Cài Hoa Vào Quá Khứ

RẮN LÀ LOÀI BÒ



Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…”
Thế hệ năm sáu mươi tuổi chúng tôi hiện nay không ít người có thể đọc liền một mạch những bài văn xuôi in trong sách Tân Quốc Văn giáo khoa thư cách đây cả nửa thế kỷ như bài “Tôi đi học”của nhà văn Thanh Tịnh mà tôi vừa dẫn ở trên. Sở dĩ như thế vì ngày nhỏ chúng tôi bị thầy giáo “ép” học thuộc lòng rất dữ. Hàng ngày đến lớp, việc trước tiên là phải khoanh tay đọc ra rả các bài hôm trước. Không thuộc thì cứ là … roi quất vào mông.
Ngày nay việc học thuộc lòng hầu như không được mấy thầy giáo quan tâm đến nữa. Chính vì thế nhiều em học lên lớp trên rồi mà vẫn không thuộc được một câu thơ, một đoạn cửu chương. Mỗi khi cần đến lại phải mở sách hoặc giở máy tính. Có nói thì các em lại viện ra đủ mọi lý do. Nào là thời các cụ cổ lai hy mới thế, còn nay thì đã có phần mềm của máy vi tính, lo gì. Nào là hay chi cái lối học vẹt theo kiểu “rắn là loài bò…” ấy…
Từ quan niệm trên cộng thêm sự lười biếng, nhiều em học sinh hiện nay ngồi vào bàn chỉ là “xem” bài chứ không phải là “học”. Mà cứ “xem”, như thế, cho dù cả ngày, cũng không thể nào thuộc nổi một câu thơ, một công thức Toán học hoặc một từ tiếng nước ngoài.
Đành rằng dạy học là rèn luyện trí thông minh chứ không phải rèn trí nhớ. Nhưng thử hỏi nếu không có trí nhớ, không có những yếu tố cơ bản của học vấn, thì làm sao mà phát triển trí thông minh được?
Vì thế, tôi nghĩ, trong hoàn cảnh hiện nay, việc cho học sinh học thuộc lòng những điều cơ bản của kiến thức vẫn là điều cần thiết…
Có điều phải tránh lối học vẹt mà chúng ta vẫn chế nhạo lâu nay: “Rắn là loài bò… sát không chân…”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.