Anna Karenina (Tập 1)

Phần 1 – Chương 04



9

Vào lúc bốn giờ, Levin từ trên chiếc xe ngựa thuê bước xuống cửa Vườn thú, tim đập thình thình, men theo con đường nhỏ dẫn tới những trái núi Nga(10) và sân trượt băng; chàng chắc chắn sẽ gặp nàng ở đó, vì đã trông thấy cỗ xe của gia đình Serbatxki đậu gần cửa. Trời quang đãng và lạnh. Ở gần cửa, xe ngựa bốn bánh, xe trượt tuyết, xe cho thuê, đỗ thành dãy dài cùng với hàng rào sen đầm. Một đám đông sang trọng chen chúc ngoài cửa và trên những con đường nhỏ lách giữa dãy nhà xinh xắn bằng gỗ chạm trổ công phu, ánh nắng lấp lánh điểm tô những chiếc mũ và những cây bạch dương già cong queo trong vườn, phủ khắp cành nhánh một lượt tuyết như mặc bộ áo lễ mới, trang trọng. Vừa đi về phía sân trượt băng, Levin vừa tự nhủ: “Bình tĩnh, không được rối trí! Mày làm sao thế? Mày muốn gì nào? Câm ngay đi, đồ ngốc!”, chàng thầm nhủ lòng. Nhưng chàng càng gắng trấn tĩnh bao nhiêu lại càng bồi hồi bấy nhiêu. Một người bạn gặp chàng, gọi, nhưng Levin cũng không nhận ra anh ta nữa. Chàng đến gần những trái núi Nga từ đó vẳng lên tiếng cót két của dây xích xe trượt tuyết đang lên xuống ầm ầm trong tiếng xôn xao nói cười vui vẻ. Chàng đi mấy bước nữa thì thấy sân trượt băng và lập tức nhận ra nàng giữa đám đông. Bằng vào niềm vui và nỗi xao xuyến tràn ngập lòng mình, chàng biết nàng đang ở đó. Nàng đang đứng nói chuyện với một bà ở đầu kia sân băng; nhìn bề ngoài thì cả y phục lẫn thái độ nàng chẳng có gì đặc biệt; nhưng đối với Levin, việc nhận ra nàng giữa đám đông cũng dễ dàng như nhận ra một cây hoa phong lữ thảo giữa bụi tầm ma. Tất cả đều ngập trong hào quang của nàng. Nàng là một nụ cười chiếu sáng tất cả những gì bao quanh. “Liệu mình có dám bước xuống sân băng và lại gần nàng không đây?” – Levin nghĩ thầm. Chàng cảm thấy như nơi Kitti đang đứng là một thánh đường bất khả xâm nhập và chỉ một ly nữa thì quay gót trở lui vì quá sợ hãi. Chàng phải cố sức chế ngự bản thân và tự nhủ rằng xung quanh nàng có đủ hạng người, và cả chàng nữa, chàng cũng có thể được phép trượt băng chứ. Chàng bước xuống, tránh không nhìn Kitti như kiểu người ta tránh nhìn mặt trời; nhưng mặc dầu không nhìn, chàng vẫn cứ trông thấy nàng, như vẫn thấy mặt trời vậy. Hôm ấy, vào giờ này, trên mặt băng tập hợp toàn những người cùng một giới, tất cả đều quen biết nhau. Ở đó, có những nhà trượt băng cự phách đang trổ tài, những người mới học đang vịn ghế bành để tập, cử chỉ lóng ngóng, vụng về, có cả những chú bé và những ông già trượt băng với mục đích bảo vệ sức khỏe; đối với Levin, hình như tất cả đều là những kẻ tốt số, sung sướng, vì họ được ở gần bên Kitti. Vậy mà những người trượt băng lại cứ vượt qua nàng, đuổi kịp nàng, nói chuyện với nàng thản nhiên như không, và cứ vui đùa như tuyệt nhiên chẳng lệ thuộc gì vào nàng, cứ việc tận hưởng thời tiết đẹp và mặt băng trong ngần! Nicolai Serbatxki, anh họ Kitti, mặc áo chẽn ngắn và quần ống hẹp, đang ngồi trên ghế dài, chân đi giày trượt băng; ông ta trông thấy Levin và gọi to:

– Này! Nhà trượt băng giỏi nhất nước Nga! Anh đến đây lâu chưa? Sân băng tuyệt lắm, đi giày trượt vào mau lên!

(10) Một trò chơi của người Nga. Những người tham gia ngồi xe trượt và trượt trên những ụ đất nhỏ nối tiếp nhau.

– Tôi không có giày trượt, – Levin đáp, sửng sốt thấy mình mạnh dạn và phóng túng đến thế ngay trước mặt Kitti và tuy không hề nhìn, chàng vẫn không để nàng lọt khỏi tầm mắt một giây. Chàng cảm thấy mặt trời đang đi về phía mình. Nàng đang ở một đầu sân băng và, đôi chân nhỏ lút trong giày cao cổ, nàng tiến về phía chàng, vẻ sợ sệt lộ rõ trên nét mặt. Một chàng trai trẻ vận y phục kiểu Nga, tay vung hết sức mạnh, mình rạp xuống mặt đất, vượt qua nàng. Nàng không vững tin ở mình lắm nên đã rút hai tay ra khỏi chiếc bao tay nhỏ quàng vào cổ bằng một sợi dây và sẵn sàng bíu lấy bất cứ cái gì; mắt đăm đăm nhìn Levin, mà nàng đã nhận ra, nàng mỉm cười với chàng và đồng thời mỉm cười cả về vẻ sợ hãi của chàng. Khi đã vượt qua chỗ ngoặt, nàng mềm mại quay gót lấy đà và tới thẳng chỗ Serbatxki; nàng nắm lấy tay ông ta và mỉm cười với Levin, gật đầu chào. Nàng còn đẹp hơn chàng mường tượng nhiều. Khi nghĩ đến Kitti, Levin có thể hình dung rõ toàn thân nàng, đặc biệt là mái tóc vàng xinh xắn với vẻ trong trắng trẻ thơ và hồn hậu, mái tóc vô cùng thanh lịch trên đôi vai cân đối. Chính vẻ trẻ thơ ấy hòa với cái đẹp mỏng manh của thân hình đàn bà đã tạo nên sức quyến rũ của Kitti: Levin rất thích điều đó. Nhưng cái điều luôn luôn khiến chàng ngạc nhiên, gần như sửng sốt, là vẻ nhìn hiền dịu, bình thản, trung thực, và nhất là nụ cười của nàng, bao giờ nó cũng đưa Levin vào một thế giới huyền diệu trong đó chàng cảm thấy lòng mình xúc động và dịu lại, y hệt lúc chàng nhớ đến những ngày thơ ấu.

– Anh ra đã lâu chưa? – Kitti nói, chìa tay cho chàng. – Cảm ơn anh, – nàng nói thêm, khi chàng nhặt chiếc khăn tay từ bao tay nàng rơi xuống.

– Tôi ấy à? Không, tôi mới ra hôm qua, hay nói đúng hơn, hôm nay, – Levin đáp, trong lúc bối rối, không hiểu ra ngay câu hỏi. – Tôi tính đến thăm cô, – chàng nói, và chợt nhớ chủ đích của việc muốn gặp nàng, chàng đâm lúng túng và đỏ mặt. – Tôi không biết là cô vẫn trượt băng mà lại trượt giỏi đến thế.

Nàng chăm chú nhìn chàng, như muốn tìm hiểu nguyên nhân sự bối rối của chàng.

– Lời khen của anh thật quý hóa. Ở đây, mọi người vẫn truyền tụng anh là nhà trượt băng vô song, – nàng nói, bàn tay nhỏ nhắn đeo găng đen phủi những nhánh băng nhọn đọng trên bao tay.

– Vâng, trước kia tôi mê trượt băng lắm; tôi muốn đạt tới trình độ hoàn hảo.

– Hình như anh làm việc gì cũng say mê, – nàng mỉm cười nói. – Em ao ước được xem anh trượt băng quá. Anh đi giày trượt vào và ta cùng trượt với nhau đi. “Cùng trượt với nhau! Có thể như thế được chăng?” – Levin vừa nghĩ vừa nhìn nàng.

– Tôi xong ngay đây, – chàng nói. Và vội vàng ra đi giày trượt băng.

– Thưa ngài, lâu lắm không thấy ngài, – người cho thuê giày trượt nói với Levin, vừa giữ chân chàng để vặn cái ốc ở gót giày. – Từ khi vắng ngài, các vị kia, không ai trượt cừ cả. Thế này đã được chưa ạ? – bác ta vừa hỏi vừa thắt chặt dây da.

– Được rồi, được rồi, bác làm nhanh lên cho, – Levin đáp, gắng kìm nụ cười sung sướng bất giác vẫn ngời lên trên mặt chàng. “Phải, chàng nghĩ thầm, cuộc đời là thế đó, hạnh phúc là thế đó! Cùng với nhau, nàng bảo thế, ta cùng trượt với nhau đi. Mình nói luôn với nàng bây giờ chăng? Nhưng chính nói ra bây giờ mới đáng sợ vì lúc này mình đang sung sướng, ít ra cũng sung sướng trong hi vọng… Còn như… Nhưng cần phải thế! Cần phải thế! Không được yếu đuối!” Levin đứng lên, cởi áo ngoài ra, sau khi đi thử trên mặt băng gồ ghề quanh nhà bát giác cho thuê giày trượt, chàng lao mình trên sân băng nhẵn lì và lướt đi không chút khó nhọc, dường như việc tăng, giảm tốc độ hoặc điều khiển hướng đi hoàn toàn là do ý mình. Chàng rụt rè đến bên Kitti, nhưng một lần nữa, nụ cười của nàng lại làm chàng vững tâm. Nàng chìa tay cho chàng và hai người cùng lao đi, vai kề vai, dồn bước gấp hơn: hai người càng trượt nhanh, nàng càng nắm chặt lấy tay chàng.

– Cùng trượt với anh, em sẽ học mau hơn; không hiểu sao, em thấy tin ở anh lắm, – nàng nói.

– Tôi cũng thế, tôi cũng tin ở tôi, khi cô dựa vào tôi, – chàng nói; nhưng lập tức, chàng hốt hoảng vì điều mình nói và đỏ mặt lên. Và, quả thực, chàng vừa thốt ra câu đó, mặt Kitti đã mất hết vẻ thanh thản, như thể mặt trời lẩn vào sau đám mây, và Levin nhận ra cái nét quen thuộc đối với chàng, nó chứng tỏ nàng đang suy nghĩ mông lung lắm: một nếp nhăn làm cau vầng trán đang bằng phẳng của nàng.

– Cô phật ý ư? À mà tôi chả có quyền hỏi cô vậy, – chàng vội vàng nói.

– Tại sao lại thế?… Không, có gì mà phật ý, – nàng lạnh lùng trả lời; và liền sau đó, nàng nói tiếp: – Anh chưa gặp cô Linong à?

– Chưa.

– Anh hãy đến gặp cô ấy đi, cô ấy mến anh lắm đấy. “Có chuyện gì vậy? Mình đã xúc phạm đến nàng chăng? Lạy Chúa, xin Chúa cứu giúp tôi!”, Levin nghĩ thầm và hấp tấp đi về phía bà già người Pháp búp tóc bạc trắng đang ngồi trên một chiếc ghế dài. Bà nhe cả hàm răng giả ra cười, chào đón chàng như một người bạn cũ.

– Phải, người ta ngày một lớn khôn? – bà ta nói với chàng, vừa đưa mắt chỉ Kitti… – và mỗi tuổi một già. Gấu con đang lớn bổng lên! – Bà già người Pháp nói tiếp, nhắc lại câu Levin gọi đùa ba cô gái là ba chú gấu con, trong chuyện cổ tích Anh.

– Cậu có nhớ dạo ấy cậu vẫn gọi họ như vậy không?

Chàng đã quên tiệt, vậy mà mười năm rồi, bà lão vẫn cười về câu nói đùa đó và lấy làm khoái trá.

– Thôi, đi trượt băng đi. Cô Kitti nhà ta trượt đã khá rồi đấy, có phải không?

Khi Levin theo kịp Kitti, nàng không còn giữ vẻ nghiêm nghị nữa; cặp mắt nàng lại chân thực và trìu mến, nhưng trong sự hòa nhã đó Levin thấy như có một cố gắng làm ra bình thản. Điều đó khiến chàng buồn buồn. Sau khi trao đổi vài câu về bà gia sư già và tính nết kỳ quặc của bà ta, nàng bèn hỏi về đời sống của chàng.

– Anh ở nông thôn mà không buồn à? – Nàng hỏi.

– Ồ! Không, tôi rất bận, – chàng nói và cảm thấy đang bị nàng gò vào cái giọng thản nhiên mà có lẽ chàng sẽ không còn đủ sức từ bỏ nữa, cũng như hồi đầu mùa đông này.

– Anh còn ở lại lâu nữa không? – Kitti hỏi.

– Tôi không biết, – chàng đáp và không hề nghĩ đến điều mình đang nói. Nhưng chàng tự nhủ nếu cứ chịu bó mình với giọng bè bạn bình thản đó, chàng ắt sẽ phải trở về không nên công chuyện gì và quyết định phải vùng lên.

– Thế nào, anh không biết à?

– Không. Cái đó còn tùy ở cô, – chàng nói và lập tức lại hoảng lên vì câu nói của chính mình.

Nàng có nghe thấy câu đó không, hay là nàng không muốn nghe? Nàng bước trật một cái, suýt ngã và vội vã lánh xa Levin. Nàng lại gần cô Linong, nói vài câu với bà và đi về phía nhà ván, chỗ các bà đang tháo giày trượt. “Lạy Chúa! Tôi đã làm gì vậy? Lạy Chúa, xin Chúa cứu giúp, soi sáng cho tôi!” Levin cầu nguyện và cảm thấy phải vùng vẫy thật mạnh, chàng lượn hết bên này sang bên kia sân băng thành những vòng tròn tiếp giáp nhau, lúc bên trong, lúc bên ngoài. Giữa lúc đó, một thanh niên, vô địch mới về môn trượt băng, ra khỏi quán cà phê, chân đi giày trượt, mồm ngậm thuốc lá, chạy về phía cầu thang và bắt đầu nhảy xầm xầm từng bước xuống các bậc. Thoáng một cái, anh ta đã ở chân cầu thang và tay vẫn để nguyên như cũ, anh ta lao ngay mình trên mặt băng.

– A! Một ngón mới! – Levin tự bảo và lập tức chàng leo lên cầu thang để bắt chước tay kia.

– Khéo không ngã chết đấy, phải quen mới được! – Nicolai Serbatxki quát to bảo chàng.

Lên tới trên, Levin đi thử vài bước trước khi vào cầu thang và bắt đầu xuống, dùng cánh tay giữ thăng bằng trong tư thế bất bình thường đó. Ở bậc cuối cùng, chàng bị vướng chân, nhưng chỉ hơi chạm tay xuống mặt băng, chàng cố sức dướn mình dậy và lại cười vang tiếp tục lao đi. “Một chàng trai cừ thật!”, Kitti nghĩ thầm, lúc đó nàng vừa ra khỏi căn nhà ván cùng cô Linong và nhìn chàng với nụ cười bình thản, trìu mến, như nhìn một người anh rất thân yêu. “Có thể là mình đã có lỗi, mình làm một điều gì không tốt chăng? Người ta bảo thế là điệu. Mình biết người mình yêu không phải là anh ta: nhưng dù sao ở cạnh anh ấy, mình cũng thấy vui thích, anh ấy dễ thương quá! Tại sao anh ấy lại nói thế nhỉ?…”, nàng ngẫm nghĩ. Nhìn thấy Kitti đi khỏi và mẹ nàng đến tìm nàng, Levin dừng lại suy nghĩ, mặt còn đỏ bừng sau cuộc tập dượt mãnh liệt. Chàng tháo giày trượt băng và đuổi kịp hai mẹ con ở cổng Vườn thú.

– Tốt rất hài lòng được tiếp cậu, – quận công phu nhân nói. – Chúng tôi vẫn tiếp khách vào thứ năm đấy.

– Tức là hôm nay ạ?

– Chúng tôi sẽ rất vui mừng được tiếp cậu, – quận công phu nhân khô khan nói.

Cái giọng khô khan đó khiến Kitti chạnh lòng và nàng thấy cần làm dịu bớt thái độ lạnh lùng của mẹ. Nàng quay về phía Levin và mỉm cười chào:

– Tạm biệt.

Giữa lúc đó, Xtepan Arcaditr, mũ đội lệch một bên, vẻ mặt phấn khởi và cặp mắt long lanh, đi vào khu vườn với tư thế kẻ chiến thắng hoan hỉ. Nhưng khi gặp bà nhạc, ông liền tạo bộ mặt buồn bã và phạm lỗi để trả lời câu hỏi của bà về sức khỏe Doli. Sau khi nhỏ nhẻ nói chuyện với quận công phu nhân một lát, vẻ ủ rũ, ông lại rướn người lên và khoác tay Levin.

– Thế nào, ta đi chứ? – ông hỏi Levin. – Lúc nào mình cũng nghĩ đến cậu và mình rất sung sướng thấy cậu tới đây, – ông nói với một cái nhìn đầy ý nghĩa.

– Nào đi, – Levin đáp, lòng rộn ràng sung sướng, vẫn giữ nguyên trong trí nhớ lời “tạm biệt” và nụ cười kèm theo.

– Đến khách sạn “Anh Quốc” hay “Lầu ẩn Dật”?

– Mình thì đâu cũng thế.

– Vậy thì khách sạn “Anh Quốc”, – Xtepan Arcaditr nói, ông chọn hiệu ăn này vì ông nợ ở đây nhiều hơn ở “Lầu ẩn Dật” và do đó, ông thấy nếu mình lờ nó đi thì kể cũng khiếm nhã. – Cậu có xe ngựa đấy không? Tốt lắm, vì mình cho đánh xe về rồi.

Suốt dọc đường, đôi bạn ngồi yên lặng, Levin cứ tự hỏi vẻ mặt thay đổi của Kitti có nghĩa gì; khi thì chàng tự thuyết phục là còn có thể hi vọng, khi lại đâm nản và thấy rõ có họa là điên, mới ôm khư khư lấy mối hi vọng. Tuy nhiên, chàng vẫn cảm thấy như trở thành một người khác hẳn, từ khi người ta mỉm cười và chào: “tạm biệt.”

Xtepan Arcaditr thì ngồi nghĩ đến thực đơn bữa ăn.

– Mình chắc cậu thích món cá chim chứ? – ông bảo Levin khi tới nơi.

– Cái gì kia? – Levin hỏi, – cá chim ư? ừ, mình mê món cá chim lắm.

10

Khi Levin bước vào tiệm ăn cùng Oblonxki, chàng không thể không nhận thấy một vẻ đặc biệt, một vẻ rạng rỡ cố nén trên mặt và khắp toàn thân Xtepan Arcaditr. Oblonxki cởi áo ngoài, và mũ đội lệch sang bên, đi thẳng vào phòng ăn, sai bảo những gã Tacta quần áo chỉnh tề, khăn vắt cánh tay, đang tất tả xung quanh ông. Ông quay bên trái, bên phải, chào người quen gặp ở lối đi, và, cũng như ở mọi nơi khác, những người này đều tỏ ra mừng rỡ khi thấy ông. Oblonxki đến quầy rượu, uống một cốc vôtka với ít cá nướng và nói vài câu với người đàn bà Pháp mặt bự phấn, toàn thân đầy dải băng, đăng ten, búp tóc giả, ngồi sau quầy, làm mụ ta rũ ra cười thích chí. Còn Levin, chàng từ chối không uống, vì thấy ngứa mắt trước cái mụ người Pháp dường như làm toàn bằng những mớ tóc giả, phấn bột gạo và dấm xoa mặt. Chàng vội lảng xa mụ như lảng xa một nơi xú uế. Tâm hồn chàng đang tràn ngập hình ảnh Kitti, và trong mắt chàng ngời lên nụ cười đắc thắng và hạnh phúc.

– Xin mời quan lớn ngồi đây ạ, chỗ này sẽ không có ai làm rầy quan lớn cả, – một lão già người Tacta nói, lão ta tóc vàng, rất khúm núm, vạt áo xòe ra trên cái mông bè bè. – Xin mời quan lớn, – lão nói với Levin cũng rất lễ độ, để tỏ lòng kính trọng Xtepan Arcaditr. Trong nháy mắt, lão đã trải khăn bàn sạch lên trên chiếc bàn tròn có phủ sẵn khăn, kê ở dưới cây đèn vách bằng đồng đen; lão kéo mấy chiếc ghế nhung lại gần và đứng cạnh Xtepan Arcaditr, tay cầm bảng món ăn và cắp chiếc khăn, chờ sai bảo.

– Nếu các quan cần phòng riêng thì hoàng thân Golitxun và một phu nhân sắp sửa ra khỏi một phòng trong chốc lát đấy ạ. Chúng tôi đã nhận được sò tươi.

– À phải! Sò! – Xtepan Arcaditr chợt có vẻ suy nghĩ.

– Hay ta thay đổi thực đơn chăng, Levin? – Ông vừa nói vừa đặt ngón tay lên bảng món ăn. Và mặt ông lộ vẻ phân vân nghiêm trọng.

– Sò có ngon không? Liệu hồn nhà anh đấy!

– Bẩm quan lớn, sò Flenxburg ạ. Chúng tôi không có sò Ôxtăng.

– Sò Flenxburg cũng được. Ít ra cũng còn tươi đấy chứ?

– Chúng tôi mới nhận được hôm qua ạ.

– Cậu thấy thế nào? Ta bắt đầu bằng món sò chăng? Hay là ta thay đổi tất cả thực đơn?

– Thế nào cũng được. Mình thì mình thích xúp bắp cải và kasa(11) hơn. Những món đó không thấy có ở đây.

(11) Một loại thức ăn lỏng nấu bằng lúa kiều mạch, rất phổ biến ở nông thôn Nga.

– Quan lớn muốn dùng xúp nấu à la riousse(12) ạ? – Lão già Tacta nói, cúi xuống Levin như vú nuôi cúi xuống đứa bé.

(12) Trong nguyên bản: à la riousse, chính là: à la russe (theo lối Nga), lão già Tacta phát âm sai.

– Không, mình không nói đùa đâu, cậu cứ việc chọn món gì cậu ưng. Mình vừa trượt băng xong và đang đói. Đừng tưởng, – Levin nói tiếp, khi thấy mặt Oblonxki có vẻ không bằng lòng, – cậu đừng tưởng mình không biết đánh giá đúng sự lựa chọn của cậu đâu. Mình sẽ thú vị được chén một bữa thật sang.

– Mình rất mong thế! Cậu muốn nói gì thì nói, đó vẫn là một trong thứ khoái trên đời, – Xtepan Arcaditr nói. – Vậy thì, người anh em cho chúng tớ hai tá, à mà không, chừng ấy chả đủ được, ba tá sò, một xúp rau…

– Pretanière(13), – lão già Tacta tiếp lời.

(13) Nguyên văn pretanière, chính ra là: Printanière (mùa xuân).

Nhưng rõ ràng Xtepan Arcaditr không muốn để cho lão ta cái thú kể tên các món ăn bằng tiếng Pháp.

– Một xúp rau, anh rõ chứ? Rồi đến cá chim với nước xốt đặc, rồi… thịt bò quay, nhưng phải chú ý là chín tới đấy. Một gà thiến và hoa quả hộp. Lão già Tacta, chợt nhớ Xtepan Arcaditr vốn kiểu cách hay đặt cho các món ăn những tên khác với tên trong thực đơn, nên cứ để ông ta nói, nhưng lão cũng tự dành cho mình cái thú nhắc lại tất cả thực đơn bằng những tên trong bảng món ăn: “Xúp mùa xuân, Cá chim xốt Bomarse, Gà mái ghẹ nấu rau thơm, Nộm rau quả…” rồi tức thì, như có lò xo điều khiển, lão đặt tấm bảng món ăn có đóng bìa xuống và lấy ra một bảng khác kê đồ uống chìa cho Xtepan Arcaditr.

– Ta uống gì bây giờ nào?

– Cậu muốn gọi gì thì gọi, mình chỉ thích làm tí sâm banh, – Levin nói.

– Sao? Ngay từ đầu bữa à? Kể ra thì tại sao lại không được nhỉ? Cậu thích nhãn hiệu trắng chứ?

– Loại nhãn hiệu trắng, – lão Tacta đỡ lời.

– Cho chúng tớ thứ ấy nhắm với sò. Sau sẽ hay.

– Bẩm quan vâng. Các quan ưng dùng rượu vang gì ạ?

– Rượu vùng Nuy. Không, tốt hơn là cho chúng tớ vang trắng Sabli thường uống ấy.

– Vâng ạ. Có cần dọn món phó mát của ngài không đấy ạ?

– Ừ, phó mát vùng Parmo ấy, hay là cậu thích phó mát khác?

– Không, mình thì món nào cũng thế thôi, – Levin nói, không còn đủ sức để nín cười nữa.

Lão già Tacta đi khỏi, vạt áo phe phẩy sau lưng. Năm phút sau, lão bưng ra một đĩa sò, vỏ óng ánh màu xà cừ và chai rượu trong tay.

Xtepan Arcaditr vò nhàu khăn ăn hồ bột, luồn vào áo gilê và điềm đạm đặt tay lên bàn, bắt đầu ăn sò.

– Sò cũng không đến nỗi tồi, – ông nói, tách những con sò mềm ra khỏi vỏ màu xà cừ bằng cái dĩa bạc nhỏ, và ăn hết con này đến con khác. – Không đến nỗi tồi, – ông nhắc lại, vừa đưa đôi mắt long lanhướt, hết nhìn Levin lại đến lão Tacta.

Levin cũng ăn sò, tuy chàng thích bánh mì trắng và phó mát hơn. Nhưng chàng thán phục Oblonxki. Ngay cả lão Tacta, sau khi mở chai, rót rượu vang lấp lánh vào những chiếc cốc mỏng mảnh và rộng miệng, cũng nhìn Xtepan Arcaditr với nụ cười mãn nguyện ra mặt, tay sửa lại ngay ngắn chiếc cravat trắng.

– Cậu không thích sò lắm à? – Xtepan Arcaditr vừa hỏi vừa cạn cốc rượu, – hay là cậu đang có chuyện gì lo lắng? Nói cho mình nghe nào?

Ông ta muốn Levin phải vui. Nhưng Levin tuy không buồn, vẫn thấy bứt rứt khó chịu. Với điều mang nặng trong lòng, chàng thấy không thoải mái trong tiệm ăn này, xung quanh toàn những phòng riêng người ta chui vào ăn nhậu với các phu nhân, giữa những sự đi lại và náo động này; tất cả những vật phu trang như đồ đồng đen, gương, đèn hơi, những bồi bàn người Tacta, đều khiến chàng chướng tai gai mắt. Chàng sợ làm ô uế những gì đang tràn ngập tâm hồn.

– Mình ấy à? Phải, mình đang có điều lo nghĩ; và hơn nữa, mọi thứ này khiến mình khó chịu. Cậu không tưởng tượng được mọi cái đó kỳ dị đến mức nào đối với một anh nhà quê như mình đâu. Thật y như mấy cái móng tay của cái anh chàng mình gặp ở chỗ cậu…

– Ừ, mình nhận thấy là những móng tay của anh chàng Grinevitr đáng thương ấy làm cậu rất quan tâm, – Xtepan Arcaditr vừa vười vừa nói.

– Mình biết làm thế nào được, – Levin đáp. – Cậu hãy gắng một chút tự đặt mình vào địa vị một anh chàng ở nông thôn xem. Ở nông thôn, chúng tôi cố sức biến bàn tay thành một công cụ làm việc tiện lợi: chúng tôi cắt ngắn móng tay, và thỉnh thoảng lại xắn tay áo lên. Còn ở đây, người ta lại cố tình để móng tay mọc càng dài càng tốt và đeo những khuy măngsét to bằng cái đĩa rồi không thể làm được gì bằng hai bàn tay cả. – Xtepan Arcaditr vui vẻ cười.

– Nhưng điều đó chứng tỏ họ không cần làm việc bằng tay; chính là trí tuệ họ làm việc…

– Có lẽ… Nhưng, dù sao đi nữa, mình vẫn thấy điều đó là kỳ dị. Mình còn thấy điều này nữa, cũng kì dị, là ở nông thôn, bọn mình gắng ăn cho nhanh để còn làm việc, trong khi cái đó càng lâu càng tốt; cho nên chúng mình mới ăn sò…

– Tất nhiên, – Xtepan Arcaditr tán thành. – Nhưng chính đó là mục đích của văn minh. Phải biến tất cả thành thú vui.

– Nếu như đó là mục đích của văn minh, thì mình thích là người man rợ hơn.

– Thì cậu đã là người man rợ rồi đó. Họ hàng Levin nhà cậu, tất cả đều man rợ hết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.