Anna Karenina (Tập 1)
Phần 1 – Chương 01
Chúa dạy: “Việc báo oán thuộc về ta, chính ta lại ra ân đền bù lại.”
1
Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng.
Trong gia đình Oblonxki, mọi việc đều rối bét. Bà vợ khám phá ra việc chồng tằng tịu với cô nữ gia sư người Pháp dạy trẻ trước đây và nói thẳng với chồng là mình không thể sống chung với ông nữa. Sự tình kéo dài từ hai hôm nay khiến cho cả vợ chồng, con cái và kẻ ăn người làm trong nhà đều cảm thấy khổ tâm. Tất cả đều thấy hai người chẳng còn lý do gì để ăn ở cùng nhau nữa và mối dây ràng buộc họ bây giờ còn lỏng lẻo hơn cả cái quan hệ giữa những người tình cờ gặp nhau trong một quán trọ bên đường. Bà vợ không buồn bước ra khỏi phòng; ông chồng vắng nhà đã hai hôm; con cái tha thẩn khắp nhà như bị bỏ rơi; chị vú nuôi người Anh cãi nhau với bà quản gia, đã viết thư nhờ một cô bạn thân tìm cho chỗ làm khác; anh đầu bếp ra đi vào bữa ăn tối qua; cô phụ bếp và anh xà ích thì đòi tính tiền công xá. Ba hôm sau cuộc cãi lộn, công tước Xtepan Arcaditr Oblonxki tức Xtiva(1) – như người ta thường gọi trong giới thượng lưu – thức giấc vào giờ thường lệ, nghĩa là tám giờ sáng, không phải trong phòng ngủ của vợ, mà trên chiếc đi văng bọc da ở phòng làm việc của mình. Ông trở nghiêng cái thân hình nặng nề và phì nộn trên lò xo đi văng như muốn ngủ lại, vòng hai tay ôm lấy gối và áp má vào; rồi bỗng nhiên ông nhỏm lên, ngồi dậy và mở choàng mắt. “Ừ… ừ… thế nào nhỉ? Ông ta nghĩ ngợi, cố nhớ lại giấc mơ vừa qua. Thế nào nhỉ? à, Alabin thết tiệc ở Darmoxtat; không, không phải Darmoxtat(2) mà là cái quái gì My Mỹ kia. Đúng rồi: Darmoxtat ở Mỹ. Alabin thết tiệc trên bàn thủy tinh và… những bàn đó hát bài Kho vàng của tôi và một khúc ca khác du dương hơn. Có cả những bình pha lê nhỏ mà lại là đàn bà.” Cặp mắt Xtepan Arcaditr bỗng ánh lên vui thích, và ông say sưa mơ mộng, môi nở một nụ cười. “Ồ, khoái thật, khoái ghê. Trong giấc mơ ấy, còn ối chuyện tuyệt thú, mà chẳng thể diễn đạt bằng lời cũng như bằng ý; và khi đã thức dậy là không còn biết xác định nó ra sao nữa.” Rồi, bỗng thấy tia sáng chiếu xiên qua từ sau tấm màn cửa bằng dạ, ông vội đặt chân xuống đất, quờ tìm đôi dép da cừu thêu kim tuyến, món quà vợ mừng nhân dịp sinh nhật ông năm ngoái; sau đó, theo cái thói quen từ chín năm nay, ông cứ nằm nguyên, với tay về phía vẫn treo chiếc áo ngủ. Lúc đó ông mới sực nhớ ra tại sao và thế nào mà mình lại không nằm trong phòng vợ; nụ cười vụt biến khỏi môi và ông cau mày. Ông nhớ lại mọi việc đã xảy ra, miệng lẩm bẩm: “À! Chậc! Chậc!…” Và trong trí tưởng tượng của ông, lại diễn ra tất cả các chi tiết xung đột với vợ, cái thế bí không lối thoát và lỗi lầm của chính ông, nó giày vò dữ dội hơn mọi điều khác. Ông nghĩ bụng: “Không, Doli sẽ chẳng tha thứ cho mình đâu, Doli không thể tha thứ cho mình được. Và điều ghê gớm hơn hết là chính mình gây ra tất cả; tất cả đều do mình, vậy mà thực không phải lỗi tại mình. Tất cả tấn bi kịch là ở đó.” Ông vừa than vãn tuyệt vọng “ối chao”, vừa nhớ lại những chi tiết khổ tâm nhất về cuộc cãi lộn. Chính cái phút đầu tiên là phút khó chịu nhất: vừa đi xem hát về, dáng vui vẻ và hể hả, tay cầm một trái lê to làm quà cho vợ, ông không thấy vợ ở phòng khách; ông ngạc nhiên vì sang phòng làm việc cũng không thấy; sau cùng, ông gặp vợ ở phòng ngủ, tay cầm lá thư đốn mạt đã làm vỡ lở hết mọi chuyện. Cô nàng Doli(3) suốt đời ưu tư và bận rộn, mà ông vẫn cho chẳng có gì là sắc sảo, lúc đó đang ngồi yên không nhúc nhích với lá thư trong tay và nhìn ông vừa kinh tởm, tuyệt vọng, vừa giận dữ.
– Cái này là cái gì? Cái gì? – bà chìa mảnh giấy hỏi chồng.
(1) Xtiva là Xtepan gọi theo tiếng Anh. Thời đó, giới thượng lưu thường gọi nhau bằng tên đã Anh hóa hoặc Pháp hóa và coi đó là mỹ tục. (Tất cả những chú thích ở dưới trang đều của người dịch).
(2) Một tỉnh ở Đức. Vĩ ngữ “stad” có nghĩa là tỉnh.
(3) Doli là tên Daria, gọi theo tiếng Anh.
Điều làm Xtepan Arcaditr khổ tâm hơn cả mỗi khi nhớ lại cảnh đó mà ông cứ nhớ lại luôn mới tệ chứ – không phải bản thân câu chuyện mà chính là cái cung cách ông trả lời vợ. Lúc đó ông lâm vào cái tình thế vẫn thường xảy đến với những người bỗng dưng vướng vào một chuyện xấu xa. Ông không biết đường sửa soạn một bộ mặt hợp với hoàn cảnh sau khi tội lỗi đã bị lộ. Đáng lẽ phải làm ra bộ tức giận, chối phắt, hay thanh minh, xin lỗi, cùng nữa là cứ dửng dưng (cách nào cũng vẫn tốt hơn) thì ông lại tươi cười, thản nhiên dễ dãi và lúc ấy vẻ mặt ông thật ngây ngô. Sắc diện đó là vô tình, hoàn toàn vô tình thôi (Xtepan Arcaditr vốn thích sinh lý học nên cho đó là “phản xạ não”). Ông không thể tha thứ cho mình về cái cười đần độn ấy. Vừa thoáng thấy nụ cười đó, Doli giật bắn người như bị một cơn đau giày vò thể xác. Không nén nổi cơn giận, bà tuôn ra những lời gay gắt và bỏ chạy khỏi phòng. Từ đó, bà nhất định không nhìn mặt chồng nữa.
“Chính cái cười ngây ngô là nguyên nhân của mọi chuyện – Xtepan Arcaditr nghĩ bụng – Nhưng biết làm thế nào? Làm thế nào đây?”, ông nhắc đi nhắc lại một cách tuyệt vọng. Và vẫn không tìm ra câu trả lời.
2
Xtepan Arcaditr vốn thật thà với mình. Ông không thể dối lòng đến mức tin rằng ông đã hối hận về hành động của mình. Một người đàn ông băm tư tuổi, bảnh bao, đầy dục tình như ông, không thể hối hận vì đã thôi không yêu vợ, một bà mẹ bảy con nuôi được năm và chỉ kém mình có một tuổi. Ông chỉ tiếc đã không biết giấu vợ cho khéo hơn. Nhưng ông cũng nhìn rõ tất cả tầm nghiêm trọng của tình hình. Ông thương Doli, thương các con và thương cả bản thân mình nữa. Nếu đoán trước được tin đó sẽ làm vợ xúc động đến thế, có lẽ ông đã biết che đậy sự phụ bạc khéo hơn. Tuy không bao giờ suy nghĩ cụ thể về chuyện đó, ông vẫn láng máng thấy rằng bà vợ đã đoán biết ông bạc tình từ lâu, nhưng đành nhắm mắt làm ngơ đấy thôi. Thậm chí ông còn cho rằng cái người đàn bà tàn tạ, luống tuổi, hết thời xuân sắc ấy, người đàn bà chẳng có đức tính gì nổi bật và chỉ còn là bà mẹ tốt trong gia đình, đáng lý phải biết ăn ở cho rộng lượng hơn thì mới hợp lẽ công bằng. Thế mà sự việc lại xảy ra khác hẳn. “Ôi phiền quá! Phiền quá! Xtepan Arcaditr cứ nhắc đi nhắc lại mãi mà vẫn chẳng tìm ra giải pháp. Trước đây mọi việc đều êm thấm, hai vợ chồng sống cuộc đời tươi đẹp biết bao! Doli hài lòng, sung sướng với lũ trẻ, mình không hề làm phiền Doli chút nào, mình để Doli tùy ý trông nom nhà cửa. Kể cũng đáng tiếc là cô ta trước kia lại là cô giáo dạy con mình, kể cũng hèn hạ tầm thường. Nhưng sao lại có cô gia sư đẹp đến thế kia chứ! (Ông nhớ lại rõ ràng cặp mắt đen láy, tinh quái và nụ cười của cô Rolland. Tuy nhiên, cả thời gian cô ta ở nhà mình, mình có dám giở trò gì đâu, ác nhất là cô ta lại… Thật cứ như cố tình ấy! Chao! Nhưng biết làm thế nào? Làm thế nào đây?”
Chẳng có giải đáp nào khác, ngoài câu trả lời chung cho mọi vấn đề phức tạp và nan giải: đành lần lữa cho qua ngày, đành quên đi thôi. Không thể tìm được quên lãng trong giấc ngủ, và nếu có thì cũng phải đến đêm; cũng không thể quay lại với điệu nhạc, lời ca của những phụ-nữ-bình-pha-lê được nữa; âu là cứ ru mình vào giấc mộng đời cho khuây khỏa. “Rồi sau sẽ hay”, Xtepan Arcaditr nghĩ bụng. Ông đứng dậy, xỏ tay vào chiếc áo ngủ màu xám lót lụa xanh nhạt, thắt dây lưng, và hít một hơi dài căng lồng ngực vạm vỡ, rồi lại gần cửa sổ, đôi chân chữ bát bước đi thoăn thoắt, nhẹ nhàng, trái hẳn với tấm thân phì nộn, kéo rèm cửa lên và lắc chuông rầm rĩ. Người hầu phòng Matvei, một lão bộc thân tín, lập tức bước vào, tay cầm quần áo, đôi ủng và một bức điện tín. Theo sau là anh thợ cạo với túi đồ.
– Có giấy tờ gì của tòa án không? – Xtepan Arcaditr hỏi, cầm lấy bức điện và ngồi xuống trước gương.
– Ở trên bàn ấy ạ, – Matvei trả lời, liếc nhìn chủ bằng cặp mắt dò hỏi và đầy vẻ thông cảm; – đợi một lát, – bác nói tiếp, mỉm cười ranh mãnh.
– Lão chủ hiệu xe thuê vừa cho người tới đấy ạ.
Xtepan Arcaditr không trả lời và chỉ đưa mắt nhìn Matvei trong gương, cái nhìn họ trao đổi chứng tỏ họ hiểu nhau biết chừng nào. Xtepan như muốn hỏi: “Tại sao bác lại nói với tôi điều đó? Bác thừa hiểu sự tình ra sao rồi còn gì?” Matvei thọc tay vào túi áo dài chẽn, dạng chân ra, và chẳng nói chẳng rằng đưa ánh mắt thân ái nhìn chủ, trên môi thoáng một nụ cười. Bác nói:
– Tôi đã bảo họ chủ nhật hãy tới và từ nay đến hôm đó, đừng làm phiền ông vô ích. Câu nói rõ ràng được chuẩn bị từ trước.
Xtepan Arcaditr biết Matvei nói giỡn và muốn ông chú ý đến bác. Ông mở bức điện tin ra đọc, mặc nhiên chỉnh lại trong đầu những chữ sai chính tả thường thấy ở các bức điện, vẻ mặt bỗng sáng lên:
– Matvei này, mai cô Anna Arcadievna đến đấy, – ông nói, tạm ngăn bàn tay bóng nhẫy, mũm mĩm của anh thợ cạo đương rẽ một đường hồng hồng giữa hai chòm râu má dài loăn xoăn của ông.
– Đội ơn Chúa! – Matvei thốt lên và câu trả lời tỏ ra bác cũng hiểu rõ như chủ tầm quan trọng của việc này: – Anna Arcadievna, cô em gái thân yêu của Xtepan Arcaditr, có thể giúp hai vợ chồng làm lành với nhau.
Matvei hỏi:
– Cô đến một mình hay cùng đi với chồng kia ạ? – Xtepan Arcaditr không thể trả lời vì anh thợ cạo đã nắm lấy môi trên ông; ông bèn giơ một ngón tay lên. Matvei gật đầu một cái trong gương.
– Có một mình thôi ạ. Vậy có phải sửa soạn căn buồng trên gác không?
– Báo tin đó cho Daria Alecxandrovna biết đã, rồi bà bảo sao thì làm vậy.
– Báo cho Daria Alecxandrovna? – Matvei hỏi lại, vẻ nghi ngại.
– Phải. Này, mang cho bà xem bức điện; bà bảo gì phải nhớ nói lại với tôi đấy.
“Ông định thăm dò đây”, Matvei hiểu ngầm như vậy, nhưng bác chỉ nói gọn lỏn:
– Thưa ông vâng ạ. – Xtepan Arcaditr rửa mặt, chải đầu xong và sắp mặc quần áo thì Matvei chậm rãi quay lại, đôi ủng khẽ kêu cót két, tay vẫn cầm bức điện. Lúc đó anh thợ cạo đi rồi.
– Daria Alecxandrovna dặn tôi Thưa với ông là bà sắp đi. Bà bảo: “Ông ấy (tức là ông đấy ạ), ông ấy muốn làm thế nào thì làm.” – Và Matvei, hai tay đút túi, đầu nghiêng sang bên, đăm đăm nhìn chủ, chỉ có đôi mắt là nhấp nháy cười. Xtepan Arcaditr nín lặng. Rồi một nụ cười hiền hậu, hơi thiểu não, hiện trên khuôn mặt đẹp của ông.
– Làm thế nào bây giờ, Matvei? – Ông hất hàm nói.
– Không sao cả, ông chủ ạ, rồi sẽ ổn thôi, – Matvei trả lời.
– Có chắc không?
– Thưa ông, chắc chứ ạ.
– Bác chắc thế thật à? Ai đó? – Xtepan Arcaditr nghe thấy tiếng áo phụ nữ sột soạt sau cửa, liền hỏi.
– Thưa ông, tôi đấy ạ. – Một giọng rắn rỏi và dễ nghe đáp lại; rồi khuôn mặt nghiêm nghị, rỗ hoa của bác bảo mẫu Matriona Filimonovna hiện ra ở khung cửa.
– Có chuyện gì đấy, Matriona? – Xtepan Arcaditr bước về phía bác ta, hỏi.
Mặc dầu Xtepan Arcaditr hoàn toàn có lỗi với vợ và chính ông cũng biết vậy, nhưng hầu như mọi người trong nhà, kể cả bác bảo mẫu là người thân tín nhất của Daria Alecxandrovna, vẫn bênh ông.
– Có chuyện gì vậy? – ông hỏi, giọng rầu rĩ.
– Thưa ông, ông nên đến xin lỗi bà lần nữa đi. Chúa sẽ phù hộ cho ông. Bà đang đau khổ, trông thương tâm lắm; còn trong nhà thì mọi việc đều rối bời. Ông phải biết thương các em chứ. Ông hãy đến xin lỗi bà đi. Chẳng có cách nào khác đâu! Gây đổ vỡ thì phải…
– Nhưng bà chẳng tiếp tôi đâu…
– Như vậy chẳng gì ông cũng làm hết bổn phận. Chúa lòng lành vô cùng! Ông cầu nguyện đi, ông chủ ạ, ông hãy cầu nguyện đi!
– Thôi được. Nào! – Xtepan Arcaditr nói, mặt bỗng đỏ dừ. Ông quay lại bảo Matvei: “Bác giúp tôi mặc quần áo”, và ông cởi áo ngủ, dáng kiên quyết. Matvei thổi thổi những hạt bụi vô hình, chìa sẵn cho chủ chiếc sơ mi hồ bột và hỉ hả ra mặt, choàng áo lên cái thân hình trau chuốt của Xtepan Arcaditr. Mặc quần áo xong, Xtepan Arcaditr bơm nước hoa, cài khuy tay áo, quen tay bỏ luôn vào túi chiếc ví, hộp thuốc lá, bao diêm và chiếc đồng hồ quả quýt có dây chuyền kép đính đồ trang sức, rũ khăn tay, rồi, cảm thấy sạch sẽ, thơm tho, thoải mái và khoan khoái thể xác, mặc dù đang ở trong tâm trạng phiền muộn, ông đi thẳng sang phòng ăn, bước chân hơi run rẩy, nơi món cà phê sáng và thư từ, giấy má đã chờ sẵn. Ông đọc thư. Có một bức thư làm ông rất khó chịu: đó là thư của một thương gia đang muốn mua khu rừng trong trang trại của vợ ông. Nhất thiết phải bán khu rừng đó rồi; nhưng vấn đề chưa thể đặt ra trước khi vợ chồng hòa thuận trở lại. Điều bực mình nhất là việc dàn hòa này lại dính đến chuyện tiền nong. Ông khó chịu với ý nghĩ là trường hợp đó có thể làm ông mất thể diện: tìm cách làm lành với vợ để bán trôi khu rừng. Đọc xong tập thư, Xtepan Arcaditr kéo đống giấy má để trên bàn lại, giở nhanh hai tập hồ sơ, lấy chiếc bút chì to đánh dấu vài chỗ rồi gạt tất cả sang bên, rót cà phê uống; ông vừa điểm tâm vừa giở tờ báo buổi sáng còn ướt mực và bắt đầu đọc.
Xtepan Arcaditr thường ngày đọc tờ báo của phái tự do, cũng không lấy gì làm tân tiến lắm, thuộc cái khuynh hướng mà đa số đang theo. Và mặc dầu chẳng quan tâm đặc biệt gì đến khoa học, nghệ thuật cũng như chính trị, ông vẫn kiên quyết giữ vững quan điểm của đa số và của tờ báo về tất cả những vấn đề đó, và chỉ thay đổi ý kiến khi đa số cũng thay đổi, hoặc, nói đúng hơn, ông chẳng thay đổi gì hết: chính những quan điểm tự thay đổi lúc nào không biết. Xtepan Arcaditr không hề lựa chọn khuynh hướng cũng như quan điểm; tự chúng tìm đến ông; ông chẳng mất công lựa chọn gì hơn chọn mũ chọn áo: người ta ăn vận thế nào, ông làm theo như vậy. Nhưng sống trong một xã hội mà mọi người đứng tuổi đều phải có một hoạt động trí tuệ nào đó, việc có chính kiến đối với ông, cũng cần như đội mũ. Sở dĩ ông ưng khuynh hướng tự do hơn khuynh hướng bảo thủ mà một số đông trong giới ông đang theo, đó không phải vì ông thấy nó phải chăng hơn, mà bởi nó phù hợp với lối sống của ông hơn. Phe tự do nói ở nước Nga, mọi sự đều bí bét: quả vậy, Xtepan Arcaditr nợ đìa ra và luôn luôn túng tiền. Phe tự do nói hôn nhân là tục lệ lỗi thời, cần phải cải cách: thực tế, cuộc sống vợ chồng chẳng đem lại hứng thú gì lắm cho Xtepan Arcaditr, buộc ông phải dối trá, che đậy, và điều đó trái hẳn với bản chất ông. Phe tự do nói, hay đúng hơn, ngụ ý rằng tôn giáo chỉ là một trở lực kìm bước đám người vô học trong dân chúng: thì đấy, Xtepan Arcaditr có bao giờ chịu đựng nổi một buổi lễ chầu, dù ngắn nhất, mà không rấm rứt ở bắp chân; ông không tài nào hiểu được ý nghĩa của tất cả những bài thuyết giáo hãi hùng và khoa trương về thế giới bên kia, trong khi người ta vẫn có thể vui chơi thỏa thích ở ngay cái thế giới này. Ngoài ra, Xtepan Arcaditr, vốn thích bông đùa, thường rất khoái trá mỗi khi có dịp châm chọc những người yên phận rằng: nếu ta hãnh diện vì dòng giống thì lẽ nào chỉ dừng lại ở thời Ruritr(4) và không chịu công nhận ông tổ đầu tiên là… con khỉ. Cho nên, khuynh hướng tự do đã trở thành thói quen của Xtepan Arcaditr, và ông yêu thích tờ báo của mình như điếu xì gà sau bữa ăn trưa, nó tỏa một màn sương nhẹ lâng trong đầu.
(4) Tù trưởng của bộ lạc Varege ở bán đảo Xcandinavi. Hồi gần cuối thế kỉ thứ IX, đột nhập nước Nga, chinh phục các bộ lạc giữa Phần Lan và Xlav lập nên đế chế Nga.
Ông đọc xã luận, bài báo giải thích là thời buổi này, thật hoài công mà đi la lối rằng chủ nghĩa cấp tiến đang đe dọa nuốt chửng mọi yếu tố bảo thủ; rằng chính phủ sắp sửa bắt buộc phải ra tay bóp nghẹt con mãng xà tinh cách mạng; trái lại “theo ý chúng tôi, nguy cơ không do con mãng xà tinh cách mạng tưởng tượng gây ra, mà chính là tại các yếu tố tồn cổ đã ngoan cố kìm hãm đà tiến bộ”, v.v… Ông cũng đọc lướt bài báo thứ hai bàn về vấn đề tài chính, trong đó người ta dẫn ra nào là Bentham(5) nào là Min(6) và xỏ ngọt Bộ Tài chính vài cú. Vốn sắc sảo minh mẫn, ông hiểu ngay ý nghĩa của từng lời ám chỉ: xuất phát từ đâu, nhằm vào ai và được tung ra nhân việc gì, ông đều hiểu hết và cũng như mọi lần điều đó đem lại cho ông ít nhiều thú vị. Nhưng bữa nay, niềm thích thú bị giảm đi khi ông nhớ tới lời khuyên của Matriona Filimonovna và tình trạng rối bời trong gia đình; báo còn loan tin bá tước Boxt đi Vixbadell, tin thị trường không còn món tóc bạc, tin có người muốn bán xe ngựa nhẹ và tin một thanh niên tìm việc làm; nhưng những tin tức đó không mang lại cho ông niềm thỏa mãn bình thản và nhạo đời như mọi lần trước. Đọc báo xong, và uống cạn tách cà phê thứ hai với chiếc bánh mì trắng nhỏ quệt bơ, ông đứng dậy, rũ những mẩu bánh vụn vãi trên áo gilê và ưỡn bộ ngực nở nang, mỉm cười khoan khoái, không phải vì ông thấy tâm hồn có gì đặc biệt thanh thản… mà là do thức ăn đã tiêu hóa tốt.
(5) Jeremie Bentham (1748-1832) nhà triết học và pháp luật học Anh theo chủ nghĩa thực dụng.
(6) James Mill (1773-1836) nhà triết học Anh, người kế tục Bentham.
Nụ cười rạng rỡ làm ông sực nhớ lại tất cả, và ông đâm ra tư lự. Có tiếng hai đứa trẻ đằng sau cửa (Xtepan Arcaditr nhận ra tiếng Grisa, con trai út, và Tania, con gái lớn của ông). Chúng vừa đánh rơi một vật gì.
– Chị đã bảo em đừng có để hành khách lên mái, – con bé la lên bằng tiếng Anh. – Bây giờ thì phải nhặt lên nào!
Xtepan Arcaditr nghĩ bụng: “Nhà cửa lung tung, trẻ con bị bỏ mặc chẳng ai trông nom.” Và ông lại gần cửa, lên tiếng gọi hai con. Chúng bỏ chiếc hộp dùng làm tàu hỏa và chạy lại với bố. Tania, con gái cưng của Xtepan Arcaditr, mạnh dạn bước vào, quàng tay ôm lấy cổ bố vừa đánh đu vừa cười như mọi lần, khoan khoái hít hít mùi nước hoa quen thuộc tỏa ra từ hai chòm râu má của bố. Sau khi hôn bộ mặt bố đỏ bự vì phải cúi xuống và ngời ngợi trìu mến, đứa bé buông tay ra định chạy, nhưng ông bố giữ con lại.
– Mẹ đang làm gì? – Ông vừa hỏi vừa vuốt ve cái cổ mảnh dẻ của con gái. Rồi quay sang mỉm cười với thằng con trai út: Chào chú!
Ông không thấy yêu con trai bằng con gái và luôn luôn gắng không để lộ điều đó; nhưng thằng bé thừa biết và không buồn đáp lại cái cười gượng của bố.
– Mẹ ấy à? Mẹ dậy rồi ạ, – con bé trả lời.
Xtepan Arcaditr buông một tiếng thở dài. Ông nghĩ: “Thế ra, cả đêm nàng không ngủ.”
– Mẹ có vui không? – Con bé thừa biết bố mẹ đã cãi nhau, mẹ nó không thể vui được, bố hẳn phải hiểu rõ, nhưng định đóng kịch nên vờ hỏi giỡn như vậy. Nó đỏ mặt thay cho bố. Xtepan Arcaditr chợt hiểu ngay và cũng đỏ mặt.
– Con chả biết, – nó nói. – Mẹ bảo chúng con không phải học nữa mà đi với cô Hal đến nhà bà.
– Vậy thì đi đi thôi, Tania bé bỏng của ba. à, khoan đã, – ông giữ con lại lần nữa, vuốt ve bàn tay nhỏ xíu mềm mại của nó…
Ông cầm hộp kẹo để trên lò sưởi từ hôm qua, chọn lấy hai cái con bé thích nhất: một kẹo sôcôla, một kẹo mứt hoa quả và đưa cho con. Con bé giơ chiếc kẹo sôcôla và hỏi:
– Cái này cho Grisa phải không ba?
– Ừ, ừ. – Và vuốt ve lần cuối chiếc vai nhỏ nhắn của con gái xong, ông hôn vào cổ, vào chân tóc rồi cho nó đi ra.
– Xe đánh ra ngoài rồi đấy ạ, – Matvei vào báo và nói tiếp: – có một bà đến kêu việc.
– Bà ta đến lâu chưa? – Xtepan Arcaditr hỏi.
– Độ nửa giờ rồi.
– Đã bao lần tôi dặn bác phải báo ngay kia mà.
– Thì tôi cũng phải để ông dùng xong cà phê đã chứ, – Matvei nói, giọng lủng bủng và thân mật khiến ông không còn bụng nào mà giận được.
– Thôi cho người ta vào nhanh lên, – Oblonxki cau mày nói. Người đó là vợ viên đại úy tham mưu Klinin, đến nhờ vả một việc không thể giải quyết được và phi lý nữa; nhưng Xtepan Arcaditr, theo thói quen, vẫn mời bà ta ngồi và chăm chú nghe từ đầu đến cuối không hề ngắt lời, chỉ vẽ cụ thể nên xử sự thế nào, nên đến cầu cạnh ai, và viết hẳn một lá thư bằng lối chữ khoáng đạt, đẹp và rõ ràng của ông, giới thiệu đến người có thể giúp đỡ bà ta được. Sau khi đưa tiễn vợ viên đại úy, Xtepan Arcaditr bèn cầm mũ và dừng lại tự hỏi xem có quên gì không. Ông chỉ quên mỗi một điều mà ông ước ao quên đi được là… vợ ông. “À, phải!”, ông cúi đầu và bộ mặt đẹp bỗng đượm buồn. Ông tự hỏi: “Ta nên đến gặp, hay không nên đến?” Một tiếng nói từ trong lòng bảo ông có đến gặp cũng vô ích, rút cục chỉ đi đến chỗ giả dối thôi, không thể chắp nối lại tình nghĩa vợ chồng nữa rồi, bởi vì không ai có thể trả lại cho Doli cái xuân sắc quyến rũ thuở xưa, cũng như không thể biến ông thành lão già bất lực được. Làm thế chỉ đưa đến giả tạo và dối trá: mà giả tạo và dối trá thì trái hẳn với bản chất ông. “Tuy nhiên trước sau, vẫn phải một lần, không thể cứ thế này mãi được!”, ông tự bảo, gắng động viên mình mạnh hơn. Ông thẳng người lên, lấy điếu thuốc lá, châm lửa hút, kéo hai hơi, rồi vứt điếu thuốc vào chiếc vỏ xà cừ dùng làm gạt tàn, đi nhanh qua phòng khách và mở cửa phòng vợ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.