(Kính tặng Ban giám khảo một số cuộc thi văn chương.)
Nghe cháu nói lại, tôi biết chuyện này lỗi chính thuộc về cô giáo Thu chứ không phải con gái tôi nhưng với tư cách một người cha, tôi vẫn cứ phải la rầy cháu. Dù gì thì đó cũng là hỗn với cô giáo.
Về cô giáo Thu, bao năm là đồng nghiệp của cô, tôi biết. Cô nổi tiếng là người chấm bài qua loa, dựa theo cảm tính, nhiều khi chưa đọc hết bài đã cho điểm. Nhiều em học sinh rất bất bình về việc này, trong đó có con gái tôi, mặc dù nó thường xuyên được cô Thu cho điểm cao …
Một lần con gái tôi đã cho đứa bạn thân chép nguyên xi bài Tập làm văn của nó. Kết quả: bài của con gái tôi vẫn cứ được điểm cao, còn bài của đứa bạn nó vẫn cứ bị điểm trung bình.
Tất nhiên đám học trò tinh nghịch này đành phải im lặng. Đứa nào dám nói ra là chép bài của nhau. Chính vì thế mà lần này con gái tôi đã thực hiện hành vi một cách quyết liệt hơn. Cháu thay hẳn bài Tập làm văn bằng bài Địa lý. Vậy mà kỳ lạ thay. Bài của cháu vẫn đạt điểm cao nhất lớp. Cả lớp thấy vậy đã cười ồ lên. Cô giáo Thu thì vẫn ngơ ngác:
– Các em cười cái gì vậy?
– Thưa cô, bài của bạn ấy không phải là bài văn mà là bài Địa lý. Vậy mà cô vẫn cho điểm cao ạ?
Cô giáo Thu lạnh lùng:
– Các em đừng có vội thắc mắc … Bạn ấy viết văn bằng phương pháp Địa lý … Bình thường như các em không hiểu nổi đâu.
Không biết chuyện chấm bài và bình luận về cách chấm bài của cô giáo Thu có phải là cá biệt không?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.