Alice Và Bọn Làm Bạc Giả

CHƯƠNG 11 – LỜI CẢNH BÁO



Kể từ ngày đặt chân tới Giậu Đỏ đến nay, Alice không ngừng bị ám ảnh bởi một ý nghĩ: thám hiểm hang động. Nghi lễ dị kỳ đã diễn ra dưới ánh trăng chỉ càng làm tăng thêm nỗi khát khao ấy. Cô có cảm tưởng rằng các môn đồ của đạo thờ cúng thần bí dành cho thiên nhiên đang sử dụng hang núi cho những mục tiêu bất lương.
Được thông báo kịp thời về kế hoạch do Alice đề ra, bà cụ Barn, tuy không chống đối triệt để, đã nhíu mày tỏ dấu không tán thành:
– Ta không mấy ưa ý kiến ấy, bà tuyên bố thẳng thừng. Bọn người đó chắc là vô hại, nhưng chúng ta không có mảy may thông tin nào về họ cả. Ta lấy làm tiếc vì đã cho họ thuê mướn đất đai của mình. Tất cả bà con chòm xóm đều phản đối hai bà cháu ta.
– Và họ chẳng có gì sai quấy cả! Bà Salisbury phụ họa theo, vì nãy giờ bà đã nghe lóm được cuộc nói chuyện và cũng muốn góp ý cho đỡ buồn. Cụ đã làm giảm giá nông trang của cụ rồi đấy.
– Điều đó chẳng lấy gì làm quan trọng, vì gia đình cháu đâu có muốn bán nông trang, Milly nói xen vào với một nụ cười nhằm làm dịu bớt phần nào sự bất kính trong câu nói của mình. Tất cả những gì thiên hạ đồn thổi về các khách thuê đất, theo cháu nghĩ, có phần hơi quá. Tuy vậy, quả thật là ngay cả chú Rudolpli cũng không dám mạo hiểm đi sang phía của họ.
– Thế mà riêng mình lại mơ ước đến thăm họ mới chết chứ! Alice vừa cười vừa nói. Được thế thì vui phải biết.
– Vui cái gì! Bà Salisbury cằn nhằn – Ôi chao! Giới trẻ hiện đại này, vừa liều lĩnh vừa vô tư thấy thương làm sao! Vào thời của tôi, các cô bé đâu có tung tăng khắp bốn phương tám hướng như những con ngựa hoang thế này bao giờ. Hãy coi chừng đấy, cụ Barn ạ, cụ mà cứ thả lỏng cho chúng tự do hành động, coi chừng có ngày chúng dám gia nhập vào giáo phái kia lắm đấy.
– Gì chứ chuyện ấy thì tôi khỏi cần lo rồi, bà cụ Barn đáp lại. Cả bốn chị em chúng đứa nào đứa nấy đều rất khôn ngoan và chẳng có đứa nào điên khùng tới mức ấy đâu.
Tiếp theo cuộc nói chuyện trên, bốn chị em đã thống nhất ý kiến dời chuyến thám hiểm lại sau này; nhưng họ không hề từ bỏ quyết tâm ấy.
– Chúng ta sẽ thuyết phục được bà ngoại nếu chúng ta nói với ngoại lúc không có mặt bà Salisbury, Milly một hôm đã tuyên bố. Chúng ta hãy ráng kiên nhẫn đợi chờ thời cơ thuận lợi.
Alice, Bess và Marion cũng thỏa hiệp rằng tốt nhất là nên chờ đợi, huống nữa thời gian trôi qua rất nhanh tại Giậu Đỏ. Đời sống mới mẻ ở nông trang khiến các cô bé say mê tới mức họ thường biên những lá thư đầy hứng khởi về cho cha mẹ ở thành phố, cầu xin các đấng sinh thành cho phép mình được gia hạn thời gian lưu trú ở đây. Thỉnh nguyện lần nào cũng đều được đồng ý không chút do dự.
Một buổi chiều, Alice cảm thấy loanh quanh mãi trong trang trại cũng chán, nên đã bỏ mặc bạn bè nằm dài trên những chiếc ghế bố, dưới bóng mát của mái hiên trước cổng trại, làm một chuyến dã ngoại. Cô một mình băng đồng lội suối, nhắm thẳng hướng khu rừng cây ven dòng sông, Chẳng mấy chốc đến trước một ngã ba với một con đường mòn, Alice quyết định đi theo con đường mòn được vạch nên bởi những dấu chân xa lạ.
Mới đảo qua con đường chưa đầy một trăm mét, Alice bỗng nghe một tiếng la yếu ớt. Alice dừng chân và vểnh tai nghe ngóng. Tiếng kêu không được lặp lại.
– Lại thêm một trò đùa của trí tưởng tượng của mình rồi, cô tự nhủ. Đó chẳng qua là tiếng kêu của một con chim rừng nào đó chứ gì!
Alice rảo bước mau hơn. Vài phút sau, tại một khúc ngoặt của con đường mòn, cô chợt thấy một bà già, ngồi bệt trên cỏ, mặt nhăn nhó vì đau đớn.
– Bác bị sao vậy? Alice hỏi trong lúc chạy vội về phía nạn nhân.
– Tôi lỡ vấp phải một cái rễ cây, bà già thều thào, trong lúc ngã nửa thân trên về đằng sau do cơn đau. Mắt cá chân của tôi… chắc dập quá.
Alice quì xuống cỏ và xem xét kỹ mắt cá chân bị thương. Nó đã bắt đầu sưng húp lên, nhưng sau khi mày mò xoa nắn và lắc nhẹ các khớp xương, cô trấn an:
– Bác hãy thử bước đi chút xíu xem sao, con sẽ dìu đỡ bác; chỉ bị bong gân nhẹ thôi mà.
Ngay bước chân đầu tiên, bà già đã tái mét mặt mày.
– Tôi sẽ ra sao đây? Bà ta rên rỉ.
– Bác ở xa đây lắm không? Alice hỏi.
Bà già nhìn cô với một vẻ lạ lùng, không đáp nửa lời. Tưởng rằng bà nọ không nghe thấy, Alice hỏi lại lần nữa.
– Cách khoảng bốn trăm mét ở trên thượng nguồn. Kẻ bị thương thều thào. Tôi sẽ đi về đó.
– Bác đi gì nổi, Alice bảo. Bác hãy đợi con ở đây, con sẽ chạy kiếm người dưới nông trang tới giúp.
– Đừng! Đừng! Bà già phản đối một cách mạnh mẽ đáng ngạc nhiên.
Dường như hiểu rằng sự từ khước của mình có thể bị coi là kỳ dị, bà lật đật bổ sung:
– Tôi không muốn làm phiền ai hết.
– Bác nghĩ gì mà lẩn thẩn vậy? Bác đâu có thể nào bước đi trong tình trạng này. Con không dè là bác bị đau nặng đến thế. Đi về nông trang và quay trở lại liền chỉ mất mười phút là cùng.
Bà già lắc đầu quầy quậy.
– Bây giờ tôi thấy đỡ nhiều rồi, tôi sẽ quay về nhà mình. Tôi không cần ai giúp đâu.
Bà ta tính lảng xa ra, nhưng chỉ mới được ba bước ngắn đã loạng choạng suýt té.
– Nếu bác không muốn con đi tìm người đến cứu, thì bác hãy cho phép con đi kèm bác một đỗi đường.
Bà già tính phản đối nhưng Alice đã nắm lấy cánh tay bà, quàng qua vai mình và đỡ kẻ bị thương ở ngang hông, dìu bà ta tiến tới một cách nhẹ nhàng. Quả là một cuộc tiến tới chậm rì và nhức nhối. Bà già cố cắn răng chịu đựng, chỉ duy nhất một lần buột miệng khẽ rên một tiếng.
– Thế là vượt quá sức của bác rồi đấy! Alice xúc động bảo. Bác hãy để con đi tìm chú Rudolph… Chú ấy sẽ cõng bác.
– Không! Câu đáp quyết liệt chỉ có thế.
“Tại sao lại có sự từ khước này nhỉ?” Alice tự hỏi.
Khi cả hai tiến tới trên con đường mòn, Alice chợt hiểu rằng cơn nguy khốn của người bạn đường này không phải chỉ là nỗi đau đang cào xé mà còn cả sự có mặt của Alice bên cạnh bà ta nữa. Điều này khiến cô ngỡ ngàng tuy nhiên cô vẫn không nỡ bỏ rơi bà già.
– Con nhớ là không thấy nhà cửa gì nằm dọc theo ven sông cả, lát sau Alice mới lên tiếng. Không lẽ bác thuộc giáo phái các tín đồ dưới gốc sồi cổ thụ chăng?
Trên gương mặt bà già phớt qua một thoáng châm biếm lập tức nhường chỗ cho một vẻ buồn rười rượi.
– Đúng thế. Bà nói lí nhí.
Alice quan sát bà ta chăm chú hơn trước. Bà vận một bộ áo váy bằng hàng cô-tông màu xanh dương, tuy rất đạm bạc, nhưng vẫn không có vẻ gì là một loại trang phục của giới tu hành. Mặt khác bà ta cũng không hề biểu lộ hoặc ứng xử theo kiểu mà Alice quan niệm và chờ đợi nơi một thành viên của một giáo phái kỳ dị. Những con người ấy hẳn phải là những nhân vật được linh ứng, với lòng cuồng tín đáng nể, vậy mà bà già này lại giống y như bất cứ một phụ nữ nào khác cùng độ tuổi.
– Cuộc sống giữa cảnh thiên nhiên thơ mộng là một nếp sống rất lành mạnh, Alice nói tiếp để bắt chuyện. Khi nhìn thấy từ xa các lều bạt của những người đồng đạo với bác, con thường rất thèm được đến thăm họ.
Bà già bất thần đứng sững lại trên con đường mòn và ngó chòng chọc ngay mặt Alice với một vẻ lo lắng cao độ.
– Cô chớ có dại mà toan tính chuyện ấy. Bà ta bảo.
– Tại sao ạ?
– Tại vì như thế là cực kỳ bất cẩn.
– Bất cẩn? Alice lặp lại, sửng sốt. Con không hiểu.
– Nghĩa là… nói cho ngay…, bà già ấp a ấp úng, các… các môn sinh trong đạo thờ cúng của chúng tôi không muốn bị người khác rình rập theo dõi.
– Có phải vì các nghi thức trong đạo của bác chỉ dành riêng cho những ai được mặc khải phải không ạ?
– Đúng vậy, bà già lật đật đáp, nhẹ nhõm thấy rõ.
– Nhưng con có thể đến vào một lúc khác giữa ban ngày ban mặt chứ?
– Đừng, đừng, hãy liệu đấy!
Hai người tiếp tục đi, lặng thinh với những suy tư riêng của mỗi người. Hiển nhiên là các câu hỏi của Alice đã khiến bà già hết sức bối rối. Cả nỗi trăn trở lẫn niềm đau xót in hằn trên nét mặt bị dằn vặt của bà ta.
Khi hai người đi tới vừa đúng tầm nhìn thấy các lều bạt, kẻ bị thương liền đứng sững lại.
– Xin cảm tạ cô, bà ta nói. Giờ đây, tôi yêu cầu cô hãy bỏ tôi lại một mình.
Alice do dự, rồi nhượng bộ trước ước muốn của người bạn đường cao niên. Nhưng vẫn chưa yên tâm, cô bảo:
– Xin bác cho phép con kiếm cho bác một cây gậy đủ vững chắc để dùng làm gậy chống.
Không đợi câu trả lời, Alice rảo vào trong rừng, tìm được một khúc cành cây khá rắn chắc và đưa lại cho bà già.
– Cô thật tử tế và chu đáo hết sức, bà ta nói với giọng rất dịu ngọt. Tôi muốn…
Điều mà bà ta mong muốn Alice đã chẳng bao giờ được biết, bởi bà già đã quay ngoắt đi và rời xa với bước chân hơi khập khiễng.
– Hãy nhớ những gì tôi đã nói với cô! Bà ta ngoái cổ lại và nói qua bờ vai. Đừng bao giờ lại gần khu lều trại của chúng tôi đấy!
Càng thắc mắc hơn bao giờ hết, Alice tần ngần dòm theo bà ta hồi lâu, rồi đi ngược trở lại lộ trình cũ.
“Sao bà già đáng thương ấy lại có một thái độ kỳ quặc đến thế nhỉ? Alice tự hỏi. Bà ta đang đau đến điếng cả người vậy mà vẫn không chịu cho mình dìu đỡ tới tận lều bạt của bà ta. Mình có thể làm điều gì xấu nhỉ, khi xâm nhập vào lô đất mà bọn họ đã thuê mướn dài hạn kia? Hay là chính là sau cái gọi là đạo thờ cúng ấy đang có che giấu những hoạt động phi pháp, đúng như mình đã nghi ngờ từ trước đến nay?”
Càng nghĩ Alice càng thấy khó xử.
“Dù sao, mình cũng đã gặp được một nữ tín đồ mà niềm tin vào đạo của bà ta không hề đem lại hạnh phúc và cả sự bình an nữa! Bà có vẻ khổ sở và hoảng hốt đến là tội nghiệp!
Trong lúc nghiền ngẫm về các giả thuyết trên, Alice không ngừng rảo bước.
“Có điều chắc chắn, Alice kết luận mà cười thầm trong bụng, mình sẽ chẳng dại gì mà nghe theo lời khuyên đã được ban cho mình đâu. Ngay khi có dịp may đầu tiên, mình sẽ đến ngay khu lều trại và mình sẽ khám phá bằng được những gì đang được âm mưu ở đó…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.