Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ

CHƯƠNG 12



ĐỘNG CƠ THỨ BA: “MÔ HÌNH HỢP TÁC STEVEN SPIELBERG” MỘT KỸ NĂNG TĂNG SỨC MẠNH MÀ AI CŨNG CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC

Gỡ bỏ những rào cản giới hạn các điều kiện và nhân lên gấp bội tiềm năng sẵn có!

Trong suốt chuyến đi giới thiệu quyển sách “Sổ tay triệu phú” (A Millionaire’s Notebook) của tôi vào năm 1996, tôi liên tục nhận được câu hỏi: “Đâu là một yếu tố quan trọng nhất để thành công?”. Câu trả lời của tôi là “Không có một yếu tố quan trọng nhất nào, mà là một tập hợp các yếu tố quan trọng; tức là tập hợp các chiến lược và kỹ thuật mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng để đạt được các mức độ thành công. Bạn sẽ không thể đạt được mức độ thành công đó nếu không có những yếu tố này”. Nhưng với hầu hết các phóng viên thì một câu trả lời như vậy (dù nó hoàn toàn chính xác) không đủ làm cho họ thỏa mãn. Họ muốn biết một bí quyết duy nhất… giống một mũi tên mầu nhiệm bắn một phát trúng tất cả các đích. Bây giờ, mặc dù tôi thật sự tin rằng cách tốt nhất và nhanh nhất để đạt được những thành tựu phi thường trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống là kích hoạt tất cả bảy động cơ tên lửa, nhưng nếu tôi chỉ được phép cho nổ một động cơ duy nhất để biến ước mơ thành hiện thực, thì tôi sẽ chọn động cơ mà tôi gọi là “Mô hình hợp tác Steven Spielberg”. Xin nói nhỏ với bạn, nếu quyển sách này bị cháy và bạn chỉ giữ lại được chương này thì bạn vẫn có cơ hội thắng được lực hút của trái đất và “bay lên cung trăng” đấy.

Sở dĩ tôi dám nói thế là vì động cơ thứ ba này không chỉ mạnh nhất trong số bảy động cơ, mà còn là động cơ mà tôi đã khởi động khi bắt đầu công việc thứ 10 của mình, để từ đó, cuộc đời tôi lật sang một trang hoàn toàn mới. Thành thật mà nói, nếu tôi cho nổ cả sáu động cơ kia mà thiếu động cơ này thì tôi cũng không bao giờ có được những thành quả như ngày hôm nay.

Thế có nghĩa là những động cơ khác không mạnh hay sao? Không phải. Có phải bạn chỉ cần kích hoạt động cơ này là có thể đạt được ước mơ? Tất nhiên là không. Mỗi động cơ trong số sáu động cơ còn lại đều có sức mạnh riêng và tạo ra lực đẩy cực lớn. Nhưng động cơ thứ ba này được đặt ngay ở trung tâm và sức đẩy của nó lớn gấp hai lần mỗi động cơ còn lại. Không những thế, nó còn mang lại sự ổn định và bền vững cho cả chuyến bay. Bạn thấy đấy, bên cạnh việc cung cấp một nguồn lực kinh khủng, nó còn ngăn cản sáu sợi dây xích mà chúng ta đã thảo luận ở những chương trước, không cho chúng níu giữ bạn lại nữa.

PHÉP LẠ CỦA SPIELBERG

Nói rằng tôi ngưỡng mộ Steven Spielberg là cách nói giảm nhẹ. Hai chúng tôi lớn lên trong cùng một vùng, đi học ở cùng một trường và ngồi cạnh nhau trong những trận bóng đá. Tôi thật sự thán phục những điều mà người bạn đồng niên này đạt được trong đời. Spielberg không chỉ nâng tiêu chuẩn làm phim lên một tầm cao không gì sánh nổi mà ông còn khiến cho câu chuyện về lò thiêu người của phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai khắc sâu vào tâm trí của thế hệ trẻ thế giới, cả bây giờ lẫn mai sau (bộ phim Schindler’s List ). Steven là một trong số ít nhà đạo diễn ở Hollywood tài năng và giàu trí tưởng tượng nhất. Chính vì thế, khi nói rằng ông có khả năng đạo diễn tuyệt vời cũng là cách nói giảm nhẹ. Tuy vậy, tất cả những tài năng ấy kết hợp lại cũng không bằng một kỹ năng quan trọng nhất mà ông là bậc thầy: đó là kỹ năng hợp tác hiệu quả.

Kỹ năng hợp tác hiệu quả ví như viên kim cương sáng chói nặng 10 cara. Nó có nhiều mặt cắt, mỗi mặt cắt phản chiếu và khúc xạ ánh sáng tạo nên những gam màu rực rỡ nhất. Cuối cùng, sự kết hợp phi thường giữa những mặt cắt ấy làm khuếch đại sự rực rỡ, sáng chói và chiều sâu của toàn bộ viên kim cương. Khi nói về những người cộng sự, tôi không chỉ nói đến các đối tác về mặt pháp lý hay kỹ thuật, mà tôi còn đề cập đến những người cộng tác chính thức và không chính thức, cũng như các cố vấn, tham mưu, tư vấn, các nhà tài chính, đầu tư, chuyên viên và các chuyên gia bên ngoài.

Khi nói về việc hợp tác hiệu quả, thật ra tôi muốn nói đến hai kỹ năng riêng biệt. Thứ nhất là kỹ năng xác định và tuyển chọn đúng người hợp tác. Thứ hai là kỹ năng tận dụng khả năng của những người này và động viên họ làm việc hiệu quả sau khi họ đã được tuyển. Steven Spielberg thật sự là bậc thầy trong hai kỹ năng này, và sự kết hợp nhuần nhuyễn cả hai kỹ năng đã giúp ông thành thạo trong nghệ thuật hợp tác hiệu quả.

Những định nghĩa quan trọng

Tôi tin rằng định nghĩa về đối tác và sự hợp tác hiệu quả mà tôi đưa ra hết sức quan trọng, cần được nhắc lại và nhấn mạnh.

ĐỐI TÁC: là những người hợp tác chính thức và không chính thức, những nhà cố vấn, tham mưu, tư vấn, các nhà tài chính, đầu tư, chuyên viên và các chuyên gia bên ngoài.

SỰ HỢP TÁC HIỆU QUẢ: là sự kết hợp giữa hai kỹ năng có thể học được:

(1) kỹ năng xác định và tuyển chọn đúng người hợp tác

(2) kỹ năng tận dụng khả năng của đối tác và động viên họ làm việc hiệu quả

TIN XẤU VÀ TIN TỐT

Tin xấu là hai kỹ năng này không tự sinh ra, mà lại là những kỹ năng quan trọng để thành công tột bậc. Chúng cũng không đến một cách tự nhiên hoặc dễ dàng với hầu hết mọi người. Vì vậy, động cơ thứ ba mạnh mẽ nhất này không bao giờ được đa số người đời đưa vào hoạt động.

Tin tốt là cả hai kỹ năng này đều có thể dạy và học được, do đó bất cứ ai cũng có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả. Bạn có thể kích hoạt động cơ này trong một tương lai không xa, và khi làm thế, bạn sẽ tiến nhanh và tiến xa trên con đường đạt được ước mơ của mình, hơn bất cứ thời điểm nào trong đời.

TẠI SAO ĐỘNG CƠ NÀY LẠI QUAN TRỌNG ĐẾN THẾ?

Động cơ này hết sức quan trọng đối với thành công của bạn, bởi vì nó cung cấp cách thức duy nhất giúp bạn vượt qua những trở ngại do việc thiếu kiến thức và thiếu điều kiện gây ra.

Bạn muốn có 80 tiếng một ngày hoặc 1000 ngày một năm? Bạn muốn đạt được những tài năng và khả năng mà bạn khao khát ngay tức thì? Bạn muốn nắm trong tay nhiều tiền hơn tổng số tiền bạn có thể kiếm được suốt cả đời? Động cơ này có thể thực hiện tất cả những “phép lạ” ấy và còn hơn thế nữa. Đây là cách duy nhất giúp bạn gỡ bỏ những rào cản giới hạn các điều kiện của bạn.

Như chúng ta đã khám phá trong chương 8 và 9, việc thiếu kiến thức và thiếu điều kiện là những chướng ngại vật dường như không thể vượt qua đối với hầu hết mọi người. Khi việc thiếu kiến thức hoặc thiếu điều kiện cản đường họ đi đến ước mơ, họ nhanh chóng đầu hàng, quay đầu bỏ đi. Họ thật sự tin rằng mình không biết phải làm gì, hay không có đủ điều kiện để kích hoạt động cơ này. Và nếu họ không đưa cỗ máy này vào hoạt động, con tàu vũ trụ của họ sẽ vĩnh viễn nằm trên bệ phóng.

Như tôi đã đề cập ở những chương trước, những người thực hiện ước mơ không bao giờ để việc thiếu kiến thức hoặc thiếu điều kiện ngăn cản họ nỗ lực hành động đạt được ước mơ. Thay vì thế, bởi vì họ đã học được cách khởi động động cơ của sự hợp tác hiệu quả, họ nhìn nhận những điểm yếu của mình như những cơ hội giúp họ đạt được mức độ thành công mà họ không thể đạt được nếu chỉ dựa vào sức mình.

Một lý do khác giải thích vì sao động cơ này lại cực kỳ quan trọng: nó mang lại cách thức duy nhất để bạn “đặt chân lên mặt trăng” khi bạn nhắm đến mặt trăng.

Trong chương trước, tôi tiết lộ một sự thật rằng kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng chính là bí quyết thành công được sử dụng bởi 1 phần nghìn những người thành công nhất. Nếu những người đó không học cách vận hành cỗ máy này, họ có thể “nhắm tới mặt trăng” nhưng không bao giờ tới đó. Thiếu động cơ này, họ không thể giải phóng mình khỏi trọng lực. Ngược lại, với cỗ máy này, việc đạt được ước mơ không chỉ là điều có thể xảy ra mà sớm muộn gì cũng thành hiện thực!

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KÍCH HOẠT ĐỘNG CƠ NÀY

Bây giờ, khi bạn đã hiểu tại sao việc kích hoạt động cơ này lại quan trọng cho việc đạt được ước mơ của bạn đến thế, đồng thời hiểu được sức mạnh khủng khiếp mà nó tạo ra, đã đến lúc chúng ta đi vào trọng tâm vấn đề. Làm thế nào bạn có thể bắt đầu kích hoạt động cơ này trong những lĩnh vực quan trọng của cuộc sống và làm thế nào để giữ máy nổ đều cho đến khi bạn đạt được ước mơ cao đẹp nhất? Một lần nữa, đây không phải là tài năng bẩm sinh mà là một kỹ năng hoàn toàn có thể tiếp thu và học hỏi. Việc học được kỹ năng này không quá khó khăn nhưng bạn cần dành chút thời gian để học và sử dụng nó. Tuy vậy, thời gian và nỗ lực bạn bỏ ra để học cách sử dụng thành thạo những kỹ năng này sẽ là sự đầu tư mang lại khoản lợi nhuận cao nhất trong tất cả những vụ đầu tư của bạn.

Bước 1: Xác định những loại đối tác bạn cần

Bước đầu tiên để kích hoạt động cơ này là xác định loại đối tác, cố vấn, tham mưu, chuyên gia v.v… mà bạn cần tuyển để biến ước mơ thành hiện thực, đặc biệt là những ước mơ “nhắm đến mặt trăng”. Để làm được điều này, bạn phải (1) có một tầm nhìn rõ ràng và chính xác về ước mơ của bạn; (2) đánh giá đúng về điểm mạnh, điểm yếu, khả năng thật sự của bạn liên quan đến việc đạt được ước mơ đó.

Ví dụ, một trong những ước mơ của tôi là thành công trong kinh doanh. Tôi khá giỏi trong mảng tiếp thị nhưng lại dốt đặc trong lĩnh vực quản trị. Bản tính tôi là người lạc quan và thường nhìn thấy mặt tích cực của cơ hội trước mắt. Điều này khiến tôi trở nên phấn khởi đến mức hiếm khi nhận thấy (hoặc tập trung vào) mặt trái của vấn đề. Tôi rất giỏi trong việc nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát và có thể hoàn tất dự án trong thời gian nhanh nhất, nhưng tôi lại rất kém trong việc triển khai chi tiết công việc. Vì thế, nếu muốn thành công trong kinh doanh, tôi rất cần sự hợp tác của một người “trái dấu” với tôi, tức là một nhà quản lý tài giỏi, biết cảnh giác cao độ trước những rủi ro trong bất cứ dự án hứa hẹn nào, và có thể kiên nhẫn triển khai, giám sát từng bước trong dự án. Nếu bạn không đánh giá chuẩn xác và trung thực những điểm yếu của mình, bạn sẽ không thể xác định được đâu là đối tác bạn cần để đạt được ước mơ.

Nếu bạn nhận thức rõ nguyên tắc này, bạn sẽ không phải chối bỏ những sở đoản của mình nữa. Bạn sẽ không còn căm ghét hay sợ hãi chúng, vì chúng sẽ trở thành đồng minh của bạn trong việc tìm ra những người có thể giúp bạn đạt được ước mơ nhanh hơn và tốt hơn.

Như tôi đã từng nói, một ước mơ khác của tôi là trở thành người chồng tuyệt vời. Ưu điểm của tôi là tôi chịu khó học hỏi, khuyết điểm của tôi là tôi là… một người đàn ông. Nói cách khác, tôi không được sinh ra với vốn kiến thức dồi dào về tâm lý phụ nữ hay sự nhạy cảm để trở thành người chồng mà vợ tôi cần và xứng đáng có được. Thế nên tôi cần một người thầy dạy bảo tôi, khuyên nhủ tôi, mách bảo tôi để tôi có thể đạt tiêu chuẩn người chồng lý tưởng.

Trong bao nhiêu năm, tôi nuôi ước mơ thành lập một ban nhạc để biểu diễn bản giao hưởng trong vở nhạc kịch “William Tell”. Tôi lớn lên trong niềm say mê dành cho bản nhạc này và được tặng một đĩa hát về “William Tell” vào năm tôi học lớp 8. Trong suốt thời trung học và đại học, tôi vẫn thường lắng nghe và hình dung trong đầu cảnh mình chỉ huy dàn nhạc chơi bản nhạc tuyệt vời này.

Năm 1994, cơ hội thực hiện ước mơ cháy bỏng đó xuất hiện trước mắt tôi. Chả là tôi tham dự một sự kiện từ thiện dành cho Bản giao hưởng Utah. Ở đó, người ta bán đấu giá quyền chỉ huy bản giao hưởng này trong buổi biểu diễn sống của “1812 Overture”. Khi tôi hỏi rằng tôi có thể biểu diễn bản giao hưởng “William Tell” nếu tôi đấu giá thắng không, người phụ trách chương trình khẳng định: “Nếu ông đấu giá thắng, tôi sẽ bảo đảm ông có thể biểu diễn bất cứ bản nhạc nào ông muốn”. Tôi rất phấn khởi nhưng không khỏi lo sợ. Nếu tôi thắng, đó sẽ là cơ hội giúp tôi thực hiện ước mơ thời thơ ấu của mình. Nhưng rất có thể tôi sẽ trở thành trò cười trước mặt 80 nhạc công và hàng ngàn khán giả bỏ tiền ra mua vé. Ý nghĩ “làm trò hề” đó khiến tôi kinh hãi.

Trước khi quyết định đấu giá, tôi hỏi ý kiến một người bạn của tôi là Robert Henderson – một phụ tá tài năng trong việc chỉ huy bản giao hưởng Utah – liệu anh có thể giúp tôi diễn tập nếu tôi thắng đấu giá không. Nhận được sự ủng hộ của anh, tôi mới tự tin đấu giá. Và tôi đã thắng. Nếu Robert không đồng ý giúp đỡ và tư vấn tôi trong buổi tập dượt và buổi biểu diễn, tôi sẽ không đấu giá và sẽ không bao giờ thực hiện được ước mơ của mình.

Cuối cùng, tôi luyện tập chỉ huy dàn nhạc một lần vào đêm thứ năm, rồi chính thức đứng ra biểu diễn trước khán giả vào đêm thứ bảy. Cả buổi tập dượt lẫn buổi biểu diễn mang lại sáu phút kỳ diệu nhất trong 48 năm làm người của tôi. Tất cả khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt. Điều đó thật tuyệt vời nhưng cũng không thể sánh bằng cảm giác hân hoan vui sướng tột cùng khi tôi đứng trên bục cao gần một mét trước dàn nhạc đang chơi khúc nhạc mà tôi yêu thích nhất, lớn hơn và tuyệt vời hơn những lúc tôi hình dung trong đầu nhiều. Ước mơ này sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu tôi không thể xác định và tuyển dụng “đối tác” tên là Robert. Một lần nữa, những người bạn cần hợp tác là những người có thể dùng sở trường của mình để bù đắp cho những sở đoản, sự thiếu kiến thức và thiếu điều kiện của bạn.

Quay trở lại ví dụ tâm đắc nhất của tôi về sự hợp tác hiệu quả, ta hãy xem Steven Spielberg xác định những người mà ông muốn hợp tác trước mỗi bộ phim mà ông sản xuất như thế nào. Ông cần một xưởng phim tài trợ khâu sản xuất, tiếp thị và phát hành phim; một người viết kịch bản, một nhà đạo diễn phân vai, các nhà thiết kế và dàn dựng cảnh quay; một nhóm tạo hiệu ứng đặc biệt; một nhóm tạo mô hình; một người làm phim; một phó đạo diễn; những chuyên viên sản xuất; các nhà quản lý sản xuất; một nhóm tìm địa điểm quay; những người đóng thế cảnh nguy hiểm; đạo diễn âm thanh; một người viết nhạc phim; nhà biên tập phim cùng hàng chục và hàng chục người cộng tác “không chính thức” khác.

Ở chương trước, tôi có nói về người phụ nữ tên Sue đã điều chỉnh ước mơ “nhắm đến mặt trăng” của mình thành “một cuộc hôn nhân nơi người chồng có thể đáp ứng mọi nhu cầu tình cảm sâu kín nhất của vợ”. Theo cô, dưới đây là những người cô cần hợp tác để đạt được ước mơ ấy.

Cố vấn:

1. Một phụ nữ có cuộc sống hôn nhân mỹ mãn, trong đó người chồng đáp ứng nhu cầu tình cảm sâu kín nhất của vợ.

2. Một tác giả/nhà tư vấn có thể nói cho cô biết cô cần phải làm gì.

3. Một tác giả/chuyên gia có thể giúp cô biết cách thể hiện nhu cầu và ước muốn của mình để chồng cô hiểu cô hơn và muốn đáp ứng nhu cầu của vợ.

Tư vấn:

1. Bạn bè hoặc họ hàng có cuộc sống hôn nhân tốt đẹp.

2. Nhà tâm lý trị liệu về hôn nhân gia đình.

3. Chồng của những người bạn hay họ hàng đã thành công trong việc đáp ứng các nhu cầu tình cảm của vợ.

Người hợp tác:

Bạn bè hay họ hàng có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và có thời gian gặp gỡ cô thường xuyên.

Như bạn có thể thấy, cô đã thành công trong việc hoàn tất bước đầu tiên kích hoạt động cơ về sự hợp tác hiệu quả.

Bước 2: Xác định những cá nhân hoặc tổ chức cụ thể mà bạn cần tuyển dụng

Một khi bạn đã biết rõ loại người bạn cần tuyển dụng, bước tiếp theo là xác định xem bạn có thể tìm họ ở đâu. Steven Spielberg có nhu cầu hợp tác giống nhau cho từng bộ phim. Một số người ông mời hợp tác nhiều lần, trong khi có những vị trí cần thay đổi. Ví dụ, ông thường mời John Williams viết nhạc phim cho một số dự án phim lớn của ông. Steven đặt ra tiêu chuẩn rất cao trong việc tìm người hợp tác, bao giờ ông cũng nhắm đến người tốt nhất cho một công việc nào đó và kiên quyết không hạ thấp tiêu chuẩn để mời người thứ hai trong danh sách, cho đến khi ông biết rõ người đầu tiên thật sự không thể làm việc cùng ông.

Khi tôi cần tìm một nhạc trưởng cho ban nhạc mà tôi lập ra ở trường đại học, tôi muốn mời một nhân vật chắc chắn là giỏi nhất bang Arizona, đó là Ron Patti. Thật không may, lúc ấy Ron đang chỉ huy năm dàn nhạc khác, làm việc toàn thời gian, có vợ và ba con nhỏ, đồng thời cố gắng duy trì điểm trung bình tuyệt đối để lấy bằng tiến sĩ. Ron không biết tôi là ai, thế nên khi tôi nói với ban nhạc rằng tôi muốn mời Ron làm nhạc trưởng, ai nấy đều nghĩ là tôi bị khùng. Nhưng Ron là người đứng đầu danh sách hạng nhất mà tôi nhắm đến và tôi thậm chí không muốn xác định người đứng thứ hai nếu tôi chưa bị người thứ nhất từ chối. Khi ấy tôi đang là sinh viên năm hai.

Bước 3: Tuyển dụng những người mà bạn xác định là đối tác, cố vấn… tiềm năng

Đây có thể là bước khó nhất trong quá trình này: làm sao tuyển được những người giỏi nhất. Xin bạn lưu ý rằng tôi nói bước này có thể là khó nhất chứ không khẳng định là nó khó nhất. Đối với đa số mọi người, đây không chỉ là công đoạn khó nhất mà còn là điều không thể vượt qua; nó ngăn cản họ không khởi động được động cơ mạnh nhất trong tên lửa Saturn V của họ. Tuy nhiên, đối với đa số những người thực hiện ước mơ, bước này không hề khó khăn. Tôi sẽ hướng dẫn bạn những kỹ thuật cụ thể giúp bạn thực hiện bước này dễ dàng hơn nhiều.

Sau khi mọi người trong ban nhạc cho là tôi không có cách nào mời được Ron Patti, tôi đâm ra ngại liên lạc với anh. Nhưng anh vẫn là vị nhạc trưởng mà tôi mong muốn. Thế là tôi vạch ra một chiến lược, bắt đầu bằng một cú điện thoại. Lúc ấy tôi chưa biết rằng nó sẽ trở thành một chiêu thức và kỹ thuật mà tôi sử dụng trong suốt cuộc đời mình để tuyển chọn đối tác và cố vấn. Phương pháp này mang lại tỷ lệ thành công cực kỳ cao.

Khi tôi gọi cho Ron, anh lịch sự nghe tôi trình bày, trước khi nói cho tôi biết những trách nhiệm mà anh đang phải gánh vác. Anh không nghĩ mình có thể nhận thêm một công việc nào khác. Nghe thế, tôi bèn đề nghị anh bớt chút thời gian gặp chúng tôi một lần, cho chúng tôi vài lời khuyên và tập dượt với chúng tôi trong vòng một tiếng đồng hồ thôi. Rõ ràng là anh cảm thấy thương hại chúng tôi (còn gì thê thảm hơn là một ban nhạc không có nhạc trưởng). Trong giây phút yếu lòng, anh nhận lời tập với chúng tôi một buổi. Trong suốt bốn tuần trước đó, chúng tôi đã tập hai buổi một tuần. Trước sự kinh ngạc của tôi, chỉ trong 10 phút đầu, anh đã giúp chúng tôi tiến xa hơn nhiều so với những gì chúng tôi tập được trong 20 giờ trước. Cuối buổi tập hôm đó, anh đồng ý gặp chúng tôi một lần nữa vào tuần tiếp theo. Nói ngắn gọn, cuối cùng anh đã trở thành nhạc trưởng của chúng tôi và từ đó, cuộc sống của mỗi người chúng tôi đã thay đổi. Không những thế, Ron còn là người cố vấn và người bạn thân suốt đời của tôi.

VẪN ÔNG CHỒNG CŨ… NHƯNG HÔN NHÂN THÌ MỚI

Trở về câu chuyện của Sue bạn tôi, người nuôi mơ ước được chồng đáp ứng mọi nhu cầu tình cảm sâu kín nhất của mình, cô cho rằng Gary Smalley là nhà cố vấn tốt nhất cho cuộc hôn nhân của mình.

Biết rằng không thể gặp mặt Gary trực tiếp, cô tìm đọc sách và xem những cuốn băng của ông. Bạn thấy đấy, không nhất thiết phải gặp mặt một người để họ trở thành đối tác hay cố vấn của bạn. Đọc sách và xem băng của Gary nhiều khi còn tốt hơn cả việc gặp mặt ông, vì Sue có thể làm việc này vào bất cứ lúc nào cô muốn, trong bao lâu tùy thích. Thông qua những quyển sách và băng, Gary dạy cô cách giao tiếp hiệu quả với chồng. Cô học được cách nói chuyện với chồng sao cho anh ấy không chỉ hiểu điều cô nói mà quan trọng hơn, thật sự cảm nhận được cảm xúc của vợ.

Chồng Sue cảm động trước những thay đổi của vợ mình trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu của anh đến nỗi anh bắt đầu xem những cuốn băng của Gary. Giờ thì Sue cho cuộc hôn nhân của mình điểm 10 tuyệt đối. Chồng cô không những ngừng chỉ trích vợ (ước mơ đầu tiên của cô), anh còn học cách đáp ứng những nhu cầu sâu kín nhất của vợ một cách thường xuyên. Thế là ước mơ không tưởng của cô đã thành sự thật thông qua Quy Trình Hiện Thức Hóa Ước Mơ, kỹ thuật Bay Lên Cung Trăng cùng với việc xác định và tìm được nhà tư vấn thích hợp.

Bạn còn nhớ câu chuyện về June Morris, người hàng xóm của tôi đã mở hãng hàng không trong thời kỳ khủng hoảng không? Tôi có nói chuyện với con trai bà, Rick, anh ấy nói rằng yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của mẹ anh là khả năng tìm và tuyển dụng đối tác, nhân lực để đặt vào những vị trí quan trọng. Anh nói rằng bà chia cổ phần cho những người chủ chốt rộng rãi đến nỗi những người khác nghĩ rằng bà đã cho quá mức cần thiết. Nhưng bạn có thể nói cho tôi biết ai là người đúng, ai là người sai – những người chỉ trích bà vẫn phải vất vả kiếm kế sinh nhai hay là June, người đã bán hãng hàng không phát đạt của mình với giá 130 triệu đô?

BỮA ĂN TRƯA TRỊ GIÁ HÀNG TRIỆU ĐÔ

Sau khi nhà xuất bản Simon & Schuster ấn hành quyển “Sổ tay triệu phú” của tôi vào tháng 1 năm 1996, tôi bắt đầu nhận được nhiều lá thư đề nghị tôi trở thành cố vấn của họ và mong muốn công ty tôi hợp tác với họ. Tôi nhận được gần 1000 lá thư như vậy trong vòng chưa đến một năm. Mặc dù tôi rất cảm động khi đọc từng lá thư, chỉ có một lá thư duy nhất làm theo những chiến lược và kỹ thuật mà tôi đã hướng dẫn trong sách về việc tìm cố vấn. Không hề nhận ra người viết đã dùng chính kỹ thuật của mình để thuyết phục mình, tôi lập tức muốn phản hồi lại lá thư này và gặp mặt tác giả của nó.

Tôi gọi ngay cho người gửi thư khi vừa nhận lá thư và chúng tôi thu xếp một buổi ăn trưa với nhau. Anh ấy đến cùng một đối tác và họ hỏi ý kiến tôi về lời đề nghị mua lại công ty của họ từ một ngân hàng lớn. Tôi chia sẻ với họ cách trả lời ngân hàng đó, cho dù lời đề nghị hấp dẫn đến mức nào. Sau đó, họ làm theo lời khuyên của tôi và kết quả là ngân hàng đó đưa ra mức giá cao hơn hàng triệu đô.

Tôi cảm thấy ấn tượng với hai người bạn trẻ này đến nỗi, vài tháng sau chúng tôi hợp tác với nhau trong một vụ làm ăn mà tôi tin là sẽ mang lại một khoản thu nhập lớn cho mỗi người. Tất cả đều nhờ vào việc họ đã sử dụng những phương thức và kỹ thuật mà tôi đưa ra trong quyển sách đầu tiên; bạn cũng sẽ tìm thấy những điều này ở phần cuối chương này.

TRÁNH NHỮNG ĐỐI TÁC KHÔNG THÍCH HỢP CŨNG QUAN TRỌNG KHÔNG KÉM VIỆC TÌM ĐÚNG NGƯỜI ĐỂ HỢP TÁC

Tôi diễn thuyết khá nhiều và gần như lần nào tôi cũng nói đến tầm quan trọng của sự hợp tác hiệu quả. Trong hầu hết những buổi nói chuyện ấy, bao giờ cũng có ít nhất một người trong số khán giả đến gặp tôi sau đó và kể cho tôi nghe câu chuyện đáng sợ về một vụ hợp tác mà anh ta hay chị ta tham gia. Rõ ràng, họ chịu thiệt thòi ghê gớm bởi những hành động hoặc không hành động của các đối tác của họ. Một trong những người bạn thân của tôi suýt nữa thì mất hết gia sản vì những hành vi bất hợp pháp của một người chung vốn làm ăn với anh. May mà cuối cùng anh được cứu thoát nhờ một thành viên trong ban hội đồng quản trị đã ghi âm lại một buổi họp hội đồng và chứng minh được rằng bạn tôi không hề hay biết gì về những hoạt động bất hợp pháp của người kia.

Nếu trên đời không có gì giúp thành công của bạn tiến nhanh hơn, vững chắc hơn bằng sự hợp tác hiệu quả thì cũng chẳng có gì khiến bạn thất bại nhanh hơn và thê thảm hơn bằng việc hợp tác với nhầm người. Đó là lý do tại sao việc bạn làm theo những phương pháp và kỹ thuật ở cuối chương này để xác định và tuyển chọn đúng đối tác lại quan trọng đến thế. Như bạn sẽ thấy, một trong bảy phương pháp lựa chọn đối tác là tìm hiểu tính cách và lòng chính trực của những người mà bạn muốn hợp tác. Mặc dù phương pháp này đứng thứ 4 trong danh sách nhưng thật ra nó quan trọng nhất. Nếu đối tác của bạn không có đạo đức thì sớm muộn gì anh ta hay chị ta cũng sẽ phản bội bạn, lừa dối bạn, những người trong công ty bạn hoặc khách hàng của bạn.

Mới sáng nay tôi vừa nhận được điện thoại từ một người bạn thuở còn đi học. Tên anh là Ron Carter và đã nhiều năm qua chúng tôi không liên lạc với nhau. Anh đọc quyển sách đầu tay của tôi và sau khi đọc xong chương nói về sự hợp tác thì anh quyết định gọi điện cho tôi. Ron kể cho tôi nghe câu chuyện buồn của mình, rằng đối tác làm ăn của anh đã gian lận lấy mất số tiền 250 ngàn đô khiến công ty anh phải đóng cửa còn Ron thì mất trắng. Mặc dù trải qua kinh nghiệm cay đắng này, anh vẫn đồng ý với tôi rằng sự hợp tác là thành phần không thể thiếu trong công thức thành công tột bậc, và việc tìm đúng đối tác và tránh những đối tác xấu đều quan trọng như nhau. Từ bài học xương máu của mình, anh nói giá như anh thận trọng hơn trong việc xem xét tính cách và đạo đức của người hợp tác thì ngày hôm nay anh đã sở hữu một doanh nghiệp ăn nên làm ra và có nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng hơn.

Tôi hỏi Ron tại sao anh không tìm hiểu kỹ tính cách người này trước khi bắt tay vào làm việc với anh ta. Ron đáp, anh quá quý mến người này và đánh giá cao khả năng của anh ta nên không bận tâm đến việc tìm hiểu tính cách. Thật ra tôi đã nghe hàng trăm câu chuyện tương tự như vậy kể từ khi tôi viết quyển “Sổ tay triệu phú”. Khi chúng ta choáng ngợp trước những ưu điểm và tài năng của người khác mà chúng ta còn thiếu, chúng ta thường không nhận ra hoặc quyết định bỏ qua những khiếm khuyết trong tính cách của họ. Chúng ta coi nhẹ, thậm chí biện minh cho những thiếu sót này, bởi vì lúc ấy chúng ta mong muốn có được những lợi ích do tài năng hoặc sở trường của người này đem lại. Những câu chuyện về sự hợp tác có kết cục thảm hại mà tôi biết đều có thể tránh được nếu chủ thể quan tâm khám phá tính cách của đối tác. Nhưng tính cách không phải là vấn đề duy nhất cần tìm hiểu đến tận ngọn nguồn.

Bạn cũng cần biết rõ đối tác là người của lý thuyết hay thực hành. Thế giới đầy rẫy những cái đầu nhiều ý tưởng nhưng chỉ biết nói suông. Đây là những người mà tôi tránh xa khi tìm sự hợp tác. Đối tác tương lai của bạn phải là những người sẵn sàng xắn tay vào làm việc hết mình để giúp bạn đạt được mục tiêu. Muốn vậy, bạn cần tìm hiểu liệu anh ta có thật sự ủng hộ tầm nhìn của bạn và quyết tâm thực hiện nó hay không. Rất nhiều doanh nhân tâm sự với tôi rằng, trong khi họ nai lưng ra làm việc từ 60 đến 80 tiếng một tuần, đối tác của họ chỉ biết “cưỡi ngựa xem hoa”. Bạn cứ yên trí, tôi sẽ giải quyết tất cả những vấn đề này ở cuối chương.

Bước 4: Động viên và tận dụng hiệu quả những người hợp tác chính thức và không chính thức

Nhiều người không để tâm đến bước này và kết quả là họ gặp còn nhiều rắc rối hơn bất cứ bước nào khác. Nếu bước này không được thực hiện đúng cách, toàn bộ sự hợp tác sẽ trở nên vô dụng. Ngược lại, nó có thể củng cố sức mạnh cho sự hợp tác hơn bao giờ hết.

Cuộc đua 50 triệu đô

Giả sử bạn có cơ hội tham dự một cuộc đua thuyền. Người chiến thắng sẽ nhận giải thưởng 50 triệu đô. Tất cả những người dự thi khác đều được trang bị những chiếc thuyền bình thường có gắn động cơ bên ngoài từ 50 đến 80 mã lực. Riêng bạn thì được bố trí đặc biệt một chiếc thuyền có động cơ bên trong tới 400 mã lực. Như vậy, bạn có đủ điều kiện để không chỉ chiến thắng cuộc đua mà còn có thể chạy nhanh hơn gấp 4-5 lần đối thủ về nhì. Nghĩ đến đây, bạn vui sướng hình dung những gì mình có thể làm được với số tiền 50 triệu đô đó.

Bây giờ hãy giả sử trước khi cuộc đua bắt đầu, bạn hoảng hốt vì không tìm thấy chìa khóa để khởi động thuyền. Bạn nghe thấy tiếng động cơ nổ giòn giã của những chiếc thuyền bên cạnh, rồi cờ hiệu được phất lên. Tất cả những vận động viên khác phóng vút đi và mặc dù thuyền của họ không nhanh và mạnh như thuyền của bạn, họ vẫn bỏ xa bạn với chiếc thuyền chết máy tại vạch xuất phát. Bạn nghĩ đến giải thưởng 50 triệu đô mà bạn có thể nắm lấy dễ dàng… chỉ cần bạn cho nổ được động cơ. Trong nỗi tuyệt vọng tìm chìa khóa, bạn có thể la hét, nguyền rủa, thậm chí đe dọa các thành viên trên thuyền nhưng chiếc thuyền vẫn nằm yên tại chỗ. Cuối cùng, khi nhận ra rằng bạn không thể nào tìm thấy chìa khóa để khởi động máy, bạn đành hô hào mọi người trên thuyền chèo cật lực bằng mái chèo.

Câu chuyện trên nghe có vẻ nực cười, nhưng lại phản ánh hoàn cảnh thực tế của vô số cá nhân và công ty. Nhiều người thành công trong việc xác định và tuyển dụng một đội ngũ lý tưởng, nhưng lại không biết dùng người. Họ không biết cách tận dụng khả năng và động viên từng thành viên trong nhóm làm việc và phối hợp với nhau một cách hiệu quả. Họ không tìm thấy “chìa khóa” kích hoạt động cơ, dẫn đến việc nguồn tiềm năng không được khai thác đúng mức. Thật là lãng phí! Nếu vậy thì cho dù bạn có thể tập hợp được những người tài năng nhất thiên hạ, thuyết phục họ về làm việc với mình, bạn vẫn thất bại như thường.

Trong khi đó, nếu có thể tìm ra chìa khóa để tận dụng được khả năng và động viên đối tác làm việc một cách hiệu quả, bạn có thể đạt được những thành tích tột bậc, vượt xa những người tài năng gấp mấy lần bạn. Tính hiệu quả của việc sử dụng và truyền động lực cho những người hợp tác với bạn chiếm đến 99% kết quả chung cuộc. Nếu bạn cảm thấy điều này khó tin, vậy bạn nghĩ làm thế nào mà những nhóm phiến quân rệu rã ở Afghanistan đánh bại được quân đội và không lực Nga siêu việt và hùng hậu? Làm thế nào mà Henry Ford có thể biến một công ty từ trong nhà để xe của mình thành một công ty hùng mạnh, vượt xa những công ty lâu đời đáng giá hàng triệu đô khác? Làm thế nào mà một công ty nhỏ bé như công ty chúng tôi (American Telecast) có thể đánh bại nhiều công ty sừng sỏ trên thương trường có quy mô lớn hơn chúng tôi hàng trăm lần, trong khi không ai trong chúng tôi có tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, thậm chí sáu trong bảy người hợp tác với nhau chẳng có chút xíu kinh nghiệm nào? Vậy mà, chỉ sau vài năm, hiệu suất làm việc của công ty chúng tôi (theo định nghĩa của tạp chí Forbe về hiệu suất) đã tăng cao hơn bất cứ công ty nào trên sàn chứng khoán Mỹ. Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này nằm gọn trong ba từ: tận dụng, quyết tâm và động lực.

ĐỐI TÁC TỐT + TẬN DỤNG KÉM HIỆU QUẢ = LÃNG PHÍ TIỀM NĂNG VÀ THẤT BẠI

Một trong những người bạn của tôi làm chủ một công ty có mức độ thành công vừa phải. Cô có nhiều đối tác và nhân viên giỏi. Vậy mà cô đang “chèo” chiếc thuyền doanh nghiệp của mình đến đích bằng tay chứ không sử dụng động cơ 400 mã lực. Vấn đề là ở chỗ, cô sợ thất bại đến nỗi cô cho rằng mình phải kiểm soát mọi việc và can dự vào tất cả những quyết định lớn nhỏ của bất cứ phòng ban nào trong công ty, bất kể những người quản lý tài năng đến đâu. Điều này không những lãng phí thời gian, sức lực của bản thân cô mà còn làm cho những người làm việc với cô nản lòng. Nếu cô biết cách giao phó công việc và tận dụng điểm mạnh của từng nhân viên, cô sẽ không những tận hưởng cuộc sống nhiều hơn, mà công ty của cô cũng sẽ hoạt động tốt hơn nhiều. Đó là sự khác biệt giữa việc chèo thuyền bằng tay và việc sử dụng cỗ máy 400 mã lực.

Một người bạn khác của tôi sở hữu một công ty khổng lồ có tới hàng ngàn nhân viên. Anh là một người rất đáng yêu, luôn hết lòng truyền nhiệt huyết và động lực cho nhân viên và ban quản lý kể từ khi anh mở công ty cho đến nay. Đó không chỉ là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công vượt bậc của công ty, mà còn khiến tất cả nhân viên trong công ty gần như không nề hà làm bất cứ việc gì để chứng tỏ lòng trung thành và gắn bó với ông chủ. Thật không may, có một người nắm giữ cương vị chủ chốt trong công ty dùng nỗi sợ hãi để kiểm soát và thúc đẩy cấp dưới thay vì dùng tình cảm. Kết quả, hàng chục nhân viên quan trọng trong công ty trở nên nản lòng và điều đó bắt đầu thể hiện trong hiệu suất làm việc của họ.

Trong tám công việc đầu tiên của mình, hầu như tôi chẳng đạt được một thành tích nào đáng kể và cũng chẳng cống hiến gì nhiều cho những nơi tôi làm việc. Trong công việc thứ 9, cố vấn của tôi và tôi cùng tạo ra một chiến dịch tiếp thị giúp nhân đôi doanh thu hàng năm của công ty từ 30 lên 60 triệu đô. Trong công việc thứ 10, tôi đã tạo ra những chiến dịch mang lại hơn một tỷ đô doanh thu và hơn 100 triệu đô lợi nhuận cho tôi và sáu đối tác khác. Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa tám công việc đầu tiên với công việc thứ 9 và 10 của tôi? Trong công việc thứ 9, tôi tìm được một người cố vấn, và lần đầu tiên trong đời, khả năng kinh doanh của tôi được tận dụng một cách hiệu quả.

Trong công việc thứ 10, sở trường và tài năng của tôi còn được tận dụng hơn bao giờ hết, Bob Marsh, người thầy lớn đồng thời là sếp của tôi, biết cách động viên tôi và cộng sự bằng một tấm lòng mà tôi chưa từng nhận được trong một môi trường làm việc nào trước đây. Thật vậy, Bob Marsh là người có tài khích lệ và trọng dụng người tài hơn bất cứ ai mà tôi từng biết.

CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ THÚC ĐẨY VÀ TẬN DỤNG KHẢ NĂNG CỦA ĐỐI TÁC MỘT CÁCH HIỆU QUẢ

Nguồn động viên công hiệu nhất trong cuộc sống chính là tình yêu thương. Dù bạn là người cho hay người nhận thì tình yêu thương bao giờ cũng giúp tăng năng suất làm việc của bạn lên cao hơn bất cứ yếu tố nào khác. Tuy vậy, khi nói đến sự hợp tác, dù trong công việc hay cuộc sống cá nhân, chúng ta hiếm khi nào dùng tình yêu thương như một phương tiện để khích lệ những người cộng tác với mình. Con người, nhìn chung, có khuynh hướng dùng những thủ thuật lôi kéo, hoặc thông thường hơn nữa là dùng nỗi sợ hãi. “Nếu anh không thể làm theo cách tôi muốn, tôi sẽ tìm người khác làm thay anh” hoặc “Tốt nhất là anh làm việc này đi, nếu không thì…” là những câu nói điển hình cho việc dùng nỗi sợ hãi để thúc đẩy người khác. Mặc dù nỗi sợ hãi là nguồn thúc đẩy rất hiệu nghiệm, nó cũng gây ra tác hại tiêu cực và làm người khác xuống tinh thần trầm trọng. Nỗi sợ có thể sai khiến người khác làm theo ý bạn bây giờ nhưng về lâu dài, họ không bao giờ làm hết khả năng của mình. Khi một người bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi, họ chỉ làm việc bằng ý chí chứ không phải bằng con tim. Mà chỉ có con tim mới giúp công việc hoàn thành trên mức mong đợi, đưa ra những sáng kiến có giá trị và mang lại những cống hiến phi thường.

Hãy suy nghĩ về điều này. Hãy nghĩ về những thời điểm mà ông chủ, thầy cô hoặc cha mẹ đe dọa bạn. Khi họ nói ra hoặc ám chỉ rằng, nếu bạn không làm việc này việc kia thì bạn sẽ lãnh hậu quả, bạn thường làm gì? Chắc chắn bạn sẽ chỉ làm theo đúng những gì được yêu cầu, không hơn không kém. Bạn sẽ vâng lời và thực hiện công việc một cách máy móc, chứ không đặt toàn bộ tâm trí vào đó. Hãy nhớ lại những năm tháng tuổi thơ của mình. Khi cha mẹ bạn ra điều kiện, “Dọn dẹp phòng của con ngay, nếu không con sẽ không được đi chơi”. Chắc hẳn bạn sẽ chỉ quét dọn phòng vừa đủ để khỏi bị cấm đi chơi. Tôi không tin là bạn sẽ đáp trả lời đe dọa này bằng cách lau dọn phòng mình và các phòng khác sạch sẽ, sau đó còn rửa chén bát và cắt cỏ nữa.

Bây giờ, giả sử bạn đang ở nhà và nhận được cú điện thoại từ cô người yêu. Bạn yêu nàng say đắm và lúc nào cũng nghĩ đến nàng. Hãy tưởng tượng nàng ấy gọi cho bạn và nhỏ nhẹ nói, “Anh à, em muốn dành cho bố mẹ em một bất ngờ… em quyết định sẽ lau nhà sạch bóng, rửa hết chén bát và cắt cỏ xong xuôi trước khi bố mẹ em về nhà tối nay. Nhưng mà một mình em không thể làm hết ngần ấy việc… Anh có thể đến đây giúp em một tay không?”.

Tôi chắc là bạn sẽ ngưng hết mọi việc đang làm, ba chân bốn cẳng chạy đến nhà nàng nhanh như một cơn lốc. Bạn sẽ làm hết mọi thứ với sự nhiệt tình và độ khéo léo mà cha mẹ bạn không dám mơ là sẽ thấy ở con mình.

Ấy vậy mà, đáng tiếc làm sao, hầu hết các bậc cha mẹ, vợ chồng, thầy cô, những người có chức quyền trong một doanh nghiệp hay tổ chức lại liên tục dùng nỗi sợ hãi như một công cụ bắt người khác tuân theo ý mình. Chính vì thế mà công việc may mắn lắm mới được hoàn thành đúng yêu cầu, còn thường thì tệ hơn.

American Telecast trở thành một trong những công ty có hiệu suất làm việc cao nhất bởi vì Bob Marsh biết yêu thương cộng sự và nhân viên của mình, luôn đối xử với họ bằng tình cảm chân thành và lòng kính trọng. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều doanh nhân dùng tình yêu thương của mình theo cách ấy và sự thành công của họ, cũng như chúng tôi, gần như là một phép lạ.

BẠN CÓ THỂ DÙNG TÌNH YÊU THƯƠNG ĐỂ TRUYỀN ĐỘNG LỰC CHO NGƯỜI KHÁC NHƯ THẾ NÀO?

Chắc hẳn chủ đề về tình yêu thường gây nhiều sự hiểu lầm và ngộ nhận hơn bất cứ chủ đề nào đã được thảo luận hoặc viết ra. Hai quyển sách đầu tiên của tôi, tôi viết chung với Tiến sĩ Gary Smalley vào năm 1979. Theo ý kiến của tôi, Gary là chuyên gia số một ở Mỹ về tình yêu, các mối quan hệ và hôn nhân. Mặc dù còn lâu tôi mới được gọi là chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng sau khi viết sách cùng anh và tạo ra 18 cuốn băng của anh mang tên, “Bí quyết xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp” (Hidden Keys to Loving Relationships), ít nhất thì tôi cũng trở thành người hâm mộ anh nhất và là một học trò giỏi của anh.

Khi nghĩ về tình yêu, người ta thường nghĩ đến những câu chuyện tình hoặc những cảm xúc lãng mạn khi yêu. Hàng ngàn quyển sách và hàng triệu trang giấy đã được viết về cảm xúc này, nhưng đây không phải là loại tình yêu mà tôi nói tới. Tôi muốn nói về cái mà Gary gọi là tình cảm chân thật hay sự tận tụy. Tình cảm này dựa trên quyết định tôn trọng và đề cao người khác, cảm xúc của họ, ý kiến của họ, thời gian, sự lo lắng và quyết tâm của họ. Thật vậy, Gary còn tổ chức một buổi hội thảo mang tên, “Tình yêu là một quyết định”. Gary và tôi đồng ý với nhau rằng, quy luật thứ nhất của tình yêu và là nền tảng để tình yêu chân thật đâm chồi nảy lộc chính là khái niệm về sự tôn trọng.

Một trong những ví dụ minh họa tốt nhất cho cái mà tôi gọi là quy luật thứ nhất của tình yêu chính là một sự kiện đã xảy ra khi chúng tôi quay phim buổi hội thảo của Gary vào năm 1988. Nếu bạn đã đọc quyển “Sổ tay triệu phú”, tôi xin lỗi vì phải lặp lại câu chuyện này, nhưng đây là ví dụ minh họa tốt nhất và chính xác nhất về những điều tôi muốn nói.

Chúng tôi quay cuốn băng video đầu tiên của Gary trước khoảng 800 khán giả ở Phoenix, bang Arizona. Sau vài phút mở đầu, Gary tiến đến bên bàn và cầm lên một cây đàn vĩ cầm cũ kỹ, tơi tả. Cầu ngựa đã bị bể và treo lủng lẳng trên mấy sợi dây đàn. Giơ cây đàn lên cho mọi người xem, Gary hỏi cử tọa xem họ nghĩ cây đàn này đáng giá bao nhiêu. Ai nấy cười ồ lên. Như những người khác có mặt trong khán phòng, tôi đoán cùng lắm cây đàn này bán được từ 10 đến 20 đô. Lúc ấy, Gary xin phép đọc cho mọi người nghe dòng chữ viết trong cây đàn: “Năm 1723, Antonin Stradivarius(1)”. Khi anh đọc xong, cả khán phòng lặng đi, ai nấy há hốc mồm vì kinh ngạc. Khi Gary chuyền cây đàn cho những người ngồi ở hàng ghế đầu xem, họ nhẹ nhàng nâng niu nó với vẻ đầy kính trọng.

Đây là đoạn thú vị nhất. Trước khi Gary đọc dòng chữ khắc trên cây đàn, cả 800 người có mặt đều phá lên cười khi thấy một cây đàn xấu xí, vô giá trị. Đó là cách họ nhìn nhận và phản ứng với cây đàn này lúc đầu. Vậy mà chỉ vài phút sau, cùng những người đó lại nâng niu nó như một báu vật. Điều gì đã thay đổi vậy? Chẳng có gì hết. Nó vẫn là một cây đàn cũ kỹ tàn tạ.

Trước khi Gary đọc dòng chữ khắc trên cây đàn, tôi cá là không ai trong số 800 người chịu bỏ 50 đô ra để mua nó. Nhưng sau đó, có thể sẽ có vài người trong đám đông dưới kia – một cách vui sướng – sẵn lòng chi hết số tiền có trong tài khoản ngân hàng để được sở hữu cây đàn đó. Cùng một miếng gỗ cũ kỹ tơi tả, nhưng 800 người đều quyết định trân trọng và đánh giá cao giá trị của nó. Họ không còn nhìn nó như một món đồ vứt đi nữa mà trân trọng nó như một báu vật.

Bạn có thể chọn tôn trọng và ngưỡng mộ bất cứ ai hay bất cứ điều gì bạn muốn. Bất kể hình thức bên ngoài thế nào, khi tìm hiểu kỹ, bạn sẽ nhìn thấy bên trong hầu như bất cứ con người nào cũng có những điểm xứng đáng được ngợi khen và tôn trọng. Với một điều kiện duy nhất, bạn phải lựa chọn tôn trọng người ấy. Quyết định tôn trọng và đánh giá cao một người, bất kể họ là ai, làm việc gì, chính là cơ sở của tình cảm chân thật. Đó cũng là thứ tình yêu mà tôi muốn nói đến khi bàn về việc dùng tình yêu thương để động viên và thúc đẩy người khác.

MICHAEL LANDON CHỨNG MINH RẰNG TÌNH YÊU LÀ NGUỒN ĐỘNG LỰC TUYỆT VỜI NHẤT, THẬM CHÍ Ở CẢ HOLLYWOOD

Một trong những lý do khiến tôi dành sự ngưỡng mộ sâu sắc cho Michael Landon chính là cách anh đối xử với các diễn viên và những thành viên trong nhóm làm phim của mình. Cũng giống như cố vấn của tôi, Bob Marsh, anh dùng tình yêu thương để khích lệ tất cả những ai làm việc cho anh. Trong suốt ba thập kỷ, Michael Landon là một trong những tên tuổi lẫy lừng nhất ở Hollywood và chắc chắn là một trong những ngôi sao truyền hình thành công nhất trong lịch sử truyền hình. Tuy vậy, anh đối đãi với bất cứ ai làm việc với mình như thể họ cũng quan trọng như chính bản thân anh. Phải, anh là sếp của họ, nhưng anh cũng là người thầy, người cộng sự lặng lẽ, nhà tư vấn và người bạn tốt của họ. Anh xem họ như người thân trong gia đình. Anh tôn trọng từng người trong số họ và đề cao đóng góp của họ cho những thước phim của mình. Kết quả thế nào? Nhóm làm phim của anh nằm trong số những nhóm làm việc đạt năng suất cao nhất trong lịch sử truyền hình. Bộ phim truyền hình nhiều tập “Highway to Heaven” (Đường tới thiên đường) là bộ phim duy nhất mà mỗi tập phim dài 60 phút được chiếu mỗi tuần có kinh phí sản xuất thấp hơn số tiền dự kiến. Yếu tố này mang lại lợi nhuận cuối năm đáng kể cho công ty làm phim của Michael. Anh có thể mang hết số tiền ấy về nhà mình, sau cùng đó là công ty của anh và bộ phim của anh kia mà. Anh không chỉ đóng vai chính trong phim, anh còn là người nghĩ ra câu chuyện, thường viết kịch bản và đạo diễn các tập phim. Nhưng ôm hết lợi nhuận về mình không phải là phong cách của Michael. Thay vào đó, ngay trước khi nhóm làm phim của anh hoàn thành cảnh quay cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, hai chiếc xe tải lớn (loại 18 bánh xe) xuất hiện, chở đầy những chiếc tivi Sony 26-inch mà Michael đã mua cho toàn bộ nhóm làm phim của mình – 150 người cả thảy. Bên cạnh đó, anh còn dùng hầu như toàn bộ số lợi nhuận còn lại trong năm để thưởng cho nhân viên.

Bạn nghĩ xem, vậy thì nhân viên của Michael sẽ làm việc chăm chỉ đến mức nào? Họ sẽ tràn đầy động lực và quyết tâm làm việc để đạt mục tiêu của anh đề ra cho từng bộ phim ra sao? Tôi có thể nói với bạn từ kinh nghiệm của mình rằng, những người làm việc cho Michael Landon sẵn sàng làm việc cho anh với năng suất 110% đấy!

Dùng tình yêu thương như một nguồn động lực với các đối tác, những thành viên trong gia đình và cả những người khác có nghĩa là đối xử với họ theo cách mà bạn muốn được đối xử đúng như vậy; có nghĩa là dành thời gian lắng nghe ý kiến của họ, để biết về những ước mơ, mục tiêu của họ và giúp họ đạt được những điều đó. Trong môi trường kinh doanh, điều đó có nghĩa là chia sẻ một phần lớn lợi nhuận với những người có đóng góp đáng kể; có nghĩa là tạo cơ hội cho họ được bước vào vị trí đánh bóng, giúp họ rút kinh nghiệm sau những lần đánh trượt; có nghĩa là vừa đóng vai một huấn luyện viên vừa đóng vai người ủng hộ; có nghĩa là quyết định làm tất cả những việc này, kể cả khi bạn không muốn làm. Khi bạn học cách khích lệ người khác bằng tình yêu thương, lòng tôn trọng và sự công nhận, bạn sẽ chứng kiến mức độ làm việc và thành quả mà họ đạt được vượt xa hơn bất cứ mức độ nào có thể đạt được bằng cách sử dụng những hình thức thúc đẩy khác.

“CHO TÔI THẤY TIỀN”: ĐỒNG TIỀN CÓ SỨC THÚC ĐẨY MẠNH MẼ TRONG CÔNG VIỆC

Không ai xem qua bộ phim “Jerry Maguire” mà quên được câu nói, “Cho tôi thấy tiền”. Tôi từng làm việc cho một người thường thân thiện vỗ vai tất cả mọi người trong công ty và nói rằng ông yêu quý họ đến nhường nào. Tuy vậy, không một đồng xu lợi nhuận nào có thể lọt qua kẽ tay của ông. Thật sự, ông nổi tiếng là người trả tiền công rẻ mạt cho nhân viên của mình. Tôi đầu quân vào công ty của ông vào tháng 3 năm 1975 (công việc thứ 7 của tôi) với mức lương khởi điểm thấp hơn những gì tôi mong muốn chỉ vì ông hứa sẽ tăng lương cho tôi vào ngày 1 tháng 7. Từ tháng 3 đến tháng 7, tôi chăm chỉ làm việc và giúp nâng mức doanh thu bán hàng của công ty lên đáng kể. Đầu tháng 7, đúng hẹn tôi bước vào phòng làm việc của ông để nhắc ông về việc tăng lương. Ông nhìn tôi ngơ ngác, rõ ràng ông đã quên bẵng lời hứa của mình. “Tôi không thể đi vào vấn đề này ngay bây giờ, ngày mai ta sẽ nói chuyện này nhé”, ông bảo tôi. Ngày hôm sau, ông cho tôi nghỉ việc. Công ty của ông sập tiệm một vài năm sau đó.

Ngược lại, khi Bob Marsh mời tôi gia nhập vào công ty của ông để thành lập công ty con, ông không những trả tôi cao hơn mức lương hiện tại của tôi, mà ông còn chia cho tôi một phần lớn lợi nhuận trong công ty mới. Cũng giống như ông chủ cũ, Bob thường choàng vai tôi và nói rằng ông trân trọng sự đóng góp của tôi, nhưng khác với những ông chủ khác của tôi, Bob chứng minh lời nói của mình bằng đồng tiền. Phải, tình yêu thương là nguồn động viên mạnh mẽ nhất trong bất cứ lĩnh vực nào, dù là cá nhân hay công việc. Nhưng trong công việc, đồng tiền hay tiềm năng tạo ra tiền là thứ phải đi ngay sau tình yêu thương. Khi tiền bạc song hành cùng tình yêu thương thì sự thúc đẩy đó có sức mạnh vượt trội. June Morris, Bob Marsh, Michael Landon, Steven Spielberg và những câu chuyện của họ là bằng chứng hùng hồn cho thấy, tình yêu thương và tiền bạc là những nguồn động viên hiệu quả nhất mà một doanh nhân có thể sử dụng.

TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU CẦN CÓ CỐ VẤN – TẤT CẢ MỌI NGƯỜI!

Bạn thân mến, thảo luận về sức mạnh của sự hợp tác hiệu quả mà không tập trung vào sức mạnh vô song của những người thầy thì sẽ là một thiếu sót lớn. Tôi bao giờ cũng tin rằng thất bại chính là người thầy vĩ đại thứ hai của chúng ta trong cuộc sống, còn những cố vấn dày dặn kinh nghiệm chính là người thầy thứ nhất. Tất cả những người đạt được ước mơ trong bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống mà tôi từng gặp mặt, từng nghe nói đến hoặc từng đọc về họ đều có ít nhất một cố vấn trong lĩnh vực đó. George Lucas có thầy là Francis Ford Coppola; Steven Spielberg có thầy là Sid Shineberg, còn tôi thì tôn Bob Marsh làm sư phụ trong kinh doanh, và Gary là bậc thầy trong các mối quan hệ và gia đình. Lee Iacocca nói với tôi rằng, ông có được thành công ngày hôm nay chính là nhờ hai người thầy của ông khi ông còn là kỹ sư ở hãng Ford. Thậm chí Henry Ford cũng công nhận vai trò của người cố vấn, người chủ cũ – Thomas Edison, trên con đường vươn tới thành công của mình.

BẠN CẦN CỐ VẤN TRONG NHỮNG LĨNH VỰC NÀO?

Như tôi đã nói trong chương 9, bạn cần một người thầy ở bất cứ lĩnh vực nào mà bạn muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực – đặc biệt là những lĩnh vực bạn “nhắm tới mặt trăng”. Những cố vấn không chỉ giúp bạn “đặt chân lên mặt trăng”, họ còn giúp bạn đến đích nhanh hơn nhiều so với khi bạn làm điều đó một mình.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÌM ĐƯỢC NHỮNG NGƯỜI CỐ VẤN TỐT VÀ TRÁNH XA NHỮNG CỐ VẤN KHÔNG TỐT

Thật không may, tìm một người thầy hoặc cố vấn không đơn giản như việc đến siêu thị tìm một món đồ bạn cần. Trong thực tế, bạn cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để tìm một người thầy thích hợp cho một lĩnh vực hay một dự án nào đó. Cách đơn giản nhất là đi đến hiệu sách hay thư viện gần nhà để tìm đọc sách của một chuyên gia đã thành công trong lĩnh vực mà bạn đang cần sự giúp đỡ. Hoặc bạn cần phải xác định và tuyển dụng những người mà bạn có thể giao tiếp thường xuyên làm thầy của mình. Bạn có thể bắt đầu cuộc tìm kiếm trong công ty của mình hay trong số những người bạn quen biết, nhưng bạn không nhất thiết phải giới hạn cuộc tìm kiếm vào những đối tượng này.

Ví dụ, nếu bạn bán máy tính cho IBM, việc tìm kiếm cố vấn có thể bắt đầu bằng việc tìm người bán hàng giỏi nhất hiện đang làm việc cho IBM. Nếu bạn không tìm được người bạn cần, bạn có thể mở rộng diện tìm kiếm một cách khôn ngoan, nhắm tới những người bán hàng thành công nhất ở IBM đã về hưu. Bạn cũng có thể dễ dàng tìm những người bán máy tính giỏi ở những công ty khác, vẫn đang làm việc hay đã nghỉ hưu. Bạn cũng có thể chọn một ai đó cực kỳ thành công trong việc bán những mặt hàng khác, thay vì máy tính. Bên ngoài cũng có đầy rẫy những chuyên gia về bán hàng đang viết sách hoặc mở khóa học để kiếm sống. Bạn có thể đọc những quyển sách họ viết hoặc tham dự những khóa học của họ. Mặc dù thỉnh thoảng tôi mới có dịp nói chuyện trực tiếp với Zig Ziglar, tôi vẫn coi ông như một người thầy vĩ đại. Những quyển sách và băng của ông đã thay đổi cách tôi nhìn nhận cuộc đời và các mối quan hệ với người khác một cách đáng kể.

Bây giờ tôi muốn cảnh báo với bạn rằng, bạn cũng dễ kiếm nhầm những ông thầy “dỏm” trong lúc tầm sư học đạo.

Vài năm sau khi công ty của tôi bắt đầu thực hiện chiến dịch tiếp thị cho những cuốn băng dạy về các mối quan hệ của Gary Smalley, ngoài thị trường tràn ngập những quyển sách và băng của những người tự nhận là chuyên gia về các mối quan hệ. Cô bạn Sue của tôi có thể dễ dàng chọn một trong số họ làm thầy của mình bằng cách đặt mua sách hay băng của họ. Nếu cô làm theo những lời khuyên của họ, rất có thể hôn nhân của cô sẽ đổi sang một chiều hướng khác. Bạn biết không, hai trong số những người tự xưng là chuyên gia này có bằng cấp không được chứng nhận. Một người đến từ nơi bạn có thể mua một tấm bằng tiến sĩ với giá vài ngàn đô. Một “chuyên gia” khác vừa lên xe hoa lần thứ năm – một trong những cuộc hôn nhân đổ vỡ của cô ta là với một “chuyên gia” khác đang rao giảng về hạnh phúc trăm năm trong những quyển sách và băng đĩa của mình. Trong thực tế, quyển sách về những mối quan hệ của ông ta nằm trong danh mục sách bán chạy nhất trong mọi thời đại. Tôi không biết bạn nghĩ thế nào, nhưng người cuối cùng mà tôi muốn mời làm thầy dạy tôi về các mối quan hệ là người thất bại trong chính những mối quan hệ của mình. Đó là những người cố dạy những điều họ nghĩ là hiệu quả chứ không phải là những gì họ đã trải qua và chứng minh là có tác dụng tốt.

Tôi nêu ra tất cả những điều này chỉ để nói rằng, khi bạn tìm kiếm một người thầy hay cố vấn trong bất cứ lĩnh vực nào, hãy trả lời bốn câu hỏi sau:

1. Bản thân người này đã thành công trong lĩnh vực chuyên môn của họ đến mức nào? Về phía mình, tôi không bao giờ mời một người thất bại trong cuộc sống vợ chồng làm cố vấn về hôn nhân cho tôi; tương tự, tôi cũng sẽ không lắng nghe ý kiến về kinh doanh của một người chưa từng thành công trong kinh doanh.

2. Bằng cấp của họ có xác thực không? Ngày nay người ta có thể mua bằng cấp ở bất cứ lĩnh vực nào mà họ muốn. Tôi thà để những người không có bằng cấp dạy bảo tôi còn hơn là những kẻ dùng bằng cấp giả. Cố vấn trong kinh doanh của tôi không có bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh. Trong thực tế, ông còn chưa học đại học, nhưng ông lại là thiên tài trong tiếp thị và kinh doanh.

3. Họ có phải là người chính trực không? Tìm hiểu tính chính trực của một người không dễ dàng gì, nhưng nó đáng để bạn cất công tìm hiểu. Hãy khám phá tất cả những thông tin về danh tiếng của người này. Họ có thực hành những điều mà họ thuyết giảng không?

4. Kinh nghiệm cá nhân của người này có phản ánh mức độ thành công mà bạn mong muốn đạt được không? Bạn chỉ nên chọn những người là hình mẫu đại diện cho những gì bạn muốn đạt được về làm thầy của mình.

Những trang sau nêu rõ các phương pháp và lời khuyên của tôi xung quanh việc xác định và tuyển dụng cố vấn. Nếu bạn làm theo những lời chỉ dẫn này, bạn sẽ dễ dàng tuyển chọn được cố vấn, những người sẽ giúp bạn đạt được những ước mơ phi thường. Trong trang kế tiếp, bạn sẽ thấy những phương pháp và lời khuyên của tôi về việc nhận diện và tuyển chọn đúng đối tác.

“Mô hình hợp tác Steven Spielberg” là động cơ tên lửa mạnh nhất mà bạn sở hữu. Việc kích hoạt động cơ này sẽ giúp bạn biến nhiều ước mơ thành hiện thực hơn bất kỳ động cơ nào khác. Trong khi sự hợp tác hiệu quả sẽ giúp bạn “bay đến mặt trăng”, động cơ tiếp theo sẽ giúp cho cuộc hành trình của bạn tràn đầy niềm vui và thỏa nguyện.

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP VÀ LỜI KHUYÊN ĐỂ TÌM VÀ TUYỂN DỤNG ĐÚNG ĐỐI TÁC

1. Đánh giá đúng những điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Bạn không cần một đối tác giống y như bạn.

2. Xác định những tài năng, khả năng và điểm mạnh mà bạn cần ở đối tác để bù đắp cho những điểm thiếu hụt, những khả năng và kiến thức mà bạn không có.

3. Tìm người có cùng tầm nhìn với bạn trong kinh doanh hoặc có cùng ước mơ với bạn trong cuộc sống. Đối tác của bạn không những phải hiểu rõ tầm nhìn ấy mà còn phải dồn tâm huyết vào đó.

4. Tìm hiểu tính cách và tính chính trực của đối tác tương lai. Việc đánh giá những đặc điểm này khó khăn hơn nhưng quan trọng hơn nhiều so với việc tìm hiểu năng lực của đối tác. Nếu anh ta không phải là người có đạo đức và lương thiện thì sớm muộn gì anh ta cũng sẽ phản bội bạn, những người trong công ty bạn hoặc khách hàng của bạn.

5. Tìm một đối tác hết lòng ủng hộ tầm nhìn của bạn và cùng bạn phấn đấu để vươn tới thành công. Nếu bạn toàn tâm toàn ý thực hiện sứ mệnh còn đối tác của bạn thì không, tôi có thể cam đoan rằng sự hợp tác này sẽ không kéo dài. Hãy nhìn cách anh ta hành động trong những tình huống khác. Đó có phải là quyết tâm nửa vời hay trọn vẹn từ đầu đến cuối.

6. Đối tác tương lai của bạn là người có thái độ sống tích cực hay tiêu cực? Những người tiêu cực thường là những đối tác tồi. Đối tác của bạn không cần phải có thái độ tích cực hoặc lạc quan tương đương với bạn, nhưng nếu anh ta thường làm người khác mất tinh thần hoặc chỉ nhìn thấy những mặt xấu của vấn đề, anh ta sẽ dễ dàng bỏ cuộc, nhanh chóng nhảy ra khỏi con tàu của bạn khi nó gặp sóng gió, thậm chí tệ hơn, có thể lèo lái con tàu đi chệch hướng.

7. Quan tâm đến khả năng và nguồn động lực của đối tác tương lai hơn là bản lý lịch của anh ta. Anh ta là người của lý thuyết thuần túy hay của hành động? Làm thế nào để phân biệt được điều đó? Rất đơn giản: hãy nhìn vào những việc mà bản thân anh ta làm chứ không phải những việc mà anh ta chỉ đạo người khác làm.

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP VÀ LỜI KHUYÊN ĐỂ TÌM VÀ TUYỂN DỤNG ĐÚNG CỐ VẤN

1. Xác định những ước mơ và lĩnh vực cụ thể mà bạn cần đến một cố vấn. Bạn cần một người thầy giúp bạn trong các mối quan hệ, trong sự nghiệp nói chung, hay giúp bạn trong một lĩnh vực cụ thể nào đó trong công việc, sự nghiệp, hoặc những kỹ năng tiếp thị, quản trị v.v… (Bản thân tôi có hai người thầy về các mối quan hệ và một cố vấn về kinh doanh.)

2. Lên danh sách những cố vấn tiềm năng cho mỗi ước mơ hoặc lĩnh vực mà bạn đã xác định là cần sự giúp đỡ của các bậc thầy. Bắt đầu từ những ước mơ quan trọng nhất, hãy lên danh sách những cố vấn mà bạn kính trọng và tin tưởng nhất. Liệt kê tên của những người này theo thứ tự ưu tiên. Nói cách khác, người đứng đầu danh sách là người mà bạn sẽ chọn nếu bạn có quyền chọn bất kỳ ai trên quả địa cầu. Kể cả khi bạn không dám tin là họ sẽ dành một phút cho bạn, bạn vẫn nên để họ đứng đầu danh sách.

3. Bắt đầu từ người đứng đầu danh sách rồi đi xuống dưới, hãy ghi rõ mối quan hệ hiện có của bạn với người ấy (ông chủ, bạn bè, người quen, bạn của bạn hay người lạ v.v…)

4. Viết ra bất cứ điều gì bạn biết về người này, thông qua kinh nghiệm cá nhân hay qua nhận xét của người khác.

5. Nghiên cứu tất cả thông tin về những cố vấn tiềm năng. Họ thích điều gì, không thích điều gì, đam mê lĩnh vực nào? Họ sử dụng thời gian như thế nào? Yếu tố nào thúc đẩy họ? v.v…

6. Nếu họ chỉ là người quen hoặc hoàn toàn xa lạ với bạn, bạn có biết ai quen biết họ không? Nếu có, hãy bắt đầu khai thác tất cả thông tin về cố vấn tiềm năng từ người đó. Bạn có thể nhắc đến người đó trong lần liên hệ đầu tiên với cố vấn tiềm năng.

7. Chuẩn bị một lời đề nghị ngắn gọn khi liên hệ với cố vấn tiềm năng qua điện thoại hay gửi thư. Cho dù bạn dự định gặp người này trực tiếp, qua điện thoại hay thư từ thì bạn cũng cần phải chuẩn bị lời đề nghị thật tốt. Nếu bạn liên lạc với một người biết rõ người giới thiệu bạn nhưng lại không biết bạn là ai, bạn cần nhắc đến người giới thiệu đó ngay trong câu mở đầu. Trong câu tiếp theo, bạn nên đề cập đến những năng lực và phẩm chất mà bạn ngưỡng mộ ở cố vấn tiềm năng này. Sau đó, hãy giải thích một cách ngắn gọn tại sao những phẩm chất ấy lại quan trọng đối với bạn và bạn cần sự giúp đỡ của người ấy như thế nào để có được những khả năng ấy trong cuộc sống. Cuối cùng, hãy đề nghị người ấy dành chút thời gian mỗi tuần hoặc mỗi tháng (vào lúc ăn sáng, ăn trưa, lúc uống cà phê giữa giờ hoặc trong một buổi chơi thể thao) để bạn hỏi xin ý kiến về việc giúp bạn phát triển trong lĩnh vực cụ thể này.

8. Liên lạc. Không có gì công hiệu bằng một cuộc gặp mặt trực tiếp. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể. Nếu bạn không thể hẹn gặp mặt trực tiếp, hãy gọi điện thoại. Chỉ nên viết thư khi bạn không thể gặp mặt hoặc điện thoại. Dù bạn liên lạc với người này bằng cách nào thì cũng nên nói ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Phàm đã là cố vấn giỏi thì người nào cũng rất bận rộn (trừ khi ông ta đã nghỉ hưu); thế nên nếu ông ta nghĩ việc giao tiếp với bạn tốn quá nhiều thời gian của mình, ông ta sẽ từ chối thẳng hoặc sẽ tránh bạn như tránh dịch bệnh.

9. Giữ mối liên hệ. Sau lần liên lạc đầu tiên, hãy gửi lời cảm ơn người đó hoặc khen ngợi một điều gì đó mà người này đã nói hoặc làm trong lần liên hệ trước.

10. Liên lạc người kế tiếp trong danh sách. Nếu người đầu tiên từ chối đề nghị của bạn, hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao. Sau đó hãy lặp lại quá trình trên với người kế tiếp trong danh sách của bạn.

Bí quyết hiệu nghiệm 9:

Tuyển dụng đúng đối tác và cố vấn cho ước mơ của bạn

1. Đối với mỗi ước mơ mà bạn đã định nghĩa trong quyển Nhật Ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ, hãy ghi ra những dạng đối tác hay cố vấn mà bạn cần tuyển dụng để giúp bạn nhanh chóng hoàn thành ước nguyện. Bắt đầu từ ước mơ quan trọng nhất. (Trước khi bắt đầu, hãy xem lại những phương pháp và lời khuyên để xác định và tuyển dụng đúng đối tác và cố vấn, xem lại những điểm mạnh điểm yếu của bản thân mà bạn đã kê ra ở cuối chương 4, đồng thời ôn lại bốn đặc điểm tính cách ở chương 8.)

2. Với mỗi loại đối tác hoặc cố vấn mà bạn đã xác định, trên mỗi trang Ước mơ, hãy lên danh sách những người phù hợp với tiêu chí tuyển chọn.

3. Trong quyển sổ tay, dùng những phương pháp và lời khuyên mà tôi đã đưa ra trong việc tìm và tuyển chọn đúng đối tác và cố vấn, hãy lên kế hoạch tuyển chọn đối tác hoặc cố vấn bạn cần.

4. Bạn thường động viên đồng nghiệp, người thân và cấp dưới của mình như thế nào? Bạn thường thúc đẩy họ bằng tình yêu thương hay nỗi sợ hãi? Trong quyển sổ tay, hãy ghi tên những người mà bạn muốn truyền động lực và viết ra bất cứ ý tưởng nào mà bạn nghĩ ra về cách thức thúc đẩy họ bằng tình yêu thương.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.