Anna Karenina (Tập 1)

Phần 3 – Chương 12



29

Việc thực hiện kế hoạch của Levin xem ra có nhiều khó khăn; song chàng dốc hết sức ra làm, nên tuy chưa đạt kết quả mong muốn nhưng đã có thể vững tâm là công việc thật bõ công. Một trong những khó khăn chủ yếu là công việc sản xuất đang tiến hành, chàng không thể đình tất cả để khởi sự lại từ đầu: đành phải vừa để cho bộ máy tiếp tục chạy vừa thay đổi dần vậy thôi. Tối hôm về tới nhà, lúc chàng cho viên quản lý biết kế hoạch của mình, y vui thích ra mặt khi nghe đến đoạn chàng chứng minh tất cả những việc đã làm từ trước đến nay đều vô lý và không sinh lợi gì cả. Viên quản lý nói y vẫn thường nhận xét như vậy, nhưng không ai thèm nghe. Nhưng đến khi Levin đề nghị cùng nông dân hợp tác tham gia mọi mặt sản xuất, y liền tỏ vẻ rất bí và nói ngay đến sự cần thiết nội ngày mai phải đem những đống lúa lõa mạch cuối cùng về nhà và bắt đầu cày lượt thứ hai. Levin hiểu chàng đã không chọn đúng lúc để bàn chuyện. Khi nói cho nông dân biết dự định mới của mình, Levin lại vấp phải một trở ngại khác: họ quá bận bịu công việc hàng ngày nên không có thời giờ cân nhắc lợi hại của công cuộc này. Một nông dân chất phác, gã chăn cừu Ivan, có vẻ hoàn toàn thông cảm Levin khi chàng đề nghị gã cùng gia đình tham gia hưởng phần lãi của việc chăn nuôi gà vịt và có cảm tình với dự định đó. Nhưng khi Levin kể ra một loạt lợi ích mai sau của việc này, Ivan đâm hốt ra mặt và tỏ ý tiếc không thể nghe chuyện chàng đến đầu đến đũa: gã lập tức nghĩ ra một công việc cần làm gấp; bỏ thêm cỏ khô vào chuồng, đi lấy nước hoặc dọn phân.

Một trở ngại nữa là tính hoài nghi không khắc phục nổi của nông dân: họ không thể tin ông chủ lại có dự định nào khác ngoài việc cố bóp nặn họ đến cùng. Họ đinh ninh rằng mục đích thực sự của chủ (dù muốn kể lể trời đất gì chăng nữa) vẫn bí mật với họ. Bản thân họ, khi bày tỏ ý kiến, cũng không bao giờ lộ rõ mục đích thực sự ra. Ngoài ra (Levin thấy lão điền chủ bẳn tính nói đúng thật), điều kiện trước tiên nông dân đặt ra là không bị bó buộc phải tuân theo những phương pháp canh tác mới và sử dụng máy móc mới. Họ thừa nhận cái cày cày tốt hơn, máy nhổ cỏ làm việc rất tốt, nhưng họ lại tìm ra hàng nghìn lý do để không bao giờ dùng đến cả cày lẫn máy nhổ cỏ, và tuy Levin tin rằng cần hạ thấp trình độ nông nghiệp xuống, chàng vẫn luyến tiếc phải từ bỏ những cải cách mà lợi ích thật quá rõ ràng. Mặc dầu gặp mọi khó khăn đó, chàng vẫn đạt mục đích và đến mùa thu thì công cuộc cải cách đã bắt đầu. Hay ít nhất đó cũng là cảm tưởng của chàng. Mới đầu, Levin định trao toàn bộ cơ sở sản xuất nguyên vẹn như thế vào tay nông dân, thợ và quản lý, nhưng sau đó, chàng thấy ngay là không thể được và quyết định phân chia sản nghiệp ra. Sân chăn nuôi, vườn cây, vườn rau, đồng cỏ và ruộng đất (cả ruộng đất cũng được phân chia) hợp lại thành những khoảnh riêng. Gã chăn cừu Ivan có vẻ hiểu ý định Levin hơn mọi người, đã thành lập một hợp tác xã gồm phần lớn là người trong gia đình gã và bắt đầu chăm lo đến sân chăn nuôi. Một cánh đồng ở xa, bỏ hóa từ tám năm nay, được chia cho sáu gia đình nông dân, với sự giúp đỡ của bác thợ mộc Rêzunôp, và gã mugich Suraiep đảm nhiệm các vườn rau. Phần sản nghiệp còn lại vẫn khai thác theo lối cũ nhưng ba khoảnh trên là xuất phát điểm của một tổ chức mới mẻ: nó thu hút tất cả sự chú ý của Levin. Thực tình mà nói, sân chăn nuôi cũng không được chăm nom tốt hơn gì trước kia, và Ivan khăng khăng không chịu cho bò cái ở ấm và làm bơ bằng kem, viện cớ bò cái ở chuồng lạnh ăn đỡ tốn cỏ và làm bơ bằng sữa chua lợi hơn: gã vẫn đòi trả tiền lương như thời cũ và hình như hoàn toàn không đếm xỉa tới chuyện món tiền đó không phải là lương mà ứng trước phần lợi tức của gã.

Tổ hợp tác của Fedor chỉ cày ruộng một lần (đáng lẽ phải hai lần như đã thỏa thuận) vin cớ thời gian gấp rút quá. Mặc dầu đã nhận bắt đầu làm việc trên nguyên tắc mới, nông dân ở nhóm này vẫn đinh ninh là họ làm ruộng rẽ đôi: đã nhiều lần, với Rêzunôp đứng đầu, họ đề nghị trả tiền thuê ruộng cho Levin: “Như thế ông yên tâm hơn mà chúng tôi cũng khỏi mang ơn”, họ nói với chàng. Vin vào nhiều cớ, họ trì hoãn xây dựng chuồng bò lẫn kho thóc và dây dưa mãi tới mùa đông.

Suraiep muốn chia nhỏ các vườn rau ra cho nông dân thuê lại. Bác ta như cố tình hiểu lầm những điều kiện chủ đã giao đất đai cho bác.

Mỗi khi Levin bàn bạc với mugich và trình bày tất cả những lợi ích của kế hoạch, chàng đều cảm thấy họ chỉ lơ đãng nghe, lòng nhủ lòng quyết không mắc bẫy chàng. Cảm tưởng đó rõ nhất khi chàng nói chuyện với người thông minh nhất trong bọn là Rêzunôp, và nhìn thấy trong đôi mắt bác ta một ánh giễu cợt cùng cái vẻ tin chắc nếu có ai bị mắc lừa, thì người đó sẽ không phải là bác ta, là Rêzunôp đâu. Bất kể mọi cái đó, Levin vẫn nghĩ sự cải cách đã bắt đầu, và bằng cách tính toán sít sao cùng lòng kiên trì, rồi ra chàng cũng sẽ chứng minh cho nông dân thấy lợi ích của tổ chức này: sau đó, việc sản xuất tự khắc sẽ tiến hành trôi chảy. Công việc đó, cộng với việc quản lý phần sản nghiệp còn lại và việc tìm tòi nghiên cứu để viết quyển sách, làm Levin bận suốt mùa hạ và họa hoằn chàng mới có dịp đi săn. Cuối tháng tám, một người đến trả cỗ yên ngựa, cho chàng biết gia đình Oblonxki đã về Moxcva. Chàng thấy, do không trả lời thư của Daria Alecxandrovna (chàng không khỏi đỏ mặt hổ thẹn khi nhớ tới sự thất lễ đó), chàng đã cắt tuyệt đường lui tới và không bao giờ còn trở lại nhà họ được nữa. Chàng cũng xử sự hệt như thế với gia đình Xvyajxki bằng cách ra về không một lời từ biệt. Chàng không bao giờ có thể đến nhà họ nữa. Giờ đây, chàng không chút bận tâm về điều đó. Sự cải cách sản xuất thu hút tất cả tâm trí chàng. Chàng đọc sách do Xvyajxki đưa cho, tìm thêm những quyển khác, rồi đọc những tác phẩm kinh tế – chính trị và xã hội học về vấn đề đang quan tâm; đúng như dự đoán, chàng không tìm ra điều gì liên quan tới công cuộc chàng đang tiến hành. Trong những tác phẩm kinh tế chính trị học, chẳng hạn như Mill mà chàng hăm hở đọc ngấu nghiến trước tiên, với hi vọng tìm được lời giải đáp cho những vấn đề mình quan tâm, chàng đã thấy một bài thuyết trình về quy luật rút ra từ hoàn cảnh kinh tế nông thôn ở châu Âu; nhưng chàng tuyệt nhiên không hiểu tại sao những quy luật đó, không thể áp dụng ở Nga, mà lại gọi là có tính chất phổ biến. Đối với những sách xã hội học cũng vậy: hoặc là những điều không tưởng đẹp đẽ không thể thực hiện được hoặc là những sửa đổi áp dụng cho hoàn cảnh châu Âu vốn không có gì giống nước Nga. Khoa kinh tế chính trị học khẳng định rằng những quy luật đã và đang chi phối sự phồn thịnh của châu Âu, là những quy luật phổ biến và tuyệt đối. Khoa xã hội học lại dạy rằng một cuộc tiến triển tuân theo quy luật đó chỉ dẫn tới phá sản. Và cả hai chẳng những không đưa ra lời giải đáp nào, mà còn không hề đả động tí gì đến cách thức mà chàng, Levin, tất cả những mugich và địa chủ Nga phải vận dụng để khai thác nhân công và màu đất, góp phần nâng cao đời sống chung. Giờ đây, khi đã bắt tay làm nhiệm vụ ấy, chàng thận trọng đọc tất cả những gì có liên quan và dự định mùa thu sau sẽ ra nước ngoài để nghiên cứu thêm vấn đề tại chỗ và để khỏi mắc lại cái điều thường xảy đến với chàng trong những vấn đề khác. Mỗi khi chàng bắt đầu hiểu được tư tưởng người tiếp chuyện và trình bày tư tưởng của mình thì đột nhiên họ lại nói: “Thế còn Kôfman? Jôn? Đuyboa? Misơli? Ông chưa đọc họ à. Vậy ông hãy đọc đi: họ đã nghiên cứu kĩ vấn đề này rồi.” Giờ đây, chàng thấy rõ Kôfman và Misơli không dạy được chàng gì cả. Chàng đã biết mình mong muốn cái gì. Chàng thấy nước Nga có những ruộng đất tuyệt diệu cùng những người thợ ưu tú và trong một số trường hợp, như ở nhà ông già mugich chàng đã ghé lại dọc đường, ruộng đất và người làm mướn đã sinh lợi rất nhiều, trong khi sử dụng tư bản như ở châu Âu, thì thường thường lại sinh lợi ít. Đơn giản là vì, chỉ có theo cách thức của họ, người thợ mới muốn làm việc và thực sự làm việc tốt. Sự đối lập đó với những phương pháp mới không phải là ngẫu nhiên mà là thường xuyên và nó có gốc rễ ở ngay trong đầu óc dân chúng. Chàng nghĩ nhân dân Nga có thiên hướng sử dụng và trồng trọt những vùng đất đai mênh mông đến nay còn hoang vắng, họ vẫn luôn bám vào tập quán cần thiết đó tới khi nào tất cả đất đai đều đã sử dụng, và tập quán đó không hề xấu như người ta thường nghĩ. Chàng muốn chứng minh điều đó bằng lý thuyết trong quyển sách chàng viết và bằng thực tế trong việc sản xuất của mình.

30

Vào cuối tháng chín, gỗ được chở tới để xây dựng chuồng bò trên khoảnh đất đã trao cho hợp tác xã, bơ đem bán và lợi tức được chia theo như quy ước. Việc làm thực tế đã đạt kết quả tốt, ít nhất cũng là theo ý nghĩ Levin. Nhưng muốn cho hoạt động của mình được giải thích bằng lý luận và muốn hoàn thành tác phẩm, mà theo Levin mơ ước không những nó phải dẫn tới cách mạng trong kinh tế chính trị học mà còn tiêu diệt môn khoa học đó và đặt nền móng cho một khoa học mới về quan hệ giữa ruộng đất và nông dân, chàng còn phải ra ngoại quốc và nghiên cứu tại chỗ tất cả những gì đã làm theo phương hướng đó và tìm những lý lẽ chứng minh rằng tất cả những điều đã thực hiện ở nơi ấy đều vô ích. Levin chỉ chờ bán xong lúa kiều mạch là đi. Nhưng trời bắt đầu mưa: không kịp thu hoạch cả lúa mì lẫn khoai tây còn lại ngoài ruộng: điều đó làm ngừng trệ mọi việc kể cả việc gieo lúa kiều mạch. Đường sá không đi lại được, hai cối xay lúa bị nước lũ cuốn trôi và thời tiết ngày càng xấu. Sáng ngày 30 tháng chín, mặt trời ló ra và Levin lại hi vọng, bắt đầu chuẩn bị lên đường. Chàng sai đổ lúa mì vào bao, phái quản gia đến nhà lái buôn nhận tiền và thân hành đi thăm trại ấp để dặn dò lần cuối những điều cần thiết trước khi đi. Xong việc, Levin phấn khởi trở lại nhà, người ướt sũng và mặc dầu mặc áo da vẫn bị nước mưa rỉ vào cổ và ủng. Về chiều, mưa rào càng to hơn: những tia nước mưa quật vun vút xuống con ngựa của Levin đến nỗi nó phải đi né nghiêng, tai và cổ run bần bật. Nhưng Levin lại rất thoải mái dưới chiếc mũ trùm đầu và vui vẻ đưa mắt khi nhìn dòng nước đục ngầu chảy trong rãnh bánh xe, khi nhìn những giọt mưa lơ lửng trên cành cây trơ trụi, lúc nhìn một bông tuyết trăng trắng chưa tan còn sót lại trên ván cầu, hoặc nhìn đống lá dâu da còn tươi phủ một lớp dày quanh thân cây trơ trụi. Mặc dầu cảnh vật buồn bã xung quanh, chàng vẫn thấy mình ở trong tâm trạng đặc biệt hào hứng. Những chuyện chàng trao đổi với đám mugich ở một làng xa xôi, chứng tỏ họ bắt đầu làm quen với phương pháp lao động mới. Ông gác già mà chàng vào nhà để hơ khô quần áo, rõ ràng tán thành kế hoạch của Levin và tự động xin gia nhập tập đoàn để mua gia súc. “Chỉ cần kiên trì theo đuổi mục đích và mình sẽ thắng, Levin nghĩ. ít nhất, mình cũng làm việc cho một cái gì. Đó không phải vì sự an lạc của riêng mình mà vì hạnh phúc chung. Tất cả nền nông nghiệp và nhất là hoàn cảnh sống của dân chúng phải được thay đổi về căn bản. Thay vào cảnh lầm than, khắp nơi sẽ giàu có và sung túc. Thay vào chống đối, là sự hòa hợp và thống nhất quyền lợi. Tóm lại, một cuộc cách mạng không đổ máu, nhưng là một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất, phát sinh từ cái xó bé nhỏ của quận ta để lan khắp tỉnh, khắp nước Nga, toàn thế giới. Bởi vì một tư tưởng đúng đắn không thể không đơm hoa kết quả. Phải, đó là một mục đích xứng đáng, bõ công theo đuổi. Và dù mình vẫn chỉ là gã Conxtantin Levin từng thắt cà vạt đen để đi khiêu vũ, đã bị Kitti Tsecbatxkaia cự tuyệt, luôn tự xét mình là thảm hại và vô vị, điều đó cũng chẳng sao. Mình tin chắc Franklin, khi tự xét về mọi phương diện, hẳn cũng cảm thấy khổ sở và tự ngờ vực như mình thôi. Điều đó không có ý nghĩa gì. Chắc hẳn ông ta cũng có một bà vú Agafia Mikhailovna để tâm sự những ý nghĩ thầm kín của mình.”

Miên man với những ý nghĩ đó, Levin mãi tối mịt mới về tới nhà.

Viên quản lý trở về mang theo một phần số tiền bán lúa. Việc giao ước với ông lão gác cũng làm xong và dọc đường, viên quản lý được biết là khắp mọi nơi lúa vẫn còn đầy đồng, cho nên một trăm sáu mươi đống lúa chưa kịp thu hoạch về, thật không thấm vào đâu so với số mất mát của người khác. Sau bữa ăn tối, Levin theo thường lệ cầm sách ngồi vào ghế bành, vừa đọc, vừa tiếp tục suy nghĩ về cuộc hành trình sắp tới. Giờ đây, chàng thấy rõ tất cả tầm quan trọng của việc mình làm và từng đoạn văn dài hình thành trong đầu, diễn đạt nội dung cơ bản của tư tưởng chàng. “Phải ghi lại, chàng tự nhủ. Nó sẽ thành bài tựa ngắn mà trước đây mình vẫn cho là vô ích.” Chàng đứng dậy để tới bàn giấy. Con chó Laxca nằm dưới chân, cũng rướn mình nhổm dậy và nhìn chàng như muốn hỏi xem phải đi đâu. Nhưng chàng không kịp ghi những điều đó, vì các toán trưởng đã tới và Levin ra cửa tiếp họ. Sau khi phân phối công việc cho ngày mai và tiếp tất cả những mugich có việc cần gặp chàng, Levin trở về phòng giấy và ngồi xuống làm việc. Laxca nằm dưới gầm bàn; Agafia Mikhailovna cầm bít tất, lại ngồi vào chỗ quen thuộc của bà. Viết được một lát, chàng bỗng lại nhớ Kitti da diết, nhớ đến việc nàng cự tuyệt, nhớ cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai người. Chàng liền đứng dậy và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng.

– Việc gì cậu cứ phải lo buồn thế, – Agafia Mikhailovna nói. – Tại sao cậu cứ ở nhà mãi làm gì? Nếu cậu định đi nghỉ ở suối nước nóng thì phải đi đi thôi.

– Thì ngày kia tôi đi mà, Agafia Mikhailovna ạ. Tôi còn có việc phải làm cho xong.

– Việc gì kia chứ? Cậu đã lo cho nông dân khá đủ rồi! Cậu có biết họ nói gì không? “Ông chủ của bà sắp được Nga hoàng ban khen đấy.” Mà tại sao cậu cứ phải lo lắng cho họ nhiều thế?

– Không phải tôi lo cho họ đâu, tôi làm cho tôi thôi.

Agafia Mikhailovna biết rõ kế hoạch Levin đến từng chi tiết. Chàng hay trình bày cho bà biết những ý định của mình và thường thường họ không đồng ý với nhau. Nhưng lần này, bà ta hiểu hoàn toàn khác hẳn lời chàng nói.

– Tất nhiên, trước tiên phải nghĩ tới linh hồn mình đã, – bà thở dài nói. – Hãy cứ xem Pacten Đênixych đấy: anh ta không biết đọc biết viết, thế nhưng anh ta chết thật êm đẹp. Anh ta chịu lễ ban thánh thể và được rửa tội lúc lâm chung.

– Tôi có muốn nói thế đâu, – chàng nói. – Tôi muốn nói là tôi làm như vậy chỉ vì quyền lợi của riêng tôi thôi. Tôi sẽ có lợi nếu mugich làm việc tốt hơn.

– Chà, tha hồ cho cậu làm thế nào thì làm, những đứa lười bao giờ cũng chỉ tìm cách sao cho nhẹ thân nhất thôi. Ai có lương tâm thì làm việc; ai không có thì chẳng làm gì cả.

– Thế nhưng chính u cũng nói Ivan chăm nom gia súc khá hơn đấy thôi.

– Tôi chỉ nói có một điều thôi, – Agafia Mikhailovna trả lời với tinh thần triệt để giữ vững ý kiến của mình: – là cậu phải lấy vợ đi, có thế thôi. – Lời nói đụng tới điều chàng vừa suy nghĩ, làm Levin buồn rầu và phật ý. Chàng cau mày và không trả lời ngồi xuống trước bàn giấy, thầm nhắc đi nhắc lại những suy nghĩ về tầm quan trọng của việc mình làm. Thỉnh thoảng, chàng lắng nghe trong im lặng tiếng kim khâu tí tách của Agafia Mikhailovna, và chợt nhớ tới điều chàng muốn gạt khỏi ký ức, chàng lại cau mày.

Đến chín giờ, có tiếng nhạc ngựa và tiếng xe ì ọp lăn bánh trên nền đất lầy lội.

– Có khách đến đấy, cậu không còn phải buồn nữa nhé, – Agafia Mikhailovna nói, đứng dậy và ra cửa. Nhưng Levin đã ra trước bà ta. Chàng không làm việc được nên vui lòng tiếp khách, bất kể ai.

31

Levin xuống tới lưng chừng cầu thang thì nghe thấy tiếng ho quen thuộc trong phòng chờ, nhưng không rõ lắm, vì bị lẫn vào tiếng chân chàng, và chàng hi vọng mình lầm; lát sau chàng trông thấy cái bóng dáng xương xẩu dài lêu đêu rất quen thuộc với chàng. Xem ra không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, chàng vẫn tiếp tục hi vọng rằng mình lầm, rằng cái gã sếu vườn cao kều đang vừa ho vừa cởi áo khoác kia, không phải là ông anh Nicolai. Levin yêu anh nhưng bao giờ cũng thấy khổ sở khi phải chung đụng với anh. Và giữa lúc này, tâm trạng đang bối rối vì tác động của những kỉ niệm cũ trở lại trong đầu và vì câu nói của Agafia Mikhailovna, chàng càng đặc biệt khổ tâm phải đối diện với anh. Đáng lẽ là một ông khách vui vẻ, khỏe mạnh, không hề biết nỗi bối rối của chàng và có thể làm chàng khuây khỏa, thì đằng này, Levin lại phải chịu đựng sự có mặt của ông anh vốn hiểu chàng đến chân tơ kẽ tóc và có thể khiến chàng bộc lộ những tư tưởng thầm kín nhất. Mà chàng lại không muốn thế. Bất bình vì thứ tình cảm đê tiện như vậy, Levin vội chạy xuống phòng chờ; khi nhìn gần ông anh, nỗi thất vọng của chàng lập tức biến mất, nhường chỗ cho lòng thương xót. Trước kia vẻ gầy còm và bề ngoài ốm yếu của Nicolai đã đáng sợ là thế, nhưng nay ông còn hom hem hơn và hầu như kiệt sức. Chỉ còn da bọc xương. Ông ta đứng ở cửa ra vào và lắc lắc cái cổ run rẩy để cởi khăn quàng ra. Ông mỉm một nụ cười kỳ lạ và thiểu não. Nhìn thấy nụ cười nhẫn nhục và phục tùng đó, Levin thấy cổ họng se lại.

– Thế là tôi về đến đây rồi, – Nicolai nói, giọng câm đặc, mắt không rời khuôn mặt em một giây. – Đã từ lâu tôi muốn về đây nhưng lần nào cũng không đi được. Bây giờ, tôi hồi phục rồi, – ông nói và đưa bàn tay dài xương xẩu lên vuốt râu.

– Vâng, vâng! – Levin trả lời. Và chàng càng thêm khiếp hãi khi đặt môi hôn đôi má gầy rộc và khi nhìn sát vào đôi mắt to long lanh một ánh kỳ lạ. Vài tuần lễ trước, Levin có viết thư cho anh là sau khi bán một phần nhỏ số động sản chưa phân chia của họ, ông sẽ nhận được khoảng hai nghìn rúp. Nicolai nói mình sẽ về lĩnh tiền và nhất là lưu lại quê hương một thời gian ngắn, đặt chân lên đất mẹ đẻ, như các anh hùng trong thần thoại, thu hết sức lực trước khi hành động. Mặc dầu vai gù, vẻ gầy gò dễ sợ với vóc người cao lớn, cử chỉ ông vẫn đột ngột và nhanh nhẹn như thường. Levin dẫn anh vào phòng làm việc.

Ông anh thay quần áo rất cẩn thận, một điều khác thường ở ông, chải mớ tóc thưa và cứng rồi mỉm cười đi lên gác.

Ông ta đang trong một tâm trạng vui vẻ và niềm nở, như Levin từng biết hồi ông còn nhỏ. Ông nhắc cả đến Xergei Ivanovitr, không chút hằn học. Thấy Agafia Mikhailovna, ông còn pha trò và hỏi thăm bà tin tức những người ở cũ. Nghe tin Pacten Đênixych chết, ông rất buồn. Nỗi sợ hãi hiện trên vẻ mặt, nhưng ông trấn tĩnh ngay được.

– Bác ta cũng già rồi, – ông nói và bàn sang chuyện khác. – Phải, tôi định ở lại một hai tháng tại nhà chú, rồi sẽ quay về Moxcva. Chú biết không, Myagkôp dành cho tôi một chỗ, tôi sẽ vào làm tại công sở. Bây giờ tôi sẽ sống khác hắn. Nhân thể nói cho chú biết là tôi bỏ mụ ấy rồi.

– Maria Nicolaiepna ấy à? Thế nào? Tại sao vậy?

– Ồ! Nó là một con đê tiện! Nó gây cho tôi không biết bao nhiêu chuyện bực mình! – nhưng ông không nói chuyện bực mình đó là chuyện gì. Ông không thể nói ông đuổi Maria Nicolaiepna đi chỉ vì bà ta pha trà nhạt quá và nhất là vì bà ta săn sóc ông như một người ốm. – Tóm lại, tôi muốn thay đổi hoàn toàn lối sống. Tất nhiên, tôi đã làm những chuyện bậy bạ, như tất cả mọi người, nhưng của cải là cái tầm thường nhất, tôi chẳng tiếc gì nó. Điều quan trọng, đó là sức khỏe, và đội ơn Chúa, thế là tôi bình phục rồi.

Levin lắng nghe anh và cố tìm chuyện để nói nhưng không nghĩ ra. Nicolai chắc cũng có cảm giác như vậy; ông bèn hỏi thăm công việc của em; Levin vui lòng kể chuyện mình vì chàng có thể nói mà không phải màu mè. Chàng kể cho anh nghe những kế hoạch và dự định cải cách của mình.

Ông nghe chàng nói, nhưng rõ ràng việc đó không làm ông quan tâm.

Hai con người này thân thuộc, gần gũi đến nỗi có thể hiểu nhau qua mỗi cử chỉ, mỗi cách uốn giọng hơn là qua mọi lời lẽ dài dòng.

Lúc này, cả hai đều có chung ý nghĩ: bệnh tật và cái chết sắp tới của Nicolai, nó trùm lên mọi ý nghĩ khác. Cả hai đều không dám nhắc tới chuyện đó, cho nên mọi lời họ nói ra đều giả dối, vì không diễn đạt điều họ bận tâm. Chưa bao giờ Levin hài lòng vì thấy đêm đã khuya và đến giờ đi ngủ, bằng lúc nãy. Kể cả những lần tiếp khách xa lạ hoặc đi thăm long trọng, cũng chưa bao giờ chàng gượng gạo và vờ vĩnh như lúc này. Biết thế và áy náy vì thái độ đó, chàng càng đờ đẫn thêm. Chàng muốn khóc ông anh sắp chết nhưng lại phải nghe ông ta nói về cuộc đời định sống và tiếp chuyện ông.

Vì nhà ẩm và chỉ có một buồng có lò sưởi, Levin liền để anh nghỉ ở sau tấm bình phong ngăn đôi phòng ngủ của chàng.

Ông anh đã nằm vào giường. Không biết có ngủ hay không, nhưng ông trở mình, ho hắng như người ốm và lúc nào không khạc đờm ra được, ông lại càu nhàu một mình. Đôi lúc, ông thở dài thườn thượt và kêu: “Ôi! Trời ơi!” Lúc khác, khi nghẹt thở, ông lại tức bực kêu lên: “Ma bắt nó đi!” Levin lắng nghe, hồi lâu không ngủ được. Chàng nghĩ ngợi rất lan man nhưng rút lại chỉ quy vào một mối: cái chết. Cái chết, sự kết liễu không tránh khỏi của mọi sinh vật, lần đầu tiên hiện ra trước mắt chàng với một sức mạnh không cưỡng nổi. Và cái chết đó ở kia, trong người ông anh thân yêu đang rên rỉ trong giấc ngủ và quen miệng kêu gọi lung tung, lúc kêu trời, lúc gọi ma, chàng thấy cái chết đó như gần hơn nhiều so với trước. Nó cũng ở ngay trong người chàng, chàng cảm thấy thế. Nếu không phải hôm nay thì ngày mai, nếu không phải ngày mai thì sẽ là ba mươi năm nữa; trước sau cũng thế thôi! Và cái chết tất yếu đó là thế nào, không những chàng không biết, không những chàng không bao giờ nghĩ tới, mà chàng không thể và không dám nghĩ tới.

“Mình làm việc, mình muốn làm cái gì đó và mình quên rằng tất cả đều kết thúc bằng cái chết.”

Chàng ngồi trên giường, trong bóng tối, co quắp người lại, đôi tay bó gối, cố nén hơi thở gấp vì căng thẳng và suy nghĩ. Nhưng càng tập trung tư tưởng, chàng càng thấy sự thể đúng là như thế, không nghi ngờ gì nữa, và chàng đã quên không chú ý tới chi tiết nhỏ mọn đó. Cái chết sẽ đến, mọi cái đều kết liễu, chẳng vạ chi mất công làm bất cứ việc gì và không ai thay đổi được gì hết. Thật khủng khiếp, nhưng đúng như vậy. “Nhưng mình vẫn đang sống kia mà. Phải làm gì, làm gì bây giờ?”, chàng thất vọng nghĩ thầm. Chàng thắp nến, thận trọng đứng dậy, đến ngồi trước gương và ngắm nghía khuôn mặt cùng mái tóc mình. Đây này ở hai bên thái dương, đã có vài sợi tóc bạc. Chàng há miệng. Những răng bên trong bắt đầu hỏng. Chàng xắn áo để lộ đôi cánh tay cuồn cuộn bắp thịt. Chàng rất khỏe. Nhưng Nicolai đang thở với phần phổi còn lại, trước kia cũng có một tấm thân cường tráng đấy thôi. Và bỗng nhiên, chàng nhớ lại hồi còn nhỏ, hai đứa thường bị ốp về giường ngủ cùng một lúc và chỉ chờ Fedor Bôgđanich ra khỏi phòng là ném gối vào đầu nhau cười khanh khách, ngay cả nỗi sợ Fedor Bôgđanich cũng không thể dẹp được niềm vui sống tràn trề và rờ rỡ đó… “Thế mà bây giò anh ấy chỉ còn cái lồng ngực rỗng và lép kia… còn mình, không hiểu rồi đây mình sẽ ra sao…”

– Khoạc! Khoạc! Ma bắt nó đi! Chú làm gì mà lục đục thế, sao không ngủ đi? – anh trai chàng kêu lên.

– Em cũng không biết nữa. Có lẽ là chứng mất ngủ.

– Tôi thì ngủ ngon lắm, tôi không đổ mồ hôi trộm nữa. Chú thử lại sờ vào áo sơ mi của tôi xem có ướt không?

Levin sờ vào sơ mi của anh, đi ra sau bình phong, tắt nến, nhưng còn thức hồi lâu. Chàng chưa giải quyết xong vấn đề cuộc sống của mình, thì một vấn đề mới mẻ, nan giải khác đã hiện ra trước mắt: cái chết.

“Phải, anh ấy sắp chết, anh ấy sẽ chết vào mùa xuân này. Mình phải làm cách nào để giúp anh ấy đây? Mình biết nói gì với anh ấy? Mình thì biết gì về chuyện đó nhỉ? Thậm chí, mình còn quên bẵng là trên đời có cái đó nữa.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.