Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ

CHƯƠNG 13



ĐỘNG CƠ THỨ TƯ: “TINH THẦN LẠC QUAN HELEN KELLER” TĂNG TỐC HẠNH PHÚC VÀ THÀNH CÔNG CỦA BẠN!

Kiểm soát yếu tố quyết định hạnh phúc của bạn và tác động đến cuộc sống của những người bạn gặp.

“Người ta lấy đi đôi mắt tôi, nhưng tôi nhớ đến thiên đường của Milton(1). Người ta lấy đi đôi tai tôi, nhưng Beethoven đến và lau những giọt nước mắt của tôi. Người ta lấy đi lưỡi của tôi, nhưng tôi đã trò chuyện với Chúa khi tôi còn nhỏ. Chúa sẽ không để người ta lấy đi tâm hồn tôi – khi tôi còn sở hữu tâm hồn, tức là tôi còn sở hữu toàn bộ.”

Helen Keller

Tôi không thể nghĩ ra hoàn cảnh nào tệ hơn việc một đứa trẻ không thể nhìn, không thể nghe, không thể giao tiếp. Tôi không thể hình dung cảnh tượng mình lớn lên mà không thể thấy khuôn mặt thân yêu của cha mẹ hoặc nghe câu nói “Bố mẹ yêu con” mỗi đêm trước khi tôi lên giường ngủ. Tôi không thể hình dung được nỗi bất lực khi muốn bày tỏ cảm xúc của mình nhưng không thể nói được tiếng nào.

Vậy mà đó lại là thế giới mà cô bé Helen Keller 7 tuổi đã lớn lên. Chính nhờ tình yêu thương bao la, sự tận tụy và lòng kiên nhẫn vô hạn của Anne Sullivan mà thế giới câm lặng, tăm tối của Helen Keller từ từ được “thắp sáng”. Mặc dù Helen không bao giờ lấy lại được khả năng nghe nhìn nhưng cô đã học được cách giao tiếp với người khác; rồi thông qua những điều cô nói hay viết, cô đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người.

Sống giữa những người có thể chiêm ngưỡng những vẻ đẹp mà cô không thể thấy, có thể nghe được những âm thanh tuyệt diệu mà cô không thể nghe, Helen có quyền và có đủ lý do để cảm thấy đau khổ và căm phẫn. Tuy vậy, như lời trích dẫn ở đầu chương, trái tim cô không hề có chỗ cho sự cay đắng và thù hận. Ngược lại, có lẽ Helen là một trong những người hạnh phúc và lạc quan nhất thế kỷ 20.

“Tinh thần lạc quan” là từ diễn tả tốt nhất cho động cơ khổng lồ thứ tư, một động cơ rất quan trọng cho cuộc hành trình chinh phục ước mơ của bạn. Tuy bạn vẫn có thể đạt được điều bạn muốn mà không cần kích hoạt động cơ này, nhưng thiếu nó, bạn sẽ không cảm nhận được trọn vẹn niềm vui và sự mãn nguyện trên con đường thực hiện ước mơ.

Tinh thần lạc quan bao gồm hai thành phần: (1) thái độ tích cực và (2) những mối quan hệ tốt đẹp. Điều đáng mừng là bạn có thể cải thiện và tối đa hóa cả hai thành phần này. Nhưng điều ngược lại cũng đúng nốt. Bạn có thể từ bỏ trách nhiệm trong những lĩnh vực này bằng cách để cho người khác hoặc hoàn cảnh kiểm soát thái độ và những mối quan hệ của mình. Bạn có thể nỗ lực vừa đủ trong bất cứ tình huống nào và ngồi đợi người khác chủ động cải thiện các mối quan hệ. Thật không may, lối sống thụ động bao giờ cũng dễ dàng hơn lối sống chủ động.

Hãy tưởng tượng hình ảnh bạn đang men theo con đường mòn dẫn lên đỉnh núi cao. Đột nhiên một vách đá thẳng đứng xuất hiện trước mặt bạn. Đến đây, con đường mòn chia thành hai ngã vòng qua vách đá. Lối đi bên trái dốc đứng và cheo leo dẫn lên đỉnh núi. Lối đi bên phải bằng phẳng, dễ dàng dẫn xuống chân núi. Tiếp tục leo lên đỉnh núi đòi hỏi nhiều thời gian, nỗ lực và một quyết tâm mạnh mẽ, trong khi xuống dốc thì chỉ mất chút thời gian và hầu như không mất sức. Nhưng đường lên dốc sẽ dẫn bạn lên đỉnh núi và còn hơn thế nữa. Bạn đã từng nghe nói phía bên kia ngọn núi là thiên đường tuyệt đẹp với những hồ nước trong vắt và đồng cỏ xanh thẳm. Thế là bạn đứng đó, băn khoăn giữa hai con đường, suy nghĩ về những khó khăn phía trước, tự hỏi liệu bạn có đủ sức trèo lên đỉnh núi hay không. Vì chưa từng bước chân qua phía bên kia đỉnh núi, bạn thật sự không hề biết đến những niềm vui và hạnh phúc đang chờ đợi mình. Chịu trách nhiệm về thái độ sống, chủ động cải thiện các mối quan hệ và phấn đấu để đạt thành quả xuất sắc là con đường dẫn lên đỉnh núi, trong khi thoái thác trách nhiệm là con đường dẫn xuống núi.

Không có điểm trung dung. Hoặc bạn phải nhận lấy trách nhiệm và có thái độ chủ động trong các mối quan hệ, hoặc bạn ngồi đấy đợi cho mọi việc xảy ra. Thật không may, khuynh hướng tự nhiên của bạn luôn lôi kéo bạn chọn con đường xuống núi dễ dàng. Khuynh hướng tự nhiên của bạn là làm ít chừng nào hay chừng nấy, và vui lòng chấp nhận một kết quả vừa phải, khiêm tốn. Ngày nay, hầu hết mọi người thất bại trong việc chống lại khuynh hướng tự nhiên của mình. Họ chỉ làm những gì đến một cách tự nhiên. Những người này cũng có ước mơ, nhưng nếu họ không thay đổi thói quen và trở nên chủ động, họ sẽ không bao giờ đạt được nó.

Điều đáng buồn là khuynh hướng tự nhiên xui khiến bạn chọn con đường xuống núi và hài lòng với chuyện đó. Nhưng điều đáng mừng là bạn không nhất thiết phải chịu sự điều khiển và chi phối của khuynh hướng tự nhiên. Bạn có thể chọn con đường dẫn lên đỉnh núi. Bạn có thể chọn việc nhận lãnh trách nhiệm và trở nên chủ động trong tất cả những lĩnh vực tạo nên động cơ “tinh thần lạc quan” này. Bất kể hoàn cảnh hiện tại của bạn như thế nào, không bao giờ là quá trễ để bạn lựa chọn con đường dẫn lên đỉnh núi.

“CỨ LÀM ĐI, TẠO NÊN MỘT NGÀY CỦA BẠN!”

Kiểm soát thái độ của bạn

Có lẽ một trong những lời thoại đáng nhớ nhất của Clint Eastwood là trong phim “Harry bẩn thỉu” (Dirty Harry). Cầm súng nhắm thẳng vào tên tội phạm đang bắt giữ con tin, Clint kêu to, “Cứ làm đi, tạo nên một ngày của mày!”. Giờ đây, tôi hy vọng một trong những câu đáng nhớ nhất trong quyển sách này cũng tương tự như câu nói nổi tiếng của Clint Eastwood: “Cứ làm đi, tạo nên một ngày của bạn!”. Câu nói này chứa đựng một chân lý mạnh mẽ có thể làm thay đổi cuộc đời bạn một cách triệt để. Ý nghĩa của câu nói này là kết quả cuối cùng trong một ngày của bạn không phụ thuộc vào bất cứ ai hay bất cứ điều gì khác. Đừng bao giờ để cho hoàn cảnh, môi trường hay người khác làm hỏng một ngày của bạn, thậm chí chỉ một giờ trong ngày, bạn nhé.

Mẹ Teresa trải qua những ngày tháng trong hoàn cảnh đau thương nhất mà con người có thể hình dung được. Từng ngày, từng giờ, từng phút, bà sống giữa những người nghèo khổ đang cận kề cái chết. Những hình ảnh, mùi vị của bệnh tật và cái chết bám lấy bà mọi lúc mọi nơi. Mặc dù ở bên cạnh chăm sóc và an ủi những người vật lộn với cái chết, Mẹ Teresa luôn phải đối diện với sự bất cập của mình, bởi vì bà không đủ khả năng giải phóng những con người khốn khổ này khỏi nỗi đau thể xác, và cũng không thể cứu sống họ. Thế nhưng cuộc đời bà không hề nhuốm màu khốn khổ hay tuyệt vọng.

Bạn thấy đấy, bà biết rõ rằng thái độ cũng như cảm xúc của bà không phải do hoàn cảnh xung quanh hay những gì xảy ra với bà định đoạt.

BẠN PHẢN HỒI HAY PHẢN ỨNG?

Sự lựa chọn quan trọng

Zig Ziglar vạch ra được sự khác biệt sâu sắc giữa một phản hồi và một phản ứng trước hoàn cảnh. Ông chỉ ra rằng khi bác sĩ cho bạn uống một loại thuốc mới, vài ngày sau khi bạn quay lại tái khám, hoặc là bác sĩ sẽ mỉm cười nói “Tốt lắm, cơ thể của anh/chị đang phản hồi với thuốc” hoặc ông chau mày nói, “Không tốt rồi, cơ thể của anh/chị phản ứng lại với thuốc”.

Bạn có thể phản hồi hoặc phản ứng trước một sự việc xấu. Phản ứng có nghĩa là trao cho hoàn cảnh quyền kiểm soát thái độ và cảm xúc của bạn, còn phản hồi có nghĩa là chịu trách nhiệm quản lý thái độ và hành vi tương ứng của bạn. Khi bạn phản ứng, gần như tất cả những hệ quả xảy ra cho bạn và người khác đều tiêu cực. Khi bạn phản hồi, kết quả sẽ tích cực hơn rất nhiều.

Vài tuần trước, tôi lên lịch cho chuyến bay lúc 8h30 sáng từ Salt Lake City, bang Utah đến Atlanta, bang Georgia. Theo kế hoạch, tôi sẽ chỉ đạo một nhóm quay phim ở Atlanta vào buổi chiều; sau đó sẽ bay đến Orlando, bang Florida để đạo diễn một cuốn phim khác ngay trong đêm đó. Tôi lên máy bay vào khoảng 8 giờ sáng. Chúng tôi khởi hành trễ 30 phút vì người ta cần làm tan băng trên máy bay. Tôi không phản ứng lại sự chậm trễ này, trái lại tôi còn biết ơn cơ trưởng đã không liều lĩnh với mạng sống của tôi. Sau đó máy bay lăn bánh ra đường băng. Khi cơ trưởng bắt đầu tăng tốc, anh nhận thấy một động cơ chạy không tốt. Anh thông báo trên loa rằng anh sẽ đưa máy bay về nhà chứa máy bay để kiểm tra lại máy. Thế là lại mất thêm một tiếng rưỡi nữa. Tôi liếc nhìn đồng hồ và biết rằng tôi vẫn có thể làm phim ở Atlanta, nhưng sẽ khá gấp rút. Tôi lựa chọn không cảm thấy buồn bực mà đánh giá cao tính thận trọng của cơ trưởng, và một lần nữa biết ơn anh thay vì tức giận. Bộ phận bảo trì máy bay cho biết mọi chuyện đều ổn và chúng tôi có thể xuất phát.

Máy bay lại lăn bánh ra đường băng, cơ trưởng lại tăng tốc để chuẩn bị cất cánh. Một lần nữa, anh cảm thấy lực động cơ bị giảm và không thích điều đó chút nào. Chúng tôi lại quay về cổng để hỏi ý kiến của bộ phận bảo trì. Tại cổng, chúng tôi phải ngồi đợi trên máy bay thêm một tiếng đồng hồ nữa. Lần này, bộ phận bảo trì phát hiện ra máy bay có vấn đề thật, nhưng họ không biết việc sửa chữa sẽ kéo dài bao lâu, thế là một lần nữa, họ yêu cầu hành khách ngồi yên trên máy bay. Tôi bắt đầu nổi giận ư? Tôi sẽ lỡ mất buổi quay phim ở Atlanta, nhưng sao tôi lại tức giận được? Một lần nữa, tôi tập trung suy nghĩ về tính cẩn thận của cơ trưởng. Tôi nghĩ, “Thà trễ giờ bay còn hơn bị rớt máy bay”. Tôi được phép mở máy tính xách tay lên và thế là tôi tận dụng khoảng thời gian chờ đợi trên máy bay để hoàn tất một chương cho quyển sách này. Cuối cùng, vào lúc 11 giờ rưỡi, chúng tôi được thông báo là chuyến bay sẽ bị hoãn đến 3 giờ chiều. Nhiều hành khách tỏ ra hết sức bực tức. Không chỉ buổi sáng của họ đã bị “phá hỏng” mà giờ đây phản ứng của họ còn khiến họ “mất toi” cả ngày.

Một lần nữa, tôi có sự lựa chọn: phản ứng hay phản hồi. Tôi đến quầy bán vé, đổi vé bay thẳng đến Orlando trên chuyến bay lúc 2 giờ rưỡi. Rồi tôi tìm một cái ghế trống, mở máy tính xách tay lên và có trọn vẹn ba tiếng đồng hồ để viết sách trước giờ bay. Hóa ra đó là một ngày tốt lành đối với tôi. Đó cũng là một ngày tốt lành đối với nhà sản xuất của tôi nữa, anh đã đứng ra chỉ đạo việc quay phim ở Atlanta. Nếu tôi không được nghe Zig Ziglar nói về việc phản hồi thay vì phản ứng trước hoàn cảnh, chắc hẳn tôi đã cho phép cơn giận dữ, nỗi thất vọng khiến tôi không thể suy nghĩ và viết sách được. Nếu vậy, một ngày đẹp đẽ của tôi sẽ biến thành một ngày tồi tệ.

Tôi kể lại câu chuyện này để chứng minh rằng sức mạnh của việc kiểm soát thái độ có thể đơn giản đến từ việc thay đổi hướng suy nghĩ của bạn. Nếu tôi cho phép mình bận tâm về việc chuyến bay trễ giờ làm lỡ việc của tôi như thế nào, tôi sẽ phí phạm nhiều giờ đồng hồ chỉ để giận dữ và lo lắng về một tình huống mà tôi không thể nào thay đổi được. Bằng cách tập trung suy nghĩ vào điều quan trọng hơn (sự sống còn), tôi cảm thấy biết ơn cơ trưởng đã thận trọng thay vì nổi giận với hãng hàng không. Và bằng cách chuyển hướng suy nghĩ từ việc “lỡ mất cơ hội đạo diễn phim” sang “cơ hội viết sách”, tôi có thể làm việc hiệu quả và đảm bảo tiến độ hoàn tất quyển sách này. Đó là ví dụ về một lần tôi kiểm soát tốt thái độ của mình bằng cách chuyển hướng suy nghĩ. Nhưng có nhiều lần tôi không làm được như thế.

Ví dụ, một hôm máy tính của tôi bị hỏng, tôi đã phản ứng tiêu cực trong hơn một tiếng đồng hồ cho đến khi tôi nhận ra mình đang làm gì. Thế là tôi bắt đầu “phản hồi” với hoàn cảnh và chuyển từ việc than thở sang việc hành động để giải quyết vấn đề một cách tích cực. Rồi tôi tập trung vào những việc quan trọng khác mà tôi phải giải quyết trong ngày. Kết quả, những giờ còn lại trong ngày của tôi trở nên rất hữu ích.

Sự lựa chọn giữa “phản hồi” và “phản ứng” rõ ràng không phải là một quyết định “một-lần-trong-đời” và từ đó trở đi, bạn có thể trở thành những người lạc quan hơn. Thậm chí, nó cũng không phải là một quyết định “một-lần-trong-tuần”. Đó là sự lựa chọn bạn phải đối diện nhiều lần trong ngày. Trong trường hợp máy tính của tôi bị hư, tôi phải lựa chọn như vậy đến hai lần trong một giờ. Điều đáng mừng là sau mỗi lần bạn quyết định phản hồi thay vì phản ứng trước hoàn cảnh, bạn sẽ cảm thấy dễ lựa chọn phản hồi trong lần kế tiếp.

Tuy vậy, kiểm soát thái độ và phản hồi thay vì phản ứng không có nghĩa là bạn trở nên giả tạo; không có nghĩa là bạn không khóc khi đang đau đớn, hoặc làm vẻ mặt tươi cười khi đang rầu rĩ. Vợ tôi sẽ nói cho bạn biết tôi là một người dễ bộc lộ cảm xúc. Chỉ cần một ý nghĩ thoáng qua về người cha thân yêu đã qua đời vào năm 1995 cũng làm cho cổ họng tôi nghẹn lại và nước mắt ứa ra. Có lẽ tôi là người đàn ông đa cảm hơn phần lớn những bậc mày râu mà tôi quen biết. Khi tôi nói về việc kiểm soát thái độ của bạn, tôi đơn giản nói về việc chịu trách nhiệm về cách bạn suy nghĩ và phản hồi với cuộc sống nói chung và hoàn cảnh của bạn nói riêng – chủ động thay vì thụ động; phản hồi thay vì phản ứng với hoàn cảnh.

BẠN LÀ NGƯỜI LẠC QUAN HAY BI QUAN?

Việc bạn là người lạc quan hay bi quan phụ thuộc vào hai yếu tố. Một là số lần bạn phản hồi hay phản ứng với hoàn cảnh. Hai là bạn lựa chọn chú tâm vào điều gì. Bạn tập trung vào tất cả những lợi ích và niềm vui tràn ngập trong cuộc sống và cơ hội bạn có thể giúp đỡ người khác hay bạn tập trung vào những điểm thiếu sót, sự bất lực hoặc những khó khăn thử thách?

Vợ tôi là người lạc quan nhất trong những người mà tôi từng tiếp xúc. Trước khi chúng tôi đến với nhau, người mai mối có công sắp xếp cuộc gặp gỡ cho chúng tôi đã nói về cô rất chi tiết. Điều đầu tiên người đó nói về cô là như thế này, “Shannon là một người rất lạc quan. Nếu người ta đưa cho cô ấy một ly nước chỉ còn ¼ nước, thì thay vì kêu ca “sao ít nước thế”, cô sẽ lấy làm mãn nguyện rằng trong ly vẫn còn nước.” Quả thật đúng như vậy. Bất cứ ai biết Shannon cũng sẽ nói với bạn rằng, khi cô bước vào một căn phòng, cả căn phòng sẽ bừng sáng. Nếu bạn đọc của tôi đủ tuổi để nhớ về Doris Day(2) thì Shannon còn “Doris Day” hơn chính Doris Day nữa.

Sau 7 năm ở bên cạnh Shannon, tôi có thể hiểu tại sao cô luôn lạc quan như thế. Lý do nằm ở hai yếu tố mà chúng ta vừa nói đến ở trên. Cô phản hồi nhiều hơn phản ứng, và thậm chí trong những tình huống khó khăn nhất, bao giờ cô cũng hướng suy nghĩ của mình về khía cạnh tươi sáng, chứ không tập trung vào mặt tiêu cực của vấn đề.

ĐÒN BẨY CÔNG DỤNG NHẤT ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI LẠC QUAN

Không còn nghi ngờ gì nữa, có một thái độ sống đã trở thành một đòn bẩy hiệu nghiệm nhất trong việc biến một người bi quan thành lạc quan. Nếu bạn là một người lạc quan, thái độ này luôn hiện hữu trong tâm hồn bạn. Thực tế, thái độ này càng nổi trội bao nhiêu thì bạn càng lạc quan bấy nhiêu. Ngược lại, thái độ này càng yếu bao nhiêu thì bạn càng bi quan bấy nhiêu. Nếu bạn là một người bi quan, thái độ này hầu như không tồn tại trong trái tim bạn. May thay, nếu bạn không sở hữu thái độ này trong cuộc sống, bạn vẫn có thể gieo hạt giống cho thái độ này, chăm bón nó và nó sẽ mọc rễ và lớn lên. Nếu trong bạn đã có sẵn thái độ này thì hãy tiếp tục nuôi dưỡng nó, giúp nó ngày càng lớn mạnh hơn. Thái độ này càng nổi trội bao nhiêu, bạn càng trở nên lạc quan bấy nhiêu.

Thái độ mà tôi đang nói đến là lòng biết ơn những thứ có giá trị mà bạn đang sở hữu. Có lần, một vị mục sư kể cho tôi nghe câu chuyện về một nhà triệu phú tự nhận là “tay trắng làm nên”. Nhà triệu phú này nói với mục sư: “Tôi khởi sự từ hai bàn tay trắng. Bố mẹ nghèo khổ của tôi chẳng cho tôi được một xu nào. Tôi phải tự kiếm tiền đi học và từ lúc bé đến giờ, chẳng có ai cho tôi bất cứ thứ gì. Một tay tôi làm nên tất cả. Tôi làm việc không quản ngày đêm và gặt hái được thành quả cho công lao khó nhọc của mình, ngày nay tôi có một cơ nghiệp đồ sộ và nhà cửa ở khắp nơi trên thế giới”.

“Có thật là ông đã một mình làm nên tất cả không?”, mục sư của tôi hỏi lại.

“Đúng thế”, người đàn ông trả lời, “tự tay tôi làm ra từng thứ một”.

“Thế không có ai cho ông bất cứ thứ gì sao?”

“Không một thứ gì.”

“Vậy cho phép tôi hỏi ông điều này”, mục sư nói. “Ai cho ông cuộc sống này? Ai quyết định việc ông được sinh ra trong một bệnh viện ở Mỹ chứ không phải trong một con hẻm ở Calcutta? Ai cho ông bộ não siêu việt, tài năng và những năng lực tự nhiên? Ai thay tã cho ông, đút cho ông ăn khi ông còn nhỏ? Ai dạy ông biết đọc biết viết? Ai bỏ ra hàng giờ, hàng tuần, hàng năm để giáo dục ông? Ai cho ông công việc đầu tiên, ai hướng dẫn ông làm kinh doanh? Ai cho ông vay tiền để khởi nghiệp? Ai là người sinh ra đời một cô gái nhỏ, rồi nuôi dưỡng cô ấy thành một người phụ nữ, người đã trao cho ông cuộc sống, tâm hồn của cô ấy và những đứa con kháu khỉnh? Ai mua sản phẩm của ông? Ai chăm sóc khách hàng và quản lý văn phòng của ông? Ai cho ông sức khỏe và tiếp tục chăm sóc ông? Ai lau nhà, dọn dẹp văn phòng, cọ rửa phòng tắm cho ông? Nếu ông có thể nhìn thẳng vào mắt tôi và nói rằng ông đã tự mình làm tất cả mọi việc và rằng không có ai cho ông bất cứ thứ gì, thì câu hỏi cuối cùng của tôi là: ai đã khiến ông trở nên mù lòa và trao cho ông một tâm hồn dại dột, ngạo mạn và vô ơn đến thế?”.

Mục sư nói với tôi rằng vị doanh nhân thành đạt kia lặng người đi, nước mắt rưng rưng. Sau đó, người đàn ông trả lời với giọng run run, nghẹn ngào: “Lạy Chúa, có thứ gì mà tôi không được ban cho đâu?”.

Suốt bao năm qua, người đàn ông này chất chứa trong lòng nỗi niềm chua chát, cay đắng. Ông oán cha trách mẹ đã không giàu có để chu cấp cho ông mọi thứ. Ông căm phẫn người khác khi thấy họ có nhiều thứ hơn mình. Ông bi quan đến nỗi không một ai quen biết ông thích ở gần ông. Sau nhiều năm nuôi dưỡng nỗi căm hờn oán giận, với ý nghĩ rằng cuộc sống bao giờ cũng chống đối lại ông và rằng ông xứng đáng với tất cả những gì mà ông đạt được, trong ông không hề có chút tia sáng của lòng biết ơn hay suy nghĩ tích cực. Tuy vậy, chỉ trong vài phút, ông đã thay đổi. Lần đầu tiên trong đời, ông nhận ra tất cả những món quà vô giá mà ông đã được Thượng đế, cha mẹ ông và vô số những người khác ban tặng.

Kết quả sau đó thật tuyệt vời. Ông bắt đầu một chiến dịch viết thư cảm ơn tất cả những người mà ông nhớ đến, từ những thầy cô giáo cũ cho đến những nhân viên của ông, kể cả người lao công. Ông cảm ơn họ về những gì mà họ đã mang đến cho ông. Ông trở thành một người cực kỳ lạc quan và thành công hơn bao giờ hết. Nhưng điều quan trọng nhất là ông trở thành một người biết yêu thương, biết chia sẻ thành công và tài sản với những người chung quanh.

“NHƯNG ÔNG ẤY LÀ TRIỆU PHÚ… NẾU ÔNG BIẾT HOÀN CẢNH CỦA TÔI, ÔNG SẼ THẤY TÔI CHẲNG CÓ GÌ ĐỂ BIẾT ƠN HẾT!”

“Nhưng ông đâu biết gì về hoàn cảnh của tôi,” có thể bạn sẽ nói như thế. Bạn nói đúng, tôi không biết gì về hoàn cảnh của bạn. Nhưng tôi đã từng ngồi cạnh những người cha, người mẹ phải chịu nỗi đau lớn nhất trên đời này: nỗi đau mất con. Tôi biết những người bị cụt chân cụt tay trong những vụ tai nạn. Tôi biết những người phụ nữ bị chính cha đẻ của mình xâm phạm tình dục từ khi còn bé. Một người bạn của tôi mất cả vợ và đứa con đầu lòng trong lúc sinh nở. Một người bạn khác có đứa con gái 7 tuổi bị hãm hiếp rồi bị giết chết, sau đó vợ anh cũng chết trong lúc sinh nở. Trong những nghịch cảnh kinh khủng như thế, tôi đã chứng kiến chính những con người này chuyển hướng suy nghĩ từ nỗi đau mà họ gánh chịu sang những điều quý giá mà họ có được.

Gary Smalley dẫn dắt mọi người đi qua một quá trình mà anh gọi là “đi tìm kho báu”, trong đó họ cất công khám phá và tìm thấy những “kho báu” đã xuất hiện trong cuộc đời họ như một sự đền bù cho những đau thương mất mát mà họ chịu đựng. Khi những người này, đàn ông cũng như đàn bà, phát hiện ra những “kho báu” và học cách chia sẻ với người khác, nỗi cay đắng và oán hận của họ biến thành lòng biết ơn và hạnh phúc. Gary đã làm một cuốn băng video tuyệt vời về chủ đề này mang tên “Bí quyết xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp” (Hidden Keys to Loving Relationships) và anh cũng hướng dẫn độc giả về quá trình này trong quyển sách của mình “Làm thế nào để tình yêu kéo dài mãi mãi” (Making Love Last Forever). Nếu những hoàn cảnh đau thương đã tước đi của bạn niềm vui và hạnh phúc, tôi khuyên bạn hãy trải nghiệm quá trình này. Bạn có thể bắt đầu đi tìm kho báu ngay bây giờ. Theo Gary, dưới đây là một số kho báu mà người đời thường tìm thấy trong những nỗi đau lớn nhất. Bạn hãy ngừng đọc và suy nghĩ về một hoặc nhiều nỗi đau lớn nhất mà bạn đã từng trải qua. Khi nghĩ về chúng, hãy xem bạn có tìm được bất cứ kho báu nào dưới đây không:

Bạn có khả năng đồng cảm với những nỗi đau hoặc mất mát của người khác?

Bạn trở nên nhạy cảm hơn trước những nhu cầu và thử thách của người khác?

Bạn ít phán xét người khác hơn và trở nên bao dung hơn?

Bạn sẵn sàng che chở những đứa trẻ hay những người đang phải đối mặt với những tổn thương mà bạn đã gánh chịu?

Bạn trở nên kiên nhẫn hơn?

Bạn trở nên chu đáo, tử tế, dịu dàng và quan tâm đến người khác hơn?

Bạn có thái độ nghiêm túc trong cuộc sống và một tâm hồn nhạy cảm hơn?

Đó là những phẩm chất đáng quý mà nhiều người sống hết đời cũng không có được. Nếu bạn có bất cứ đức tính nào ở trên, nó sẽ là tài sản mà bạn có thể tận dụng để mang tình yêu, sự an ủi, giúp đỡ và khích lệ đến với những người đang đau khổ. Chỉ có những ai đã gánh chịu nỗi đau tương tự mới có thể giúp được họ.

Hồi còn học đại học, tôi làm bạn với một sinh viên mù tên là Dan Duffy. Dan mắc một chứng bệnh trong não khiến anh bị mù từ khi còn bé và anh không thể nhớ được hình ảnh của bất cứ thứ gì. Một hôm, trong lúc chúng tôi cùng đi xuống phố, tôi nhìn bạn mình và cảm thấy anh ấy thật đáng thương. Có lẽ sự im lặng thoáng qua của tôi khiến Dan nghĩ có chuyện gì không ổn, vì cậu lên tiếng hỏi tôi có chuyện gì không. “Dan à”, tôi nói, “thỉnh thoảng mình cảm thấy rất buồn khi cậu không nhìn được. Ước gì mình có thể làm được một điều gì đó cho cậu, nhưng mình thật bất lực.” Cuộc nói chuyện ấy đã diễn ra cách đây 30 năm, nhưng câu trả lời của Dan khiến tôi bất ngờ đến nỗi đến giờ tôi vẫn còn nhớ: “Steven này, cậu đừng bao giờ cảm thấy thương hại mình vì mình bị mù nhé… Cậu không nhận ra rằng hình ảnh đầu tiên mà mình nhìn thấy sẽ là khuôn mặt của Đấng cứu thế sao? Khả năng nhìn của mình được dành trọn vẹn cho hình ảnh đẹp nhất trong vũ trụ đấy. Và sau đó, hình ảnh tiếp theo mà mình nhìn thấy sẽ là toàn cảnh thiên đường và các thiên thần”.

Dan đã bị tước đoạt mất cặp mắt quý giá suốt 19 năm và trong suốt những năm anh còn sống trên đời. Vậy mà, thay vì dằn vặt trong nỗi bất hạnh và đau khổ của riêng mình, anh nghĩ về niềm hạnh phúc to lớn đang chờ đợi anh phía trước. Nhưng đó không phải là tất cả những điều mà anh chú tâm vào. Dan là một trong những sinh viên lạc quan nhất mà tôi từng quen biết ở trường đại học. Anh trân trọng tất cả những điều may mắn mà anh có được trong cuộc sống hàng ngày: khả năng suy nghĩ, được đi học, có nhiều bạn tốt, khả năng nghe, nói và ca hát. Anh cũng thích chơi đàn ghita nữa. Nhưng điều tuyệt vời hơn cả là anh đã học được một điều rằng, những kho báu quý giá nhất thường được tìm thấy trong những hầm mỏ sâu nhất, tối tăm nhất trong lòng đất.

Một người bạn khác của tôi bị tàn phế vì chứng viêm khớp rất nặng. Anh phải chịu đựng những cơn đau bất tận kéo dài 24 tiếng một ngày. Trên cơ thể anh chỉ có hai chỗ không đau đớn là đầu và cổ. Anh phải ngồi trên xe lăn và bất cứ lúc nào anh cử động vai, bàn tay, cánh tay, chân hoặc bàn chân, bạn cũng có thể nghe tiếng xương kêu cọt kẹt và thấy anh nhăn mặt vì đau đớn. Tuy vậy, Elmer Lappen không chỉ là một trong những người lạc quan và hạnh phúc mà tôi từng gặp, anh còn có ảnh hưởng to lớn tới cuộc đời của hơn mười ngàn sinh viên trong suốt 20 năm anh làm việc ở ký túc xá trường đại học Arizona State University. Tôi là một trong mười ngàn sinh viên ấy. Cơ miệng là nơi duy nhất anh có thể cử động mà không cảm thấy đau đớn, và anh đã trở thành một diễn giả tuyệt vời có thể nói vang tới tận tòa nhà bên cạnh mà không cần micro. Tôi chưa từng nghe Elmer than phiền dù chỉ một lần! Tôi thấy anh cười cũng nhiều như lúc anh nhăn mặt vì đau đớn.

Vậy đấy, bạn không phải là rô-bô chịu sự điều khiển của người khác hay hoàn cảnh. Bạn chính là người kiểm soát tâm trí, thái độ bản thân và bạn có thể hướng tâm trí và thái độ của mình vào bất cứ điều gì bạn muốn. Khi một điều không hay xảy ra với bạn, tất nhiên bạn sẽ chịu tác động của nó. Nhưng khi nỗi đau ban đầu lắng xuống, bạn có thể lựa chọn tập trung vào những lợi ích, niềm vui tràn ngập cuộc đời bạn. Martin Luther từng nói, “Bạn không thể ngăn một con chim đậu trên đầu bạn, nhưng bạn có thể ngăn không cho nó làm tổ trên đầu mình”. Nếu bạn tập trung vào những may mắn và cơ hội xung quanh, bạn sẽ trở thành một người lạc quan hơn, và gặt hái được những lợi ích chỉ dành riêng cho những người có suy nghĩ tích cực.

Những người lạc quan cũng tập trung chú ý vào nhu cầu của những người xung quanh và tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó. Zig Ziglar nổi tiếng với câu nói rằng hạnh phúc và thành công của bạn tỷ lệ thuận với số người mà bạn giúp họ hạnh phúc và thành công. Chắc chắn, một trong những lý do khiến Mẹ Teresa có thể duy trì thái độ tích cực trong một môi trường u ám đến thế là vì bà tập trung vào việc làm thế nào để giảm nhẹ nỗi đau đớn của những mảnh đời bất hạnh. Michael Landon là một ví dụ tiêu biểu khác cho việc này. Khi một diễn viên trong một bộ phim mà ông đạo diễn phá hỏng một cảnh quay, thay vì giận dữ và nghĩ đến những mất mát về tiền bạc và thời gian do lỗi của người này gây ra, ông tập trung vào nhu cầu cần được giúp đỡ và hướng dẫn của diễn viên này, và với một nụ cười đầy khích lệ, ông nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đó.

CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG NHỮNG MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP

Thành phần thứ hai trong động cơ “tinh thần lạc quan” là chủ động xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp. Liệu bạn có thể kích hoạt động cơ “tinh thần lạc quan” mà không cần xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp không? Chắc chắn rồi. Tuy vậy, động cơ này sẽ không hoạt động hiệu quả, và không tạo ra lực đẩy mạnh như động cơ có đầy đủ hai thành phần. Tôi biết một số người rất lạc quan và thành công nhưng lại rất tệ trong việc tạo dựng các mối quan hệ. Trong thực tế, một số người không những thất bại mà còn phá hủy các mối quan hệ nữa. Vậy mà họ vẫn sống lạc quan và thành công. Nhưng bạn hãy nghĩ mà xem, thành công và hạnh phúc của họ sẽ trọn vẹn hơn nhiều nếu họ học cách chủ động trong việc xây dựng những mối quan hệ vững chắc.

Câu hỏi dành cho bạn là bạn muốn thành công như thế nào, bạn muốn nhanh chóng đạt được ước mơ đến mức nào và bạn muốn hạnh phúc ra sao trong cuộc sống? Chủ động xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp sẽ nâng mức độ thành công, đẩy mạnh tốc độ thành công và mang lại nhiều niềm vui cho bạn trên suốt chặng đường đời.

Hàng ngàn quyển sách đã được viết về đề tài các mối quan hệ. Gary Smalley và tôi đã viết hai quyển sách về các mối quan hệ vào năm 1979. Từ đó đến nay, Gary đã viết thêm 11 quyển sách khác. Anh cũng đã thực hiện 18 cuốn băng video về cùng chủ đề này. Vậy thì tôi hy vọng sẽ viết được gì chỉ trong vài trang sách sắp tới? Tôi mong là sẽ nêu ra cho bạn được bảy yếu tố quan trọng trong việc cải thiện những mối quan hệ. Những yếu tố nho nhỏ này có thể tạo ra một sự khác biệt lớn trong những mối quan hệ mà bạn muốn củng cố. Hãy nhớ rằng những chiếc bánh lái nhỏ làm chuyển động cả một chiến hạm lớn.

BẢY YẾU TỐ QUAN TRỌNG GIÚP CẢI THIỆN CÁC MỐI QUAN HỆ

Yếu tố 1: Tất cả đều bắt đầu từ sự tôn trọng

Như tôi đã nói rõ trong chương trước, sự tôn trọng là nền móng vững chắc cho bất kỳ mối quan hệ tốt đẹp nào. Và như bạn đã biết, điều tuyệt vời là bạn có thể lựa chọn tôn trọng người khác, cho dù bạn muốn hay không. Việc bạn tôn trọng hay nghĩ tốt về một người không phụ thuộc vào người đó mà vào bạn. (Hãy nhớ lại cây đàn vĩ cầm sứt mẻ, lúc đầu bị mọi người cười nhạo nhưng sau đó lại được nâng niu. Vẫn cây đàn cũ kỹ ấy, nhưng sự lựa chọn thì khác.)

Bạn có thể lựa chọn tôn trọng hay đánh giá cao bất kỳ ai, vào bất cứ lúc nào bạn muốn. Chỉ cần một chút thời gian và thiện chí. Ai cũng muốn được quan tâm, được công nhận, được đối xử chân thành chứ không phải bị coi như một người không có giá trị. Một trong những cách hiệu quả nhất để biểu lộ sự tôn trọng đối với người khác là lắng nghe và quan tâm đến suy nghĩ và ý kiến của họ. Khi ở bên họ, hãy buộc bản thân bạn ngừng suy nghĩ và tập trung vào những gì họ nói với bạn.

Yếu tố 2: Ai cũng muốn được động viên

Cuộc sống vốn chẳng dễ dàng gì với bất kỳ ai. Nhưng vì chúng ta quá tập trung vào những nhu cầu và cuộc chiến hàng ngày của mình mà thường không nhận ra nỗi đau và nhu cầu của những người xung quanh. Mỗi ngày bạn sống giữa những người đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, những người luôn cần nhận được sự động viên khích lệ. Điều đó không có nghĩa là bạn phải bỏ ra hàng giờ để làm việc ấy. Đôi khi chỉ cần một cái vỗ vai hay một nụ cười thân thiện là đủ. Vài lời nói động viên hoặc thái độ chăm chú lắng nghe có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong cách người đó đối diện với thời gian còn lại trong ngày.

Hãy tìm cách thể hiện sự ân cần, cảm kích hoặc động viên người khác vào những lúc bất ngờ. Một tấm thiệp, một lá thư hoặc một bó hoa có thể làm bừng sáng một ngày, một tuần hay một tháng của ai đó. Và người ta có thể ghi nhớ những khoảnh khắc ngắn ngủi và những cử chỉ khích lệ đó suốt cả đời.

Khi người yêu thời sinh viên của tôi nói lời chia tay, rồi sau đó gọi cho tôi, thông báo là sẽ lên xe hoa với người bạn thân nhất của tôi, tôi cảm thấy đau khổ cùng cực. Cả thế giới như sụp đổ trước mặt tôi. Đang nằm úp mặt xuống giường khóc thảm thiết, tôi chợt cảm thấy một bàn tay vỗ nhẹ lên lưng mình. Đó là người bạn cùng phòng của tôi, Doug Broils. Cậu ấy đang chuẩn bị đi chơi, bạn gái cậu đang ngồi đợi ở phòng khách trong căn hộ của chúng tôi. Khi vỗ lưng tôi, cậu ấy thì thầm, “Tớ không biết phải nói gì, nhưng tớ quyết định sẽ không đi chơi nữa. Nếu cậu muốn nói chuyện, hay đi ra ngoài, hay muốn làm bất cứ việc gì thì tớ sẵn sàng ở bên cạnh cậu. Tớ sẽ ngồi trong phòng khách”. 30 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ rõ như mọi chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Lời nói của cậu, giọng nói của cậu, cái cách mà cậu làm cho tôi cảm thấy mình quan trọng và có giá trị vẫn còn in rõ trong tâm trí tôi như ngày nào. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh hay giá trị của những lời nói hay hành động khích lệ của bạn.

Tuy nhiên, khi một người đang bị tổn thương nặng nề, nhất là lúc họ gặp thất bại (từ việc bị điểm kém cho đến việc không được thăng chức) thì điều cuối cùng mà họ muốn là một bài lên lớp, một bài phân tích đúng sai, một lời khuyên hay một giải pháp. Khi ai đó đang bị tổn thương, cách tốt nhất mà bạn có thể an ủi khích lệ họ là một vòng tay ấm áp và một đôi tai lắng nghe. Bất cứ hành động nào khác chỉ làm họ thêm mệt mỏi và khiến họ thu mình vào vỏ ốc. Việc giúp họ vượt qua được những cú sốc hoặc giải quyết vấn đề nên để lại sau, khi vết thương trong lòng họ đã lắng dịu. Có thể là một vài giờ hoặc vài ngày sau. Điều tệ nhất mà bạn có thể làm là cố đưa ra một giải pháp, khi họ còn đang đau đớn tột độ.

Yếu tố 3: Mang lại cảm giác an toàn và bền vững cho từng mối quan hệ

Một trong những nhu cầu lớn nhất của bất kỳ ai – dù là đàn ông, đàn bà, người già hay con trẻ – đều là cảm giác an toàn và bền vững trong các mối quan hệ. Vậy mà, trong xã hội ngày nay, hầu như không ai có được cảm giác này. Tôi không nói đến cảm giác an toàn về thể chất mà là về cảm xúc. Bọn trẻ không cảm thấy an toàn trong gia đình mình, với bạn bè còn tệ hơn. Cho dù ở nhà hay ở nơi làm việc, con người thường cảm thấy dường như họ không được công nhận và có thể bị “đào thải” bất cứ lúc nào. Vì vậy, bất cứ việc gì bạn làm nhằm nâng cao cảm giác an toàn và bền vững đều có tác dụng củng cố mối quan hệ của bạn với người khác. Con người càng có cảm giác yên tâm tin tưởng bao nhiêu, họ càng vui vẻ thể hiện bản thân, nỗ lực và khả năng bấy nhiêu. Ngược lại, càng cảm thấy lo âu, chông chênh bao nhiêu, họ càng khép kín bấy nhiêu.

Làm thế nào để mang lại cảm giác an toàn và bền vững cho một mối quan hệ? Đầu tiên, hãy thường xuyên cho người đó biết rằng bạn thật sự muốn duy trì mối quan hệ lâu dài với họ. Có nhiều cách để làm điều này, từ việc đơn giản nói với họ – bằng lời nói hay viết ra – cho đến việc tích cực giúp đỡ họ học và sử dụng Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ trong cuộc sống cá nhân và sự nghiệp. Bằng cách giúp họ định nghĩa và đạt được ước mơ của mình, bạn thể hiện tình cảm vững chắc của bạn đối với họ.

Một cách khác cũng hiệu quả không kém trong việc mang lại cảm giác an toàn và bền vững cho một mối quan hệ là để cho họ tự do chia sẻ suy nghĩ, ý kiến, cảm xúc, nhu cầu mỗi ngày mà không sợ bị gián đoạn, chỉ trích hoặc chế giễu. Một người bạn của tôi hầu như không lúc nào nói ra được suy nghĩ của mình mà không bị chồng ngắt lời hoặc chỉ trích. Việc chồng ngắt lời cho thấy những điều cô nói hoàn toàn không quan trọng với anh ấy, và sự chỉ trích của chồng cho thấy cô không thể an toàn chia sẻ cảm xúc thật của mình về bất cứ thứ gì. Việc cho người khác quyền tự do diễn đạt suy nghĩ mà không sợ bị công kích giúp tạo dựng sự an toàn và bền vững to lớn trong những mối quan hệ.

Yếu tố 4: Bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ

Gary Smalley bao giờ cũng cho rằng nhu cầu lớn nhất của người đàn ông là cảm giác được ngưỡng mộ. Tôi hoàn toàn đồng ý với Gary. Tôi cũng tin rằng, dù đó không phải là nhu cầu lớn nhất của phụ nữ, thì chắc chắn cũng là một nhu cầu quan trọng. Một trong những lý do khiến nhiều người đàn ông ngoại tình với đồng nghiệp nơi công sở là vì ở nhà họ không còn cảm thấy mình được ngưỡng mộ nữa. Những người phụ nữ cùng làm việc với họ không những ngưỡng mộ họ mà còn nhanh chóng thể hiện sự ngưỡng mộ đó.

Tuy nhiên, khi bạn muốn thể hiện sự ngưỡng mộ, hãy phân biệt rõ sự khác nhau giữa những lời tâng bốc và lời khen chân thành. Sự tâng bốc tập trung vào những thứ hời hợt bên ngoài, còn lời khen chân thành hướng đến những hành động và thái độ cụ thể phản ánh một nét đẹp tính cách hoặc một việc làm tốt nào đó. Ai cũng thích được tâng bốc một chút, nhưng không cần quá nhiều. Ngược lại, những lời khen chân thành nên được trao tặng vào bất cứ lúc nào có thể. Lời khen càng cụ thể bao nhiêu, người nhận càng cảm thấy được công nhận và tác động của nó càng mạnh bấy nhiêu. Ví dụ, thay vì chỉ nói, “Chị làm việc tốt lắm” hoặc “Tôi thích bản báo cáo của anh”, hãy nói chi tiết bạn thích hoặc đánh giá cao yếu tố gì. Một lần nữa, giao tiếp phi ngôn ngữ cũng quan trọng như giao tiếp bằng ngôn ngữ. Giọng nói, ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay hoặc vỗ lưng cũng có tác dụng nhấn mạnh bất cứ lời ngợi khen nào.

Yếu tố 5: Phát triển những kỹ năng giao tiếp hiệu quả và bắt đầu sử dụng chúng

Một trong những trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng các mối quan hệ bền vững là việc thiếu kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Thứ nhất, con người thường không dành ra đủ lượng thời gian cần thiết để giao tiếp hiệu quả và thứ hai, họ không biết cách giao tiếp hiệu quả. Như bạn có thể thấy ở chương sau, việc giao tiếp hiệu quả và có sức thuyết phục là một trong những động cơ tên lửa mạnh nhất mà bạn sở hữu, nhưng đó lại là động cơ mà hầu hết mọi người không bao giờ học cách kích hoạt.

Tôi sẽ tập trung bàn về việc giao tiếp trong chương sau, ở đây tôi chỉ nói ngắn gọn rằng việc giao tiếp ví như một đường ống dẫn dầu quan trọng. Để giao tiếp hiệu quả, bạn phải có ba thứ: nguồn cung cấp dầu, hệ thống đường ống dẫn dầu và thời gian để đưa dầu bằng đường ống đến người nhận. Nội dung mà bạn muốn giao tiếp giống như nguồn cung cấp dầu. Ống dẫn dầu là phương pháp giao tiếp giúp truyền đạt nội dung một cách hiệu quả; và cuối cùng bạn cần phải có thời gian để chuyển tải nội dung giao tiếp đến đối tượng tiếp nhận. Điều này sẽ được khai thác kỹ trong chương sau. Việc giao tiếp hiệu quả có thể giúp tăng cường các mối quan hệ hơn bất cứ yếu tố nào khác.

Yếu tố 6: Nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn, một cách đúng đắn

Gary Smalley dạy tôi rằng mâu thuẫn có thể là cánh cửa đi thẳng đến chỗ ly dị, hoặc là sợi dây thắt chặt tình cảm. Chung quy chỉ là sự lựa chọn. Thật không may, hầu hết mọi người không hề biết đến sự tồn tại của sợi dây đó, vì thế những mâu thuẫn đáng lẽ đưa hai người đến gần nhau hơn thì lại đẩy họ ra xa nhau hơn. Theo Gary, có tổng cộng năm mức độ giao tiếp, bạn càng đào sâu vào từng mức độ bao nhiêu, bạn càng cảm nhận được sự mật thiết bấy nhiêu. Hầu hết các mối quan hệ hiếm khi tới được hai mức độ sâu nhất trong giao tiếp. Nhưng khi được sử dụng đúng đắn, mâu thuẫn có thể nhanh chóng đưa bạn đến những mức độ giao tiếp sâu nhất và tăng cường độ mật thiết cho các mối quan hệ.

NĂM MỨC ĐỘ GIAO TIẾP

Mức độ 1: Chào hỏi lịch sự (Mọi việc thế nào? Anh khỏe không? Tôi cũng bình thường)

Mức độ 2: Thông tin (Ai thắng trận này? Bên ngoài trời lạnh lắm. Anh muốn ăn tối món gì?)

Mức độ 3: Ý kiến (Tôi nghĩ tốt nhất anh nên làm theo cách này). Chia sẻ ý kiến thường là lúc mâu thuẫn bắt đầu.

Mức độ 4: Cảm xúc (Em cảm thấy mình chẳng là gì cả trong mắt anh; những lời anh nói làm em tổn thương). Người trong cuộc dễ lảng tránh nói về cảm xúc của mình hơn là bộc lộ cảm xúc, nhất là khi những cảm xúc đó thường bị chối bỏ, coi thường hoặc chỉ trích.

Mức độ 5: Nhu cầu (Em cần anh phụ giúp việc nhà. Em cần anh lắng nghe em thường xuyên hơn. Em cần anh chia sẻ với em nhiều hơn. Em cần thời gian ở bên cạnh anh). Nếu bạn hoặc người giao tiếp với bạn đã từng trao đổi về nhu cầu của mình nhưng chỉ toàn nhận được những lời chỉ trích, tranh luận hoặc thái độ thờ ơ từ phía người đối diện, bạn hoặc người đó có thể rất sợ tiến đến mức độ này. Cả bạn lẫn người đó đều không cảm thấy an toàn hoặc sợ sẽ bị tổn thương nếu những nhu cầu mà mình đưa ra không được thỏa mãn.

Điều đáng buồn ở chỗ là chính hai mức độ cuối cùng này sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc lớn nhất cho bất cứ mối quan hệ nào, vậy mà chúng thường bị người đời né tránh như tránh bệnh dịch. Mâu thuẫn có thể được sử dụng để mở cánh cổng dẫn đến những mức độ giao tiếp sâu hơn khi chúng được thực hiện một cách tích cực.

Lần đầu tiên khi nghe Gary nói điều này, tôi không thể nào tin được. Tôi bao giờ cũng lo ngại và căm ghét mâu thuẫn. Tuy vậy, dù thích hay không, mặc dù bạn có thể giảm số lượng mâu thuẫn liên quan đến mình, bạn cũng không thể hoàn toàn loại bỏ chúng. Mâu thuẫn vẫn xảy ra – thường xuyên hay thỉnh thoảng. Bởi vì mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi, tôi quyết định thử nghiệm danh sách những điều “nên làm và không nên làm” của Gary. Kết quả mà tôi nhận được là mức độ tổn thương giảm xuống, mức độ mật thiết tăng lên trong các mối quan hệ vợ chồng, con cái và giữa tôi với người khác. Học cách giải quyết mâu thuẫn đúng đắn rất cần thiết cho việc xây dựng những mối quan hệ bền vững và hạnh phúc. Dưới đây chỉ là một vài điều nên làm và không nên làm có thể tạo ra sự khác biệt giữa một mâu thuẫn mang tính xây dựng hoặc ngược lại.

QUY LUẬT CHO NHỮNG MÂU THUẪN MANG TÍNH XÂY DỰNG:

NHỮNG ĐIỀU “KHÔNG NÊN LÀM”

1. Đừng chôn giấu vấn đề hoặc nỗi đau trong lòng bạn.

2. Đừng chối bỏ hoặc chạy trốn vấn đề hoặc việc đối đầu cần thiết để giải quyết nó.

3. Đừng để việc bạn xử lý vấn đề biến tướng thành một cuộc tấn công vào con người hoặc tính cách đối tượng. (Nếu tính cách của người đó chính là vấn đề, hãy nói rõ mà không công kích về tính cách cụ thể đó… chứ không phải toàn bộ con người.)

4. Đừng dùng những lời nhận xét, chế nhạo hoặc những tên gọi “đổ dầu vào lửa”.

5. Đừng bước vào mâu thuẫn với tinh thần tự cho mình là đúng, “anh thì biết gì, chỉ có tôi là đúng thôi”.

6. Đừng để mâu thuẫn lan sang những vấn đề khác ngoài những vấn đề mà bạn đang tìm cách giải quyết.

7. Đừng khái quát hóa hoặc phóng đại vấn đề như “anh bao giờ cũng” hoặc “em không bao giờ”.

8. Đừng dùng tối hậu thư hoặc đe dọa.

9. Đừng dùng ngôn ngữ cơ thể hoặc những dấu hiệu biểu hiện sự hoài nghi, coi thường như đảo mắt, lắc đầu, bĩu môi, cười khẩy…

10. Đừng cắt ngang lời người khác.

11. Đừng cao giọng khi nói.

12. Đừng rút lui, bỏ đi hoặc cúp máy giữa chừng.

“Vậy thì tôi phải làm gì khi gặp mâu thuẫn?” Tôi sẽ cho bạn câu trả lời trong ít phút nữa, nhưng đầu tiên, hãy nhớ mục tiêu đối đầu của bạn là giải quyết vấn đề theo cách mang lại những kết quả có ý nghĩa tức thời và lâu dài nhất. Tôi thừa nhận rằng, trong một cuộc chạm trán, thật khó có thể tránh hết tất cả những điều trên. Nhưng bạn càng tránh được nhiều bao nhiêu, kết quả càng khả quan bấy nhiêu.

Dưới đây là danh sách những việc nên làm và nếu bạn làm theo, không những nó sẽ giảm thiểu tác hại của mâu thuẫn mà quan trọng hơn, nó còn mở lối cho bạn nâng mối quan hệ của mình lên một mức độ mật thiết mới.

NHỮNG ĐIỀU “NÊN LÀM”

1. Dành thời gian để làm chủ bản thân, bình tĩnh, hạ bớt cơn giận trước khi bạn bước vào giải quyết mâu thuẫn.

2. Chuẩn bị cho cuộc đối đầu:

Xác định mục tiêu cụ thể cho cuộc đối đầu. Ví dụ, bạn chỉ muốn giải quyết một vấn đề hiện tại hay chấm dứt một kiểu hành xử? Bạn muốn thay thế một hành vi tiêu cực bằng một hành vi tích cực? Bạn muốn uốn nắn, khuyến khích hay trừng phạt?

Xác định cụ thể bạn muốn nói điều gì và nói điều đó như thế nào. Hãy viết ra giấy nếu thời gian cho phép, để bảo đảm là bạn không vướng vào những điều không nên làm trong lúc nói.

Xác định cách khởi xướng cuộc đối đầu một cách tích cực nhất. Hãy đề cập đến mục tiêu “tích cực” của bạn về cuộc đối đầu này. (Ví dụ, “Tôi thật sự muốn trở thành người bạn tốt nhất của anh” hoặc “Bởi vì mối quan hệ của chúng ta rất quan trọng đối với em, em muốn chia sẻ một vài điều mà em nghĩ là sẽ giúp mối quan hệ giữa anh và em được tốt hơn.”)

3. Tiếp cận cuộc đối đầu với tinh thần của một người muốn học hỏi, một người cũng mắc lỗi lầm và có khuyết điểm.

4. Nếu cần đưa ra lời phê bình, hãy dùng phương pháp “sandwich” sẽ được thảo luận trong những trang sau.

5. Sử dụng càng nhiều câu nói mang tính khích lệ và tích cực càng tốt, xoay quanh vấn đề trọng tâm mà bạn đang muốn trao đổi hoặc giải quyết.

6. Sẵn sàng đề nghị và chấp nhận giải pháp “từng bước một” cho vấn đề. Nói cách khác, sẵn lòng đi đến hướng giải quyết cần thời gian. Đừng đòi hỏi hai bên sẽ thống nhất, thực hiện hoặc tìm được lời giải cho vấn đề ngay sau cuộc đối đầu.

7. Hỏi xin lời khuyên về việc bạn có thể làm gì để giúp giải quyết vấn đề hoặc hạn chế vấn đề trong tương lai.

8. Nếu người đối diện tấn công bạn, đừng tự vệ hoặc trả đũa. Hãy trấn an người đó rằng bạn cũng có những khuyết điểm cần khắc phục.

9. Giữ cho cuộc đối đầu luôn đi đúng hướng. Đừng để bị chuyển sang những vấn đề ngoài lề khác với những vấn đề mà bạn dự định giải quyết. Nếu người đối diện khăng khăng muốn giải quyết những vấn đề khác, bạn luôn có thể xác nhận rằng mối quan tâm của họ là chính đáng và đề nghị liệu bạn có thể dành thời gian để giải quyết vấn đề đó sau được không.

10. Kiểm soát lời lẽ, giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của bạn. Thể hiện sự tôn trọng người đối diện ngay cả khi bất đồng ý kiến. Hãy nhớ đến câu nói khôn ngoan của Solomon, “Một câu trả lời nhẹ nhàng có thể làm tan biến sự phẫn nộ, nhưng những từ ngữ thô lỗ có thể khơi dậy sự giận dữ”. Nói cách khác, đưa ra một câu trả lời nhẹ nhàng có tác dụng xoa dịu và ngăn chặn cơn giận dữ trong khi những ngôn từ mang tính tiêu cực, gây chia rẽ, khích động sẽ châm ngòi cho những cơn giận bùng phát.

11. Cam đoan một lần nữa với người đó rằng bạn luôn coi trọng và giữ gìn mối quan hệ giữa hai người.

Yếu tố 7: Chỉ phê bình khi cần thiết và phê bình đúng cách!

Trong chương 6, tôi đã tập trung thảo luận về cách nhận và phản hồi lại những lời phê bình để biến chúng từ thù thành bạn. Vậy còn việc đưa ra những lời phê bình thì sao. Liệu có khi nào bạn nên phê bình người khác không? Chắc chắn là có. Sự phê bình, nếu được đưa ra đúng cách, có thể mang lại những lợi ích cực kỳ to lớn. Sẽ có nhiều phi công tử nạn hơn nếu họ không nhận được ý kiến phê bình từ người hướng dẫn. Sẽ có nhiều bệnh nhân qua đời hơn nếu các bác sĩ thực tập không nhận được lời phê bình từ các giáo sư y khoa. Và tất cả chúng ta sẽ gần như không thể làm được việc gì tốt nếu không nhận được những lời phê bình từ người khác.

Đó là mặt tích cực của sự phê bình. Mặt tiêu cực là hầu như không có gì trên đời có sức tàn phá và làm tổn thương người khác hoặc các mối quan hệ hơn là những lời phê bình không đúng cách. Sự phê bình có thể mang lại lợi ích tốt đẹp hoặc gây ra hậu quả tồi tệ, tùy thuộc vào cách phê bình của bạn. Trong suốt 48 năm tuổi đời, tôi đã khám phá ra hàng trăm cách phê bình sai và chỉ có duy nhất một cách phê bình đúng. Một lần nữa, tôi phải biết ơn Gary đã dạy tôi điều này, cách đây 19 năm, khi chúng tôi viết chung với nhau quyển sách đầu tiên. Từ đó, tôi đã có hàng ngàn cơ hội thử nghiệm những điều đã học và tôi có thể nói với bạn rằng lần nào tôi cũng nhận được kết quả mong muốn.

Khi được đưa ra đúng cách, sự phê bình không chỉ giúp đối tượng nhận thức được vấn đề mà còn khơi dậy mong muốn giải quyết vấn đề lâu dài. Có hai yếu tố trong việc đưa ra lời phê bình đúng cách: tinh thần chứa đựng trong những lời phê bình và phương pháp đưa ra lời phê bình. Bạn đừng bao giờ phê bình người khác khi bạn đang giận dữ. Thậm chí nếu cần, bạn phải đi ra ngoài một mình vài phút để trấn tĩnh lại, hãy làm bất cứ điều gì có thể để đưa ra lời phê bình với lời lẽ ôn hòa. Khi sự phê bình đi kèm với cơn giận dữ, người đối diện sẽ lập tức thủ thế và sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”. Trong trường hợp mâu thuẫn mang tính xây dựng, hãy đưa ra lời phê bình trên tinh thần của một người cũng có những khiếm khuyết và phạm lỗi.

PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH “SANDWICH”

Nói một cách đơn giản, phương pháp phê bình sandwich là đặt một “lát” phê bình ở giữa hai “lát” khen ngợi. Bạn bắt đầu bằng việc đưa ra lời khen cụ thể cho một điểm rất tích cực về cá nhân đó hoặc về hiệu suất làm việc của họ. Ví dụ, “Ryan à, con thật dễ thương khi hái những bông hoa đẹp mang về tặng mẹ. Điều đó khiến mẹ con cảm thấy được yêu thương và đặc biệt. Bố thích tất cả những việc làm đáng yêu đó của con, nó chứng tỏ con yêu mẹ biết nhường nào”.

Tiếp đến là sự phê bình, hãy nói về một hành động hoặc lựa chọn không tốt của người đó, chứ không phải tính cách của họ: “Dù bố mẹ rất thích những bông hoa rực rỡ này, nhưng nhà bác Smith bên cạnh đã phải khó nhọc lắm mới trồng được những bông hoa đẹp đến thế. Vì vậy hái hoa trong vườn nhà người khác là không đúng đâu. Thật ra, lấy bất cứ cái gì thuộc về người khác cũng đều không đúng cả. Con có hiểu điều bố nói không?”.

Cuối cùng, sau khi những lời phê bình đã được nói ra và hiểu rõ, đó là lúc bạn đặt “lát” cuối cùng vào miếng sandwich: “Ryan à, con hãy nhớ rằng bố mẹ rất thích con làm những việc tốt khiến người khác vui lòng. Con là cậu bé 4 tuổi chu đáo nhất mà bố từng biết. Con có nghĩ ra những việc gì khác mà con có thể làm để mẹ con cảm thấy đặc biệt không?”.

Mặc dù ví dụ trên có vẻ như đơn giản hóa quá trình này, nhưng tôi muốn dùng nó để minh họa một cách rõ ràng những điều tôi muốn nói. Ngoài ra, trong thực tế, ví dụ trên thật sự xảy ra và là một trong vài lời phê bình cá nhân mà tôi cảm thấy dễ chia sẻ với bạn nhất.

Lưu ý: Thực hiện phương pháp này một cách thận trọng

Thậm chí khi được thực hiện đúng cách, sự phê bình cũng nên được đưa ra một cách “dè sẻn”, chỉ dùng đến khi không còn biện pháp nào khác để giải quyết vấn đề. Sự phê bình bao giờ cũng nên là phương sách cuối cùng chứ không phải là phương án đầu tiên. Ngay cả phương pháp “sandwich” cũng ít hiệu quả hơn khi được sử dụng quá thường xuyên.

NHỮNG MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP CÓ THỂ LÀ THÀNH PHẦN THÚ VỊ NHẤT CỦA ĐỘNG CƠ “TINH THẦN LẠC QUAN”

Trong khi động cơ “tinh thần lạc quan” có thể vẫn chạy mà không cần tới các mối quan hệ tốt đẹp, bạn sẽ rất thiệt thòi khi bỏ qua thành phần này. Tôi đã gặp nhiều người kích hoạt động cơ này mà không tạo dựng các mối quan hệ bền vững, và bất cứ thành công nào mà họ đạt được cũng trở nên trống rỗng. Điều đáng nói là nếu họ tập trung vào thành phần quan trọng trong cỗ máy này, họ không những gia tăng được mức độ thành công của họ mà còn tận hưởng thành công đó gấp bội. Như tôi đã nói ở trên, tôi không thể cung cấp tất cả mọi thứ bạn cần về chủ đề gây dựng các mối quan hệ gói gọn trong vài trang giấy. Vì thế bạn hãy xem những gì mà tôi đề cập đến như những thông tin thú vị nhất và rõ ràng nhất về các mối quan hệ.

MỘT CHƯƠNG DÀI XỨNG ĐÁNG CÓ ĐƯỢC MỘT KẾT LUẬN NGẮN

Tinh thần lạc quan vô cùng quan trọng đối với tất cả những người mơ những ước mơ lớn và đạt được nó. Và mặc dù đây có thể là một đặc điểm bẩm sinh nhưng không phải với đa số mọi người. Vâng, bạn có thể đạt được tính cách này và bạn bắt buộc phải có nó nếu bạn muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Phát triển tinh thần lạc quan đặt bạn vào vị trí làm chủ. Tất cả những thành tựu trong lịch sử, ở bất cứ lĩnh vực nào và mức độ nào, đã chứng minh rằng tinh thần lạc quan là nguồn động lực thúc đẩy con người vươn tới những đỉnh cao. Đó chính là đặc điểm chung của tất cả những người thành công. Việc kích hoạt động cơ này hay không hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn kích hoạt, bạn sẽ tận hưởng cuộc hành trình suốt cả đời. Nếu không, bạn sẽ không bao giờ biết được bạn có thể đạt được những gì.

Bí quyết hiệu nghiệm 10:

Kích hoạt động cơ “Tinh thần lạc quan”

CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ THÁI ĐỘ CỦA BẠN

1. Viết ra những tình huống gần đây mà trong đó bạn đã phản ứng thay vì phản hồi. Miêu tả phản ứng của bạn và bất cứ hậu quả tiêu cực nào mà nó mang đến cho bạn hoặc cho người khác.

2. Nhìn vào những tình huống bạn vừa miêu tả, hãy viết ra cách mà bạn có thể phản hồi để đạt được kết quả tích cực hơn.

3. Trong hai tuần kế tiếp, hãy dành ra vài phút mỗi đêm viết lại bất cứ tình huống nào xảy ra trong ngày mà bạn đã phản ứng cùng những hậu quả không tốt từ phản ứng đó. Sau đó với mỗi tình huống này, hãy viết ra cách phản hồi tốt hơn của bạn.

4. Trong hai tuần kế tiếp, hãy dành ra vài phút mỗi đêm viết lại bất cứ tình huống nào xảy ra trong ngày mà bạn đã phản hồi cùng những kết quả tích cực mà bạn nhận được vì đã phản hồi, thay vì phản ứng.

5. Hỏi ý kiến những người ở công ty và ở nhà xem nhìn chung bạn là người lạc quan hay bi quan. Nếu họ trả lời là lạc quan, hãy nhờ họ chấm bạn theo thang điểm từ 1 đến 10 (1 là hơi lạc quan, 5 là khá lạc quan và 10 là rất lạc quan). Yêu cầu họ kể ra những việc bạn làm phản ánh thái độ tiêu cực và tích cực của bạn. Cuối cùng, hỏi xin lời khuyên của những người này về việc làm thế nào để bạn trở nên lạc quan hơn. Nhớ ghi chú lại những điều này.

6. Có nỗi đau to lớn nào mà bạn từng phải chịu đựng nay vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thái độ của bạn không (bị ngược đãi, li dị, bị đuổi việc, bị bạn bè làm tổn thương bằng hành động hoặc lời nói, tật nguyền, v.v…)?

7. “Đi tìm kho báu” trong những nỗi đau ấy. Với từng nỗi đau, hãy viết ra những nhận thức hoặc phẩm chất mà bạn gặt hái được từ những nỗi đau này.

TẠO DỰNG NHỮNG MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP HƠN

1. Bạn có thể bắt đầu biểu lộ sự tôn trọng đối với những người xung quanh như thế nào, cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân?

2. Bạn có thể bắt đầu nói hoặc làm những việc cụ thể nào để khích lệ những người mà bạn thường xuyên giao tiếp?

3. Những người đó cảm thấy an toàn và bền vững đến mức nào trong mối quan hệ giữa họ với bạn và bạn có thể làm gì để giúp họ cảm thấy an toàn hơn? (Nếu bạn gặp khó khăn trong câu hỏi này, hãy trực tiếp hỏi những người đó xem bạn có thể nói và làm hoặc không làm những điều gì để giúp họ có cảm giác an toàn hơn trong các mối quan hệ.)

4. Bạn có thể làm gì để khuyến khích người khác tự do bày tỏ ý kiến, suy nghĩ và cảm xúc của họ?

5. Hãy nhìn lại một số mâu thuẫn gần đây của bạn và so sánh cách bạn giải quyết chúng với quy luật dành cho những mâu thuẫn mang tính xây dựng.

6. Hãy nghĩ về những lần bạn phê bình một ai đó. Viết lại cách làm cụ thể của bạn nếu bạn áp dụng phương pháp “sandwich”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.