Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ
CHƯƠNG 14
ĐỘNG CƠ THỨ NĂM: “SỨC THUYẾT PHỤC MẠNH NHƯ ĐỘNG ĐẤT”
MỘT NGHỆ THUẬT MÀ AI CŨNG CÓ THỂ TINH THÔNG
Chìa khóa vạn năng mở cánh cửa ước mơ của bạn.
KINH NGHIỆM BẢN THÂN VỀ SỨC THUYẾT PHỤC MẠNH MẼ CỦA ĐỘNG ĐẤT
Tôi trở về phòng khách sạn vào lúc nửa đêm và chỉ muốn đi ngủ ngay lập tức. Tôi đã đạo diễn chương trình quảng cáo ở Malibu từ 6 giờ sáng và hôm sau sẽ phải làm việc tiếp vào lúc 7 giờ sáng. Phòng của tôi nằm ở tầng 19 trên cùng của khách sạn West L.A. Khi tắt đèn đi ngủ, tôi nhận ra lúc đó vừa quá nửa đêm. Tôi nghĩ, “Mình được ngủ ngon khoảng 6 tiếng trước khi đồng hồ báo thức reng” rồi chìm vào giấc ngủ. Có vẻ như tôi mới chỉ thiếp đi được vài phút thì bất thình lình tôi có cảm giác như ai đó đang cố đánh thức tôi dậy bằng cách làm rung chuyển chiếc giường tôi đang nằm. Khi giật mình mở mắt ra, tôi thấy căn phòng lắc lư dữ dội. Đồng hồ chỉ 2h22’ sáng.
Tôi cố nhảy ra khỏi giường nhưng ngay lập tức bị ngã lăn ra giường. Tôi cố ngồi dậy hai lần nữa và lần nào cũng bị quật ngã xuống giường. Căn phòng giống như đang chơi trò “xích đu” vậy. Lúc ấy tôi thầm nghĩ, “Động đất lớn rồi, mình sẽ bị chôn vùi trong đống đổ nát của 19 tầng lầu”. Đó là lần duy nhất trong đời tôi thật sự tin rằng mình sẽ chết. Tòa nhà vẫn tiếp tục đong đưa trong vòng hai phút nữa.
Cuối cùng cơn chấn động ngừng lại, và trước sự kinh ngạc của tôi, tòa nhà vẫn chưa đổ sập. Tôi lập tức nhảy xuống giường, thay quần áo nhanh như không bao giờ nhanh hơn được và lao ra cửa. Khi tôi mở cửa, tất cả cửa phòng khác trên lầu 19 cùng đồng loạt mở ra. Cứ như thể trong một cảnh quay ở Hollywood, chúng tôi là những diễn viên vừa được đạo diễn chỉ đạo mở cửa vậy. Chúng tôi cùng chạy ra chen chúc vào thang máy để đi xuống. Ở tiền sảnh còn có khoảng hai trăm người khác đang đứng lố nhố. Người quản lý khách sạn nói với chúng tôi rằng tòa nhà được xây trên giá đỡ Teflon và có thể lắc lư an toàn trong 5 phút nữa. Tôi không biết là người quản lý đang nói thật hay ông ta chỉ nói thế để trấn an chúng tôi. Đó thật sự là hai phút kinh khủng nhất đời tôi.
Trong khi suy nghĩ để viết về chương này, tôi cố tìm ra một người được phần lớn nước Mỹ công nhận rằng có sức thuyết phục nhất. Rồi tôi nhận ra rằng, không ai có sức thuyết phục như một trận động đất. Nghĩ về trận động đất kinh hoàng mà tôi vừa kể, cùng khoảng nửa tá trận khác mà tôi đã trải qua sau đêm đó, tôi nhận ra rằng một trận động đất không chỉ có sức thuyết phục hơn bất cứ diễn giả nào mà tôi từng nghe, nó còn minh họa được tất cả những yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật thuyết phục.
NẾU BẠN CÓ CHỒNG HOẶC VỢ, ÔNG CHỦ HOẶC KHÁCH HÀNG, BẠN BÈ HOẶC CON CÁI, BẠN CẦN HỌC NGHỆ THUẬT THUYẾT PHỤC.
Mỗi khi nói chuyện trước đám đông về động cơ này trong số bảy động cơ tên lửa khổng lồ, tôi thường nhận được nhiều cái nhìn nghi hoặc. Ai nấy đều dường như muốn hỏi, “Tại sao điều này lại quan trọng đối với tôi?”. Phải, nếu bạn có chồng hoặc bạn trai, chẳng phải bạn thường có ý nghĩ, “Anh ấy không hiểu mình,” “Tại sao anh ấy không nghe ra nhỉ?” hoặc “Giá như anh ấy hiểu được cảm xúc của mình”. Việc trở thành một người giao tiếp hiệu quả và thuyết phục có thể giải quyết được vấn đề “hiểu” và “cảm” này bất cứ lúc nào. Nếu bạn là một người chồng muốn được vợ mình hiểu và ủng hộ (mà không bị hiểu lầm là một người độc đoán và vô tâm), bạn cũng cần học nghệ thuật thuyết phục.
Nếu bạn là một người mẹ có đứa con gái trong độ tuổi mới lớn và bạn muốn con mình làm những việc “đúng đắn” mà không cần phải ra lệnh, ép buộc hay lôi kéo, nghệ thuật thuyết phục sẽ là đồng minh tuyệt vời nhất của bạn. Nếu bạn có đứa con trai 8 tuổi thích chơi game hơn là làm bài tập về nhà, vì lợi ích của con, bạn cần nắm được nghệ thuật thuyết phục. Nếu bạn muốn thành đạt nơi công sở, được tăng lương và thăng chức, bạn cần có khả năng thuyết phục người khác. Nếu bạn muốn sếp, đồng nghiệp hoặc nhân viên tôn trọng, nể phục và lắng nghe ý kiến, đề xuất hoặc chỉ đạo của bạn thì thuyết phục chính là chiếc chìa khóa bạn cần sở hữu. Khi bạn học được ý nghĩa thật sự của việc thuyết phục, bạn sẽ khám phá ra rằng đây là một nghệ thuật mà bạn có thể sử dụng để đạt được nhiều thành quả hơn bạn có thể tưởng tượng.
ĐÂU LÀ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THUYẾT PHỤC VÀ LÔI KÉO?
Đa số mọi người khi nghe đến từ “thuyết phục” thì cho rằng từ đó đồng nghĩa với việc lôi kéo. Thật ra giữa hai từ này có một sự khác biệt lớn. Trong thực tế, tôi căm ghét sự lôi kéo. Có thể từ điển Webster sẽ không đồng tình với tôi đâu, nhưng đây là cách tôi phân biệt hai khái niệm này: lôi kéo là dùng bất cứ phương tiện cần thiết nào để thúc đẩy hoặc bắt buộc một người làm một việc gì đó để thỏa mãn mong muốn hoặc nhu cầu của bạn, bất chấp điều này có mang lại lợi ích cho người đó hay không.
Như vậy, trọng tâm của việc lôi kéo là mong muốn hoặc lợi ích của người lôi kéo chứ không phải là lợi ích của người bị lôi kéo.
Thuyết phục là nghệ thuật dẫn dắt suy nghĩ của một người đi từ chỗ thiếu thông tin, thông tin sai lệch hoặc hiểu nhầm đến chỗ có đầy đủ thông tin và hiểu biết để đưa ra một lựa chọn hợp lý vì lợi ích của người được thuyết phục.
Về bản chất, thuyết phục là giúp người khác hiểu được những điều bạn đang nói, cảm nhận được những gì bạn đang cảm nhận, và cuối cùng có động lực để làm những việc mà bạn thật sự tin là đem lại lợi ích cao nhất cho người đó.
Giả sử tôi là một nhân viên môi giới bất động sản và tôi cố thuyết phục một cặp vợ chồng trẻ mua một căn nhà mà họ không đủ tiền mua, thế nghĩa là tôi đang lôi kéo họ. Mặt khác, nếu tôi tìm được một căn nhà có tất cả những điều kiện mà họ mong muốn với cái giá mà họ có thể dễ dàng trả được. Tôi cũng biết rằng đây là căn nhà tốt nhất trong vùng mà họ có tìm cả năm cũng không ra. Sau đó tôi cung cấp thông tin chính xác một cách đúng đắn, giúp họ hiểu được đây là căn nhà tốt nhất đối với họ và tại sao họ có lợi khi mua căn nhà này, thế nghĩa là tôi đang thực hiện nghệ thuật thuyết phục. Thuyết phục thật sự không phải là một từ xấu, nó là một nghệ thuật giúp bạn đạt được những điều tốt đẹp cùng người khác và cho người khác.
Nếu bạn thường thất bại trong việc thuyết phục người khác thì đấy không phải là vì bạn không có những ý kiến hay mà chỉ đơn giản là do bạn thiếu kỹ năng thuyết phục. Bạn có thể có những ý tưởng tuyệt vời hoặc sản phẩm tốt nhất thế giới, nhưng nếu bạn không biết cách truyền đạt giá trị của nó đến cho người khác thì cũng vô ích.
Clara Barton, Thomas Edison, Orville Wright và Tiến sĩ Jonas Salk không phải là những người bán hàng, nhưng nếu họ không học được nghệ thuật thuyết phục thì những ước mơ của họ sẽ không bao giờ thành hiện thực – và thế giới mà chúng ta đang sống sẽ khác đi rất nhiều. Nếu Barton không thuyết phục được cấp trên vào năm 1862 cho phép bà ra tiền tuyến chăm sóc những người lính bị thương của cả hai bên chiến tuyến, sẽ không có Hội chữ thập đỏ ngày nay và hàng triệu người, đàn ông cũng như đàn bà sẽ phải chết trên chiến trường. Nếu Wright không khiến các quan chức chính phủ tin rằng những cỗ máy lớn biết bay không phải là chuyện cổ tích hoang đường, có lẽ bạn và tôi vẫn đang phải di chuyển bằng xe lửa, xe buýt hoặc tàu thuyền trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần liền để đến được những nơi xa xôi. Nếu Salk không nắm được nghệ thuật thuyết phục tuyệt đỉnh thì nhân loại sẽ chứng kiến hàng triệu người già trẻ lớn bé phải gánh chịu và chết vì căn bệnh sốt bại liệt, căn bệnh “nan y” thời ấy mà ông đã tìm ra cách chữa trị.
NGHỆ THUẬT THUYẾT PHỤC: CHIẾC CHÌA KHÓA VẠN NĂNG!
Tạ ơn trời đất là những người kể trên đã học được nghệ thuật thuyết phục. Hầu hết những thứ mà bạn hiển nhiên có được ngày nay sẽ không tồn tại nếu những người tiên phong không biết cách thuyết phục ông chủ, đồng nghiệp, nhà băng, các nhà đầu tư và các cấp chính quyền tạo điều kiện cho họ thực hiện những ý tưởng sáng tạo. Cùng lúc đó, hãy hình dung tất cả những điều tốt đẹp mà các cá nhân, gia đình, ngay cả chính phủ và xã hội, sẽ bỏ lỡ vì những người khác không cảm thấy bị thuyết phục. Bao nhiêu cuộc hôn nhân sẽ được cứu vãn nếu một người thuyết phục được vợ/chồng mình đi gặp các nhà tư vấn? Bao nhiêu học sinh và sinh viên đã bỏ học giữa chừng bởi vì không ai có thể thuyết phục họ rằng việc học mang lại lợi ích tốt nhất cho họ? Bao nhiêu doanh nghiệp gặp khó khăn đã phải thất bại vì ngân hàng hoặc các nhà đầu tư không được thuyết phục là nên đầu tư? Bao nhiêu căn bệnh vẫn “không thể chữa được” vì các nhà khoa học và bác sĩ không thể thuyết phục được cấp quản lý cho phép họ thử nghiệm cách điều trị mới hoặc loại thuốc mới? Phải, lợi ích của sự thuyết phục hiện diện khắp mọi nơi. Điều bạn không thấy là hàng triệu cơ hội đã bị lãng phí bởi vì hầu hết mọi người đều là những người không biết cách thuyết phục hiệu quả.
Như vậy thì việc học nghệ thuật thuyết phục có quan trọng không? Nó tuyệt đối quan trọng với bất cứ ai muốn đạt được ước mơ của mình và giúp người khác đạt được ước mơ của họ. Nghệ thuật thuyết phục là chìa khóa mở cánh cửa dẫn đến trái tim và tâm trí của người khác, giúp bạn tác động tích cực lâu dài đến cuộc đời họ.
BẠN ĐÃ TỪNG XÔNG VÀO NHÀ MỘT NGƯỜI LẠ VÀ BÁN CHO CHỦ NHÀ MỘT MÓN GÌ ĐÓ TRONG VÒNG CHƯA ĐẦY HAI PHÚT CHƯA?
Trước khi đi sâu vào những nguyên tắc và kỹ thuật thuyết phục, tôi muốn chia sẻ với bạn lý do tại sao nghệ thuật thuyết phục lại đóng vai trò quan trọng đến thế trong thành công của cá nhân tôi. Khi nhận được lời mời thành lập một công ty tiếp thị qua truyền hình cùng với đối tác của tôi, tôi đã mất 9 công việc trong sáu năm đầu sau khi tốt nghiệp đại học. Lúc ấy, tôi 28 tuổi đời và hoàn toàn khánh kiệt. Tôi đã cùng vợ và hai con chuyển đến một nơi xa nhà hơn 3000 cây số để làm lại từ đầu. Tôi thật sự tin rằng nếu tôi thất bại lần này nữa, thì sốtôi là số nghèo khổ suốt đời. Cộng sự của tôi chỉ có khả năng góp 5000 đô vào công ty, và tôi chỉ có một cơ hội duy nhất để hành động. Nếu lần ra quân này thất bại, điều đó có nghĩa là doanh nghiệp của chúng tôi sẽ bị xóa sổ cũng nhanh như khi nó được thành lập. Chúng tôi đã xác định được sản phẩm mà mình muốn tung ra thị trường và đã ký kết với người phát ngôn thương mại. Bây giờ đến giai đoạn thử thách.
Sản phẩm của chúng tôi sẽ không được bày bán trong bất cứ cửa hiệu nào ở Mỹ. Khách hàng chỉ có một cách duy nhất để mua sản phẩm là xem chương trình quảng cáo trên truyền hình dài hai phút của chúng tôi, ghi nhớ số điện thoại liên hệ trong 20 giây cuối cùng, gọi điện thoại và đặt hàng. Nghe có vẻ dễ dàng ư? Hãy hình dung mọi việc như thế này: bạn đang ngồi trong phòng khách xem một chương trình truyền hình mà bạn ưa thích. Chương trình bị ngắt quãng giữa chừng để nhường chỗ cho tiết mục quảng cáo. Bạn có bảo mọi người trong phòng giữ yên lặng để bạn tập trung nghe quảng cáo không? Tất nhiên là không. Bạn sẽ bấm nút điều khiển từ xa để tắt tiếng hay vặn nhỏ tiếng hay chuyển sang kênh khác hay đứng dậy làm một việc gì đó trong vòng hai phút, trước khi chương trình bạn đang xem phát sóng trở lại. Đó là cách mà đa số mọi người phản ứng với những đoạn quảng cáo truyền hình.
Vậy mà tương lai của tôi hoàn toàn phụ thuộc vào việc ”xông” vào phòng khách nhà bạn, nhanh chóng thuyết phục bạn ngồi yên nghe tôi nói. Tôi phải giới thiệu sản phẩm của mình, đưa ra những lợi ích của nó, nói cho bạn biết sản phẩm này tốt hơn và khác với những sản phẩm bày bán trong cửa hàng như thế nào, trả lời tất cả những phản bác của bạn về sản phẩm, khiến bạn tin rằng việc sở hữu sản phẩm này sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho bạn rồi động viên bạn ghi nhớ số điện thoại của chúng tôi, nhấc điện thoại lên, kiên nhẫn chờ trong lúc máy bận và đặt mua sản phẩm. Tôi phải làm tất cả những việc đó chỉ trong vòng hai phút.
Xem ra rất khó khăn phải không? Đúng thế. Tuy vậy tôi đã tìm được cách làm và có hơn một triệu người đã đặt mua sản phẩm của chúng tôi, mang lại khoảng 20 triệu đô doanh thu. Từ đó, cứ ba tháng một lần, tôi phải tìm sản phẩm mới, tạo ra những chương trình quảng cáo hấp dẫn mới trong suốt 12 năm. Tổng cộng tôi đã viết và tạo ra 800 chương trình quảng cáo dài 2 phút dẫn đến 20 triệu cuộc gọi. Sau đó, khoảng 8 năm trước, chúng tôi bắt đầu sử dụng chương trình quảng cáo 30 phút để bán sản phẩm của mình. Sau khi bỏ ra 12 năm cố gắng thuyết phục thiên hạ trong vòng hai phút, 30 phút đối với chúng tôi dài như vô tận. Hiện tại, chúng tôi đã bán được hơn một tỉ đô giá trị sản phẩm bằng những kỹ thuật thuyết phục mà tôi đã học hỏi và thành thạo.
Tuy nhiên, điều khiến tôi phấn khởi là việc chứng kiến những kỹ thuật thuyết phục này phát huy tác dụng trong tất cả những lĩnh vực khác trong cuộc sống của tôi. Tôi có sáu đứa con: một cô con gái 25 tuổi, 5 cậu con trai tuổi 21, 16, 9, 4 và 2. Tôi phát hiện ra rằng các kỹ thuật này có hiệu quả trong việc giao tiếp với tất cả những đứa con của tôi, từ tuổi mẫu giáo đến tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành. Chúng còn có tác dụng đối với vợ tôi và ngược lại, cô ấy cũng sử dụng những kỹ thuật này đối với tôi. Bởi vì những kỹ thuật này không phải là sự lôi kéo nên tôi không hề cảm thấy khó chịu khi người khác dùng chúng để thuyết phục tôi. Những kỹ thuật này cũng tỏ ra hữu hiệu với chủ nhà băng, bạn bè, nhân viên, cộng sự, các đại diện tại Hollywood, những nhân vật tầm cỡ, những nhà quản lý và thậm chí với cả các luật sư của tôi. Ngoài các chiến dịch truyền hình, tôi cũng mang những kỹ thuật thuyết phục này vào quảng cáo tạp chí, nhật báo và catalog. Tôi thậm chí thấy cả công hiệu của chúng đối với những khách hàng khó tính.
Vậy thì nếu những kỹ thuật này có thể thuyết phục hơn 20 triệu khách hàng phản hồi lại chỉ sau 2 phút giao tiếp, nếu chúng có hiệu quả với những đứa trẻ hai tuổi, những cô cậu tuổi teen, những bà vợ, ngân hàng và luật sư… thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng để thành công.
BẠN KHÔNG THỂ XÂY MỘT NGÔI NHÀ KIÊN CỐ MÀ KHÔNG CÓ NỀN MÓNG VỮNG CHẮC
Nguyên tắc đầu tiên của việc thuyết phục: Sự tôn trọng
Trong vòng vài phút nữa bạn sẽ được học những kỹ thuật hiệu quả phi thường mà khi được sử dụng đúng cách, chúng sẽ giúp bạn có khả năng thuyết phục người khác hơn bao giờ hết. Tuy vậy, những kỹ thuật này cũng chỉ tỏ ra hữu hiệu một hoặc hai lần với bất kỳ ai nếu bạn không xây một nền móng vững chắc trước. Ngược lại, khi có nền móng vững chắc, chúng sẽ mang lại hiệu quả hết lần này đến lần khác. Nền tảng của sự thuyết phục chính là việc tôn trọng người mà bạn muốn thuyết phục.
Sự tôn trọng có thể được truyền tải bằng nhiều cách. Đầu tiên, bạn phải tôn trọng thời gian của người đó. Thay vì đòi hỏi cơ hội nói chuyện với họ ngay lập tức, hãy sắp xếp cuộc hẹn vào lúc thuận tiện cho họ hoặc ít nhất cũng tỏ ra tế nhị về thời điểm giao tiếp. Nếu ông xã bạn đang phải tập trung vào một việc gì đó quan trọng đối với anh ấy, thì việc bạn yêu cầu anh ấy phải nói chuyện với bạn ngay lập tức có ý nói là bản thân anh ấy và hoạt động của anh ấy không quan trọng bằng bạn và mong muốn của bạn. Nhiều người có khuynh hướng tôn trọng thời gian và sự quan tâm của những người có thẩm quyền hơn là những người không có quyền lực. Họ cũng có khuynh hướng ít coi trọng những thành viên trong gia đình nhất, bởi vì họ nghĩ mình có quyền “chen ngang” vào bất cứ việc gì mà người kia đang làm và cho rằng người đó sẽ gác mọi việc sang một bên để tập trung vào những gì họ muốn nói. Thái độ thiếu tôn trọng và bất lịch sự này đặt nền tảng cho việc tranh luận và cơn giận dữ, chứ không phải cho việc giao tiếp hiệu quả và thuyết phục. Nếu bạn được yêu cầu quay lại vào một dịp khác, hãy chứng tỏ bạn tôn trọng họ, ý kiến, hoạt động và nhu cầu của họ bằng cách sẵn sàng sắp xếp vào thời điểm thích hợp với họ, trừ khi thật sự khẩn cấp. Việc làm này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng bạn xem thời gian của họ cũng quan trọng như của bạn vậy.
Ngoài việc tôn trọng thời gian và hoạt động của người khác thì việc sử dụng lời lẽ và những yếu tố phi ngôn ngữ như giọng nói, nét mặt và ngôn ngữ cơ thể của bạn cũng nói lên việc bạn có tôn trọng đối tượng được thuyết phục hay không.
Tôi chỉ cần dành ra 10 phút quan sát việc giao tiếp phi ngôn ngữ của một cặp vợ chồng là có thể nói cho bạn biết mối quan hệ của họ tốt đến mức nào. Thông thường, các cặp vợ chồng tỏ thái độ thiếu tôn trọng người bạn đời của mình. Việc đảo mắt, lắc đầu, nhìn lảng đi chỗ khác, thờ ơ, nhìn đồng hồ hoặc cắt lời… là một trong muôn nghìn cách bạn nói với người đối diện rằng, “Cả anh lẫn những gì anh đang nói không hề quan trọng đối với tôi”. Khi người khác tin rằng bản thân họ, ý kiến, cảm xúc và nhu cầu của họ không quan trọng đối với bạn thì bạn chẳng có cơ sở nào để thuyết phục họ. Bạn cũng sẽ phát ra thông điệp thiếu tôn trọng người khác bằng cách nói mỉa mai, trịch thượng hoặc sai bảo, thay vì yêu cầu, họ làm một việc gì đó. Thiếu đi nền tảng của sự tôn trọng, bạn có thể thành công trong việc lôi kéo chồng/vợ, con cái hay nhân viên của mình làm những việc bạn muốn, nhưng họ sẽ chỉ làm cho có mà thôi.
Ngược lại, bạn có thể biểu hiện sự tôn trọng người mà bạn đang giao tiếp bằng cách nhìn vào mắt họ, tập trung lắng nghe họ nói, đặt ra câu hỏi và lặp lại những gì mà bạn nghe được, v.v… Nếu bạn thật sự tôn trọng người mà bạn mong muốn giao tiếp hiệu quả, họ sẽ bắt đầu tin tưởng bạn và những ý kiến của bạn, như vậy có nghĩa là bạn đã đặt nền móng vững chắc cho một mối quan hệ tốt đẹp lâu dài.
Nguyên tắc thứ hai của việc thuyết phục: Hiểu được thế giới quan của người khác
Có biết bao nhiêu người phụ nữ đã từng băn khoăn tự hỏi, “Tại sao anh ấy lại không thể hiểu ra điều đó?”. Họ không hiểu tại sao những người đàn ông trong đời mình lại không hiểu được những gì họ nói hoặc cảm nhận; hoặc tại sao những người đàn ông này đơn giản là không thể thực hiện những gì được yêu cầu. Một lý do khiến cánh đàn ông không thật sự hiểu những gì phụ nữ nói và cảm nhận là vì cả hai phía đều giao tiếp kém hiệu quả. Tôi sẽ thảo luận về vấn đề này sau. Nhưng lý do chính khiến đàn ông “không hiểu” phụ nữ cũng chính là lý do khiến phụ nữ không hiểu tại sao đàn ông không thể hiểu mình. Nói một cách cụ thể, cả hai phía đều không có khả năng bẩm sinh hiểu được thế giới quan của người kia. Và vấn đề này không chỉ dừng lại ở giới tính, mà còn ở bốn loại tính cách chính.
Ví dụ, người có tính cách Sư tử bước vào cuộc họp với một mục tiêu: làm sao cho cuộc họp đạt hiệu quả cao nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Rái cá bước vào cuộc họp để trò chuyện với những người sôi nổi và thú vị. Người mang tính cách của loài chó Golden Retriever hy vọng cuộc họp diễn ra suôn sẻ không có bất đồng hoặc tổn thương, còn Hải ly thì cầm sẵn giấy bút để ghi chép thông tin chính xác.
Điều gì sẽ xảy ra? Sư tử nhanh nhẹn nắm lấy quyền kiểm soát và bắt đầu chuyển từ vấn đề này sang vấn đề kia nhanh như xiếc. Rái cá bất bình vì không thể đưa ra tất cả ý kiến của mình. Chó Golden Retriever thông cảm với Rái cá và cho rằng Sư tử quá độc đoán. Còn Hải ly muốn mọi người trật tự và nói chậm lại vì cậu ta không thể ghi chép kịp. Sư tử cảm thấy tức giận, nó không hiểu tại sao Rái cá cứ phải đóng góp ý kiến vào mỗi luận điểm đưa ra. Vậy thì ai đúng, ai sai? “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, người bạn cho là đúng chắc hẳn là người có cùng tính cách với bạn, bởi vì bạn hiểu và đồng ý với quan điểm của họ và bởi vì bạn không hiểu thế giới quan của những người khác với bạn.
Nhưng vấn đề thế giới quan không chỉ là về giới tính và tính cách. Cũng giống như việc ai cũng có dấu vân tay riêng, mỗi người đều có những nét tính cách độc nhất. Kể cả khi bạn rơi vào một hay hai loại tính cách lớn, thì trong loại tính cách đó, không ai có cách suy nghĩ, cảm nhận và nói năng giống y như bạn được. Vậy thì việc hiểu thế giới quan của đối tượng giao tiếp là cực kỳ quan trọng trong việc giao tiếp hiệu quả và thuyết phục.
“Khoan đã”, bạn nói, “sao tôi có thể hiểu được thế giới quan của người khác khi tôi không phải là họ?”. Có hai việc mà bạn có thể làm để hiểu được 80% và việc thứ ba để hiểu được 15% tiếp theo. Bạn sẽ không bao giờ hiểu được thế giới quan của người khác 100% nhưng 80% cũng giúp bạn rất nhiều rồi. Đầu tiên, bạn cần biết về những điểm khác biệt cơ bản về tâm lý và cảm xúc giữa đàn ông và đàn bà. Tại sao một người đàn ông phải lái xe liên tục hơn 600 cây số không dừng lại, kể cả khi vợ con anh ta đang chịu đói? Tại sao các bà các cô đi mua sắm, lọt giữa một rừng quần áo đẹp vẫn không thể chọn cho mình được một cái? Quyển sách hay nhất mà tôi được đọc về chủ đề này là quyển “Để tình yêu kéo dài mãi mãi” (Making Love Last Forever) của Gary Smalley.
Việc thứ hai mà bạn cần làm là tìm hiểu về bốn loại tính cách cơ bản. (Gary có một quyển sách rất hay khác tựa đề “Hai mặt của tình yêu” (The Two Sides of Love) cũng nói về chủ đề này.) Hiểu được sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà và cách xác định bốn loại tính cách sẽ giúp bạn biết được 80% thế giới quan của người khác. Bạn chỉ có thể hiểu được 15% kế tiếp bằng một cách duy nhất: đặt câu hỏi. Hãy để cho người khác dẫn dắt bạn đến với thế giới quan của họ về chủ đề mà bạn đang thảo luận với họ. Hãy hỏi xem họ nghĩ gì về vấn đề đó và tại sao họ lại nghĩ như vậy.
Điều quan trọng nhất là bạn không được cắt ngang câu trả lời của họ, không được tấn công, chỉ trích hoặc xem thường ý kiến cũng như cảm xúc của họ bằng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ. Nếu bạn làm thế, họ sẽ rút lui khỏi cuộc nói chuyện cả về mặt tinh thần lẫn cảm xúc và dựng lên một bức tường phòng thủ mà bạn không thể nào vượt qua. Nên nhớ, khi bạn cố gắng tìm hiểu thế giới quan của người khác, mục đích của bạn không phải là thay đổi suy nghĩ của họ hay tranh luận với họ. Thậm chí cũng không phải là làm sáng tỏ vấn đề với họ nữa. Điều này có thể được thực hiện sau, nhưng trước tiên bạn phải hiểu được thế giới quan và quan điểm của họ càng nhiều càng tốt.
Một lần tôi ngồi sau một cặp vợ chồng mới cưới trên chuyến bay đi Florida. Khi máy bay lăn bánh ra đường băng, cô vợ trẻ bắt đầu khóc thút thít. Tôi nghe người chồng mới cưới nói, “Thôi nào, em yêu, sao em lại sợ đi máy bay đến vậy?”. Cô vợ nghẹn ngào trả lời, “Em chỉ sợ… nếu máy bay rớt, em biết chúng ta…”. Cô thậm chí còn chưa nói hết câu thì người chồng đã hùng hổ cắt ngang, “Thôi đi… chỉ được cái nói vớ vẩn. Không có chuyện máy bay rớt đâu. Ở đây chúng ta còn an toàn hơn là khi đi trên đường cao tốc cách đây một tiếng nữa. Em không việc gì phải lo sợ hết”.
Tôi thấy cô vợ lập tức né người sang một bên. Cô vẫn tiếp tục khóc, và khi máy bay bắt đầu tăng tốc, cô khóc nức nở không thể nào kiềm chế được. Người chồng không những không thuyết phục được vợ mà còn tỏ thái độ không tôn trọng vợ khi thô bạo cắt ngang lời cô. Bằng việc coi thường và chỉ trích cảm xúc của vợ, anh đã khiến cô từ bỏ ý định giúp anh hiểu về thế giới quan của mình. Lần sau khi anh đề nghị cô chia sẻ những suy nghĩ của cô về một vấn đề gì đó, tôi tin rằng cô sẽ ngần ngại vì sợ kiểu phản ứng như trước của chồng. Họ đang đi hưởng tuần trăng mật mà anh chồng đã thiết lập một kiểu giao tiếp có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ vợ chồng sau này.
Ngược lại, nếu người chồng để cho người vợ bày tỏ nỗi sợ hãi của mình về việc đi máy bay mà không cắt ngang, chỉ trích hoặc giễu cợt, cô sẽ cảm thấy mình được chồng hiểu và tôn trọng, và như vậy thay vì né sang một bên, cô có thể sẽ nép vào gần chồng hơn. Quan trọng hơn, lần sau khi anh muốn hiểu thế giới quan của vợ trong những vấn đề khác, cô sẽ cảm thấy an toàn và thoải mái chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc thật của mình.
Một trong những vấn đề lớn nhất của các gia đình là việc giao tiếp thiếu hiệu quả giữa cha mẹ và con cái thuộc bất cứ lứa tuổi nào. Trẻ con học được từ rất sớm rằng, nếu chúng nói điều gì ngu ngốc hoặc khiến cha mẹ không vừa lòng là chúng sẽ bị xem thường, chỉ trích, thậm chí chế giễu. Chúng phát hiện ra rằng sẽ an toàn hơn nhiều nếu chỉ nói những điều cha mẹ muốn nghe, cho dù điều đó có đúng hay không. Hoặc chúng chỉ đơn giản không nói gì hết. Bạn sẽ không thể dạy con cái trở nên khôn ngoan, nếu bạn không tôn trọng ý kiến, cảm xúc của chúng và không hiểu thế giới quan của chúng. Kể cả khi ý kiến và cảm nhận của con cái hoàn toàn sai, bạn cần phải hiểu chúng trước khi thay đổi chúng bằng cách thuyết phục hiệu quả. Vì thế hãy học cách lắng nghe và đừng đảo mắt hoặc lắc đầu khi có ai đó nói với bạn về suy nghĩ và cảm xúc của họ.
“TẤT CẢ MỌI TỪ NGỮ ĐỀU ĐÚNG KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ CẢ THÔNG ĐIỆP ĐỀU ĐÚNG”!
Nguyên tắc thứ ba của việc thuyết phục: Bạn phải là người giỏi giao tiếp trước khi là người giỏi thuyết phục!
Một lần Gary Smalley dùng bữa tối với một vị mục sư về hưu cùng với vợ ông ta, cả hai đều trong độ tuổi 80. Vị mục sư kể với Gary rằng, một hôm khi ông mới làm mục sư, vợ chồng ông ra khỏi nhà thờ vào sáng Chủ nhật và phát hiện chiếc xe hơi hiệu Ford Model T của ông không thể nổ máy. Ông bèn nhờ vợ hỏi mượn chiếc xe của bố vợ để đẩy chiếc xe này. Biết vợ mình chưa bao giờ “đẩy xe”, ông chỉ cho bà cách làm “Điều quan trọng là em phải tăng tốc độ lên khoảng 50 cây số một giờ, nếu không bình ắc quy trên xe anh sẽ không đủ mạnh để khởi động máy”, ông nói. “50 cây số một giờ ư?”, vợ ông hỏi lại. “50”, ông trả lời giọng chắc nịch.
Khi bà vợ đi tới chiếc xe hơi của bố thì vị mục sư đánh rơi vài đồng xu dưới ghế ngồi, ông cúi xuống tìm đồng xu. Vài giây sau, ông nhìn vào kính chiếu hậu và kinh hoàng khi thấy vợ mình lái xe của bố vợ từ phía bên kia bãi đậu xe, nhắm thẳng vào xe của ông và nhấn bàn đạp. Chiếc xe của bà chạy với tốc độ 50 cây số/giờ đâm vào xe ông, hất ông ngã văng lên bãi cỏ trước nhà thờ. Bà vợ nhảy ra khỏi xe chạy về phía chồng. “Em làm cái quái gì vậy?” ông la lên. “Em cũng nghĩ có gì không ổn rồi”, bà đáp. Trong lúc hoảng sợ, bà tiếp tục, “Em cảm thấy kỳ lạ, nhưng anh bảo em chạy với tốc độ 50 cây số/giờ, thậm chí khi em hỏi lại, anh vẫn khẳng định 50 cây số/ giờ… và đó chính là những gì em làm”.
Câu chuyện này rất khôi hài nhưng nó cũng chỉ ra một điểm rất quan trọng: việc giao tiếp hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc nói hoặc viết những từ ngữ đúng. Hãy nhớ lại những lần một ai đó làm một việc gì đó khiến bạn ngạc nhiên và khi bạn hỏi lại tại sao họ làm thế thì họ trả lời, “Nhưng anh/chị nói là…”. Hoặc nhiều lần bạn nói với người không làm theo cách mà bạn chỉ dẫn rằng, “Nhưng tôi đã nói anh làm thế này kia mà!”. Trong cả hai trường hợp và vô số những lần khác, bạn đã nói rất rõ, nhưng đối tượng tiếp nhận không hiểu đúng ý nghĩa trong câu nói của bạn. Có phải thế nghĩa là họ không lắng nghe hoặc họ lười biếng hoặc thiếu tôn trọng bạn không? Không phải, họ chỉ không hiểu mà thôi. Không có chuyện cố tình làm sai hay thiếu tôn trọng gì cả. Vậy mà những lần hiểu lầm như vậy thường khiến người ta thất vọng, thậm chí dẫn đến tranh cãi hoặc mâu thuẫn nặng nề. Trong những cuộc họp, tôi thường chứng kiến cảnh các ông hét vào mặt nhau những câu như thế này, “Anh bảo tôi làm như thế”, “Anh điên à… tại sao tôi lại nói như vậy chứ… tôi không bao giờ nói như thế” và vân vân.
Những hiểu lầm trong giao tiếp bằng văn bản còn nhiều gấp 10 lần những hiểu lầm trong giao tiếp bằng lời nói. Trong giao tiếp bằng lời nói, một số hiểu lầm có thể tránh được nhờ giao tiếp phi ngôn ngữ như nét mặt, cử chỉ, giọng nói – khiến đối tượng giao tiếp hiểu rõ hơn những điều bạn nói. Trong giao tiếp bằng văn bản, thông điệp của bạn không nhận được những sự hỗ trợ ấy.
TRỌNG TÂM CỦA VIỆC GIAO TIẾP THUYẾT PHỤC VÀ HIỆU QUẢ
Hầu hết mọi người thỉnh thoảng giao tiếp rất tệ, những lần còn lại thì giao tiếp kém hiệu quả. Đó là vì việc giao tiếp hiệu quả bao gồm hai yếu tố: hiểu và cảm. Bạn giao tiếp hiệu quả với một người chỉ khi họ: (1) hiểu được những điều bạn nói; và (2) cảm nhận được những gì bạn cảm nhận. Yếu tố thứ hai là nơi mà hầu hết các cuộc giao tiếp thất bại hoặc không đạt được mục đích. Mới hôm nay trong cuộc họp với các đối tác của mình, tôi kể cho họ nghe một câu chuyện xảy ra 7 năm về trước đã làm tôi “tổn thương”. Khi một người khác bước vào phòng và ngồi xuống, anh bạn tôi là John nãy giờ ngồi nghe từ đầu đến cuối quay sang nói với người đó, “Steven vừa kể cho chúng tôi nghe một chuyện xảy ra cách đây mấy năm trước làm anh ấy tức giận”.
Tôi ngạc nhiên khi thấy John dùng từ “tức giận”. Tôi đã nói rõ rằng tôi cảm thấy bị “tổn thương”, chẳng có một câu một chữ nào nói đến chuyện giận dữ cả. Tôi nhanh chóng đính chính lại sự hiểu lầm này và trấn an John cũng như những đối tác khác là tôi không hề giận dữ chút nào. Mặc dù tôi đã dùng đúng từ (tổn thương) nhưng John lại hiểu sai cảm nhận của tôi. Đó là lỗi của John ư? Hoàn toàn không phải. Anh ta chỉ hiểu sai ý tôi và diễn giải lại theo cách hiểu của mình.
Khi bạn bị hiểu lầm, hoặc không ai hiểu bạn, thì đó là lỗi của bạn chứ không phải lỗi của bất cứ ai khác. Bạn là người chịu trách nhiệm về tính hiệu quả trong việc truyền đạt những gì bạn muốn nói và cảm nhận. Người khác không thể tự đọc tâm trí của bạn được. Bạn phải dẫn dắt họ từng bước. Vấn đề là không ai dạy bạn làm điều đó. Việc giao tiếp hiệu quả và thuyết phục là một kỹ năng dễ học nhưng lại không được dạy ở trường phổ thông hay đại học.
CỐT LÕI CỦA VIỆC THUYẾT PHỤC: SỰ GIAO TIẾP, HIỂU BIẾT, CẢM THÔNG VÀ THÚC ĐẨY HÀNH ĐỘNG
Mỗi khi bạn giao tiếp, dù bằng lời nói hay văn bản, tức là bạn đang cố gắng tiếp cận ba khía cạnh của một con người. Đó là tâm trí hay sự hiểu biết của người đó, trái tim hay cảm xúc và ý muốn của họ. Hầu hết các cuộc giao tiếp đạt đến mức độ đầu tiên nhưng thường không đi tới hai mức độ còn lại. Khi điều này xảy ra, việc giao tiếp chỉ đạt hiệu quả ở bề mặt mà thôi.
Giao tiếp một mặt
Giao tiếp một mặt tập trung vào bất cứ khía cạnh nào trong ba khía cạnh trên. Khi bạn đề nghị hoặc sai bảo ai đó làm một việc mà anh ta không hiểu tại sao mình phải làm việc đó, bạn đang giao tiếp với ý muốn của anh ta. Nếu người này yêu cầu một lời giải thích, đó là dấu hiệu cho thấy anh ta muốn đi tới mức độ kế tiếp, “sự hiểu biết”. Nếu bạn trả lời, “Tôi bảo sao thì cứ thế mà làm không cần thắc mắc”, tức là bạn lựa chọn bỏ qua hai khía cạnh kia và chỉ tập trung vào ý muốn. Đây là cách giao tiếp kém hiệu quả nhất. Nó có thể khiến người khác làm việc bạn muốn vào lúc đó, nhưng về lâu dài, nó không có tác dụng động viên họ và thậm chí có thể gây ra hậu quả tiêu cực. Khi sự hiểu biết và cảm thông trong giao tiếp bị xem nhẹ, nó có thể dẫn đến sự tổn thương và giận dữ vì người đó cảm thấy họ không được tôn trọng đủ để có được thời gian, sự quan tâm và lời giải thích mà họ xứng đáng nhận được.
Việc giao tiếp nhắm đến tâm trí và sự hiểu biết của người khác chắc chắn mang lại hiệu quả cao hơn so với việc đơn thuần tập trung vào ý muốn của họ. Trong trường hợp trên, bạn sẽ cố gắng khiến anh ta hiểu rõ ý định của mình. Nếu anh ta hiểu những điều bạn nói, anh ta sẽ cảm thấy mình được tôn trọng. Tuy vậy, nếu bạn dừng lại ở khía cạnh này, anh ta vẫn có thể không có đủ động lực để thực hiện công việc theo đúng khả năng của mình.
Ví dụ, hầu hết các bạn trẻ đều hiểu rằng hút thuốc lá có hại cho sức khỏe – điều mà họ nghe đến phát chán. Họ cũng hiểu rằng phóng xe nhanh có thể gây hại cho mình và cho người khác. Tuy hiểu rõ những mối nguy hiểm này, họ vẫn tiếp tục hút thuốc và lái xe vượt quá tốc độ cho phép. Vì thế, việc giao tiếp ở mức độ “hiểu biết” có thể hiệu quả hơn mức độ “ý muốn” nhưng vẫn không có hiệu lực về lâu về dài.
Khía cạnh thứ ba mà bạn có thể giao tiếp với một người là trái tim hay cảm xúc của người đó. Khi bạn chỉ tập trung vào khía cạnh này, bạn có thể thật sự tác động đến đối tượng về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, nếu thiếu khía cạnh “hiểu biết” và “ý muốn”, tác động của việc giao tiếp cũng không kéo dài được lâu. Trong thực tế, kết quả mà bạn nhận được có thể không ổn định giống như tâm trạng thất thường vậy. Giọt nước mắt của người phụ nữ có thể tác động đến cảm xúc của người đàn ông, khiến anh ta lặng đi và ngay lập tức làm trái tim anh ta mềm nhũn. Nhưng nếu việc giao tiếp không tác động đến sự hiểu biết và ý muốn của anh ta, thì cái việc anh ta đã làm khiến cho người phụ nữ khóc có nhiều khả năng sẽ tái diễn trong tương lai.
Để việc giao tiếp đạt hiệu quả, nó phải tác động đến cả sự hiểu biết và cảm xúc của đối tượng. Để việc giao tiếp có sức thuyết phục, nó còn phải tác động thêm một khía cạnh nữa là “ý muốn”. Chúng ta hãy cùng xem xét định nghĩa của việc giao tiếp hiệu quả và giao tiếp thuyết phục như sau.
GIAO TIẾP HIỆU QUẢ: là việc giao tiếp giúp đối tượng hiểu điều tôi nói và cảm nhận được những gì tôi cảm nhận.
GIAO TIẾP THUYẾT PHỤC: là việc giao tiếp giúp đối tượng hiểu điều tôi nói, cảm nhận được những gì tôi cảm nhận và thúc đẩy họ thực hiện một hành động mà tôi tin là vì lợi ích của họ.
Lưu ý, để đạt hiệu quả, việc giao tiếp phải chạm tới trái tim và tâm trí của đối tượng; để mang tính thuyết phục, nó phải chạm tới trái tim, tâm trí và ý muốn của đối tượng. Cùng với định nghĩa này, chúng ta hãy quay trở lại với trận động đất.
Ngay khi giật mình tỉnh giấc, tôi lập tức hiểu được những gì mà trận động đất đang giao tiếp với tôi: tôi hiểu rằng trận động đất làm rung chuyển tòa nhà dữ dội đến mức tôi có thể mất mạng nếu không đến được nơi an toàn. Trận động đất cũng tác động đến cảm xúc của tôi: tôi thật sự cảm nhận được nỗi sợ bị thương hoặc chết và tha thiết muốn gặp lại gia đình. Và trận động đất tác động đến cả ý muốn của tôi: thúc đẩy tôi phải hành động tức thì để cứu lấy mạng sống của mình. Tôi cố gắng nhảy ra khỏi giường đến ba lần, và khi cơn rung chấn chấm dứt, tôi mặc quần áo nhanh như máy. Việc giao tiếp của trận động đất đạt hiệu quả 100% và có tính thuyết phục 100%. Tôi không thể cự tuyệt, tranh cãi, lý sự, chần chừ hay chậm trễ một giây! Tôi hiểu… tôi cảm nhận… tôi hành động! Đó chính là cách thuyết phục thuần túy nhất và mạnh mẽ nhất trên đời. Tôi gọi đó là “sức thuyết phục mạnh như động đất”.
BA CÁCH GIAO TIẾP HIỆU QUẢ NHẤT VÀ NHỮNG KỸ THUẬT THUYẾT PHỤC MÀ TÔI ĐÃ DÙNG
Những kỹ thuật giúp bạn có sức thuyết phục mạnh như động đất
Làm thế nào để bạn thu hút được sự chú ý trọn vẹn của đối tượng và duy trì nó cho đến khi bạn nói hết những điều muốn nói? Làm thế nào để bạn có sức lôi cuốn đến nỗi người nghe không chỉ nuốt lấy từng lời của bạn mà còn nóng lòng muốn nghe những điều bạn sắp nói? Hoặc làm sao để bạn trở thành một người giao tiếp giỏi đến mức người nghe không chỉ hiểu những điều bạn nói mà còn cảm nhận được những gì đang diễn ra trong lòng bạn? Phải, bạn có thể đạt được tất cả những điều này nếu biết sử dụng những kỹ thuật đúng đắn.
Vấn đề đầu tiên đặt ra khi bạn giao tiếp với người khác, dù bằng văn bản hay nói chuyện trực tiếp, là thu hút được sự chú ý của họ. Khi cuộc giao tiếp bắt đầu, kể cả khi bạn nghĩ mình đã có được sự chú ý của đối tượng, nhưng sự thật có thể không phải vậy. Thường thì ý nghĩ của họ đang tản mát trôi dạt về những việc khác – một điều ai đó đã nói, hoặc một việc gì xảy ra vài phút trước, vài giờ trước hoặc sẽ xảy ra. Họ có thể nghĩ đến bữa trưa, bữa tối hoặc dự định cuối tuần của mình. Có thể họ vẫn tập trung nhìn vào bạn, nhưng tâm trí họ lại không dừng lại ở những điều bạn nói. Vì thế, để giao tiếp hiệu quả và thuyết phục, việc đầu tiên mà bạn cần làm là nắm giữ được sự chú ý trọn vẹn của họ – chộp lấy và tách sự chú ý ra khỏi cái mà nó đang tập trung vào, bắt nó phải nhìn thẳng vào điều bạn sắp nói.
Có phải trận động đất đã thành công trong việc tóm lấy toàn bộ sự chú ý của tôi? 100%! Nó không chỉ chiếm được sự chú ý của tôi mà còn của tất cả những người có mặt tại khách sạn và trong toàn thành phố Los Angeles. Vậy làm thế nào để bạn thu hút được sự chú ý trọn vẹn của một người? Cách tốt nhất mà tôi tìm ra là dùng một cái “lưỡi câu” – một kỹ thuật mà tôi học được từ thầy tôi là Bob Marsh.
Không có gì thu hút sự chú ý trọn vẹn của người khác bằng một cái “lưỡi câu” sắc bén
Bạn hãy dành ra ít phút tưởng tượng mình là một chú cá nhỏ đang nhởn nhơ bơi lội cùng bạn bè theo dòng nước đến những tảng đá mà bạn ưa thích. Rồi bạn nhìn thấy một chú ruồi hấp dẫn đang nổi trên mặt nước bên phải bạn. Trông mới ngon lành làm sao và bạn nhanh chóng quay sang đớp ruồi. Thật kinh hoàng, có một cái lưỡi câu trong con ruồi và cái lưỡi câu đó ngay lập tức dính chặt vào miệng bạn. Bây giờ toàn bộ tâm trí bạn tập trung vào cái gì? Bạn nhìn ngắm lũ bạn đang bơi theo dòng ư? Hay bạn nghĩ đến niềm vui mà chúng có được khi đến nơi cần đến? Hay bạn tập trung 100% vào cái lưỡi câu trong miệng và làm thế nào để thoát khỏi nó? Câu trả lời rõ như ban ngày. Bạn sẽ tập trung hoàn toàn vào cái lưỡi câu, bạn sẽ nhìn và bơi thẳng về phía người câu cá. Bây giờ họ đã có được sự chú ý trọn vẹn của bạn.
Để đạt đến mức độ giao tiếp hiệu quả và thuyết phục, cần có ba loại “lưỡi câu”. Công hiệu nhất, và không phải bao giờ cũng có sẵn, là một người quan trọng ở giữa. Hãy dùng đến tên tuổi và độ tín nhiệm của một người mà đối tượng giao tiếp cũng biết đến và tôn trọng. Ví dụ, mới đây tôi bay cùng cựu thượng nghị sĩ bang Utah là Jake Garn từ Salt Lake đến thành phố New York. Jake không những là một chính khách nổi bật mà ông còn có đặc quyền bay trên một trong những điệp vụ Space Shuttle. Ông cũng là thành viên hội đồng quản trị của một công ty mà người đứng đầu là bạn của cả hai chúng tôi. Vài ngày sau, tôi gọi điện thoại cho người bạn này để sắp xếp một cuộc gặp mặt. Nghe giọng là biết ngay người này đang bận, thế là tôi tung ngay ra một cái “lưỡi câu”: “Tôi vừa bay đến New York với Jake Garn, ông ấy nói toàn những điều tốt đẹp về ông đấy”. Và thế là, bất kể trước đó anh bạn tôi đang nghĩ gì, vào giây phút tôi nói ra câu ấy, tôi thu hút trọn vẹn được sự chú ý của anh ta.
Khi giao tiếp với một ai đó mà bạn có thể mở đầu bằng một người quen chung, họ sẽ tập trung hoàn toàn vào những điều bạn nói tiếp theo. Như tôi đã đề cập trong chương trước, sau khi phát hành quyển “Sổ tay triệu phú” vào năm 1996, tôi nhận được hàng trăm lá thư đề nghị tôi làm cố vấn cho họ. Người mà cuối cùng tôi nhận lời đứng ra đỡ đầu là người bắt đầu lá thư của mình bằng cách đề cập đến một người bạn chung của chúng tôi và nói rằng chính người bạn ấy đã tặng anh ta quyển sách của tôi và bảo anh ta nhất định phải đọc nó. Lưỡi câu này quả nhiên phát huy tác dụng. Anh ta tóm ngay được sự quan tâm trọn vẹn của tôi.
Như bạn có thể thấy, lưỡi câu loại này hiệu quả cả trong việc giao tiếp bằng văn bản lẫn trong những cuộc gặp mặt. Nó cũng hiệu quả khi nói chuyện với một nhóm người. Gần đây tôi có dịp nói chuyện trong một hội nghị gồm ba ngàn người. Mỗi lần tôi nói về người đứng đầu của nhóm đó, tôi nhận thấy cả nhóm lập tức biểu lộ sự quan tâm và tương tác. Tôi thậm chí còn sử dụng lưỡi câu này trong những chiến dịch quảng cáo trên truyền hình, nơi mà tôi chỉ có nhiều nhất là hai giây để có được sự chú ý trọn vẹn của người xem đài trước khi họ chộp lấy cái điều khiển từ xa để chuyển kênh khác.
Tôi làm điều này bằng cách mời những nhân vật nổi tiếng được hàng triệu người Mỹ biết đến làm người phát ngôn cho sản phẩm của mình. Ví dụ, chúng tôi mời Charlton Heston, Tom Selleck và Ronald Reagan cho sản phẩm thuộc lĩnh vực chính trị; Chuck Norris, Jane Fonda và Christie Brinkley cho sản phẩm thể hình; Cher cho sản phẩm làm đẹp; Michael Landon cho sản phẩm về sức khỏe và giáo dục; Richard Simmons cho sản phẩm giảm cân. Những người nổi danh này đứng trước ống kính tạo ra một lưỡi câu không thể cưỡng lại được với người xem cho từng loại sản phẩm cụ thể.
Loại lưỡi câu thứ hai mà tôi dùng đến là một câu hỏi. Để phát huy công hiệu, câu hỏi này phải rất cụ thể, buộc người nghe phải suy nghĩ cẩn thận. Đó không thể là những câu hỏi đưa đẩy, xã giao kiểu như: “Thế nào, có gì mới không?” hoặc “Bạn khỏe không?” bởi những câu hỏi chung chung như thế chỉ cần những câu trả lời rập khuôn – “Cũng tàm tạm” hay “Tốt thôi”. Mặt khác, nếu bạn hỏi, “Anh nghĩ gì về sản phẩm mới mà đối thủ cạnh tranh của chúng tôi sẽ giới thiệu trong tháng sau?”, người nghe phải dừng mọi việc lại để tập trung suy nghĩ về câu trả lời. Thậm chí một câu hỏi đơn giản như, “Bạn thích ăn trứng hay ngũ cốc trong bữa sáng?” đòi hỏi người nghe phải tập trung vào cuộc nói chuyện của bạn ít nhất là vài giây, và đó là những gì mà một lưỡi câu cần đạt được. Mục đích của lưỡi câu không nhất thiết phải là nắm giữ sự chú ý của đối tượng trong một thời gian dài mà đơn giản chỉ là lái sự chú ý của đối tượng ra khỏi bất cứ thứ gì mà nó đang hướng đến. Duy trì sự chú ý của một người trong suốt thời gian giao tiếp là công việc của kỹ thuật thứ hai mà chúng ta sẽ đề cập đến trong ít phút nữa.
Lưỡi câu thứ ba cực kỳ hiệu quả là một lời xác nhận hoặc khẳng định nặng ký. Chương trình quảng cáo đầu tiên của công ty chúng tôi vào năm 1976 mở đầu bằng một lưỡi câu trực tiếp hướng vào đối tượng khách hàng tiềm năng và các bậc phụ huynh. Nó có thể vô nghĩa với bất cứ ai khác, nhưng trong quảng cáo này, chỉ có một điều mà chúng tôi quan tâm, đó là câu được sự chú ý của người tiêu dùng tiềm năng. Sản phẩm của chúng tôi là để trị mụn trứng cá và người giới thiệu sản phẩm là Pat Boone và con gái của anh là Debby. Pat bắt đầu đoạn quảng cáo với câu, “Mụn trứng cá thật đau đớn… cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Dù bạn là một thiếu niên mới lớn hay người trưởng thành thì mụn trứng cá cũng gây nên nỗi lo lắng và xấu hổ!”. Làm sao tôi biết câu nói này sẽ thu hút được khách hàng tiềm năng (những thanh thiếu niên bị mụn trứng cá và cha mẹ chúng)? Lúc dậy thì tôi cũng bị mụn trứng cá và nỗi khổ này đeo đẳng tôi mấy năm trời. Tôi không chỉ xấu hổ mỗi khi có một cái mụn mọc lên trên mặt mà còn ghét cay ghét đắng những chuyến viếng thăm bác sĩ da liễu hàng tuần, nhất là cái đau khi ông chọc kim vào những cái mụn sưng tấy.
Mỗi lưỡi câu tốt một kiểu và việc kết hợp cả ba lưỡi câu lại với nhau còn tốt hơn nữa. Ví dụ, một đoạn quảng cáo về thể hình của chúng tôi bắt đầu bằng việc Jane Fonda đặt câu hỏi, “Bạn có phải là một trong 50 triệu người Mỹ cố gắng giảm cân… hoặc là một trong hàng triệu người đã bỏ cuộc?”. Tiếp theo, Jane đưa ra lời khẳng định mạnh mẽ: “Chỉ ăn kiêng không thôi thì chưa đủ!”. Như thế, chỉ trong vòng vài giây, tôi đã tung ra cả ba lưỡi câu: một người giới thiệu có uy tín (Jane Fonda), một câu hỏi cụ thể và một lời khẳng định nặng ký. Tôi đảm bảo với bạn rằng bất cứ ai thừa cân ở Mỹ xem quảng cáo trong 20 giây đầu cũng chuyển sự chú ý của mình vào điều mà Jane nói tiếp theo. Tôi cũng kết hợp cả ba lưỡi câu trong một đoạn quảng cáo có sự tham gia của Cher. Cô đã mở đầu bằng câu hỏi: “Đã bao giờ bạn nhìn thấy mái tóc của mình trong gương và muốn khóc chưa? Đó là điều từng xảy ra với tôi!”. Với hình ảnh trẻ trung xinh đẹp của Cher, câu hỏi này và câu xác nhận ấy, chúng tôi đã “câu” được sự chú ý của những những người phụ nữ xem đài đã từng khổ sở vì mái tóc của mình.
Sau khi đã “câu” được sự chú ý trọn vẹn của đối tượng, bạn cần làm gì để duy trì sự chú ý đó?
Thật không may, mức độ chú ý của con người bắt đầu suy giảm trong vòng từ 10 đến 20 giây. Vì thế, trở ngại tiếp theo của việc giao tiếp hiệu quả và thuyết phục là sự suy giảm chú ý của đối tượng khi dòng suy nghĩ bắt đầu trôi dạt đến những vấn đề cấp bách hơn. Vì thế, để giao tiếp hiệu quả và thuyết phục, bạn cần nâng cao mức độ chú ý của đối tượng khi nó bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Điều này luôn đúng, bất kể khi bạn nói chuyện với đứa trẻ hai tuổi, thanh thiếu niên hoặc tổng giám đốc của một công ty trong danh sách Fortune 500.
20 năm trước, hai người giao tiếp giỏi nhất mà tôi biết đã dạy tôi một phương pháp tăng cường mức độ chú ý của người nghe, bất cứ khi nào họ bắt đầu nghĩ sang việc khác. Thầy của Gary Smalley là người đầu tiên tôi biết dạy về phương pháp này, nhưng chính Gary mới là người thật sự dạy tôi cách sử dụng nó. Tôi đã chứng kiến anh dùng phương pháp này trong các cuộc nói chuyện tay đôi cũng như trong những buổi nói chuyện trước một cử tọa có tới 70-80 ngàn người. Cũng như Gary, tôi đã áp dụng phương pháp này hầu như trong mọi giao tiếp bằng lời lẫn giao tiếp bằng văn bản suốt 25 năm qua. Tôi đã dùng nó trong các kịch bản quảng cáo truyền hình, trong sách và trong những buổi diễn thuyết. Đó là những kỹ thuật có thể nói là công hiệu nhất trong việc nâng cao mức độ chú ý của đối tượng và trong thực tế, tôi đang sử dụng với bạn ngay lúc này đây. Phương pháp này hiệu nghiệm đến nỗi nó có thể giữ chân đứa con 4 tuổi và 8 tuổi của tôi, kể cả khi lũ bạn đang rủ rê chúng ra ngoài sân chơi. Như vậy là cực kỳ mạnh mẽ!
Làm sao để bắt ngựa uống nước?
Gary gọi phương pháp hay kỹ thuật này là “bỏ muối”, xuất phát từ một câu châm ngôn “Bạn có thể dắt một con ngựa đến máng nước, nhưng không thể bắt nó uống nước”. Gary, chủ sở hữu của một nông trại, khẳng định rằng câu nói này hoàn toàn sai. Anh có thể bắt bất cứ con ngựa nào uống nước mỗi khi dắt chúng đến máng nước. Tất cả những gì anh làm là cho muối vào yến mạch của ngựa trước khi dắt nó ra máng uống nước. Muối làm cho ngựa khát nước đến nỗi nó phải uống nước. Muối cũng có tác dụng tương tự với tôi. Chắc chắn là khi ăn bắp rang trong lúc xem phim, tôi không có cách nào từ chối một lon soda cả.
Dù tin hay không thì bao giờ cũng có cách để bạn “bỏ muối” vào việc giao tiếp khiến đối tượng “khát” những gì bạn sắp nói hay viết ra. Bạn càng muốn người ta chú ý bao nhiêu thì bạn càng phải năng “rắc muối” vào từ ngữ của mình bấy nhiêu. “Muối” ở đây là một câu hoặc nhiều câu khẳng định, hay một câu hỏi gợi sự tò mò. Nếu được sử dụng đúng cách, phương pháp này sẽ làm cho đối tượng giao tiếp của bạn muốn nghe những điều bạn sẽ nói tiếp, thậm chí còn hơn cả việc bạn muốn nói.
Trong ba đoạn văn trước, tôi bắt đầu nói với bạn về kỹ thuật giao tiếp mạnh mẽ này trước khi tôi tiết lộ nó là cái gì và giải thích cách sử dụng nó. Đấy là tôi đang cho thêm “muối”, khơi gợi sự tò mò nơi bạn, trước khi nói cho bạn biết nó là cái gì. Bây giờ, nếu bạn đọc lại quyển sách này từ đầu, bạn sẽ thấy tôi lặp đi lặp lại kỹ thuật “bỏ muối” này trong từng chương sách.
Trong chuyến đi giới thiệu quyển sách đầu tay của mình, tôi được một phóng viên tin tức của một chi nhánh đài NBC trong vùng phỏng vấn. Ngay từ đầu, nữ phóng viên đã yêu cầu tôi cho một ví dụ về những kỹ thuật giao tiếp của tôi. Tôi quyết định chứng minh cho cô thấy sức mạnh của kỹ thuật “bỏ muối” mà không cho cô biết là tôi đang làm gì. Tôi nói với cô rằng một trong những kỹ thuật hiệu quả nhất mà tôi dạy là kỹ thuật “bỏ muối”. Khi cô yêu cầu tôi giải thích cụ thể, tôi nói rằng tôi sẽ đưa ra một ví dụ về cách dùng kỹ thuật này. Tôi đã nói như sau:
“Cô biết không, sau khi tôi dự những buổi phỏng vấn ở khắp nước, tôi phát hiện ra rằng có ba điều mà những người phỏng vấn giỏi nhất nào cũng làm. Thật ra, lần đầu tiên tôi nhận ra điều này là khi Maria Shriver phỏng vấn tôi và sau đó tôi lại phát hiện ra rằng, những người áp dụng cả ba điều này không chỉ thực hiện được buổi phỏng vấn thành công mà còn nhận được nhiều cuộc điện thoại của người xem hơn gấp 10 lần. Tôi thấy rằng cô đã làm hai trong số ba điều đó, nhưng nếu cô làm cả ba thì cô sẽ là người phỏng vấn giỏi nhất trong thành phố, bởi vì hai điều kia cô đã làm rất tốt”.
Cô phóng viên không thể đợi lâu hơn nữa. Cô nhoài người qua mặt bàn, nắm lấy cánh tay tôi và nói, “Nhanh nào, nói cho tôi nghe đó là ba điều gì”.
Tôi trả lời, “Bây giờ chúng ta thật sự không có thời gian nên tôi sẽ nói cho cô nghe sau cuộc phỏng vấn. Nhưng tôi vừa đưa ra một ví dụ về kỹ thuật “bỏ muối” rồi đấy. Tôi đã khiến cô rất muốn được nghe về ba kỹ thuật phỏng vấn trước khi tôi tiết lộ nó là cái gì”. Buổi phỏng vấn của chúng tôi kéo dài thêm 40 phút nữa. Ngay khi kết thúc, thậm chí trước khi cô kịp tháo cái micro ra khỏi ve áo, cô lại nhoài người qua bàn, nắm lấy cánh tay tôi một lần nữa và khẩn khoản, “Bây giờ… ông sẽ vui lòng nói cho tôi biết ba điều mà những người phỏng vấn giỏi nhất bao giờ cũng làm rồi chứ?”. Mặc dù cô đã phỏng vấn tôi trong 40 phút, cô vẫn không thể nào quên được những thông tin mà tôi đã “rắc muối” vào. Sức mạnh của kỹ thuật “bỏ muối” là như thế đấy, một khi nó được sử dụng đúng cách.
Một người bạn của tôi muốn đứa con gái tuổi teen của mình đọc hồi ký về một người phụ nữ chính trực và có nhân cách cao quý. Anh đã đọc quyển hồi ký này và có ấn tượng sâu sắc với nó đến nỗi anh thật sự muốn con gái mình khám phá những nguyên tắc sống của người phụ nữ này. Đây là cách anh “bỏ muối” vào lời giới thiệu về quyển sách.
“Carey à, bố vừa đọc một quyển sách về người phụ nữ này… phải nói là bố có ấn tượng rất mạnh.”
“Tại sao vậy bố?”, con gái anh hỏi.
“Có nhiều lý do. Đặc biệt đây là một người phụ nữ có tài xoay chuyển tình thế. Cô ấy yêu một người đàn ông không hề chú ý đến cô… thực tế, anh ta còn không biết đến sự tồn tại của cô nữa là.”
“Con biết điều đó có ý nghĩa như thế nào”, cô con gái đáp.
“Nhưng đoán xem chuyện gì đã xảy ra?”
“Sao ạ?”, Carey hỏi.
“Cô ấy đã làm nên một phép lạ. Anh ta không chỉ chú ý đến cô mà còn yêu cô nhanh hơn cả khi cô yêu anh ta nữa. Anh ta mê cô như điếu đổ, và chẳng mấy chốc mà anh ta sẽ quỳ gối cầu hôn cô ấy!”
“Ghê vậy sao… Thế cô ấy đã làm gì ạ?”, Carey hỏi giọng phấn khích.
“Bố khó giải thích lắm, tất cả ở trong sách ấy”.
Carey giật lấy quyển sách từ tay cha mình, “Ở trang nào vậy bố?”
“Bố không nhớ rõ”, bạn tôi trả lời.
“Vậy bố có nhớ nó ở chương nào không?”
“Không. Nhưng con sẽ tìm thấy. Đọc quyển sách này cũng khá nhanh.”
Nghe thế, Carey cầm quyển sách đi về phòng mình và đọc hết từ đầu đến cuối trong vòng hai tiếng đồng hồ.
Đúng và sai trong việc sử dụng “muối”
Bỏ quá nhiều muối hoặc bỏ muối vào nhầm chỗ có thể mang lại những hậu quả tai hại. Không phải cái gì cũng cho muối vào được, bạn có thể cho muối vào bắp rang hay món bò bít tết nhưng chẳng ai ăn muối với kẹo hoặc bánh sô-cô-la bao giờ. Thậm chí với món bò bít tết, bạn cũng chỉ rắc lên một chút muối chứ không đổ cả lọ vào. Điều này cũng đúng trong giao tiếp. Chỉ nên rắc muối vào câu chuyện khi cần tăng mức độ tập trung của người nghe, hoặc khi bạn muốn làm cho họ “khát” một thông tin quan trọng nào đó từ bạn. Nếu bạn cho quá nhiều muối vào câu chuyện, người ta sẽ nghĩ, “Lan man thế đủ rồi, đi vào điểm chính đi chứ!”. Và nếu ý nào bạn cũng cho thêm muối thì bạn không làm bật lên được những ý quan trọng. Vì thế, bạn nên sử dụng “muối” để chuẩn bị cho người nghe hoặc người đọc về những điểm quan trọng nhất mà bạn muốn họ ghi nhớ, và vào bất cứ lúc nào bạn thấy người ta bắt đầu mất tập trung hay không còn hứng thú vào những gì bạn nói nữa.
Cuối cùng, đừng sợ thử nghiệm. Càng dùng nhiều bạn sẽ càng thuần thục và khả năng giao tiếp của bạn sẽ càng trở nên hiệu quả và thuyết phục hơn.
KỸ THUẬT GIAO TIẾP MẠNH MẼ NHẤT MÀ TÔI TỪNG DÙNG!
Kỹ thuật đầu tiên mà chúng ta nói đến là “lưỡi câu”, được dùng để thu hút và tái thu hút sự chú ý trọn vẹn của đối tượng giao tiếp. Kỹ thuật thứ hai là “bỏ muối”, được dùng để khiến người đối diện “khát” những luận điểm hoặc thông tin quan trọng mà chúng ta muốn họ phải đặc biệt quan tâm đến. Kỹ thuật thứ ba là kỹ thuật giao tiếp hiệu quả và thuyết phục nhất mà tôi từng được học và sử dụng. Đây cũng chính là vũ khí mạnh mẽ của những người giao tiếp giỏi nhất thế giới. Ronald Reagan, Teddy Roosevelt, Winston Churchill, Mark Twain, Abraham Lincoln, Ben Franklin và thậm chí cả những người viết kinh thánh hay những nhà tiên tri cũng dùng đến nó một cách thường xuyên và điệu nghệ để làm rung động lòng người và tạo sức cảm hóa lớn nhất.
Kỹ thuật này là một trong những hình thức giao tiếp có thể tác động song song đến cả tâm trí lẫn trái tim của đối tượng, dùng để chuyển tải sự hiểu biết và cảm xúc sâu xa. Gary gọi kỹ thuật giao tiếp này là “ngôn ngữ cảm xúc hình tượng”.
Khả năng hiểu và phân tích của bạn đến từ não trái, trong khi cảm xúc hoặc tình cảm của bạn lại đến từ não phải. Ngôn ngữ cảm xúc hình tượng, gọi tắt là NCH, không chỉ tăng thêm độ rõ nét và sức hiểu biết cho não trái mà còn kích thích cảm xúc từ não phải. Kết quả, đây là một công cụ quan trọng nhất mà bạn có thể sử dụng để giao tiếp với người khác một cách hiệu quả và thuyết phục. Khi bạn sử dụng tốt NCH, nó sẽ lập tức giúp người khác hiểu được những gì bạn đang nói và cảm được những gì bạn đang cảm nhận. Nên nhớ, hiểu và cảm là hai yếu tố của việc giao tiếp hiệu quả và là hai trong ba thành phần của việc giao tiếp thuyết phục.
THẾ NÀO LÀ NGÔN NGỮ CẢM XÚC HÌNH TƯỢNG?
Ngôn ngữ cảm xúc hình tượng (NCH) là một từ, một câu hoặc một câu chuyện có khả năng ngay lập tức tạo nên một bức tranh trong tâm trí người đọc hoặc người nghe, giúp làm rõ những điều bạn muốn nói và truyền đi cảm xúc mà bạn muốn đối tượng cảm nhận. Một NCH có thể đơn giản là một từ, một câu hoặc phức tạp như một cách nói ví von hoặc một câu chuyện ngắn.
Trong chương 3, tôi đã tạo ra một NCH và liên tục sử dụng nó trong suốt quyển sách này. Tôi kể cho bạn nghe về tên lửa Saturn V đã mang những phi hành gia người Mỹ bay lên mặt trăng. Tôi miêu tả nó cao bằng một tòa nhà 36 tầng, có tới năm động cơ cực mạnh và tạo ra một lực đẩy khủng khiếp khi nó phóng lên không trung. Tôi nói rằng bạn cũng giống như tên lửa Saturn V vậy, ngoại trừ một điểm là bạn có tới bảy động cơ khổng lồ chứ không phải năm. Tôi nói với bạn rằng đa số mọi người sống và chết ngay tại bệ phóng của mình chứ chưa bao giờ khởi động được những động cơ vĩ đại ấy; rằng chúng ta ai cũng bị neo vào bệ phóng bởi sáu sợi dây xích kiên cố và vững chắc, nên nếu bạn muốn thực hiện ước mơ của mình, bạn cần phải chặt đứt những sợi xích này và kích hoạt bảy động cơ.
Đây chính là một NCH mà tôi dùng để chuyển tải thông điệp và cảm xúc mà tôi muốn chia sẻ với bạn trong quyển sách này. Tôi có thể lựa chọn không dùng đến NCH mà chỉ nói một cách đơn giản rằng: “Trong việc thực hiện ước mơ, bạn có sáu lực cản níu bạn lại và bảy lực đẩy tiềm năng có thể giúp bạn đạt được ước mơ”. Bạn hãy nói cho tôi biết, cách nào hiệu quả hơn, cách nào miêu tả sứ mệnh của quyển sách này rõ ràng nhất và động viên bạn đọc sách tốt nhất.
Jim và Suzette đã lấy nhau được 10 năm. Họ rất đỗi yêu thương nhau và yêu quý ba đứa con của họ. Vậy mà mối quan hệ mặn nồng của họ mau chóng nguội lạnh, còn nhanh hơn tốc độ bay của một viên đạn. Jim là hiệu trưởng của một trường cấp ba kiêm huấn luyện viên một đội bóng nên thời gian của anh chủ yếu dành cho những trách nhiệm ở trường. Nhiều lần, Suzette nói với Jim rằng cô thật sự cần nhiều thời gian, sự quan tâm và giúp đỡ của anh hơn nhưng “lời nói gió bay” chẳng ăn thua gì. Sau khi tham dự một khóa học của Gary Smalley và được học về kỹ thuật NCH, Suzette quyết định thử một phen. Cô tạo ra một NCH với hy vọng sẽ khiến Jim hiểu được những điều cô nói và cảm nhận được cảm xúc của cô. Tôi xin ghi lại vắn tắt những điều cô đã nói:
“Jim à, hàng ngày anh chào tạm biệt em và các con để đi làm từ sáng sớm. Anh bắt đầu một ngày của mình bằng bữa ăn sáng với bạn bè, đồng nghiệp và thoải mái nói về bất cứ chủ đề nào anh muốn. Cuối bữa ăn, anh nhặt vài mẩu đầu thừa đuôi thẹo từ cuộc nói chuyện, có thể là một muỗng trứng hoặc một góc bánh mì bơ và bỏ vào túi đựng thức ăn thừa. Sau đó, anh làm nhiều việc thú vị, hào hứng trong suốt buổi sáng, xong xuôi anh cũng ném vài mẩu đồ thừa vào chiếc túi đó. Rồi anh đi ăn trưa và một lần nữa, anh lại trò chuyện vui vẻ với những người mà anh quan tâm. Cuối bữa ăn trưa, anh lại ném vào trong túi một vài mẩu đồ thừa nữa, lần này có thể là một chút măng tây với nước sốt.”
“Buổi chiều của anh tràn ngập những câu chuyện và hoạt động lý thú rồi anh ra ngoài ăn tối với bạn bè. Anh có những bữa đại tiệc về tinh thần và cảm xúc. Cuối bữa ăn, anh cho vào túi một mẩu bò bít tết đã nguội và một góc bánh mỳ tròn.”
“Cuối cùng khi anh về đến nhà, em thật sự vui sướng. Lũ trẻ và em chưa được ăn gì suốt cả ngày. Cả nhà nóng lòng chờ được ăn tiệc với khoảng thời gian ý nghĩa và những câu chuyện hào hứng với anh, để được nghe tất cả những điều thú vị anh đã làm trong ngày, để được nghe những câu chuyện và hoạt động của anh và để nói cho anh nghe về những việc mẹ con em đã làm. Nhưng khi cánh cửa mở ra và anh bước vào nhà, anh chỉ đơn giản đưa cho mẹ con em một túi đựng thức ăn thừa, rồi đi vào phòng xem tivi cho đến giờ đi ngủ. Jim à, mẹ con em ngán những mẩu đầu thừa đuôi thẹo hàng đêm lắm rồi. Mẹ con em muốn có những bữa tiệc với anh và được anh dành thời gian và trò chuyện cùng.”
Nghe xong, Jim rất cảm động với ngôn ngữ cảm xúc hình tượng (NCH) của Suzette và anh diễn tả cảm xúc của mình bằng một NCH khác.
“Sue à, em có nhớ con cún con của ông ngoại em không?” (Ký ức thời thơ ấu đẹp nhất của Sue là khoảnh khắc cô ở bên ông ngoại và lũ chó đáng yêu của ông.) “Anh rời khỏi nhà đi làm cũng giống như chú cún của ông ngoại đào một lỗ dưới chân hàng rào ngoài sân và chạy ra thế giới đáng sợ bên ngoài. Anh bước ra và bị những con chó dữ, to lớn rượt theo. Chúng đuổi kịp anh, cắn anh và làm anh sợ chết khiếp. Mới thoát khỏi lũ chó thì anh lại gặp phải những con người khổng lồ, họ ném đá vào người anh. Một cục đá bay trúng vào đầu anh, đau kinh khủng. Một cục khác trúng vào đuôi anh và anh không nghĩ mình còn có thể ngồi thẳng chơi với ông ngoại được, cho dù ông có cho anh miếng xương nào đi chăng nữa. Rồi anh gặp một con mèo đực to lớn. Nó giơ móng vuốt cào lên lưng và chân anh, rạch nguyên một vết dài trên trán anh. Trải qua bao nhiêu chuyện, trong đầu anh chỉ có một ý nghĩ là được về ngôi nhà ấm cúng thân yêu, ở bên cạnh ông ngoại. Anh nghĩ về món ăn mà ông sẽ cho vào đĩa của anh, ông sẽ nhẹ nhàng lấy từng cái gai dưới bàn chân anh rồi đặt anh vào chiếc giường nhỏ vừa êm vừa ấm. Cuối cùng anh đã thấy ngôi nhà của ông ngoại. Anh vui sướng chỉ muốn phóng nhanh vào nhà, nhưng anh quá mệt mỏi và đau đớn. Anh chui vào lỗ dưới hàng rào và lết đến cửa. Ông ngoại mở cửa ra và anh vui mừng khôn xiết, sủa lên vài tiếng mừng rỡ, “Ngoại ơi, ngoại ơi!”. Nhưng vừa mới nhìn thấy anh, ông đã vớ lấy cây chổi chà, vừa hét lên vừa đập anh túi bụi. “Đồ vô ơn bạc nghĩa. Sao mày dám đào lỗ dưới hàng rào và chạy ra ngoài.” Bốp bốp… “Quay lại đây ngay, tao còn chưa nói xong mà”. Và ông lại tới tấp đánh anh. Bốp bốp…”
“Sue à, em mang lại cảm giác đó cho anh khi anh vừa về đến nhà sau một ngày làm việc cực nhọc, ngay lập tức em lại ca bài ca bất tận phàn nàn về tất cả những việc mà anh không hề làm.”
Điểm độc đáo nhất của ngôn ngữ cảm xúc hình tượng (NCH) là nó chỉ mang đậm ý nghĩa với người trong cuộc, tựa như một ký hiệu hay một mật mã hoàn toàn không liên quan gì đến người ngoài cuộc. Có thể hình ảnh về chú cún hoặc những mẩu thức ăn thừa chẳng có ấn tượng gì với bạn và tôi, nhưng nó lại có sức tác động mạnh mẽ tới Jim và Suzette. Sau khi Jim nói xong NCH của mình, Suzette đã khóc hơn một tiếng đồng hồ và xin anh tha thứ cho cô. Jim cũng cảm động trước NCH của vợ đến nỗi anh đã làm đơn từ chức, kiếm một công việc khác để vừa có thể dành nhiều thời gian cho vợ con hơn vừa không bị nó rút cạn sức khỏe tinh thần và thể chất để mỗi khi đi làm về, anh vẫn còn đủ nguồn năng lượng cần thiết, để dành cho gia đình sự quan tâm chăm sóc mà anh cảm thấy họ xứng đáng được hưởng.
Trong khi ngôn ngữ cảm xúc hình tượng có thể là một câu chuyện như trên thì nó cũng có thể là một cách nói ví von đơn giản hơn. Một cặp vợ chồng mà tôi biết dùng cách nói ví von về tài khoản tiết kiệm. Nếu Joe làm một việc gì đó khiến Patty giận dữ hoặc buồn phiền, cô sẽ nói với chồng, “Anh vừa rút tiền đó”. Nghe thế Joe liền hỏi lại, “Nhiều hay ít?”. Nếu Patty nói chỉ vài đô thì chồng cô hiểu rằng anh
chỉ phạm một lỗi nhỏ. Nếu cô nói, “Nhiều lắm, hơn cả tổng số tiền nhà ta phải trả” thì anh biết đó là một vấn đề nghiêm trọng. Tôi còn nghe thấy câu trả lời của Joe, “Bây giờ anh có thể làm gì để có thể bỏ tiền vào tài khoản nhiều hơn số tiền anh vừa rút?”. Như bạn có thể thấy, phương pháp này thật đơn giản nhưng cực kỳ hữu hiệu.
Năm lý do quan trọng để bạn bắt đầu sử dụng ngôn ngữ cảm xúc hình tượng (NCH)
1. NCH nắm bắt và điều khiển được sự chú ý của đối tượng.
2. NCH có khả năng thay đổi suy nghĩ, niềm tin và cuộc sống của đối tượng.
3. NCH khiến cho việc giao tiếp trở nên sống động. Bằng cách kích thích cả hai bán cầu não phải và bán cầu não trái của người nghe, họ bắt đầu tưởng tượng hoặc hình dung về những điều nghe hoặc đọc được.
4. NCH khắc từ ngữ vào tâm trí đối tượng. (Ví dụ, từ giờ về sau, bạn sẽ ngay lập tức hiểu được tôi muốn nói gì khi tôi hỏi bạn, “Bạn đã chặt đứt những sợi dây xích và kích hoạt động cơ của mình chưa?”).
5. NCH tạo điều kiện phát triển những mối quan hệ sâu sắc.
6. Khi được sử dụng đúng đắn, NCH có thể giúp bạn phê bình hành vi của đối tượng theo cách dễ dàng được chấp nhận mà không gây nên hậu quả tiêu cực.
Sáu bước để tạo và sử dụng ngôn ngữ cảm xúc hình tượng (NCH) trong những tình huống quan trọng
1. Dành ra một khoảng thời gian nhất định để tạo một NCH hiệu quả. Khi đã thành thạo, bạn có thể tạo một NCH trong vòng vài giây và một số NCH khác trong vòng vài phút. Tuy vậy, khi mới bắt đầu, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn, có thể từ 10 đến 20 phút để tạo ra một NCH có thể giao tiếp hiệu quả với đối tượng về những vấn đề mà bạn cho là rất quan trọng.
2. Tìm hiểu mối quan tâm của người mà bạn muốn giao tiếp: sở thích của cô ấy là gì, cô ấy thích gì ghét gì, cô ấy dùng thời gian rảnh vào việc gì; cô ấy yêu thích ca sĩ, nghệ sĩ hoặc vận động viên nào nhất; những kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô ấy là gì; điều gì làm cho cô ấy vui hoặc buồn v.v… Những kiến thức này sẽ là tiền đề bạn cần để tạo ra một NCH có thể đánh thức được những cảm xúc mạnh mẽ nơi đối tượng giao tiếp. Jim biết rằng Suzette yêu những ngày tháng sống với ông ngoại và thích nô đùa với những chú chó cưng của ông. Ngay khi anh bắt đầu dùng hình tượng về chú cún con, những cảm xúc tuyệt đẹp thời ấu thơ lại quay về với cô.
3. Tạo ra một NCH từ năm nguồn thông tin vô tận:
Niềm đam mê, sở thích hoặc mối quan tâm của đối tượng giao tiếp.
Những sự việc đáng nhớ trong quá khứ hoặc hiện tại của người ấy.
Những vật dụng hàng ngày mà người ấy quen dùng.
Hình ảnh từ thiên nhiên (biển, hồ, bão tố, động vật, không gian v.v…)
Những câu chuyện tưởng tượng giúp truyền tải thông điệp của bạn.
4. Thực hành sử dụng NCH mà bạn đã tạo ra, trước tiên với chính bản thân bạn, sau đó (nếu thích hợp) dùng với người khác với đối tượng mà bạn muốn nhắm đến.
5. Chọn thời gian thích hợp, không bị phân tán nhiều để giao tiếp với người ấy bằng NCH của bạn.
6. Không lạm dụng nhưng kiên trì sử dụng NCH.
Bằng việc sử dụng ngôn ngữ cảm xúc hình tượng, bạn giúp người khác hiểu rõ điều bạn muốn nói và quan trọng hơn, cảm nhận được cảm xúc của bạn. Khi đối tượng có thể vừa hiểu vừa cảm bạn, người ấy sẽ được thuyết phục 99%. 1% còn lại liên quan đến việc thúc đẩy đối tượng hành động. Trong thực tế, NCH hoàn toàn có khả năng thuyết phục người khác 100%. Khi vợ tôi hoặc các cộng sự của tôi dùng NCH với tôi thì 9 trong 10 lần tôi sẽ đáp ứng tất cả những gì họ muốn hoặc trông đợi ở tôi. Tuy vậy, khi NCH không thuyết phục được tôi hành động, họ cần làm một động tác “đẩy” cuối cùng.
THÚC ĐẨY ĐỐI TƯỢNG HÀNH ĐỘNG – YẾU TỐ CUỐI CÙNG CỦA NGHỆ THUẬT THUYẾT PHỤC
Quay trở lại câu chuyện về trận động đất lớn nhất trong đời tôi, bạn có nhớ rằng nó lập tức thu hút toàn bộ tâm trí của tôi không? Tương tự như một NCH hiệu quả, trận động đất khiến người ta hiểu rõ và cảm nhận được vấn đề. Nếu nó chỉ dừng lại ở đó, trận động đất vẫn giao tiếp với người khác rất hiệu quả vì hiểu và cảm là hai thành tố duy nhất của việc giao tiếp hiệu quả.
Tuy nhiên, nó cần 1% nữa để trở nên hoàn toàn thuyết phục. Đó là nó phải thúc đẩy tôi hành động. Và trận động đất đã làm đúng như vậy. Tôi đã ba lần bốn lượt cố gắng nhảy ra khỏi giường và khi cuối cùng nhảy xuống được, tôi đã cuống cuồng mặc quần áo, ba chân bốn chẳng chạy thẳng ra thang máy để đi xuống đất. Tại sao một trận động đất lại có sức thuyết phục đến thế? Câu trả lời là nó tác động đến hai yếu tố động lực bên trong lớn nhất trong cuộc sống của tôi – và thật sự, trong cuộc sống của bất cứ người nào.
Hai yếu tố động lực bên trong lớn nhất trong cuộc sống mỗi người
Khát khao lợi ích và nỗi sợ mất mát, bao gồm tất cả những gì người ta có thể đạt được hoặc mất đi (tình yêu, sự an toàn, sự chấp nhận, thành công, của cải và sự giàu có, vẻ đẹp bên ngoài, sức khỏe, tinh thần hoặc một người nào đó v.v…) là hai yếu tố động lực bên trong lớn nhất trong cuộc sống của mỗi con người. Tất nhiên, một trong những nỗi sợ lớn nhất là nỗi sợ cái chết của bản thân hoặc của người thân.
Vì thế, nếu muốn có được yếu tố thứ ba của nghệ thuật thuyết phục – thúc đẩy hành động – bao giờ bạn cũng phải khơi lên khát khao lợi ích hoặc nỗi sợ mất mát ở đối tượng. Trong trường hợp của trận động đất thì nó tác động đến cả hai. Nó đánh đúng vào nỗi sợ mất mát của tôi (nếu tòa nhà đổ sập, tôi sẽ mất gia đình, sức khỏe và có thể mất mạng) trong khi ấy nó cũng khơi dậy khát khao lợi ích trong tôi (được đảm bảo an toàn). Vì vậy, trận động đất đã thành công trong việc thuyết phục tôi hành động.
Bất cứ khi nào bạn giao tiếp bằng lời nói hay văn bản, trong đó bạn muốn thuyết phục người khác làm một việc gì, bạn cần xem xét những luận điểm của bạn và xác định đâu là sự khát khao và nỗi sợ mà bạn cần khơi gợi ở đối tượng. Tác động này rõ ràng hiển nhiên hay mơ hồ chưa rõ nét? Đó có phải là sự khát khao lớn nhất hay nỗi sợ lớn nhất mà bạn có thể nhấn mạnh chưa, hay còn những cái lớn hơn nữa?
Khi bạn tôi dùng kỹ thuật “bỏ muối” để khiến con gái mình đọc quyển hồi ký, anh đánh trúng vào mong muốn của cô con gái: thành công trong quan hệ với bạn trai. Điều này đã tỏ ra hết sức hiệu nghiệm. Nhưng nếu anh tác động vào mong muốn về sức khỏe của con mình thì chắc chắn anh sẽ thất bại.
Mỗi người đều có những giá trị sống và thứ tự ưu tiên khác nhau. Trong kinh doanh, người ta mong muốn công việc tiến triển, có nhiều khách hàng, nhiều dự án thành công và những việc tương tự. Họ tất nhiên sẽ sợ việc giảm doanh thu, mất khách hàng… Một người đàn ông đặt gia đình lên trên hết sẽ có rất ít mong muốn hay nỗi sợ liên quan đến của cải vật chất. Vì thế, điểm đúng vào mối quan tâm lớn nhất của từng đối tượng sẽ tăng sức thuyết phục của bạn.
THUYẾT PHỤC MỘT CÁCH TÔN TRỌNG VÀ HỢP TÌNH HỢP LÝ: CẤU TRÚC TRÌNH BÀY
Bạn có thể đặt một nền móng vững chắc và sở hữu tất cả những loại vật liệu cần thiết để xây nên một tòa nhà đẹp, nhưng nếu bạn không làm tốt khâu thiết kế, tòa nhà vẫn có thể bị sập như thường. Khi bạn cố thuyết phục ai đó về một vấn đề nhỏ, bạn chỉ cần thái độ tôn trọng và ba kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Tuy vậy, với những vấn đề lớn hơn thì cách trình bày lại góp phần quan trọng vào chuyện thành bại. Thật vậy, tôi đã tìm ra một cấu trúc trình bày đã giúp tôi thành công nhiều hơn thất bại. Để làm được điều đó, trước hết bạn cần có sự chuẩn bị chu đáo.
CHUẨN BỊ CHO BÀI TRÌNH BÀY THUYẾT PHỤC
1. Đảm bảo tất cả những điều bạn viết hay nói đều thể hiện sự tôn trọng đối với người tiếp nhận, đồng thời tránh tỏ ra hợm hĩnh.
2. Đảm bảo rằng ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn tập trung vào hai yếu tố động lực bên trong lớn nhất là khát khao lợi ích và nỗi sợ mất mát.
3. Ghi ra giấy những nội dung sau:
Danh sách tất cả những lợi ích mà ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn đem lại.
Miêu tả đối tượng giao tiếp và những mong muốn hoặc nhu cầu mà ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn có thể đáp ứng. Xác định những khát khao lợi ích và nỗi sợ mất mát mà ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn có thể xoáy sâu vào.
Trả lời câu hỏi: tại sao ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn có thể đáp ứng những nhu cầu/mong muốn này tốt hơn bất cứ ý tưởng hoặc sản phẩm sẵn có nào khác?
4. Lên danh sách và đánh thứ tự ưu tiên cho những lời phản đối hoặc lý do mà đối tượng giao tiếp có thể dùng để từ chối ý tưởng hoặc lời đề nghị của bạn.
5. Lên danh sách và đánh thứ tự ưu tiên cho những cách thức mà ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn có thể vượt qua được sự phản đối/lý do từ chối của đối tượng.
6. Viết bài trình bày theo cấu trúc sau:
Mở đầu với một “lưỡi câu” mạnh mẽ để thu hút được sự chú ý của người nghe hoặc người đọc ngay lập tức. (Dùng ngôn ngữ cảm xúc hình tượng nếu thích hợp.)
Miêu tả vấn đề mà ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn sẽ giải quyết.
“Bỏ muối” vào bài trình bày với những câu khơi gợi trí tò mò hoặc đặt ra câu hỏi cần thiết để duy trì sự tập trung trọn vẹn của đối tượng giao tiếp.
Dùng ngôn ngữ cảm xúc hình tượng (NCH) để làm cho những luận điểm của bạn trở nên rõ ràng và khó quên. Dùng danh sách lợi ích của ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn và những câu trả lời mà bạn đã chuẩn bị sẵn cho sự phản đối để tạo nên nội dung bài trình bày.
Dùng lời cảm nhận của những người đã thụ hưởng lợi ích từ những ý tưởng tương tự hoặc sản phẩm của bạn. Nếu đây là bài thuyết trình bán hàng, bạn hãy sử dụng lời nhận xét của những khách hàng hài lòng, các chuyên gia trong ngành hoặc các nguồn đáng tin cậy khác để nâng cao uy tín của sản phẩm và những lời tuyên bố của bạn.
So sánh với những ý tưởng, sản phẩm hoặc mức giá khác để tạo ra nhận thức rằng giá trị của ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn vượt xa lời đề nghị hoặc mức giá mà bạn đưa ra.
Cuối bài trình bày, hãy tóm tắt ngắn gọn (nếu thời gian cho phép) về lợi ích của ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn. Nêu ra bảng so sánh nguy cơ/lợi ích, lý do rõ ràng để hành động và cuối cùng là lời kêu gọi hành động.
Có thể bạn nghĩ là một bài trình bày như vậy sẽ mất nhiều thời gian. Không hẳn thế, và khoảng thời gian mà bạn đầu tư vào đáng giá từng giây một. Tôi đã viết hơn 800 kịch bản quảng cáo dài hai phút theo cấu trúc này. Các đoạn quảng cáo thương mại ấy đã khiến hơn 20 triệu người tiêu dùng gọi điện thoại đến đặt mua hàng của chúng tôi. Vì thế, tôi biết rằng nó đạt hiệu quả tốt.
Nói tóm lại, việc giao tiếp thuyết phục cũng giống như một tòa nhà tuyệt đẹp. Nó có một nền móng vững chắc, nguyên vật liệu tốt nhất và một cấu trúc thiết kế hấp dẫn, khoa học. Nền móng chính là sự tôn trọng đối tượng mà bạn giao tiếp thông qua thái độ, lời lẽ và cử chỉ giao tiếp của bạn. Vật liệu xây dựng là những “lưỡi câu”, “muối”, ngôn ngữ cảm xúc hình tượng và cách khơi dậy hai yếu tố động lực bên trong lớn nhất của họ: khát khao lợi ích và nỗi sợ mất mát. Còn cấu trúc thiết kế chính là một bài trình bày hợp lý, thể hiện sự tôn trọng thời gian và nhu cầu của người đối diện.
Giao tiếp thuyết phục là chìa khóa vạn năng mở ra nhiều cánh cửa vào tâm trí và trái tim người khác hơn bất cứ yếu tố nào khác. Đó là một nghệ thuật mà bạn có thể học để sử dụng thuần thục. Lúc đầu bạn có thể mất chút thời gian và nỗ lực. Nhưng cũng như tất cả những nghệ thuật khác, bạn càng thực hành nhiều bao nhiêu thì bạn càng sử dụng nó tự nhiên nhanh chóng bấy nhiêu.
Bí quyết hiệu nghiệm 11:
Giao tiếp hiệu quả và thuyết phục
Hãy hoàn thành những bài tập sau trong sổ tay của bạn.
ĐẶT NỀN MÓNG CHO TÍNH THUYẾT PHỤC
1. Hãy nhớ lại bất cứ tình huống nào, dù trong cuộc sống cá nhân hay công việc, trong đó bạn cố gắng hoặc mong muốn thuyết phục một ai đó làm một việc gì quan trọng đối với bạn và sau đó trả lời những câu hỏi sau:
Bạn có thể nói hoặc làm gì để chứng tỏ mức độ tôn trọng và đánh giá cao đối tượng được thuyết phục?
Thế giới quan của họ (loại tính cách, ý kiến, kinh nghiệm trong quá khứ, mối quan tâm v.v…) có liên quan đến bạn và tình huống hoặc vấn đề này là gì?
Bạn có thể làm gì để hiểu rõ hơn về thế giới quan của họ?
Bạn có phải là người biết lắng nghe không?
2. Nếu có bất cứ tình huống nào xảy ra trong tương lai gần, trong đó bạn sẽ cố gắng giao tiếp hiệu quả về một vấn đề quan trọng hoặc muốn thuyết phục ai đó, hãy hoàn thành bài tập sau trước khi bạn làm việc này:
Bạn có thể nói gì hoặc làm gì để thể hiện rằng bạn tôn trọng và đánh giá cao người mà bạn muốn thuyết phục?
Thế giới quan của họ (loại tính cách, ý kiến, kinh nghiệm trong quá khứ, mối quan tâm v.v…) có liên quan đến bạn và tình huống hoặc vấn đề này là gì?
Trước đó bạn có thể làm gì để hiểu rõ hơn về thế giới quan của họ?
Bạn có thể đặt ra những câu hỏi cụ thể nào để hiểu thêm về thế giới quan của họ, và giúp đối tượng biết rằng bạn đánh giá cao ý kiến và mối quan tâm của họ?
Mục đích của bạn là truyền đạt thông tin, thuyết phục đối tượng làm một việc gì đó vì lợi ích của người đó hay là của bạn?
TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI GIAO TIẾP HIỆU QUẢ VÀ THUYẾT PHỤC HƠN
1. Hãy nhớ lại bất cứ tình huống nào, dù trong cuộc sống cá nhân hay công việc, trong đó bạn cố gắng hoặc mong muốn thuyết phục một ai đó làm một việc gì quan trọng đối với bạn và sau đó thực hiện những việc sau:
Viết ra một vài “lưỡi câu” khác nhau để có thể lôi kéo được sự chú ý hoàn toàn của người đó.
Viết ra những câu có “muối” và những câu hỏi khơi gợi sự tò mò trong suốt buổi nói chuyện hoặc trình bày của bạn.
Viết ra một hoặc vài ngôn ngữ cảm xúc hình tượng nhằm giúp đối tượng giao tiếp hiểu rõ hơn những điều bạn nói và cảm nhận được cảm xúc của bạn.
Làm thế nào để tác động vào hai yếu tố động lực quan trọng nhất của đối tượng?
2. Trước khi bạn cố gắng giao tiếp hiệu quả một vấn đề quan trọng hoặc muốn thuyết phục một ai đó, hãy hoàn thành những bài tập sau:
Viết ra một vài “lưỡi câu” khác nhau để có thể lôi kéo được sự chú ý hoàn toàn của người đó.
Viết ra một vài câu nói hoặc câu hỏi có “muối” để tăng tính tò mò nơi người đối diện.
Viết ra một hoặc vài ngôn ngữ cảm xúc hình tượng nhằm giúp đối tượng giao tiếp hiểu rõ hơn những điều bạn nói và cảm nhận được cảm xúc của bạn.
Viết ra những cách thức mà bạn có thể dùng để tác động đến hai yếu tố động lực lớn nhất của họ.
3. Tạo ra một bài trình bày thuyết phục trong tình huống số hai ở trên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.