Anna Karenina (Tập 1)
Lời giới thiệu – Chương 02
Xoay quanh nhân vật Anna, nhà văn còn vẽ lên một loạt nhận vật khác cũng không kém sắc nét. Trước hết là Carenin. Ông là người có nhiều ham muốn công danh; bước chân ra khỏi nhà trường, ông liền đem hết tâm trí, nghị lực giành lấy địa vị xã hội cao sang. Về chính trị và tín ngưỡng, ông thuộc phe bảo thủ, tỏ ra thông minh, giao thiệp rộng, có kinh nghiệm tiến thủ trong hoạn trường. Tính nết vốn lạnh nhạt, nay lại chuyên sống bằng lý trí tàn nhẫn, tâm hồn ông ngày càng khô cằn. Ông là thứ người quan liêu kiểu mẫu trong cả việc nước lẫn việc nhà, khối óc và trái tim phát triển không đều, suy tính rất máy móc và xử sự rất bất nhân. Đây là con đẻ của nước Nga chuyên chế, xa rời đời sống, đối địch với nhân dân. Trong việc công, ông thực ra chỉ là con rối chuyên nặn ra các thứ giấy tờ vô dụng. Về đời tư, ông cũng lại tỏ ra là người chồng, người cha hèn kém, mù quáng. Ông chỉ nghĩ đến mình, không hề nghĩ đến số phận Anna, đến tâm tư tình cảm nàng. Thậm chí ông còn tự bịt mắt, không dám đi sâu vào đời sống tinh thần của vợ, coi đó là việc vô ích, không tưởng, nguy hiểm. Ông lảng tránh và phó mặc cho tôn giáo. Tất cả cố gắng chỉ là vớt vát sĩ diện, tìm mọi cách che giấu việc Anna ngoại tình để khỏi ảnh hưởng xấu đến việc thăng quan tiến chức. Chủ nghĩa quan liêu thấm sâu vào mọi mặt đời sống, cả đến việc dạy con: ông không bắt đầu từ lòng yêu thương, tìm hiểu đứa trẻ mà chỉ dựa vào mấy trang giáo điều của cuốn lý luận sư phạm để dạy con một cách máy móc, thô thiển. Ông không hề yêu, không biết yêu và không thể yêu ai, kể cả vợ con. Ông không có lấy một người bạn thân. Ông sống lẻ loi, co lại, nghi ngờ, khinh bạch, với trái tim tê liệt. Sự tàn nhẫn bất lương tỏ rõ nhất trong việc ông từ chối ly hôn Anna, quyết định giữ nguyên tình trạng cũ, với lý do đầy lòng “mộ đạo” là để Anna có dịp “hối cải” quay về! Carenin đánh bạn với nữ bá tước Lidia Ivanovna. Tuy bề ngoài có vẻ trái ngược với lối sống bê tha, dâm đãng của Betxi Tverxcaia, nhưng thực chất cuộc sống bên trong bà ta cũng là cảnh cùng hội cùng thuyền. Người đàn bà tàn xuân đầy thèm muốn xấu xa, đeo mặt nạ đạo đức, đứng ra gìn giữ phong tục, tín ngưỡng, biến chúng thành thứ tiết hạnh giả dối, mê tín dị đoan. Tính chất khẩu phật tâm xà của Lidia lộ rõ trong việc khuyên Carenin không cho Anna gặp lại con trai. Chính xã hội hủ bại giúp cho bọn vô lại, bịp bợm như Lăngđô thành công. Tên thầy bói này quyết định những vấn đề quan trọng nhất của cuộc sống; nó nửa tỉnh nửa mê gạt bỏ việc xin ly hôn của Anna, đẩy nàng mau tới cái chết. Carenin sợ sự thực như cú sợ ánh sáng. Ngọn lửa sống hiu hắt trong ông tàn lụi dần, trật tự gia đình sụp đổ, sự nghiệp công danh bắt đầu thất thế, tất cả chỉ còn là ảo tưởng, về cuối cuốn truyện, ông thật sự chỉ còn là xác chết biết đi. Và tai hại nhất, mỉa mai nhất là ở chỗ chính những người như ông lại là thành viên tiêu biểu của xã hội thượng lưu, những kẻ có quyền thế ở triều đình, những người nắm vận mạng sống còn của cả một dân tộc. Tuy không có quan điểm duy vật lịch sử, chỉ đứng trên lập trường “đạo đức vĩnh viễn không thay đổi”, bằng ngòi bút hiện thực, Tolxtoi cũng đã thẳng tay vạch trần đạo đức hủ bại của chế độ xã hội dựa trên tư hữu, áp bức. Tuy nhiên, nhà văn không chỉ tả sự cằn cỗi, nghèo nàn trong tâm hồn Carenin. Trung thành với tư tưởng tôn giáo, ông cố gắng chứng minh Carenin cũng có thể đổi mới tâm hồn, có thể làm những việc cao thượng. Đó là cảnh Carenin ở bên giường bệnh Anna, tha thứ cho vợ và dàn hòa với Vronxki. Ông sung sướng vì đã tha thứ và yêu thương kẻ thù, đúng như lời Chúa từng răn dạy. Nguồn gốc mọi đau khổ trở thành nguồn gốc của vui vẻ thảnh thơi trong lòng. Nhưng bên cạnh sức mạnh tinh thần hướng dẫn tâm hồn ông đó, còn có một sức mạnh khác, sơ đẳng hơn, nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, điều khiển đời ông: ông thấy mọi người ngạc nhiên nhìn ông, không hiểu ông và đang chờ đợi ở ông một hành động gì đó. Rõ ràng Tolxtoi đã khéo léo chứng minh một giáo lý cơ bản, cố hữu của đạo Cơ đốc là tha thứ cho kẻ thù. Nhưng thực ra, vai kịch Carenin sắm trong một lúc đó rất gượng gạo. Vì tha thứ cho kẻ hấp hối có lẽ còn dễ dàng hơn tiếp tục oán giận. Trên con đường đổi mới tinh thần của Carenin đã hiện ra một trở lực, đó là sức mạnh thô bạo của xã hội thượng lưu. Việc tha thứ cho vợ làm ông trở thành người khác thường, vượt lên trên xã hội; nhưng chung quanh, mọi người vẫn sống như cũ, không thừa nhận “chân lý” của Kinh Phúc âm, không noi theo giáo lý Cơ đốc, vẫn ăn gian nói dối, còn có ác ý chế giễu tình cảm ông. Carenin trở thành lẻ loi, nhục nhã. Thế là ông đành đi đến bước đường cùng: ông đánh bạn với Lidia Ivanovna và hoàn toàn phá sản về tinh thần. Hình tượng Carenin rất thực vì tuân theo mọi quy luật phát triển bên trong; và đúng là một người hèn hạ, độc ác như vậy không thể tự mình đổi mới tinh thần. Trái hẳn với Carenin, Vronxki là một người trẻ tuổi, đẹp trai, khỏe mạnh, thẳng thắn, thông minh và nhất là đắm say, táo bạo. Nhà văn không thể xây dựng nhân vật này cách khác được: vì nếu anh ta không như thế thì làm sao một người đàn bà tài sắc đầy đủ như Anna lại có thể mới gặp là yêu ngay? Nhưng các đức tính tốt đó chỉ hợp riêng với mặt tình yêu kiểu Anna và cũng không sao thay đổi được cuộc đời nàng, cứu nàng thoát khỏi cái chết tuyệt vọng. Vronxki thực ra vẫn chỉ là người xấu, về mọi mặt tình cảm, tâm hồn, trí tuệ đều không sánh kịp Anna. Nhà văn tả nhân vật này có khác với các nhân vật phản diện khác nhưng vẫn khá rõ nét. Vronxki chỉ là người ích kỉ, sống vô dụng, không có lý tưởng, mục đích gì hết, tóm lại đúng là đứa con đẻ được nuông chiều của xã hội quý tộc. Vronxki và Anna đều không giúp đỡ được gì cho nhau: họ không bù đắp những phần thiếu sót trong bản thân mỗi người và do đó, dần dần cảm thấy không cần nhau nữa. Chàng công tử bột không hề đếm xỉa đến luân lý, đạo đức, chỉ biết chơi gái, đánh bạc, đua ngựa, rượu chè đàn đúm với chúng bạn và thừa tiền, thừa thời giờ thì coi sóc trại ấp, vừa bóc lột làm giàu vừa ban ơn cải lương cho nông dân, coi đó cũng là thứ “mốt” mới. Chàng có cách thức riêng đối xử với đời: phải rất thành thực với mọi người, trung thành với bè bạn, trừ với đàn bà; không được lừa dối ai, nhưng có thể lừa dối người chồng có vợ đẹp: sẵn sàng quỵt tiền công thợ may, nhưng nhất thiết phải trả nợ tiền cờ bạc bịp; có quyền làm nhục người, nhưng không chịu để người khác làm nhục mình, chàng rất hiếu thắng và có thể hy sinh cả tính mệnh, tiền tài, sự nghiệp cho tình yêu, nhưng đừng ai xâm phạm đến lối sống tự do của chàng, dù là anh, là mẹ hay cả Anna nữa. Bọn chàng rất khinh những người “cổ hủ” còn khư khư ôm mớ lễ giáo “lố bịch”. Họ chế giễu tất cả, từ tính nết trung thành, trinh tiết của đàn bà, tính tự trọng gìn giữ của đàn ông, đến sự dạy dỗ con cái, làm việc cần cù. Mọi cái đều sai trái và vô lý, nhưng lại thích hợp với tính hưởng lạc vị kỉ của mình, nên chàng cho thái độ ấy là tuyệt đối đúng và yên tâm, kiêu hãnh sống như vậy. Nhưng Vronxki cũng tỏ ra hơn bọn thanh niên cùng loại ở vài điểm nhỏ. Thoạt đầu, chàng cũng chỉ coi việc ngoại tình với Anna là trò tiêu khiển đang được thịnh hành trong giới quý phái. Nhưng sau đó, chàng đã thật lòng yêu, không nghe theo lời khuyên xấu xa của mẹ và anh. Chàng rất khổ tâm khi sa vào hoàn cảnh luôn phải dối trá, trái với tính nết thực thà của mình. Chàng cũng không phải chỉ hợm hĩnh mà còn biết nhìn thấy thói xấu của mình và của giới thượng lưu. Trong khi đưa một hoàng thân nước ngoài đi thăm các cảnh đẹp ở Peterburg, chàng nhìn thấy rõ tính tình và lối sống đáng ngán của một người “rất khỏe, rất sạch nhưng rất ngốc và rất tự mãn, có thế thôi”. Và chàng thấy mình được soi đầy đủ vào tấm gương đó! Chàng hiểu nhưng không đủ sức thay đổi con người mình. Lối sống của Vronxki là lối sống địa chủ lai căng, xa lạ với dân tộc. Chàng là người Nga sống trên đất nước Nga, nhưng chung quanh toàn là người và vật từ nước ngoài đem vào. Từ máy móc làm ruộng, đồ đạc, sách báo đến cả đồ chơi trẻ con cũng đều mua ở nước ngoài. Nào ngựa giống Anh, hầu phòng, vú nuôi người Pháp, quản lý người Đức, nhà thương kiểu Mỹ, nói chuyện bằng tiếng Pháp, ăn chơi theo lối Anh. Lối sống sặc mùi tư sản giữa nơi thôn quê phong kiến chỉ rõ đầu óc sùng bái nước ngoài một cách mù quáng của chủ nhà. Trước con mắt bà mẹ Doli đông con, lối sống đó như diễn ra trên một sân khấu hào nhoáng, màu mè. Ngay trong đời sống tâm tình, Vronxki cũng bắt đầu đóng kịch. Chàng hơi hối hận vì yêu Anna mà mất cả tự do, nhưng vẫn giấu nỗi bực mình dưới lời lẽ dịu dàng, lịch sự. Đối với chàng, tình yêu vẫn còn màu sắc một chiến thắng và khi hư vinh đó giảm dần thì chàng bắt đầu chán. Anna thèm muốn hạnh phúc thật sự. Nàng yêu tha thiết vì mong đó là con đường thoát khỏi mọi trói buộc giả dối, độc ác của giới thượng lưu. Nhưng Vronxki không phải là người có thể đánh giá đúng mong ước đó. Chính Levin, con người chính trực, đã nhận xét Anna là người đàn bà hiếm có, luyến tiếc cho một tâm hồn, trí tuệ tốt đẹp và lo ngại Vronxki không hiểu hết nàng. Đúng thế, Vronxki không hiểu nổi Anna vì về mọi mặt của đời sống tinh thần, chàng đều nghèo nàn, hèn yếu hơn; chàng không có đòi hỏi về đời sống bên trong đứng đắn, không dám xa rời giới thượng lưu, thậm chí còn đầu hàng. Chàng đã lấy tình yêu làm vinh quang, thì khi nó mất đi, chàng cũng thiếu lẽ sống. Chàng đã một lần tự tử hụt vì bị sỉ nhục và bị mất Anna. Sau khi nàng chết, việc chàng tình nguyện tòng quân đi đánh nhau ở Xerbi hoàn toàn chẳng phải vì lòng yêu nước hay ý định làm chính trị gì hết, mà chỉ là việc làm tuyệt vọng, một vụ “tự sát” thứ hai cũng không kém phần “nổi tiếng” như cái chết của Anna.
*
* *
Cuốn truyện hình như chia làm hai đường dây nhân vật riêng rẽ: một bên là Anna, Carenin, Vronxki, một bên là Kitti, Levin. Thực ra, ngay đến số phận riêng của các nhân vật khác cũng đều được bố trí theo một hướng thống nhất, để đóng góp vào việc trình bày và giải quyết vấn đề trung tâm cuốn truyện: tình yêu và hôn nhân, gia đình hạnh phúc hay bất hạnh. Coznusev, một người sống xa thực tế, chỉ chuyên chúi đầu vào sách vở và Varenca, một cô gái đức hạnh, mộ đạo, cả hai cuối cùng cũng phải trải qua thử thách với vấn đề hôn nhân. Từ Betxi Tverxcaia, Lidia Ivanovna, đến Xerpukhovxcoe đều luôn bàn đến chuyện gia đình, tuy không phải là chuyện chính. Rồi các gia đình Xviajxki, Trerbaxki Lvov đều được miêu tả đầy đủ. Lối sống trụy lạc của Oblonxki làm gia đình lục đục, làm Doli, một người vợ chỉ biết có chồng và con, phải đau khổ, ghen tuông. Dưới vẻ bề ngoài đầy đủ, êm ấm, gia đình quý tộc đó đang tan vỡ hạnh phúc với những túng thiếu, xích mích và chán ghét nhau. Tình yêu khó đi đôi với tính ích kỉ. Hạnh phúc chỉ đến với những người quên mình mà yêu. Trong chừng mực nhất định, cặp vợ chồng Levin – Kitti có lẽ đạt tới hạnh phúc đó. Họ là những người thực thà, chín chắn và tình yêu của họ cũng phải trải qua những lầm lạc, hối hận, đau khổ. Họ yêu và trọng nhau, trầm lặng nhưng thắm thiết, vừa không ngừng tìm hiểu nhau và lo lắng đến bổn phận mỗi người. Kitti theo chồng về quê ở, gắng làm quen với lối sống của chồng và giúp đỡ chồng làm việc. Nàng hiểu thấu tình máu mủ của Levin, hết lòng săn sóc người anh chồng ốm nặng. Nhưng quý hơn cả là nàng hiểu tâm hồn chồng, một tâm hồn nàng cho là “tất cả cho người khác, không nghĩ gì đến mình”, nhưng lại đang băn khoăn đi tìm lẽ sống, tìm chân lý. Kitti là cô gái dịu dàng, ngây thơ, đang ao ước tình yêu sẽ đền đáp xứng đáng cho sắc đẹp tươi trẻ mình. Tất cả nỗi lòng nàng say sưa tin vào một hạnh phúc gia đình tốt đẹp. Vronxki đã phá hoại lòng tin đó, làm nàng từ đó nhìn đời chỉ thấy toàn xấu xa. Khi dưỡng bệnh ở suối nước nóng, Kitti gặp Varenca. Thoạt đầu, nàng cho cô bạn mới này là con người toàn vẹn, sống cuộc đời khác hẳn bọn thanh niên hời hợt. Nàng khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới mẻ: ngoài cuộc sống bản năng nàng vẫn sống từ trước đến nay, còn cuộc sống tinh thần khác, cao thượng và kỳ diệu hơn nhiều. Người ta đi vào cuộc sống đó bằng tôn giáo, khác hẳn thứ tôn giáo quen thuộc từ nhỏ với các buổi lễ ở nhà thờ hoặc học thuộc lòng Kinh thánh. Thứ tôn giáo này cao siêu, huyền bí hơn, gắn liền với các tư tưởng, tình cảm cao thượng, quên mình để yêu thương kẻ khác. Và Kitti đã bị Varenca cảm hóa, bắt chước bạn giúp đỡ kẻ nghèo, săn sóc người ốm, đọc kinh Phúc âm cho họ nghe. Ở đây, Tolxtoi muốn đem lòng vị tha bác ái và đạo đức tự hoàn thiện bản thân để chứng minh rằng chỉ có tôn giáo mới cứu ta thoát khỏi mọi ràng buộc bản năng của xác thịt và tiến tới cuộc sống tinh thần cao quý hơn. Nhưng cũng chính ngòi bút hiện thực của nhà văn đã giới thiệu Varenca là người thế nào? Đó là một cô gái còn rất trẻ nhưng không có tuổi trẻ, giống đóa hoa đẹp còn nguyên cánh nhưng sớm tàn úa và không hương thơm, nhất là cô ta thiếu niềm hăng say đậm đà, quyến rũ trước đàn ông. Cô già trước tuổi, chỉ nghĩ đến bổn phận, không có nổi tiếng cười. Cuộc sống hoàn toàn lý trí đã giết chết đời sống tình cảm bình thường. Lòng cô yêu thương mọi người không tự nhiên, luôn phải cố gắng, gượng gạo: nó chỉ che đậy một sự thực là cô không có khả năng thực tâm yêu thương theo một tình cảm trần thế giữa người với người. Tất nhiên, với tính yêu đời nồng nàn, Kitti không thể nào trở thành một tiểu thư Varenca thứ hai được. Hơn nữa, con mắt thông minh của nàng cũng bất chợt thấy, sau tính tình “cao thượng”, cuộc đời “cảm động”, lời lẽ “dịu dàng” của Stan phu nhân là những dấu hiệu giả dối, bịa đặt, giảo quyệt của bà ta, lấy thú vui từ thiện làm một nguồn an ủi, một đồ trang sức. Kitti chỉ sống bằng trái tim mà không thể sống bằng nguyên tắc giáo lý như họ, chỉ thật tâm yêu người mà không thể lên mặt dạy người, cứu người! Nàng sẽ cứ là nàng, không thể đóng kịch trên sân khấu “thanh cao, thoát tục” như Stan phu nhân và cũng không thể là một Varenca khô héo, cằn cỗi. Qua lần thử thách này, cả thân thể lẫn tinh thần Kitti đều khỏe lại và nàng trở về với cuộc sống thực sự yêu đời, đứng ngoài mọi nguyên tắc giả nhân giả nghĩa. Trong chương lễ cưới Kitti, người đọc thấy rõ sự đồng tình của nhà văn với số phận các cô gái, khi ước mơ hạnh phúc thường bị cuộc sống tàn nhẫn phá vỡ, như các cuộc hôn nhân của nhiều người khách dự đám cưới lúc họ nhớ lại quá khứ. Doli cảm động ứa nước mắt, tạm quên cảnh nhà trước mắt và nhớ lại mối tình đầu trong trắng. Bà càng thương cho cảnh sa chân lỡ bước của Anna. Người đàn bà mang hi vọng và hãi hùng trong lòng, chấm dứt những ngày trẻ trung để bước về nhà chồng, đi vào một tương lai bí ẩn, chính mình cũng không rõ cuộc sống rồi sẽ may rủi, tốt xấu ra sao. Đó là điều đáng thương thường xảy ra cho người đàn bà trong xã hội cũ. Trong tuần trăng mật, Levin thầm trách Kitti là nông nổi, hèn mọn, ngoài chuyện nhà cửa, bếp nước, vá may ra thì không biết để ý đến một công việc gì đứng đắn, như quản lý trại ấp, xem xét nông dân, chơi nhạc, đọc sách. Nhưng chàng không hiểu vợ mình tự cho phép hưởng vài phút sung sướng, an nhàn đó là để sửa soạn gánh vác những nhiệm vụ rất nặng nề: làm chủ gia đình, làm vợ, làm mẹ. Cả cuộc đời Doli cũng hy sinh cho con cái: bà đem hết tâm sức ra nuôi nấng dạy dỗ, yêu thương chúng. Bà không hiểu nổi, thậm chí còn kinh ngạc, khiếp sợ khi thấy Anna không tự mình nuôi con và không dám đẻ nữa, để gìn giữ sắc đẹp, có thời giờ chiều chuộng người tình. Về mặt tinh thần, người mẹ bình thường đó hơn hẳn bao nhiêu người đàn bà ích kỉ khác. Cả hai chị em Doli và Kitti đều là những người có nữ tính tốt đẹp, trung thành với trách nhiệm người vợ, người mẹ. Nhà văn ra sức ca ngợi những con người đã sinh ra và giữ gìn cuộc sống trên trái đất này. Tuy nhiên, những nhân vật trên của Tolxtoi có đời sống tinh thần quá eo hẹp. Họ không muốn bước chân ra khỏi ngưỡng cửa gia đình, không đòi hỏi, lo lắng gì mọi quyền lợi khác. Nhà văn cho rằng tâm tình mọi người đàn bà đứng đắn chỉ là “thờ chồng nuôi con”. Ông phủ nhận vai trò người đàn bà trong xã hội, mặc dầu vẫn giải quyết vấn đề gia đình với quan niệm nó là một bộ phận chính hợp thành xã hội. Dù sao Anna Carenina vẫn là cuốn tiểu thuyết xã hội, không phải tiểu thuyết “gia đình” kiểu châu Âu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.