Anna Karenina (Tập 1)

Phần 2 – Chương 07



18

Mặc dầu tất cả cuộc sống nội tâm của Vronxki đều bị mối tình say đắm thu hút, cuộc sống bên ngoài của chàng vẫn không thay đổi và cứ tuồn tuột trôi theo cái đà của những quyền lợi và những quan hệ cũ ở ngoài xã hội cũng như trong trung đoàn, lôi cuốn đi. Những quyền lợi của trung đoàn chiếm địa vị quan trọng trong cuộc đời Vronxki, vì chàng yêu mến trung đoàn và hơn nữa vì ở đó người ta cũng yêu mến, mà còn kính trọng, tự hào vì chàng, hãnh diện vì con người vô cùng giàu có ấy, có học thức, tài năng, có đủ phương tiện để tự thỏa mãn mọi tham vọng và hư vinh, nhưng lại khinh rẻ mọi cái đó và đặt lợi ích của trung đoàn và của bạn bè lên trên mọi lợi ích phù hoa, Vronxki biết rõ bạn bè nghĩ gì về mình, và ngoài việc yêu thích cuộc sống đó, chàng còn thấy mình phải duy trì dư luận đó. Dĩ nhiên, chàng không thổ lộ mối tình của mình cho ai biết; ngay trong những bữa rượu túy lúy nhất, chàng cũng không hề để lộ chút gì khiến bạn bè có thể nghi ngờ (vả lại chàng cũng không bao giờ say đến nỗi không kiềm chế được mình), và hễ có kẻ láu táu định nói bóng gió đến cuộc dan díu ấy là chàng bịt miệng ngay. Tuy vậy, cả thành phố đều biết mối tình đó: ít nhiều người ta đều đoán được quan hệ của chàng với Carenin: phần đông đám trai trẻ lại ghen tị với chàng về chính cái điều khiến chàng khổ tâm nhất: đó là địa vị cao sang của Carenin, nó góp phần làm cho cuộc dan díu đâm ra lộ liễu.

Phần đông thiếu phụ, vốn ghen ghét với Anna và từ lâu đã chán tai với những lời tán tụng nàng là người đàn bà đoan chính, mừng rơn khi thấy điều dự đoán của mình được xác minh và chỉ chờ dư luận xoay chuyển rõ rệt là sẽ vùi dập nàng xuống dưới tất cả trọng lượng của lòng khinh bỉ. Họ chuẩn bị sẵn sàng xẻng bùn để chờ dịp là hất tung lên người nàng. Phần đông người già và kẻ có địa vị cao sang thì lấy làm tiếc cho vụ tai tiếng đang sắp vỡ lở. Bà mẹ Vronxki lúc đầu cũng hài lòng khi biết chuyện dan díu của con, vì, theo bà, không gì có thể điểm tô hoàn chỉnh cho một chàng thanh niên xuất sắc hơn là một vụ dan díu trong giới thượng lưu, và cũng vì nàng Carenina, người mà bà rất ưa thích, nhưng đã nói chuyện với bà khá lâu về đứa con trai nhỏ của mình, rốt cuộc cũng không khác gì (bà bá tước Vronxki nghĩ thế) mọi người đàn bà đẹp trong giới thượng lưu. Nhưng thời gian gần đây, bà được biết con trai đã từ chối một cương vị quan trọng cho bước đường sự nghiệp của chàng, chỉ cốt được ở lại trung đoàn và gần gũi Carenin cho nên các nhân vật cao cấp đã để bụng ghét chàng, và quan điểm của bà liền thay đổi. Bà cũng không vừa lòng ở chỗ việc dan díu này, theo bà nhận thấy, không phải là một vụ dan díu nổi bật, phù hoa, duyên dáng mà bà có thể tán thành, nhưng là một tấm tình si bi thảm, kiểu Vecte(47), có thể đưa con bà tới hành động dại dột. Bà chưa gặp lại con kể từ khi chàng đột ngột rời Moxcva và đã nhắn anh chàng bảo chàng về gặp bà. Ông anh cả của Vronxki cũng bất bình với em trai. Ông không hề quan tâm tìm hiểu mối tình đó sâu sắc hay nông nổi, say mê hay không, vững bền hay không (bản thân ông ta, tuy đã có mấy con, vẫn bao một vũ nữ, cho nên cũng có chiều rộng lượng), nhưng ông biết mối tình đó làm phật lòng những người lẽ ra cần chiều ý, cho nên ông phản đối thái độ em trai.

(47) Vecte: nhân vật trong tiểu thuyết Nỗi đau khổ của chàng Vecte của Goethe (1774). Vecte yêu một người đàn bà có chồng và cuối cùng đã tự sát.

Ngoài nhiệm vụ quân đội và công việc xã giao, Vronxki còn có một việc nữa: đó là đua ngựa, mà chàng rất ham thích.

Năm đó, các sĩ quan phải dự đua vượt chướng ngại. Vronxki đã nhờ ghi tên và mua một con ngựa cái giống Anh chính nòi; mặc dầu đang yêu, chàng vẫn say sưa chú ý đến việc chuẩn bị đua ngựa, tuy có ít nhiều dè dặt. Hai thú ham mê đó không mâu thuẫn nhau. Trái lại, chàng cần giải trí, cần một sự tiêu khiển không dính dáng gì đến mối tình: nhờ nó chàng được nghỉ ngơi và khuây bớt những xúc cảm mãnh liệt đang khuấy động trong lòng.

19

Ngày đua ngựa ở Kraxnôi Xelo, Vronxki đến ăn bít tết ở quán ăn sĩ quan sớm hơn thường lệ. Chàng không cần kiêng khem kĩ quá, vì chỉ cân nặng vừa đúng bốn pút rưỡi theo quy định; nhưng cũng không được béo hơn nữa, cho nên chàng kiêng ăn chất bột và của ngọt. Chàng ngồi xuống, áo quân phục cởi khuy mặc ngoài gi lê trắng, chống hai khuỷu tay lên bàn và trong khi chờ đợi món bít tết đã gọi, chàng mở một quyển tiểu thuyết Pháp đặt trên chiếc đĩa. Chàng nhìn vào quyển sách chỉ cốt khỏi phải nói chuyện với các sĩ quan đang đi ra đi vào, và suy nghĩ. Chàng nghĩ tới việc Anna đã hẹn gặp chàng hôm nay sau cuộc đua. Ba ngày nay, chàng không gặp nàng và cũng không hiểu hôm nay có gặp được không, vì chồng nàng vừa ở nước ngoài về. Làm thế nào biết chắc được việc đó? Chàng gặp nàng lần cuối ở biệt thự bà chị họ Betxi. Chàng gắng càng ít đến nhà Carenin càng hay. Bây giờ, chàng muốn tới đó và tự hỏi nên đến bằng cách nào. “Thôi được, mình sẽ nói là Betxi nhờ mình tới để hỏi xem nàng có đi xem đua ngựa không. Phải, mình đi thôi”, chàng quyết định và ngẩng đầu lên khỏi cuốn sách. Và chàng hình dung niềm vui sướng của cuộc gặp mặt sắp tới một cách rõ rệt đến nỗi mặt sáng hẳn lên.

– Anh đến nhà tôi và bảo thắng ngay ba con ngựa vào chiếc xe kiệu, – chàng nói với gã bồi bàn vừa bưng ra cái đĩa bạc đựng miếng bít tết còn nóng, và kéo đĩa về phía mình, bắt đầu ăn. Từ gian phòng bi a bên cạnh, vẳng tới tiếng bi lăn, tiếng cười nói. Hai sĩ quan hiện ra ở cửa vào; một người trẻ măng, mặt gầy mảnh, vừa tốt nghiệp trường Hoàng tộc thiếu sinh quân ra; người kia, già và to béo, đeo vòng ở cổ tay, đôi mắt nhỏ chìm trong lớp mỡ.

Vronxki nhìn họ, cau mày và giả tảng như không thấy, cúi xuống quyển sách, vừa ăn vừa đọc.

– Thế nào? Cậu tẩm bổ đấy à? – viên sĩ quan béo hỏi và ngồi xuống cạnh chàng.

– Trông đấy thì biết, – Vronxki đáp, mặt lầm lầm, lau mồm và không nhìn lão ta.

– Cậu không sợ béo lên à? – lão ta nói, kéo lui chiếc ghế tựa cho viên sĩ quan trẻ ngồi.

– Hả? – Vronxki bực dọc nói, nhăn mặt ghê tởm, để lộ hàm răng đều đặn.

– Cậu không sợ béo lên à?

– Bồi, rượu vang Xérès(48) nhé! – Vronxki gọi, không trả lời lão ta, và chuyển sách sang bên kia đọc tiếp. Viên sĩ quan to béo cầm lấy bảng kê tên rượu và quay lại bảo bạn:

(48) Xérès: rượu vang rất nổi tiếng của vùng Xeret Tây Ban Nha.

– Cậu chọn xem ta uống cái gì nào, – lão nói, chìa tấm bảng và nhìn anh ta.

– Rượu vang vùng Ranh chăng, – viên sĩ quan trẻ nói, rụt rè khẽ liếc nhìn Vronxki và lấy ngón tay cố núm lấy hàng ria mép vừa nhú. Thấy Vronxki không quay lại, viên sĩ quan trẻ liền đứng dậy.

– Ta sang phòng bi a đi, – anh ta nói. Viên sĩ quan to béo ngoan ngoãn đứng dậy và cả hai ra cửa. Vừa lúc đó, đại uý Yasvin, một người cao lớn và tuấn tú đi vào phòng; anh ta khinh khỉnh gật đầu chào hai sĩ quan và bước lại gần Vronxki.

– A! Đây rồi! – anh ta kêu lên, bàn tay to rộng vỗ thật mạnh lên vai Vronxki. Chàng nổi giận quay ngay lại, nhưng mặt bỗng dịu ngay xuống và trở lại cái vẻ dịu dàng, bình tĩnh vốn là đặc điểm của chàng.

– Hoan hô, Aliosa, – đại úy nói, giọng nam trung sang sảng. – Bây giờ cậu ăn đi, và uống một chén con nào.

– Mình không đói.

– Đôi bạn nối khố đấy, – Yasvin nói thêm và nhìn hai sĩ quan đang ra khỏi pòng, vẻ giễu cợt. Anh ta ngồi xuống cạnh Vronxki, gập đôi chân xương xẩu bó thít trong quần cưỡi ngựa và quá dài so với chiều cao ghế tựa. – Hôm qua sao cậu không tới Nhà hát? Numêrôva biểu diễn cũng không đến nỗi tồi đâu. Cậu ở đâu?

– Mình còn nán lại ở nhà Serbatxki, – Vronxki nói.

– À! – Yasvin nói. Yasvin, một con bạc trụy lạc, một người chẳng những sống vô lối mà còn tuân theo những nguyên tắc vô luân, là bạn thân nhất của Vronxki trong trung đoàn. Vronxki yêu anh ta vì sức khỏe kỳ lạ, trong nhiều trường hợp thường biểu lộ bằng cách nốc rượu như thùng tô nô, bằng cách không ngủ mà lúc nào trong người cũng sảng khoái; vì sức mạnh tinh thần to lớn thường biểu lộ trong quan hệ giữa anh ta với cấp trên và bè bạn, tất cả đều phải nể sợ và kính trọng, cũng như trong cờ bạc: anh ta dám đặt hàng vạn rúp và mặc dầu đã uống rượu, lúc nào cũng đặt cược rất điềm tĩnh và chính xác đến nỗi được coi là tay cờ bạc cừ nhất của câu lạc bộ Anh. Vronxki quý trọng và yêu mến Yasvin nhất do cảm thấy Yasvin yêu mến mình, không phải vì tên tuổi hoặc của cải, mà vì bản thân chàng. Đó là người duy nhất Vronxki có thể thổ lộ mối tình của mình. Chàng thấy mặc dầu Yasvin làm ra bộ miệt thị mọi thứ tình cảm, anh ta vẫn là người duy nhất có thể hiểu nổi mối tình say đắm mãnh liệt giờ đây đang tràn ngập cả đời chàng. Hơn nữa, chàng biết chắc Yasvin không hề thích ngồi lê mách lẻo và làm vỡ lở những chuyện tai tiếng, anh ta hiểu đúng đắn tình cảm đó, hiểu tình yêu không phai trò đùa, trò giải trí, mà là một cái gì nghiêm túc và quan trọng. Vronxki chưa bao giờ thổ lộ mối tình cho anh ta nghe, nhưng tin chắc anh ta biết hết, hiểu hết một cách thích đáng: cứ trông đôi mắt anh ta, chàng cũng thấy rõ và điều đó làm chàng dễ chịu.

– À phải! – Yasvin nói khi nghe tới tên Serbatxki; đôi mắt đen sáng lên long lanh và theo một tật xấu, anh núm hàng ria mép bên trái nhét vào miệng nhấm nhấm.

– Còn cậu, hôm qua làm gì? Được bạc chứ? – Vronxki hỏi.

– Tám nghìn rúp. Nhưng có ba nghìn thì không chắc. Mình không biết rồi ra họ có trả không.

– Cậu cũng có thể thua vì mình đấy, – Vronxki cười nói. (Yasvin đã cá một số tiền lớn là Vronxki sẽ thắng trong cuộc đua).

– Không đời nào. Chỉ có Makhotin là đáng gờm thôi. – Và câu chuyện xoay sang đua ngựa. Vronxki chỉ còn nghĩ tới chuyện đó.

– Ta đi thôi, mình xong rồi, – Vronxki nói và đứng dậy ra của, Yasvin đứng dậy theo, sau khi đã duỗi đôi chân to dài và vươn vai.

– Bây giờ mà ăn trưa thì còn sớm quá, nhưng mình phải uống đã. Mình sẽ đến ngay lập tức. Ê, rượu vang nhé! – anh ta gọi to bằng cái giọng hô nổi tiếng: một giọng trầm rất thấp làm rung chuyển cửa kính. – Mà thôi, không cần nữa! – anh ta bỗng lại nói ngay. – Nếu cậu về nhà thì mình sẽ theo về. Và cả hai cùng đi.

20

Vronxki ở căn nhà gỗ kiểu Phần Lan rộng và sạch có vách ngăn đôi. Pet’rixki cũng ở trong trại với chàng. Khi Vronxki và Yasvin bước vào thì anh ta còn ngủ.

– Dậy đi, ngủ thế đủ rồi, – Yasvin nói, ra sau vách và lay vai Pet’rixki, đầu tóc rối bù, mặt rúc vào gối. Pet’rixki bỗng quỳ dậy và nhìn quanh.

– Anh cậu có đến đây, – anh ta nói với Vronxki. – Ông ta đánh thức mình dậy, ma quỷ bắt ông ta đi! Ông ta bảo sẽ quay lại, – rồi anh lại kéo chăn lên và gieo mình xuống gối. – Kìa, để tớ yên nào, – anh nói, cáu với Yasvin đang lật chăn ra. – Để yên nào! – anh quay lại và mở mắt ra. – Tốt hơn là cậu bảo mình nên uống gì bây giờ: miệng mình đắng kinh khủng và…

– Rượu vốtka, không gì tốt hơn được nữa, – Yasvin nói giọng trầm trầm. – Teretsenco đem vôtka và dưa chuột ra cho chủ mày nhé! – anh gọi to, rõ ràng hài lòng được nghe thấy tiếng nói của chính mình.

– Rượu vôtka thật à? – Pet’rixki hỏi, vừa nhăn mặt vừa dụi mắt. – Cậu cũng uống chứ? Nếu cậu uống với mình thì đồng ý! Vronxki, cậu uống một chén nhé? – Pet’rixki nói, đứng dậy và cuốn tấm chăn kẻ vằn lên người. Anh ra ngưỡng cửa, giơ hai tay lên và cất giọng hát bằng tiếng Pháp. “Ngày xưa có ông vua ở Tuylơ…” – Vronxki, cậu uống một chén nhé?

– Thôi, bước đi! – Vronxki nói, xỏ tay vào áo quân phục do gã hầu phòng đưa cho.

– Cậu đi đâu đấy? – Yasvin hỏi. – Này, cỗ xe tam mã của cậu kia rồi, – anh ta nói thêm khi thấy chiếc xe ngựa tiến lại gần.

– Đi đến chuồng ngựa và mình cũng cần gặp Brianxki để bàn về vấn đề ngựa nữa, – Vronxki nói. Vronxki quả có hứa đến gặp Brianxki, ở cách Petetrov mười dặm, và mang tiền mua ngựa trả cho y; chàng hi vọng đủ thời giờ tới đó. Nhưng các bạn hiểu ngay không phải chàng chỉ tới đó thôi.

Pet’rixki tiếp tục hát, vừa nháy mắt và bĩu môi, như muốn nói:

“Chúng tớ thừa biết anh chàng Brianxki đó rồi!”

– Cậu đừng về muộn đấy! – Yasvin chỉ nói thế thôi và lảng sang chuyện khác: – con ngựa nâu của mình ra sao rồi? Nó có thuần không? – anh nhìn ra cửa sổ hỏi. Anh nói tới con ngựa bắt càng anh đã bán cho Vronxki.

– Khoan đã! – Pet’rixki lớn tiếng gọi Vronxki đang đi ra. – Anh cậu có để lại bức thư và mảnh giấy. Chờ một phút đã: đâu rồi không biết? – Vronxki dừng lại.

– Thế nào, thư với giấy đâu?

– Không biết để đâu rồi? Vấn đề là ở chỗ đó! – Pet’rixki trịnh trọng nói, lấy ngón tay trỏ miết ngược lên mũi.

– Nói đi nào, rõ vớ vẩn! – Vronxki mỉm cười nói.

– Mình không hề nhóm lửa. Vậy thì chúng chỉ ở đâu đây thôi.

– Thôi đừng dấm dớ nữa: thư đâu rồi?

– Không, mình cam đoan với cậu là mình quên rồi. Hoặc mình nằm mê đấy thôi. Khoan, khoan đã! Cậu đừng cáu vô ích! Nếu cậu cũng uống bốn chai rượu như mình hôm qua thì ngay đến ngủ ở đâu cậu cũng không nhớ nữa. Khoan đã, mình sắp nhớ ra rồi!

Pet’rixki ra sau vách và lại nằm xuống.

– Thế này đây! Mình nằm như thế này, ông ta ở kia. Phải, phải, phải… Đây rồi! – và Pet’rixki lấy thư ở dưới đệm ra.

Vronxki cầm lấy thư và mảnh giấy. Đúng là những điều chàng đang chờ đợi: lời mẹ trách vì không đến thăm bà và mảnh giấy của ông anh cho biết cần gặp chàng nói chuyện. Vronxki biết trước sau vẫn chỉ có một vấn đề đó thôi. “Việc gì đến họ kia chứ?” Vronxki thầm nghĩ và vò nát hai lá thư, nhét vào giữa hàng cúc áo quân phục để dọc đường sẽ đọc lại kĩ hơn. Ở cửa ra vào gian nhà gỗ, chàng gặp hai sĩ quan trong đó một người thuộc trung đoàn chàng.

Chỗ ở của Vronxki lúc nào cũng là nơi gặp gỡ của các sĩ quan.

– Cậu đi đâu đấy?

– Mình phải đến Petetrov.

– Thế ngựa ở Txacxkoie đã đến chưa?

– Đến rồi, nhưng mình chưa gặp.

– Nghe nói con Võ sĩ của Makhotin đi khập khiễng.

– Chỉ nói láo thôi! Nhưng đất bùn thế này thì anh làm thế nào chạy đua được? – người kia nói.

– A, các vị cứu tinh đây rồi! – Pet’rixki reo lên khi thấy bọn người mới đến. Gã lính hầu đứng trước mặt anh ta, bưng cái khay đựng rượu vôtka và một quả dưa chuột muối. – Cậu Yasvin đây ra lệnh cho mình uống để đầu óc tỉnh táo lại.

– Tối qua các anh làm huyên náo cả lên, – một sĩ quan nói, – suốt đêm chúng tôi không nhắm mắt được!

– Phải, nhưng chúng tôi đã kết thúc tốt đẹp! – Pet’rixki kể lại. Voncov trèo lên nóc nhà vì hắn nói là hắn buồn, cho nên mình mới bảo: hãy tấu nhạc lên, cử một bài lâm khốc! Thế là hắn ta lăn ra ngủ thực sự trên nóc nhà, trong tiếng nhạc lâm khốc.

– Uống đi, uống đi, cần phải uống mới được. Sau đó, cậu sẽ uống nước suối Xendơ vắt nhiều chanh vào, – Yasvin cúi xuống Pet’rixki, như bà mẹ cho con nuốt một liều thuốc; – sau đó, uống ít sâm banh nữa: nửa chai thôi.

– Khôn ngoan thật! Khoan đã, Vronxki, chúng ta cùng uống với nhau.

– Không, xin tạm biệt các ngài. Hôm nay, tôi không uống.

– Tại sao, cậu lên cân rồi à? Nếu thế chúng tớ vô phép cậu vậy. Mang nước suối Xendơ và chanh ra đây.

– Vronxki! – có tiếng người gọi khi chàng ra đến phòng chờ…

– Cái gì thế?

– Cậu phải cắt tóc đi, nếu không nó làm cậu nặng cân lên đấy, nhất là ở chỗ hói ấy.

Quả thực Vronxki đã bắt đầu rụng tóc. Chàng cười vui vẻ, để lộ hàm răng đẹp, và kéo mũ lưỡi trai xuống chỗ hói, đi ra xe.

– Đến chuồng ngựa! – chàng nói. Chàng đưa tay định rút hai bức thư ra đọc lại, song nghĩ thế nào lại thôi: chàng không muốn đầu óc phân tán trước khi thấy con ngựa. “Để sau vậy!…”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.