Anna Karenina (Tập 1)

Phần 2 – Chương 08



21

Chuồng ngựa tạm thời là một cái lán bằng ván, dựng ngay cạnh trường đua, và con ngựa của chàng chắc đã được dẫn đến hôm qua. Chàng chưa gặp nó. Mấy hôm nay, chính chàng không cưỡi, mà giao cho huấn luyện viên và chàng hoàn toàn không biết tình trạng con vật lúc đến đây ra sao. Chàng vừa xuống xe thì gã chăn ngựa, chú “tiểu đồng” như người ta thường gọi, từ xa đã nhận ra xe của chàng và gọi huấn luyện viên tới. Một gã người Anh khô đét, đi ủng cao và mặc áo ngắn, cằm để một chòm râu lờm xờm, bước lại gặp chàng, người lắc lư vụng về, hai khuỷu tay khuỳnh ra theo kiểu “jô-kề.”

– Con Lao xao thế nào? – Vronxki hỏi y bằng tiếng Anh.

– Thưa ngài, tốt lắm, – gã người Anh trả lời, giọng nói ở đâu mãi tận đáy cuống họng phát ra. – Ông đừng đến đó thì hơn, – y nói thêm và ngả mũ chào. Tôi đã đóng rọ mõm cho ngựa, nó đang bị khích động. Ông đừng đến đó thì hơn, kẻo nó sợ.

– Không được, phải đến chứ. Tôi muốn gặp nó.

– Ta đi vậy, – gã người Anh nói, không mở to miệng, mày cau lại; rồi lắc đôi khuỷu tay, y đi trước, bước chân khệnh khạng.

Hai người vào mảnh sân con ở trước lán. Chú bé coi chuồng ngựa, mặc áo vét trắng tươm tất và vẻ mặt linh lợi, đến trước mặt họ, tay cầm chổi và theo họ đi. Năm con ngựa chiếm các khoang trong lán, và Vronxki biết ở đây cũng có con ngựa địch thủ chính của chàng, con Võ sĩ của Makhotin, một con ngựa nâu năm “vecsốc”Vronxki còn muốn xem con Võ sĩ hơn là con Lao xao vì chàng không biết nó. Nhưng chàng biết theo thể lệ mà những kỵ mã phải giữ đúng cho trọn thể thức thì chàng không được phép xem và thậm chí cũng không được hỏi han gì về nó. Trong khi chàng đi dọc hành lang, chú bé con mở cửa khoang thứ hai bên trái, và Vronxki thoáng thấy một con ngựa vạm vỡ mình nâu chân trắng. Chàng biết đó là con Võ sĩ, nhưng với cái cảm giác của người cần quay mặt đi trước một bức thư để ngỏ không phải gửi cho mình, chàng ngoảnh đi và bước lại gần khoang con Lao xao.

– Ở đây có con ngựa của Ma… Ma… thật không sao đọc được cái tên đó! – gã người Anh nói qua vai chàng, giơ ngón tay để móng bẩn thỉu chỉ khoang con Võ sĩ.

– Makhotin? Phải, đó là đối thủ duy nhất đáng kể của tôi.

– Ông mà cưỡi nó thì tôi sẽ đánh cuộc là ông thắng, – gã người Anh nói.

– Con Lao xao hăng hơn, mà nó thì khỏe hơn, – Vronxki nói, mỉm cười trước câu khen ngợi.

– Trong các cuộc đua vượt chướng ngại, tất cả ăn nhau ở tư thế, ở cái “plắc”, – gã người Anh nói.

Cái plắc, nghĩa là nghị lực và quả cảm, thì Vronxki cảm thấy không những mình có đủ, mà (điều này lại càng quan trọng hơn nhiều) chàng còn tin chắc không ai trên đời này lại giàu đức tính đó hơn chàng.

– Anh có chắc là không cần phải cho toát mồ hôi nhiều không?

– Không cần, – gã người Anh trả lời. – Xin ông đừng nói to. Nó đang bị khích động, – y nói thêm, hất đầu về phía cái khoang đóng kín sát cạnh họ, trong đó nghe có tiếng con ngựa cái đang dậm chân trên nệm cỏ. Y mở cửa và Vronxki bước vào tầu ngựa có cửa sổ nhỏ lờ mờ chiếu sáng. Con ngựa cái màu tía sẫm, đeo rọ mõm, đang dẫm vó lên lớp rơm tươi. Trong tầu ngựa tranh tối tranh sáng, Vronxki một lần nữa ngắm nghía từng li từng tí thân hình con ngựa ưa thích của mình. Lao xao tầm vóc trung bình, và về hình khối không khỏi có chỗ khiếm khuyết. Vóc mình nó hẹp, ức dô nhưng ngực bóp. Mông hơi thuôn, đôi chân trước và nhất là đôi chân sau, thì khuỳnh vào trong. Bắp thịt chân không to lắm nhưng bù lại đôi sườn rất rộng và điều đó, giờ đây lại càng đập vào mắt vì sau khi tập dượt, bụng nó gầy tóp đi. Xương chân nhìn thẳng hình như không to hơn một ngón tay, nhưng nhìn cạnh thì lại hết sức rộng bản. Trừ đôi sườn ra, có thể nói nó bóp cạnh và trông như lép ruột. Nhưng nó có một ưu điểm làm mờ hết mọi khuyết điểm: ưu điểm đó là cái nòi, một cái nòi hùng hồn, như người Anh thường nói. Bắp thịt cuồn cuộn nổi lên dưới một mạng mạch máu chạy chằng chịt trên làn da mịn, linh động và nhẵn bóng như xa tanh, có vẻ cũng rắn như xương. Cái đầu nhỏ, với đôi mắt tươi vui, long lanh, hơi lồi, nở rộng ra ở sống mũi với đôi lỗ mũi nở nang có màng đỏ vằn máu. Toàn thân, và nhất là đầu, có cái vẻ vừa dũng mãnh vừa dịu dàng. Đó là một con vật, tưởng như sở dĩ không biết nói chỉ đơn thuần vì hình thù quai hàm không thích nghi với việc đó mà thôi.

Dù sao Vronxki cũng có cảm tưởng như nó hiểu được tất cả những điều chàng cảm thấy khi nhìn nó.

Khi chàng vừa bước vào tầu ngựa, nó liền hít một hơi dài và liếc nhìn những người vừa đến với con mắt đỏ vằn tia máu, lắc lư rọ mõm và uyển chuyển nhún từ chân này sang chân kia.

– Ông xem nó bị khích động ghê không, – gã người Anh nói.

– Này, tuấn mã của ta! – Vronxki nói, bước lại gần con vật để thử vỗ về cho nó yên.

Nhưng chàng càng lại gần, nó càng bị khích động. Khi chàng đến sát đầu nó, nó bỗng nhiên nguôi hẳn và bắp thịt bắt đầu rần rật dưới làn da mềm và mịn. Vronxki lấy tay vuốt ve cái cổ rắn chắc, sửa lại một túm bờm hất sang bên kia cái gáy hẹp và ghé sát mặt vào đôi lỗ mũi nở nang và thanh như cánh dơi. Nó hít phì phò và thở hơi ra khỏi lỗ mũi phồng căng, nó rùng mình, vểnh đôi tai thon nhọn, và thưỡi đôi môi đen về phía Vronxki như muốn đớp lấy tay áo chàng. Nhưng nhớ tới rọ mõm, nó lắc đầu và bộ giò thon nhỏ lại bắt đầu dậm nền đất.

– Yên đi nào, tuấn mã của ta, yên đi nào! – chàng nói, sau khi vuốt ve mông nó lần nữa, và chàng hớn hở bước ra khỏi tầu ngựa, với niềm tin là con vật đang hoàn toàn sung sức. Sự khích động của con ngựa đã lan sang Vronxki, chàng cảm thấy máu dồn ứ lên tim và thèm cựa quậy, thèm cắn, một cảm giác vừa đáng sợ lại vừa ngộ nghĩnh.

– Tôi trông cậy ở anh đấy nhé, – chàng nói với gã người Anh. – Sáu giờ rưỡi ở ngoài bãi.

– Mọi việc sẽ đâu vào đấy, – gã người Anh nói. – Nhưng thưa quan lớn, ngài đi đâu đấy? – y đột nhiên hỏi và dùng cái danh hiệu quan lớn mà y hầu như không bao giờ dùng tới. Vronxki ngạc nhiên ngửng đầu lên và nhìn gã người Anh bằng lối nhìn riêng của chàng, tức là không nhìn vào mắt mà nhìn lên trán, chàng có vẻ sửng sốt vì câu hỏi táo tợn đó. Nhưng chàng hiểu khi hỏi câu đó, gã người Anh không phải là nói với ông chủ của y nữa, mà là nói với người “jô-kề”, nên chàng trả lời:

– Tôi phải đến nhà Brianxki; một giờ nữa tôi sẽ trở về nhà.

“Hôm nay, không biết người ta còn hỏi mình câu đó bao nhiêu lần nữa?”, chàng thầm nghĩ và đỏ mặt, một điều rất ít thấy ở chàng. Gã người Anh chăm chú nhìn chàng và như đoán biết Vronxki đi đâu, y nói thêm:

– Điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh trước cuộc đua, xin ông hãy vui vẻ và đừng để bất cứ cái gì làm buồn nản.

– Được thôi, – Vronxki mỉm cười trả lời và vội vã lên xe bảo đánh về Petetrov.

Chàng mới đi được mấy bước thì những đám mây từ sáng đã báo hiệu sắp mưa, kéo đến che bầu trời và mưa rào đổ xuống.

“Thật là phiền, Vronxki thầm nghĩ, vừa kéo mui xe lên. Đất đã ngập bùn rồi, bây giờ thì đến thành bãi lầy thực sự.” Ngồi một mình trong xe buông kín, chàng liền lấy thư mẹ và mảnh giấy của anh ra đọc. Phải, cũng vẫn chuyện ấy. Tất cả: mẹ chàng, anh chàng, ai nấy đều thấy cần can thiệp vào chuyện tâm tình của chàng. Cái lối can thiệp đường đột này khiến chàng hằn học, một thứ tình cảm ít có ở chàng. “Không việc gì đến họ cả! Tại sao ai cũng cứ tự cho là có bổn phận phải lo lắng đến mình? Và tại sao họ cứ xách nhiễu mình? Vì họ thấy trong đó có một cái gì họ không hiểu nổi. Ví thử đó là cuộc dan díu phù hoa, nhạt nhẽo, thường tình, thì có thể họ sẽ để mình yên thân đấy. Đằng này họ lại cảm thấy có cái gì khác kia: đây không phải trò tiêu khiển, người đàn bà đó đối với mình còn quý hơn cả cuộc sống. Cái đó thì họ không sao hiểu được và họ đâm tức tối. Dù số phận chúng ta có thế nào và phải ra sao chăng nữa, thì cũng do chúng ta gây nên và chúng ta không hề phàn nàn, chàng tự nhủ, gắn bó mình với Anna bằng chữchúng ta. Họ không phải là kẻ có thể dạy chúng ta cách sống. Thậm chí họ cũng không quan niệm nổi một hạnh phúc như vậy là thế nào, họ không hiểu rằng không có mói tình đó thì chúng ta không có cả hạnh phúc lẫn đau khổ… đến cả cuộc đời cũng không có nốt”, chàng thầm nghĩ. Chàng càng bực tức hơn trước sự thóc mách của họ vì trong thâm tâm, chàng cảm thấy họ có lý. Chàng thấy cuộc tình duyên gắn bó chàng với Anna không phải là một sự mê muội nhất thời rồi sẽ qua đi, như những cuộc dan díu phù hoa từng qua đi, không để lại dấu vết gì khác trong cuộc đòi đôi bên, ngoài những kỉ niệm khoan khoái hoặc khó chịu. Chàng cảm thấy khía cạnh đau xót trong tình cảnh của chàng và Anna, cảm thấy hai người, vốn được thiên hạ luôn luôn để ý, phải rất chật vật mới giấu giếm nổi cuộc tình duyên, mới có thể dối trá và lừa lọc: mà phải dối trá, lừa lọc, mưu mẹo và luôn luôn lo nghĩ tới kẻ khác, trong khi mối tình say đắm đang gắn bó họ lại mãnh liệt đến nỗi cả hai đều quên hết những gì không dính dáng đến nó. Chàng hồi tưởng lại rõ ràng tất cả những dịp, rất hay xảy ra, mà chàng phải dùng tới dối trá và lừa lọc, vốn rất trái ngược với bản chất của mình; chàng nhớ nhất là nỗi hổ thẹn của Anna khi nàng bắt buộc phải dối lừa như vậy, mà chàng đã bắt gặp nhiều lần. Và một cảm giác kỳ lạ thỉnh thoảng lại xâm chiếm lấy chàng từ khi bắt đầu dan díu với Anna. Đó là cảm giác thù hằn, thù hằn với Alecxei Alecxandrovna, hay với chính mình, hay với cả thiên hạ… chàng cũng không biết đích xác nữa. Nhưng lần nào chàng cũng xua đuổi cảm giác kỳ lạ đó đi. Ngay cả lúc này chàng cũng phải xua nó và suy nghĩ tiếp. “Ngày trước, nàng khổ sở, nhưng tự hào và thanh thản; ngày nay, nàng không thể thanh thản và đường hoàng được nữa, mặc dầu nàng không để lộ tí gì. Đúng thế, phải chấm dứt tình trạng này thôi”, chàng quyết định với mình như vậy. Và lần đầu tiên, chàng nhận thức được rõ ràng là phải kết thúc sự dối trá, càng sớm càng hay. “Nàng và ta phải bỏ tất cả và đi ẩn tránh ở một nơi nào, riêng hai ta với mối tình của ta”, chàng tự nhủ.

22

Mưa rào không lâu và khi Vronxki sắp đi hết chặng đường, trong nhịp phi nhanh của con ngựa bắt càng, kéo theo đôi ngựa phụ hai bên đang phóng cật lực trong bùn, thì mặt trời lại hiện ra và những mái biệt thự, những cây bồ đề già trong các vườn dọc hai bên đường phố chính, lấp lánh một ánh sáng ẩm ướt. Nước ở lá cây vui vẻ nhỏ giọt và từ mái nhà chảy xuống. Chàng không còn nghĩ tới những hư hại trận mưa có thể gây ra ở trường đua; giờ đây, chàng vui thích nghĩ là nhờ trận mưa này, chàng chắc chắn sẽ gặp nàng ở nhà, mà lại chỉ có một mình, vì chàng biết Alecxei Alecxandrovna, vừa ở suối nước nóng trở về, vẫn chưa rời Peterburg. Hi vọng được gặp mình nàng, Vronxki xuống xe ở trước chỗ chiếc cầu nhỏ và đi bộ nốt đoạn đường còn lại, theo như thường lệ để người ngoài bớt chú ý. Chàng không vào nhà theo lối thềm trông ra phố, mà đi đằng sân.

– Ông chủ anh về chưa? – chàng hỏi gã làm vườn.

– Chưa ạ. Phu nhân hiện đang ở nhà. Nhưng xin mời ông đi lối trước: gia nhân sẽ ra mở cửa ạ, – gã trả lời.

– Thôi, tôi đi đằng vườn cũng được. – Chắc chắn nàng chỉ có một mình và muốn bất thần gặp nàng, vì hôm nay chàng không hẹn, mà nàng cũng không thể nghĩ chàng lại đến đúng trước cuộc đua, chàng liền tới sân thượng trông ra vườn, nhấc cao thanh gươm và thận trọng bước trên nền cát, con đường hai bên trồng hoa. Vronxki đã quên hết những điều suy nghĩ dọc đường về hoàn cảnh nặng nề và khó khăn của mình. Chàng chỉ còn nghĩ lát nữa sẽ được gặp Anna, không phải như một hình ảnh trong tưởng tượng, mà bằng xương bằng thịt, hoàn toàn nguyên vẹn, như trong thực tế. Chàng đã trèo lên (bằng cách áp cả bàn chân xuống để khỏi gây tiếng động) cầu thang thoai thoải của sân thượng thì bỗng sực nhớ cái điều bao giờ chàng cũng quên bẵng và là khía cạnh đau đớn nhất trong quan hệ của chàng với Anna… đứa con trai nàng, với cái nhìn dò hỏi, thậm chí còn có vẻ thù địch nữa, theo nhận xét của chàng. Đứa bé là trở ngại chính trong quan hệ giữa hai người. Khi có mặt nó, cả Vronxki lẫn Anna chẳng những không dám nói bất cứ điều gì họ không thể nhắc lại trước mặt mọi người, mà ngay nói bóng gió những điều đứa trẻ không hiểu, họ cũng không dám. Họ không bảo nhau, cái đó cứ tự nhiên diễn ra. Họ ắt cảm thấy sỉ nhục nếu lừa dối đứa trẻ. Trước mặt nó, họ chuyện trò như kẻ quen biết bình thường. Tuy nhiên, mặc dù đã đề phòng như vậy, Vronxki vẫn thường bắt gặp con mắt băn khoăn và chăm chú của thằng bé nhìn chàng; đứa trẻ, lúc thì thân ái, lúc lại ngượng ngập và xa cách, trước mặt chàng thường tỏ ra nhút nhát lạ lùng và tính khí rất bất thường, như nó cảm thấy giữa người đàn ông này và mẹ nó có những mối tương quan hệ trọng mà nó không hiểu nổi ý nghĩa. Quả là Xergei cảm thấy không hiểu nổi mối quan hệ đó, và đã cố gắng mà không sao cắt nghĩa được là nó phải có tình cảm thế nào với người đàn ông này. Với trực giác trẻ con, nó thấy rõ bố, bà gia sư và bà vú nuôi nó không những không yêu gì Vronxki, mà còn nhìn chàng một cách sợ hãi và ghê tởm, mặc dầu họ không bao giờ nhắc đến chàng, còn mẹ lại coi chàng như người bạn tốt nhất. “Thế nghĩa là thế nào? Ông ta là ai? Phải yêu ông ta như thế nào? Nếu mình không hiểu, đó là lỗi tại mình, hoặc mình là đứa trẻ ngu ngốc và tai ác”, chú bé nghĩ vậy, do đó chú có cái vẻ dò hỏi, xoi mói, nghi hoặc và cả sự nhút nhát cùng những đột biến về tính khi thường khiến Vronxki rất bối rối. Hễ có mặt đứa trẻ, trong lòng Vronxki thể nào cũng nảy ra cái cảm giác giống như của người thủy thủ, nhìn địa bàn thấy cái hướng mình đang tiến lên rất nhanh chóng hóa ra lại chệch khỏi con đường đúng, nhưng không đủ sức kìm lại, mỗi phút càng lạc xa con đường đó, mà thú nhận mình lầm đường thì khác nào thú nhận mình bị tiêu vong. Đứa trẻ đó với cái nhìn ngây thơ trước cuộc đời, chính là địa bàn chỉ cho họ biết họ đi chệch con đường đúng; họ biết thế nhưng không muốn thừa nhận. Hôm đó, Xergei không ở nhà; Anna chỉ có một mình, ngồi trên sân thượng chờ con về – cơn mưa đã bất thần đổ xuống giữa lúc nó đang đi chơi. Nàng đã sai một gia nhân và chị hầu phòng đi tìm. Mình mặc áo dài trắng viền ren rộng, nàng ngồi trong góc sân thượng khuất sau khóm hoa, và không nghe bước chàng đến. Đầu gục xuống, nàng tì trán vào cái thùng tưới để quên trên lan can, hai bàn tay xinh đẹp, ngón đeo những chiếc nhẫn rất quen thuộc với Vronxki, giữ lấy chiếc thùng. Vẻ đẹp của cái đầu tóc đen uốn quăn, của cổ, của đôi bàn tay, của toàn thân nàng, lần nào cũng như bất thần đập vào mắt Vronxki. Chàng dừng lại, say đắm nhìn nàng. Nhưng chàng vừa định tiến lên một bước, thì nàng đã cảm thấy chàng lại gần, đẩy chiếc thùng tưới ra và quay bộ mặt nóng bừng về phía chàng.

– Em làm sao thế? Em ốm à? – chàng nói bằng tiếng Pháp và đến gần. Chàng muốn chạy lại, nhưng sực nhớ có lẽ không phải chỉ có hai người ở đây, liền nhìn ra cửa kính và đỏ mặt, như mỗi lần cảm thấy có một cái gì đáng e sợ và cần thận trọng.

– Không, em vẫn khỏe, – nàng nói, đứng dậy và bắt chặt bàn tay chàng chìa ra. – Em không… ngờ anh tới.

– Trời, tay em sao lạnh toát thế này! – chàng nói.

– Anh vừa làm em sợ đấy, – nàng nói. – Em ở nhà một mình, đang ngồi chờ Xerioja, nó đi dạo chơi; chúng nó sắp ở ngoài kia trở về đấy. – Nhưng mặc dầu cố trấn tĩnh, môi nàng vẫn run run.

– Xin tha lỗi cho tôi đã đến đây, tôi không thể sống một ngày mà không gặp em, – chàng nói bằng tiếng Pháp như mọi khi, để tránh nói chữ bà quá lạnh lùng không thể dùng giữa hai người và chữ em khá nguy hiểm nếu nói bằng tiếng Nga.

– Tại sao lại tha lỗi cho anh? Em sung sướng lắm!

– Nhưng em đang ốm, hay đang buồn thì phải, – chàng nói tiếp, vẫn nắm lấy tay nàng và cúi xuống. – Em đang nghĩ gì thế?

– Vẫn chỉ nghĩ đến chuyện đó thôi, – nàng mỉm cười nói. Nàng nói đúng sự thực. Bất cứ lúc nào có người hỏi, nàng đều có thể trả lời: vẫn chỉ nghĩ đến chuyện đó, nghĩ đến hạnh phúc và bất hạnh của nàng. Đây chính là điều nàng đang nghĩ khi chàng bất chợt đến: nàng tự hỏi tại sao đối với người khác, đối với Betxi chẳng hạn (nàng biết bà ta ngấm ngầm dan díu với Tuscievitr), cái gì cũng thật dễ dàng, mà đối với nàng lại cay cực đến thế. ý nghĩ đó đặc biệt giày vò nàng hôm ấy. Nàng hỏi chàng về cuộc đua ngựa. Chàng trả lời và thấy nàng bồn chồn, chàng muốn làm cho nàng khuây khỏa, liền kể bằng một giọng hết sức tự nhiên về mọi chi tiết chuẩn bị cuộc đua. “Có nên nói cho chàng biết không? nàng thầm nghĩ, nhìn thẳng vào cặp mắt điềm tĩnh và âu yếm của chàng. Chàng đang sung sướng, đang chú tâm vào cuộc đua đến thế, chắc sẽ không hiểu hết tầm quan trọng của việc này đối với chúng ta đâu.”

– Nhưng em vẫn chưa cho biết em đang nghĩ gì khi tôi vào đây, – chàng ngừng kể và nói. – Tôi xin em, em nói cho tôi biết đi!

Nàng không trả lời; đầu hơi nghiêng nghiêng, nàng nhìn chàng qua hàng mi dài, vẻ dò hỏi. Đôi mắt nàng long lanh. Tay nàng mân mê một chiếc lá bứt rời và run lên. Chàng thoáng trông thấy và mặt chàng bỗng lại có cái vẻ ngoan ngoãn và phục tùng đã khiến nàng xiêu lòng.

– Chắc có chuyện gì xảy ra đây. Tôi không thể yên tâm lấy một phút khi biết em buồn phiền mà tôi không được chia sẻ? Em nói đi, tôi van em! – chàng nhắc lại, giọng cầu khẩn. “Không, mình sẽ không tha thứ, nếu chàng không thấy hết tầm quan trọng của việc này. Tốt hơn là đừng nói ra, thử thách chàng mà làm gì?”, nàng thầm nghĩ, vẫn nhìn chàng và cảm thấy bàn tay cầm chiếc lá càng run bắn lên.

– Tôi van em! – chàng nhắc lại, nắm lấy tay nàng.

– Có nên nói ra không?

– Có, có, có…

– Em có mang rồi, – nàng chậm rãi nói, rất khẽ. Chiếc lá càng run mạnh trong tay, người nàng vẫn không rời mắt nhìn chàng, muốn thấy rõ thái độ chàng ra sao khi biết tin đó. Chàng tái mặt, định nói câu gì đó, nhưng ngừng lại, buông tay nàng ra và cúi đầu. “Phải, chàng đã hiểu hết tầm quan trọng của sự kiện này”, nàng thầm nghĩ và cảm kích nắm chặt tay chàng. Nhưng nàng đã nhầm khi tưởng chàng cũng coi việc đó quan trọng như nàng nghĩ. Nghe tin vậy, cái cảm giác hằn học kỳ lạ thỉnh thoảng đến với Vronxki lại trào lên mạnh gấp bội; nhưng đồng thời, chàng cũng hiểu giờ phút khủng hoảng chàng vẫn cầu mong đã tới, không còn giấu ông chồng được nữa và bằng cách này cách khác phải thoát khỏi tình cảnh ngang trái này. Hơn nữa, sự bối rối của Anna lan sang chàng rõ rệt như một cảm giác nhục thể. Chàng ngoan ngoãn và âu yếm nhìn nàng, hôn tay nàng và lặng lẽ đi đi lại lại trên sân thượng.

– Phải, – chàng nói, quả quyết bước tới bên nàng, – cả em lẫn tôi, chúng ta đều không coi mối quan hệ giữa chúng ta là một trò chơi và giờ đây số phận của chúng ta đã quyết định rồi. Nhất thiết, – chàng nhìn quanh và nói, – phải chấm dứt tình trạng dối trá chúng ta đang sống.

– Chấm dứt tình trạng ấy à? Bằng cách nào, Alecxei? – nàng dịu dàng hỏi.

Bây giờ, nàng đã bình tĩnh và mặt sáng bừng một nụ cười trìu mến.

– Em phải bỏ chồng và gắn bó cuộc đời chúng ta với nhau.

– Cuộc đời chúng ta đã gắn bó với nhau rồi đấy thôi, – nàng trả lời bằng một giọng gần như không nghe thấy.

– Đúng, nhưng cần phải gắn bó hoàn toàn, hoàn toàn…

– Nhưng làm cách nào, Alecxei, anh bảo em làm cách nào? – nàng nói với vẻ cay đắng buồn bã, nghĩ tới hoàn cảnh mình thật rối như tơ vò. – Liệu có lối thoát nào không? Em chẳng là vợ của chồng em đó sao?

– Bao giờ cũng có lối thoát. Phải có lấy một quyết định, – chàng nói.

– Dù thế nào cũng còn hơn tình cảnh em đang sống. Anh thấy rõ em bị dằn vặt về đủ mọi thứ: dư luận, con em và chồng em…

– Ồ không, về chồng em thì không, – nàng nói, cười khe khẽ. – Em không đếm xỉa đến ông ta, không hề nghĩ tới ông ta. Không có ông ta nữa.

– Em không nói thực. Anh biết rõ em. Em áy náy cả cho ông ta nữa.

– Nhưng chính ông ta cũng không biết cơ mà, – nàng nói và sắc mặt đột nhiên đỏ bừng: má, trán, cổ nàng đỏ ửng và dòng lệ hổ thẹn trào ra khóe mắt. – Mà thôi, đừng nhắc đến ông ta nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.