Chiến hữu

CHƯƠNG 13



Cô gái mà cậu che che dấu dấu,” Frau Zalewski nói, “cậu không cần phải lén lút nữa. Cô ấy có thể đường hoàng đến đây. Bác thích cô ấy.”
“Bác chưa hề gặp nàng,” tôi trả lời.
“Đừng lo, bác gặp rồi,” Frau Zalewski nói, nhấn mạnh. “Bác đã trông thấy và thích cô ấy –thực sự, thích lắm, — nhưng cô ấy không phải là người dành cho cậu.”
“Thật à?”
“Bác thường tự hỏi, trong mấy cái quán nhậu của cậu, đào đâu ra được cô ấy? Nhưng dĩ nhiên, tên ma cà bông bết nhất –“
“Cháu nghĩ là bác lạc đề rồi,” tôi cắt ngang.
“Cô ấy,” bà nói, chống nạnh, “là một cô gái cho một người đàn ông có địa vị vững vàng. Nói ngắn gọn, một người đàn ông giàu có.”
Đập thẳng mục tiêu, trời, tôi nghĩ. Đúng chóc vào thứ mà tôi còn thiếu.
“Bác có thể áp dụng câu ấy cho bất kỳ người đàn bà nào,” tôi bực tức nói.
Bà lắc những lọn tóc bạc. “Cậu chờ xem. Tương lai sẽ cho thấy.”
“Ach, tương lai!” Tôi thẩy cặp kim cài tay áo lên bàn. “Thời buổi này ai cần tới tương lai? Tại sao ta phải quan tâm tới tương lai?”
Frau Zalewski ra vẻ đau đớn, ngúc ngoắc mái đầu đường bệ.
“Thật vô cùng kỳ lạ, cậu và tất cả những người trẻ tuổi. Ghét bỏ quá khứ, khinh miệt hiện tại, không màng đến tương lai. Thế thì làm sao có được một kết thúc tốt đẹp chứ?”
“Theo bác, thế nào là một kết thúc tốt đẹp?” tôi hỏi. “Một kết thúc chỉ tốt đẹp nếu những gì xảy ra trước đó tồi tệ. Vì thế một kết thúc xấu lại tốt hơn.”
“Đấy là những trái khoáy, đồi bại kiểu Do Thái,” Frau Zalewski trả lời một cách nghiêm trang, rồi xoay mình quả quyết đi ra. Tay bà đã đặt trên then cửa khi bà bỗng dừng lại, như bị đóng đinh tại chỗ.
“Lễ phục buổi tối? bà nấc lên kinh ngạc. “Cậu?”
Mắt mở to, bà nghiền ngẫm bộ dạ phục của Otto Koster, treo ở cửa tủ áo. Tôi mượn nó, dự tính sẽ đi xem hát với Pat tối ấy.
“Vâng, cháu chứ ai,” tôi châm chọc nói. “Frau Zalewski, khả năng liên hợp của bác thật không ai sánh bằng.”
Bà nhìn tôi. Một cơn bão ý tưởng thổi qua gương mặt mập ú của bà, và chấm dứt với một nụ cười giả tạo.
“À há!” bà nói. Và một lần nữa, “À há!” Và rồi ra khỏi phòng, ngoái qua vai nói vọng lại, với niềm thú vị, méo mó vì thú vui vô tận của đàn bà khi họ khám phá được chuyện gì! “Hóa ra là thế!”
“Vâng, hóa ra là thế, mụ phù thủy ó đâm,” tôi gầm lên, khi biết chắc bà không thể nghe. Rồi tôi quẳng cái hộp với đôi giày da bóng mới tinh của tôi xuống sàn. Một người đàn ông giàu có — làm như tôi không biết thế.
Tôi đến nhà Pat. Nàng ở trong phòng, đã mặc y phục chỉnh tề chờ tôi. Tôi gần như nín thở khi trông thấy nàng. Từ lúc quen nhau cho đến nay, đây là lần đầu nàng mặc áo dạ hội.
Áo may bằng gấm bạc, từ bờ vai thẳng thả xuống những nếp mềm mại, duyên dáng. Áo có vẻ chật thế nhưng lại đủ rộng để không cản trở những bước chân đáng yêu của Pat. Thân trước ôm cao đến cổ, nhưng thân sau khoét một góc sâu. Trong tấm áo, Pat giống một ngọn đuốc bạc dưới ánh hoàng hôn xanh thẫm, thay đổi thật nhanh và thật kỳ diệu, tôn quý và xa xôi. Sau lưng nàng, như bóng tối, dâng lên bóng ma của bà Zalewski với ngón tay chỉa ra.
“Cũng may lần đầu khi gặp nhau, em đã không mặc chiếc áo này” tôi nói, “bởi vì, anh sẽ không bao giờ dám để cho anh đứng gần em.”
“Em không tin những gì anh vừa nói, Robby.” Nàng mỉm cười. “Anh thích cái áo này chứ?”
“Không thể ngờ. Em biến thành một người đàn bà khác hẳn.”
“Thế thì có gì lạ đâu. Y phục có dụng ý như vậy.”
“Có lẽ. Nhưng nó làm anh lúng túng. Cần một người đàn ông khác, xứng hợp với em. Một người có thật nhiều tiền.”
Nàng cười. “Phần lớn những người đàn ông giàu có thì ghê tởm lắm, Robby ạ.”
“Nhưng tiền của họ, thì không?”
“Không,” nàng nói, “tiền thì không.”
“Anh đã nghĩ rằng có.”
“Thế bây giờ anh không nghĩ vậy?”
“Chắc chắn,” tôi nói. “Tiền có thể không mang lại hạnh phúc — nhưng nó rất hữu dụng.”
“Tiền giúp cho ta độc lập, anh yêu, và còn nhiều nhiều nữa. Nhưng em có thể thay áo khác, nếu anh muốn.”
“Tuyệt đối không. Áo đẹp tuyệt trần. Từ nay trở đi, anh sẽ xếp những người may áo vào hạng cao hơn các triết gia. Họ đẹm cái đẹp vào cuộc đời, và như thế đáng giá một trăm lần hơn những sự suy tư sâu sắc nhất. Nhưng coi chừng, anh sẽ yêu em mất thôi.”
Nàng cười. Tôi len lén nhìn lại mình. Koster to lớn hơn tôi, và tôi phải dùng các kim băng giữ cho quần được ngay ngắn. Phải tự khen, vì trông được lắm.
Chúng tôi đón tắc xi đến rạp hát. Trên đường, tôi im như thóc, mà không hiểu vì sao. Khi chúng tôi xuống xe và tôi trả tiền, tôi liếc nhìn, vì một niềm thôi thúc, người tài xế. Đôi mắt anh căng thẳng và viền đỏ, râu ria lởm chởm và trông rất mệt mỏi. Anh thản nhiên nhận tiền.
“Ngày vui không?” tôi nhẹ nhàng hỏi.
Anh nhìn lên, “Tàm tạm –” anh nói, không cởi mở lắm. Anh nghĩ, tôi là một người khách tò mò.
Trong một thoáng, tôi có cảm tưởng mình cần ngồi vào ghế tài xế, bên cạnh anh và lái đi — rồi tôi quay lại. Pat đứng đấy, mảnh khảnh và yêu kiều, một chiếc áo khoác ngắn bạc với tay xòe phủ bên ngoài áo dạ hội, xinh đẹp và đợi chờ. “Nhanh lên nào, Bob, một phút nữa sẽ bắt đầu.”
Người ta đứng đông nghẹt ở lối vào. Đấy là một Đêm Khai Mạc long trọng, hý viện sáng choang; xe hơi lũ lượt ghé vào; phụ nữ vận áo dạ hội bước xuống, nữ trang lấp lánh; đàn ông trong áo đuôi tôm, gương mặt phì nộn hồng hào, nói cười, vui nhộn, hợm hĩnh, ung dung — và, gầm rú, len lách với nhau, những chiếc tắc xi với các bác tài mệt lả, cọc cạch lái đi.
“Nào, Robby,” Pat gọi tôi, rạng ngời và phấn khởi. “Anh bỏ quên cái gỉ hay sao?”
Tôi đưa ánh mắt thù nghịch nhìn vào đám đông.
“Không,” tôi nói, “anh không quên gì cả.”
Rồi tôi đến quầy và đổi vé. Tôi lấy vé ngồi trong lô, dù phải trả cả gia tài. Thình lình, tôi không muốn Pat ngồi cạnh những người trơ tráo này, đối với họ, tất cả mọi thứ đều là lẽ đương nhiên. Tôi không muốn nàng thuộc về họ. Tôi muốn được một mình bên nàng.
Lâu lắm rồi tôi không xem hát. Và nếu Pat không thích, hôm nay tôi đã chẳng đến. Tôi hầu như đánh mất các thói quen của giai cấp trung lưu –kịch nghệ, hòa nhạc, sách vở. Chúng chẳng còn thích hợp trong thời đại này. Chính trị đã cung cấp đủ tuồng tích — những vụ bắn nhau hàng đêm là kiểu hòa nhạc mới — và quyển sách khổng lồ của đói nghèo gây ấn tượng hơn bất kỳ thư viện nào.
Khán giả đã ngồi chật rạp. Vừa khi chúng tôi tìm ra chỗ thì đèn tắt. Chỉ còn ánh sáng phản chiếu từ dàn đèn ở thềm sân khấu lững lờ trong rạp. Nhạc tấu lên rộn ràng, và tất cả mọi thứ dường như bay bổng và múa lượn.
Tôi đẩy ghế của mình sát vào góc lô, nơi đấy tôi không phải nhìn thấy sân khấu hay bộ mặt nhợt nhạt của khán giả. Tôi chỉ nghe âm nhạc và nhìn ngắm gương mặt của Pat thôi.
Âm nhạc làm không khí vui tươi, rộn ràng. Như một cơn gió nam, như một đêm ấm, như những cánh buồm lộng gió dưới ngàn sao, hoàn toàn và vô cùng siêu thực, âm nhạc của vở ca kịch Hoffmann’s Tales. Nó khiến tất cả mọi thứ trở nên bao la và lộng lẫy sắc màu, dòng suối đen của cuộc đời dường như thổn thức trong đấy; không còn gánh nặng, không còn giới hạn; chỉ còn hiện hữu của vinh quang và giai điệu và tình yêu, khiến người ta không thể ý thức rằng, cùng một lúc với âm nhạc ấy, sự nghèo khó, đày đọa và tuyệt vọng đang ngự trị bên ngoài.
Gương mặt Pat đầy bí ẩn, lung linh dưới ánh đèn sân khấu. Nàng hoàn toàn chìm đắm trong thưởng ngoạn; và tôi yêu cách nàng đã không nghiêng mình gần tôi hay nắm lấy tay tôi, vâng, nàng không một lần nhìn tôi, có vẻ không nghĩ gì đến tôi và quên bẵng tôi. Tôi ghét khi người ta pha trộn mọi thứ vào nhau, tôi ghét sự khát khao ngu dại của đôi lứa khi vẻ đẹp và sức mạnh của một tác phẩm nghệ thuật vỡ òa trước mắt; tôi ghét dáng vẻ ngây dại của những cặp tình nhân, những cử chỉ âu yếm sung sướng ngu muội, thứ hạnh phúc ngây ngô thô tục không bao giờ vượt lên khỏi chính nó; tôi ghét tất cả những lý luận về việc trở thành một trong tình yêu; dường như với tôi, chúng ta không thể là hai người cũng như không thể tách rời khỏi người kia đủ nhiều đến mức gặp lại. Chỉ những ai thường xuyên cô độc mới biết niềm vui khi gặp lại nhau. Mọi thứ khác sẽ phá vỡ ma lực của sức căng. Và còn điều gì có thể thâm nhập vòng huyền nhiệm của cô đơn cho bằng trào dâng của cảm xúc, buông thả trước một biến cố sửng sờ, tính chất vĩ đại của các thành phần, giông bão, âm nhạc về đêm? Và tình yêu…
Đèn sáng lóa. Tôi nhắm nghiền mắt trong giây lát. Tôi đã nghĩ gì? Pat quay lại. Tôi trông thấy người ta chen chúc nhau ra cửa. Đây là lần giải lao chính.
“Em muốn ra ngoài không?” tôi hỏi.
Pat lắc đầu.
“Tạ ơn Chúa. Anh ghét cái trò mọi người há hốc mồm nhìn nhau ở ngoài ấy.”
Tôi đi tìm một ly nước cam cho nàng. Mấy vòng người bao vây bàn ăn. Âm nhạc làm một số người đói lả. Những khoanh xúc xích nóng biến mất, nhanh như một trận dịch phát ban đói khát vừa bùng nổ.
Đây là một địa điểm tốt cho U, tôi nghĩ, chen vào giữa đám đông đến quầy và nhanh tay chộp ly nước cam cuối cùng trước một gã có bộ râu quặp. Gã càu nhàu, giận dữ.
“Anh đã lấy hai ly rồi còn gì,” tôi hòa nhã nói.
“Nhưng tôi có cơn khát của ba người,” gã đáp.
Không có câu trả lời nhưng cũng không nhường nhịn. Cướp giật một thứ gì của người khác là một trong những thói cũ xưa nhất của nhân loại — và luôn luôn đem đến niềm vui như nhau. Con người làm gì có từ tâm, và sẽ không bao giờ có.
Khi tôi cầm ly nước cam về chỗ, một người đang đứng phía sau ghế của Pat. Nàng ngoái đầu lại và nồng nhiệt trò chuyện với hắn. “Đây là Herr Breuer, Robert,” nàng nói.
Herr Con Bò, tôi nghĩ thế, và nhìn hắn, trong lòng khó chịu. Nàng nói Robert, không nói Robby. Tôi đặt ly nước lên tường lan can và chờ hắn bỏ đi. Hắn vận một bộ dạ phục vô cùng sang đẹp. Nhưng hắn vẫn đứng đấy, nói mãi về việc sản xuất và về khán giả. Pat quay lại tôi. “Lúc nãy, Herr Breuer hỏi chúng ta, sau khi vản hát, có muốn đi “The Cascade” không?”
“Nếu em muốn,” tôi nói.
Herr Brauer giải thích, không chừng ta có thể khiêu vũ ở đấy. Hắn rất lễ độ và tôi thích hắn, thật vậy. Chỉ có điều, hắn có một vẻ tao nhã và hoạt bát đáng ghét mà tôi tin rằng không thể nào không ảnh hưởng đến Pat, và bản thân tôi hãy còn thiếu sót. Thình lình — tôi không thể tin được tai mình — tôi nghe hắn nói với Pat, “em thương.” Mặc dù có một trăm lý do tốt để hắn nói thế, nhưng tôi chỉ muốn đẩy hắn té nhào xuống ban nhạc ngay tức thì.
Chuông reo. Nhạc sĩ chỉnh lại dây đàn. Vĩ cầm dìu dặt vài khúc sáo ngắn.
“Đồng ý rồi, vậy ta gặp nhau ở lối ra,” Breuer nói và cuối cùng, đi khỏi.
“Tên bụi đời ấy là ai vậy?” tôi hỏi.
“Anh ấy không phải là dân bụi đời, anh ấy là một người rất tử tế. Một người bạn cũ”
“Anh không thích những người bạn cũ chút nào,” tôi nói.
“Anh yêu,” Pat nói, “nghe này –“
Tôi nghĩ đến Cascade, cố phỏng đoán số tiền mình có, cái tiệm đắt tiền đáng ghét.
Tôi thuận theo với nỗi hiếu kỳ buồn thảm. Chàng Breuer này khiến tôi nhớ lại những lời nói gở của Frau Zalewksi. Anh đã chờ trước cửa.
Tôi ngoắc một chiếc tắc xi.
“Không cần đâu,” Breuer nói. “Xe tôi có đủ chỗ.”
“Tốt,” tôi nói. Sẽ kỳ cục lắm nếu không đi chung xe với anh ta. Nhưng cùng một lúc, tôi cảm thấy bực bội.
Pat nhận ra xe của Breuer. Đấy là một chiếc Packard, đậu ở bãi đối diện. Nàng tiến về phía nó.
“Nhưng xe sơn màu khác rồi,” nàng nói, ngừng lại trước đầu xe.
“Vâng, màu xám,” Breuer trả lời. “Em không thấy đẹp hơn sao?”
“Hơn nhiều chứ.”
Breuer quay lại tôi. “Còn anh? Anh có thích màu này không?”
“Tôi không biết xe trước đây trông như thế nào,” tôi nói.
“Đen.”
“Màu đen cũng hay lắm.”
“Đúng. Nhưng người ta cần phải thay đổi. Mùa thu này tôi sẽ lại sơn một màu khác.”
Chúng tôi lái đến “The Cascade”, một khiêu vũ trường sang trọng với một ban nhạc xuất sắc.
“Dường như không còn chỗ nữa,” tôi sung sướng nói, khi chúng tôi đến nơi.
“Tiếc nhỉ,” Pat nói.
“Ach, ta sẽ tìm cách,” Breuer tuyên bố và trao đổi vài câu với người quản lý. Có lẽ anh là khách rất quen, vì họ khuân ra một cái bàn với vài chiếc ghế; và chỉ mấy phút sau, chúng tôi đã ngồi ở vị trí tốt nhất trong phòng, nơi ấy chúng tôi có thể nhìn thấy toàn thể sàn nhẩy.
Ban nhạc đang chơi một bài tango. Pat tựa vào lan can. “Ach, nhưng lâu lắm rồi em không khiêu vũ.”
“Breuer đứng dậy. “Mời em,”
Nàng rạng rỡ nhìn tôi. “Anh sẽ gọi thức uống, trong khi chờ đợi,” tôi nói.
Bài tango khá dài. Thỉnh thoảng từ xa, Pat lại nhìn tôi và mỉm cười. Tôi gật đầu đáp lại, nhưng không cảm thấy có gì đặc biệt. Nàng trông kiều diễm và khiêu vũ tuyệt vời. Chẳng may, Breuer cũng khiêu vũ khéo không kém và họ cùng nhau tạo thành một đôi nổi bật. Họ nhảy rất ăn ý như đã thường xuyên kết đôi với nhau từ lâu. Tôi gọi cho mình một ly rum cỡ lớn.
Hai người trở về bàn. Breuer đi qua chỗ khác chào hỏi người quen, và trong một lúc, chỉ còn lại Pat và tôi.
“Em quen với anh ấy bao lâu rồi?” tôi hỏi.
“Lâu lắm. Sao anh hỏi?”
“Ach, anh chỉ thắc mắc thôi. Em thường đến đây với anh ấy lắm nhỉ?”
Nàng nhìn tôi. “Em không nhớ gì nữa, Robby. “
“Người ta phải nhớ những chuyện ấy chứ,” tôi ngoan cố nói, mặc dù tôi hiểu ý của nàng.
Nàng lắc đầu và mỉm cười. Tôi yêu nàng lắm trong giây phút ấy. Nàng muốn bày tỏ cho tôi biết, nàng đã quên tất cả những chuyện cũ. Nhưng có một điều gì đấy xuyên xoáy hồn tôi, một điều lố bịch, chính tôi còn biết thế, tuy nhiên tôi không thể nào trút bỏ. Tôi đặt cốc rượu xuống bàn. “Em có thể nói cho anh nghe. Không có gì quan trọng đâu.”
Nàng nhìn tôi một lần nữa. “Bằng như ngược lại, anh nghĩ chúng ta có thể đến đây hay sao?”
“Không,” tôi nói, hổ thẹn.
Ban nhạc lại bắt đầu chơi. Breuer đi đến. “Một bản Blues,” anh nói với tôi. “Tuyệt vời. Anh không thích nhảy bản này sao?”
“Không,” tôi trả lời.
“Phí thật”
“Anh cần thử một lần, Robby,” Pat nói.
“Anh sẽ không thử.”
“Nhưng tại sao lại không?” Breuer hỏi.
“Tôi không quan tâm tới chuyện nhảy nhót,” tôi trả lời một cách kém thân thiện. “Tôi không bao giờ học. Không bao giờ có thì giờ. Nhưng các bạn cứ khiêu vũ, tôi ở đây tự vui lấy được rồi.”
Pat do dự.
“Nhưng Pat –” tôi nói. “Em thích khiêu vũ mà.”
“Đúng thế — nhưng anh có vui hay không?”
“Thế em nghĩ, thứ gì đây?” tôi chìa ly rượu của mình cho nàng. “Đây cũng là một hình thức khiêu vũ.”
Họ ra sàn nhảy. Tôi ra dấu cho người bồi bàn và uống cạn ly mình. Rồi tôi uể oải chống tay lên bàn và đếm từng hạt hạnh nhân tẩm muối. Ngồi cạnh tôi, là cái bóng mờ của Frau Zalewski.
Breuer dẫn vài người đến. Hai người đàn bà đẹp và một chàng trẻ tuổi hơn, đầu hói nhẵn thín. Sau đấy, có thêm một người thứ tư. Tất cả đều sinh động, hoạt bát và tự tin. Pat quen với cả bọn bốn người.
Tôi thấy mình nặng nề, cục mịch như hòn đất. Từ trước đến nay, lúc nào cũng chỉ có một mình tôi với Pat. Đây là lần thứ nhất tôi gặp người quen của nàng. Tôi không biết bắt đầu với họ như thế nào. Họ cử động dễ dàng và thoải mái. Họ đến từ một cuộc đời khác, nơi ấy mọi việc đều diễn tiến trơn tru, nơi ấy người ta không phải nhìn thấy những điều không muốn nhìn thấy; họ đến từ một thế giới khác. Nếu chỉ có một mình tôi nơi đấy, với Lenz hay Koster, tôi đã không khổ sở. Nhưng Pat ở đấy, Pat biết họ, và điều ấy làm cho mọi thứ dường như sai trái, khiến tôi què quặt và bắt buộc tôi phải so sánh.
Breuer đề nghị đi nơi khác.
“Robby,” Pat hỏi khi chúng tôi đi ra, “anh có muốn về nhà không?”
“Không,” tôi nói. “Tại sao?”
“Buồn chán với anh.”
“Không đâu. Tại sao lại buồn chán cơ chứ? Ngược lại, là đàng khác. Và em đang vui.”
Nàng nhìn tôi nhưng không nói gì.
Tôi bắt đầu uống. Không lai rai như trước, mà nốc liên tục. Chàng hói bắt đầu để ý. Anh ta hỏi tôi uống gì. “Rum,” tôi nói. “Grog?” anh ta hỏi. “Không, rum,” tôi nói. Anh ta nhấp thử và mắc nghẹn. “Trời thần ơi,” anh ta cung kính nói, “phải nhậu nhiều lắm mới quen được.” Giờ thì hai người đàn bà cũng chú ý. Pat và Breuer đang khiêu vũ. Pat thường xuyên nhìn tôi. Tôi không nhìn nữa. Tôi biết như thế là bất công, nhưng nó đến một cách đột ngột. Và tôi cũng bực bội vì người khác nhận xét chuyện nhậu nhẹt của tôi. Không như một sinh viên, tôi không cần ai thán phục. Tôi đứng dậy, đi đến quầy rượu. Dường như Pat hoàn toàn xa lạ với tôi. Nàng cứ việc đi vào địa ngục, cùng với đám bạn của nàng. Nàng thuộc về họ. Không, nàng không thuộc về họ. Vâng nàng thuộc về họ.
Chàng hói bám theo tôi. Chúng tôi uống vodka với anh bồi rượu. Bồi rượu luôn luôn là nguồn an ủi. Ta có thể nhậu với họ bất cứ nơi nào, và không cần trò chuyện. Anh bồi này cũng được lắm. Chỉ có anh hói là yếu xìu. Anh ta muốn san sẻ tâm sự. Một cô Fifi nào đấy làm nặng trĩu hồn anh. Nhưng chuyện ấy kể mãi rồi cũng cạn. Anh ta nói với tôi, Breuer yêu Pat đã nhiều năm nay. “Thế à?” tôi hỏi. Anh ta cười khẩy. Tôi làm anh ta im mồm bằng một ly Prairie Oyster. Nhưng tôi không thể quên những gì anh ta nói. Tôi bực tức vì mình đã bị ảnh hưởng. Tôi bực tức vì tôi đã quan tâm. Và tôi bực tức vì tôi đã không thụi một quả đấm xuống bàn. Nhưng mơ hồ ở một chốn nào đấy, tôi cảm thấy một ước muốn lạnh lùng, được hủy diệt, không phải hủy diệt người khác, mà chính tôi.
Chẳng bao lâu chàng hói đã im lặng và biến mất. Tôi vẫn ngồi đấy. Thình lình, tôi cảm thấy một bầu vú săn chắc áp vào cánh tay mình. Đó là một trong hai người đàn bà mà Breuer giới thiệu. Cô ta ngồi cạnh tôi. Đôi mắt hạnh nhân, xanh lục pha xám, từ tốn mơn trớn tôi. Một cái nhìn không cần thêm lời — chỉ cần hành động.
“Tửu lượng cao như thế, thật tuyệt,” một lát sau, cô ta nói. Tôi không nói gì. Cô ta thò tay sang ly rượu của tôi. Bàn tay như một con thằn lằn, lấp lánh nữ trang, khô và gân guốc. Nó di chuyển rất chậm, như đang bò. Tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi sẽ thanh toán cô gọn lẹ, tôi nghĩ. Cô đánh giá tôi thấp vì cô thấy tôi buồn. Nhưng cô đã nhầm. Tôi không còn yêu phụ nữ nữa — mà chỉ còn vương vấn tình yêu. Không thể dứt khoát với ái tình, mới là điều làm cho tôi đau đớn.
Người đàn bà ấy bắt đầu nói. Giọng cô ta dòn rụm, như thủy tinh. Tôi thấy Pat nhìn. Tôi không để tâm. Nhưng tôi cũng không để tâm đến người đàn bà ngồi cạnh. Tôi có cảm tưởng mình đang rơi tòm xuống một cái hố trơn không đáy. Không liên can gì đến Breuer và bọn người ấy. Ngay cả Pat, cũng vậy. Chính là cái bí mật thê lương, rằng thực tại có thể khơi dậy ước muốn nhưng không bao giờ cho thỏa nguyện; rằng tình yêu bắt đầu với một người nhưng không bao giờ kết thúc ở đấy; và rằng mọi thứ đều có thể có mặt: một con người, tình yêu, hạnh phúc, cuộc đời — và tuy thế trong một cách thức kinh khủng nào đấy, luôn luôn quá ít, và càng phát triển ít hơn, chúng càng trông như nhiều hơn.
Tôi len lén nhìn Pat. Trong chiếc áo dạ hội bạc, trẻ trung và đáng yêu, nàng lướt ngoài kia, như một đóm lửa sáng của cuộc đời; tôi yêu nàng, và nếu tôi gọi “Đến với anh,” nàng sẽ đến; không có gì ngăn cách chúng tôi; chúng tôi có thể gần nhau như chỉ có con người mới có thể– và tuy thế thỉnh thoảng mọi thứ trong một cách thức rối rắm nào đó sẽ giăng mây u ám và sẽ đầy thống khổ. Tôi không thể giải thoát nàng khỏi cái vòng lẩn quẩn của sự vật, không thể kéo nàng ra khỏi tiếp xúc với hiện hữu, nó ngự trị bên trên chúng tôi và bên trong chúng tôi và cưỡng chế chúng tôi theo những lề luật của nó, hơi thở và trôi chuyển, sự hấp dẫn đáng ngờ của thời hiện tại lập tức rớt lùi vào hư vô, ảo ảnh lung linh của đam mê trong đó sở hữu có nghĩa là lạc mất lần nữa. Không bao giờ kiểm tra, không bao giờ. Không bao giờ nới lỏng dây xích loảng xoảng của thời gian; không bao giờ có êm ái từ trong bấn loạn, — tỉnh lặng từ trong tìm kiếm; dừng lại từ trong rơi ngã. Không cả một cơ may để tôi có thể giải thoát nàng khỏi những thứ đã có từ trước khi tôi quen nàng, từ hàng ngàn ý nghĩ, kỷ niệm, từ tất cả những thứ đã hình thành ra nàng trước khi tôi có mặt, ngay cả những người có mặt ở đây tôi cũng không thể giải thoát nàng khỏi họ…
Bên cạnh tôi, người đàn bà vẫn nói với giọng dòn vỡ của mình. Cô ta tìm kiếm một người đồng hành cho đêm nay, một người có cuộc sống hơi khác lạ để kích thích khẩu vị, để quên đi chính bản thân cô ta và sự kiện quá đau đớn, quá hiển nhiên rằng sẽ không có gì tồn tại, không Tôi và không Bạn và ít nhất là không cả Chúng Ta. Phải chăng cô ta ở đáy hố, tìm kiếm cùng một thứ như tôi? Một bạn đồng hành, để quên đi nỗi cô đơn của cuộc đời, một chiến hữu, để chịu đựng tính cách vô nghĩa của sự sống?
“Nào,” tôi nói, “chúng ta quay lại đi. Thật vô vọng — những gì cô muốn — và những gì tôi muốn.”
Cô ta nhìn tôi một thoáng. Rồi ngửa mặt và cười hăng hắc.
Chúng tôi đi thêm vài chỗ khác. Breuer hào hứng, liếng thoắng và đầy ắp hy vọng, Pat trở nên trầm lặng. Nàng không hỏi gì tôi, nàng không trách móc, nàng không cố gắng giải thích một điều gì, nàng chỉ có mặt ở đấy; đôi khi nàng khiêu vũ và như một con tàu duyên dáng, đáng yêu, lặng lờ trôi giữa một bầy con rối và nhân vật biếm họa, thỉnh thoảng lại mỉm cười với tôi.
Kiến trúc điên rồ của hộp đêm quét cánh tay xám-vàng của nó trên vách và trên mặt mọi người. Âm nhạc như được trình tấu dưới chân đài thủy tinh chưng bày di thể. Chàng hói đang uống cà phê. Người đàn bà với đôi tay thằn lằn trân trối nhìn trước mặt. Breuer mua hoa hồng của một cô bé trông rất mỏi mệt, chia cho Pat và hai người đàn bà kia.
“Chúng ta nên khiêu vũ với nhau một lần chứ?” Pat nói với tôi.
“Không,” tôi nói, và nghĩ đến những bàn tay đã ôm ấp nàng tối nay; “không” — và cảm thấy mình khá ngu xuẩn và ti tiện.
“Vâng đi mà,” nàng nói và mắt nàng tối sầm.
“Không,” tôi đáp; “không, Pat.”
Rồi cuối cùng chúng tôi ra về. “Tôi đưa các bạn về nhé,” Breuer nói với tôi.
“Tốt lắm.”
Trong xe có một tấm thảm, chúng tôi phủ nó lên chân Pat. Bỗng dưng, nàng trông rất xanh xao và mệt lả. Người đàn bà ở quầy rượu dúi một mẩu giấy vào tay tôi, khi tôi đi ra. Tôi làm như không có gì hết và bước lên xe. Khi xe chạy, tôi nhìn qua cửa sổ. Pat ngồi ở một góc và bất động. Tôi còn chẳng nghe hơi thở của nàng. Breuer lái về nhà nàng. Anh biết địa chỉ của nàng mà không cần hỏi ai. Nàng xuống xe. Breuer hôn tay nàng.
“Tạm biệt em,” tôi nói, không nhìn nàng.
“Tôi có thể thả anh xuống chỗ nào?” Breuer hỏi tôi.
“Ngã tư tới,” tôi nói.
“Tôi sẳn lòng đưa anh về tận nhà,” anh trả lời, có phần hấp tấp và lịch thiệp quá mức.
Anh ta muốn đề phòng tôi trở lại nhà nàng. Tôi suy nghĩ không biết có nên thụi anh ta một đấm hay không. Nhưng anh ta không đáng để tôi chuốc lấy phiền não.
“Thôi được, vậy làm ơn đưa tôi đến ‘The Bar Freddy’,” tôi nói.
“Anh có thể vào cửa nơi ấy, giờ này, hay sao?’ anh ta hỏi.
“Anh thật tử tế hỏi tôi câu ấy,” tôi nói; “nhưng đừng lo — tôi có thể đến bất kỳ nơi nào.”
Vừa nói xong, tôi hối tiếc ngay. Chắc chắn anh ta đã cảm thấy quan trọng và thành công suốt đêm. Thật tội, nếu tôi phá hỏng điều ấy. Tôi từ giã anh ta, thân ái còn hơn với Pat.
“The Bar” vẫn đông khách. Lenz và Ferdinand Grau đánh xì phé với Bollwies và vài ba người nữa. “Ngồi xuống đây, Bob, ” Grottfried nói; “Đang mùa xì phé.”
“Không,” tôi trả lời.
“Xem kìa,” anh nói, chỉ vào chồng tiền trên bàn. “Không cần tháu cáy. Bài đẹp lắm, toàn là ‘thùng’.”
“Thôi được,” tôi nói, “chia cho tớ một tay.”
Với hai con già, tôi tố và thắng bốn con bồi. “Vậy,” tôi nói –“dường như cũng được mùa thấu cáy.”
“Lúc nào lại chả thế,” Ferdinand trả lời, đẩy điếu xì gà sang tôi.
Tôi không định ở lâu. Nhưng rồi tôi thấy yên tâm dần. Tôi không vui chi mấy; nhưng ít nhất chỗ này cũng là quê hương thân thiết của tôi. “Làm ơn đem đến nửa chai rum,” tôi gọi Fred.
“Thử pha thêm chút port xem sao,” Lenz nói.
“Không,” tôi trả lời. “Không phải lúc thử. Tớ muốn say.”
“Thì uống rượu ngọt vậy. Cậu vừa cãi nhau với ai hả?”
“Nói bậy.”
“Đừng chối, bé yêu. Bé làm sao gạt được bố Lenz của Bé, người thông thạo tất cả những ngõ ngách cúa trái tim. Thú nhận đi, rồi uống cho say.”
“Một người đàn ông không thể cãi nhau với một người đàn bà. Cùng lắm chỉ chuốc lấy bực dọc mà thôi.”
“Đã ba giờ sáng, khó phân biệt những việc tế nhị như thế. Tớ thì cãi tưới sượi với tất cả. Khi không cãi nhau nữa, chẳng mấy chốc sẽ chia tay.”
“Đúng,” tôi nói. “Ai đang dẫn đầu thế?”
“Cậu,” Ferdinand Grau nói. “Bob thân mến, cậu đang mắc bệnh thất vọng vì đời không đẹp như lý tưởng. Đừng cố gắng chống chọi nữa. Cuộc đời tươi đẹp nhưng không hoàn hảo. Mà tớ phải nhìn nhận, dù chán đời, cậu thấu cáy tuyệt lắm. Đôi già, không thể tưởng được.”
“Có lần tớ thấy người ta đi bẩy ngàn quan cho đôi già,” từ quầy rượu, Fred nói vọng lại.
“Quan Thụy Sĩ hay quan Pháp?” Lenz hỏi.
“Thụy Sĩ.”
“Cậu may mắn nhỉ,” Gottried trả lời. “Nếu quan Pháp, hẳn cậu không dám gián đoạn cuộc chơi, phải không?”
Chúng tôi tiếp tục khoảng một giờ nữa. Tôi thắng được khá tiền. Bollwies thua đậm. Tôi uống rượu, nhưng chỉ tổ nhức đầu. Vẫn không có khăn nâu vẫy gọi. Mọi thứ bén nhậy hơn. Dạ dầy tôi nóng rực.
“Ngừng chơi, ăn một chút gì nào,” Lenz nói. “Fred ơi, dọn cho cậu ấy bánh mì kẹp thịt và vài con cá mòi nhé. Cất tiền đi, Bob.”
“Một ván nữa thôi,”
“Được. Ván cuối cùng. Kiểu Đôi?”
“Kiểu Đôi,” những người kia nói.
Không mong đợi, nhưng tôi được ba lá rất tốt thêm vào con mười già sẳn có. Lá bồi, đầm và ách. Nhờ thế, tôi thắng sảnh tám của Bollwies, hắn tố cao ngất trời. Vừa chửi thề, hắn vừa chung tôi một đống tiền. “Cậu thấy chưa,” Lenz nói. “Được mùa “thùng’.”
Chúng tôi ngồi ở quầy. Bollwies hỏi thăm Karl. Anh ta vẫn chưa quên Koster đã vẻ vang qua mặt xe đua của anh. Anh vẫn muốn mua lại Karl.
“Hỏi Otto đấy,” Lenz nói; “nhưng tớ nghĩ rằng cậu ấy thà bán một bàn tay cho cậu thì hơn.”
“Ôi chao, ôi chao,” Bollwies nói.
“Dĩ nhiên cậu làm sao hiểu được,” Lenz trả lời, “cậu, tên lính đánh thuê ở thế kỷ hai mươi.”
Ferdinand Grau cười lớn. Fred cũng cười. Cuối cùng, tất cả chúng tôi đều cười. Không cười nhạo thế kỷ hai mươi thì có khác nào tự bắn mình. Nhưng ta không thể cười mãi. Đến một lúc nào đó, lại chảy nước mắt.
“Cậu biết khiêu vũ không, Gottfried?” tôi hỏi.
“Dĩ nhiên. Tớ đã có lần dạy khiêu vũ. Cậu quên cách nhảy rồi sao?”
“Quên — để cho chú chàng quên đi,” Ferdinand Grau nói. “Quên lãng là bí quyết để trẻ trung bất tận. Người ta già đi qua kỷ niệm. Chẳng mấy khi quên đi chuyện cũ.”
“Không phải thế,” Lenz nói. “mà chính vì chuyện sai quấy bị lãng quên.”
“Cậu dạy tớ nhé?” tôi hỏi.
“Khiêu vũ? Cần một đêm thôi, Bé ơi. Phiền muộn của cậu chỉ có bấy nhiêu ư?”
“Chẳng phiền muộn gì cả,” tôi nói. “Nhức đầu.”
“Đấy là căn bệnh của thời đại, Bob,” Ferdinand nói. “Có lẽ sẽ tốt hơn nếu ta sinh ra đời không đầu.”
Tôi đến quán Café International. Alois đang hạ màn cửa.
“Còn ai trong đó không?” tôi hỏi.
“Còn Rosa.”
“Vậy ba đứa mình làm một chầu nữa.”
“Được thôi.”
Rosa ngồi cạnh quầy, đan mấy cái vớ bé xiu cho con gái. Chị khoe kiểu đan với chúng tôi. Chị vừa hoàn tất một cái áo khoác. “Công việc của chị khá không?” tôi hỏi.
“Tệ lắm. Chẳng ai có tiền.”
“Chị muốn mượn tiền không? Đây — tiền ăn xì phé.”
“Tiền ăn bài may mắn lắm,” Rosa nói, nhổ một tí nước bọt lên đó, rồi cất đi.
Alois đem lại ba cốc rượu. Sau đó, khi có Fritzi, lại một cốc nữa.
“Đã đến giờ đóng cửa,”anh nói. “Tớ mệt chết đi được.”
Anh tắt đèn. Chúng tôi ra về. Ở cửa, Rosa nói lời từ biệt. Fritzi bám vào cánh tay Alois. Chị tươi tắn và nhẹ nhàng bên anh. Anh kéo lệt bệt bàn chân phẳng trên vĩa hè. Tôi đứng trông theo. Tôi thấy cách Fritzi âu yếm cúi hôn anh bồi bàn có tấm thân xiêu vẹo, đầy dầu mở. Anh ta lạnh nhạt xô chị ra. Bỗng nhiên, khi tôi quay đi, nhìn con đường vắng và những căn nhà với cửa sổ tối và bầu trời khuya giá rét, một nỗi nhớ thương Pat, cuồng điên, bỗng dưng bằng cách nào đó, ào ạt xâm chiếm hồn tôi, khiến tôi nghĩ mình sắp sửa té khuỵu. Tôi không hiểu gì hết, bản thân tôi, hành vi của tôi, và buổi tối hôm nay, tôi hoàn toàn chẳng hiểu gì.
Tôi dựa lên vách một ngôi nhà và trân trối nhìn khoảng không trước mặt. Tôi không biết vì sao tôi đã cư xử như thế. Một thứ gì đó đã bẻ gãy tôi, khiến tôi trở nên vô lý và bất công, đã quăng quật tôi tứ phía và hủy diệt tất cả những gì tôi dày công xây đắp. Tôi đứng đấy, bất lực, không biết phải làm gì. Tôi không muốn về nhà — vì có khi ở nhà còn tệ hơn. Cuối cùng tôi nhớ ra, có thể Alfons’ vẫn còn mở cửa. Tôi đến đấy và sẽ ở lại đến sáng.
Alfons không nói chi hết khi tôi bước vào. Anh đưa tôi một cái ly thấp và tiếp tục đọc báo. Tôi ngồi xuống và tơ mơ ngủ. Ngoài tôi, không còn ai nữa. Tôi nghĩ đến Pat. Luôn luôn là Pat. Tôi nghĩ về cách cư xử của tôi. Thình lình tôi nhớ lại từng chi tiết. Mọi thứ đều chống lại tôi. Chỉ một mình tôi có lỗi. Tôi đã điên. Tôi ngây dại nhìn xuống bàn. Máu cuồn cuộn sôi trong đầu. Tôi cay đắng và nổi giận với chính mình và sự xuẩn ngốc của mình. Chỉ có tôi, một mình tôi, là người đã phá hỏng tất cả.
Tiếng thủy tinh bất ngờ vỡ vụn. Với tất cả sức lực, tôi đấm ly rượu của tôi bể thành nhiều mảnh. “Một hình thức giải trí,” Alfons nói, đứng lên.
Anh gỡ những dầm thủy tinh khỏi tay tôi. “Xin lỗi cậu,” tôi nói, “tớ quên phứt mình đang ở đâu.”
Anh đi lấy bông, băng. “Đi chơi đĩ,” anh nói, “sẽ đỡ buồn hơn.”
“Không sao,” tôi nói. “Chuyện đã qua. Chỉ là cơn giận dữ trong chốc lát.”
“Cậu phải giải trí để xoa dịu cơn giận, đừng nên khuấy động nó,” Alfons nói.
“Đúng,” tôi nói, “nhưng cũng phải biết cách.”
“Phải tập chứ sao. Nếu không, ta chỉ muốn húc đầu cho thủng vách tường. Nhưng thời gian sẽ làm nhạt phai tất cả.”
Anh đặt đĩa hát có bài Miserere của nhạc kịch ll Trovatore vào máy. Trời rạng sáng rất nhanh.
Tôi về nhà. Alfons đã rót cho tôi một ly Fernet-Branca to tướng. Những nhát rìu êm dịu bổ vào mi mắt tôi. Mặt đường không còn bằng phẳng. Đôi vai nặng như chì. Đã quá đủ, tôi đã xong.
Tôi lò dò bước lên thềm và khuắn tay vào túi tìm chìa khóa. Trong bóng tối lù mù, tôi nghe tiếng thở — một cái bóng nhợt nhạt, không rõ nét, ngồi thu lu trên những nấc trên cùng. Tôi nhảy ba bước liền.
“Pat –” tôi ngỡ ngàng không hiểu, “Pat — sao em lại ở đây?”
Nàng khẻ cục cựa. “Em nghĩ mình đã thiếp ngủ.”
“Vâng, nhưng làm sao mà em đến đây?”
“Em có chìa khóa nhà anh –“
“Anh không hỏi về chuyện ấy, anh muốn nói —” Cơn say biến mất, tôi nhìn thấy lớp thảm xác xơ của bậc thang, giấy hoa dán tường tróc lở và chiếc áo óng ánh bạc cùng đôi giày mủi thon, da bóng. “Anh muốn hỏi, làm sao em ngồi đây suốt –“
“Em cũng tự hỏi điều ấy đã lâu.”
Nàng đứng lên và vươn vai, tự nhiên như thể ngồi ở bậc thềm trước cửa khi trời chưa sáng là một việc bình thường nhất trên đời. Rồi nàng hít ngửi. “Lenz sẽ nói — cognac, rum, cherry, absinth –“
“Có Fernet — Branca nữa cơ,” tôi nhìn nhận, ít ra, từ đầu cũng phải thẳng thắn. “Dù mù mắt, anh cũng thấy em là một cô gái tuyệt vời, và anh là một thằng đại ngốc, Pat ạ.”
Tôi nhanh nhẹn bế nàng lên, mở cửa và đi qua hành lang. Nàng nằm trong tay tôi, môt con diệc bạc, một con chim rã rời; tôi quay mặt để nàng không ngửi phải hơi thở nồng nặc mùi rượu của tôi, và tôi cảm thấy nàng run rẩy dù đang mỉm cười.
Tôi đặt nàng xuống ghế bành, bật đèn và đem một tấm chăn nhỏ đến. “Nếu như anh biết, Pat — thay vì la cà ở những nơi ấy, anh đã — Ach, anh đần quá. Ở quán Alfons’, anh có gọi điện thoại cho em và huýt sáo bên ngoài, dưới cửa sổ nhà em. Anh tưởng em không muốn, vì em không trả lời –“
“Tại sao anh không trở lại, sau khi đưa em về?”
“Vâng, lẽ ra anh phải hiểu –“
“Lần tới có lẽ khá hơn, nếu anh đưa cho em chìa khóa phòng anh,” nàng nói; “như thế, em sẽ không phải ngồi đợi bên ngoài.” Nàng mỉm cười, nhưng đôi môi run run, và thình lình tôi chợt nhận ra ý nghĩa của những việc này với nàng, sự trở lại, sự chờ đợi, và giọng nói vui tươi, can đảm.
“Pat,” vô cùng bối rối, tôi vội vàng nói. “Em đang lạnh cóng. Em cần uống một thứ gì cho ấm người; hồi nãy ở ngoài kia, anh thấy đèn phòng Orlow còn sáng; để anh qua đó, người Nga lúc nào cũng có sẳn trà, anh sẽ trở về ngay lập tức,” — tôi thấy mình cuồng nhiệt lên –” suốt đời, anh sẽ không bao giờ quên, Pat.” Từ cửa, tôi nói vọng lại và bước vội trên hành lang.
Orlow vẫn còn thức. Anh ngồi trước tượng thờ ở góc phòng, một ngọn đèn thắp sáng phía trước; mắt anh đỏ quạch, và trên bàn, một cái ấm Nga đang bốc hơi nước.
“Xin lỗi,” tôi nói, “tôi có chuyện cần kíp bất ngờ — anh có thể cho tôi xin một chút trà nóng không ạ?”
Người Nga đã quen với những chuyện bất ngờ. Ông đưa tôi hai ly trà nóng, một ít đường, và sắp mấy cái bánh nhỏ vào dĩa cho tôi.
“Tôi rất vui được giúp anh,” ông nói. “Tôi thường lâm vào hoàn cảnh tương tự… Anh có muốn thêm — một ít hạt cà phê– để nhai không?”
“Cám ơn anh,” tôi nói, “thật thế ư, tôi xin cám ơn. Tôi thích lắm ạ.”
“Nếu anh cần chi nữa,” vô cùng duyên dáng, ông nói, “tôi còn thức thêm một lúc; tôi sẽ hân hạnh giúp –“
Khi quay về, trên hành lang tôi cắn vụn vài hạt cà phê. Chúng đánh bạt ngay mùi rượu mạnh. Pat ngồi bên đèn, đang tô phấn. Tôi ngừng lại ở khung cửa trong giây lát. Tôi cảm động trước hình ảnh nàng ngồi đấy, chăm chú nhìn vào chiếc gương nhỏ và chậm bông phấn lên má.
“Em uống chút trà đi,” tôi nói. “Trà khá nóng.”
Nàng cầm ly trà, tôi nhìn nàng uống.
“Chỉ có quỷ sứ mới biết chuyện gì đã xảy ra tối nay, Pat ạ.”
“Ôi, nhưng em biết đấy,” nàng trả lời.
“Vậy sao? Anh không biết.”
“Và anh không cần biết, Robby. Nhưng nếu anh hỏi, em sẽ trả lời, là anh đã biết quá nhiều để thực sự thấy hạnh phúc.”
“Có lẽ,” tôi nói. ” Nhưng chẳng ích gì, vì càng quen biết em, anh càng trở thành trẻ nít.”
“Ô, vâng, có ích chứ. Còn hơn là anh càng lúc lại càng dễ cáu giận.”
“Đấy là một cách đánh giá vấn đề,” tôi nói. “Em có cách thức tốt, giúp người khác vượt qua khó khăn. Nhưng dường như tất cả mọi thứ xảy ra dồn dập quá, bất ngờ quá.”
Nàng đặt ly xuống bàn. Tôi tựa lên giường. Tôi có cảm giác như cuối cùng, mình đã về đến nhà, sau một cuộc hành trình gian khổ.
Lũ chim bắt đầu ríu rít. Có tiếng cửa đóng sầm lại. Đấy là Frau Bender, y tá làm ở viện mồ côi. Tôi nhìn đồng hồ tay. Nửa giờ nữa, Frida sẽ có mặt trong bếp; lúc ấy chúng tôi không thể trốn ra khỏi nhà mà không bị bắt gặp. Pat vẫn ngủ say. Hơi thở sâu và đều. Thật bậy nếu phải đánh thức nàng. Nhưng không thể nào làm khác hơn.
“Pat –“
Nàng lẩm bẩm một điều gì trong mơ. “Pat — ” tôi rủa thầm tất cả các phòng trọ. “Pat, đến giờ rồi. Em phải mặc y phục vào.”
Nàng mở mắt và mỉm cười, vẫn ấm áp trong giấc ngủ, như một đứa trẻ. Tôi không bao giờ ngừng ngạc nhiên trước sự thức dậy vui vẻ này, và tôi rất thích nàng như thế. Tôi chẳng bao giờ vui tươi khi thức giấc.
“Pat — Frau Zalewski đang đánh răng.”
“Hôm nay, em ở lại với anh –“
“Tại đây?”
“Vâng.”
“Ý kiến tuyệt diệu– nhưng những thứ của em — giày và áo của em, là thứ dành cho ban đêm.”
“Vậy em sẽ ở lại cho đến tối.”
“Còn nhà em thì sao?”
“Chúng ta sẽ gọi điện thoại, báo cho họ biết em đang qua đêm ở một chỗ nào đấy.”
“Chúng ta sẽ gọi ngay. Em đói chưa?’
“Chưa.”
“Dù sao chăng nữa, anh cũng sẽ chạy ù ra lấy mấy miếng bánh mì. Họ treo trên cửa hành lang. Chắc vừa đúng lúc.”
Khi tôi trở lại, Pat đứng bên cửa sổ. Nàng chỉ mang mỗi đôi giày bạc. Nắng mai êm đềm phủ lên vai nàng như một chiếc khăn san.
“Chúng ta quên chuyện hôm qua, Pat nhé?” tôi nói.
Nàng gật đầu mà không quay lại.
“Chúng ta chỉ cần không đi chơi với ai nữa. Tình yêu chân thật không có chỗ cho người khác. Như thế chúng ta sẽ không cãi nhau và không lên cơn ghen nữa. Mặc cho gã Breuer và những người ấy đi về địa ngục, phải không em?”
“Vâng,” nàng nói, “và Markowitz nữa.”
“Markowitz? Ai thế?”
“Người ngồi cạnh anh ở quầy rượu quán ‘The Cascade’.”
“À há,” tôi nói, bỗng nhiên vui sướng. “À há, người ấy.”
Tôi lộn trái túi áo quần. “Em nhìn đây. Dù sao chuyện ấy cũng hữu ích. Anh đánh xì phé, thắng một số tiền lớn. Tối nay chúng ta đi chơi nữa nhé. Nhưng, không đi với ai cả. Chúng ta quên họ đi, em nhé?”
Nàng gật đầu.
Mặt trời nhô lên trên mái Nhà Thương Mại. Các cửa kính bắt đầu lấp lánh. Tóc Pat đầy ánh sáng và đôi vai nàng óng như vàng.
“Em nói mà anh quên mất, gã Breuer ấy, hắn làm nghề ngỗng gì thế? Anh muốn nói, nghề chuyên môn?”
“Kiến trúc sư.”
“Kiến trúc sư,” tôi nói, đau như hoạn — tôi muốn nghe nàng nói hắn chẳng là gì cả –“Ôi, dù sao đi nữa, kiến trúc sư; là cái quỷ gì, hở Pat?”
“Vâng, anh yêu.”
“Không có gì đặc biệt cả, phải không?”
“Không có gì đặc biệt,” Pat quả quyết nói, quay lại và cười to. “Chẳng là gì cả, tuyệt đối như thế. Chỉ là bùn đất mà thôi. “
“Và cái chòi này, không đến nỗi nào chứ, hở Pat? Dĩ nhiên, người khác có nhà cửa đẹp hơn –“
“Căn phòng này, tuyệt vời,” nàng chặn lời tôi; “đây là một căn phòng hoàn toàn đáng yêu, em thật tình không biết có căn phòng nào khác như thế, anh yêu.”
“Và anh, Pat, anh có những thiếu sót, dĩ nhiên, và anh chỉ là một tài xế tắc xi, nhưng –“
“Anh là một người yêu toàn hảo, — một người giật bánh mì, một tay bợm nhậu, — một anh yêu.”
Nàng vòng tay ôm cổ tôi. “Ach, chàng ngốc! Thật sung sướng khi ta được sống!”
“Chỉ khi sống bên em. Thật thế.”
Bình minh dâng lên, tuyệt vời và tươi sáng. Một làn sương giăng mỏng trên những mộ bia bên dưới và trôi giạt bềnh bồng. Những chóp cây đã đầy ánh sáng. Khói cuộn lên từ ống khói trên mái nhà. Những người phát báo sớm nhất đã bắt đầu rao ơi ới trên đường. Chúng tôi nằm xuống, một giấc ngủ muộn, nửa tỉnh nửa mê, trên biên giới của giấc ngủ, chúng tôi mơ thấy mình tay trong tay — ngây ngất, hơi thở trong hơi thở. Rồi khoảng chín giờ sáng, ông “Geheimrat Burkkhard” đích thân gọi điện cho Trung Tá Egbert von Hake; và rồi tôi gọi Lenz, nhờ anh lái tắc xi giúp tôi sáng nay.
Anh cắt lời tôi. “Để mặc tớ lo, con ạ; chẳng phải khi không mà Gottfried này là chuyên gia thẩm định những biến đổi của trái tim nhân thế. Tớ đã tính sẳn rồi. Chúc thằng bé may mắn có nhiều niềm vui.”
“Thôi đi ông,” tôi sung sướng gạt ngang và giải thích, đứng trong bếp, rằng tôi không được khỏe và muốn nằm nghĩ đến trưa. Tôi phải từ chối ba đợt tấn công của Frau Zalewski, mời tôi trà cúc, aspirin và các bịch nước đá chuồm. Rồi tôi len lén đưa được Pat vào buồng tắm, và rồi chúng tôi được bình an.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.