Anna Karenina (Tập 1)
Phần 1 – Chương 13
30
Gió lồng lộn; từ một góc nhà ga thổi tới, gió luồn xuống dưới bánh xe và giữa hàng cột dây thép. Toa xe, cột dây thép, mọi người, tất cả những gì trong tầm mắt đều bị lớp tuyết mỗi lúc dày phủ kín một bên. Cơn bão dịu đi chừng một giây, rồi lại tiếp tục nổi lên điên cuồng như không gì cản được. Mặc dầu vậy, vẫn có mấy người chạy đi chạy lại lăng xăng, gọi nhau vui vẻ, làm cót két sàn gỗ sân ga, mở ra đóng vào cửa nhà ga luôn xoành xoạch. Có bóng đàn ông lom khom luồn ở dưới chân Anna rồi có tiếng búa đập vào sắt. “Mang bức điện lại đây!”, từ phía bên kia bóng đêm, có tiếng giận dữ gào lên. “Đây cơ, số 28!” Nhiều tiếng kêu lên, và những người mặc quần áo ấm chạy dọc sân ga. Hai ông đi qua trước mặt Anna, miệng ngậm thuốc lá đang cháy. Nàng hít mạnh lần nữa, như để chứa đầy không khí vào lồng ngực, và thò tay ra ngoài bao tay để bíu vào lan can, sắp sửa trở lên toa thì một người đàn ông mặc áo capốt nhà binh đến đứng chắn giữa nàng và ánh lửa rung rinh của cây đèn lồng. Nàng quay lại và lập tức nhận ra Vronxki. Chàng nghiêng đầu chào, tay để lên vành mũ, hỏi nàng có cần gì không và có thể giúp gì được nàng. Nàng nhìn chàng khá lâu không trả lời, và mặc dầu chàng đứng trong bóng tối, nàng vẫn nhìn thấy hay tưởng như nhìn thấy cả đôi mắt lẫn vẻ mặt chàng. Vẫn cái vẻ ngưỡng mộ kính cẩn hôm trước đã khiến nàng xúc động mãnh liệt. Mấy hôm nay và ngay cả bây giờ, nàng nhiều lần tự nhủ đối với mình, Vronxki chỉ là một trong số những thanh niên bao giờ cũng giống nhau, thường thấy nhan nhản trong giới thượng lưu, và không bao giờ nàng sẽ còn nghĩ đến chàng nữa. Nhưng bây giờ, gặp lại chàng đây, nàng bỗng cảm thấy một niềm vui sướng tự hào xâm chiếm tâm hồn. Nàng không cần tự hỏi xem tại sao chàng lại ở đây. Nàng biết rõ nguyên cớ như thể chính chàng đã thú nhận mục đích đến đây là để có mặt ở nơi có nàng.
– Tôi không biết là ông cũng đi. Tại sao ông lại rời Moxcva? – Nàng nói, buông tay khỏi lan can. Và một niềm vui sướng không nén nổi bỗng sáng trên khuôn mặt.
– Tại sao tôi rời Moxcva? – chàng nhắc lại và nhìn thẳng vào mắt nàng. – Bà cũng biết là để được có mặt ở chỗ nào có bà, tôi không thể làm khác được. – Giữa lúc ấy, một cơn gió như đã chiến thắng mọi chướng ngại, quét tuyết trên nóc toa xe, làm rung loảng xoảng một lá tôn bị lật. Xa xa, còi tàu réo gọi ai oán. Tất cả vẻ khủng khiếp của lúc này, đối với Anna, lại càng như đẹp hơn bao giờ hết. Chàng đã nói đúng những lời tâm hồn nàng đang khao khát, nhưng lý trí lại e sợ. Nàng không đáp lại và chàng đọc trên nét mặt nàng cả cuộc đấu tranh đang diễn ra trong nàng.
– Xin bà tha lỗi nếu những lời tôi vừa nói làm bà phật ý, – chàng nói tiếp, giọng phục tùng.
Chàng nói lễ phép, kính cẩn nhưng bằng một giọng chắc chắn và cương quyết, đến nỗi nàng ngây ra hồi lâu không trả lời được.
– Vâng, lời ông vừa nói là không tốt, và nếu là người lịch sự, xin ông hãy quên nó đi, cũng như tôi sẽ quên, – cuối cùng nàng nói.
– Tôi sẽ không bao giờ quên và không bao giờ có thể quên được bất cứ lời nói hoặc cử chỉ nào của bà…
– Ông im đi, ông im đi! – nàng kêu lên, và cố gắng một cách vô hiệu tạo ra một bộ mặt nghiêm khắc, bộ mặt mà chàng đang say sưa ngắm. Nắm lấy lan can lạnh giá, nàng trèo lên bậc và đi vội vào trong toa. Đến cửa toa, nàng dừng lại, ôn lại trong đầu câu chuyện vừa xảy ra. Nàng không nhớ cả lời mình lẫn lời Vronxki nói, nhưng cảm thấy câu chuyện quá ngắn ngủi này đã làm hai người nhích gần lại nhau một cách kỳ lạ, khiến nàng vừa sung sướng lại vừa sợ hãi. Nàng đứng yên không động đậy trong vài giây, rồi bước vào toa xe và ngồi xuống ghế. Tâm trạng căng thẳng giày vò nàng từ lúc bắt đầu lên đường không những không giảm sút mà còn tăng lên: nàng sợ sẽ có gì đổ vỡ trong người. Suốt đêm nàng không sao ngủ được. Nhưng trạng thái thần kinh căng thẳng cùng những giấc mơ tràn ngập trí tưởng tượng đều không có gì khó chịu; trái lại, chúng vừa vui vẻ, nồng cháy, lại vừa phấn chấn. Về sáng, Anna cứ ngồi trên ghế bành ngủ; khi tỉnh dậy, trời đã sáng rõ và tàu gần đến Peterburg. Thế là chuyện nhà cửa, chồng con và những lo lắng của ngày hôm ấy và các ngày sau lập tức trở lại ký ức. Tàu vừa đỗ, nàng bước xuống và khuôn mặt đầu tiên nàng nhìn thấy là ông chồng. “Chao, lạy Chúa tôi! Sao đôi tai ông ấy lại to đến thế kia?”, nàng vừa nghĩ thầm vừa nhìn vào khuôn mặt lạnh lùng, tao nhã của chồng, nhất là đôi vành tai đội cả vành mũ tròn lên và đã khiến nàng sửng sốt. Ông trông thấy vợ, chạy ra đón, môi nhếch lên trong nụ cười châm biếm quen thuộc và đôi mắt to mỏi mệt chằm chằm nhìn vợ. Một cảm giác nặng nề như thắt lấy tim, khi nàng bắt gặp cái nhìn trân trân và mệt mỏi này: hình như nàng đang chờ gặp một người nào khác kia. Đặc biệt nàng ngạc nhiên về cái cảm giác bất mãn với bản thân khi nhìn thấy chồng. Đây là một cảm giác có từ lâu, quen thuộc, giống như cái gượng gạo nàng thường cảm thấy trong quan hệ với chồng; trước kia, nàng chưa nhận thức ra cảm giác này, bây giờ nó hiện ra rõ ràng: nàng đâm rất buồn.
– Mình thấy đấy, tôi vẫn là người chồng âu yếm, y như cái năm đầu chúng ta lấy nhau: tôi nóng lòng gặp mình, – ông ta nói chậm rãi và nhỏ nhẹ, bằng cái giọng giễu cợt vẫn dùng để nói với vợ, như kiểu muốn chế nhạo những ai nói như thế thật.
– Xerioja khỏe chứ? – nàng hỏi chồng.
– Tất cả phần thưởng cho nhiệt tình của tôi hóa ra chỉ có thế thôi đấy! – ông ta nói. – Ừ, con khỏe lắm, con khỏe lắm…
31
Đêm hôm đó, Vronxki không nghĩ đến chuyện ngủ nữa. Chàng cứ ngồi trong ghế bành, khi nhìn thẳng trước mặt, lúc nhìn kẻ ra người vào, và nếu trước kia chàng đã khiến người lạ phải ngạc nhiên, bối rối vì vẻ bình thản trơ trơ của mình, thì lúc này chàng lại càng có vẻ kiêu hãnh, lạnh lùng hơn bao giờ hết. Chàng nhìn mọi người như vật vô tri. Một chàng trai nóng nảy, nhân viên tòa án quận, ngồi trước mặt, vì thế mà căm ghét chàng thực sự. Hắn xin lửa, khơi chuyện với chàng, thậm chí còn xô chàng để tỏ ra hắn cũng là một con người chứ không phải một đồ vật, nhưng Vronxki vẫn nhìn hắn như nhìn cây đèn lồng. Mặt gã trai trẻ bỗng giật giật và hắn cảm thấy mất bình tĩnh, sôi tiết lên vì bị ngơ đi tới mức ấy. Vronxki không nhìn gì, cũng chẳng thấy ai. Chàng tưởng như mình đã hóa thành một vị hoàng đế, không phải vì tự cho mình đã làm Anna xúc động (chàng chưa dám nghĩ điều đó), mà vì ấn tượng nàng để lại khiến chàng dạt dào sung sướng, tự hào. Chuyện này rồi sẽ ra sao, chàng không biết và cũng không nghĩ đến nữa. Chàng cảm thấy tất cả sức lực mình, cho đến nay phân tán, giờ được tập trung và hướng vào mục đích duy nhất với một nghị lực phi thường. Và vì thế chàng sung sướng. Chàng chỉ biết mình đã nói thật với nàng: chàng đến bất cứ nơi nào có mặt nàng, hạnh phúc và ước vọng duy nhất của chàng từ nay trở đi là được nhìn thấy nàng và nghe nàng nói. Cho nên khi xuống tàu ở Bôlôgôvô để uống cốc nước suối, và khi nhìn thấy Anna, câu đầu tiên chàng bất giác nói với nàng đã bộc lộ điều chàng đang nghĩ. Chàng sung sướng đã nói ra điều đó với nàng; bây giờ, nàng đã biết điều đó, nàng đang suy nghĩ về điều đó. Chàng thức suốt đêm. Sau khi trở về chỗ, chàng nhớ lại tất cả các lần gặp nàng, tất cả những lời nàng nói và cảm thấy lòng dạ xốn xang khi tưởng tượng đến một tương lai có thể đạt được. Khi xuống ga Peterburg, chàng cảm thấy, sau cái đêm không ngủ, người vẫn thư thái và tươi tỉnh như vừa tắm nước lạnh xong. Chàng vẫn đứng gần toa mình, đợi Anna đi ra. “Mình còn gặp nàng lần nữa, chàng tự nhủ và bất giác mỉm cười, mình sẽ được thấy dáng đi, khuôn mặt nàng; có khi nàng còn nói đôi câu với mình nữa.” Nhưng trước khi thấy nàng, chàng đã nhìn thấy ông chồng, theo sau là viên sếp ga kính cẩn hộ tống trong đám đông. “À, phải, ông chồng!” Lần đầu tiên, Vronxki hiểu rõ người chồng này là một bộ phận trong cuộc đời Anna. Chàng biết nàng có chồng, nhưng không tin ông ta hiện đang tồn tại; chàng chỉ thật sự tin là thế khi nhìn thấy ông ta với cái đầu, đôi vai, và đôi chân mặc quần đen; chàng càng phải tin là thế khi thấy người chồng đó thản nhiên khoác tay Anna, với ý thức chủ nhân. Trông thấy Alecxei Alecxandrovitr với bộ mặt hồng hào của người Peterburg, vẻ nghiêm nghị và tự tin, đội mũ tròn, lưng hơi gù, chàng mới tin là có ông ta thật và thấy một cảm giác khó chịu, cảm giác của một người đang bị cơn khát giày vò, và khi lết được đến tận dòng suối thì thấy một con chó, một con cừu hay con lợn đã vục mõm làm nước vẩn đục lên rồi. Dáng đi cứng nhắc và nặng nề của Alecxei Alecxandrovitr làm Vronxki bực vô cùng. Chàng thấy chỉ chàng mới có quyền yêu Anna. Nhưng nàng thì vẫn thế, và bao giờ thấy nàng, chàng cũng bị kích thích mạnh mẽ, người rạo rực, tâm hồn phấn khởi và tràn ngập hạnh phúc. Chàng sai tên hầu người Đức vừa từ toa hạng hai chạy đến, lấy hành lý mang về nhà, và lại gần nàng. Chàng được chứng kiến cuộc gặp gỡ của đôi vợ chồng và, với sự sắc sảo của kẻ đang yêu, chàng nhận ra vẻ lúng túng của nàng khi trả lời chồng. “Không, nàng không yêu lão ta, nàng không thể yêu lão ta được”, chàng thầm khẳng định. Trong khi đi về phía nàng, chàng vui sướng nhận ra là nàng linh cảm thấy chàng đang lại gần và liếc mắt về phía sau; lúc nhận ra chàng, nàng quay về phía chồng.
– Đêm qua, bà có ngủ được không? – chàng nói với nàng, cúi chào cả hai vợ chồng cùng một lúc, để Alecxei Alecxandrovitr có thể cho đó là chào ông ta, rồi sau có nhận cái chào đó hay không tùy ý.
– Xin cảm ơn ông, tôi ngủ ngon lắm, – nàng trả lời.
Mặt nàng có vẻ mệt mỏi, và đã biến mất cái nét vui tươi vẫn lộ ra, khi trên nụ cười, khi trong khóe mắt, nhưng cặp mắt nàng nhìn lóe lên một tia sáng và mặc dầu ánh lửa ấy vụt tắt ngay, chàng vẫn sung sướng. Nàng nhìn chồng để dò xem ông ta có quen Vronxki không. Alecxei Alecxandrovitr ngắm Vronxki, vẻ không hài lòng, như cũng mang máng nhớ. Vẻ bình tĩnh, chững chạc của Vronxki lúc này đã va chạm với vẻ tự tin lạnh lùng của Alecxei Alecxandrovitr.
– Đây là bá tước Vronxki, – Anna nói.
– À! Hình như chúng tôi có biết nhau, – Alecxei Alecxandrovitr nói, giọng hững hờ và đưa tay cho Vronxki bắt. – Mình ra đi với bà mẹ nay lại trở về với ông con, – ông nói tách bạch từng chữ như đếm từng đồng rúp. – Chắc ông đi nghỉ về? – ông hỏi, và không đợi trả lời, lại dùng giọng bông đùa hỏi vợ: – Lúc chia tay ở Moxcva, người ta có chảy nhiều nước mắt lắm không? – Bằng thái độ ấy, ông tỏ cho Vronxki biết ông muốn đi một mình với vợ, và quay về phía chàng, ông sờ tay lên mũ; nhưng Vronxki nói với Anna Arcadievna:
– Tôi hi vọng được vinh dự đến thăm bà tại nhà, – chàng nói. Alecxei Alecxandrovitr đưa mắt mệt mỏi nhìn Vronxki.
– Rất sung sướng, – ông lạnh lùng đáp, – chúng tôi thường tiếp khách vào thứ hai. – Sau khi cáo từ Vronxki, ông nói tiếp với vợ bằng giọng pha trò: – May mắn làm sao tôi lại có đúng nửa giờ để đón mình và tỏ lòng trìu mến mình.
– Quả là mình nhấn mạnh quá nhiều sự trìu mến của mình để tôi đánh giá nó đúng mức, – nàng đáp, cũng bằng giọng ấy và vô tình vẫn lắng nghe tiếng chân Vronxki đi đằng sau. “Mặc kệ”, nàng nghĩ thầm và hỏi chồng xem khi mình đi vắng, Xerioja đã làm gì.
– Rất tốt! Mariét nói là con ngoan lắm, và… tôi nói điều này mình sẽ buồn đây… xa mình, con nó chẳng nhớ bằng chồng mình đâu. Một lần nữa, cảm ơn em của anh đã về sớm hơn một ngày. Chị “Âm đun trà” quý hóa của chúng ta chắc mừng lắm (ông vẫn gọi nữ bá tước trứ danh Lidia Ivanovna như vậy, vì bất cứ lúc nào bà này cũng lăng xăng và sôi sùng sục). Chị ấy lo cho mình lắm. Và nếu tôi được phép khuyên mình một câu thì mình nên đến thăm chị ấy ngay hôm nay đi. Mình hẳn biết chị ấy lúc nào cũng quan tâm đến đủ mọi thứ. Hiện nay, ngoài tất cả các điều lo lắng khác, chị ấy còn rất bận tâm đến việc dàn hòa cho vợ chồng Oblonxki. – Nữ bá tước Lidia Ivanovna là bạn thân của ông và là nhân vật trung tâm của một câu lạc bộ thuộc xã hội thượng lưu ở Peterburg mà Anna vì chiều chồng vẫn thường lui tới.
– Nhưng em viết thư cho chị ấy rồi.
– Chị ấy muốn biết hết ngọn ngành kia. Nếu không mệt quá, mình nên lại đấy đi, mình ạ. Kônđrat sẽ đưa xe đến đón, còn tôi, tôi đi họp nội các. Thế là tôi không phải ăn một mình nữa, – Alecxei Alecxandrovitr nói tiếp, lần này bằng giọng đứng đắn. – Mình không thể tưởng tượng là tôi đã quen đến mức nào với…
Và ông siết chặt tay vợ thật lâu, đỡ vợ lên xe với một nụ cười đặc biệt.
32
Khuôn mặt đầu tiên Anna trông thấy khi về đến nhà là cậu con trai. Mặc cho nữ gia sư phản đối, chú bé cứ chạy vụt xuống thang gác, miệng kêu: “Mẹ! Mẹ!” trong nỗi vui sướng cuống cuồng. Chạy tới bên mẹ chú đu ngay lên cổ.
– Em đã bảo đúng là mẹ mà, – chú reo lên với nữ gia sư. – Em biết mà!
Nhưng con nàng, cũng như ông chồng, gợi cho Anna một cảm giác gần như thất vọng. Nàng đã tưởng tượng con đẹp hơn trong thực tế. Nàng đành quay trở về thực tại mà vui với đứa con trai vốn chỉ thế thôi, không hơn không kém; tuy nhiên nó thật kháu khỉnh với mớ tóc búp, cặp mắt xanh, đôi chân nhỏ, rắn chắc đi tất thật căng. Anna cảm thấy một niềm vui gần như thể xác khi được nhìn mặt con, được nó vuốt ve, và một an ủi tinh thần khi thấy lại cái nhìn đầy yêu thương trong trắng và tin cậy, và được nghe những câu hỏi ngây thơ của nó. Anna giở những quà của lũ con Doli gửi cho nó và kể cho nó nghe là ở Moxcva có đứa con gái tên là Tania, và cô bé Tania này biết đọc, lại còn dạy các em trai em gái đọc nữa.
– Thế con không ngoan bằng nó ư? – Xerioja hỏi.
– Với mẹ, thì không ai ngoan hơn con ở trên đời này cả.
– Con biết mà, – Xerioja mỉm cười nói. Anna chưa kịp uống cà phê thì người nhà đã vào báo có nữ bá tước Lidia đến. Nữ bá tước là một người cao lớn, mặt vàng bủng và bệnh hoạn, đôi mắt đen, đẹp và tư lự. Anna mến bà ta nhưng hôm đó, lần đầu tiên nàng như nhìn thấy tất cả các tật xấu của bà.
– Thế nào, bà chị thân mến, bà chị đã mang được cành ôliu về rồi chứ(33)? – nữ bá tước Lidia Ivanovna vưa bước vào phòng đã hỏi ngay.
(33) Ý nói: “bà chị đã hòa giải được đôi bên rồi chứ? “. Ở phương Tây, cành ôliu (olivier) tượng trưng cho hòa bình.
– Vâng. Xong xuôi cả rồi, nhưng không đến nỗi nghiêm trọng như chúng mình tưởng đâu, – Anna trả lời. – Bà chị dâu tôi thường hay quyết định vội vã quá đó thôi.
Tuy nữ bá tước Lidia Ivanovna hay quan tâm đến tất cả những gì không dính dáng đến mình, nhưng lại có thói quen không bao giờ chịu nghe những điều bà quan tâm; bà ngắt lời Anna.
– Phải, trên đời này, thật có biết bao điều buồn phiền và đau khổ. Tôi thấy kiệt sức rồi.
– Tại sao thế? – Anna hỏi, cố giấu một nụ cười.
– Tôi bắt đầu chán cái cảnh đi tranh luận vô ích cho chân lý, và thỉnh thoảng tôi hoàn toàn thất vọng. Công cuộc của các bà phước (đây là một tổ chức từ thiện và ái quốc – tôn giáo) lúc đầu thì tốt, nhưng đối với các ông ấy thì không thể nào làm được việc gì, – nữ bá tước Lidia Ivanovna nói thêm, giọng nhẫn nhục mỉa mai. – Họ vớ ngay lấy dự kiến của tôi để bóp méo đi và họ có nhiều lối nhìn thật ti tiện, thật vô nghĩa! Chỉ có hai hay ba người, trong đó có ông chồng chị, là biết được hết tầm quan trọng của công cuộc này, còn những người khác chỉ độc dèm pha. Hôm qua, Pravdin viết thư cho tôi… Pravdin nổi tiếng là một người chủ trương thuyết liên kết người Xlav, ông ta sống ở nước ngoài. – Nữ bá tước Lidia Ivanovna kể lại những điều ông viết trong thư. Sau đó, bà kể những điều phiền toái và mắc mớ mà công việc của liên hiệp Hội thánh gặp phải, rồi vội vã ra đi vì hôm đó bà còn phải dự họp ở một hội nào đấy và ở ủy ban Xlav. “Nhưng trước đây, chị ta đã thế rồi, sao mình không sớm nhận ra điều ấy? Anna tự nhủ. Hay có lẽ hôm nay chị ta bị kích thích thần kinh một cách đặc biệt chăng? Thật cũng nực cười: mục tiêu của chị ta là đức hạnh, chị ta có đạo, thế mà lúc nào cũng nổi nóng, lúc nào cũng có thù địch, mà kẻ thù của chị ta lại là những người có đạo, chỉ lấy đức hạnh làm mục tiêu.”
Sau nữ bá tước Lidia Ivanovna, một người bạn gái, vợ một quan chức cao cấp, đến kể cho Anna nghe tất cả các chuyện phiếm trong tỉnh. Alecxei Alecxandrovitr đang ở Bộ. Còn một mình trong lúc đợi bữa ăn chiều, Anna ngồi xem con ăn (nó ăn riêng), thu dọn đồ đạc, xem thư từ chất đống trên bàn và viết thư trả lời. Nỗi bối rối và hổ thẹn vô cớ nàng cảm thấy trong lúc đi đường hoàn toàn mất hẳn. Trở về hoàn cảnh quen thuộc của cuộc sống riêng, nàng lại thấy mình vững vàng và không có gì đáng chê trách. Nàng ngạc nhiên nhớ lại tâm trạng của mình hôm trước. “Việc gì đã xảy ra nhỉ? Không có gì cả. Vronxki có nói một câu tầm bậy, mình có thể dễ dàng chấm dứt việc ấy, và mình trả lời anh ta thích đáng rồi. Chẳng cần phải nói lại với chồng chuyện đó nữa, như thế là quan trọng hóa những việc không đáng kể.” Nàng nhớ có lần cho chồng biết chuyện một gã thanh niên dưới quyền ông đã buông lời tỏ tình bóng gió với nàng, Alecxei Alecxandrovitr trả lời là một phụ nữ thượng lưu lúc nào cũng có thể gặp những chuyện như vậy, nhưng ông hoàn toàn tin ở sự tế nhị của nàng, và không bao giờ tự cho phép mình ghen tuông, làm thế chỉ nhục cho nàng và cả cho ông. “Vậy thì chẳng việc gì mà phải nói. Vả lại, đội ơn Chúa, mình cũng không có gì để nói kia mà”, nàng thầm nhủ.
33
Alecxei Alecxandrovitr ở Bộ về lúc bốn giờ, nhưng, như vẫn thường xảy ra nhiều lần, ông không có thì giờ vào phòng vợ. Ông tới phòng làm việc để tiếp những người đến cầu cạnh đang ngồi đợi, và ký một vài giấy tờ do viên chánh văn phòng mang lại. Dự bữa chiều (bao giờ cũng có ba hay bốn người tới ăn chiều ở nhà Carenin) có một bà chị họ già của Alecxei Alecxandrovitr, vợ chồng một quan chức cao cấp ở Bộ và một chàng trai trẻ được giới thiệu đến với Alecxei Alecxandrovitr. Anna ra phòng khách tiếp họ.
Năm giờ đúng (chiếc đồng hồ bằng đồng đen từ thời Pie đệ nhất chưa đánh xong tiếng thứ năm), Alecxei Alecxandrovitr bước vào, thắt cravat trắng, và mặc lễ phục có đính hai huân chương, vì sau bữa ăn ông phải đi ngay. Mỗi giờ phút của Carenin đều có công việc và chủ đích rõ ràng. Để thu xếp đầy đủ mọi việc trong ngày, ông buộc mình phải triệt để theo đúng giờ giấc. “Không vội vã và không nghỉ ngơi”, đó là phương châm của ông. Ông vào phòng khách, chào mọi người, vội vã ngồi xuống và mỉm cười với vợ.
– Phải, từ nay tôi không còn phải cô độc nữa. Mình không thể tưởng được ngồi ăn một mình khó chịu biết chừng nào (ông nhấn mạnh vào chữ khó chịu). – Trong bữa ăn, ông hỏi han vợ tình hình ở Moxcva, và hỏi tin tức Xtepan Arcaditr với nụ cười giễu cợt; nhưng câu chuyện vẫn là chung cho mọi người: họ bàn về công việc và xã hội thượng lưu ở Peterburg. Sau bữa ăn, ông nán lại với khách nửa giờ và sau khi bắt tay vợ, vẫn với nụ cười, ông đi dự họp Nội các. Hôm ấy, Anna không đến chơi quận chúa Betxi Tverxcaia, bà này được tin nàng về, đã mời đến chơi vào buổi chiều; nàng cũng không đến nhà hát, tuy đã giữ chỗ hôm đó rồi. Nàng ở nhà vì cái áo dài định mặc chưa chữa xong. Sau khi khách ra về, nàng xem lại tủ áo một lượt và thất vọng vô cùng. Trước khi tới Peterburg, Anna vốn có tài ăn mặc lịch sự mà chỉ tốn ít tiền, đã đưa cho bà thợ may chữa ba chiếc áo. Phải sửa những áo đó sao cho không ai nhận ra được nữa, và đáng lẽ cả ba cái phải xong từ ba hôm rồi. Nhưng hai chiếc chưa xong còn chiếc thứ ba lại không sửa đúng ý Anna. Bà thợ may đến phân trần, cả quyết là làm như vậy hợp hơn, khiến Anna bừng bừng nổi giận, đến nỗi sau đấy nàng phải hổ thẹn. Nàng sang phòng trẻ cho nguôi giận và cả buổi tối ngồi với con trai. Nàng tự cho con đi ngủ, làm dấu phép và giắt chăn nệm cho con. Nàng lấy làm vừa ý là đã không đi đâu và đã qua một buổi tối thật dễ chịu. Nàng cảm thấy nhẹ nhàng, khuây khỏa và thấy rõ tất cả những gì trong chuyến đi dường như tối quan trọng thật ra chỉ là một sự kiện nhỏ nhặt trong cuộc sống thượng lưu và nàng không việc gì phải hổ thẹn với mình hay với bất cứ ai. Nàng ngồi bên lò sưởi với cuốn tiểu thuyết tiếng Anh và đợi chồng. Đúng chín giờ rưỡi có tiếng ông ta giật chuông và bước vào phòng.
– À, mình đã về! – nàng nói và chìa tay cho chồng. Ông hôn tay vợ và ngồi xuống cạnh.
– Nói chung, tôi thấy chuyến đi của mình thành công rực rỡ, – ông nói.
– Phải, – nàng trả lời và kể lại cho chồng nghe tất cả từ đầu: cuộc hành trình của nàng cùng với mẹ Vronxki, khi tới nơi, và tai nạn ở ga. Rồi nàng tả cái cảm giác thương xót trước hết là đối với mình, sau nữa đối với Doli.
– Tôi không thừa nhận là có thể tha thứ cho một người đàn ông như vậy, dù đó là anh mình, – Alecxei Alecxandrovitr nói, giọng nghiêm khắc. Anna mỉm cười. Nàng hiểu chồng nói vậy chính là để tỏ rằng sự kính nể đối với gia đình cũng không ngăn cản ông thành thật bộc lộ ý kiến. Nàng biết rõ nét cá tính ấy và vẫn phục chồng về điểm này.
– Tôi rất hài lòng là mọi việc đều ổn thỏa, và mình đã trở về, – ông nói tiếp. – Thế ở đấy, người ta có bàn tán gì về cái điều lệ mới tôi vừa đưa vào Nội các không?
Không ai nói gì về việc ấy với Anna, và nàng hổ thẹn sao lại dễ quên đến thế cái điều rất quan trọng đối với chồng.
– Ở đây, trái lại, có rất nhiều dư luận sôi nổi về vấn đề ấy, – ông nói với nụ cười thỏa mãn.
Nàng hiểu là Alecxei Alecxandrovitr muốn kể cho nàng nghe vài chi tiết thú vị về vấn đề này, và nàng hỏi để gợi cho ông nói ra. Vẫn với nụ cười thỏa mãn, ông tả lại cho vợ những tràng pháo tay hoan hô mình sau khi đưa ra biện pháp mới ấy.
– Tôi rất, rất hài lòng. Điều đó chứng tỏ rằng, cuối cùng ở đây, người ta đã bắt đầu có những ý kiến kiên quyết và sáng suốt về vấn đề này.
Uống xong tách trà pha kem thứ hai với bánh mì, Alecxei Alecxandrovitr đứng dậy về phòng làm việc.
– Mình không đi chơi à? Chắc mình buồn? – ông hỏi vợ.
– Ồ không! – nàng trả lời, rồi cũng đứng dậy và đưa chồng đến tận cửa phòng làm việc. – Lúc này mình đang đọc gì thế?
– Tập “Địa ngục thi ca” của công tước Lilơ, – ông đáp. – Một cuốn sách rất đặc sắc.
Anna mỉm cười, như người ta thường cười các nhược điểm của người mình yêu, và khoác tay chồng, đưa đến tận cửa phòng làm việc. Nàng biết thói quen đọc sách của chồng buổi tối đã trở thành nhu cầu. Nàng biết, mặc dầu bận công việc gần hết thời gian, ông vẫn coi mình có bổn phận phải theo sát tất cả những gì có vẻ lý thú trong giới trí thức. Nàng còn biết rằng ông quan tâm thực sự đến các sách chính trị, triết học và tôn giáo, rằng nghệ thuật về thực chất hoàn toàn xa lạ đối với ông, nhưng mặc dầu thế, hay đúng hơn chính vì thế mà Alecxei Alecxandrovitr không bỏ qua một cái gì đã gây dư luận trong lĩnh vực này và buộc mình phải đọc tất cả. Nàng biết rằng về mặt chính trị, triết học và tôn giáo thì Alecxei Alecxandrovitr còn hoài nghi hoặc tìm tòi; trái lại về nghệ thuật, về thơ và nhất là về âm nhạc, những môn ông hoàn toàn không thể hiểu nổi thì ông lại có ý kiến kiên quyết và dứt khoát nhất. Ông ưa nói đến Shakespeare, đến Rafael, Bêthôven, đến tầm quan trọng của các trường phái mới về thơ ca và âm nhạc, mà ông xếp loại một cách quá lôgich.
– Thôi, cầu Chúa ban phước lành cho mình! – nàng nói với chồng ở cửa phòng làm việc; trong phòng, chiếc chụp đèn úp trên cây nến và bình nước đặt gần ghế bành đã sẵn sàng. – Còn em, em đi viết thư về Moxcva đây. – Ông bắt tay và hôn tay vợ lần nữa. “Dù sao, chồng mình cũng là một con người ưu tú: thẳng thắn, tốt bụng, và xuất sắc trong giới ông ấy, Anna thầm nghĩ khi quay về phòng riêng, như thể nàng đang phải bênh vực chồng chống lại một người nào đó đang buộc tội ông và bảo nàng rằng không thể yêu ông ta được. Nhưng tại sao đôi tai ông ấy lại vểnh lên đến thế? Có lẽ ông ấy cắt tóc quá ngắn chăng?” Đúng nửa đêm, Anna còn ngồi trước bàn giấy, vừa viết xong bức thư cho Doli, thì nghe thấy tiếng bước chân đều đặn, êm nhẹ và Alecxei Alecxandrovitr đi giày vải, tắm rửa sạch sẽ, đầu tóc chải chuốt, tay cắp một cuốn sách, bước vào phòng nàng.
– Đến giờ rồi, đến giờ rồi, – ông nói với một nụ cười đặc biệt và đi sang phòng ngủ.
“Anh ta có quyền gì mà nhìn chằm chằm vào chồng mình như thế?” Anna thầm nghĩ, nhớ tới cái nhìn của Vronxki xoáy vào Alecxei Alecxandrovitr. Thay áo xong, nàng sang phòng ngủ, nhưng khuôn mặt đã mất cái vẻ phấn khởi toát ra từ đôi mắt và nụ cười khi ở Moxcva; giờ đây, ánh lửa đó như đã tắt trong nàng hay ẩn kín ở tận nơi nào xa thẳm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.