Anna Karenina (Tập 1)

Phần 1 – Chương 12



27

Levin, tuy sống một mình, vẫn ở cả ngôi nhà cổ rộng thênh thang và đốt lò sưởi khắp các buồng. Chàng biết thế là vô lý, đáng chê trách và hoàn toàn trái với dự định mới của mình, nhưng ngôi nhà này đối với Levin là cả một thế giới. Thế giới này là nơi cha mẹ chàng đã sống và qua đời. Các cụ đã sống cuộc đời mà Levin cho là lý tưởng của mọi sự hoàn mỹ và chàng mơ ước sẽ được tiếp tục sống như thế với một người vợ, một gia đình. Levin chỉ còn nhớ loáng thoáng về mẹ. Kỉ niệm về mẹ là kỉ niệm thiêng liêng, và theo cách chàng nhìn thì người vợ tương lai phải là sự tái hiện vẻ kiều diễm và đức độ của mẹ. Với chàng, tình yêu không thể có ngoài hôn nhân; hơn nữa, trước hết chàng nghĩ đến gia đình rồi mới đến người đàn bà sẽ tạo cái gia đình ấy. Quan niệm của chàng về hôn nhân có khác với số đông bạn bè, họ cho hôn nhân chỉ là một sự kiện trong cuộc sống; với Levin, đó là việc chủ yếu của đời người, hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào việc đó. Thế mà bây giờ phải gạt chuyện đó sang bên!

Khi chàng bước vào phòng khách nhỏ, nơi vẫn uống trà, và, tay cầm một cuốn sách, ngồi xuống ghế bành, trong lúc bà vú già Agafia Mikhailovna bưng trà đến rồi ngồi xuống cái ghế tựa kê trước cửa sổ với câu nói thường lệ: “Xin phép cậu chủ”, lạ thay, chàng vẫn cảm thấy mình chưa dứt bỏ được những ước mơ và sẽ không thể sống thiếu chúng được. Thế nào rồi việc đó cũng sẽ đến thôi, với Kitti hay với một cô gái khác. Chàng đọc sách, suy nghĩ về những điều trong sách, và dừng lại để nghe Agafia Mikhailovna huyên thiên hết chuyện này sang chuyện khác. Cùng lúc ấy, những cảnh chàng hoạt động ở nông thôn và cảnh gia đình tương lai cứ hiện lên, không dính dáng gì với nhau, trong trí tưởng tượng. Chàng cảm thấy trong thâm tâm, có cái gì đến chiếm cứ, tự điều hòa và lưu lại ở đấy. Chàng lắng nghe Agafia Mikhailovna kể lể: bà vú nói Prôkhor đã quên mất Chúa, uống rượu liên miên bằng số tiền Levin cho để mua ngựa, rồi đánh vợ đến chết ngất. Chàng nghe chuyện, đọc sách, và lại suy nghĩ tiếp theo dòng tư tưởng được khơi dậy trong khi đọc. Đây là cuốn sách của Tindan bàn về nhiệt lượng. Chàng nhớ từng chê trách Tindan ở chỗ ông đã tự mãn với những thí nghiệm thành công mà thiếu hẳn quan điểm triết học. Bỗng nhiên, một ý vui lóe lên trong đầu: “Hai năm nữa, mình sẽ có hai bò Hà Lan; con Pava có thể vẫn còn sống; khi cả ba con này nhập vào cái đàn mười hai bò cái, dòng dõi con Bexkut, thì thật là một cảnh đẹp mắt!” Chàng quay lại cuốn sách. “Phải, điện lực và nhiệt lượng chỉ là một; nhưng có thể thay thế lẫn nhau những đơn vị đại lượng tương tự trong phương trình để giải quyết vấn đề này không? Không được. Thế thì sao? Vả lại, chỉ cần dựa vào bản năng là đủ nắm được mối liên hệ giữa các lực lượng trong thiên nhiên… Khi con của con Pava trở thành một con bò cái lốm đốm đỏ, trắng và cả ba đều nhập vào đàn thì thật là đẹp quá! Mình sẽ cùng vợ và khách khứa đứng xem đàn gia súc về chuồng… Vợ mình sẽ nói: “Coxtia(31) và tôi sẽ nuôi con này như một đứa trẻ.” – “Làm sao mà anh chị có thể thích thú việc đó đến như vậy được!?”, một vị khách sẽ hỏi. – “Tất cả những gì anh ấy thích đều làm tôi thích.” Nhưng người đó sẽ là ai? – Vả chăng nhớ lại chuyện đã xảy ra ở Moxcva… “Làm thế nào đây?… Có phải lỗi tại mình đâu. Bây giờ mọi sự sắp thay đổi rồi. Không thừa nhận cuộc sống, không chịu gạt bỏ quá khứ thì quả là ngu xuẩn. Phải đấu tranh để sống tốt hơn, tốt hơn nhiều nữa…” Chàng ngẩng đầu lên và triền miên suy nghĩ. Con chó già Laxca chưa tiêu hóa hết nỗi vui mừng gặp lại chủ, vừa chạy đi sủa rông, bây giờ ve vẩy đuôi quay vào, đem theo cái mùi thoáng đãng ngoài trời: nó đến gần Levin, dụi đầu vào tay chàng, gừ gừ rầu rĩ đòi được vuốt ve.

(31) Tên thân mật của Conxtantin Levin.

– Nó chỉ thiếu nỗi không biết nói thôi, – Agafia Mikhailovna nói. – Nó chỉ là con vật mà biết chủ đã về và đang buồn.

– Tôi buồn ấy à? Tại sao?

– Cậu tưởng tôi không thấy ư? Có phải tôi mới biết các ông chủ từ hôm qua đâu. Từ nhỏ tôi đã làm với chủ rồi. Đừng bận tâm quá, cậu ạ. Chừng nào còn khỏe mạnh, lương tâm còn thanh thản…

Levin chăm chú nhìn Mikhailôpna, ngạc nhiên vì vú đọc rõ ý nghĩ của mình.

– Cậu uống chén trà nữa nhé? – Vú nói và cầm ấm trà đi ra. Con Laxca vẫn cố rúc đầu vào tay chủ. Chàng vuốt ve: nó nằm cuộn tròn ngay xuống chân chàng, đầu đặt lên một chân sau co lại. Ra cái điều là mọi sự đã êm đẹp, nó he hé mõm, hai mép đầy rãi tớp một cái, rồi khép lại che kín hàm răng già nua, và nằm yên với một vẻ bình thản khoái trá. Levin chăm chú ngắm bộ dạng cuối cùng này.

“Thế đấy, mình cũng vậy, chàng nghĩ. Hệt như cảnh ngộ mình! Không sao… Mọi sự đều tốt đẹp!”

28

Sau đêm khiêu vũ, từ sáng sớm, Anna Arcadievna đánh điện cho chồng báo tin là ngay hôm đó, nàng sẽ rời Moxcva.

– Không, em phải về, em cần phải về, – nàng nói với chị dâu để phân trần sự thay đổi ý kiến này, như nhớ ra nhiều việc bận bịu. – Em cần đi ngay hôm nay.

Xtepan Arcaditr không ăn ở nhà nhưng hẹn đến bảy giờ sẽ quay về tiễn em gái.

Kitti cũng không đến: cô gửi thư tới nói mình nhức đầu. Chỉ có Doli và Anna cùng ăn với bọn trẻ và cô gia sư người Anh. Phải chăng vì tính tình bất nhất, hay vì chúng cảm thấy Anna không còn như cái hôm mà chúng rất yêu quý nàng, và vì hiện nay nàng đang mải nghĩ đến chuyện khác? Bọn trẻ bỗng thôi đùa với cô, chấm dứt những cử chỉ yêu mến vồ vập, và dường như chẳng bận tâm gì mấy đến việc nàng sắp đi. Cả buổi sáng, Anna bận chuẩn bị lên đường. Nàng viết mấy lá thư gửi cho bạn bè ở Moxcva, tính các khoản tiền nong và thu xếp hành lý. Doli cũng cảm thấy nàng đang lo lắng và xao xuyến bồn chồn, một tâm trạng bà biết rất rõ vì đã từng trải qua, nó không phải là vô cớ, và trong nhiều trường hợp, chỉ là tấm màn che phủ sự không bằng lòng mình. Sau bữa ăn, Anna lui vào phòng riêng thay quần áo và Doli theo vào.

– Hôm nay cô kỳ lạ quá! – Doli nói.

– Em ấy à? Chị thấy thế ư? Em không có gì kỳ lạ đâu, em đang bực mình đấy. Thỉnh thoảng em lại thế. Lúc nào em cũng muốn khóc. Thật ngu xuẩn, nhưng rồi sẽ qua đi thôi, – Anna hấp tấp nói và cúi khuôn mặt đỏ nhừ xuống cái túi nhỏ đi đường, trong đựng mũ đội đêm và khăn tay phin nõn. Mắt nàng long lanh kỳ lạ, và nàng cố cầm nước mắt. – Trước thì em không muốn rời Peterburg, bây giờ em lại tiếc phải đi khỏi nơi này.

– Cô đã đến đây làm một việc tốt. – Doli nói, chăm chú nhìn nàng.

Anna nhìn chị, rơm rớm nước mắt.

– Chị đừng nói thế, chị Doli. Em chả làm gì cả và cũng chả có thể làm được gì cả. Em thường tự hỏi tại sao người ta lại hay về hùa với nhau để làm hư em. Em đã làm gì và em có thể làm được cái gì? Chị đã tìm thấy trong lòng đủ tình yêu để tha thứ…

– Không có cô thì có mà trời biết được sự thể sẽ ra sao! Cô sung sướng thật, Anna ạ! – Doli nói. – Trong lòng cô, cái gì cũng trong sáng và đôn hậu.

– Trong tâm mỗi người đều có những bộ xương(32), người Anh thường nói thế.

(32) Skeleton (Tiếng Anh trong nguyên bản). Trong tiếng Anh có thành ngữ Skeleton in the cupboard (bộ xương trong tủ đựng bát đĩa, đồ ăn) hay familis keleton (bộ xương gia đình) để chỉ những chuyện riêng tư đáng xấu hổ. Đây có nghĩa là: tâm tình sâu kín.

– Cô thì làm gì có những bộ xương như thế? ở cô mọi cái đều trong sáng cả.

– Có đấy chị ạ! – Anna bỗng nói thế, và một nụ cười ranh mãnh, giễu cợt hiện trên môi, nụ cười thật bất ngờ vì nàng vừa khóc xong.

– Nếu vậy thì đó là bộ xương vui, không phải bộ xương rầu rĩ, – Doli mỉm cười nói.

– Không, buồn đấy. Chị có biết tại sao em đi ngay hôm nay mà không đợi đến mai không? Đây là một lời thú tội đè trĩu trong lòng, em muốn nói ra với chị, – Anna nói, ngửa người tựa lưng vào ghế bành, vẻ quả quyết rồi nhìn thẳng vào mắt Doli.

Doli rất kinh ngạc thấy Anna đỏ nhừ cả mặt, đỏ đến tận long trắng con ngươi, đến tận những mớ tóc đen loăn xoăn sau gáy.

– Đúng thế, – Anna nói tiếp. – Chị có biết tại sao Kitti không đến ăn bữa chiều không? Cô ấy ghen với em đấy. Em đã làm hỏng cả… em là nguyên nhân khiến cho đêm khiêu vũ, đáng lẽ là niềm vui thì lại trở thành nỗi khổ tâm cho cô ấy. Nhưng quả thực, quả thực em không có tội, hoặc nếu có thì rất nhẹ thôi, – nàng nói nhỏ, những tiếng cuối cùng kéo dài ra.

– Chao! Sao mà cô giống Xtiva đến thế khi cô nói những lời ấy! – Doli vừa cười vừa nhận xét. Anna tỏ vẻ giận dỗi.

– Không đâu! Không đâu! Em nói thế với chị vì em không cho phép mình tự nghi ngờ một phút nào. – Anna nói.

Nhưng, ngay khi thốt ra câu đó, nàng đã cảm thấy giả dối: không những nàng tự nghi ngờ mình, mà ý nghĩ về Vronxki còn làm nàng bối rối, và sở dĩ nàng ra đi sớm hơn dự định, điều duy nhất là để khỏi phải gặp chàng mà thôi.

– Phải, Xtiva nói với tôi là cô đã nhảy điệu mazuyêchka với anh ta, và anh ta…

– Chị không thể tưởng tượng được câu chuyện lại đâm ra kỳ cục đến mức nào đâu. Em muốn thu xếp cho đám cưới này, thế rồi bỗng nhiên mọi việc đều thay đổi hết. Có lẽ, ngoài ý muốn của em…

Nàng đỏ mặt và ngừng lại.

– Ồ! Những chuyện như thế thường rõ ra ngay đấy mà! – Doli nói.

– Nhưng em sẽ thất vọng vô cùng nếu về phía anh ta thực sự đã có một ý định gì, – Anna ngắt lời chị. – Em tin chắc mọi chuyện sẽ quên đi và Kitti thôi không giận em nữa.

– Với lại, cô Anna ạ, phải nói thật với cô là tôi cũng chẳng mong gì Kitti lấy anh chàng ấy. Tốt hơn là cứ chấm dứt nếu chỉ trong vòng một ngày mà Vronxki đã có thể mê được cô.

– Chao, lạy Chúa tôi, thế thì vớ vẩn quá! – Anna nói, vẻ mặt đỏ bừng vui thích khi nghe thấy những ý nghĩ đang làm nàng bận tâm được nói lên thành lời. – Như thế là em ra đi sau khi trở thành thù địch của Kitti, người mà em rất mến! Chao! Cô ấy mới đáng yêu làm sao! Nhưng Doli, chị sẽ thu xếp câu chuyện này nhé. Phải không chị?

Suýt nữa Doli mỉm cười. Bà rất mến Anna, nhưng cũng thấy khoan khoái khi nhận ra những nhược điểm của nàng.

– Một thù địch kia à? Sao lại thế được?

– Em rất muốn chị và Kitti cũng yêu em như em yêu chị và cô ấy; và bây giờ, em lại càng thấy yêu chị và Kitti hơn, – Anna nói, nước mắt chạy quanh. – Chao! Hôm nay sao em ngốc thế! – Nàng lau nước mắt và bắt đầu thay áo. Vừa vặn trước khi nàng lên đường, Xtepan Arcaditr trở về, chậm một chút, mặt mày vui vẻ và hớn hở, sặc mùi rượu và thuốc lá.

Sự cảm kích của Anna đã truyền sang Doli, và khi ôm hôn cô em chồng lần chót, bà thì thầm:

– Nhớ lấy điều này, Anna nhé: không bao giờ chị quên những việc cô đã giúp chị. Và cô hãy nhớ thêm là chị yêu cô và sẽ yêu cô mãi như người bạn thân nhất.

– Thật em cũng không hiểu vì sao nữa, – Anna vừa nói, vừa ôm hôn chị và nuốt nước mắt.

– Cô trước đây đã hiểu chị và hiện nay cũng đang hiểu chị. Tạm biệt, nàng tiên của chị.

29

“Thôi, đội ơn Chúa, thế là xong hết mọi chuyện!” Đó là ý nghĩ đầu tiên khi Anna chào từ biệt anh trai lần cuối. Ông cứ đứng án ngữ ở cửa toa xe mãi đến lúc chuông rung lần thứ ba. Nàng ngồi xuống ghế dài, bên cạnh Annusca, và nhìn chung quanh trong khoảng tranh sáng tranh tối. “Đội ơn Chúa, mai mình sẽ gặp Xerioja và Alecxei Alecxandrovitr, và cuộc đời tốt đẹp quen thuộc sẽ lại trôi như cũ.” Vẫn với cái tâm trạng cần được bận rộn không buông tha nàng suốt ngày hôm ấy, Anna tỉ mỉ soạn sửa chỗ ngồi: với đôi bàn tay nhỏ nhắn và khéo léo, nàng mở cái túi nhỏ màu đỏ lấy ra chiếc gối rồi khóa túi lại, đặt gối lên đầu gối; và sau khi bọc chân cẩn thận, nàng ngồi xuống thoải mái. Có một bà ốm đã chuẩn bị đi ngủ. Hai bà khác bắt chuyện với Anna, và một bà già to béo vừa lấy chăn quấn đùi vừa nhận xét về vấn đề sưởi ấm trên tàu. Anna đáp lại vài câu, nhưng thấy trước câu chuyện sẽ chẳng có gì thú vị, bèn bảo Annusca lấy cái đèn túi móc vào tay ghế bành và lấy trong ví tay ra con dao rọc giấy và một cuốn tiểu thuyết Anh. Mới đầu, nàng không sao đọc nổi. Kẻ đi người lại tấp nập quá; rồi khi tàu bắt đầu chạy, thì lại không tránh khỏi tiếng động; sau hết, tuyết đập vào cửa sổ bên trái và bám vào mặt kính, rồi người soát vé đi qua, mình trùm kín mít và tuyết phủ đầy một bên người, những câu chuyện về trận bão đang gào thét bên ngoài khiến nàng không thể tập trung tư tưởng được. Cuối cùng, tất cả đều chìm vào đơn điệu: lúc nào cũng lắc lư trong tiếng tàu chạy ầm ầm, vẫn mưa tuyết đập vào cửa kính, vẫn luồng hơi nước từ nóng bỏng chuyển sang lạnh, rồi lại từ lạnh chuyển sang nóng, vẫn những khuôn mặt ấy xuất hiện trong bóng tối chập chờn, vẫn những tiếng nói ấy, và Anna bắt đầu đọc được và hiểu nổi những điều trong sách. Annusca ngủ gà ngủ gật, hai bàn tay thô đeo găng, một chiếc đã rách, giữ chiếc xắc nhỏ màu đỏ đặt trên đầu gối. Anna Arcadievna đọc và hiểu, nhưng không hứng thú gì theo dõi câu chuyện người khác. Nàng khát khao được sống như thế. Nữ nhân vật trong tiểu thuyết săn sóc người bệnh ư… nàng nảy ra ý muốn được đi rón rén trong căn buồng có bệnh nhân: một nghị sĩ đọc diễn văn ư… nàng cũng muốn đọc bài diễn văn ấy; tiểu thư Mêri cưỡi ngựa theo sau bầy chó săn, trêu ghẹo chị dâu, và sự táo bạo của cô khiến mọi người kinh ngạc ư, nàng cũng muốn chính mình làm tất cả những điều ấy. Nhưng không có gì để làm hết, và nàng phải cố đọc, đôi tay nhỏ nhắn cứ mân mê cái cán nhẵn con dao rọc giấy. Nhân vật chính của tiểu thuyết đã tới tuyệt đỉnh cái hạnh phúc kiểu Anh: nhận chức nam tước cùng đất đai, và Anna đang muốn cùng anh ta đi vòng quanh trại ấp thì đột nhiên, nàng cảm thấy hình như anh ta hổ thẹn, và cả nàng nữa, nàng cũng thấy hổ thẹn. Nhưng vì sao? “Mình hổ thẹn vì cái gì chứ?”, nàng tự hỏi, ngỡ ngàng bực dọc. Nàng bèn bỏ sách đấy và tựa vào lưng ghế bành, hai tay nắm chặt con dao rọc giấy. Không có gì khiến nàng phải hổ thẹn hết. Nàng ôn lại tất cả những kỉ niệm khi ở Moxcva. Ai nấy đều sung sướng, dễ chịu. Nàng nhớ lại đêm khiêu vũ, Vronxki cùng bộ mặt quỵ lụy và mê mệt, mối quan hệ của nàng với chàng: không có gì đáng hổ thẹn trong chuyện ấy cả. Vậy mà, đúng lúc nhớ lại quãng này, cái cảm giác hổ thẹn lại càng tăng lên, và nàng thấy như một tiếng nói trong lòng, giữa lúc đang nghĩ đến Vronxki, bảo nàng: “Nóng, nóng quá, nóng bỏng.” “Như thế nghĩa là gì chứ? Nàng đổi chỗ ngồi, quả quyết tự hỏi. Như thế là nghĩa lý gì? Mình sợ nhìn thẳng vào chuyện đó chăng? Lạ chưa! Giữa mình và anh chàng sĩ quan trẻ ranh đó, không hề và không thể có mối quan hệ nào khác với mọi người!” Nàng khẽ bật cười khinh bỉ và lại cặm cụi đọc sách. Nhưng, lần này, rõ ràng nàng không hiểu nổi điều đang đọc. Nàng đặt con dao rọc giấy lên cửa kính, áp mặt dao nhẵn và lạnh lên má, và suýt bật cười to vì nỗi mừng vui bỗng nhiên tràn ngập trong lòng. Nàng cảm thấy gân não mỗi lúc một căng ra, như sợi dây đàn vĩ cầm vừa lên. Nàng thấy như mắt mình mở to lắm, ngón chân và ngón tay đang co lại, một sức nặng đè gí nàng xuống và những hình ảnh cùng âm thanh đập vào nàng với sức mạnh kì lạ trong cảnh tối chập chờn này. Mỗi lúc, nàng lại tự hỏi xem con tàu đang chạy tới hay chạy lui, hoặc dừng lại rồi. Có phải Annusca vẫn ở cạnh hay một người đàn bà không quen nào khác? Có cái gì trên tay ghế bành kia? Cái áo choàng lông hay một con vật? Và chính mình nữa, mình có thật là mình hay là người khác đấy?” Nàng bỗng sợ sẽ đắm mình trong trạng thái mất tri giác này. Có cái gì lôi cuốn nàng vào đấy, nhưng nàng vẫn có thể dứt ra khỏi và cưỡng lại theo ý muốn. Nàng đứng lên để định thần, vứt mền phủ chân và cởi áo choàng ra. Một phút sau, nàng trấn tĩnh lại và hiểu ra rằng cái người gầy gò vừa bước vào, mặc áo bành tô dài màu vàng đứt cúc là bác tài xế, rằng bác ta vừa đến để xem hàn thử biểu, rằng gió và tuyết theo bác ùa vào qua cửa ra vào; nhưng tiếp đấy, mọi thứ lại nhòa đi… Anh nông dân cao lớn bắt đầu gặm nhấm bức tường; bà lão duỗi thẳng hai chân dọc suốt toa tàu và nhả ra một đám mây đen phủ đầy toa; tiếp đó, có tiếng ken két, theo sau là tiếng đập như ta vừa xé ai ra làm hai mảnh; một tia lửa đỏ làm nàng lóa cả mắt, rồi biến mất sau tường. Anna có cảm giác như rơi xuống vực thẳm. Nhưng tất cả những chuyện đó đáng lẽ phải ghê sợ lắm thì lại hóa ra trò vui. Cái người quần áo trùm kín và phủ đầy tuyết thét vào tai nàng một cái tên nào đó. Nàng đứng dậy và cố định thần; nàng hiểu ra tàu sắp đến ga và đó là người soát vé. Nàng bảo Annusca đưa áo và khăn; nàng mặc vào người rồi ra cửa.

– Bà muốn ra ngoài ạ? – Annusca hỏi.

– Phải, tôi muốn thở một chút, trong này ngột ngạt lắm. – Nàng kéo cánh cửa. Tuyết và gió ùa vào, và đẩy sập cửa lại. Nàng thấy thật ngộ nghĩnh. Nàng mở cửa và bước ra. Cơn gió như vẫn đợi nàng. Nó bắt đầu rít lên khoái trá, muốn cuốn lấy và lôi nàng đi, nhưng nàng bíu chắc một tay vào lan can giá lạnh, còn tay kia giữ khăn, nàng bước xuống sân ga và đứng núp sau toa. Gió thổi mạnh nhưng trên sân ga, sau các toa xe, có một khoảng lặng gió. Nàng khoan khoái thở đầy lồng ngực không khí lạnh giá, và nhìn quanh sân “ke” và căn nhà ga sáng đèn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.