Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ
CHƯƠNG 9
SỢI DÂY XÍCH THỨ SÁU:
THIẾU ĐIỀU KIỆN
Bạn không thể tự mình phóng tên lửa lên được.
Thất bại trong việc tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ bên ngoài sẽ làm cho cuộc hành trình bay đến ước mơ của bạn trở nên bất khả thi.
“Tôi cũng muốn làm việc này, nhưng tôi không có đủ tiền!”, “Tôi thích mở công ty riêng, nhưng tôi bán hàng tệ lắm”, “Thời gian chạy đi đâu mất? Sao một ngày lại ngắn chẳng tày gang?”, “Tôi biết mình cần tập thể dục, nhưng tôi không có thời gian!”.
Đó chỉ là một vài lời phàn nàn mà tôi nghe được từ bạn bè trong mấy tuần qua. Tất cả đều phản ánh cùng một vấn đề, cùng một sợi dây xích đã trói chặt đa số mọi người vào bệ phóng của mình trong suốt cuộc đời. Những câu nói này tiết lộ tình trạng “thiếu điều kiện” mà họ tin rằng cần phải vượt qua để đạt được mục tiêu hay hoàn thành ước nguyện của mình. Sợi dây xích “thiếu điều kiện” chỉ thua mỗi sợi dây xích “thiếu kiến thức” về sức mạnh và hậu quả gây ra của nó. Hai sợi dây xích này giống nhau ở chỗ là cùng được mọi người nhìn nhận như một trở ngại không thể đánh bại. Khi việc thiếu điều kiện cản đường con người đi đến ước mơ thì phản ứng thông thường của họ là quay đầu từ bỏ mục tiêu.
Lời than phiền “Tôi không có đủ tiền” nhắm vào một điều kiện mà không ai trên đời cảm thấy mình có đủ: đó là tiền bạc. Bất kể bạn có bao nhiêu tiền, bạn cũng không bao giờ cho là đủ cả. Barbara Walters từng hỏi tỷ phú John Malone, chủ công ty TCI Cable, là cớ sao ông vẫn làm việc 14 tiếng một ngày, bảy ngày một tuần khi mà ông có thể “nghỉ ngơi với hàng tỷ đô trong ngân hàng”. Malone ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Có lẽ bởi vì tôi nhận ra rằng tất cả số tiền đó có thể đội nón ra đi”. Bill Gates là người giàu nhất hành tinh nhưng công ty mà ông sở hữu, Microsoft, vẫn phải vay tiền ngân hàng. Steven Spielberg có hàng trăm triệu đô trong tài khoản nhưng ông vẫn kêu gọi nhà tài trợ cho những bộ phim của ông. Cá nhân tôi quen biết nhiều triệu phú có tài sản lên tới vài trăm triệu đô, vậy mà tôi chưa bao giờ nghe ai nói, “Tôi có đủ tiền”. Tiền đại diện cho một điều kiện “có giới hạn” đối với tất cả chúng ta.
“Tôi cũng muốn lập công ty riêng lắm, nhưng tôi không có khiếu bán hàng” đề cập đến một điều kiện có giới hạn khác, vốn là một vấn đề phổ biến đối với tất cả chúng ta: thiếu tài năng và khả năng. Oprah Winfrey luôn là một tài năng sáng chói dù cô xuất hiện trước khán giả trường quay trong các show truyền hình hàng ngày của mình hay đứng trước ống kính camera. Tuy vậy, cô vẫn sẽ là người đầu tiên nói với bạn rằng cô nhận thấy ở những vị khách mời của mình vô số những tài năng và khả năng mà bản thân cô không sở hữu. Bill Gates rõ ràng là một thiên tài, vậy mà một bài báo mới đây của tờ Forbes nói rằng Microsoft sẽ chỉ là một phần nhỏ của một Microsoft trong hiện tại, nếu không có sự đóng góp của những tài năng siêu việt cùng làm việc với Bill Gates.
Trong quyển sách đầu tay của tôi, “Sổ tay triệu phú” (A Millionaire’s Notebook), tôi nói rõ rằng tôi chỉ có bốn khả năng đáng kể: đánh máy vi tính khá tốt; có khả năng giao tiếp hiệu quả và thuyết phục người khác; biết đạo diễn chương trình qua ống kính camera và cuối cùng là biết cách tiếp thị sản phẩm và ý tưởng. Chỉ có thế thôi. Tài năng và khả năng của tôi rất giới hạn, phải không? Đúng thế. Có vô số điều tôi không biết. Tôi không biết chơi một loại nhạc cụ nào; không biết đọc các bản báo cáo tài chính; không hiểu bất cứ điều gì về máy móc và không có năng khiếu thể thao. Tôi cũng không thành thạo về máy tính và các chương trình máy tính; thậm chí không giải nổi những bài toán khó trong sách giáo khoa của đứa con gái 16 tuổi của tôi. Nói tóm lại, tôi chỉ có vỏn vẹn bốn khả năng chính và thiếu tất cả những gì còn lại! Tuy vậy, bốn tài năng trên đã tạo ra hơn một tỷ đô doanh thu và góp phần dựng lên rất nhiều công ty với hàng loạt sản phẩm từ bảo hiểm đến mỹ phẩm. Có phải loài người ai cũng có vốn liếng tài năng và khả năng giới hạn không? CHÍNH XÁC! Vậy điều đó có nghĩa là chúng ta để cho sự thiếu thốn đó cản trở chúng ta đạt đến ước mơ? HOÀN TOÀN SAI!
“Một ngày trôi qua nhanh quá. Tôi không bao giờ có đủ thời gian.”, “Tôi biết mình cần tập luyện thể thao, nhưng tôi chẳng có lúc nào rảnh”. Đó là hai câu nói về một điều kiện quý giá nhất và có giới hạn nhất mà tất cả chúng ta đều sở hữu: thời gian! Dù bạn giàu có và quyền lực đến mấy thì bạn cũng chỉ có 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần và 52 tuần một năm. Thời gian là thứ tài sản quý giá và hữu hạn hơn bất cứ thứ gì mà bạn nắm giữ, tuy vậy, nó lại là thứ mà bạn ít chú ý đến nhất và thường phí phạm một cách vô tội vạ. Khi bạn phung phí tiền bạc, dù là đến đồng xu cuối cùng, bạn vẫn có cơ hội kiếm lại được. Donald Trump gây dựng lên một đế chế hàng tỷ đô và suýt mất tất cả, nhưng ngày nay, tài sản của ông còn lớn hơn bao giờ hết. Sam Walton mất trắng khi chuỗi cửa hàng Ben Franklin Five-and-Dime của ông sụp đổ dẫn đến việc ông gần như phá sản khi bắt đầu thành lập Wal-Mart. Cuối cùng, ông không những lấy lại được những gì đã mất mà còn trở thành người giàu nhất thế giới trước khi ông qua đời.
Nếu bạn chưa kịp phát huy tài năng của mình ngày hôm nay thì bạn luôn có thể tận dụng chúng vào ngày mai. Tài năng luôn sẵn sàng chờ một cái vẫy tay và lời hiệu triệu của bạn. Thế nhưng, khi bạn đánh mất thời gian thì bạn sẽ không bao giờ tìm lại được, không thể nào, dù chỉ là một phút. Bất kể bạn có bao nhiêu tiền và tài năng của bạn đặc biệt đến đâu, một ngày trong đời bạn một khi đã trôi qua sẽ không bao giờ trở lại. Tệ hơn nữa, thời gian của bạn trong tương lai cũng hữu hạn như thế và ngày càng ít ỏi hơn tựa như chiếc đồng hồ cát. Oái oăm thay, thời gian, thứ tài sản có hạn và quý giá nhất hành tinh, hơn cả vàng ngọc và kim cương, lại bị đa số người đời vô tư lãng phí như nước xả trong bồn cầu.
Tháng 8 năm 1994, cha tôi bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Bác sĩ tin rằng ông chỉ còn sống được khoảng 11 đến 12 tháng là cùng. Trong quãng thời gian đó, thỉnh thoảng, tôi dẹp việc kinh doanh sang một bên và dành ra vài ngày ở bên cha. Ông sống cách xa tôi hơn 900 cây số, nên mỗi lần về thăm ông, bao giờ tôi cũng phải lên kế hoạch trước. Sáu tháng sau khi ông phát hiện bệnh ung thư, sức khỏe của ông suy sụp nhanh hơn dự đoán. Vậy mà tôi vẫn hành động như thể hai cha con tôi sẽ còn nhiều thời gian với nhau. Tôi đưa ông đến bệnh viện vào một buổi cuối tuần và khi từ giã, tôi hứa ba tuần sau sẽ quay lại thăm ông nhưng chỉ hai tuần rưỡi sau, ông đã không cầm cự nổi. Giống như tất cả những người mất cha mất mẹ, cả triệu lần tôi ao ước rằng mình chỉ cần có thêm một giờ đồng hồ nữa ở bên cha. Tôi sẵn lòng đổi đến đồng xu cuối cùng của mình trong ngân hàng để lấy một giờ quý báu đó mà không mảy may hối tiếc. Thế nhưng tôi không thể ở bên ông được nữa, dù chỉ trong chớp mắt. Không còn được ôm ông, hôn ông hay mỉm cười với ông nữa. Tôi nhớ cha nhiều đến nỗi nhiều lúc tôi cảm nhận được cơ thể mình khao khát được gặp cha. Thế mà trong lúc ông còn sống, tôi đã có thể ở bên ông hàng trăm giờ như vậy… chỉ là tôi đã không nhận ra rằng thời gian không thể thu hồi và nó trôi nhanh đến thế.
Trong chương hai của quyển sách này, tôi đã nói đến cái đêm định mệnh vào năm 1971 khi cuộc đời tôi thay đổi với sự ra đời của đứa con gái đầu lòng của tôi, Carol. Tôi đã viết và thuê ban nhạc L.A. thu âm một bài hát mừng sinh nhật lần thứ 16 của con gái. Tôi tặng bài hát cho Carol và chúng tôi khiêu vũ với nhau trong bữa tiệc chào mừng “tuổi 16 ngọt ngào” của cô bé. Khổ đầu và đoạn điệp khúc của bài hát như thế này:
Nhìn vào… đôi mắt này… thật xanh biếc, khi con vừa chào đời chưa được một tiếng
Vậy mà con đáp lại cái nhìn của cha…
Sao con có thể làm được như vậy? Cảm giác tuyệt vời hơn bao giờ hết.
Rồi năm tháng trôi nhanh… tựa mũi tên bay…
Bím tóc và nơ con gái được thay bằng sách vở và những cậu bạn trai,
Con gái yêu của cha nay đã thành người lớn…
Và bây giờ cha nhìn con… cái tuổi 16 ngọt ngào.
Con yêu, con gái nhỏ của cha, ôi cha không thể tin được khi nhìn thấy nụ cười bừng sáng của con;
Con yêu, con gái nhỏ của cha, con lớn nhanh như thổi.
Như chỉ mới ngày hôm qua thôi, cha còn công kênh con trên vai;
Mà hôm nay cha đứng nhìn… con xoay tròn trong điệu vũ,
Con đã lớn thật rồi sao?
Bây giờ thì Carol đã 25 tuổi và vừa nhận bằng thạc sĩ về tư vấn. Tôi tin là bất kỳ ai có con cái trong độ tuổi 20 cũng đồng ý với tôi rằng thời gian trôi nhanh như tên bắn. Trong khi ba đứa con đầu của tôi lớn lên ở Philadelphia, tôi dành phần lớn thời gian làm việc ở Los Angeles. Vì vậy, tôi đã bỏ lỡ vô số hoạt động và sự kiện diễn ra trong suốt thời thơ ấu của chúng; không chỉ những vở kịch ở trường và những trận đấu bóng rổ mà quan trọng hơn là hàng trăm bữa cơm tối và giờ cho con đi ngủ. Tôi đã đánh mất một số khoảnh khắc đẹp nhất trong đời chúng và không bao giờ có lại được. Đây sẽ mãi là một trong những nỗi tiếc nuối lớn nhất đời tôi. Lúc ấy, tôi đã không nhận ra thời gian quý báu và trôi nhanh đến mức nào. Tôi muốn chia sẻ với bạn điều này bởi vì tôi hy vọng rằng vào lúc bạn đọc xong quyển sách này, bạn sẽ hiểu rõ hơn và biết trân trọng những tài sản có giới hạn của mình, đặc biệt là thời gian. Có như thế, bạn mới điều chỉnh hành vi và lối sống của mình để tận dụng được tốt nhất những điều kiện hữu hạn của bạn.
ĐƯỜNG CHỈ BẠC TRONG ĐÁM MÂY MỜ CỦA NHỮNG ĐIỀU KIỆN HẠN CHẾ
Bạn chớ bao giờ coi những điều kiện có hạn ấy như những chướng ngại vật không thể chinh phục trên cuộc hành trình thực hiện ước mơ của mình. Ngược lại, tương tự như việc thiếu kiến thức, việc thiếu điều kiện có thể trở thành đòn bẩy giúp bạn đạt được những ước mơ kỳ vĩ nhất. Hồi còn học đại học, tôi rất mê nhạc nhưng không có khiếu âm nhạc cũng chẳng có kiến thức gì về nó. Mỗi khi tôi cao hứng cất tiếng hát trong lúc tắm thì bao giờ những người bạn cùng phòng cũng đập cửa và gào lên bảo tôi hãy “tắt loa” đi cho họ nhờ. Có lần họ còn tạt cả thùng nước đá vào người tôi, khi tôi đang mê mải hát những nốt nhạc cao.
Một hôm, tôi chợt nảy ra một ý tưởng độc đáo, đó là thành lập một đội hợp xướng bao gồm các ca sĩ và nhạc công. Khi tôi mở miệng nói ra điều đó, lũ bạn cười ầm lên. Một cậu còn nói thẳng, “Mày thì biết quái gì về âm nhạc!”. Tuy vậy, bảy ngày sau, tôi đã tập hợp được 17 giọng ca và 18 tay chơi đàn, hầu hết đều học chuyên ngành âm nhạc. Vài tuần sau, tôi chiêu mộ được người chỉ huy dàn nhạc tài ba nhất bang (và có lẽ là nhất nước Mỹ) về làm nhạc trưởng. Chỉ vài tháng sau, hầu như tuần nào đội hợp xướng của chúng tôi cũng có buổi trình diễn và nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh nhiệt liệt của khán giả. Chúng tôi tiếp tục trình diễn với nhau cho đến khi chúng tôi tốt nghiệp đại học, hai năm sau đó. Nếu tôi xem sự bất tài của mình trong lĩnh vực âm nhạc như một trở ngại không thể vượt qua thì cả 17 ca sĩ, 18 nhạc công cùng vị nhạc trưởng và tôi đã bị tước đoạt một trải nghiệm tuyệt vời. Chưa hết, cô con gái nhỏ của vị nhạc trưởng thường có mặt trong những buổi tập dượt của chúng tôi đã trở thành một trong những ca sĩ hát nhạc thánh ca được ưa thích nhất trong mọi thời đại. Cô trở thành một hiện tượng khi đạt 37 giải thưởng về nhạc thánh ca và 5 giải Grammy. Tên cô là Sandi Patti.
Khi tôi được đối tác của mình tuyển dụng để bắt đầu công việc kinh doanh tiếp thị truyền hình, tôi chưa bao giờ viết kịch bản và đạo diễn chương trình quảng cáo trước đây. Tôi chẳng biết chút xíu gì về truyền hình hay quảng cáo thương mại cả. Tuy vậy, bốn tháng sau, tôi đã viết và chỉ đạo chương trình đầu tiên, một chương trình quảng cáo dài hai phút với chi phí 4.200 đô. Chương trình này mang lại doanh thu hơn 20 triệu đô và khai trương công ty của chúng tôi. Trong vòng vài tháng sau, người cộng sự (và là cố vấn) của tôi, Bob Marsh, đã đưa hai con trai và hai con rể của ông vào làm trong công ty. Hãy nhìn vào
trình độ chuyên môn của họ: một người 24 tuổi làm nghề đánh giá chất lượng in ấn, một người khác cũng 24 tuổi làm trong ngành dầu khí, một nhà huấn luyện chó 28 tuổi và một nhân viên bán hàng 19 tuổi vừa bị đuổi việc vì quá kém. Bạn có thấy ai là chuyên gia trong ngành truyền thông đại chúng, tiếp thị truyền hình, sản xuất hay bất cứ một tài năng cần thiết nào để lập nên một công ty trong lĩnh vực này không? Không hề. Vậy mà chúng tôi vẫn xây dựng nên rất nhiều công ty hàng triệu đô, bán ra một khối lượng sản phẩm trị giá hơn một tỷ đô. Bạn thấy đấy, đó là vì chúng tôi hiểu được rằng việc thiếu khả năng hay tài năng hoàn toàn không phải là một trở ngại. Trái lại, đó chính là ngọn đèn xanh báo hiệu cho chúng tôi biết hãy cố gắng hơn nữa để học hỏi những gì có thể, và để tuyển những người có thừa những khả năng mà chúng tôi không những thiếu mà còn không thể học được.
Trong những chương sau, bạn sẽ khám phá những động cơ cực mạnh giúp bạn vượt qua việc thiếu điều kiện. Bạn cũng sẽ học được cách gặt hái nhiều thành quả nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất.
KHÁI NIỆM TRIỆU PHÚ “MỘT MÌNH GÂY DỰNG CƠ ĐỒ” KHÔNG HỀ HIỆN HỮU
Trong những năm qua, có nhiều người được giới thiệu với tôi là “tự mình làm giàu”. Trong chuyến đi quảng bá quyển sách “Sổ tay triệu phú” của tôi vào năm 1996, vô số người dẫn chương trình trên rađiô và truyền hình đã nói về tôi như một triệu phú “một mình tạo dựng cơ nghiệp”. Trong những trường hợp đó, tôi bao giờ cũng đính chính lại rằng họ có thể gọi tôi là triệu phú “nhà làm” (homemade) chứ dứt khoát không phải là “tự làm” (self-made). Bởi vì nếu tôi không hợp lực với sáu đối tác tuyệt vời khác và không được một doanh nhân thiên tài chỉ bảo, chắc hẳn tôi không thể đạt được mức độ giàu có như ngày hôm nay. Và tôi có thể thành thật nói rằng tất cả những ông bà bạc triệu hay bạc tỷ nào mà tôi từng gặp đều như vậy cả. Họ cũng có những người thầy, đối tác, cố vấn, nhà đầu tư… giúp sức. Tôi không biết một trường hợp ngoại lệ nào.
Tương tự với những người thành công trong những lĩnh vực khác như hôn nhân, gia đình, các mối quan hệ, sự nghiệp hoặc sở thích, bạn sẽ thấy rằng những ước mơ đó không thể thành hiện thực nếu thiếu đi nguồn lực trợ giúp từ bên ngoài.
Cuộc sống cá nhân và hôn nhân của tôi, tình cảm bạn bè và các mối quan hệ khác sẽ không được vui vẻ và trọn vẹn như ngày hôm nay nếu tôi không nhận được lời khuyên khôn ngoan và sự tư vấn sâu sắc của người thầy và người bạn của tôi, Tiến sĩ Gary Smalley. Nói một cách đơn giản, bạn sẽ không bao giờ đạt được bất cứ một ước mơ hay thành tựu phi thường nào nếu thiếu đi sự chỉ dẫn, lời khuyên và sự hỗ trợ của người khác. Nhưng việc tìm được đúng thầy, đúng bạn, đúng người vui lòng đồng cam cộng khổ với mình sẽ là một nhiệm vụ gần như bất khả thi trừ khi… bạn sử dụng những kỹ thuật và phương pháp sẽ được đề cập ở phần sau.
TRẬN CHIẾN HÀNG NGÀY GIỮA CÁI TỐT VÀ CÁI TỐT NHẤT
Bởi vì những điều kiện có giới hạn vô cùng quý giá, bạn nên nhận ra rằng đa số mọi người hiếm khi tận dụng những điều kiện ấy một cách tốt nhất. Nói một cách chính xác, họ chỉ khai thác chúng ở mức độ “tốt” hoặc “vừa phải”, thay vì “tốt nhất”. Trong suốt những năm tôi sống ở Philadelphia và làm việc ở Los Angeles, các chương trình quảng cáo truyền hình tận dụng khá tốt thời gian của tôi. Nhưng những hoạt động này, cùng với “cái tốt” của nó, đã tước đoạt của tôi và các con tôi cách sử dụng thời gian “tốt nhất”, đó là ở bên cạnh con cái. Vì vậy, một trong những ước mơ mà tôi ấp ủ cho quyển sách này là nó có thể giúp bạn bắt đầu thay cách sử dụng những điều kiện có hạn của mình từ cách “tốt” sang cách “tốt nhất”. Trong thực tế, phần lớn chúng ta lại làm ngược lại, đó là chấp nhận cái kha khá đường được thay cho cái tốt nhất. Khi bạn học được cách tận dụng tốt nhất những điều kiện có hạn, mức độ thành công của bạn sẽ được nâng lên một tầm mức mới mà bạn không thể hình dung.
Bí quyết hiệu nghiệm 6:
Vượt qua việc thiếu điều kiện
1. Ba điều kiện có giới hạn nhất trong cuộc sống là thời gian, tài năng và tiền bạc. Trên mỗi trang ước mơ trong quyển Nhật Ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ của bạn, hãy viết ra bất cứ sự thiếu thốn nào ở trên đang cản trở bạn đạt được ước mơ đó. Giả sử, bạn mong muốn đáp ứng nhu cầu tình cảm sâu kín nhất của người bạn đời nhưng việc bạn không có đủ thời gian đến gặp các chuyên viên tư vấn hôn nhân gia đình hoặc đọc sách về đề tài này có thể là một trở ngại quan trọng. Hoặc giả nếu bạn muốn mở công ty riêng thì việc thiếu tiền, thời gian và khả năng có thể đều là những khó khăn cần vượt qua.
2. Bạn có thể nới rộng những điều kiện có hạn của mình bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Thiếu thời gian ư, hãy giao bớt việc và nhiệm vụ của mình cho người khác. Không đủ tài năng hay sao, hãy tuyển dụng người có những năng khiếu mà bạn không sở hữu. Việc thiếu tiền có thể khắc phục được bằng cách vay vốn của ngân hàng, kêu gọi các nhà đầu tư, các nhà tài trợ…
Trên mỗi trang ước mơ của bạn, nếu thời gian được xem như một vật cản, hãy viết ra bất cứ phần việc nào mà bạn đảm trách có thể ủy thác cho người khác, để bạn có thêm thời gian rảnh. Nếu trở ngại nằm ở chỗ bạn thiếu khả năng, hãy nêu những tài năng cụ thể mà bạn cần tìm ở người khác. Nếu vấn đề là tiền bạc thì hãy kê ra những nguồn hỗ trợ tài chính mà bạn có thể nhờ đến.
3. Ở cuối chương 16, bạn sẽ tìm thấy một mẫu bảng biểu cho phép bạn tìm hiểu cách quản lý thời gian hiện tại của mình. Bạn sẽ nhận ra những khoảng thời gian bạn đang sử dụng vào những việc “tốt”, thay vì “tốt hơn” hay “tốt nhất”. Sau khi hiểu rõ, bạn sẽ có động lực thay thế những cách sử dụng “tốt” đó bằng cách sử dụng “tốt nhất”. Điều này cũng phản ánh thứ tự ưu tiên của bạn trong việc đạt được những ước mơ quan trọng nhất đời bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.