Anna Karenina (Tập 1)

Phần 2 – Chương 02



4

Trong cả xã hội quý phái ở Peterburg, chỉ có một khối trong đó mọi nhưng đều quen biết nhau, người nọ đến thăm người kia. Nhưng khối này lại chia thành nhiều nhóm nhỏ. Anna Arcadievna Carenin liên hệ chặt chẽ với ba môi trường khác nhau. Một là môi trường quan chức của chồng, gồm các bạn đồng liêu và những người dưới quyền ông, họ đoàn kết hoặc cách biệt nhau do những điều kiện xã hội khác nhau và bất thường nhất. Anna chỉ còn mang máng nhớ cái cảm giác kính trọng, gần như tôn sùng của nàng đối với những nhân vật đó trong thời gian đầu. Bây giờ nàng hiểu rõ tất cả những người đó rồi, như người ta quen biết nhau trong huyện lị; nàng biết những nhược điểm, thói tật của họ, biết họ dễ chạm nọc ở chỗ nào nhất: nàng biết rõ quan hệ giữa người nọ với người kia và giữa bọn họ với điểm trung tâm chủ yếu; biết họ cần dựa vào đâu và bằng cách nào; biết những gì liên kết hoặc chia rẽ họ; nhưng giới đàn ông này, chỉ tranh luận toàn việc quốc gia đại sự, đối với nàng không có gì thú vị, và mặc những lời khẩn khoản của nữ bá tước Lidia, nàng đã trốn tránh giới này.

Giới thứ hai nàng năng lui tới là giới đã giúp Alecxei Alecxandrovitr tiến bước trên đường công danh. Trung tâm của nó là nữ bá tước Lidia Ivanovna. Đây là xã hội của các bà già mộ đạo, xấu xí và đức hạnh, của các ông nhiều tham vọng, thông minh và học thức. Một người thông minh trong giới này đã đặt tên cho nó là “lương tâm của xã hội Puskin.” Alecxei Alecxandrovitr rất thiết tha với nhóm này và Anna vốn rất khéo léo hòa mình với người chung quanh, đã có bạn thân trong số những người này vào thời gian đầu nàng ở Peterburg. Nhưng bây giờ, khi ở Moxcva về, nàng không chịu nổi nhóm này nữa. Nàng thấy hình như ở đó mọi người và trước hết là nàng, đều gò bó trong mọi cử chỉ và nàng buồn chán, khó chịu đến mức phải cố tìm cách bớt lui tới nữ bá tước Lidia Ivanovna càng thưa càng tốt. Giới thứ ba mà Anna giao thiệp mới đúng là giới thượng lưu thật sự: cái giới của các cuộc khiêu vũ, tiệc tùng, trưng diện, cái giới một tay bấu víu vào hoàng cung để khỏi rớt xuống giới nửa thượng lưu, mà họ cho là đáng khinh tuy nó có những sở thích không phải chỉ tương tự mà giống hệt với sở thích của giới thượng lưu chính cống. Nàng giao thiệp với giới này là do nữ bá tước Betxi, vợ người anh em họ của nàng, bà ta có mười hai vạn lợi tức và đặc biệt yêu mến Anna ngay khi nàng xuất hiện trong giới thượng lưu; bà vồ vập săn sóc, và lôi kéo nàng vào giới mình, bằng cách chế giễu nhóm của nữ bá tước Lidia Ivanovna.

– Khi nào già và xấu đi, tôi sẽ giống bà ta, – Betxi nói, – nhưng một người trẻ và đẹp như chị không nên giam mình vào cái nhà dưỡng lão ấy! – Hồi đầu, Anna hết sức tránh xa môi trường của quận chúa Tverxcaia, vì ở đó phải chi tiêu tốn kém quá khả năng của nàng, và trong thâm tâm, nàng ưa nhóm giao tế đầu tiên hơn. Nhưng sau chuyến đi Moxcva thì lại khác hẳn. Nàng bắt đầu lảng tránh các bạn bè đoan trang và đi lại với xã hội thượng lưu này. Ở đây, nàng gặp Vronxki và cảm thấy vừa vui vừa bối rối. Nàng hay gặp Vronxki nhất ở nhà quận chúa Tverxcaia, cũng thuộc họ Vronxki, và là chị em con chú bác với Alecxei Alecxandrovitr. Bất cứ chỗ nào có thể gặp được Anna là Vronxki đều có mặt và mỗi lần có dịp, chàng lại thổ lộ tình yêu với nàng. Nàng không bao giờ tạo cho chàng có cơ hội như thế, nhưng mỗi lần gặp chàng, tâm hồn nàng lại bừng cháy cái cảm giác dạt dào đã xâm chiếm nàng khi gặp chàng lần đầu trên xe lửa. Nàng cảm thấy hễ thoáng thấy chàng là niềm vui đã bừng lên trong khóe mắt, buộc đôi môi nàng phải mỉm cười và nàng không thể giấu giếm niềm vui đó được. Mới đầu, Anna thành thật tưởng mình không bằng lòng vì chàng cứ tự tiện theo đuổi; nhưng ít lâu sau khi ở Moxcva về, trong một dạ hội, mà nàng đoán sẽ gặp chàng nhưng chàng lại không đến, nàng thấy nỗi buồn tràn ngập trong lòng và nàng hiểu rằng mình đã tự dối lòng, rằng sự săn đón của Vronxki chẳng những không làm nàng khó chịu mà còn chứa đựng tất cả lẽ sống của nàng. Một nữ danh ca nổi tiếng biểu diễn đêm thứ hai và tất cả xã hội thượng lưu ở Peterburg đều đến nhà hát. Thoáng thấy bà chị họ, Vronxki không đợi đến lúc nghỉ, bỏ chỗ ghế hàng đầu của mình để tới gặp chị trong ghế “lô.”

– Thế nào, sao chú không đến ăn trưa? – bà hỏi. – Sự linh cảm minh mẫn của những người đang yêu thật kỳ diệu, – bà mỉm cười nói thêm, cốt để cho mình chàng nghe: – nàng cũng không đến nốt. Nhưng sau buổi biểu diễn chú đến nhé.

Vronxki nhìn chị, vẻ dò hỏi. Bà gật đầu. Chàng mỉm cười cảm ơn và ngồi xuống cạnh.

– À! Tôi còn nhớ những lời chế giễu của chú đấy! – quận chúa Betxi nói tiếp, bà đặc biệt thích thú theo dõi những tiến triển của mối tình say đắm này. – Đấy chú xem, nó đã dẫn chú tới đây! Chú bị sa lưới rồi, chú em thân mến ạ!

– Tôi chỉ mong có một điều là được sa lưới thôi, – Vronxki trả lời với nụ cười hiền lành điềm đạm. – Nói cho đúng, nếu tôi có phàn nàn điều gì, thì đó là chưa được sa lưới hoàn toàn thôi. Tôi bắt đầu thất vọng rồi.

– Chú còn hi vọng những gì? – Betxi nói, có vẻ như tức giận thay cho người bạn gái; – ta nên hiểu nhau, – nhưng đôi mắt bà sáng lên những ánh lửa nhỏ chứng tỏ bà hoàn toàn hiểu rõ như chàng, là chàng còn có thể hi vọng được những gì trong việc này.

– Không hi vọng gì nữa, – Vronxki cười nói, để lộ hàm răng đều đặn. – Xin lỗi, – chàng nói thêm và cầm lấy ống nhòm trong tay bà chị họ, nhìn qua vai trần của bà ta tới hàng ghế “lô” trước mặt. – Tôi sợ trở thành lố bịch mất. – Chàng thừa biết trước mắt Betxi và mọi người trong giới thượng lưu, chàng không sợ bị coi là lố bịch. Chàng thừa biết trước mắt những người này, vai trò theo đuổi một cô thiếu nữ và nói chung một người đàn bà chưa chồng mà bị cự tuyệt thì có thể bị coi là lố bịch; nhưng vai trò đi tán tỉnh một thiếu phụ có chồng, làm đủ mọi cách để xiêu lòng người ấy, vai trò đó có cái gì đẹp đẽ, cao cả và không bao giờ bị chế giễu, cho nên chàng hạ ống nhòm xuống và nhìn bà chị họ với nụ cười hãnh diện và vui vẻ, thấp thoáng dưới hàng ria.

– Tại sao chú không đến ăn trưa? – bà chị nhìn chàng, vẻ thán phục và hỏi.

– Tôi phải kể cho chị nghe mới được. Tôi có việc bận, bận gì chị biết không? Tôi đánh cược một ăn một trăm, một nghìn đấy… chị không thể nào đoán nổi đâu. Tôi đã hòa giải cho một người chồng với kẻ xúc phạm đến vợ ông ta! Thật đấy, đúng như tôi đang nói với chị đây.

– Thế chú đã thành công à?

– Gần thành công.

– Chú phải kể lại cho tôi nghe chuyện đó nhé, – bà đứng dậy và nói. – Lúc nghỉ sau, chú đến nhé.

– Tôi không đến được: tôi sang nhà hát Pháp đây.

– Sau khi nghe Ninxon hát mà còn sang đấy thì chịu sao được?

Betxi hoảng hốt hỏi, mặc dầu bà ta không bao giờ phân biệt được Ninxon với bất cứ ca sĩ nào.

– Biết làm thế nào được? Tôi đã hẹn ở đằng ấy để làm công việc hòa giải.

– Sung sướng thay những kẻ đi hòa giải, họ sẽ được Chúa cứu vớt! – Betxi nói, nhớ ra có người đã nói câu gì gần giống như thế: – thôi, ngồi xuống đây và kể cho tôi nghe đi. Việc gì thế? – Và bà lại ngồi xuống.

5

– Hơi vội đấy, nhưng chuyện hay đến nỗi tôi thèm kể chị nghe đến chết đi được, – Vronxki nhìn bà chị với đôi mắt tươi cười và nói. – Tôi sẽ không kể đích danh đâu.

– Nhưng tôi sẽ đoán ra, thế lại càng thú hơn…

– Chị nghe nhé: có hai chàng thanh niên rất vui nhộn…

– Chắc hẳn là các sĩ quan trong trung đoàn chú phải không?

– Tôi không nói đó là sĩ quan, mà chỉ là hai chàng thanh niên đã ăn uống no nê.

– Cứ nói thẳng là đã say sưa đi.

– Có thể như vậy. Họ đi đến ăn tại nhà một người bạn, trong lòng rất vui vẻ. Họ trông thấy một người đàn bà đẹp đi xe ngựa vượt qua trước mặt, nàng quay lại và vừa cười vừa gật đầu chào họ, hay ít nhất cũng là họ tưởng trông thấy như vậy. Họ ngạc nhiên thấy người đẹp đó lại dừng xe trước ngôi nhà họ đến. Nàng đi lên gác trên. Họ chỉ thấy được đôi môi tươi tắn dưới tấm mạng che và đôi chân nhỏ, xinh xắn.

– Chú kể chuyện đó với biết bao cảm xúc làm tôi tưởng chính chú là một trong hai thanh niên đó.

– Chị vừa nói gì mà lạ vậy? Vậy thì hai chàng thanh niên ấy lên nhà người bạn đã mời họ đến dự tiệc chia tay. Ở đó, có lẽ họ hơi quá chén, như thường xảy ra trong các tiệc chia tay. Trong bữa ăn, họ hỏi ai ở tầng gác trên cùng. Không ai biết cả, trừ người hầu của ông bạn kia, khi được hỏi ở trên có nhiều mamzelles(37) không, hắn trả lời là có nhiều lắm. Sau bữa ăn, hai chàng thanh niên vào phòng làm việc của chủ nhân và viết một bức thư cho người đàn bà chưa quen biết ấy: một bức thư say đắm, đầy những lời thề thốt. Họ đích thân mang thư lên gác để còn giãi bày thêm những điều có thể còn chưa rõ trong thư.

(37) Một biến dạng có tính chất bình dân của chữ mademoiselles nghĩa là các cô, các tiểu thư (tiếng Pháp trong nguyên bản).

– Sao chú lại kể cho tôi nghe những chuyện điếm nhục thế nhỉ? Rồi sao nữa?

– Họ giật chuông. Một cô hầu gái đi ra; họ đưa thư cho cô hầu và nói cả hai đều yêu say mê đến mức có thể chết ngay ở bậc cửa. Cô hầu ngạc nhiên, thương thuyết với họ. Bỗng nhiên, một ông có bộ râu má xoắn trôn ốc, nhô ra, mặt đỏ như tôm càng, bảo cho họ biết không có ai ngoài vợ ông ở trong phòng này và đuổi họ đi.

– Tại sao chú lại biết ông ấy có bộ râu má… chú nói thế nào nhỉ,xoắn trôn ốc à?

– Chị cứ nghe đã. Hôm nay, tôi đã đến để dàn hòa cho họ mà.

– Câu chuyện rồi sau thế nào?

– Đó là đoạn hay nhất đấy, cặp vợ chồng hạnh phúc đó là vợ chồng một ông cố vấn thực nhiệm và một bà cố vấn thực nhiệm(38). Ông cố vấn thực nhiệm đã đệ đơn kiện và tôi phải làm trung gian hòa giải; mà hòa giải rất cừ mới chết chứ! Tôi cam đoan với chị, Talâyrăng(39) so với tôi cũng chưa thấm vào đâu.

(38) Cố vấn thực nhiệm: phẩm hàm thứ 9 trong hệ thông ngôi thứ 14 bậc thời Nga hoàng, tương đương với đại uý ngạch 2 trong lục quân hoặc đại uý kỵ binh hoặc trung uý hải quân, tức là thấp nhất trong hàng quan chức dân sự.

(39) Talâyrăng, bộ trưởng ngoại giao Pháp dưới thời chấp chính hồi đầu cách mạng 1789 và thời kỳ đế chế – là nhà ngoại giao mưu trí, có nhiều thủ đoạn.

– Khó khăn ở chỗ nào?

– Chị cứ nghe đã… chúng tôi đã xin lỗi một cách đứng đắn là: “Chúng tôi rất lấy làm ân hận về việc này, chúng tôi xin ngài tha thứ cho về sự hiểu lầm tai hại này…” Ông cố vấn thực nhiệm có bộ râu má xoắn trôn ốc bắt đầu xuôi xuôi, ông ta cũng muốn phát biểu cảm nghĩ của mình nhưng vừa mới nói ông đã sôi máu lên và văng tục; tôi lại phải giở tài ngoại giao ra. “Tôi công nhận là cách cư xử của họ thật đáng trách nhưng xin ông hãy chú ý đến sự hiểu lầm, đến tuổi trẻ của họ; các cậu thanh niên ấy vừa chè chén xong, ông hiểu cho. Trong thâm tâm, họ hối hận lắm, và xin ông tha thứ cho lỗi lầm của họ.” Ông cố vấn thực nhiệm lại nguôi giận: “Tôi bằng lòng, bá tước ạ, tôi sẵn sàng tha thứ nhưng ngài nên hiểu rằng, vợ tôi, một người đàn bà đoan trang, lại phải chịu đựng những sự đeo đuổi, những sự thô bỉ và hỗn xược của bọn vô lại ấy, bọn khốn…” Thế nhưng bọn vô lại ấy cũng có mặt ở đó, tôi lại phải trấn an họ. Tôi phải sử dụng tất cả khóa ngoại giao; và đúng lúc sự việc sắp sửa chấm dứt thì ông cố vấn thực nhiệm lại nổi cơn lôi đình lần nữa, mặt đỏ tía tai, bộ râu má xoắn trôn ốc dựng đứng lên; tôi lại phải giở hết miệng lưỡi Tô Tần ra lần nữa.

– Chà! Em phải kể cho bà chị nghe chuyện này mới được? – nữ bá tước Betxi cười nói với một bà vừa bước vào khoang ghế “lô”. – Chú ấy làm tôi buồn cười quá. Thôi, may mắn nhé, – bà nói tiếp và chìa cho Vronxki một ngón tay không bận cầm quạt, rồi ngọ nguậy vai để ngăn cổ áo không co lên, cốt để vai, ngực hoàn toàn lộ trần ra cho hợp thời trang, khi bà ra ngồi xuống trước ghế lô của mình, dưới ánh đèn hơi, trước mắt mọi người. Vronxki đến nhà hát Pháp, ở đó chàng quả thực đang cần gặp viên chỉ huy trung đoàn, vốn không bỏ buổi biểu diễn nào, để bàn bạc về công việc dàn hòa đã làm chàng bận tâm và thích thú từ hai hôm nay. Dính líu đến việc này, có Pet’rixki và hoàng thân trẻ tuổi Cedrov, một thanh niên xinh trai, mới nhập ngũ vào trung đoàn. Nhất là còn cả danh tiếng của trung đoàn cũng bị đe dọa. Cả hai đều thuộc tiểu đoàn của Vronxki. Ông cố vấn thực nhiệm Venden đã tới tố cáo với viên chỉ huy của hai sĩ quan đã xúc phạm đến vợ ông. Người vợ trẻ của ông – Venden kể lại (ông mới cưới được sáu tháng) – đang ở nhà thờ với mẹ thì bỗng nhiên thấy nôn nao vì cô ta đang có thai, do đó không thể đứng lâu được và phải lên chiếc xe ngựa thuê đầu tiên gặp được để về nhà. Các viên sĩ quan liền đuổi theo ngay; cô ta hoảng sợ và thấy trong người mỗi lúc một khó chịu hơn, phải ba chân bốn cẳng chạy lên gác. Đích thân Venden ở công sở về, đã nghe thấy tiếng giật chuông và tiếng người nói; ông đi ra và thấy các sĩ quan đang say rượu mang thư đến, ông liền tống họ ra khỏi cửa.

– Không, anh muốn nói gì thì nói, – viên chỉ huy bảo Vronxki mà ông mời đến gặp, – Pet’rixki quá quắt lắm rồi. Không tuần lễ nào là không có chuyện xảy đến với anh ta. Viên quan kia không chịu để yên đâu. – Vronxki nhìn thấy tất cả cái phiền toái của sự việc và vì không có chuyện đấu súng trong trường hợp này, cho nên cần làm đủ mọi cách để xoa dịu ông cố vấn thực nhiệm và ỉm chuyện đi. Viên chỉ huy đã cho gọi Vronxki tới, chính vì ông coi chàng là người khôn ngoan, quan tâm đến danh dự của trung đoàn. Hai người bàn bạc một lúc và đã quyết định là Pet’rixki và Cedrov cùng đi với Vronxki đến xin lỗi ông cố vấn thực nhiệm. Viên chỉ huy và Vronxki, cả hai đều hiểu tên tuổi Vronxki và bộ lon sĩ quan cận vệ của chàng sẽ có tác dụng xoa dịu ông cố vấn thực nhiệm. Và thật vậy, cả hai phương pháp đó đã tỏ ra có phần hiệu nghiệm; nhưng theo Vronxki, kết quả vẫn chưa chắc chắn. Tới Nhà hát Pháp, Vronxki kéo viên chỉ huy ra phòng nghỉ và kể cho ông ta biết sự thành công hoặc đúng hơn là sự thất bại trong nhiệm vụ của chàng. Sau khi suy nghĩ, viên chỉ huy quyết định gác việc này lại; rồi cao hứng, ông hỏi Vronxki về những chi tiết cuộc gặp mặt và không nín được cười hồi lâu khi nghe chuyện chàng kể lại.

– Thật là chuyện bậy bạ nhưng đến chết cười được. Dù sao Cedrov cũng không thể đấu súng với vị đó được! Ông ta cáu đến thế kia à? – viên chỉ huy cười hỏi lại lần nữa. – Anh thấy Clerơ tối nay thế nào? Thật tuyệt! – ông nói, nhắc tới cô đào hát mới người Pháp. – Mình xem cô ta thường xuyên mà vẫn thấy mỗi ngày một đổi mới. Chỉ có người Pháp mới làm được như vậy.

6

Quận chúa Betxi không chờ đến hết hồi cuối đã rời nhà hát ra về. Bà ta vừa bước vào phòng thay quần áo, thoa phấn khuôn mặt dài tái nhợt, sửa lại áo và sai pha trà ở phòng khách lớn xong thì đoàn xe đã nối đuôi nhau đỗ trước tòa nhà rộng lớn của bà ở đại lộ Morxkaia. Các vị khách bước lên bậc thềm rộng và người gác cửa to béo, sáng sáng vẫn ngồi đọc báo sau cánh cửa kính cho khách qua đường chiêm ngưỡng, đã mở chiếc cửa đồ sộ đó ra êm như không, để các vị khách đi qua trước mặt. Nữ chủ nhân, đầu tóc và bộ mặt vừa trang điểm lại xong, cùng các vị khách, từ những cửa khác nhau, gần như cùng một lúc bước vào phòng khách lớn có tường màu sẫm và trải thảm êm, có chiếc bàn sáng rực, trên đó màu trắng khăn trải bàn, chất bạc chiếc ấm đun trà và chất sứ trong suốt bộ khay chén, lấp lánh dưới ngọn lửa nến.

Nữ chủ nhân ngồi xuống sau ấm đun trà và tháo găng tay. Bọn hầu phòng im lặng giúp khách kéo ghế ngồi tản ra, thành hai nhóm: một nhóm bên ấm trà cùng nữ chủ nhân và một nhóm ở đầu bên kia phòng khách vây quanh bà vợ một viên đại sứ, người xinh đẹp, mặc áo nhung, lông mày đen kẻ rõ nét. Ở cả hai chỗ, theo lệ thường, những phút đầu, câu chuyện còn rời rạc, ngắt quãng bởi những lời chào hỏi khách đến sau, mời mọc uống trà và hình như còn đang dò dẫm xem nên bàn hẳn về chuyện gì.

– Xét về mặt diễn xuất thì nàng thật kỳ diệu; rõ ràng là nàng đã nghiên cứu Conbatx(40), – một nhà ngoại giao trong nhóm bà vợ đại sứ nói: – các ngài có chú ý tới nàng đã ngã như thế nào không…

(40) Họa sĩ Đức (1805 – 1974)

– Ô, xin thôi đi, đừng nói đến Ninxon nữa! Bàn về cô ta thì chẳng thêm được gì mới lạ đâu, – một bà nói, người to béo, tóc hung, da dẻ hồng hào, không cả lông mày lẫn búi tóc, mặc áo lụa pha màu. Đó là quận chúa Miarcaia, nổi tiếng là thô thiển, nói năng sỗ sàng và được mệnh danh là đứa trẻ ghê gớm. Quận chúa Miarcaia ngồi giữa hai nhóm và lắng nghe, khi bắt chuyện với nhóm này, lúc với nhóm kia. Hôm nay, đã có ba người nói câu đó với tôi về Conbatx. Y như họ đã thông đồng trước với nhau rồi! Mà tôi cũng không hiểu sao câu đó lại có vẻ làm họ thú vị thế.

Câu chuyện bị cắt đứt vì ý kiến đó và lại phải tìm đề tài mới.

– Ông hãy kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện gì vui vui, nhưng không được thâm nhé, – bà vợ đại sứ nói, bà vốn lỗi lạc về khoa nói chuyện thanh lịch, tiếng Anh gọi là small talk – bà nói với nhà ngoại giao và chính ông ta cũng chưa biết mở đầu câu chuyện thế nào.

– Thế thì rất khó đấy, phải thâm thì mới tức cười được, – ông mỉm cười nói. – Nhưng tôi cũng gắng thử xem. Xin bà cứ cho tôi một đầu đề. Tất cả là ở đó. Khi đã có đầu đề rồi thì cũng dễ thêu dệt thêm vào thôi. Tôi thường tự nhủ những nhà kể chuyện trứ danh của thế kỉ trước giờ đây hẳn cũng sẽ rất lúng túng nếu phải nói chuyện cho dí dỏm. Tất cả cái gì thuộc về trí tuệ đều đã trở thành tẻ ngắt…

– Điều đó thì người ta nói từ lâu rồi, – bà vợ đại sứ cười, ngắt lời ông ta. Câu chuyện bắt đầu một cách dí dỏm; nhưng chính vì quá dí dỏm nên nó lại phải dừng lần nữa. Phải nhờ đến một phương pháp chắc chắn và không trệch đi đâu được: đó là nói xấu nhau.

– Ngài có thấy là Tuscievitr có vẻ giông giống Lui XV không? – ông ta nói, đưa mắt ra hiệu chỉ một chàng thanh niên đẹp trai tóc hung đứng gần bàn.

– Ồ, có! Anh ta cũng cùng kiểu với phòng khách này, vì thế anh ta mới luôn luôn tới đây.

Câu chuyện duy trì được, vì người ta nói bóng gió đúng vào cái chuyện không được phép nói trong phòng khách này: sự dan díu giữa Tuscievitr với nữ chủ nhân. Trong lúc đó, quanh ấm trà và quận chúa Betxi, câu chuyện sau khi cũng ngập ngừng như vậy giữa ba đầu đề không thể tránh được: tin tức trong ngày, chuyện sân khấu và dèm pha người chung quanh, đã dừng lại ở đầu đề cuối cùng đó, tức là nói xấu nhau.

– Các ngài có biết Mantiseva (bà mẹ, chứ không phải cô con gái đâu) vừa may bộ quần áo màu hồng lòe loẹt không?

– Không có lẽ? Nếu thế thì hay nhỉ!

– Tôi lấy làm lạ là người có đầu óc không đến nỗi ngu xuẩn như bà ta mà lại không thấy là lố bịch.

Mọi người đều buông lời dè bỉu và chế giễu cái bà Mantiseva đáng thương và câu chuyện bùng lên vui vẻ, như ngọn lửa bắt đầu cháy.

Ông chồng của quận chúa Betxi, một người to béo hiền lành, say mê sưu tầm tranh in, được biết vợ có khách, nên đã qua phòng khách trước khi đến câu lạc bộ. Ông khẽ bước trên tấm thảm dày, đến gần quận chúa Miarcaia.

– Bà thấy Ninxon thế nào? – ông hỏi bà.

– Ôi! Làm người ta sợ hết cả hồn! Tôi không nghe thấy ông đi tới, bà trả lời. – Tôi xin ông, đừng có nói chuyện Nhà hát ca kịch với tôi, ông không biết gì về âm nhạc cả. Thà tôi tự hạ mình xuống ngang trình độ ông và nói chuyện về tranh in và đồ sứ thời Phục hưng của ông còn hơn. Thế vừa đây, ông mới tìm ra được của báu nào ở cửa hàng đồ cũ đấy?

– Bà có muốn tôi đưa bà xem không? Nhưng bà có biết tí gì về những cái đó đâu.

– Ông cứ đưa đây xem. Tôi đã tập sự ở nhà những… gọi họ là gì nhỉ… những chủ nhân hàng… họ có những tranh in rất đẹp. Họ đã đưa cho chúng tôi xem.

– Thế nào, chị đã đến chơi nhà Sutdơbua rồi à? – nữ chủ nhân hỏi.

– Vâng, bà bạn ạ. Họ đã mời vợ chồng tôi đến ăn tiệc và người ta nói với tôi là một trong những món nước xốt của họ tốn mất một nghìn rúp, – quận chúa Miarcaia nói to, cảm thấy mọi người đang nghe mình; – thế nhưng cái món nước xốt đó thật lợm giọng; có cái gì xanh lè ấy. Tôi phải đáp lễ lại: tôi thết họ món nước xốt có tám mươi nhăm kôpêch, mà họ rất thú vị. Tôi không thể bỏ một nghìn rúp vào món nước xốt được.

– Chị ấy thật là độc nhất vô song! – Nữ chủ nhân nói.

– Kỳ diệu thật! – Một người nói thêm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.