Cài Hoa Vào Quá Khứ

HỌC BẠ LÀ TẤM VĂN BIA



Biết tôi thường viết bài cho chuyên mục CÂU CHUYỆN SƯ PHẠM, một bạn đọc từ tỉnh Thái Bình đã gửi cho tôi một văn bản photocopi mà thoạt nhìn không ai ngờ đó là trang trích từ một cuốn học bạ. Vì học bạ gì mà thầy chủ nhiệm lại nhận xét quá trình học tập của một học sinh như thế này: Có ý thức giáo dục gia đình, tham gia công tác địa phương tốt, công tác lớp có trách nhiệm, lao động đầy đủ. Quan hệ bạn bè bình thường. Kỷ luật trật tự có tiến bộ. Học tập khá.
Tôi đọc mà thấy giật mình. Sao mà lạ kỳ và ngược đời thế vậy? Học bạ mà lại ghi thành tích học tập xuống cuối cùng trong khi lại đưa lên hàng đầu cái chuyện chẳng đâu vào đâu. Còn lời phê: Có ý thức giáo dục gia đình là thế nào nhỉ? Cái gia đình nào đó ấy làm sao mà phải giáo dục? Trộm cướp, rượu chè, cờ bạc? Nếu vậy thì sao lại đẻ ra một đứa con “ngoan” như thế? Mà sao lại có chuyện con cái dạy dỗ lại cha mẹ? Vả lại ý thức là trừu tượng mà cái trừu tượng này lại ở tận trong gia đình học sinh chứ có ở trường ở lớp đâu mà các thầy nắm bắt được? Lại còn chuyện tham gia công tác địa phương tốt nữa chứ. Đây là lời khen hay chê? Nếu khen thì học sinh lấy thì giờ đâu mà học?
Lời phê được đề ngày 31 tháng 5 năm 1960 do thầy giáo chủ nhiệm có tên là B.T. ký và được sự “ĐỒNG Ý VỚI LỜI PHÊ TRÊN” kèm theo chữ ký với con dấu vuông (chắc là đỏ) của thầy hiệu trưởng T.X.T.
Người gửi cho tôi ngoài câu ghi chú: “Ông nên nhớ dòng chữ phê trong học bạ không phải là chữ do chính tay ông giáo B.T, viết mà là chữ của một học sinh”, thì không hề viết thêm điều gì. Hình như ông muốn nhường phần ấy cho tôi. Vậy tôi xin tiếp lời ông:
“Kính thưa các thầy các cô giáo. Học bạ là tấm văn bia, là cây gậy định hướng đầu đời cho từng con người. Xin các nhà giáo đừng coi thường, chớ tuỳ tiện… để rồi gây nên những vết thương lòng, hằn nên những vết sẹo suốt đời không xoá nổi trong mỗi con người như trường hợp vừa nêu trên…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.