Cài Hoa Vào Quá Khứ

NẾU KHÔNG CÓ LÁ THƯ CỦA TÒA SOẠN



Lâu nay đọc chuyên mục “35 năm báo GD và TĐ ” tôi thấy nhiều bạn viết về những kỷ niệm vui với tờ báo. Nay tôi xin được góp vào một chuyện buồn. Buồn nhưng bây giờ nghĩ lại lại thấy vui. Vì thực ra người ta chỉ có được những niềm vui sau khi đã nếm trải những nỗi buồn.
Ngày ấy, sau Tết Bính Ngo ù(1966) vài tuần, một thầy giáo dạy bổ túc văn hóa cho tôi biết đồng nghiệp của ông có những người chỉ “chuyên… chơi” (cách gọi mỉa mai một số cán bộ làm công tác chuyên trách bổ túc văn hóa ngày đó), học viên chả vận động được mấy người , vậy mà đến kỳ thi vẫn đủ con số bài nộp. Hỏi ra mới biết các “bố” này đã làm “xiếc” bằng cách vận động các em học sinh vào thi… hộ. Ông giáo này tức quá nên có nhờ tôi viết giúp một bài thơ đả kích để ông đăng lên báo tường. Thấy “có vấn đề” tôi liền làm ngay một bài thơ nhan đề: “Chước quỷ mưu thần”.
Ông muốn khoe khoang với quý phòng
Kỳ thi bổ túc, học viên đông
Học sinh “ba, bốn” ông càn hết
Bắt chúng ra đình thi hộ ông
Rủ rỉ ông thầm bảo các em
Đi thi để khuấy phong trào lên
Các em thơ bé nào đâu biết
“Chước quỷ mưu thần” để dối trên.
Vì thế bài thi của các em
Lớp trường tổ nhóm rõ từng tên
Khiến ông đầu giấu mà đuôi hở
Phấn trắng lau rồi, lộ bảng đen.
Làm xong, được ông bạn khuyến khích, tôi liền chép thêm một bản gửi lên báo NGƯỜI GIÁO VIÊN NHÂN DÂN. Ba tuần sau, ngày 24- 3- 1966, tôi vui mừng hết nói khi thấy báo đăng bài thơ trên nhưng đồng thời cũng giật thót người khi dưới tên tôi, báo lại còn thêm địa chỉ: “Trường cấp II, Quỳnh Vân, Quỳnh Côi, Thái Bình”. Thế là chết tôi rồi. Từ đó tôi cứ nơm nớp chờ đợi một điều gì đó sẽ xảy ra…
Và quả đúng như thế. Một hôm, sau mấy ngày vắng nhà sang huyện khác dự hội nghị chuyên đề, tôi vừa về đến cổng trường đã thấy vợ tôi bế đứa con nhỏ chạy ra đón, vẻ mặt không bình thường. Vợ tôi đưa ra một xấp những tờ giấy nho nhỏ:
– Anh lên Phòng ngay! Vừa qua ngày nào Phòng cũng cho người mang giấy xuống “tróc nã” anh đấy!
– Chuyện gì vậy?
Tôi hồi hộp hỏi lại:
– Chuyện bài thơ chứ còn chuyện gì nữa!
Tôi vội vã đạp xe lên phòng ngay. Tại đây, liên tiếp mấy ngày liền tôi phải ngồi một chỗ để viết kiểm thảo về hành vi “Bôi nhọ phong trào BTVH của huyện”. Sau đó là một buổi họp phê phán tôi. Bà trưởng phòng nói:
– Đồng chí làm nhục cả huyện này. Vừa qua khi tôi thay mặt cán bộ và nhân dân huyện nhà lên lĩnh bằng khen về thành tích” Hoàn thành kế hoạch 5 năm BTVH” cứ bị người ta lấy thơ của đồng chí ra châm chọc và nhìn bằng con mắt khác…
Bà chưa nói xong, ông phụ trách văn xã đã chen vào:
– Đồng chí viết thế, thử hỏi đồng bào miền Nam đọc sẽ nghĩ gì về miền Bắc tươi đẹp của chúng ta. Rồi cả thế giới đọc sẽ nghĩ gì về dân tộc Việt Nam anh hùng…
Toàn bộ sự việc này ngày đó tôi có viết thư báo về Toà soạn. Mấy ngày sau, đang trong tâm trạng lo âu, chán chường thì tôi nhận được thư của anh Lương Gia Ninh từ 14 Lê Trực (Hà Nội) gửi về. Trong thư có câu tôi còn nhớ đến tận bây giờ: “Cứ yên tâm. Chúng ta cùng chịu trách nhiệm về bài thơ ấy!”.
Đúng là chết đuối vớ được cọc. Nếu không, không biết tôi sẽ sống ra sao trong những ngày đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.