Chiến hữu

CHƯƠNG 22



Một tuần sau tôi quay về. Từ nhà ga tôi đi thẳng đến xưởng sửa xe. Khi đến nơi, trời đã tối và mưa vẫn rơi. Như thể một năm dài đã qua từ lúc tôi và Pat ra đi.
Koster và Lenz ngồi trong văn phòng. “Cậu về đúng lúc,” Goffried nói.
“Sao vậy, có chuyện gì không?” tôi hỏi.
“Để người ta bước qua ngạch cửa đã,” Koster nói.
Tôi ngồi xuống.
“Pat khỏe không?” Otto hỏi.
“Được. Trong tình huống ấy. Nhưng, nói cho tớ nghe, có rắc rối gì thế?”
Chuyện liên can đến chiếc Stutz. Chúng tôi đã sửa và giao xe cách đây nửa tháng. Hôm qua Koster đi nhận tiền. Nhưng trong thời gian ấy, chủ nhân chiếc xe đã khánh tận, và xe phải nhập vào tài sản khấu nợ của ông ta.
“Dù sao, chưa đến nỗi nào,” tôi nói. “Ta chỉ cần tiền bào hiểm mà thôi.”
“Tụi này cũng nghĩ thế,” Lenz thờ ơ nói. “Nhưng xe lại không có bảo hiểm.”
“Khốn nạn! Thật vậy sao, Otto?”
Koster gật đầu. “Mới biết hôm nay.”
“Đó là những gì chúng ta có được vì đã làm việc nghĩa, chưa kể chi phí dấu diếm chiếc xe,” Lenz lẩm bẩm. “Tiền sửa xe lên đến bốn ngàn marks!”
“Ai mà ngờ được!” tôi nói.
Lenz phá ra cười. “Khôi hài hết biết!”
“Bây giờ ta tính sao, Otto?” tôi hỏi.
“Tớ đã gởi lời khai đến người tiếp quản. Nhưng tớ không hy vọng sẽ có kết quả.”
“Liệu ta có phải đóng cửa xưởng sửa xe không?” Gottfried nói.
“Có thể,” Koster thú nhận.
Lenz đứng dậy. “Nghèo khó và giữ bộ mặt can trường trong tình huống khó khăn là vinh dự của người lính.” Anh đến tủ chén, lấy ra chai cognac.
“Sau lần uống rượu này, chúng ta sẽ cần đến bộ mặt anh hùng,” tôi nói. “Nếu tớ không lầm, đây là chai rượu cuối cùng của chúng ta.”
“Bộ mặt anh hùng, các cậu ạ,” Lenz khinh miệt nói, “là thứ cần dùng trong thời kỳ gian khổ. Nhưng chúng ta đang sống trong những thời kỳ tuyệt vọng. Bộ mặt thích hợp duy nhất là hài hước.” Anh cạn ly. “Tớ nghĩ, bây giờ tớ cần thắng yên cương con Rosinante và lái vòng vòng kiếm một ít tiền lẻ.”
Anh băng qua vuông sân tối và lái chiếc tắc xi đi. Koster và tôi vẫn ngồi yên.
“Xui quá, Otto,” tôi nói. “Gần đây chúng ta gặp nhiều chuyện không may.”
“Tớ học được một điều trong quân ngũ là không lo âu quá mức cần thiết,” Koster đáp. “Và ta đã lo âu khá nhiều. Cậu thấy trên núi ra sao?”
“Nếu không phải dành cho người bệnh, đó là một thiên đường. Tuyết và mặt trời.”
Anh nhìn lên. “Tuyết và mặt trời? Khó mà tin được nhỉ?”
“Vâng. Không tài nào có thật. Tất cả mọi thứ ở đó không thể nào có thật.”
“Tối nay cậu định làm gì?” anh nói.
Tôi nhún vai. “Đem hành lý về nhà trước đã.”
“Tớ phải đi công chuyện độ một giờ. Cậu có muốn tới quán ‘The Bar’ với tớ sau đó không?”
“Hẳn rồi,” tôi nói. “Còn gì khác hơn?”
Tôi lãnh hành lý ở nhà ga và mang về nhà. Tôi cố mở cửa nhẹ nhàng, vì tôi không muốn trò chuyện với ai. Tôi về phòng và may mắn không bị Frau Zalewski bắt gặp. Tôi ngồi trong đó một lúc. Có nhiều thư từ và báo chí trên bàn. Rõ ràng toàn là thư quảng cáo. Không ai viết thư riêng cho tôi. Nhưng tôi nghĩ, hiện nay tôi vẫn còn một người.
Sau một lúc tôi đứng lên, tắm rửa và thay y phục. Tôi không cất hành lý vội; tôi muốn có chuyện để làm khi trở về nhà tối nay. Tôi cũng không ghé qua phòng của Pat, dù tôi biết chưa có ai cư ngụ. Tôi len lén đi trên hành lang và ra khi ra khỏi nhà, thở phào nhẹ nhõm.
Tôi vào quán cà phê The International để tìm một chút gì dằn bụng. Anh bồi, Alois, chào tôi từ cửa. “Cậu lại đến đây?”
“Vâng,” tôi nói, “cuối cùng, ta luôn luôn trở về chốn cũ.”
Rosa ngồi với các cô gái ở cái bàn rộng. Có mặt hầu hết mọi người — đây là giờ giải lao giửa hai đợt rước khách.
“Chúa ơi, Robert đấy à!” Rosa nói. “Em là người lạ.”
“Đừng hỏi gì cả, Rosa,” tôi nói. “Điều chủ yếu là em lại có mặt ở đây.”
“Như thế nào? Thường xuyên chứ?”
“Có lẽ.”
“Đừng quá nặng lòng,” chị nói, nhìn tôi. “Chuyện gì rồi cũng sẽ qua.”
“Đúng,” Rosa trả lời. “Lilly cũng có một bài hát như thế.”
“Lilly?” tôi chợt nhận ra chị, đang ngồi cạnh Rosa. “Chị làm gì ở đây, Lilly? Chị đã có chồng, theo em nhớ? Đáng lẽ chị phải ở nhà, trông nom tiệm sửa ống nước.”
Lilly không trả lời.
“Tiệm sửa ống nước!” Rosa khinh bỉ nói. “Khi còn tiền thì mọi việc êm như mơ, Lilly này và Lilly nọ; quá khứ không quan trọng chi hết. Chỉ kéo dài sáu tháng mà thôi. Khi tiêu hết đồng xu cuối cùng của cô ấy, người quân tử bỗng nhiên không cần loại gái điếm tầm thường làm vợ nữa.” Chị khịt mủi. “Thình lình, hắn không hay biết gì về quá khứ của cô ấy; hắn kinh ngạc vô cùng khi biết tới. Đến nỗi hắn dùng chuyện ấy làm cớ để ly dị. Nhưng, còn tiền đâu nữa, dĩ nhiên.”
“Bao nhiêu cả thảy,” tôi hỏi.
“Bốn ngàn marks chứ ít ỏi gì! Thử tính xem cô ấy phải ngủ với bao nhiêu đồ chó- lợn mới dành dụm được chừng ấy.”
“Bốn ngàn marks,” tôi nói, suy tư. “Dường như bốc hơi.”
“Thôi được — dù sao chúng ta cũng còn có nhau.”
Tôi ngồi trước đàn dương cầm và dạo vài bản. Trong khi đàn tôi nghĩ đến Pat, nghĩ đến số tiền của nàng chỉ có thể kéo dài đến cuối tháng Giêng, và tôi cần kiếm thêm tiền hơn bao giờ hết. Tôi máy móc lướt tay trên những phím ngà và ở ghế sô pha kế bên, Rosa vui sướng lắng nghe, và bên cạnh chị là gương mặt xanh xao, vỡ mộng não nề của Liily, lạnh lẻo, vô tri, vô giác hơn là đã chết.
Một tiếng kêu vực tôi khỏi cơn suy nghĩ ủ ê. Rosa bừng tỉnh từ giấc mơ của chị. Chị đứng sau bàn, mũ lệch sang một bên, đôi mắt chầm chập nhìn tới trước, và chị không biết rằng cà phê từ cái tách cầm nghiêng đang ri rỉ chảy vào miệng túi xách của chị. “Arthur!” chị lấp bấp. “Arthur, thật đó ư?”
Tôi ngừng tay. Một người đàn ông gầy gò, dáng điệu chậm chạp, cái mũ quả dưa đội lệch phía sau đầu, bước vào. Da mặt ông ta vàng vọt bệnh hoạn; cái mủi thô to và cái đầu be bé hình quả trứng.
“Arthur!” Rosa lại lấp bấp. “Anh?”
“Còn ai khác hơn?” Arthur gầm gừ.
“Chúa ơi, anh từ đâu sổng ra vậy?”
“Anh từ đâu sổng ra? Thì từ ngoài đường, qua cửa chứ còn từ đâu.”
Nếu tính đến chuyện trở về sau một thời gian xa cách lâu dài, Arthur chẳng tỏ vẻ thân thiện một chút nào.Tôi nhìn ông ta thú vị. Thần tượng của Rosa đây. Trông ông ta như vừa từ một nhà tù thẳng về đây. Tôi tìm trong vô vọng một điều gì có thể giải thích cho sự say đắm của Rosa. Nhưng có lẽ đó chính là câu trả lời. Thật phi thường thứ người mà những quan tòa chuyên phán xét đàn ông một cách khắc nghiệt nhất lại xiêu lòng vì họ.
Chẳng buồn hỏi ai, Arthur tự tiện cầm ly bia trên bàn, cạnh Rosa và tì tì nốc cạn. Quả táo Adam chạy lên chạy xuống như thang máy trên cần cổ gầy nhom, gân guốc. Rosa rạng rỡ nhìn hắn.
“Thêm một ly nữa nhé?” chị hỏi.
“Dĩ nhiên,” Arthur gầm gừ. “Nhưng ly lớn hơn.”
“Alois!” Rosa hạnh phúc vẫy người bồi bàn. “Anh ấy muốn một ly nữa.”
“Tôi biết,” Alois điềm đạm trả lời, mang một ly khác đến.
“Và em bé của chúng ta, Arthur yêu quý, anh vẫn chưa thấy mặt con bé Elvira!”
“Em yêu!” Lần đầu tiên Arthur tỏ ra quan tâm. Hắn khoác tay ra vẻ chối từ. “Đừng kết tội tôi. Không phải việc của tôi. Tôi đã bảo em phải phá. Và có lẽ em đã làm, nếu tôi không…” Hắn chìm trong nỗi u sầu. “Tốn tiền lắm, tôi sẽ bị ràng buộc và sẽ còn tốn dài dài…”
“Không nhiều đâu, Arthur. Ngoài ra, nó là con gái.”
“Thế con gái thì không tốn tiền à?” Arthur nói, ly bia khuất sau cổ áo. “Có lẽ cô nên tìm một bà già điên giàu có nào đó muốn nuôi nó. Dĩ nhiên phải bù tiền cho ta. Đó là cách duy nhất.”
Hắn lại thoát ra khỏi nỗi buồn sầu. “Có tiền không?”
Rosa, sốt sắng phục dịch, chìa cái túi xách đẫm cà phê. “Chỉ có năm marks thôi, Arthur — anh thấy đó, em không biết anh sẽ đến — nhưng em còn tiền ở nhà.”
Arthur nhét tiền vào túi áo, nhanh như quan tổng trấn Thổ Nhĩ Kỳ.
“Và cô sẽ không kiếm được gì nếu cái mông của cô cứ ỳ ra trên ghế sô pha,” hắn lầm bầm, cáu kỉnh.
“Em đi ngay, Arthur. Nhưng có lẽ không kiếm được nhiều. Đang giờ ăn tối.”
“Trâu bò nhỏ cũng ị ra phân,” Arthur nói.
“Em đi ngay đây.”
“Được…” Arthur kéo vành mũ ra trước. “Vậy tôi sẽ trở lại, lúc mười hai giờ.”
Hắn chậm chạp lê chân đi. Rosa đưa mắt theo, hạnh phúc. Hắn không ngoảnh lại, và để mặc cửa mở.
“Đồ con heo,” Alois càu nhàu, khép cửa.
Rosa hãnh diện nhìn chúng tôi. “Anh ấy tuyệt vời, phải không? Chẳng có gì tác động được anh ấy, chẳng có gì làm cho anh ấy yếu mềm. Không biết anh ấy trốn ở đâu, suốt thời gian qua?”
“Chị cứ nhìn nước da của ông ta thì khắc biết,” Wally trả lời. “Nằm nhà đá, dĩ nhiên. Lưu manh thượng hạng.”
“Em không biết anh ấy –“
“Không dám.”
“Em không hiểu,” Rosa đứng lên. “Anh ấy là một người đàn ông chân chính. Chẳng ủy mị như Willy nhà em… Ô, chị phải đi đây. Các chị em ở lại, vui vẻ nhé.”
Trẻ trung, phơi phới trên mây, chị tung tăng ra khỏi phòng. Một lần nữa, chị lại có người để nộp tiền, để hắn mua bia bọt uống, rồi đánh đập. Chị hạnh phúc.
Nửa tiếng sau những cô gái kia cũng đi. Chỉ một mình Lilly, gương mặt như đá, ngồi lại. Tôi gõ đàn thêm một lúc, rồi ăn một miếng bánh mì kẹp thịt và cũng biến theo họ. Ta không thể nấn ná ở đấy chỉ với Lilly.
Tôi lang thang trên những con đường tối, ướt. Bên ngoài nghĩa trang, Đạo Quân Cứu Rỗi đã thành hình. Theo tiếng trống và kèn đồng, họ đồng ca bài “Jerusalem Thánh Địa Vàng.” Tôi dừng lại. Bỗng nhiên tôi cảm thấy không thể tiếp tục một mình, không có Pat.Tôi nhìn những bia mộ ảm đạm trong nghĩa trang; tôi tự nhủ lòng rằng một năm trước đây tôi còn đơn côi hơn — khi ấy tôi đâu đã quen với Pat; giờ đây dù cho nàng không ở bên cạnh tôi, ít ra nàng cũng có mặt ở chỗ ấy; nhưng không ích lợi gì — cõi lòng tôi bỗng dưng tan nát và dại khờ. Cuối cùng tôi đi về phòng mình để tìm, họa may, có thư của nàng. Thật vô lý — làm sao mà có được; thế nhưng tôi vẫn quay về.
Khi lại ra khỏi nhà, tôi gặp Orlow ngoài cửa. Anh vận bộ đồ lớn dưới lớp áo khoác hững hờ, sắp sửa tới dự buổi khiêu vũ ở khách sạn nơi anh làm việc. Tôi hỏi, gần đây anh có tin tức gì của Frau Hasse hay không.
“Không,” anh nói. “Bà ấy chưa trở lại. Hoặc đến ty cảnh sát. Có lẽ bà ấy sẽ chẳng về đâu.”
Chúng tôi cùng đi bộ với nhau một đoạn. Ở góc đường, có một chiếc xe tải với những bao than. Tài xế nâng nắp xe lên và lúi húi làm gì đó với máy xe. Rồi hắn ngồi vào ghế. Khi chúng tôi bước qua, hắn nổ máy và đạp ga. Orlow nhảy dựng. Tôi nhìn anh. Anh xanh như người chết.
“Anh bệnh à?” tôi hỏi.
Anh mỉm cười, môi trắng bệch và lắc đầu. “Không —nhưng đôi khi tôi phát hoảng nếu bất ngờ nghe tiếng động ấy. Họ cho nổ máy một chiếc vận tải đậu trước nhà, để chúng tôi không nghe tiếng súng, khi cha tôi bị giết chết ở Nga dạo ấy. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghe được.” Ông lại mỉm cười như xin lỗi. “Họ ít che đậy hơn khi hạ sát mẹ tôi; họ bắn bà trên gác mái, sáng sớm. Anh tôi và tôi trốn thoát vào buổi tối. Chúng tôi mang theo một ít kim cương. Nhưng anh tôi chết cóng trên đường.”
“Hai bác bị bắn về tội gì?”
“Trước chiến tranh, cha tôi là chỉ huy trưởng một trung đoàn Cossack đã dẹp tan phiến loạn. Cha tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra; theo trật tự, ta có thể nói vậy. Nhưng mẹ tôi thì không.”
“Còn anh?”
Anh phác họa một cử chỉ rã rời, như muốn xóa bỏ quá khứ. “Nhiều chuyện đã xảy ra kể từ lúc ấy.”
“Vâng,” tôi nói, “đúng thế. Quá nhiều để trí óc một người có thể đối phó.”
Chúng tôi đi tới khách sạn. Một người đàn bà to lớn từ một chiếc Buick bước ra, kêu lên và tiến về phía ông.
Bà khá mủm mỉm và ăn mặc một cách đài các, và có thứ nhan sắc đã nhạt phai đôi chút của một phụ nữ tóc vàng tứ tuần, không bao giờ quan tâm hay có một ý tưởng nào suốt cuộc đời mình.
“Xin lỗi cậu,” Orlow nói với một cái liếc mắt kín đáo. “Công việc –“
Anh cúi chào bà tóc vàng và hôn tay nàng.
Trong quán “The Bar” có Valentin, Koster và Ferdinand Grau. Một lát sau Lenz mới đến. Tôi nhập bọn và gọi nửa chai rum. Tôi vẫn buồn thê thảm.
Ferdinand, vai rộng và vạm vỡ, gương mặt to bành và đôi mắt xanh lơ, trong suốt, chồm chỗm ngồi ở một góc phòng. Anh đã uống đủ thứ rượu.
“Này Bob, cậu bé,” anh vừa nói vừa vỗ vai tôi,”có chuyện gì xảy ra cho cậu vậy?”
“Chẳng có gì, Ferdinand,” tôi trả lời, “thế mới phiền.”
Anh nhìn tôi một lúc.
“Không có gì?” rồi anh nói. “Không có gì? Đó là một điều đáng kể đấy. Chẳng có gì trong tấm gương mà ta soi đời.”
“Hoan hô!” Lenz cười toe, cổ võ. “Ý tưởng nguyên thủy nhất, Ferdinand.”
“Im lặng dùm cái đi, Gottfried.” Ferdinand nghễnh cái đầu to nhìn Lenz. “Người lãng mạn như cậu chỉ là một con châu chấu trên bờ cuộc đời. Hiểu sai tất cả mọi thứ và hình thành những cảm xúc của nó từ đấy. Hỡi con người bông lông, cậu hiểu gì về Hư Vô?”
“Đủ hài lòng để vẫn làm người lông bông,” Lenz nói. “Những người đứng đắn kính trọng Hư Vô. Nhưng họ không đào bới trong đó như bầy chuột chũi.”
Grau chòng chọc nhìn anh.
“Pros’t,” Gottfried nói.
“Pros’t,” Ferdinand nói. “Pros’t, đồ nút bần.”
Họ nốc cạn ly.
“Tớ không ngại làm một cái nút bần, ” tôi nói, cũng cạn ly, “loại người luôn luôn làm đúng và mọi việc xảy ra với họ đều đúng. Tớ chỉ cần một ít như thế, bằng mọi giá.”
“Đồ phản phúc!” Ferdinand ngã người ra sau trên ghế làm nó kêu kèn kẹt. “Cậu muốn làm một tên đào ngũ — phản bội tình huynh đệ?”
“Không,” tôi nói, “Tớ không muốn phản bội cái gì cả. Nhưng tớ rất muốn rằng không phải thứ gì chúng ta chạm vào cũng đều vỡ tan từng mảnh.”
Ferdinand chồm tới. Gương mặt to, hoang dại của anh co giật. “Để bù lại, cậu thật sự tùy thuộc vào một tổ chức, em tôi ơi — tổ chức của những người không thành đạt, thiếu lành mạnh với lòng ham muốn không mục đích, tham vọng không đưa tới kết quả, tình yêu không tương lai, tuyệt vọng không lý do.” Anh mỉm cười. Hội kín huynh đệ ưa thích họat động bí mật hơn là nghề nghiệp, và chẳng mấy chốc sẽ cờ bạc, thua lỗ, đùa bỡn cuộc đời của họ thay vì lãng quên hay cẩn trọng giả mạo một bức tranh không tưởng — bức tranh mà họ ấp ủ trong tim, em tôi ơi, ghi tâm khắc cốt trong những giờ, những ngày, những đêm không có gì cả ngoại trừ một thứ –cuộc sống và cái chết trần trụi điên rồ.”
Anh nâng ly rượu và ra dấu cho Fred ở quầy. “Cho tớ một thứ gì để uống.”
Fred mang chai lại. “Tớ nên để dĩa hát vào máy một chút hay không?” anh hỏi.
“Không,” Lenz nói, “quăng máy hát của cậu ra cửa sổ và đem nhiều ly to hơn. Rồi tắt bớt phân nửa đèn, để dăm chai rượu lên bàn và tếch vào văn phòng của cậu.”
Fred gật đầu và tắt đèn trần. Chỉ những ngọn đèn trên tường với chụp bằng bản đồ cũ còn sáng.
Lenz rót rượu vào ly. “Pros’t, các cậu!” Mừng vì chúng ta còn sống. Vì chúng ta đang hít thở. Vì ý thức về cuộc đời của chúng ta sâu sắc đến nỗi chúng ta không biết bắt đầu từ đâu.”
“Thật đúng,” Ferdinand nói. “Chỉ có người đau khổ mới biết quý trọng hạnh phúc. Một người sung sướng là tượng mẫu của cảm giác về cuộc đời. Hắn chỉ đơn thuần diễn đạt nó; hắn không sở hữu nó. Ánh sáng không chiếu rọi trong ánh sáng; chỉ chiếu rọi trong bóng tối. Bóng tôi muôn năm. Người đã một lần trải qua giông bão không thể sử dụng những dụng cụ chạy điện tinh tế nữa. Kệ xác cơn bão. Cảm tạ chút đời của ta. Và bởi vì ta không chuẩn bị để đầu tư đời ta lấy lãi năm phần trăm; mà ta thích đốt cháy đời ta hơn. Uống đi, các cậu. Những vì sao nổ tung mười ngàn năm ánh sáng trước vẫn còn lấp lánh. Hãy uống khi vẫn còn thời gian. Vạn tuế sự đau khổ. Vạn tuế bóng tối.”
Anh tự rót một ly cognac thật to và uống cạn.
Rum làm đầu tôi nhức bưng bưng. Tôi nhẹ nhàng chỗi dậy và bước qua văn phòng của Fred. Anh đang ngủ. Tôi đánh thức anh và xin tổng đài nối kết một cuộc điện thoại đường xa đến dưỡng đường.
“Cậu nên ở lại chờ,” anh nói. “Giờ này ban đêm thường nối kết khá nhanh.”
Năm phút sau chuông điện thoại reo và dưỡng đường trả lời.
“Tôi muốn nói chuyện với Fraulein Hollmann.”
Người y tá trả lời. “Fraulein Hollmann đã ngủ.”
“Cô ấy không có điện thoại trong phòng hay sao?”
“Không.”
“Cô không đánh thức cô ấy dậy được sao?”
Tiếng nói do dự. “Không. Ngoài ra, hôm nay cô ấy không được phép dậy.”
“Có chuyện gì xảy ra không?”
“Không. Cô ấy chỉ cần nghĩ ngơi trên giường trong vài ngày.”
“Cô có chắc rằng cô ấy không bị việc gì không?”
“Không, không, đó là chuyện bình thường vào lúc đầu. Cô ấy phải nằm nghĩ và làm quen với chỗ mới.”
Tôi gác ống nghe. “Muộn quá, hả?” Fred hỏi.
“Cậu muốn nói gì?” tôi hỏi.
Anh chìa đồng hồ tay. “Sắp mười hai giờ.”
“Vâng,” tôi nói. “Lẽ ra tớ đừng gọi mới phải.”
Tôi trở lại và tiếp tục uống.
Lúc hai giờ chúng tôi chia tay. Lenz chở Valentin và Ferdinand về bằng tắc xi. “Lên đây,” Koster nói với tôi, sang số Karl.
“Tớ đi bộ mấy bước được mà, Otto.” tôi nói.
Anh nhìn tôi. “Chúng ta chạy rong một lát.”
“Tốt.” tôi lên xe.
“Cậu lái,” Koster nói.
“Vô lý, Otto. Tớ không thể lái. Tớ say mèm.”
“Cậu lái đi. Tớ chịu trách nhiệm.”
“Được rồi, cậu sẽ thấy,” tôi nói, ngồi trước tay lái.
Động cơ rồ lên. Bánh lái run rẩy trong tay tôi. Đường phố gãy góc như răng cưa đổ ập vào tôi. Nhà cửa đong đưa, nghiêng ngã và những ngọn đèn đường khuất lấp trong mưa.
“Không được đâu, Otto. Tớ sẽ đụng một thứ gì đó.”
“Đụng đi,” anh trả lời.
Tôi nhìn anh. Gương mặt anh biểu lộ sự rõ rệt, căng thẳng và cảnh giác. Anh nhìn con đường trước mắt. Tôi tấn vào lưng ghế và bấu chặt hơn nữa tay lái. Tôi nghiến cứng hàm và cau mày. Từ từ con đường hiện rõ lên.
“Đi đâu, Otto?” tôi hỏi.
“Lái thẳng. Ra khỏi đây.”
Chúng tôi đến vòng đai thành phố và chạy ra xa lộ.
“Bật đèn pha,” Koster nói.
Mặt đường bê tông sáng màu xám nhạt trước mặt chúng tôi. Trời mưa lắc rắc thôi, nhưng những giọt nước quất vào mặt tôi như mưa đá. Gió thổi từng luồng vun vút, các vầng mây buông thấp; chỉ cao hơn đầu cánh rừng một ít, có một đường chẻ, và bạc tuôn loang loáng qua đó. Mù sương biến mất đàng sau mắt tôi. Động cơ nổ phành phạch chuyền qua cánh tay vào thân thể tôi. Tôi cảm nhận được máy xe và sức mạnh của nó. Sự nổ bùng của xy lanh đập vỡ thành mảnh vụn nỗi tê liệt đờ đẫn của não bộ tôi. Pistons như máy bơm đẩy máu tôi luân chuyển trong huyết quản; tôi bình tâm lại. Chiếc xe lao vút trên đường quê.
“Nhanh hơn nữa,” Koster nói.
Lốp xe bắt đầu rên xoen xoét như tiếng huýt sáo. Cây cối, cột điện tín bay vù vù ngược ra sau. Một ngôi làng huyên náo lướt qua. Bây giờ đầu óc tôi hoàn toàn tỉnh táo.
“Nhấn thêm ga,” Koster nói.
“Tớ có thể giữ nó vững không, vậy? Đường trơn ướt.”
“Cậu sẽ cảm biết. Vào số ba, trước khi đến các khúc quanh và tăng tốc khi ôm cua.
Động cơ rống lên. Không khí quất rát mặt tôi. Tôi khom mình núp sau tấm kính chắn gió. Và thình lình tôi hòa nhập vào tiếng sấm của động cơ, xe và thân tôi trở thành một, một căng thẳng duy nhất, một rung động cao nhất; tôi cảm nhận bánh xe dưới chân tôi, tôi cảm nhận mặt đất, con đường, tốc độ — với một cú giật mạnh một cái gì đó trượt vào đúng chỗ, đêm hú và thổi gió; nó thổi tất cả những thứ khác ra khỏi tôi; môi tôi mím chặt, tay tôi biến thành gọng kềm và bây giờ tôi chỉ còn lái và đua, mất ý thức và cũng đồng thời tuyệt đối tỉnh thức.
Ở một khúc quanh, xe trợt, ở đàng sau. Tôi bẻ tay lái ngược lại, một lần, hai lần, và tăng tốc. Trong một giây, mọi thứ lõng lẽo như quả bóng, rồi chiếc xe trở lại như xưa.
“Tốt,” Koster nói.
“Đó là lớp lá ướt,”tôi trả lời và ý thức được sự ấm áp và cảm giác nhẹ nhõm rót vào làn da sau khi thoát cơn nguy hiểm.
Koster gật đầu. “Đấy là con quỷ của rừng vào thu. Có thuốc lá không?”
“Có,” tôi nói.
Chúng tôi dừng xe bên đường và hút thuốc. “Giờ thì cậu có thể quay lại,” rồi Koster nói.
Tôi lái về thành phố và xuống xe. “Rất tốt chúng ta đã lái một vòng, Otto. Tớ đã vượt qua.”
“Lần tới, tớ sẽ chỉ cho cậu một kỹ thuật quẹo cua khác,” anh nói. “Ôm cua với thắng xe. Nhưng cậu chỉ có thể dùng cách ấy khi đường khô hơn.”
“Đúng, Otto. Ngủ ngon nhé.”
“Ngủ ngon, Bob.”
Karl phóng đi. Tôi vào nhà. Tôi mệt nhoài, nhưng khá bình lặng và không còn u sầu nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.