Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ

CHƯƠNG 18



KÍCH HOẠT CÁC ĐỘNG CƠ CỦA BẠN

Sức mạnh tổng hợp của bảy động cơ khổng lồ sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi bạn không kích hoạt chúng.

Một công tắc nhỏ trong trái tim bạn có thể kích hoạt từng động cơ ngay lập tức!

Thế là chúng ta đã khám phá bảy động cơ công suất cực mạnh mà bạn sở hữu từ lúc chào đời. Bảy động cơ này đã giúp cho những người thành công nhất thế giới đạt được những ước mơ phi thường của họ trong khoảng thời gian hữu hạn họ tồn tại trên đời. Cũng như họ, bạn đang đứng trên bệ phóng của chiếc tên lửa Saturn V mạnh mẽ và cao lớn như một tòa nhà 36 tầng đồ sộ. Trong những chương đầu tiên, tôi nói về những sợi dây xích đang trói chặt bạn vào bệ phóng và cách chặt đứt từng sợi xích một. Nếu bạn làm theo những hướng dẫn đó, giờ đây tên lửa của bạn đã sẵn sàng phóng lên không trung. Chỉ còn một thứ duy nhất đứng chắn giữa bạn và ước mơ của bạn, đó là hai câu hỏi mà chỉ có bạn mới có thể trả lời được: Bạn có lựa chọn kích hoạt bảy động cơ này không? Và nếu có, bạn có liên tục tiếp nhiên liệu cho những động cơ đó cho đến khi tên lửa của bạn bay đến đích không?

Nhiên liệu đó chính là niềm đam mê mà ở chương trước, chúng ta đã bàn về cách có được và duy trì nó. Vậy bây giờ câu hỏi còn lại là, “Bạn sẽ kích hoạt bảy động cơ đó như thế nào?”. Điều đáng mừng là bạn đã có sẵn công tắc mở máy. Nó nằm ngay trước mặt bạn và bạn chỉ cần giơ tay bật nhẹ nó lên bất cứ khi nào bạn sẵn sàng phóng tên lửa. Công tắc này có thể được miêu tả bằng một từ nhưng bởi vì nó là một từ dễ gây hiểu nhầm nên tôi nghĩ cách tốt nhất là minh họa nó bằng một ngôn ngữ cảm xúc hình tượng (NCH).

Năm 1859, một người Pháp hành nghề biểu diễn xiếc đi trên dây tên là Charles Blondin cho đăng quảng cáo trên tờ New York Times. Trong quảng cáo đó, ông tuyên bố rằng vào một ngày đặc biệt, ông sẽ vượt qua thác Niagara trên một sợi dây. Nếu bạn chưa bao giờ đến thăm thác Niagara, bạn sẽ khó đánh giá đúng được tầm cỡ của lời tuyên bố hùng hồn này. Thác nước rộng khoảng 335 mét, gần bằng bốn lần chiều dài của một sân đá bóng. Nó cao 50 mét, với 158.970 triệu lít nước đổ xuống mỗi phút. Khi đi bộ đến rào chắn kế bên thác nước, bạn sẽ cảm thấy khiếp sợ trước lực nước chảy đến mép thác và đổ ầm ầm xuống dòng sông phía dưới.

Có gần 5.000 người đến thác để tận mắt nhìn thấy màn biểu diễn của Blondin. Hầu hết mọi người có thể nghĩ rằng họ sẽ chứng kiến một màn tự sát công khai. Trước khi bắt đầu bước lên dây để vượt qua thác, Blondin lên tiếng hỏi đám đông: “Có bao nhiêu người ở đây tin rằng tôi có thể vượt qua thác nước?”. Đám đông đáp lại bằng tiếng reo hò và cổ động miễn cưỡng. Sau đó ông leo lên sợi dây thừng vắt ngang qua dòng thác dữ và trước sự kinh ngạc của mọi người, ông đến được bờ bên kia an toàn. Ai nấy đều vỗ tay hoan hô ông nhiệt liệt.

Sau đó ông lại hỏi, “Có bao nhiêu người ở đây tin rằng tôi có thể vừa vượt qua thác vừa đẩy một chiếc xe cút kít?”. Nghe có vẻ hơi khó tin nhưng đám đông vẫn đáp lại bằng một tràng pháo tay và hoan hô lịch sự. Và họ đã thích thú nhìn thấy Blondin vượt qua thác trong khi đẩy một chiếc xe cút kít thật. Sau đó ông lại cất tiếng hỏi, “Có bao nhiêu người ở đây tin rằng tôi có thể vượt thác trên đôi cà kheo?”.

Một lần nữa, đám đông lại hưởng ứng một cách lịch sự. Trước sự sửng sốt của tất cả mọi người, ông nhanh chóng vượt qua quãng đường dài 335 mét trên đôi cà kheo.

Chưa dừng lại ở đây, ông hỏi tiếp, “Có bao nhiêu người ở đây tin rằng tôi vẫn vượt qua thác trong khi bị bịt mắt?”. Chà, nghe hơi khó tin nên đám đông vỗ tay một cách e ngại. Và một lần nữa, ông đã làm được điều đó. Ông thật sự vượt qua được thác Niagara trên một sợi dây căng từ đầu này sang đầu kia và với một dải băng đen bịt mắt. Đám đông như phát điên lên vì kinh ngạc và ngưỡng mộ.

Khi tiếng vỗ tay và reo hò dịu xuống, ông hỏi, “Có bao nhiêu người ở đây tin rằng tôi có thể vượt qua thác trong khi cõng một người trên lưng?”. Đám đông hò reo và vỗ tay lớn đến nỗi át cả tiếng gầm rú của thác nước. Tất nhiên, bây giờ tất cả bọn họ đều tin vào điều đó. Chẳng phải họ đã bốn lần chứng kiến ông vượt qua được thác đó sao, và màn trình diễn sau bao giờ cũng ngoạn mục hơn màn trình diễn trước. Trong khi đám đông vẫn đang hét hò cổ vũ, Charles Blondin làm cho mọi người bỗng im bặt với câu hỏi. “Ai muốn xung phong nào?”.

Sự im lặng của đám đông mới thật ngượng ngập, sượng sùng làm sao! Bạn thấy không, trong số 5.000 con người hò reo và tán thưởng vang trời để biểu thị lòng tin tưởng của họ vào khả năng ông cõng một người trên lưng vượt qua thác nước, không có một người nào – đàn ông, đàn bà hay trẻ con – thật sự tin là ông có thể thành công. Phải, tất cả mọi người đều thật lòng nghĩ rằng họ tin tưởng đấy, nhưng khi phải chứng minh niềm tin đó bằng hành động thực tế thì “niềm tin” của họ tan thành mây khói. Trong thực tế, nó không hề tồn tại.

“Khoan đã nào”, bạn nói. “Đừng quá khắt khe với họ như thế. Trên đời này liệu có người đàn ông hay đàn bà có trách nhiệm nào lại làm một việc liều lĩnh như việc để cho một người đi dây cõng qua thác nước Niagara cơ chứ?”.

Câu trả lời là bất cứ người đàn ông hay đàn bà có trách nhiệm nào thật sự tin rằng họ sẽ đến được bờ bên kia an toàn. Bạn thấy đấy, theo định nghĩa, một niềm tin thật sự bao giờ cũng đi kèm với hành động. Nếu bạn thật sự tin rằng trong vòng 30 phút nữa, một trận động đất 8,5 độ Richter sẽ xảy ra ngay chỗ bạn đang ngồi, liệu bạn có ngồi yên ở đó trong vòng 20 phút tới hay không? Tất nhiên là không. Đồng thời, khi bạn ngồi vào xe chạy ra đường cao tốc, bạn có tin rằng mình sẽ đến được nơi muốn đến một cách an toàn không? Đúng vậy, bạn phải thật sự tin vào điều đó, nếu không bạn sẽ không ngồi vào xe. Sự tin tưởng hay niềm tin thật sự bao giờ cũng đi kèm với hành động. Bạn ngồi vào một chiếc ghế vì bạn tin rằng nó đủ sức chịu đựng trọng lượng của bạn.

Trở về câu chuyện trên, vẫn có một người trong đám đông tin là Charles Blondin có thể cõng một người vượt qua thác Niagara an toàn. Đó là người bạn thân nhất của Blondin. Ông nhảy lên lưng bạn mình và trở thành người duy nhất trong lịch sử vượt qua thác Niagara trên lưng một người đi dây.

Tôi đã xác định cả bảy động cơ và cung cấp cho bạn những phương pháp và kỹ thuật giúp bạn theo đuổi ước mơ của mình thành công. Nếu được hoàn tất một cách nghiêm túc, những bài tập ở cuối mỗi chương sẽ truyền những tia lửa điện từ công tắc kích hoạt để khởi động từng động cơ của bạn. Nhưng bạn phải làm động tác bật công tắc đó. Công tắc đó chính là niềm tin – một sự tin tưởng thật sự rằng nếu bạn làm theo những bài tập và hướng dẫn trong từng chương thì những động cơ này sẽ đi vào hoạt động đúng cách. Nếu bạn thật sự tin rằng những phương pháp và kỹ thuật này sẽ giúp bạn đạt được những ước mơ phi thường nhất thì bạn sẽ có những hành động tương ứng. Bạn sẽ hoàn tất các bài tập và bắt đầu sử dụng những phương pháp và kỹ thuật đề cập trong từng chương. Nếu bạn áp dụng tất cả các phương pháp và kỹ thuật đó với một niềm tin thật sự, động cơ của bạn sẽ được kích hoạt và bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy ước mơ của mình thành hiện thực.

Kinh Thánh dạy rằng “Niềm tin là những gì có thật mà con người hy vọng và là bằng chứng cho những gì không nhìn thấy”. Niềm tin không phải là cảm giác trừu tượng vô hình nào đó. Nó cũng không phải là hy vọng. Nó có thật và xác thực. Niềm tin thật sự bao giờ cũng tạo ra một hành động tương ứng nhằm mang lại bằng chứng cho sự hiện diện của nó. Hầu hết những người đọc quyển sách này đều đồng ý với những phương pháp và kỹ thuật chứa đựng trong sách. Sau cùng, đó không chỉ là lý thuyết suông mà là những phương pháp và cách thức thật sự có tác dụng với tác giả quyển sách và hàng ngàn người khác đã đạt được ước mơ của mình. Nhưng mặc dù đa số độc giả đồng ý với tôi, thì cũng chỉ có rất ít người thật sự tin vào nó. Họ vẫn tiếp tục bị trói chặt bên bệ phóng với những động cơ lạnh lẽo và bất động. Họ sẽ kết thúc cuộc đời mình trên bệ phóng đó mà không bao giờ biết đến niềm vui của việc phóng lên không trung và đến được ước mơ của mình.

Còn bạn thì sao? Bạn có thuộc về đa số, mơ đến cung trăng nhưng rốt cuộc vẫn quẩn quanh cả đời bên bệ phóng? Lựa chọn là của bạn. Nhiều người có chỉ số thông minh thấp hơn bạn, hoàn cảnh tồi tệ hơn bạn nhưng họ đã khởi động các động cơ và đạt được những ước mơ mà họ chưa bao giờ dám mơ tới trước đây. Còn bạn thì sao? Bạn không cần vội vàng hoàn tất các bài tập trong phần Bí quyết hiệu nghiệm và bắt đầu áp dụng tất cả những phương pháp và kỹ thuật đó ngay tuần sau. Không ai có thể làm được như vậy. Mà cũng không nên làm thế! Nếu bạn hoàn thành bài tập của hơn hai chương trong một tuần thì có nhiều khả năng là chúng không hiệu quả. Mỗi tuần một chương hoặc thậm chí mỗi tháng một chương là tốc độ nhanh nhất bạn cần thực hiện. Nếu bạn làm thế, trong vòng 15 tuần (hoặc 15 tháng) bạn sẽ đạt được những thành tích vượt trội và những ước mơ mà bạn hằng ao ước.

Vì lợi ích của bạn và của những người mà bạn yêu thương, tôi mong bạn sẽ bật nút kích hoạt những động cơ siêu việt của bạn để bắt đầu chuyến hành trình cuộc sống đầy kỳ diệu. Tôi hy vọng một ngày nào đó, bạn sẽ kể cho tôi nghe về chuyến bay của bạn và những ước mơ mà bạn đạt được. Và nếu bạn muốn có tên trong danh sách những người liên lạc thư từ với tôi, bạn có thể viết thư cho tôi theo địa chỉ: American Telecast, 1230 American Boulevard, West Chester, PA 19382, hoặc gọi số điện thoại: 1-800-246-1771.

Cầu Chúa phù hộ cho bạn và gia đình bạn, giúp bạn đạt được những mơ ước cao đẹp nhất, bất kể nó có vẻ to lớn đến thế nào chăng nữa.

Bí quyết hiệu nghiệm 15:

Bật công tắc kích hoạt những động cơ

1. Nếu bạn cũng giống như hầu hết những người đọc những quyển sách về phát triển bản thân như thế này, rất có thể bạn chưa bắt tay vào làm quyển sổ tay hoặc quyển nhật ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ. Nếu không thực hiện bước đầu tiên của niềm tin, bạn sẽ khó mà chặt đứt được 6 sợi dây xích kiên cố và kích hoạt bảy động cơ cực mạnh của mình. Vì thế, nếu bạn vẫn chưa thực hiện những bài tập nêu ra ở cuối mỗi chương thì đã đến lúc bạn tạo ra cho mình một quyển sổ tay và quyển nhật ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ.

2. Nếu bạn đã bắt đầu làm những bài tập nêu ra trong quyển sách này, hãy tiếp tục! Nên nhớ, mỗi tháng một chương là tốc độ chậm nhất và hai chương một tuần là tốc độ nhanh nhất mà bạn nên thực hiện.

3. Mặc dù tất cả chúng ta đều thường xuyên gặp phải vấn đề với sáu sợi dây xích ở một mức độ nào đó, một số độc giả có thể thấy những vấn đề này khó giải quyết hơn những vấn đề khác. Hãy đánh thứ tự ưu tiên cho những sợi dây xích mà bạn cần vượt qua. Bạn có thể tập trung vào những bài tập ở những chương đề cập đến vấn đề ưu tiên cao nhất của bạn trước.

___ Bạn được lập trình sẵn sự tầm thường

___ Nỗi sợ thất bại

___ Né tránh sự chỉ trích phê bình

___ Thiếu tầm nhìn rõ ràng và chính xác

___ Thiếu kiến thức

___ Thiếu điều kiện

4. Khi ghi chép vào quyển nhật ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ của bạn, hãy nhớ rằng đây là một dự án lâu dài. Khác với quyển sổ tay của bạn, quyển nhật ký này sẽ không thể hoàn chỉnh trong vòng vài tuần vài tháng, vì thế đừng vội vàng. Hãy bắt đầu với những ước mơ quan trọng nhất trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với bạn và chỉ cần đơn giản hành động từ đó. Mỗi năm trôi qua, bạn sẽ bỏ đi một số ước mơ và thêm vào đó những ước mơ mới. Mục đích của quyển nhật ký này là tạo ra một tấm bản đồ rõ ràng và một lịch trình cụ thể để bạn đạt được từng ước mơ một – ngắn hạn, dài hạn hoặc cả đời. Đó là tấm bản đồ của bạn, là cuộc đời của bạn. Hãy thực hiện một cách nghiêm túc nhưng tận hưởng quá trình này. Nếu bạn làm được như thế, quyển nhật ký này sẽ trở nên cực kỳ linh nghiệm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.