Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ

CHƯƠNG 15



ĐỘNG CƠ THỨ SÁU: “SỨC BỀN BỈ CỦA GIỐNG CHÓ PIT BULL”

MỘT KỶ LUẬT DỄ DÀNG MÀ AI CŨNG CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG VỚI XÁC SUẤT 90%

Trước khi American Telecast được thành lập, đối tác của tôi là John Marsh kiếm sống bằng nghề huấn luyện chó. Một lần, tôi hỏi anh tại sao giống chó pit bull lại dữ như vậy. Anh bảo tôi, thật ra chó pit bull thường rất thân thiện và hiền lành, trừ khi chúng bị đe dọa hoặc tấn công. Khi pit bull bị tấn công, anh nói, bạn sẽ thấy thương hại con chó đã tấn công nó – kể cả khi con chó ấy to hơn nó gấp ba lần. Anh cho tôi biết thêm rằng giống chó pit bull đầu tiên được nuôi ở Anh vào thế kỷ 18 để đấu với những giống chó khác trong đấu trường hay ở một cái hố lớn (pit). Dù pit bull là một giống chó nhỏ (cao từ 45 đến 55 cm, nặng từ 18 đến 22 kg), chúng ít khi bại trận trước những giống chó lớn hơn, hung dữ hơn. John giải thích, “Thứ nhất, chúng gan lì và bền bỉ đến mức chúng chỉ chịu thua khi bị giết chết. Chúng không bao giờ bỏ cuộc hoặc tháo chạy khỏi một trận chiến. Thứ hai, chúng thường chiến thắng là do tìm được một chỗ hiểm trên cơ thể đối thủ và sau đó, khi hai hàm răng chúng đã cắm vào chỗ hiểm thì chúng sẽ nghiến chặt hai hàm răng lại, nhất định không chịu nhả ra cho đến khi cuộc chiến kết thúc”. Pit bull có sức mạnh cơ bắp hơn bất cứ giống chó nào khác. Và điểm nổi bật của chúng chính là sự bền bỉ không gì khuất phục được.

Một lần, một phóng viên hỏi một vị giáo sư dạy về kinh doanh ở trường đại học UCLA rằng, “Các doanh nhân thành đạt có điểm gì chung?”. Câu trả lời của bà là, “Sự kiên trì tột bậc… họ không bao giờ bỏ cuộc”. Nếu bạn hỏi tôi, “Những người đạt được ước mơ của mình có điểm gì chung?”, tôi cũng sẽ đưa ra câu trả lời tương tự. Những người biến ước mơ của mình thành hiện thực chính là những người đã học và làm chủ được những nguyên tắc của lòng kiên trì. Điều này đúng trong cả cuộc sống cá nhân cũng như trong sự nghiệp. Những cặp vợ chồng có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc mỹ mãn và gia đình vững chắc là những người đã gặt hái được kết quả này bằng những việc làm nhẫn nại từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác. Những người thành công trong kinh doanh, thể thao và ngành giải trí cũng thế. Và mặc dù đây là điểm đặc trưng của những người đạt được ước mơ thì tiếc thay, nó lại không phải là mẫu số chung trong số đông nhân loại.

Chúng ta đang sống trong thời đại của sự hưởng thụ tức thì. Người ta muốn ước mơ của mình biến thành hiện thực ngay lập tức. Và khi điều đó không xảy ra thì những ước mơ này nhanh chóng bị xem nhẹ, trì hoãn hoặc gạt sang một bên. Chúng ta còn được biết đến như một xã hội “dễ từ bỏ”. Các cuộc hôn nhân thường là ví dụ bi thảm nhất minh họa cho điều này. Cứ như hẹn nhau, các cặp vợ chồng lần lượt từ bỏ những hy vọng và ước mơ của mình về một cuộc sống gia đình nồng ấm, chỉ vài tuần sau khi tuần trăng mật kết thúc. Tỷ lệ li dị cao thường xảy ra trong năm đầu tiên của cuộc sống vợ chồng và có vô số cặp dẫn nhau ra tòa trước khi bước vào năm thứ sáu. Thậm chí cả những cặp vẫn sống bên nhau cũng thường nhanh chóng giã từ ước mơ của mình để chấp nhận sự tầm thường, nhàm chán trong việc góp gạo thổi cơm chung. Sở dĩ họ không “đường ai nấy đi” là vì họ đã quen với cuộc sống này hoặc họ sợ hậu quả của việc tan đàn xẻ nghé, chứ không phải họ hết lòng theo đuổi những ước mơ trong cuộc sống lứa đôi. Họ chấp nhận một cuộc sống nhạt nhẽo nhưng tiện lợi, thay cho một tổ ấm an toàn, hạnh phúc và mỹ mãn.

CHINH PHỤC ƯỚC MƠ BAO GIỜ CŨNG CẦN ĐẾN LÒNG KIÊN TRÌ!

Trong cuộc sống cá nhân cũng như trong sự nghiệp của bạn, ước mơ không phải là thứ nằm dưới đáy thung lũng hay dưới chân núi; bao giờ nó cũng nằm trên đỉnh núi cao nhất. Con đường trèo lên đỉnh núi thường cheo leo trắc trở với những tảng đá hiểm nguy và vô số trở ngại khác. Bạn không thể chạm đến ước mơ mà không có lòng kiên trì. Nếu bạn muốn đạt được ước mơ của mình, bạn cần học cách kích hoạt động cơ mạnh mẽ thứ sáu này và giữ cho nó chạy liên tục cho đến khi bạn thành công.

KIÊN TRÌ Ư, ĐÓ LÀ ĐIỀU CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC!

Nếu lòng kiên trì chỉ đơn giản là một tính cách do trời phú thì thiên hạ sẽ nguy to. Trong thực tế, số người có tính kiên trì bẩm sinh là rất hiếm, chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong nhân loại. Đa số mọi người trở nên kiên trì là do rèn luyện trong một khoảng thời gian nhất định. Nói chung, đây là một kỷ luật mà ai cũng có thể học được. Tuy vậy, dù luyện tập tính kiên trì không khó nhưng nó đòi hỏi một số kỹ năng cơ bản và cái chính là phải đưa những kỹ năng ấy vào thực hành. Cũng giống như bạn tập chơi tennis vậy. Một khi bạn học được một vài kỹ thuật cơ bản như cách cầm vợt, cách giao banh và đánh banh, bạn có thể bắt đầu chơi tennis một cách hiệu quả và thích thú. Tương tự, một khi bạn học được những nguyên tắc cơ bản của lòng kiên trì và áp dụng nó vào thực tế, bạn sẽ bắt đầu tận hưởng mức độ thành công cao hơn, một cách nhanh chóng đến bất ngờ.

TÔI YÊU THOMAS EDISON!

Nếu có một người Mỹ mà cuộc đời của ông là hiện thân của đức kiên trì thì đó chính là Thomas Edison. Cho đến lúc nhắm mắt lìa trần, Edison không chỉ sáng chế ra máy hát, đèn điện, máy chiếu mà ông còn là chủ nhân của 1.094 bằng sáng chế khác, nhiều hơn bất cứ người nào hoặc một tập thể nào trong lịch sử. Hai câu nói nổi tiếng của ông là: “When the going gets tough, the tough get going” (Khi cuộc sống trở nên khó khăn, người mạnh mẽ càng trở nên mạnh mẽ) và “Genius is one percent inspiration and ninety-nine percent perspiration! “ (Thiên tài chỉ có 1% là cảm hứng còn 99% là lòng kiên trì!). Edison, người chỉ được người đời công nhận là thiên tài sau khi sáng chế ra đèn điện, đã chứng minh rằng một thiên tài đích thực thể hiện lòng kiên trì nhiều hơn là chỉ số thông minh.

Trong suốt ba năm theo đuổi các nghiên cứu về đèn điện, Edison đã nhiều lần nghe người ta hỏi, “Tại sao ông cứ cố gắng tạo ra đèn điện khi ông đã thất bại đến 10 ngàn lần rồi?”. Mỗi lần được hỏi như thế, ông đều trả lời: “Tôi không hề thất bại 10 ngàn lần, mà là tôi thành công trong việc phát hiện ra 10 ngàn cách thức không hiệu quả, và sau mỗi lần phát hiện ấy, tôi lại tiến gần hơn trong việc khám phá ra một cách thức hiệu quả”. Người ta cũng nói rằng ông đã thử nghiệm 500 sợi dây tóc đèn trước khi tìm ra một sợi có thể hoạt động. Nếu ông bỏ cuộc sau lần thử thứ 400, có lẽ bây giờ chúng ta vẫn phải đọc sách dưới ánh nến hoặc ngọn đèn dầu. Nhưng may mắn thay cho chúng ta, Edison đã phát triển và thành thạo những nguyên tắc của lòng kiên trì trước khi ông bắt đầu cuộc hành trình khám phá đèn điện. Mới ngoài 20 tuổi, ông đã hoàn toàn làm chủ Nghệ Thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ. Năm 24 tuổi, ông đã chặt đứt sáu sợi dây xích và kích hoạt bảy động cơ tên lửa mạnh mẽ của mình cho công cuộc chinh phục những đỉnh cao.

Ví dụ, khi Edison chợt nảy ra ý tưởng về một thiết bị nào đó chưa tồn tại, ông sẽ viết ý tưởng đó ra càng chi tiết càng tốt. (Bước 1 của Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ là có một tầm nhìn rõ ràng về ước mơ của bạn và sau đó viết ra giấy.) Sau đó, thậm chí trước khi xét xem cần phải làm gì để tạo ra thiết bị đó, ông đã hình dung tất cả những lợi ích toàn cầu, lâu dài có thể phát sinh từ ý tưởng đó. Nói cách khác, ông luôn nâng tầm nhìn của mình lên “mặt trăng” và xa hơn nữa, ngay cả trước khi ông nghĩ đến việc liệu phát minh này có khả thi hay không.

Bí mật của Edison

Và tôi xin hé mở với bạn một trong những bí mật lớn nhất giúp tạo nên thành công phi thường của Edison. Mỗi khi ông chớm nản lòng vì tất cả những chi tiết vụn vặt và những thất bại thường đến trước một phát minh vĩ đại, ông thường quay trở lại tầm nhìn cao rộng của mình với tất cả những lợi ích toàn cầu và lâu dài của nó. Và lần nào cũng vậy, tầm nhìn của ông lại tiếp thêm nhiên liệu cho lòng đam mê và sự bền bỉ kiên trì để ông tiếp tục theo đuổi phát minh của mình.

Bây giờ, khi bạn đã phần nào hiểu được sự kiên trì được miêu tả một cách chính xác qua bản năng chiến đấu của loài chó pit bull và biểu hiện rõ nét trong thiên tài Thomas Edison, đã đến lúc tôi đưa ra một định nghĩa đúng đắn về lòng kiên trì. Tôi phát hiện ra nhiều người có quan niệm sai lệch về lòng kiên trì, vì thế mà dẫn đến thất bại thảm hại và thất vọng lâu dài.

LÒNG KIÊN TRÌ KHÔNG PHẢI LÀ: nhắm mắt húc đầu vào bức tường, bị ngã sóng xoài ra đất rồi lại đứng dậy, phủi sạch bụi bẩn và húc đầu vào bức tường một lần nữa, rồi lại một lần nữa. Đó là sự ngu ngốc!

LÒNG KIÊN TRÌ CHÍNH LÀ: tông vào bức tường và bị ngã, đứng dậy, phủi sạch bụi bẩn và nhận ra rằng bạn không thể vượt qua bức tường bằng cách đó, nên bạn phải nghĩ ra cách trèo qua bức tường, đào một đường hầm xuyên qua bức tường, đi vòng qua nó hay làm cho nó nổ tung.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ RÈN LUYỆN TÍNH KIÊN TRÌ

Bước 1: Xác định tầm nhìn và áp dụng Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ

Như chúng ta đã biết về Thomas Edison, đức kiên trì của ông bắt đầu từ tầm nhìn. Solomon thông thái cũng đã chứng thực điều này khi ông viết trong Kinh Cựu ước 29:18 rằng, “Không có tầm nhìn, con người sẽ bị diệt vong”. Solomon không nói về cái chết thể xác mà là về cái chết của tâm hồn. Thiếu tầm nhìn, con người sẽ mất đi niềm vui và sự đam mê trong cuộc sống, trượt dần vào vũng lầy của sự tầm thường; họ chỉ đơn giản tồn tại hoặc thuần túy sống qua ngày chứ không phải thật sự sống. Không có tầm nhìn, sẽ không có niềm đam mê, và không có niềm đam mê, sẽ không có cơ sở nuôi dưỡng lòng kiên trì.

Rõ ràng, Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ là một phương pháp quan trọng tạo nền tảng cho việc kích hoạt và tiếp nhiên liệu cho bảy động cơ trong Nghệ Thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ. Trong đó, việc xác định một tầm nhìn rõ ràng chính xác về ước mơ của bạn rồi viết ra giấy trắng mực đen là bước đầu tiên và quan trọng nhất.

Tuy vậy, các bước còn lại trong Quy Trình Hiện Thực Hoá Ước

Mơ cũng quan trọng không kém để tôi luyện đức kiên trì nhẫn nại.

Khi bạn chuyển ước mơ của mình thành những mục tiêu cụ thể, rồi chuyển những mục tiêu này thành các bước cụ thể, và chuyển các bước này thành công việc cụ thể, bạn không chỉ lên một tấm bản đồ chi tiết cho con đường đạt được ước mơ của mình mà còn có một tầm nhìn mới về việc bạn sẽ đạt được ước mơ đó như thế nào. Và điều này, đến lượt nó, tạo ra một hy vọng vững chắc nuôi dưỡng niềm đam mê và lòng kiên trì trong bạn.

Bạn còn nhớ ví dụ về kỳ nghỉ trong mơ của Dick Clark không? Tất cả những gì bạn cần làm là lái xe từ New York đến nhà của anh ta ở California trong vòng bảy ngày mà không có địa chỉ, không dùng bản đồ và không được hỏi đường. Bạn sẽ không bao giờ bắt đầu một chuyến đi vô vọng như vậy, phải không? Nhưng một khi bạn có địa chỉ nhà chính xác, những chỉ dẫn đường đi rõ ràng thì chẳng có lý do gì mà không thực hiện một chuyến đi để có được phần thưởng kỳ thú như vậy. Một tấm bản đồ không chỉ giúp bạn hoàn tất chuyến đi trong thời gian ngắn mà còn nuôi dưỡng niềm hy vọng của bạn trong suốt cuộc hành trình. Theo nghĩa đó, Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ là phương pháp giúp đốt nóng và tiếp nhiên liệu cho lòng kiên định, một đặc tính không thể thiếu để dẫn đến thành công.

Trước năm 1849, có rất nhiều người đi khai hoang quyết tâm chinh phục miền Tây hoang dã để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình, nhưng chỉ có rất ít người đến được California. Tại sao vậy? Đó là vì những ước mơ mông lung mơ hồ trong đầu họ không có đủ nhiên liệu giúp họ trụ vững trong cuộc hành trình gian khổ và dài dằng dặc ấy.

Sau đó, vào năm 1849, khi các mỏ vàng được phát hiện ở California, hàng ngàn gia đình đã lên đường vượt qua những chặng đường xa xôi cách trở để đến với Miền Đất Hứa. Bạn thấy đấy, khác với những người khai hoang trước đó chỉ đơn giản đi về hướng Tây để thực hiện một ước mơ mơ hồ về “một cuộc sống tốt đẹp hơn”, lớp người đi sau này có một tầm nhìn cụ thể giúp họ có thể kiên trì đến cùng. Họ đi là để tìm vàng và trở nên giàu có – hoặc kiếm được nhiều tiền nhờ vào việc cung cấp vật dụng và dịch vụ cho làn sóng những người đi tìm vàng. Họ có những ước mơ rõ ràng, họ chuyển những ước mơ đó thành mục tiêu rồi chuyển mục tiêu thành các bước và chuyển các bước thành những công việc cụ thể. Kết quả, họ kích hoạt và liên tục tiếp nhiên liệu cho động cơ kiên trì của họ. Nhờ thế mà họ có thể trèo đèo lội suối, băng qua những sa mạc hoang vu, chiến đấu với bọn lục lâm thảo khấu, các chiến binh da đỏ, bệnh tật và tất cả những khó khăn lớn nhỏ.

Vì thế, bước đầu tiên để gây dựng lòng kiên trì chính là việc có được một tầm nhìn sáng tỏ về ước mơ của bạn và áp dụng Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ.

Bước 2: Nhắm đến mặt trăng và mở rộng tầm nhìn

Để hiểu được bước thứ hai, chúng ta hãy quay về tấm gương Thomas Edison: đốt nóng động cơ thứ hai trong Nghệ Thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ và nhắm đến mặt trăng. Điều này có nghĩa là nhìn vào những lợi ích tiềm tàng to lớn gắn liền với ước mơ ấy. Ví dụ, nếu ước mơ của bạn là có một cuộc sống hôn nhân trong đó tất cả những nhu cầu cảm xúc thầm kín nhất của bạn hoặc người bạn đời của bạn đều được thỏa mãn, bạn phải kê ra tất cả những lợi ích của việc đạt được ước mơ đó. Bên cạnh niềm vui và sự thỏa nguyện mà bạn tận hưởng, con cái bạn cũng nhờ cha mẹ hạnh phúc mà có được cuộc sống an toàn, trọn vẹn hơn. Chúng sẽ nhìn thấy một bức tranh rõ nét về một cuộc sống hôn nhân là như thế nào, hiểu được người vợ hoặc chồng nên làm gì để thật sự đáp ứng được những nhu cầu thầm kín của nhau. Bức tranh rõ ràng ấy sẽ giúp con cái bạn biết chúng phải làm gì để nuôi dưỡng mối quan hệ với người bạn đời của chúng. Các cháu chắt của bạn cũng sẽ học theo cha mẹ chúng. Bạn thấy nhiều thế hệ con cháu mình được hưởng lợi từ việc ước mơ của bạn thành hiện thực. Bạn nghĩ đến đóng góp to lớn của mình và của con cháu mình trong việc giúp cho những người xung quanh cũng mong muốn có được những mối quan hệ mỹ mãn như vậy.

Khi bạn đã hình dung rõ tất cả những lợi ích lớn nhỏ gắn liền với ước mơ của bạn, tầm nhìn ấy sẽ như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng đứa con kiên trì, một đức tính không thể thiếu giúp bạn không chùn chân mỏi gối trước những vách đá cao sừng sững chắn đường bạn trên con đường thực hiện ước mơ.

Bước 3: Truyền bá tầm nhìn của bạn với người khác

Ngay khi Edison xác định tầm nhìn về một phát minh và viết ra giấy tất cả những lợi ích mà nó có thể mang lại, ông bắt đầu truyền đạt tầm nhìn ấy cho cộng sự và những người làm việc với ông. Ông làm tất cả để chắc chắn rằng ai cũng hiểu rõ tầm nhìn ấy. Chỉ có thế, họ mới trở thành một đội ngũ hợp nhất, có cùng động lực đi tới. Điều này đồng nghĩa với việc Edison kích hoạt động cơ thứ ba và là động cơ mạnh nhất trong Nghệ Thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ, đó là “Mô hình hợp tác Steven Spielberg”. Bên cạnh những lợi ích của sự hợp tác, động cơ này cũng có tác động tuyệt vời đến lòng kiên trì. Bản thân Edison cũng có lúc thất vọng và chán nản, những lúc ấy ông cũng muốn từ bỏ ước mơ của mình. May thay, trong đội vẫn còn có một hay nhiều thành viên tràn đầy lòng nhiệt huyết, họ truyền cho ông nguồn cảm hứng và động lực đi tới cho đến khi động cơ kiên trì của ông lại được tiếp thêm nhiên liệu.

American Telecast nằm dưới sự điều hành của bảy đối tác trong suốt 21 năm. Ít nhất có đến ba lần chúng tôi suýt thất bại và mất tất cả. Nhưng lý do giúp chúng tôi vẫn trụ lại được trong những thời kỳ khó khăn nhất là vì không có một thời điểm nào mà cả bảy người chúng tôi đều muốn bỏ cuộc. Khi một người nào đó mất tinh thần thì luôn có những người khác động viên và xốc nách anh ta bước tiếp!

Solomon đã viết về nguyên tắc này trong chương bốn của quyển Cựu ước Ecclesiastes. Ông viết, “Hai tốt hơn là một; bởi vì họ có thể thụ hưởng thành quả lao động của mình. Nếu có vấp ngã thì một trong hai người sẽ vực người kia đứng dậy; sẽ là thảm họa cho một người đơn độc, khi anh ta ngã xuống, chẳng có ai bên cạnh đỡ anh ta dậy. Khi hai người nằm với nhau, họ có thể truyền hơi ấm cho nhau, làm sao bạn có được hơi ấm ấy khi chỉ nằm một mình? Khi bị kẻ thù tấn công, hai người đâu lưng lại sẽ trụ vững hơn và nếu có ba người thì không kẻ thù nào dễ dàng đánh gục được”.

Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, khi bạn chia sẻ tầm nhìn của mình với người khác, lòng kiên trì của bạn sẽ được nuôi dưỡng và củng cố bởi những người xung quanh, và ngược lại.

Bước 4: Chấp nhận sự phê bình, thất bại như một phần của cuộc sống và học cách xử lý những điều đó

Không một ai trên đời thích bị chỉ trích hoặc thất bại, tuy vậy, đối với những người đạt được ước mơ thì những chuyện như vậy lại là một phần trong cuộc sống của họ, giống như nhu cầu ăn uống vậy. Trong chương 5 và 6, chúng ta đã học cách đối diện với những lời phê bình và những thất bại của bản thân. Trong đời, tôi gặp không biết bao nhiêu người không biết cách ứng xử thế nào với sự chỉ trích và thất bại. Những người này hiếm khi thể hiện lòng kiên trì trong bất cứ việc gì. Lý do là họ rất dễ nản lòng, dễ lầm đường lạc lối và dễ gục ngã trước những lời chỉ trích và trước những thất bại của họ hoặc của người khác. Khi tiếp xúc với những người từ bỏ ước mơ của mình quá sớm, tôi khám phá ra rằng họ không chỉ thiếu hẳn lòng kiên trì mà họ còn luôn cảm thấy bất ngờ trước sự phê bình, những thất bại của mình và của người khác. Trong khi trên thực tế, đó là chuyện cơm bữa thường ngày.

Nếu bạn thật sự muốn gây dựng lòng kiên trì, bạn phải chuẩn bị tâm thế đón nhận những lời chỉ trích và thất bại, đồng thời chuẩn bị cách giải quyết những điều đó một cách đúng đắn. Chương 6 đã cung cấp những biện pháp cần thiết để bạn ứng xử với sự phê bình chỉ trích. Còn những thất bại thì sao? Tôi có hai người bạn đã sống già nửa cuộc đời rồi mà vẫn không học được cách xử lý những thất bại của chính mình và của người khác. Kết quả, họ chỉ đạt được một phần nhỏ so với những gì họ xứng đáng và có khả năng đạt được. Thậm chí, tồi tệ hơn, họ sống không hề vui vẻ và chẳng ai thích làm việc với họ. Khi có một điều gì không ổn xảy ra trong công việc, họ thường bùng nổ, tấn công, đổ lỗi, chỉ trích người khác v.v… Ai lại muốn làm việc với những người như vậy?

Hiện bạn xử lý với những thất bại của mình và của người khác như thế nào? Trước hết, hãy nhìn vào cách bạn giải quyết những thất bại của chính mình. Dù ở nhà hay trong công sở, khi mọi việc không diễn ra theo ý bạn muốn, khi bạn phạm sai lầm, bạn làm gì? Hãy xem lại những phản ứng của bạn bằng cách trả lời những câu hỏi sau:

BẠN PHẢN ỨNG NHƯ THẾ NÀO KHI GẶP THẤT BẠI?

1. Bạn trở nên: _ tự vệ _ giận dữ nản lòng tuyệt vọng

2. Bạn: bĩu môi rút lui _chối bỏ viện cớ biện hộ tấn côngđổ lỗi cho người khác __đổ lỗi cho hoàn cảnh

Hoặc

3. Bạn: nhận trách nhiệm trước thất bại của mình phân tích, tìm hiểu và học hỏi từ thất bại đónhờ người khác khuyên bảo trở nên quyết tâm và chăm chỉ hơn để không phạm phải những lỗi gây ra thất bại như vừa rồi.

Nếu bạn không rõ lắm về cách bạn đối diện với những thất bại của mình, hãy hỏi những người thân hoặc bạn bè của bạn để có câu trả lời đúng. Họ thường nhận thức được những phản ứng hàng ngày của bạn hơn là bản thân bạn.

Mặc dù những phản ứng trong câu một có khuynh hướng xảy ra thường xuyên, điều quan trọng là bạn cần nhận ra rằng mình có thể lựa chọn phản hồi thay vì phản ứng theo bản năng một cách sai lầm. Sau khi thất bại, bạn có thể muốn bỏ cuộc hơn là đối mặt với khả năng thất bại một lần nữa. Nói cách khác, bạn muốn trở về vùng an toàn của sự tầm thường. Vì thế, nếu bạn muốn đạt được ước mơ của mình, sau khi nỗi đau thất bại ban đầu nguôi ngoai, bạn cần phân tích tại sao việc này lại xảy ra. Nếu bạn không thể tự tìm hiểu, hãy tìm đến những người khác để được khuyên bảo.

BẠN ỨNG XỬ VỚI THẤT BẠI CỦA NGƯỜI KHÁC NHƯ THẾ NÀO?

Cách bạn xử lý thất bại của người khác có tác động to lớn đến việc đạt được ước mơ của bạn, bởi vì động cơ tên lửa mạnh nhất của bạn chính là khả năng hợp tác một cách hiệu quả. Nếu bạn liên tục giải quyết những thất bại của người khác không tốt, động cơ hợp tác này sẽ yếu đi hoặc chết máy. Thậm chí, nếu bạn không mất đi một đồng đội, bạn cũng sẽ mất đi trái tim và tâm trí của người ấy, dẫn đến sự hợp tác bất lực. Việc ứng xử đúng đắn với thất bại của người khác cũng rất quan trọng đối với việc rèn luyện đức kiên trì của bạn. Hãy nhớ rằng có những lúc sự kiên trì và quyết tâm của đồng đội sẽ giúp bạn vững bước thậm chí ngay cả khi bạn nản lòng, yếu đuối. Nếu bạn thất bại trong việc xử lý những thất bại của cộng sự, bạn sẽ làm giảm động lực phấn đấu của họ và kết quả là sẽ không có ai tiếp thêm nhiên liệu tinh thần cho bạn. Hãy đọc những câu hỏi sau đây và xem bạn đã phản ứng trước thất bại của người khác như thế nào.

BẠN PHẢN ỨNG NHƯ THẾ NÀO KHI NGƯỜI KHÁC THẤT BẠI?

1. Bạn trở nên: nghiêm trọng giận dữ

2. Bạn: _ lên lớp khuyên giải __ chỉ trích kỷ luật uốn nắn rút lui tấn công

Hoặc

1. Bạn: _ dành một khoảng thời gian để điều chỉnh lắng nghe __ an ủi _ khích lệ kiên nhẫn __ giúp đỡ và hợp tác

Một lần nữa, thông thường con người có xu hướng tỏ thái độ và phản ứng như được miêu tả trong câu một. Nhưng bạn có thể lựa chọn phản hồi giống như câu ba. Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ giúp người khác trở nên kiên trì hơn và quyết tâm hơn. Bạn sẽ giúp họ xua đuổi nỗi sợ, để cố gắng một lần nữa. Và như thế, bạn sẽ có ngày chứng kiến họ thành công.

Tôi khuyên bạn hãy hỏi cộng sự xem họ nghĩ như thế nào về cách cư xử thông thường của bạn trước những sai lầm và thất bại của họ, sau đó hãy hỏi xem họ muốn bạn phản hồi như thế nào. Nên nhớ, không ai muốn nghe một bài lên lớp sau những thất bại. Chắc chắn họ cũng đang rất đau lòng và có thể đã bắt đầu phân tích lý do sao họ làm thế này, tại sao họ không làm thế kia, trước khi bạn nói với họ về chuyện đó. Điều họ cần là một đôi tai biết lắng nghe và sự động viên khích lệ. Nếu bạn biết cách ứng xử đúng đắn với những thất bại và sai lầm của người khác, cả bạn và người ấy đều được hưởng lợi từ hành động của bạn.

BÀI HỌC TỪ VUA ĐÁNH BÓNG HỎNG VÀ ĐỒNG ĐỘI CỦA ANH

Bên cạnh kỷ lục đánh những trái bóng ghi điểm tuyệt đối (home run), Babe Ruth cũng đạt kỷ lục là người đánh trượt bóng nhiều nhất trong lịch sử môn bóng chày. Hãy tưởng tượng, nếu mỗi lần đánh trượt bóng, anh lại ném gậy đánh bóng đi, vừa quay lại ghế ngồi vừa chửi thề và hét lớn, “Tôi ghét đánh trượt bóng… tôi ghét trận đấu này. Thằng ném bóng tồi tệ… hắn bẫy tôi. Cú đánh cuối của hắn cách xa vị trí phát bóng đến cả dặm!”. Hãy tưởng tượng với mỗi trái bóng anh đánh trượt, khán giả lại la ó phản đối, còn huấn luyện viên thì ném tập hồ sơ xuống và hét lên, “Cậu đang làm cái quái gì thế, Babe? Đã bao nhiêu lần tôi bảo cậu không được đánh bóng bổng kia mà!”. Và hãy hình dung đồng đội anh thì hét lớn, “Này Babe, anh nghĩ gì vậy? Anh cắm ba người ở chốt. Nhờ anh mà chúng ta sẽ thua trận này đấy”.

Tôi xin đoan chắc với bạn là những hành động và lời nói trên hiếm khi xảy ra. Nếu Babe, những người hâm mộ anh, huấn luyện viên và đồng đội của anh lại phản ứng kiểu ấy với những lần anh đánh trượt bóng, thì sẽ không có sân bóng Yankee Stadium ngày nay và có khả năng là những đội bóng chày lớn cũng sẽ chết yểu sau vụ xì căng đan Black Sox năm 1919. Nhưng may thay, Babe, những người hâm mộ anh, huấn luyện viên và đồng đội của anh đã học cách ứng xử đúng đắn. Họ biết rằng những cú đánh trượt đó không những là chuyện bình thường mà còn là một phần cần thiết để anh lập được nhiều cú home run. Babe phải dùng hết lực để đánh bóng và khi anh lựa chọn làm điều này, anh sẽ đánh trượt bóng nhiều hơn là đánh trúng bóng. Mọi người đều biết điều này và họ vui lòng chấp nhận những cú đánh trượt của anh, bởi vì họ biết rằng rồi sẽ có một cú home run. Nếu bạn chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh cách ứng xử với những thất bại của mình và của người khác, bạn sẽ chứng kiến nhiều thành tích tốt hơn của bản thân và của đồng đội. Phản hồi một cách đúng đắn sẽ giảm thiểu những thất vọng và nản lòng của người trong cuộc và giúp tăng mức độ kiên trì của họ.

Tôi chưa từng viết hoặc đạo diễn một kịch bản quảng cáo nào khi chúng tôi thành lập American Telecast vào năm 1976. Tôi làm những việc đó lần đầu tiên vào mùa hè năm ấy. Kể từ lúc đó, mỗi năm tôi đã viết, sản xuất và đạo diễn hơn 100 đoạn quảng cáo dài hai phút. Lúc mới bắt đầu, tỷ lệ thành công của tôi là 25%. Điều đó có nghĩa là cứ viết bốn kịch bản thì tôi làm hỏng hết ba. Nhưng những đối tác của tôi đã cực kỳ kiên nhẫn. Họ không bao giờ “thuyết giảng” tôi mỗi khi tôi thất bại. Tất cả sẽ cùng tôi ngồi xem lại mọi chuyện và cố tìm hiểu tại sao đoạn quảng cáo này không hiệu quả. Nhờ vậy mà tỷ lệ thành công của tôi cuối cùng tăng lên 82% trong một ngành mà tỷ lệ thành công trung bình ở dưới mức 0,5%. Nếu tôi và cộng sự của mình không học được cách ứng xử với những thất bại của tôi, thì chắc chắn tôi đã bỏ nghề ngay từ năm đầu tiên hoặc năm thứ hai.

Khi bạn thất bại mà những người xung quanh bạn lại dè bỉu, bình luận bạn thì bạn cũng đừng “xù lông nhím” hoặc đổ lỗi cho người khác. Hãy yêu cầu họ viết ra giấy tất cả những suy nghĩ, phân tích và đề nghị của họ để bạn có thể suy nghĩ thấu đáo về những gì đã xảy ra, sau khi mọi chuyện đã nguôi ngoai và bạn có thể nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn.

Khi những người xung quanh bạn thất bại, nên nhớ rằng họ cũng đau lòng lắm. Họ cũng đã lật ngược lật xuôi chán chê vấn đề đó trong đầu, nên điều cuối cùng mà họ mong muốn ở bạn là một lời phê bình “cho ra lẽ”. Hãy cho họ một khoảng không gian riêng, lắng nghe họ và động viên họ một cách chân tình. Chỉ sau đó, khi nỗi buồn của họ đã lắng xuống, vài giờ hoặc vài ngày sau, hãy đến với họ với tinh thần của một người muốn học hỏi chứ không phải của một người “biết tuốt”. Hãy trao đổi với họ về nguyên nhân khiến họ thất bại. Hãy đặt câu hỏi và cùng động não về vấn đề đó. Như vậy cả hai đều học hỏi được rất nhiều, đồng thời mối quan hệ và lòng kiên trì cũng được gia cố thêm.

Bước 5: Đón nhận những khó khăn trở ngại và đưa ra những giải pháp sáng tạo

Trong vòng 21 năm, American Telecast đã bán rất nhiều loại sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng thông qua những đoạn quảng cáo trên truyền hình và người mua đặt hàng qua điện thoại. Công nghệ này được biết đến dưới cái tên Direct Response TV (Phản hồi trực tiếp từ tivi). Trong ngành này cũng chỉ có khoảng 5 đến 6 công ty trụ lại được lâu như chúng tôi. Mỗi năm lại có một số công ty mới mọc lên, và hầu hết đều thất bại ngay trong năm đầu. Đây là một ngành kinh doanh chuyên biệt đầy những cạm bẫy chết người vô hình với những người tay mơ. Khi các công ty “mắc bẫy”, họ không phải mất hàng ngàn đô mà là hàng triệu đô. Họ tưởng mình có một chiến dịch làm giàu nhanh chóng nhưng kết cục, họ phá sản gần như chỉ sau một đêm. Họ không còn đủ ý chí đứng lên sau thất bại, bởi vì họ không chuẩn bị tâm lý phải vượt qua vô vàn trở ngại lớn nhỏ. Khi bạn không nghĩ con đường trước mặt đầy thác ghềnh hiểm trở thì bạn đâu có chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn đó, đúng không nào?

Ngược lại, những lão làng trong ngành này rất nhạy bén trong việc nhận ra những cạm bẫy, vì chúng tôi đều đã trở thành nạn nhân của nó vào lúc này hay lúc khác. Chúng tôi không chỉ chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn trở ngại mà còn có kỹ năng đề ra những giải pháp sáng tạo ngay khi tình huống đó xảy ra.

Trong suốt 21 năm qua, tôi và đối tác của mình đã cùng nhau làm ra hàng trăm dự án khác nhau, và tôi không thể hình dung trên đời này có một dự án nào, cả trong đời sống cá nhân lẫn sự nghiệp, lại suôn sẻ từ đầu chí cuối mà không có bất cứ một khó khăn trở ngại nào. Tuy vậy, tôi vẫn nghe thiên hạ hàng ngày than phiền và viện cớ cho những thất bại của mình, bởi vì một việc nào đó đã xảy ra mà họ không ngờ tới. Nếu bạn luôn ở trong tâm thế đón nhận khó khăn trước mắt, bạn sẽ chuẩn bị sẵn sàng thay vì ngạc nhiên.

Trong hàng trăm dự án mà tôi thực hiện, không có một dự án nào mà không có những khó khăn ngoài dự kiến. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã nổi cáu với tôi, sẵn sàng hủy bỏ việc hợp tác vài giờ trước khi buổi quay phim bắt đầu. Một số thiết bị quan trọng của tôi bị hỏng trong lúc quay. Thậm chí tôi từng bị vỡ ruột thừa hai ngày trước một buổi ghi hình không thể trì hoãn. Chính nhờ khả năng ứng phó bằng những giải pháp linh hoạt, sáng tạo mà công ty tôi đã vượt qua được những khủng hoảng như vậy.

Và bây giờ, chúng ta hãy quay lại định nghĩa đúng về lòng kiên trì. Tôi đã nói, “Lòng kiên trì thật sự là tông vào bức tường và bị ngã, đứng dậy, phủi sạch bụi bẩn và nhận ra rằng bạn không thể vượt qua bức tường bằng cách đó, nên bạn phải nghĩ ra cách trèo qua bức tường, đào một đường hầm xuyên qua bức tường, đi vòng qua nó hay làm cho nó nổ tung”.

Bức tường càng cao thì người ta càng có khuynh hướng từ bỏ. Nhưng bức tường càng cao bao nhiêu, bạn càng phải sáng tạo trong các giải pháp vượt qua bức tường ấy bấy nhiêu. Nếu bạn không có khả năng đưa ra một giải pháp hữu hiệu, bạn cần tìm đến các cộng sự hoặc cố vấn giúp bạn đi đến một giải pháp khả thi. Khi tôi ra mắt chiến dịch mang tên Deal-a Meal (một chương trình về giảm cân) của Richard Simmon vào năm 1986 với hàng loạt các đoạn quảng cáo hai phút và quảng cáo trên báo chí. Chúng tôi đã “chạy” chiến dịch này trong vòng sáu tháng và mang lại doanh thu 10 triệu đô. Sau đó, những thước phim quảng cáo không còn tạo ra hiệu ứng tốt đủ để tiếp tục chiến dịch nữa. Chúng tôi làm những đoạn quảng cáo mới, nhưng cũng thất bại nốt. Chúng tôi sắp sửa bỏ cuộc thì một cộng sự của tôi nảy ra một ý tưởng về cách tiếp cận hoàn toàn khác. Ý tưởng tài tình này của anh đã giúp chúng tôi chạy chiến dịch Deal-a-Meal thêm 5 năm nữa, mang lại thêm 160 triệu đô doanh thu.

Bước 6: Duy trì tốc độ chạy maratông

Tất nhiên, kẻ thù lớn nhất của lòng kiên trì là sự thiếu kiên nhẫn, mong muốn theo đuổi ước mơ với tốc độ của người chạy nước rút. Thật không may, những ước mơ có giá trị thường không nằm cách xa bạn 100 mét mà là hàng dặm. Tuy vậy, hầu hết mọi người khi có được tầm nhìn hay một ước mơ thì cắm đầu cắm cổ chạy ngay, nghĩ rằng nếu nhanh chân họ có thể “chộp” được nó. Vấn đề duy nhất là sau khi chạy hộc tốc được một đoạn ngắn, họ đã mệt bở hơi tai không còn sức lực chạy tiếp nữa. Hãy nghĩ về một cuộc thi chạy 100 mét gần đây nhất mà bạn từng chứng kiến. Dù đó là một cuộc thi giải Olympic hay cuộc thi chạy của trẻ con trong xóm, người chạy có vẻ mặt và hành động như thế nào sau khi họ về đích? Tôi chắc rằng ai cũng thở hổn hển, nhiều người chống tay xuống gối, ngồi phịch xuống hoặc nằm lăn ra đất, một số người đi qua đi lại, đầu cúi xuống, thở dốc từng cơn. Bất kể hình dáng của họ thế nào, ai nấy đều thở không ra hơi và kiệt sức trong chốc lát.

Bạn hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra khi họ vừa “cán đích” thì nghe trọng tài thông báo, “Cuộc đua chưa kết thúc, bạn còn phải chạy thêm 105 vòng nữa”. Lúc ấy có lẽ ít có người nào chạy tiếp được. Mà nếu có thì họ cũng không thể chạy nhanh như trước. Trong thực tế, nếu họ chỉ bước đi thì nhiều khả năng là họ không thể hoàn thành thêm 105 vòng nữa. Đó là vì điểm chung duy nhất giữa cuộc thi chạy maratông và chạy cự ly ngắn 100 mét là chúng đều là những cuộc đua. Hai nội dung thi đòi hỏi những phương pháp huấn luyện, chiến lược và cách chạy hoàn toàn khác nhau. Cho nên, thật ngu ngốc khi một người chạy nước rút nhanh nhất thế giới nghĩ đến chuyện chiến thắng trong một cuộc thi chạy maratông, và sẽ còn ngu ngốc hơn nếu bạn muốn đạt được những ước mơ của mình bằng tốc độ chạy nước rút.

Edison và nhân viên của ông mất tới gần ba năm mới phát minh ra đèn điện. Họ làm việc trong nhiều giờ liền, thường từ 16 đến 20 tiếng một ngày. Họ giải quyết những vấn đề mà những nhà phát minh khác phải vật lộn trong suốt nửa thế kỷ. Bạn nghĩ gì khi mỗi sáng Edison bước vào phòng thí nghiệm của mình với nguồn năng lượng và thái độ của một người chạy nước rút. Hãy tưởng tượng ông gọi những nhân viên của mình lại và bảo, “Các bạn, hôm nay tôi muốn tất cả mọi người làm việc thật nhanh như chưa bao giờ làm nhanh như thế. Tôi không muốn nhìn thấy ai đi bộ hoặc chạy tà tà nữa. Hãy chạy, chạy hết tốc lực. Tên của trò chơi này là tốc độ, tốc độ và tốc độ. Sẵn sàng chưa? Một hai ba, chạy!”. Với cách thức ấy, ai cũng sẽ ngã quỵ trong vòng một ngày. Nhưng Edison, bậc thầy của lòng kiên trì, biết rõ rằng những bước đi đều đặn vững chãi là cách duy nhất đưa cả đội về đến đích. Ước mơ của ông không phải là cuộc thi chạy 100 mét mà là hàng trăm kilômét. Ông và cộng sự của mình thậm chí còn ngủ trưa trong phòng thí nghiệm. Họ cần sự dẻo dai và đức kiên trì để hoàn thành cuộc chạy đường trường của mình.

Zig Ziglar kể lại câu chuyện ông muốn giảm 14 ký trong vòng 9 tháng như thế nào. Dường như đó là một nhiệm vụ bất khả thi và ông chưa bao giờ thành công trong kế hoạch giảm cân của mình. Sau đó, ông nhận ra rằng để giảm lượng mỡ thừa này trong khoảng thời gian ấy, ông chỉ cần giảm khoảng 50 gram mỗi ngày. Đó không chỉ là một mục tiêu khả thi mà còn dễ thực hiện. Thế là ông giảm ký và trở lại phong độ như trước. Richard Simmon bảo tôi rằng chế độ ăn kiêng cấp tốc không bao giờ mang lại kết quả. Khi một người nhanh chóng giảm đi 5 hoặc 10 ký, họ sẽ tăng cân lại nhanh chóng như vậy. Nhưng nếu họ giảm cân một cách từ từ, bằng cách áp dụng chế độ ăn kiêng và thói quen luyện tập thể thao trong một thời gian dài, họ sẽ có thể giảm cân và duy trì hình thể ở phong độ tốt nhất.

Bạn còn nhớ bản sơ yếu lý lịch của tôi không? Trong 6 năm đầu tiên đi làm, tôi đã để mất 9 công việc cả thảy. Ví dụ hay nhất của tôi về một người làm chủ được lòng kiên trì và vững bước trong cuộc sống với tốc độ chạy maratông là một người mà bản sơ yếu lý lịch của ông đã thể hiện tất cả.

Ở tuổi 21, ông chứng kiến công ty đầu tiên của mình thất bại.

Ở tuổi 23, ông phấn đấu trở thành chính khách trong bang và thất bại.

Ở tuổi 24, công ty thứ hai của ông thất bại.

Ở tuổi 27, ông suy sụp tinh thần.

Ở tuổi 29, ông ứng cử vào Quốc hội và thất bại.

Ở tuổi 31, ông ứng cử vào Quốc hội và thất bại lần nữa.

Ở tuổi 37, ông ứng cử vào Quốc hội và thành công. (Cuối cùng cũng chiến thắng!)

Ở tuổi 46, ông ứng cử vào vị trí Phó tổng thống và thất bại.

Ở tuổi 49, ông ứng cử vào Thượng nghị viện và thất bại.

Nhìn vào bản sơ yếu lý lịch của người đàn ông này, bạn nghĩ là ông ta sẽ từ bỏ giấc mơ làm chính trị của mình ư? Nhưng người mà tôi đang nói tới không hao hụt chút nhiệt huyết nào sau mỗi lần thất bại. Cuộc đời ông không chỉ thể hiện một quyết tâm lớn mà còn cả lòng kiên trì vô song nữa. Cuối cùng, trồng cây có ngày hái quả – không chỉ cho ông mà còn cho tất cả người Mỹ chúng ta. Sở dĩ chúng ta được sống trên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày nay là nhờ vào một sự thật, ở tuổi 54, Abraham Lincoln đã trở thành vị tổng thống thứ 16, người đã vượt qua thử thách lớn nhất mà một vị tổng thống Mỹ phải đối mặt, đó là việc chia cắt đất nước.

Vì thế, để tiến hành toàn bộ Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ, bạn hãy duy trì bước chạy của một người chạy đường dài, bất kể bạn có muốn tăng tốc hay bứt phá như thế nào chăng nữa. Đừng cố hoàn thành quá nhiều công việc trong một ngày hoặc đi quá nhiều bước trong một tuần. Hãy dành thời lượng cần và đủ cho mỗi công việc và bước đi. Thực hiện chúng ở tốc độ không có nguy cơ đốt cháy toàn bộ năng lượng của bạn.

Duy trì tốc độ vừa phải trong Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ không chỉ có tác động đến lòng kiên trì của bạn mà còn là yếu tố cuối cùng quyết định liệu bạn có thật sự đạt được ước mơ đúng lúc để tận hưởng chúng hay không. Động cơ cuối cùng trong Nghệ Thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ là động cơ thật sự quyết định tiến độ trong việc hoàn thành ước mơ của bạn. Giống như vị thuyền trưởng của con tàu vượt đại dương, bạn có thể điều chỉnh tốc độ con tàu sao cho nó về bến an toàn và đúng thời hạn. Bạn cũng có thể đi chậm lại khi gặp bão tố, hoặc có thể tăng tốc khi trời quang biển lặng. Tôi gọi động cơ này là Kế Hoạch Ưu Tiên Chính Xác Như La-de. Nó sẽ giúp bạn tuân thủ thứ tự ưu tiên của những ước mơ trong đời bạn.

Bí quyết hiệu nghiệm 12:

Tạo dựng lòng kiên trì

1. Trong quyển nhật ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ của bạn, trên mỗi trang Ước mơ, hãy viết ít nhất một đoạn văn về tầm nhìn cũng như tất cả những lợi ích mang lại từ việc đạt được ước mơ đó.

2. Chia sẻ những ước mơ quan trọng nhất của bạn với những người mà bạn tin tưởng, đặc biệt là những người bạn muốn tuyển làm cộng sự hoặc cố vấn để đạt được ước mơ đó.

3. Nghĩ về những thất bại của bạn trong gia đình cũng như trong công việc. Hãy viết ra một số thất bại vào sổ tay và ghi rõ cách bạn đã phản ứng với thất bại đó.

4. Nghĩ về những thất bại của những người xung quanh bạn, trong gia đình cũng như trong công việc. Hãy viết ra một số thất bại vào sổ tay và ghi rõ cách bạn đã phản ứng với những thất bại đó. Hỏi những người thân nhất cách ứng xử thông thường của bạn với thất bại của họ. Sau đó hỏi xem họ muốn bạn phản hồi như thế nào. Ghi những ý kiến đó vào sổ.

5. Trong quyển nhật ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ, bên cạnh mỗi trang Ước mơ, hãy thêm vào một trang có tựa đề “Trở ngại”. Trong mỗi trang đó, hãy liệt kê tất cả những khó khăn tiềm tàng mà bạn nghĩ có thể ngăn cản bạn không đạt được ước mơ. Một khi đã hoàn tất danh sách này, hãy lập ra một danh sách các giải pháp sáng tạo mà bạn nghĩ có thể giúp bạn vượt qua những khó khăn ấy. Đây là lúc thu thập ý tưởng của người khác. Bạn có thể nghĩ ra một ý tưởng sáng tạo để vượt qua một trở ngại, nhưng người khác thậm chí có thể nghĩ ra một cách hiệu quả hơn hoặc dễ thực hiện hơn. Đồng thời, hãy chuẩn bị tinh thần gặp phải những khó khăn ngoài dự kiến. Để khi chúng xuất hiện trên đường đi, thay vì lâm vào trạng thái hoảng sợ, bạn sẽ bắt đầu động não cùng với người khác, đưa ra những phương án khả thi sáng tạo.

6. Trong quyển nhật ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ, hãy xem lại thời hạn mà bạn đặt ra cho mỗi công việc, bước đi và mục tiêu cụ thể để đạt được những ước mơ quan trọng nhất của bạn. Hãy tự hỏi liệu bạn đang cố gắng hoàn thành những công việc này với tốc độ của một người chạy đường trường hay nước rút. Bạn có thể cần phải điều chỉnh thời hạn của một số mục tiêu cho phù hợp với tốc độ chạy maratông. Bất cứ ước mơ quan trọng nào cũng cần một nỗ lực lâu dài và điều đó có nghĩa là phải thiết lập một tốc độ đều đặn, vững chắc trong suốt quãng đường dài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.