm hỏng mối bang giao giữa hai nước. Ông ra lệnh bãi nhiệm Trist và yêu cầu vị sứ giả này phải lập tức quay về Washington.

Nhưng Nicholas Trist không vì thế mà từ bỏ ý định “bay lên mặt trăng” của mình, vào tháng 2 năm 1848, nhân danh nước Mỹ mà ông không còn đại diện chính thức nữa, Trist ký hiệp ước với chính phủ Mexico chấm dứt chiến tranh giữa hai nước. Những vùng đất mênh mông giàu tài nguyên mà Trist mua lại của Mexico quan trọng và có lợi cho nước Mỹ đến nỗi Tổng thống Polk và Thượng nghị viện thông qua mà không hề do dự. Kể cả khi Tổng thống Mỹ chỉ đạo ông đưa ra những mục tiêu thực tế, Nicholas Trist vẫn quyết định đi một nước cờ mạo hiểm và yêu cầu phía Mexico nhường lại cho Mỹ một vùng lãnh thổ mà ngày nay là các bang California, Arizona, Nevada, Utah, New Mexico và một phần bang Colorado và Wyoming với giá chưa đến 5 xu một mẫu (khoảng 0,4 hécta)! Bạn có thể mua bao nhiêu mẫu đất chứa vàng và dầu mỏ ở California, chứa đồng ở Arizona và chứa bạc ở Colorado với giá 5 xu một mẫu? Trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người ở Washington, Trist đã có được những mảnh đất đó với cái giá mà ông đề nghị!

Những mảnh đất kể trên có giá trị như thế nào đối với sự thịnh vượng và an toàn của nước Mỹ? Không có một khoản tiền nào và chắc chắn không có một cách tính nào có thể đo lường hết nguồn lợi cả hữu hình lẫn vô hình mà nhân dân nước Mỹ được hưởng từ bản hiệp ước mà Trist đã ký với Mexico. Nếu ông đơn giản làm theo chỉ thị của Tổng thống mà giới hạn tầm nhìn của mình vào những “mục tiêu nửa mét” thì trên bản đồ thế giới ngày nay Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ nhỏ hơn rất nhiều. Thật sự, rất có thể nước Mỹ sẽ là kẻ bại trận trong cuộc Thế chiến thứ hai, nếu không có những mỏ dầu và khoáng sản cần thiết do các bang này cung cấp. Vì thế, không chỉ người Mỹ được hưởng lợi từ việc Trist quyết định Bay Lên Cung Trăng mà nói rộng ra, cả thế giới tự do ngày hôm nay cũng nợ ông một lời cảm ơn.

Nhưng chúng ta không cần lùi sâu về quá khứ với ví dụ về Trist để hiểu rõ sức mạnh và ảnh hưởng mà kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng của một cá nhân đối với người khác. Nếu Lee Iaccoca không nhắm đến mặt trăng thì hãng Ford sẽ không bao giờ hồi sinh với sự ra đời của dòng xe Mustang, Chrysler sẽ phá sản và hàng triệu gia đình vẫn chen chúc trong những chiếc xe hơi nhỏ chứ không được thoải mái di chuyển trên những chiếc xe hơi lớn. Nhưng Lee, trong suốt quãng đời làm việc của mình, đã đề ra những nhiệm vụ bất khả thi rồi tiến hành những bước cụ thể và tuyển dụng nhân tài cần thiết để đạt được những mục tiêu này. Steven Spielberg cũng nhắm tới những mục tiêu xa vời trong hầu hết những dự án mà ông quan tâm, kể từ khi ông bắt đầu sự nghiệp làm phim. Thế rồi ông đều đạt được tất cả những mục tiêu bất khả thi này thông qua tài đạo diễn xuất chúng và khả năng tuyển chọn nguồn nhân lực bên ngoài để hiện thực hóa ước mơ của mình.

ĐIỀU CHỈNH ƯỚC MƠ

Kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng có thể và nên được áp dụng cho tất cả những ước mơ mà bạn muốn đạt được, trong cả cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp. Trong cả hai lĩnh vực này, nó đều hiệu quả và mạnh mẽ như nhau. Có lần tôi hỏi cô bạn Sue của tôi là nếu cô có thể biến ước mơ trong cuộc sống vợ chồng thành hiện thực thì ước mơ đó là gì. “Tôi chỉ muốn ông xã tôi thôi không chỉ trích tôi nữa,” cô trả lời như vậy. Rồi cô nói thêm, “Không có ngày nào trôi qua mà anh ấy không mở miệng phê phán tôi hoặc việc tôi làm. Tôi mệt mỏi vì chuyện đó lắm rồi, tôi sẵn sàng hy sinh bất cứ thứ gì nếu anh ấy đừng làm thế nữa”.

Bạn có nhận thấy điều đáng buồn trong câu nói trên không? Trong khi rõ ràng, những lời chê bai thường xuyên của chồng khiến Sue vô cùng đau đớn, tấn bi kịch ở đây là cô đưa ra chuẩn mực quá thấp. Tôi bèn hỏi cô, “Thay vì đơn thuần mong chồng không chỉ trích mình nữa, chị có muốn anh ấy thay những lời chỉ trích bằng việc thường xuyên công nhận giá trị của chị và những việc chị làm, cùng với cử chỉ ca ngợi và động viên chị không?”. Cô đáp, “Được vậy thì còn gì bằng nhưng chồng tôi sẽ không bao giờ làm thế”. Tôi quyết định dấn thêm một bước nữa, tôi nói, “Chị có nghĩ đến việc ông xã chị không những thôi không chê trách chị, bắt đầu khen ngợi, trân trọng chị mà còn đáp ứng tất cả những mong muốn và cảm xúc sâu thẳm của chị không?”. “Điều này không bao giờ xảy ra!”, cô nói ngay không cần suy nghĩ.

Nhưng đây chính là điều mà kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng nhắm tới. Nếu Sue hướng tới mục tiêu này và không đạt được nó, cô vẫn sẽ có được nhiều hơn việc cô đơn thuần muốn chồng thôi không chỉ trích mình. Cuộc sống vợ chồng của cô sẽ có tiềm năng trở nên thắm thiết mặn nồng, thay vì chỉ là một mối quan hệ “dễ thở” hơn. Sau đây, tôi sẽ vẽ bảng về thực trạng hôn nhân của Sue, mục tiêu trong tầm tay của cô, ước mơ của cô, ước mơ bất khả thi và ước mơ đã được điều chỉnh lại sau khi áp dụng kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng. Bạn sẽ làm gì trong trường hợp của Sue: hài lòng với mục tiêu khả thi hay nỗ lực đạt được ước mơ của mình, ước mơ không thể thực hiện hay ước mơ đã được điều chỉnh nhờ kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng?

“NHƯNG TÔI KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG BAY LÊN MẶT TRĂNG”

Đó là phản ứng đầu tiên của Sue khi tôi cùng làm bài tập này với cô, và có thể bạn cũng kêu lên như vậy. Thật ra, Sue và bạn đều nói đúng, nếu bạn cũng có phản ứng tương tự. Không ai có đủ kiến thức và điều kiện để tự mình “bay lên mặt trăng”. Kể cả Steven Spielberg, Bill Gates hay thậm chí Oprah Winfrey. Nếu họ chỉ trông chờ vào những hiểu biết và nguồn lực giới hạn của mình thì họ chẳng những không thể bay đến mặt trăng mà còn không tự nhấc mình lên khỏi mặt đất được! Bởi vì biết rõ điều đó, họ không nghĩ đến việc chỉ dựa vào sức mình. Những giới hạn bản thân không thể cản trở họ thực hiện ước mơ – họ vẫn nhắm tới mặt trăng và xa hơn nữa. Họ hiểu rằng để có thể phóng tên lửa của mình, họ phải mượn đến sức mạnh của nguồn hỗ trợ bên ngoài để vẽ nên tấm bản đồ rõ ràng và chính xác.

Nếu bạn nói với Steven Spielberg rằng ông phải sản xuất bộ phim tiếp theo phim Công viên kỷ Jura (Jurassic Park) mà không cần tuyển người tạo hiệu ứng âm thanh ánh sáng, mô hình khủng long hay dàn dựng cảnh quay, ông sẽ bảo bạn rằng ông không thể nhận làm bộ phim này. Bạn thấy đấy, Steven không hứng thú với việc sản xuất một bộ phim bất kỳ nào, ông muốn tạo ra một bộ phim tuyệt vời hơn cả Công viên kỷ Jura . Ông muốn nó vừa gây ấn tượng kỳ vĩ lại vừa mang lại cảm giác “thật”. Để đạt được điều đó, chắc chắn ông phải mời những người giỏi nhất về làm việc cho mình. Kết quả, không những bộ phim này mang lại doanh thu hàng trăm triệu đô mà nó còn khiến cho bất cứ ai đã xem một lần đều muốn xem lại nhiều lần nữa. Và cuối phim, bạn sẽ thấy một danh sách dài dằng dặc tên những người đã chung tay góp sức dựng nên bộ phim, bao gồm những tài năng xuất chúng mà Steven Spielberg đã tuyển dụng.

Một trong những người hàng xóm của tôi là một phụ nữ đáng mến tên là June Morris. June thích đi du lịch và vào một ngày đẹp trời, bà quyết định mở đại lý du lịch. Vài năm sau, bà nhận ra rằng tiền vé máy bay giữa Salk Lake City và Hawaii quá cao. Thế là bà thuê máy bay từ các hãng hàng không để cung cấp những chuyến bay định kỳ giá mềm từ Salk Lake đến Hawaii. Ý tưởng này thành công đến nỗi bà mở tiếp những chuyến bay định kỳ giữa Salt Lake và những địa điểm khác mà người dân Utah thường lui tới như Los Angeles, San Francisco, Phoenix và Las Vegas. Sau bảy năm thành công trong mảng kinh doanh này, bà quyết định “nhắm tới mặt trăng” bằng cách mở một hãng hàng không hẳn hoi.

Thành lập một hãng hàng không rủi ro hơn nhiều so với việc tổ chức dịch vụ chở thuê bằng máy bay. Morris sẽ phải mua hoặc thuê máy bay với giá lên tới hàng chục triệu đô một chiếc. Bà phải đáp ứng nhu cầu của một lượng khách nhất định và gánh vác trách nhiệm pháp lý có thể khiến hầu hết các doanh nhân sợ hãi. Morris cũng đứng trước những thách thức to lớn trong công tác tiếp thị, quản lý và tài chính. Hơn nữa, hãng hàng không non trẻ của bà sẽ phải cạnh tranh với những hãng hàng không lâu đời và thành công nhất ở Mỹ mỗi ngày. Những hãng này có nguồn lực tài chính thâm hậu hơn bà nhiều, họ thậm chí có thể giảm giá vé xuống dưới mức giá vốn để buộc hãng của bà phải đóng cửa.

Tệ hơn nữa, Morris khai trương hãng hàng không của mình vào thời điểm gần như tất cả những hãng hàng không lớn ở Mỹ đều thua lỗ hàng triệu đô mỗi tháng. Đúng vào năm June Morris mở hãng hàng không, các hãng hàng không khác ở Mỹ thất thoát nhiều tiền hơn cả tổng lợi nhuận mà ngành này ở Mỹ kiếm được trong bao nhiêu năm kể từ khi dịch vụ hàng không ra đời. June có bị điên không? Chắc chắn rồi – nếu bà cố gắng thực hiện điều đó một mình. Nhưng bà và người con trai thông minh của bà đã khơi dậy được những nguồn lực cần thiết để thành công. Người đàn bà này đã “nhắm đến mặt trăng” trong khi những đại gia trong ngành chỉ cố sống sót qua ngày. Tất cả các hãng hàng không khác (trừ một hãng) thành lập sau thời kỳ chính phủ Mỹ gỡ bỏ những quy định khắt khe trong ngành hàng không đều phá sản. Ngành hàng không đã mạnh miệng tiên đoán rằng không một hãng hàng không mới nào có thể tồn tại được.

Đối với June, mọi việc sẽ dễ dàng và an toàn hơn nhiều nếu bà đưa ra một mục tiêu thiết thực và khả thi là mở rộng quy mô dịch vụ chở thuê của mình. Bà có thể mở thêm vài điểm đến và vài đường bay nữa. Nhưng June lại nuôi ước mơ “bay đến mặt trăng”.

Kết quả, June Morris và con trai là Rick cùng những đối tác khác không những vẫn ra mắt hãng hàng không Morris Air, họ còn kiếm được 16 triệu đô lợi nhuận ngay trong năm hoạt động đầu tiên – năm mà hầu hết những hãng hàng không sừng sỏ khác (trong đó có cả những đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của June) thiệt hại hàng trăm triệu đô mỗi hãng. Trong khi đó, 22 chiếc Boeing 737 của June vẫn bay 168 chuyến một ngày, đến 23 thành phố khác nhau. Chỉ sau hai năm, bà bán hãng hàng không non trẻ của mình cho hãng Southwest Airline được hơn 130 triệu đô. Không tệ với một doanh nghiệp hai năm tuổi đời! Nếu June đưa ra những mục tiêu vừa tầm với, có lẽ bà chỉ có thể bán được dịch vụ chở thuê của mình với giá bằng 1/20 khoản tiền trên!

KHI NÀO BẠN NÊN ĐƯA RA NHỮNG MỤC TIÊU KHẢ THI VÀ KHI NÀO BẠN NÊN “NHẮM ĐẾN MẶT TRĂNG”?

Đã đến lúc chúng ta nói về bạn và những mục tiêu, mơ ước của riêng bạn. Có phải bao giờ bạn cũng nên “nhìn lên mặt trăng” khi xác định đích nhắm hay có những lúc bạn nên đưa ra những mục tiêu “cao nửa mét”? Theo tôi, có nhiều việc không mấy quan trọng và bạn không nhất thiết phải “nhắm đến mặt trăng” làm gì. Tôi thích trượt tuyết, nhưng tôi không mong ước trở thành vận động viên trượt tuyết giỏi nhất thế giới. Tôi chỉ thích leo lên những đỉnh núi hùng vĩ rồi tận hưởng cảm giác thú vị khi trượt xuống. Đó là một lĩnh vực mà tôi không đưa ra những mục tiêu quá xa vời.

Về phần mình, tôi sẽ áp dụng kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng trong tất cả những khía cạnh ưu tiên và quan trọng của tôi. Bạn nên áp dụng kỹ thuật này vào những lĩnh vực và những dự án mà bạn cho là quan trọng đối với hạnh phúc và cuộc sống của bạn, hoặc của những người mà bạn yêu thương.

Điều này hết sức đơn giản: trong những lĩnh vực bạn chỉ muốn đạt kết quả bình thường, hãy xác định những mục tiêu khả thi; trong những lĩnh vực bạn khao khát những thành tựu phi thường, hãy sử dụng kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng để hiện thực hóa ước mơ của bạn.

“Nhắm đến mặt trăng” đã tốt, “đặt chân lên mặt trăng” còn tốt hơn nhiều.

Sức mạnh thật sự để “đặt chân lên mặt trăng” khi bạn nhắm đến nó xuất phát từ hai nguồn. Thứ nhất là “quyết tâm phấn đấu cho kết quả tốt nhất” và thứ hai là khả năng kích hoạt động cơ thứ ba (mà tôi gọi là “Mô hình hợp tác Steven Spielberg”). Tuy nhiên, trước khi chuyển sang bàn về động cơ này, chúng ta phải tập trung vào quyết tâm phấn đấu cho kết quả tốt nhất.

Tôi chưa từng gặp bất cứ người thực hiện ước mơ nào mà lại đưa ra những cột mốc tầm thường trong cuộc hành trình theo đuổi ước mơ của mình. Trái lại, tất cả những người thực hiện ước mơ mà tôi được biết đều có một nguồn động lực bên trong mạnh mẽ giúp họ đạt được thành quả xuất sắc. Khi những người này xác định mục tiêu cho một dự án, bạn không cần phải băn khoăn liệu dự án này chỉ đạt kết quả trung bình hay sao. Họ luôn nỗ lực cho những kết quả tốt nhất và gần như bao giờ họ cũng đạt được. Thậm chí nếu có thất bại, thì nguyên nhân không phải là vì họ chưa cố gắng hết sức. Khi thất bại, họ thất bại một cách đáng trân trọng, khi thành công, họ thành công một cách huy hoàng.

Đó là điểm đặc trưng của những người thực hiện ước mơ chứ không phải của đại đa số những người còn lại. Theo một khảo sát mà tôi đọc được cách đây vài năm, 85% số người được hỏi thừa nhận rằng trong công việc, họ chỉ làm đúng mức cấp trên mong đợi. “Đủ để không bị đuổi việc” là lời một nhà xây dựng miêu tả về thái độ và kết quả công việc của những nhân công làm thuê cho ông. Trong khi thái độ làng nhàng trong xã hội là tin buồn cho sự phát triển của một quốc gia, nó lại là tin vui cho bạn. Điều đó có nghĩa là bạn có thể lọt vào tốp 15% dẫn đầu trong bất cứ ngành nghề hoặc lĩnh vực nào, chỉ bằng cách làm vượt hơn mức mong đợi một chút. Điều đó có nghĩa là nếu bạn quyết tâm phấn đấu để đạt được kết quả tốt nhất, bạn sẽ nhanh chóng vượt qua 10% tiếp theo và lọt vào nhóm 5% còn lại trong bất cứ công ty hoặc công việc nào.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHẤN ĐẤU CHO KẾT QUẢ TỐT NHẤT?

Đây là một trong những nội dung mà tôi nói đến dễ dàng nhất trong toàn bộ quyển sách này. Đây cũng là một trong những phần dễ thực hiện nhất. Đã có nhiều người viết cả quyển sách về đề tài này và tôi cũng có thể viết một quyển như vậy. Nhưng thậm chí nếu tôi viết cả ba quyển sách về chủ đề này, tôi cũng chỉ mở rộng nội dung bên dưới thêm 5% về sức mạnh và hiệu quả của nó. Nói cách khác, tôi tin rằng những chỉ dẫn đơn giản bên dưới sẽ cung cấp cho bạn những gì bạn cần để đạt được ít nhất 95% mức độ xuất sắc mà bạn có thể đạt được. Nếu bạn làm theo chỉ dẫn này hàng tuần, hàng tháng và hàng năm, bạn sẽ không chỉ phấn đấu cho kết quả tốt nhất mà còn đạt được nó. Thật sự, bạn sẽ học được cách làm việc này một cách dễ dàng và đều đặn, như khi bạn làm những việc thông thường vậy. Và sau đây là chỉ dẫn của tôi.

BA VIỆC CẦN LÀM CHO KẾT QUẢ TỐT NHẤT

1. Bắt đầu sử dụng Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ trong bất cứ lĩnh vực hoặc dự án nào mà bạn muốn phấn đấu cho kết quả xuất sắc và đạt được thành tựu phi thường.

2. Sử dụng thêm kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng trong nỗ lực Hiện Thực Hóa Ước Mơ của bạn.

3. Thêm phép lạ của “Mô hình hợp tác Steven Spielberg” vào nỗ lực Hiện Thực Hóa Ước Mơ của bạn.

Bạn chỉ cần làm ba việc đó, và chỉ thế mà thôi, bạn sẽ đạt được mức độ xuất sắc và những thành tựu giúp bạn lọt vào tốp 1% dẫn đầu danh sách những người xung quanh bạn. Một khi bạn phấn đấu cho kết quả tốt nhất và bắt đầu đạt được nó, bạn sẽ đam mê theo đuổi ước mơ của mình hơn bất cứ lúc nào.

ĐỪNG QUÊN, BẠN CHƯA ĐƯỢC TRANG BỊ ĐẦY ĐỦ!

Khi bạn đã áp dụng kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng vào nỗ lực Hiện Thực Hóa Ước Mơ một cách đúng đắn, thậm chí khi bạn quyết tâm phấn đấu cho kết quả tốt nhất, bạn vẫn không có đủ nguồn lực cần thiết về tinh thần, thể chất và tài chính để bay đến mặt trăng. Bạn sẽ cần tuyển thêm nguồn lực hỗ trợ bên ngoài. Điều này không có gì đáng sợ cả. Như tôi đã nói từ trước, động cơ cực mạnh thứ ba mang tên “Mô hình hợp tác Steven Spielberg” tập trung vào khía cạnh này là động cơ mạnh nhất mà bạn sở hữu. Thiếu nó thì dẫu bạn có cố phóng lên mặt trăng bao nhiêu lần, bạn cũng không thể đặt chân lên đó được. Thậm chí bạn sẽ không thắng nổi lực hút của trái đất. Nhưng nếu bạn cho nổ động cơ thứ ba này, thì sẽ không có gì trên đời có thể hạn chế ước mơ của bạn nữa.

Bí quyết hiệu nghiệm 8:

Hãy mơ và đạt được những ước mơ không tưởng

1. Điểm lại tất cả những ước mơ mà bạn đã viết ra trong quyển sổ tay của bạn và tự hỏi xem liệu bản chất ước mơ đó là khả thi hay “nhắm tới mặt trăng”. Sau đó quyết định xem bạn có cần điều chỉnh lại ước mơ đó theo kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng không. Nếu cần, hãy viết ra ước mơ đã được điều chỉnh của bạn.

2. Với mỗi ước mơ đã được điều chỉnh, hãy kiểm tra lại mục tiêu, các bước thực hiện, công việc cần làm để xem có cần sửa đổi gì không.

3. Lên lại danh sách những nguồn lực hỗ trợ bên ngoài mà bạn cần tìm để đạt được ước mơ vừa điều chỉnh của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.