Anna Karenina (Tập 1)

Phần 2 – Chương 12



30

Thành phố nhỏ ở suối nước khoáng ở Đức mà gia đình nhà Serbatxki đến nghỉ cũng giống mọi nơi đô hội khác: ở đây cũng hình thành một sự kết tinh của xã hội, quy định cho mỗi người một vị trí nhất định và không thay đổi. Như giọt nước gặp lạnh tất đông lại thành tinh thể tuyết rõ hình, những người mà đến đây tắm suối cũng được sắp xếp luôn theo ngôi thứ phù hợp. Quận công Serbatxki cùng vợ và con gái, do căn phòng họ ở, do tên tuổi và giới giao du của họ, lập tức được mời đúng vào vị trí dành cho họ. Năm ấy, ở suối nước khoáng, còn có một quận chúa người Đức chính cống, một sự kiện góp phần làm cho sự kết tinh xã hội ở đây càng thêm triệt để. Quận công phu nhân Serbatxki nằng nặc muốn giới thiệu con gái mình với bà kia và ngay sau hôm họ vừa đến, lễ ra mắt đã được tiến hành. Kitti mặc chiếc áo mùa hè “hết sức giản dị”, nghĩa là rất sang trọng, đặt may tận Pari, đã cúi chào kính cẩn và duyên dáng. Bà quận chúa nói: “Tôi mong hoa hồng sẽ sớm nở lại trên khuôn mặt xinh xắn đáng yêu này” và thế là gia đình Serbatxki cứ theo vết bánh xe đó không sao thoát ra được nữa. Họ làm quen với một gia đình người Anh, với một nữ bá tước người Đức cùng con trai bị thương trong cuộc chiến tranh vừa qua, với một nhà bác học người Thụy Điển, với ông Canuyt và em gái ông ta. Nhưng gia đình Serbatxki năng lui tới nhất một bà người Moxcva, bà Maria Epghêniepna Rtisep cùng con gái (mà Kitti không ưa vì cô này cũng bị ốm vì thất tình như cô) và một đại tá người Moxcva mà từ hồi nhỏ, Kitti đã thấy ông mặc quân phục có ngù vai, và ở đây, với đôi mắt ti hí và cái cổ hở thắt ca vát màu, trông ông hết sức lố bịch và chán phèo vì cái thói cứ bám nhằng nhẵng lấy người ta. Khi mọi thứ đã đâu vào đấy rồi, Kitti lại càng buồn chán vì quận công đi Kaclơxbat và cô phải ở lại một mình với mẹ. Cô không quan tâm đến những người quen biết, vì thấy không còn tìm được ở họ cái gì mới mẻ. Công việc trí óc chủ yếu của cô là quan sát những người không quen và phỏng đoán về họ. Do bản tính, Kitti bao giờ cũng gán cho người khác, nhất là người không quen, những đức tính tốt đẹp nhất. Bây giờ cũng vậy, khi dựng lên những giả thiết về quan hệ giữa người này với người kia và về tính tình họ, cô hình dung ra những tâm hồn cao thượng, và tìm lí lẽ xác minh điều mình nhận xét. Trong bọn, có một người khiến cô chú ý nhất là một thiếu nữ cùng đến với một bà người Nga mà mọi người gọi là bà Stan. Bà này thuộc tầng lớp thượng lưu bậc nhất, nhưng ốm yếu đến nỗi không bước đi nổi và họa hoằn gặp ngày đẹp trời lắm, bà ta mới ngồi chiếc xe nhỏ đi ra ngoài. Bà không đi lại với người Nga và phu nhân quả quyết đó chủ yếu là vì bà ta kiêu kỳ chứ không phải vì ốm. Cô gái chăm sóc bà Stan và ngoài ra, Kitti còn thấy cô ta hay lại gần tất cả những người ốm nặng, vốn rất đông ở suối nước này, và chăm sóc họ rất tự nhiên. Theo Kitti nhận xét, cô gái này không có họ hàng gì với bà Stan, và cũng không phải là hộ lí ăn lương. Bà Stan gọi cô ta là Varenca và mọi người thì gọi là “tiểu thư Varenca.” Ngoài cái thú tìm hiểu quan hệ giữa cô gái với bà Stan và với những người khác mà cô không quen, Kitti – chuyện đời vẫn thế – còn có một mối thiện cảm không cắt nghĩa được với tiểu thư Varenca và qua cái nhìn trao đổi với nhau, cô cảm thấy cô gái cũng mến mình. Tiểu thư Varenca không còn trẻ măng, nhưng có thể nói cô ta thuộc loại người không có tuổi; có thể đoán cô ấy mười chín hay ba mươi tuổi cũng được. Nhìn kĩ nét mặt thì mặc dầu xanh xao ốm yếu, người ta vẫn thấy cô xinh đẹp chứ không xấu. Thân hình cô đáng lẽ rất đẹp nếu không gầy quá và cái đầu không mất cân đối với vóc dáng tầm thước, nhưng chắc cô chẳng hấp dẫn gì với nam giới. Cô giống bông hoa đẹp còn nguyên cánh nhưng tàn rồi và không hương. Hơn nữa, để làm đẹp lòng nam giới, cô còn thiếu cái chất tràn đầy ở Kitti: sinh lực dào dạt phải nén bớt lại và ý thức về sức quyến rũ của mình. Cô ta lúc nào cũng như mải mê vào những nhiệm vụ nghiêm túc và do đó, hình như không thể bận tâm vào chuyện gì khác. Chính sự trái ngược này với Kitti đã hấp dẫn cô nhiều nhất. Cô cảm thấy có thể thấy trong cuộc đời cô gái này một mẫu mực mà cô đang chịu bao đau khổ để tìm bằng được: những quan tâm, một nhân cách khác hẳn những quan hệ đàng điếm giữa thanh niên nam nữ bây giờ, nó đã làm cô rất bất bình và có cảm tưởng mình chỉ là món hàng trưng bày nhục nhã để đợi khách mua. Càng nhận xét người bạn không quen biết này, Kitti càng đinh ninh cô gái ấy chính là con người hoàn thiện cô vẫn hình dung và càng mong muốn được làm quen. Ngày nào hai cô cũng gặp nhau nhiều lần, và mỗi lần, mắt Kitti đều như nói: “Cô là ai? cô là người thế nào? Có thật cô đúng là con người đáng yêu tôi hằng tưởng tượng không? Nhưng lạy Chúa, cô đừng tưởng tôi sẽ chạy đến quỳ dưới chân cô, cái nhìn như nói thêm. Tôi phục cô, thế thôi, và tôi yêu cô” “Tôi cũng thế, tôi yêu cô, và cô thật đáng yêu, rất đáng yêu. Và tôi còn yêu cô hơn nhiều nếu tôi có thời giờ”, cái nhìn của cô gái không quen đáp lại. Và quả thật, Kitti thấy cô ta bao giờ cũng bận: hoặc đưa bọn trẻ một gia đình người Nga từ chỗ tắm về, hoặc đem chăn phủ chân cho một nữ bệnh nhân và đắp chân cho bà ta, hoặc cố làm nguôi một bệnh nhân cáu kỉnh, hoặc giả nữa, đi chọn và mua báng ngọt cho một bện nhân ăn lót dạ. ít lâu sau khi gia đình Serbatxki đến đây, cứ vào giờ điều trị buổi sáng, lại xuất hiện hai nhân vật khiến ai nấy đều phải chú ý nhưng không có thiện cảm gì. Một người rất cao lớn lưng hơi gù, hai bàn tay to tướng, mặc áo bành tô cũ quá ngắn và cặp mắt đen trông vừa ngây ngô vừa đáng sợ, và một người đàn bà cũng dễ coi, hơi rỗ hoa, nhưng ăn mặc xoàng xĩnh và quê kệch. Nhận ra họ là người Nga, Kitti liền bắt đầu tưởng tượng ra một câu chuyện diệu kỳ và cảm động về họ. Nhưng phu nhân, sau khi được nữ y tá cho biết đó là Nicolai Levin và Maria Nicôlaiepna bèn bảo cho Kitti biết gã Levin này là một người hết sức tồi tệ và thế là bao nhiêu mộng đẹp xây quanh cặp uyên ương biến mất. Chẳng phải chỉ vì mẹ nói, mà còn vì đó là anh trai Levin nữa, nên Kitti bỗng thấy họ khả ố. Gã Levin này, với thói quen ngoẹo cổ đột ngột, giờ đây gây cho cô nỗi kinh tởm không sao dẹp nổi.

Cô tưởng như thấy một vẻ căm thù nhạo báng trong cặp mắt to dữ tợn của hắn một mực dõi theo cô hoài và cô tránh gặp hắn.

31

Hôm ấy trời xấu; mưa tầm tã suốt sáng, và bệnh nhân cầm ô đứng tụ tập trong hành lang.

Kitti đi với mẹ và ông đại tá người Moxcva diện chiếc áo vét tông kiểu Âu may sẵn vừa mới mua ở Frăngfua. Họ đi men theo một bên hành lang, cố tránh gặp Levin đang đi đi lại lại ở phía bên kia. Varenca mặc áo dài sẫm, đầu đội mũ cụp vành, đang đi bách bộ dọc hành lang cạnh một phụ nữ mù người Pháp, và mỗi lần gặp Kitti, hai cô lại nhìn nhau thân thiện.

– Mẹ ơi, con nói chuyện với cô ấy được không? – Kitti hỏi và nhìn cô bạn chưa quen đó, thấy cô ta đã tới gần suối nước và hai người có thể gặp nhau ở đấy.

– Con đã thích nói chuyện với cô ấy như thế nào thì cũng được, để mẹ hỏi thêm về cô ta và mẹ sẽ đích thân đến gặp cô ta, – bà mẹ đáp. – Con thấy cô ấy có gì đặc biệt? Chắc cô ta là một tùy nữ. Nếu con muốn thì mẹ sẽ làm quen với bà Stan. Trước kia, mẹ có quen chị dâu bà ta, – phu nhân nói thêm và ngẩng cao đầu kiêu hãnh. Kitti biết mẹ tự ái vì xem vẻ bà Stan tránh không muốn làm quen với mình. Cô không năn nỉ nữa.

– Cô ấy đáng yêu thật! – cô nói khi thấy Varenca đưa cho bà người Pháp cốc nước. – Mẹ xem, việc gì cô làm cũng rất giản dị và dễ thương.

– Con làm mẹ chết cười vì những cái ham mê của con. Thôi, ta lánh ra thì tốt hơn, – bà nói khi thấy Levin cùng vợ và một bác sĩ người Đức đi tới, anh ta đang to tiếng với bác sĩ, giọng tức tối. Họ vừa quay lại thì nghe thấy, không phải là giọng trò chuyện nữa, mà là tiếng quát tháo. Levin đứng lại, thét lên và đến lượt ông bác sĩ cũng nổi nóng. Có mấy người xúm quanh họ. Phu nhân và không vội lánh đi, còn ông đại tá liền nhập vào đám đông để xem đã xảy ra chuyện gì.

Mấy phút sau, ông đại tá đuổi kịp hai mẹ con.

– Có chuyện gì thế? – phu nhân hỏi.

– Thật là sỉ nhục và khả ố! – ông đại tá đáp. – Không có gì khó chịu hơn là phải gặp người Nga ở nước ngoài. Cái tay cao lớn kia cãi lộn với bác sĩ, nói bậy nói bạ, trách bác sĩ không chăm sóc cẩn thận, và còn vung gậy lên. Thật là sỉ nhục, không hơn không kém.

– Chao! Thật là bực mình! – phu nhân nói. – Thế rồi câu chuyện ra sao?

– Cũng may lúc bấy giờ… cái cô đội mũ hình nấm ấy xen vào can thiệp. Hình như là phụ nữ Nga thì phải, – ông đại tá nói.

– Tiểu thư Varenca phải không? – Kitti hỏi, vô cùng vui sướng.

– Ừ phải đấy. Cô ta là người đầu tiên đứng ra nắm lấy cánh tay hắn và lôi đi.

– Mẹ thấy chưa, mẹ! – Kitti bảo mẹ. – Thế mà mẹ lấy làm lạ khi thấy con nhiệt tình với cô ấy như vậy.

Hôm sau, khi chăm chú theo dõi cô bạn không quen, Kitti thấy tiểu thư Varenca vẫn đối xử với vợ chồng Levin hệt như với những người khác được cô bảo trợ. Cô tìm đến chuyện trò với họ, làm phiên dịch cho người vợ vốn không biết thứ tiếng ngoại quốc nào. Kitti càng khẩn khoản xin phép mẹ được làm quen với Varenca. Tuy khó chịu vì phải cầu thân với bà Stan trong lúc bà này vẫn lên mặt, phu nhân vẫn dò hỏi về Varenca, và những chi tiết được cung cấp khiến phu nhân có thể kết luận rằng không có gì hổ thẹn, nếu không phải là rất đáng hãnh diện, trong việc giao du với cô gái, thế là bà bắt đầu làm quen trước. Chọn lúc con gái đang ở ngoài suối và Varenca còn đứng lại trước hiệu bánh, phu nhân đến gặp cô ta.

– Cho phép tôi được giới thiệu, – bà nói với một nụ cười trang trọng. – Con gái tôi mê mẩn vì cô. Có lẽ cô không biết tôi là ai. Tôi…

– Thưa phu nhân, về phần cháu, cháu còn mê tiểu thư hơn nữa kia ạ, – Varenca nhanh nhảu đáp.

– Hôm qua, cô đã làm một nghĩa cử lớn với người đồng hương khốn khổ của chúng ta, – phu nhân nói. Varenaka đỏ mặt.

– Cháu cũng không nhớ nữa; hình như cháu không làm được gì cả, – cô nói.

– Có đấy chứ, cô đã giúp ông Levin ấy tránh khỏi rầy rà.

– À, có thế ạ! Bà vợ ông ta gọi cháu và cháu đã cố làm ông ta nguôi giận: ông ấy ốm quá và bất mãn với bác sĩ. Cháu quen chăm nom loại bệnh nhân như vậy rồi.

– Tôi nghe nói cô ở Mentôn với dì cô là bà Stan. Tôi quen chị dâubà ta.

– Không phải dì cháu đâu ạ. Cháu gọi bà là mẹ nhưng cháu không có họ với bà, bà ấy đã nuôi cháu, – Varenca đáp và lại đỏ mặt.

Cô ta nói điều đó rất giản dị, vẻ mặt cởi mở và chân thật một cách duyên dáng đến nỗi phu nhân chợt hiểu tại sao Kitti lại yêu thích cô Varenca này.

– Cái ông Levin ấy định sẽ làm gì? – phu nhân hỏi.

– Ông ấy sắp đi rồi, – Varenca đáp. Vừa lúc ấy, Kitti ở ngoài suối về. Thấy mẹ đã bắt chuyện với cô bạn không quen, mặt cô rạng rỡ lên.

– Này, Kitti con vẫn tha thiết muốn được biết tiểu thư…

– Varenca, – cô gái nhắc bà; – mọi người đều gọi cháu như vậy. – Kitti, mặt đỏ bừng sung sướng, lặng lẽ siết chặt hồi lâu bàn tay người bạn mới và cô này để yên tay mình không bóp trả lại. Nhưng mặt tiểu thư Varenca sáng lên một nụ cười hiền dịu, vui tươi tuy hơi rầu rầu, để lộ hàm răng to nhưng đẹp.

– Chính tôi cũng muốn có quan hệ thế này từ lâu rồi, – cô ta nói.

– Nhưng chị bận quá…

– Ồ, trái lại, tôi chả có việc gì làm cả, – Varenca nói; nhưng ngay lúc đó, cô phải chia tay các bạn mới của mình, vì có hai cô bé người Nga, con một bệnh nhân, chạy tới.

– Cô Varenca ơi, mẹ gọi! – chúng kêu lên.

Và Varenca đi theo chúng.

32

Đây là những điều phu nhân được biết về quá khứ của Varenca, về quan hệ của cô với bà Stan và về bà này. Về bà Stan, có người nói bà là người vô hạnh nên đã làm khổ chồng, trong khi kẻ khác lại trách chồng bà y như thế, bà ta luôn luôn ở trong trạng thái kích động bệnh hoạn. Sau khi bỏ chồng, bà ta đẻ đứa con đầu lòng, nhưng thằng bé chết ngay và bố mẹ bà Stan, biết bà dễ xúc động, sợ tin đó làm hại đến tính mạng bà, bèn lấy con gái người đầu bếp trong triều đình, đẻ cùng đêm trong cùng một nhà ở Peterburg, thay vào. Đứa bé đó là Varenca. Sau này bà Stan mới biết Varenca không phải con mình nhưng vẫn tiếp tục nuôi. Vả chăng ít lâu sau, Varenca cũng chỉ còn lại một mình trên đời. Bà Stan sống ở nước ngoài trên mười năm nay, không rời khỏi giường. Có người nói bà ta giả bộ đức hạnh và ngoan đạo cao độ trước mắt thiên hạ; người lại bảo bà ta thật sự là người đức hạnh cao cả, đúng như vẻ bề ngoài, và bà chỉ sống để làm điều thiện cho đồng loại. Chẳng ai biết bà theo Công giáo, Tin lành hay Chính giáo, nhưng có điều chắc chắn là bà thân cận với những nhân vật cao cấp nhất của tất cả các giáo hội và giáo phái.

Varenca cùng ở với bà: những ai biết bà Stan đều biết và yêu “tiểu thư Varenca.”

Sau khi biết mọi chi tiết này, phu nhân thấy việc con gái mình và Varenca gần gũi nhau không có gì đáng trách, hơn nữa, Varenca lại được giáo dục rất tốt: cô nói tiếng Anh và tiếng Pháp rất thạo, và nhất là cô đã chuyển lời bà Stan tới phu nhân tỏ ý rất tiếc vì bệnh tật mà không được may mắn đi lại với bà.

Sau khi làm quen với Varenca, Kitti càng mê mẩn cô bạn và mỗi ngày lại tìm thấy ở bạn những ưu điểm mới. Phu nhân nghe nói Varenca tốt giọng, bèn mời cô đến hát chơi ở nhà một tối.

– Kitti sẽ đánh dương cầm; nhà có chiếc dương cầm không tốt lắm, nhưng chúng tôi rất vui sướng được đón tiếp cô, – phu nhân nói với nụ cười gượng gạo làm Kitti càng khó chịu, vì lúc đó cô thấy Varenca không muốn hát. Nhưng tối hôm ấy Varenca vẫn tới, đem theo cuốn sách nhạc. Phu nhân mời cả Maria Epghêniepna, con gái bà ta và ông đại tá. Varenca không e ngại gì khi thấy có người lạ và tiến lại gần dương cầm. Cô không biết tự đệm đàn nhưng xướng âm rất khá. Kitti vốn chơi dương cầm rất cừ, đệm cho cô.

– Cô thật có tài năng xuất sắc, – phu nhân bảo cô, – sau bài đầu tiên mà Varenca hát khá hay. Bà Maria Epghêniepna và con gái cám ơn và khen cô.

– Tiểu thư nhìn xem: bao nhiêu là thính giả đang tụ tập để nghe tiểu thư hát kìa, – ông đại tá nhìn ra cửa sổ nói. Quả nhiên có khá đông người tụ tập dưới các cửa sổ.

– Tôi rất sung sướng đã làm vui lòng các vị, – Varenca trả lời giản dị.

Kitti kiêu hãnh nhìn bạn. Cô khâm phục cả nghệ thuật, giọng hát lẫn bộ mặt của bạn, nhưng cô thích nhất vì thái độ: Varenca rõ ràng coi giọng hát mình là bình thường và hoàn toàn dửng dưng trước những lời khen. Cô hình như chỉ muốn hỏi: “Có cần hát nữa hay thôi?” “Nếu là mình thì mình sẽ rất tự phụ, Kitti nghĩ bụng. Mình sẽ sung sướng biết bao khi thấy cả đám đông kia đứng dưới cửa sổ. Nhưng điều đó đối với chị ấy cũng thường thôi. Chị ấy hát chỉ vì không muốn từ chối ai và để mẹ mình vui lòng. Có cái gì trong con người chị ấy nhỉ? Cái gì đã đem lại cho chị ấy khả năng coi thường tất cả, giữ được bình tĩnh, độc lập? Minh rất muốn biết và học chị ấy điều đó!”, Kitti thầm nghĩ trong khi ngắm khuôn mặt bình thản ấy. Phu nhân đề nghị Varenca hát nữa và Varenca lại hát bài thứ hai cũng chính xác, rành rọt và hoàn hảo như bài đầu, cô đứng cạnh dương cầm, bàn tay gầy, rám nắng, đung đưa đánh nhịp.

Bài tiếp theo trong cuốn sách là bài hát ý. Kitti chơi đoạn nhạc dạo và quay sang bạn.

– Bỏ bài này đi, – Varenca đỏ mặt nói. Cặp mắt ngỡ ngàng và dò hỏi của Kitti dừng lại trên khuôn mặt Varenca.

– Hát bài khác vậy, – cô vội nói, giở sang trang và hiểu ngay bài hát kia có dính dáng tới một kỉ niệm nào đấy.

– Thôi được, – ta cứ hát bài này, – Varenca đặt tay lên bản nhạc, mỉm cười nói. Rồi cô hát, cũng bình tĩnh, thản nhiên và hay như các bài khác.

Khi hát xong, mọi người lại cảm ơn cô và đi uống trà. Kitti và Varenca ra vườn nhỏ cạnh nhà.

– Bài hát vừa rồi có dính dáng đến một kỉ niệm của chị phải không? – Kitti nói. Chị đừng kể lại gì cả, chỉ cần trả lời có đúng thế không, – cô vội nói thêm.

– Tại sao lại đừng? Tôi có thể kể cho chị nghe được lắm! – Varenca trả lời giản dị; và không đợi bạn nói, cô tiếp: – Vâng, đây là một kỉ niệm xưa kia đã làm tôi khổ tâm. Tôi yêu một người và đã hát bài đó cho chàng nghe.

Kitti mở to mắt nhìn bạn, không nói gì, vẻ cảm động.

– Tôi yêu chàng và chàng yêu tôi; nhưng mẹ chàng phản đối không cho chúng tôi cưới, và chàng đã đi lấy người khác. Bây giờ chàng ở không xa đây lắm và thỉnh thoảng tôi vẫn gặp. Chắc chị không ngờ tôi cũng có chuyện tình phải không? – cô nói và khuôn mặt xinh xắn ấy bỗng rực lên cái ánh lửa mà theo cảm giác của Kitti chỉ cốt vừa lòng mẹ. – Anh ấy thật nhẫn tâm!

– Ô! Không phải đâu, anh ấy là người rất tốt, và tôi không đau khổ đâu. Trái lại, tôi rất sung sướng. Thế nào, hôm nay ta thôi không hát nữa chứ? – cô nói thêm và đi về phía nhà.

– Chị tốt quá, chị tốt quá! – Kitti thốt lên và giữ bạn lại, ôm hôn bạn. – Ước gì em giống chị, dù chỉ một ít thôi!

– Tại sao chị lại muốn giống người khác? Chị cứ như chị hiện nay là tốt lắm rồi, – Varenca nói, mỉm cười dịu dàng và uể oải.

– Không, em không tốt chút nào hết. Nhưng, chị hãy nói em nghe… Khoan đã, ta hãy ngồi xuống, – Kitti nói và kéo bạn ngồi cạnh trên ghế dài. – Chị hãy nói em hay, phải nghĩ rằng một người đàn ông đã rẻ rúng, đã từ chối mối tình của mình, như thế có nhục không?

– Chàng không rẻ rúng mối tình của tôi đâu! Tôi cho là chàng vẫn yêu tôi, nhưng chàng là người con có hiếu với mẹ.

– Được, nhưng nếu không phải vì vâng lời mẹ mà là tự ý anh ta thì sao?… – Kitti nói, cảm thấy mình đang thổ lộ tâm sự thầm kín và bộ mặt bừng bừng xấu hổ đã tố giác cô.

– Nếu vậy chàng đã hành động sai và tôi không tiếc thương gì nữa, – Varenca đáp, và hiển nhiên cô hiểu đây không phải chuyện mình nữa mà là chuyện Kitti.

– Nhưng còn sự xúc phạm? – Kitti nói. – Làm sao quên là mình đã bị xúc phạm, – cô nói, nhớ lại cái nhìn của chàng trong đêm khiêu vũ cuối cùng, lúc ngừng tiếng nhạc.

– Xúc phạm về mặt nào? Chị cư xử không có gì sai lầm chứ?

– Còn tồi tệ hơn nữa kia… thật là nhục nhã.

Varenca lắc đầu và đặt tay lên tay Kitti.

– Nhục ở chỗ nào? – Varenca nói. – Không phải chị đã đi nói với một kẻ vô tình rằng chị yêu hắn đấy chứ?

– Tất nhiên là không! Em không hề nói một lời, nhưng người ấy vẫn hiểu. Không, không: có những cái nhìn, những cử chỉ… Giá em sống đến trăm tuổi cũng không sao quên được.

– Ồ, quả tình, tôi không hiểu đấy, vấn đề là bây giờ chị còn yêu anh ấy nữa hay không? – Varenca nói, gọi đích danh sự việc ra.

– Em căm ghét anh ta, em không thể tự tha thứ cho mình đã…

– Thế rồi sao?

– Nhưng còn sự hổ thẹn, sự xúc phạm?

– Chao! Nếu như phụ nữ ai cũng dễ xúc động như chị! – Varenca nói.

Không có thiếu nữ nào không trải qua nông nỗi ấy. Và mọi chuyện đó cũng không quan trọng đến thế đâu.

– Vậy thì cái gì mới là quan trọng? – Kitti nói, ngạc nhiên tò mò nhìn vào mặt bạn.

– À, nhiều thứ lắm! – Varenca mỉm cười nói.

– Gì kia?

– À, còn nhiếu thứ quan trọng hơn, – Varenca đáp, không biết nói thế nào cho phải. Nhưng vừa lúc ấy, phu nhân gọi to ở cửa sổ.

– Kitti, trời lạnh đấy! Con lấy khăn mà choàng hay về buồng đi.

– Phải đấy, đến giờ rồi! – Varenca nói và đứng dậy. – Tôi còn phải ghé qua bà Béc; bà ấy có nhắn tôi đến.

Kitti nắm tay bạn và đôi mắt như dò hỏi với một vẻ cuồng nhiệt, van vỉ: “Cái gì vậy, vậy thì cái gì là quan trọng nhất và đã khiến chị có thể thanh thản đến thế kia? Chị nắm được điều ấy. Nói cho em biết với!” Nhưng Varenca không hiểu cái nhìn của Kitti muốn hỏi gì. Cô chỉ nhớ còn phải qua nhà bà Béc và về đúng giờ để pha trà cho mẹ lúc nửa đêm. Cô vào nhà, xếp lại cuốn sách nhạc và định đi, sau khi cáo từ từng người.

– Cho phép tôi được tiễn cô, – ông đại tá nói.

– Phải đấy, không thể để cô về một mình được đâu. Khuya rồi! – phu nhân nhấn mạnh thêm. – ít ra tôi cũng phải cho Parasa đưa cô về.

Kitti thấy Varenca gắng lắm mới nén nổi một nụ cười khi nghe thấy người ta định tiễn mình.

– Thôi ạ, xưa nay cháu vẫn đi một mình và chưa bao giờ xảy ra việc gì, – cô cầm mũ nói. Rồi sau khi hôn Kitti lần nữa và vẫn không nói rõ cái gì là quan trọng nhất với dáng đi nhanh nhẹn, tay cắp cuốn sách nhạc, cô đi sâu vào bóng tối nhờ nhờ của đêm hè, đem theo bí quyết đã đem lại cho cô vẻ thanh thản và phẩm cách đáng để mọi người thèm muốn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.