Anna Karenina (Tập 1)

Phần 4 – Chương 04



9

Khi chủ về đến nhà, thì gần sáu giờ và đã có vài vị khách ở đó rồi. Ông ta bước vào cùng lúc với Xergei Ivanovitr Coznusev và Petxov, hai người này chạm trán nhau ở ngoài thềm. Như Oblonxki thường gọi, đó là hai đại diện quan trọng nhất của giới trí thứcMoxcva. Cả hai đều được kính nể, vì cả tính nết, lẫn trí tuệ. Họ tôn trọng nhau, nhưng hoàn toàn đối lập nhau trong hầu hết các lĩnh vực, không phải vì họ theo khuynh hướng đối lập nhau mà chính vì cùng đứng một phe (những đối thủ của họ đoàn kết họ lại) và trong phe đó, mỗi người đại diện cho một màu sắc khác nhau. Và bởi không gì dễ gây mâu thuẫn hơn là ý kiến bất đồng về những vấn đề bán trừu tượng, nên chẳng những họ không bao giờ nhất trí, mà từ lâu mỗi người đều quen thói châm biếm nhẹ nhàng những lầm lẫn không thể sửa chữa của người kia. Họ vừa bước qua ngưỡng cửa vừa nói chuyện thì Xtepan Arcaditr theo kịp. Trong phòng khách, lão quận công Alecxandr Dimitrievitr, bố vợ Oblonxki, công tử Serbatxki, Turôpxưn, Kitti và Carenin đã đủ mặt. Xtepan Arcaditr thấy ngay là phòng khách đang cần có mình. Daria Alecxandrovna mặc áo lễ phục bằng lụa xám, rõ ràng đang lo cho lũ con ăn riêng trong buồng và sốt ruột chưa thấy chồng về, nên không biết làm thế nào cho cuộc họp mặt đỡ rời rạc. Tất cả đều ngay đuỗn như những con gái giáo sĩ đến thăm nhà ai (theo lối nói của lão quận công), tựa hồ đang tự hỏi xem mình đến đây làm gì. Chuyện trò ỉu xìu. Anh chàng Turôpxưn trung thực có vẻ lạc lõng và đôi môi to dày mỉm cười, rõ ràng như muốn bảo Xtepan Arcaditr: “Này, người anh em, cậu mời mình đến với những người đứng đắn quá! Cứ làm một chén rượu rồi đến Lâu đài Hoa lại được việc cho mình hơn!” Lão quận công lặng thinh, đôi mắt nhỏ long lanh liếc nhìn Carenin và Xtepan Arcaditr hiểu ông cụ đã tìm được câu bông phèng nào đó để gán cho nhà chính khách mà người ta dọn ra thết làm “món chủ lực” như một món cá chiên vậy. Kitti vừa nhìn ra cửa, vừa tập trung hết nghị lực để khỏi đỏ mặt nhỡ khi thấy Levin bước vào. Công tử Serbatxki mà người ta quên không giới thiệu với Carenin, làm ra vẻ không hề vì thế mà ngượng nghịu. Carenin mặc đồ đen, đeo cà vạt trắng, theo lối Peterburg, và nhìn vẻ mặt, Xtepan Arcaditr hiểu ngay ông đến đây chỉ để giữ lời hứa và coi việc phải ngồi giữa đám người này là một sự bó buộc khổ sở. Sự có mặt của ông làm mọi người đâm lạnh lùng. Xtepan Arcaditr xin lỗi là đã bị một hoàng thân nào đó giữ lại, cái cớ ông vẫn dùng làm bung xung trong những trường hợp tương tự. Phút chốc, ông đã làm tiêu tan không khí lạnh lùng rồi lái Alecxei Alecxandrovitr và Xtêpan Coznưsev bàn về chuyện Nga hóa nước Ba Lan và lập tức Petxov cũng chen vào. Rồi ông thân ái vỗ vai Turôpxưn, rỉ tai một câu pha trò và xếp anh ta ngồi cạnh vợ và bố vợ. Ông bảo Kitti là bữa nay cô đẹp lắm và giới thiệu Serbatxki với Carenin. Trong vòng một phút, ông thu xếp cuộc họp mắt khéo léo đến nỗi loáng một cái phòng khách đã vang lên tiếng nói cười nhộn nhịp. Chỉ còn thiếu có Conxtantin Levin. Nhưng như thế mà lại tốt vì khi Xtepan Arcaditr đảo một vòng qua phòng ăn, ông hoảng hốt thấy rượu poóctô và rượu nho Xêret đã mua ở cửa hàng Đơprê chứ không phải cửa hàng Lơvê. Ông lập tức sai xà ích đến cửa hàng Lơvê và quay về phòng khách. Ông gặp Levin ở cửa phòng ăn.

– Tôi không đến chậm đấy chứ?

– Thì có bao giờ cậu đến đúng giờ đâu? – Xtepan Arcaditr khoác tay bạn nói.

– Anh mời nhiều khách lắm à? Có những ai thế? – Levin hỏi, bất giác đỏ mặt và lấy găng tay đập vào mũ lông để phủi tuyết.

– Toàn người nhà cả thôi. Kitti cũng ở đây. Lại đây, mình sẽ giớI thiệu cậu với Carenin.

Mặc dầu có khuynh hướng tự do chủ nghĩa, Xtepan Arcaditr vẫn hiểu rằng ai được giới thiệu với Carenin đều lấy làm thích thú, nên ông dành món chọn lọc ấy cho những bạn thân nhất của mình. Nhưng lúc này, Levin chẳng còn bụng dạ nào thưởng thức một vinh dự như vậy. Chàng chưa gặp lại Kitti kể từ cái ngày đáng ghi nhớ nàng thoáng hiện trước mắt chàng trên đường cái. Trong thâm tâm, chàng tin chắc sẽ gặp nàng chiều nay. Nhưng để giữ cho đầu óc được thảnh thơi, chàng cố tự thuyết phục rằng mình không hề biết điều đó. Khi biết có nàng ở đây, chàng bỗng cảm thấy một niềm vui mênh mông pha lẫn một nỗi sợ hãi ghê gớm đến nghẹn thở và không thể trả lời như ý muốn. “Nàng ra sao, ra sao nhỉ? Như xưa kia hay như khi ngồi trong xe ngựa? Và nếu quả Daria Alecxandrovna đã nói đúng? Tại sao lại không nhỉ?”, chàng nghĩ bụng.

– À, phải, xin anh giới thiệu tôi với Carenin, – chàng thốt ra một cách khó nhọc. Chàng bước qua bậc cửa phòng khách với cái nghị lực của sự tuyệt vọng và thấy Kitti.

Nàng không như xưa kia mà cũng chẳng như khi ngồi trong xe ngựa: nàng hoàn toàn khác hẳn.

Nàng hốt hoảng, rụt rè, bối rối và vì thế càng xinh đẹp hơn. Nàng thấy chàng đúng lúc chàng bước vào phòng khách. Nàng chờ đợi chàng. Niềm vui và nỗi bối rối xâm chiếm lòng nàng mãnh liệt đến nỗi, trong một giây nàng đã sợ phát khóc vì không tự chủ nổi khi chàng đến gần bà chủ nhà và ngoài lại một lần nữa nhìn nàng. Levin và Doli – bà này không để lọt mắt cái gì – đều thấy điều đó. Mặt Kitti đỏ dừ, tái nhợt rồi lại đỏ rừ trong khi đợi chàng đến, người lả đi, môi run rẩy. Chàng lại gần, nghiêng đầu chào và lặng lẽ chìa tay cho nàng bắt. Nếu môi nàng không ru nhè nhẹ và ánh mắt ươn ướt không sáng lên, thì nụ cười hẳn sẽ gần như bình thản khi nàng nói:

– Lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau! – và ngón tay nàng lạnh toát bóp chặt lấy tay chàng, vừa kiên quyết vừa tuyệt vọng.

– Cô không gặp tôi, nhưng tôi đã gặp cô rồi, – Levin nói với một nụ cười rạng rỡ. Tôi đã nhìn thấy cô lúc đi từ ga về Ergusovoi.

– Bao giờ? – nàng ngạc nhiên hỏi.

– Lúc cô đi về Ergusovoi, – Levin nói và cảm thấy hạnh phúc tràn ngập tâm hồn chàng nghẹn thở. “Tại sao mình lại dám gán một tình cảm không trong trắng cho con người dễ thương này? Phải, chắc chắn Daria Alecxandrovitr đã nói đúng”, chàng nghĩ bụng.

Xtepan Arcaditr nắm lấy cánh tay và dẫn chàng đến chỗ Carenin.

– Cho phép tôi được giới thiệu các ngài với nhau, – ông nói.

– Rất hân hạnh được gặp lại ngài, – Alecxei Alecxandrovitr bắt tay Levin, lạnh lùng nói.

– Các ngài quen nhau rồi ạ? – Xtepan Arcaditr ngạc nhiên hỏi.

– Chúng tôi đã cùng đi một toa xe lửa trong ba tiếng đồng hồ, – Levin mỉm cười nói. – Chúng tôi chia tay, lòng vẫn thắc mắc như sau một cuộc khiêu vũ trá hình… ít ra cũng về phía tôi.

– Nào, xin mời các vị, – Xtepan Arcaditr nói, vừa đi về phòng ăn. Các ông vào phòng ăn, đến cạnh bàn để đồ nguội đầu bữa, bày sáu thứ Rượu mạnh, chừng ấy loại phó mát với thìa bạc nhỏ hoặc không thìa, trứng cá, cá mòi sấy với các thứ đồ hộp và những đĩa đầy bánh mì Pháp cắt thành khoanh nhỏ phết bơ.

Các vị khách kề cà bên món Rượu và đồ nguội thơm phức; câu chuyện Nga hóa nước Ba Lan giữa Xergei Ivanovitr Coznusev với Carenin và Petxov uể oải dần trong khi chờ đợi bữa ăn chính. Xergei Ivanovitr, vốn có cái nghệ thuật vô song làm thay đổi tâm trạng người tiếp chuyện mình bằng cách đột ngột điểm một câu châm biếm tế nhị để kết thúc mọi câu chuyện trừu tượng và nghiêm túc nhất, lần này lại trổ tài ấy ra. Alecxei Alecxandrovitr cho việc Nga hóa nước Ba Lan chỉ có thể hoàn thành bằng những nguyên lý cao cả mà chính quyền Nga phải du nhập vào nước đó.

Petxov nhấn mạnh vào điểm một quốc gia chỉ có thể đồng hóa một quốc gia khác khi mật độ dân số của mình đông hơn.

Coznưsev thừa nhận cả hai ý kiến nhưng vẫn dè dặt. Khi họ rời phòng khách, Coznưsev mỉm cười nói để kết thúc cuộc tranh luận:

– Muốn Nga hóa những kẻ dị chủng, chỉ có một cách: sinh đẻ càng nhiều càng hay. Hai anh em tôi không đủ khả năng làm nhiệm vụ đó. Nhưng thưa quý ông, quý ông đã có vợ, và nhất là ông, Xtepan Arcaditr, quý ông đã hành động như những nhà ái quốc chân chính; ông có mấy cháu nhỉ? – ông hỏi, vừa ngoảnh về phía chủ nhân với nụ cười hòa nhã và chìa cho ông ta chiếc cốc nhỏ.

Mọi người cười vui vẻ, nhất là Xtepan Arcaditr.

– Phải, đó quả là phương sách hay nhất! – ông nói, vừa nhai phó mát vừa rót đầy rượu vôtka thơm nức vào chiếc cốc vị khách chìa cho ông. Câu đùa đã chấm dứt cuộc tranh luận.

– Món phó mát này không đến nỗi tồi. Ông xơi một miếng nhé? Cậu vẫn tập thể dục đều đấy chứ? – ông hỏi Levin và đưa tay trái nắn cánh tay bạn. Levin mỉm cười, co tay cho bắp thịt nổi lên và Xtepan Arcaditr cảm thấy dưới ngón tay mình, qua lần vải mịn áo đuôi tôm, một cục tròn rắn như thép.

– Bắp thịt rất rắn! Đúng là thần Xămxông!

– Theo tôi, phải có sức khỏe ghê gớm mới săn gấu được, – Alecxei Alecxandrovitr vừa nói vừa phết phó mát lên khoanh bánh mì ruột mịn như mạng nhện. Ông ta rất lơ mơ về chuyện đi săn.

Levin mỉm cười:

– Không phải thế đâu. Trái lại, một đứa bé cũng có thể giết được gấu, – chàng nói và né ra, khẽ chào các bà đang cùng nữ chủ nhân đến gần bàn đồ nguội.

– Nghe nói anh săn được con gấu phải không? – Kitti hỏi, xiên mãi không được một miếng nấm trơn tuột dưới chiếc dĩa và hất mép áo viền ren rủ xuống bàn tay trắng muốt. – Ở chỗ anh, có gấu thật đấy à? – nàng hỏi thêm, nghiêng nghiêng cái đầu duyên dáng về phía chàng và mỉm cười. Trong những lời đó, dường như chẳng có gì khác thường, nhưng mỗi âm sắc, mỗi cử động của đôi môi, cặp mắt, đôi bàn tay nàng, đối với chàng đều chứa đựng biết bao ý nghĩa! Chàng đọc thấy trong đó một lời cầu khẩn, sự bày tỏ niềm tin cậy, một cái vuốt ve âu yếm và rụt rè, một niềm hi vọng, một tình yêu không thể nghi ngờ mảy may, khiến chàng sung sướng đến nghẹn thở.

– Không, bọn tôi đi săn trong tỉnh Tve đấy. Khi trở về, tôi gặp anh rể cô, hay nói cho đúng là em rể của anh rể cô, – chàng mỉm cười nói. – Thật là một cuộc gặp gỡ tức cười. – Rồi chàng vui vẻ kể lại chuyện mình đã đánh chiếc áo lông cừu xộc vào buồng toa xe của Alecxei Alecxandrovitr sau một đêm không chợp mắt như thế nào.

– Trái với câu phương ngôn, người soát vé định đẩy tôi ra ngoài vì cách ăn mặc của tôi; nhưng tôi thuyết cho anh ta một hồi; cả ngài nữa, – chàng nói thêm, quay về phía Carenin mà chàng không nhớ đầy đủ họ tên, – mới đầu thấy chiếc áo lông cừu ngài cũng muốn mời tôi ra cửa nhưng sau đó, ngài đã can thiệp giúp và tôi rất lấy làm cảm ơn.

– Thật chẳng có quy định gì rõ ràng về quyền chọn chỗ ngồi của hành khách cả, – Alecxei Alecxandrovitr nói và lấy mùi soa lau đầu ngón tay.

– Lúc đó tôi thấy ngài có vẻ ngài ngại, – Levin nói, mỉm cười hiền hậu, – nên vội gợi một câu chuyện dí dỏm để ngài quên chiếc áo lông cừu đi. – Xergei Ivanovitr đang nói chuyện với bà chủ nhà, vẫn để một bên tai nghe xem chú em nói gì và liếc nhìn chàng. “Hôm nay nó làm sao vậy? Nó có vẻ đắc thắng tợn”, ông thầm nghĩ. Ông không biết Levin đang cảm thấy mình như mọc cánh. Levin biết nàng đang lắng nghe và vui thích được nghe mình nói. Đó là điều duy nhất làm bận tâm chàng. Không phải chỉ riêng gian phòng này, mà trên toàn thế giới, lúc này, chỉ có chàng và nàng thôi. Trước con mắt của chính mình, chàng đã trở nên quan trọng ghê gớm; chàng đang chót vót trên đỉnh, trong khi mãi tít dưới kia, đang lăng xăng những Carenin, những Oblonxki trung thực, ưu tú cùng tất cả thế gian.

Rất ý tứ, không hề nhìn họ, Xtepan Arcaditr xếp Levin và Kitti ngồi cạnh nhau, như thể không còn chỗ nào khác nữa.

– Này, cậu ngồi vào kia vậy, – ông bảo Levin. Bữa ăn cũng thanh lịch như bát đĩa (Xtepan Arcaditr rất chú ý đến chi tiết này). Món xúp Mari Luydơ ngon tuyệt và những miếng thịt băm nhỏ xíu bỏ vào miệng là tan, thật không chê vào đâu được. Hai gã hầu phòng và Matvây, thắt cà vạt trắng, bưng thức ăn và rượu vang, lẹ làng khéo léo, không tiếng động. Về mặt vật chất, như vậy là bữa ăn đã đạt; về những mặt khác cũng thành công không kém. Chuyện trò không hề ỉu đi, lúc thu hút tất cả, khi xé lẻ từng nhóm riêng và đến cuối bữa thì trở nên sôi nổi đến nỗi các ông đã đứng dậy khỏi bàn ăn rồi mà vẫn chưa thôi tranh luận; cả Alecxei Alecxandrovitr cũng mất hết vẻ lạnh lùng.

10

Petxov vốn ưa bàn vấn đề gì thì phải bàn đến nơi đến chốn và ông càng không thỏa mãn về kết luận của Xergei Ivanovitr vì thấy quan điểm của mình có phần đuối lý.

– Khi nói đến mật độ dân số, tôi không bao giờ hiểu vỏn vẹn có thế mà phải kết hợp với cơ sở chứ không phải trên nguyên tắc, – ông quay về phía Alecxei Alecxandrovitr nói, sau khi ăn món xúp rau.

– Tôi thấy tất cả những cái đó chỉ là một thôi; – Alecxei Alecxandrovitr chậm rãi đáp. – Theo ý tôi, một dân tộc chỉ tác động được đến một dân tộc khác, khi có nền văn minh tiên tiến hơn, khi…

– Vấn đề chính là ở chỗ đó, – Petxov ngắt lời, giọng trầm trầm (ông bao giờ cũng nói hấp tấp và lúc đó như dốc hết tâm trí vào lời nói), thế nào là văn minh tiên tiến hơn? Giữa người Anh, người Pháp, người Đức, người nào ở một trình độ văn minh tiên tiến hơn? Ai sẽ đồng hóa ai? Sông Ranh đã trở thành của nước Pháp, nhưng người Đức không vì thế mà thấp kém đi, – ông ta cất cao giọng. – Ở đây, có quy luật khác.

– Tôi nghĩ cán cân bao giờ cũng nghiêng về phía nền văn hóa chân chính, – Alecxei Alecxandrovitr cau mày nói.

– Nhưng thế nào là dấu hiệu của nền văn hóa chân chính? – Petxov nói.

– Tôi thấy hình như điều đó mọi người đều biết cả rồi, – Alecxei Alecxandrovitr nói.

– Liệu mọi người có biết rõ điều đó đến thế không? – Xergei Ivanovitr xen vào với một nụ cười ranh mãnh. – Hiện nay người ta thừa nhận nền văn hóa đó dựa trên giáo dục kinh điển, tuy nhiên, chúng ta vẫn dự nhiều cuộc tranh luận gắt gao về vấn đề này và không thể phủ nhận phe đối lập đã sử dụng những lý lẽ rất vững vàng.

– Ông đứng về phe cổ điển ư, Xergei Ivanovitr? Mời ông xơi rượu Buorgonh nhé! – Xtepan Arcaditr nói.

– Đây, tôi không phát biểu ý kiến cá nhân, – Xergei Ivanovitr cười độ lượng, như đang nói với một đứa trẻ và chìa cốc của mình ra; – tôi chỉ nói mỗi bên đều có lý lẽ sắc bén, – ông nói tiếp với Alecxei Alecxandrovitr. – Tôi vốn là cổ điển do học vấn của tôi, nhưng trong cuộc tranh luận này, tôi không thể có quan điểm dứt khoát. Tôi không hiểu tại sao người ta lại dànhưu tiên cho giáo dục kinh điển hơn là giáo dục kĩ thuật.

– Khoa học tự nhiên cũng giúp cho trí tuệ con người phát triển không kém, – Petxov đáp lại. – Các ông hãy coi thử khoa thiên văn học, thực vật học, động vật học với hệ thống quy luật tổng quát của nó xem.

– Tôi không thể hoàn toàn đồng ý như thế được, – Alecxei Alecxandrovitr trả lời. – Tôi thấy người ta không thể chối cãi rằng ngay việc nghiên cứu những ngôn ngữ cổ xưa cũng có tác dụng lành mạnh đối với sự phát triển trí tuệ. Ngoài ra, ảnh hưởng của các nhà văn cổ điển có giá trị tột độ về mặt tinh thần, trong khi đó, khốn thay, người ta cứ gắn vao việc giáo dục khoa học tự nhiên những học thuyết nguy hại và dối trá, nó là tai họa cho thời đại chúng ta. – Xergei Ivanovitr định đáp lại nhưng Petxov đã ngắt lời bằng cái giọng trầm của mình. Ông hăng hái chứng minh lời quyết đoán như vậy là bất công. Xergei Ivanovitr bình tĩnh chờ lượt mình: rõ ràng ông đã chuẩn bị sẵn câu phản đối.

– Thế nhưng, – Xergei Ivanovitr quay về phía Carenin nói với một nụ cười ranh mãnh, – ngài phải thừa nhận thật khó lòng cân nhắc đầy đủ tất cả cái lợi, cái hại của mỗi cách đào tạo. Vấn đề phân biệt hơn thua hẳn sẽ không thể giải quyết dứt khoát nếu giáo dục kinh điển không có cái lợi là… ta hãy nói trắng ra; là chống chủ nghĩa hư vô.

– Đúng thế.

– Nếu không có cái lợi đó, chắc ta sẽ suy nghĩ kĩ hơn, ta sẽ cân nhắc hơn thiệt và để cho cả hai khuynh hướng đua nở. Nhưng bây giờ, ta biết những viên thuốc văn hóa kinh điển ấy có chứa đựng đức tính cứu tinh là chống chủ nghĩa hư vô và ta mạnh dạn kê đơn ấy cho những con bệnh của ta… Thế nhỡ nó không hề có khả năng chữa lành bệnh thì sao? – ông kết luận bằng một câu bông lơn quen thuộc của mình.

Câu nói làm mọi người cười rộ, nhất là Turôpxưn đang ngóng đợi mãi một câu khôi hài làm cho cuộc tranh luận vui nhộn lên.

Xtepan Arcaditr quả không lầm khi mời Petxov. Có ông ta, câu chuyện không lúc nào ỉu đi. Xergei Ivanovitr vừa kết thúc cuộc bàn cãi bằng câu đùa thì Petxov đã lao ngay sang đầu đề khác.

– Thậm chí, cũng không thể cả quyết rằng chính phủ tự đề ra mục đích đó, – ông nói. – Rõ ràng chính phủ đã làm theo những nhận định khái quát và không đếm xỉa đến những ảnh hưởng do những biện pháp đã thi hành có thể gây nên. Chẳng hạn, vấn đề giáo dục phụ nữ đáng lẽ phải coi như chuyện phá hoại, vậy mà chính phủ lại đi mở lớp và trường Đại học cho phụ nữ.

Lập tức câu chuyện lại xoay quanh vấn đề mới này.

Alecxei Alecxandrovitr phát biểu ý kiến là người ta thường lẫn lộn vấn đề giáo dục phụ nữ với vấn đề giải phóng phụ nữ và chỉ có nhận định theo ý nghĩa đó, mới có thể coi nói là nguy hại.

– Trái lại, tôi cho rằng hai vấn đề đó gắn liền với nhau, – Petxov nói, đó là cái vòng luẩn quẩn. Người phụ nữ bị mất hết quyền lợi vì không có học thức đầy đủ và sự thiếu học đó xuất phát từ chỗ không có quyền lợi. Không nên quên rằng sự nô dịch đàn bà thật là toàn diện và lâu đời đến nỗi, nhiều lúc, ta thườngưng nhắm mắt làm ngơ trước cái vực thẳm ngăn cách họ với chúng ta, – ông nói.

– Ông nói đến quyền lợi, – Xergei Ivanovitr đợi Petxov im lặng rồi mới nói: – có phải đó là quyền đảm nhiệm chức trách bồi thẩm, ủy viên hội đồng thành phố, chánh án, nhân viên văn phòng, nghị sĩ chăng?

– Tất nhiên.

– Nhưng nếu cá biệt, có những phụ nữ giữ những trọng trách đó, tôi thấy ông dùng lầm cái tiếng “quyền lợi” rồi đó. Đúng ra thì phải nói là: nghĩa vụ. Tất cả các ngài hẳn sẽ đồng ý là khi đảm nhiệm chức trách nào đó, dù là chức trách bồi thẩm, ủy viên hội đồng hay nhân viên bưu điện, người ta đều có ý thức là mình đang nói người phụ nữ đi tìm nghĩa vụ: cái đó hoàn toàn hợp pháp. Ta chỉ có thể có một thái độ: tỏ thiện cảm với lòng mong muốn cộng tác với công việc của nam giới ấy.

– Hoàn toàn đúng, – Alecxei Alecxandrovitr tán thành. – Tôi nghĩ vấn đề rút lại là tìm hiểu xem họ có khả năng làm tròn những nghĩa vụ đó không.

– Nhất định là họ có thừa khả năng, – Xergei Ivanovitr nói xen vào, – khi việc giáo dục được mở rộng trong phụ nữ. Ta thấy đó…

– Còn câu tục ngữ thì sao? – lão quận công từ nãy vẫn lắng nghe, đôi mắt nhỏ long lanh giễu cợt, lúc này mới nói. – Tôi có thể đọc câu đó trước mặt các con gái tôi: “Đàn bà có mớ tóc dài…”

– Người ta cũng nghĩ về người da đen như vậy trước khi giải phóng họ, – Petxov nói, vẻ không bằng lòng.

– Có điều tôi thấy kỳ lạ là phụ nữ cứ đi chuốc lấy trách nhiệm mới, – Xergei Ivanovitr nói, – trong khi, khốn thay, ta thấy đàn ông lại thường hay trốn tránh.

– Những nghĩa vụ đó gắn liền với quyền lợi: uy quyền, tiền tài, danh vọng: chính đó mới là cái người phụ nữ tìm kiếm, – Petxov nói.

– Khác nào tôi đòi được quyền làm vú nuôi và bất bình khi thấy những phụ nữ khác được thuê làm việc đó còn mình thì bị loại, – lão quận công nói. Turôpxưn phá lên cười giòn tan và Xergei Ivanovitr thì tiếc mình không phải là tác giả câu nói đùa ấy. Cả Alecxei Alecxandrovitr cũng phải mỉm cười.

– Đúng, nhưng một người đàn ông không thể cho trẻ bú được. – Petxov nói, – còn đàn bà…

– Có chứ, người ta kể rằng trên một chuyến tàu thủy, có một gã người Anh nuôi con thơ đấy, – lão quận công nói, tự cho phép mình ăn nói phóng túng đôi chút trước mặt các con gái.

– Có bao nhiêu đàn ông người Anh làm vú nuôi thì có bấy nhiêu đàn bà làm quan, – lần này là Xergei Ivanovitr nói.

– Nhưng một cô gái không có gia đình thì có thể làm gì được? – Xtepan Arcaditr xen vào, nghĩ tới nàng Tsibixôva mà ông không chút nào không nhớ tới trong khi ủng hộ ý kiến của Petxov.

– Nếu anh quan sát cẩn thận cuộc đời một cô gái thuộc loại ấy, anh sẽ thấy cô ta đã từng bỏ một gia đình, gia đình cô ta hoặc gia đình chị gái, ở đó đáng lẽ cô ta có thể giữ vai trò đàn bà của mình được, – Daria Alecxandrovna bất thần nói xen vào một cách bực tức. Hẳn bà đã đoán Xtêpan đang nghĩ đến loại thiếu nữ nào.

– Nhưng chúng tôi bảo vệ một nguyên lý, một lý tưởng kia mà! – Petxov nói tiếp, giọng sang sảng. – Người phụ nữ muốn có quyền được độc lập và có học. Họ bị ràng buộc, xót xa ê chề vì biết mình bất lực.

– Tôi thì tôi lấy làm xót xa ê chề vì không được nhận làm vú nuôi ở dục anh đường, – lão quận công nhắc lại, làm Turôpxưn thích quá, đánh rơi cả đầu mẩu to măng tây xuống đĩa nước mắm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.