Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ

Phần 2: CHẶT ĐỨT SÁU SỢI DÂY XÍCH – CHƯƠNG 4



SỢI DÂY XÍCH THỨ NHẤT: BẠN ĐƯỢC LẬP TRÌNH SẴN SỰ TẦM THƯỜNG

Từ khi còn bé, bạn đã được mặc định là xoàng xĩnh.

Theo học khoa Tâm lý từ những năm 1960, một người bạn của tôi tham gia vào một cuộc nghiên cứu, trong đó họ chích điện vào lũ chuột thí nghiệm mỗi khi chúng cố lấy thức ăn từ trong khay. Chẳng bao lâu sau, chúng không còn dám xớ rớ đến gần khay thức ăn nữa vì sợ bị điện giật. Sau đó, người ta ngắt nguồn điện và đặt nhiều thức ăn hấp dẫn hơn vào khay. Nhưng lũ chuột tuyệt nhiên không dám đến gần. Thời gian trôi qua, chúng thà chết đói chứ không dám liều mạng đến gần khay kiếm chút thức ăn vì sợ bị chích điện.

Tương tự như vậy, bạn có thể hình dung con người chúng ta, nhìn chung, cũng bị “lập trình” bởi những sự việc trong quá khứ để đi đến chỗ chấp nhận cái đói, thậm chí cái chết chứ không dám đối đầu với nỗi sợ hãi một lần nữa? Đó chính là điều đã xảy ra với những chú chuột ở trên. Bất cứ lúc nào, chúng cũng có thể quay lại khay thức ăn để thưởng thức những món ăn ngon lành, để lại béo tốt và trở về với cuộc sống bình thường. Nhưng mà chúng, thà chết đói, chứ không dám thử lấy một lần. Ghê gớm thay sức mạnh của những chương trình tiêu cực!

Lần đầu tiên tôi được nghe Zig Ziglar nói chuyện là cách đây 20 năm, ông kể cho tôi nghe hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất là về những con bọ chét và câu chuyện thứ hai là về loài voi. Ông nói rằng, nếu bạn cho những con bọ chét vào một cái lọ cổ thấp thì chúng sẽ lập tức nhảy ra ngoài. Tuy vậy, khi bạn đậy nắp lọ lại, lúc đầu chúng sẽ nhảy điên cuồng, nhưng chẳng mấy chốc chúng sẽ bỏ cuộc. Sau đó, khi bạn mở nắp ra, bạn nghĩ lũ bọ lập tức nhảy ra ngoài ư? Không đâu, chúng sẽ ở lỳ dưới đáy lọ… và không bao giờ cố gắng thoát khỏi lọ nữa. Giống như loài chuột, chúng bị lập trình bởi những giới hạn trong quá khứ để chấp nhận rằng những giới hạn ấy sẽ tồn tại mãi trong tương lai.

Phải, ngu ngốc làm sao những loài vật bé nhỏ. Một con voi có bộ não lớn hơn và chắc chắn thông minh hơn nhiều so một con bọ chét hay một con chuột. Vậy mà các đoàn xiếc vẫn huấn luyện voi con bằng cách xích chúng vào một cái cột được cắm chặt xuống đất. Chú voi con nhanh chóng hiểu rằng, mỗi khi nó cảm nhận được sợi dây thừng quấn quanh cổ mình và bị sợi dây kéo giật lại thì nó không đi xa được nữa. Lớn lên một chút, chú voi có thể dễ dàng nhổ bật cái cột, tựa như ta bứng một cây con, nhưng chẳng bao giờ nó thử làm chuyện này, bởi vì nó đã yên trí rằng, mỗi khi có sợi dây thừng quấn vào cổ và bị kéo giật lại thì nó phải dừng lại thôi.

Nghe những câu chuyện trên tôi không khỏi thấy buồn cho loài bọ chét và những chú voi, tôi còn buồn hơn cho những con chuột khốn khổ. “Chương trình” mà chúng tự lập ra kia đã dẫn chúng đến chỗ bị bỏ đói, bị chết và bị tước đoạt tự do một cách ngớ ngẩn. Tuy vậy, những câu chuyện này cũng không thể nào so sánh được với tấn bi kịch giáng xuống đầu hàng trăm triệu học sinh Mỹ đã phải trải qua hệ thống giáo dục lạc hậu già cỗi từ những năm 1940, mà tôi là một trong số đó. Giống như loài bọ chét, chuột và voi, bạn được lập trình sẵn bởi các thầy cô giáo, huấn luyện viên, bạn bè và thậm chí các bậc cha mẹ để đi đến chỗ tin rằng bạn chỉ là một kẻ thường thường bậc trung. Và khi là một đứa trẻ chẳng có gì đặc biệt, bạn dần dần tin rằng mình chỉ có thể làm được những việc xoàng xĩnh. Mặc dù những người góp phần vào việc lập trình bạn không hề có chủ ý, tiếc thay nó lại có sức mạnh vô cùng to lớn.

Vào lúc bạn tốt nghiệp phổ thông thì não của bạn đã “chạy” trơn tru và thông suốt một chương trình toàn diện cho sự tầm thường, và từ lúc ấy hầu như ai trong chúng ta cũng có khuynh hướng không thể thay đổi là chấp nhận cái tầm thường, cái xoàng xĩnh là điều tốt nhất mà chúng ta có thể đạt được trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Chúng ta chấp nhận một cuộc hôn nhân tàm tạm và những mối quan hệ hời hợt mà không phấn đấu để có đời sống tình cảm phong phú, chất lượng hơn. Chúng ta chỉ thực hiện những yêu cầu tối thiểu trong công việc mà không một lần thử phá kỷ lục của người đi trước. Chúng ta không dám mạo hiểm, không dám đưa các ý tưởng vào kinh doanh bởi vì chúng ta thật sự tin rằng mình không có khả năng vượt qua những thách thức lớn để đạt được những thành tích nổi bật, phi thường.

Trong khi cái chương trình mà tôi gọi là “tầm thường hóa” này không khiến ai bị chết đói, nó lại gây ra những hậu quả tồi tệ cho hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu người với kiểu “sống mòn”. Thử hỏi, mỗi ngày có bao nhiêu cặp vợ chồng lôi nhau ra tòa ly dị bởi họ không có một tầm nhìn xa, không có sự tự tin và không biết cách biến việc góp gạo thổi cơm chung tầm thường hay tệ hại thành một cuộc sống lứa đôi đầy ắp tiếng cười. Bi thảm không kém, nhiều đôi uyên ương “cơm không lành canh không ngọt” nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng nhau trong nhiều năm hoặc cả đời người, chỉ vì họ không nghĩ rằng mình có thể làm điều gì đó để chuyển mối quan hệ mệt mỏi, đầy mâu thuẫn này thành một cuộc sống tràn đầy tình thương yêu như họ hằng mong muốn.

Còn về học vấn thì sao? Hơn nửa số sinh viên ghi danh vào đại học nhưng không bao giờ tốt nghiệp nổi. Họ cũng bắt đầu với bao mơ ước dạt dào của tuổi trẻ, nhưng lại sớm bỏ cuộc vì đã quen với cách nghĩ rằng họ chẳng có tài cán gì để vươn tới những đỉnh cao. Nhiều người kiếm được mảnh bằng đại học ở một lĩnh vực mà họ không ưa thích, chỉ vì họ không nghĩ rằng mình đủ giỏi để học ngành khác.

Trên đời có biết bao nhiêu người ngừng theo đuổi công việc mơ ước của mình, không phải vì họ thích một công việc khác, mà vì họ nghĩ đó là công việc tốt nhất mà họ làm được, xét trên các yếu tố khả năng, điều kiện và hoàn cảnh. Các cuộc khảo sát cho biết có đến 85% người lao động muốn đổi sang công việc khác hoặc ngành nghề khác nhưng cũng giống như loài bọ chét, chuột hay voi, họ không thể thoát khỏi một nơi mà những sự việc trong quá khứ đã “ấn” họ vào đấy.

Tôi hy vọng bạn bắt đầu nhận ra tác hại ghê gớm của sợi dây xích lập trình sẵn cho sự tầm thường. Nó neo chặt bạn lại, không cho bạn cơ hội giải phóng năng lượng của mình để chạm tới những ước mơ.

Trước khi để cho cảm giác thất vọng xâm chiếm bạn, hãy cho phép tôi chia sẻ với bạn rằng, tất cả những người mà tôi quen biết đều từng bị cột chặt vào sợi dây xích đó, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Lee Iacocca, Steven Spielberg, Michael Landon và cả tôi Steven Scott, chúng tôi đều đã bị đóng đinh trong khuôn khổ của sự tầm thường.

Bạn biết đấy, thời trung học, tất cả chúng ta đều bị các thầy cô, huấn luyện viên, cha mẹ, bạn bè và tệ hơn cả là chính bản thân mình đánh giá chỉ với ba tiêu chuẩn đo lường: điểm số, sự nổi tiếng và năng khiếu thể thao. Nếu chúng ta không đạt toàn điểm 10 trong các kỳ thi, không được nhiều người biết đến, không có thành tích thể thao nổi bật thì chúng ta cho rằng mình rốt cuộc cũng chỉ là một kẻ trên dưới mức bình thường. Và từ giây phút đó, chúng ta chấp nhận và tiếp tục dùng thước đo này cho chính mình. Thậm chí chúng ta không dám nghĩ đến những thành quả phi thường. Chúng ta đề ra những mục tiêu thấp kém bởi vì chúng ta nghĩ dù cố mấy mình cũng chỉ làm được đến thế mà thôi.

Kết cục, chúng ta đặt số phận của mình vào tay kẻ khác. Đó có thể là ông chủ ta, ngân hàng hoặc vợ/chồng ta. Chúng ta nghĩ những chiếc xe hơi hào nhoáng như Rolls-Royces và những ngôi biệt thự lộng lẫy nguy nga là dành riêng cho một loại người “tầm cỡ” như Steven Spielberg, Bill Gates hoặc Lee Iacocca, chứ không dành cho những người bình thường như ta. Chúng ta nghĩ hạnh phúc chỉ đến với sự kết hợp giữa thiên tài và mỹ nhân chứ không đến với những cặp vợ chồng bình thường như ta. Chúng ta nghĩ cánh cửa trường đại học y, luật hoặc bách khoa danh tiếng chỉ mở ra cho những người có chỉ số thông minh cao, chứ không đón chào ta và con cái ta. Chúng ta tin rằng những công ty hùng mạnh được xây dựng bởi những doanh nhân đại tài, đã thuộc hạng con dòng cháu giống lại được thần may mắn bảo trợ, còn bản thân ta thì không thể tay trắng làm nổi cơ đồ.

Bạn thân mến của tôi, đây toàn là những điều giả dối cả. Thế mà chúng ta đã tin vào những điều sai lạc này trong một thời gian dài và cho phép nó lập trình cách nghĩ và cách sống của bản thân mình.

Thậm chí các vận động viên, những nhà nghiên cứu y học và các nhà khoa học cũng để cho những thành tựu của mình bị giới hạn bởi những chương trình sai lầm hoặc tiêu cực. Các nhà khoa học từng tuyên bố rằng con người không thể chạy được một dặm (khoảng 1,6 km) dưới 4 phút, rằng đó là cái ngưỡng mà sức người không thể vượt qua. Kết quả là trong nhiều năm liền, tất cả các vận động viên điền kinh chỉ cố hết sức để chạy 1 dặm trong vòng bốn phút, không hơn không kém. Dù gì thì đây cũng là giới hạn về thể chất kia mà. Rồi đến một ngày, một người đàn ông tên là Roger Bannister đã chạy một dặm mà chưa đến 4 phút. Thế là một khi có người vượt qua được mốc 4 phút đó thì các vận động viên khác trên thế giới cũng làm được.

Liệu có phải tất cả những người này đã tìm được một loại thuốc thần kỳ giúp họ đạt được tốc độ của siêu nhân? Hay cơ thể họ được thiết kế lại để phá mức giới hạn “không thể vượt qua”? Không hề có chuyện như vậy, họ chỉ đơn giản lập trình lại bản thân mình, dẹp bỏ chương trình thần kinh đã hạn chế thành tích của họ trong sự nghiệp thể thao.

Các kỹ sư hàng không Mỹ đều đã nhất trí với nhau rằng không thể chế tạo một chiếc máy bay loại nhỏ với chi phí dưới 100 triệu đô, thế nên họ chẳng bận tâm đến việc thử đi ngược lại “sự thật hiển nhiên” ấy. Vậy mà Bill Lear tạo ra được một mô hình máy bay như vậy chỉ với giá 10 triệu đô, có lẽ vì ông không được lập sẵn chương trình như các kỹ sư thông thái trong các hãng sản xuất máy bay khổng lồ trên thế giới.

Giới nghiên cứu y khoa từng phán một câu rằng bệnh nhiễm khuẩn là căn bệnh “không có thuốc chữa” cho đến khi một bác sĩ tên là Jonas Salk bỏ qua nhận định ấy và đẩy căn bệnh nhiễm khuẩn vào trong quá khứ. Nhờ khám phá của bác sĩ Salk mà giới y khoa rút ra được bài học: “Không bao giờ nói không thể”.

Như tôi đã nói ở phần đầu chương, tất cả chúng ta đều được lập trình sẵn sự tầm thường. Nhưng cũng giống như Roger Bannister, Bill Lear và Jonas Salk, chúng ta có thể học cách liên tục chặt đứt sợi dây xích đáng sợ về sự tầm thường này mỗi khi nó hiện ra.

Bây giờ câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào cắt rời sợi dây xích độc hại đó và hành động kiên quyết mỗi khi nó can thiệp vào cuộc sống của bạn? Thật đáng mừng, điều này dễ hơn những gì bạn nghĩ rất nhiều. Chỉ cần bạn tỉnh táo nhận ra một thực tế bị chôn vùi từ lâu và có sự điều chỉnh tương ứng trong thái độ và hành vi của bạn. Đồng thời, hãy dành ra mỗi tuần vài phút để tham gia vào một trong những hoạt động mạnh mẽ nhất mà bạn được biết.

THỨC TỈNH VÀ ĐIỀU CHỈNH THÁI ĐỘ Thức tỉnh

Bước đầu tiên trong việc chặt đứt xiềng xích là bạn phải thức dậy sau cơn mê dài. Tôi không có ý muốn nói đến sự giác ngộ về mặt tâm linh, mà chỉ đơn giản là việc nhận thức được vấn đề. Đầu tiên, bạn hãy mở to mắt trước thực tế rằng mình đã được lập trình sẵn sự tầm thường. Có phải khi bạn mơ tưởng về một thành công tột bậc, dù là trong kinh doanh, cuộc sống gia đình hay bất cứ lĩnh vực nào, bạn nghĩ đến một ai khác, chứ không phải là bạn? Hiểu rõ bản thân mình đã bị dán nhãn “tầm thường” là bước đầu tiên trong việc thức tỉnh mà tôi đang nói đến.

Kể cả khi bạn đã được lập trình sẵn sự tầm thường, hãy nhớ rằng bạn được thiết kế và tạo ra để làm những chuyện phi thường.

Bước tiếp theo thậm chí còn quan trọng hơn. Bạn phải nhận ra một sự thật rằng, mặc dù bạn chỉ là một người bình thường, bạn hoàn toàn có khả năng thực hiện những điều phi thường. Thật vậy, Tạo hóa không phí công tạo ra bạn như một sinh vật tầm thường. Bạn được sinh ra để đạt được những thành tựu phi thường trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống. Bạn có thể nghi ngờ lời tôi nói, nhưng đó là sự thật! Cho phép tôi giải thích nghĩa cụm từ “thành tựu phi thường” là gì trước, rồi tôi sẽ chỉ cho bạn thấy bạn đã được trang bị để thành công như thế nào.

Thước đo chính xác của những thành tựu phi thường

Trong quá khứ, những thành tựu thật sự phi thường không được đo đạc chính xác bởi những tiêu chí như điểm số bạn đạt được ở trường, sự nổi trội của bạn so với bạn học cùng lớp hay việc bạn có tài năng thể thao hay không. Ngày nay, những thành tựu phi thường cũng bị đánh giá sai lầm bằng thu nhập hàng tháng của bạn hoặc số tài sản mà bạn đứng tên. Mặc dù những chuẩn mực này nhìn chung thể hiện sự thành công, chúng không phải là thước đo chính xác về chiều cao hoặc chiều sâu của thành đạt.

Nếu luận về điểm số thì cả Steven Spielberg lẫn Michael Landon đều là những học sinh kém. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận rằng họ chính là những học sinh học một biết mười, theo một thước đo chính xác hơn. Cả hai đều tự học và trở thành những học giả xuất sắc trong nghệ thuật kể chuyện và tạo ra những cuốn phim để đời. Như vậy, thước đo chính xác không phải là điểm số trong học bạ của họ mà là những gì họ đạt được sau khi áp dụng những bài học mà họ đã quan sát và chiêm nghiệm bằng ngôn ngữ của nghệ thuật thứ bảy. Dưới góc nhìn này, họ đúng là những người học trò xuất chúng.

Mẹ Teresa lúc sinh thời chỉ có nguồn thu nhập ít ỏi, của cải cũng chẳng có gì nhiều, vậy mà di sản bà để lại cho chúng ta còn vượt xa tài sản của những tỷ phú giàu nhất thế giới. Thước đo thành công của bà nằm trong ánh mắt yêu thương, biết ơn của những người đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ bất hạnh được mẹ Teresa nuôi dưỡng và chăm sóc suốt cuộc đời mình.

Vợ tôi là một bà nội trợ và là một người vợ, người mẹ tuyệt vời. Thành quả nuôi dạy sáu đứa con nên người của nàng lớn lao hơn tất cả những gì mà tôi đạt được trong sự nghiệp kinh doanh. Thành công của nàng được đo lường bằng cảm giác an toàn, tình yêu thương và sự kính trọng của con tôi dành cho mọi người.

Trong những trường hợp như vậy, chúng ta không thể dùng mức độ giàu có về mặt vật chất để đo lường những thành tựu phi thường được. Thậm chí với cả những người như Steven Spielberg và Oprah Winfrey, những người sở hữu nguồn tài chính dồi dào, thì thước đo thật sự cho thành công của họ chính là tầm ảnh hưởng lớn lao mà họ mang lại cho cuộc sống của hàng triệu người trên khắp hành tinh.

Ngày qua ngày, dù muốn hay không, Oprah vẫn xuất hiện trong chương trình truyền hình quen thuộc, trở thành người bạn đồng hành, người bạn tinh thần thường xuyên và đáng tin cậy, không chỉ với những người thân quen của cô mà còn với hàng triệu người không quen biết vẫn ngày ngày bỏ thời giờ theo dõi những câu chuyện và vấn đề mà cô dẫn dắt.

Steven Spielberg cũng đem đến cho hàng triệu khán giả một món ăn tinh thần phong phú, và đã có những cống hiến vĩ đại cho thế giới đương đại qua những bộ phim kiệt xuất của ông trong đó có phim Bản danh sách của Schindler (Schindler’s List).

Vậy thì làm thế nào để đưa ra một định nghĩa chính xác về cái gọi là “thành tựu phi thường”? Một cách đơn giản và ngắn gọn, thành tựu phi thường là thành tựu mang lại những lợi ích phi thường về mặt vật chất hoặc tinh thần cho chủ thể hoặc cho người khác. Hai người thiết lập được mối quan hệ trọn vẹn, đáp ứng được nhu cầu cảm xúc sâu xa nhất của mỗi bên, được gọi là một mối quan hệ phi thường. Cha mẹ sinh con ra, dạy dỗ con biết yêu thương người khác, biết chịu trách nhiệm về tất cả những việc mình làm, bộc lộ những đức tính đáng quý như trung thành, dũng cảm, đáng tin cậy là những bậc cha mẹ phi thường.

Tất cả những điều đó nói lên rằng thước đo thành công của bạn chính là mức độ thỏa mãn nhu cầu mà bạn có thể mang đến cho người khác và cho chính bản thân mình. Trong đời mình, tôi biết rất nhiều người thành công vượt trội trong một hoặc hai lĩnh vực trong cuộc sống, nhưng lại thất bại thảm hại ở những lĩnh vực khác. Bạn có biết bao nhiêu người nắm trong tay hàng triệu đô nhưng lại không mua được niềm vui trong cuộc sống gia đình và thất bại trong việc nuôi dạy con cái không? Và bao nhiêu người thành công trong vai trò làm cha mẹ nhưng lại không gặt hái được gì trong kinh doanh và sự nghiệp riêng? May thay, ai trong chúng ta cũng có thể thành công mỹ mãn trong tất cả những lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống, mà không cần phải hy sinh cái này để có cái kia.

Bây giờ, trước khi bạn đi đến chỗ tin rằng mình có thể đạt đến những ước mơ xa vời nhất trong từng lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống, tôi phải chứng minh rằng bạn đã được trang bị đầy đủ để làm được điều đó. Nếu tôi nói rằng bạn có khả năng bay nhanh hơn tốc độ âm thanh mà chỉ trao cho bạn một chiếc tàu lượn thì tôi là kẻ nói dối và bạn chớ tin tôi làm gì. Nhưng nếu tôi cũng nói câu đó và đặt bạn ngồi vào một chiếc máy bay siêu âm hiện đại nhất với một phi công lão luyện, thì bạn có những điều kiện cần và đủ để hành động tương xứng với lời tuyên bố của tôi và thậm chí còn hơn thế nữa. Bộ não siêu việt mà Thượng đế trao cho bạn chính là bằng chứng tốt nhất mà tôi có thể đưa ra để chứng minh rằng bạn đã được trang bị tối ưu để đạt được những hoài bão lớn nhất của mình.

Siêu máy tính với những tính năng tiên tiến nhất

Một trong những người bạn của tôi nằm trong nhóm kỹ sư chế tạo ra thế hệ máy tính hiện đại nhất thế giới vào những năm 1970. Thời đó, anh bảo với tôi rằng chiếc máy tính này có thể tiếp nhận một tỷ byte thông tin trong vòng một giây.

Siêu phàm đến thế nhưng chiếc máy tính ấy lại chỉ có thể nhận được một byte thông tin mỗi lần, trong khi não bộ con người có thể nhận được 4 triệu byte thông tin đồng thời từ mắt! Với tốc độ ánh sáng, não bộ của bạn xử lý 4 triệu byte thông tin, vẽ ra bức tranh về cảnh vật xung quanh và tiếp nhận bức tranh ấy trong không gian ba chiều cùng màu sắc và sự chuyển động. Hoạt động này diễn ra vào mỗi thời khắc bạn thức. Bên cạnh đó, não cũng tiếp nhận hàng trăm triệu byte thông tin đến từ các giác quan khác, các bộ phận cơ thể và dây thần kinh của bạn. Quá trình xử lý thông tin này diễn ra với tốc độ ánh sáng và gửi đi hàng triệu yêu cầu cùng lúc! Tôi hy vọng bạn đang nghĩ đến hai chữ “tuyệt vời” ngay bây giờ. (Nếu không, bạn hãy gấp sách lại và đưa cho người khác đọc.)

Bạn có thấy mình đang sở hữu một “công cụ” khủng khiếp đến mức nào chưa? Hãy hình dung trong tâm trí bạn tòa nhà Empire State Building, một trong những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới và từng là biểu tượng của nước Mỹ. Nếu tất cả các tầng lầu của tòa nhà này (khoảng 100 tầng) được chất đầy những máy tính trung ương, máy tính cá nhân kết nối lại với nhau, chúng vẫn không thể thực hiện nổi khối lượng công việc mà não của bạn xử lý trong tích tắc.

Nếu con người tạo ra máy tính không phải để nó làm thay mình những công việc vớ vẩn thì đấng Tạo hóa cũng không phú cho bạn một bộ não mạnh mẽ như thế chỉ để bạn thực hiện những nhiệm vụ nhỏ nhặt. Người trao cho bạn chiếc “máy tính” ưu việt nhất trên vũ trụ để bạn có thể lập nên những kỳ tích, những điều thật sự vĩ đại.

Nếu bạn lâm vào cảnh túng quẫn và tôi thông báo là vừa chuyển vào tài khoản của bạn 10 triệu đô, bạn sẽ không tin tôi, đúng không? Thế là không có chuyện gì xảy ra cả. Kể cả khi bạn đã có trong tay 10 triệu đô, bạn vẫn tiếp tục sống và hành xử như thể bạn chẳng còn một xu dính túi. Phải, dù tiền đã ở trong tài khoản mang tên bạn thì bạn, cũng như bất cứ người nào khác, cũng chẳng có được lợi lộc gì từ khoản tiền ấy. Chỉ có một cách duy nhất giúp bạn hưởng lợi từ số tiền ấy là (1) tin rằng tôi thật sự chuyển tiền cho bạn và (2) bắt đầu rút tiền ra sử dụng. Điều tương tự cũng xảy ra với chiếc máy tính siêu hạng của bạn. Từ lúc mới sinh ra, bạn đã được trang bị một thứ tài sản mầu nhiệm nhất giúp bạn đạt được những thành tựu phi thường trong từng lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống… nhưng trước hết, bạn phải tin là mình sở hữu công cụ vô giá này rồi bắt tay vào hành động để khai thác tiềm năng của nó.

Điều chỉnh thái độ sống

Bây giờ, một khi đã nhận thức rõ rằng bạn có đầy đủ điều kiện để thực hiện bất cứ kỳ tích nào trong từng lĩnh vực quan trọng của cuộc sống, bạn cần điều chỉnh thái độ của mình cho phù hợp với quan điểm mới mẻ này.

Quay lại ví dụ 10 triệu đô trong tài khoản của bạn, hãy tưởng tượng mọi chuyện sẽ đáng tiếc biết bao nếu bạn ngồi trên đống tiền đó mà không đầu tư một đồng nào để sinh lợi, chỉ vì bạn đã bị lập trình sẵn rằng bạn nghèo rớt mồng tơi và vì bạn chưa bao giờ thay đổi cách nghĩ của mình cho tương xứng với một người bỗng dưng sở hữu 10 triệu đô. Không có sự thay đổi trong thái độ sống, bạn sẽ vẫn tiếp tục hành xử như một kẻ khố rách áo ôm. Hãy nghĩ đến tất cả những điều tốt đẹp mà gia đình, bạn bè, các tổ chức từ thiện và xã hội bị tước đoạt, chỉ đơn giản bởi vì bạn vẫn duy trì lối sống của một kẻ chạy ăn từng bữa.

GIÁ TRỊ HƠN 10 TRIỆU ĐÔ RẤT NHIỀU LẦN!

Mặc dù việc tôi chuyển 10 triệu đô cho bạn chỉ là một ví dụ, Thượng đế đã trao cho bạn một bộ não còn giá trị hơn gấp nhiều lần. Chỉ có bạn mới có thể biểu lộ lòng biết ơn Thượng đế về món quà vô giá ấy và hào hứng học hỏi cách sử dụng công cụ tuyệt vời này, để đạt được ước mơ của mình và giúp những người khác cũng làm được việc đó. Nếu bạn có thái độ sống như vậy và tự cam kết với chính mình là sẽ khám phá và theo đuổi tất cả những cơ hội quý báu đang mở ra truớc mắt, thì những hoạt động và kỹ thuật mà tôi tiết lộ trong quyển sách này chắc chắn sẽ giúp bạn đạt được những gì mà trái tim bạn khao khát, thậm chí cả những điều mà trước giờ bạn chưa dám nghĩ tới.

Điều đó có nghĩa là những gì bạn đạt được trong quá khứ không hề ấn định hoặc hạn chế mức độ thành công của bạn trong tương lai!

Cả những thất bại lớn nhất của bạn ngày hôm qua cũng không phải là yếu tố cản trở thành công lớn nhất của bạn vào ngày mai. “Thất bại là mẹ thành công”. Nếu bạn công nhận sự thật này và thay đổi cách nghĩ của mình thì bạn đã… sẵn sàng cho hành trình cuộc sống rồi đó.

Có ba điều cần nhớ trong chương này:

1. Bạn đã bị lập trình sẵn sự tầm thường bởi những thước đo sai lầm như điểm số, sự nổi tiếng, năng khiếu thể thao, thu nhập và vật chất. Đó không phải là những chuẩn mực chính xác mà bạn nên căn cứ vào để đánh giá bản thân. Nếu bạn chỉ đạt được những kết quả bình thường dựa trên những tiêu chuẩn này, thì chắc chắn bạn sẽ coi mình là người bình thường có khả năng làm được những chuyện bình thường mà thôi.

2. Bạn được thiết kế và tạo ra để thực hiện những điều lớn lao trong từng lĩnh vực quan trọng của cuộc sống. Bạn cần nhận ra một thực tế là việc lập trình trong quá khứ đã neo chặt bạn lại trên bệ phóng, khiến bạn không thể phóng vào vũ trụ. Một khi nhận thức rõ về chương trình này, bạn sẽ có khả năng tự giải thoát mình để bay đến những ước mơ.

3. Bạn cần có thái độ sống của người sở hữu một chiếc máy tính siêu đẳng là não bộ và quyết tâm sử dụng nó để đạt được những mục tiêu cao nhất của mình và giúp đỡ những người khác cũng làm được điều đó.

Bí quyết hiệu nghiệm 1:

Lập trình lại bộ não siêu phàm của bạn

Ở cuối mỗi chương, bạn sẽ tìm thấy những trang quan trọng nhất trong quyển sách này, chứa đựng những bài tập giúp bạn áp dụng những kỹ thuật và phương pháp trong từng chương vào thực tế để theo đuổi những ước mơ bay bổng. Bạn sẽ phát hiện rằng những bài tập này không những hữu ích mà còn thú vị nữa, bởi nó được thiết kế dành riêng cho bạn với mục đích giúp bạn mở cánh cửa đến với ước mơ! Nếu mỗi tháng bạn thực hành một bài tập, thì sau 15 tháng, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong mức độ thành công của bạn. Nếu mỗi tuần bạn hoàn tất một bài tập, thì sau 15 tuần, bạn cũng sẽ tận mắt chứng kiến sự thay đổi lớn trong cuộc đời bạn. Nhưng nếu bạn, vì nôn nóng, mà làm nhiều hơn hai bài tập một tuần thì chúng sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn. Hãy tự xác định thời gian biểu cho mình, từ hai bài tập một tuần cho đến một bài một tháng và chấp hành nghiêm túc.

Bạn cần hai quyển sổ tay dễ tháo rời từng trang, ngăn ra nhiều phần và giấy để thực hiện những bài tập trong sách. Một quyển để ghi lại những câu trả lời của bạn, quyển thứ hai được gọi là Nhật Ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ. Quyển nhật ký này cũng giống như nhật ký hải trình của người hoa tiêu trên biển, trong đó ghi lại lộ trình, kế hoạch đạt từng ước mơ quan trọng của bạn, bao gồm cả những điều tưởng chừng như không thể.

Xin bạn nhớ rằng những bài tập này được soạn ra vì lợi ích của bạn, vì thế hãy trả lời trung thực, vì nó sẽ trở thành tiền đề cần thiết giúp bạn đạt được những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Vui lòng trả lời những câu hỏi sau vào quyển sổ tay của bạn.

1. Liệt kê những điểm mạnh về mặt cá nhân của bạn.

2. Liệt kê những điểm yếu về mặt cá nhân của bạn.

3. Liệt kê những điểm yếu của bạn trong kinh doanh và sự nghiệp.

4. Liệt kê những điểm mạnh của bạn trong kinh doanh và sự nghiệp.

5. Liệt kê những việc bạn thích làm và những việc bạn có thể làm tốt (đam mê, sở thích, dự án, v.v…)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.