Anna Karenina (Tập 1)

Phần 2 – Chương 09



23

Tuy không cương quyết như hôm nay, Vronxki đã nhiều lần thử hướng nàng nghĩ tới hoàn cảnh của mình, nhưng lần nào cũng vấp phải cách nhận định phù phiếm và nông nổi mà hôm nay nàng cũng dùng để đáp lại lời chàng khẩn khoản. Như thể có một cái gì nàng không thể và không muốn tỏ bày, như thể khi vừa bắt đầu nói tới chuyện đó thì nàng Anna thật đã biến đi đâu mất, nhường chỗ cho một người đàn bà khác, kỳ lạ, xa xôi, một người chàng không yêu, chàng e sợ và đang cưỡng lại chàng. Nhưng lần này chàng quyết tâm nói.

– Ông ta biết hay không, – Vronxki nói với giọng rắn rỏi và bình tĩnh thường có, – ông ta biết hay không, cái đó không quan trọng. Chúng ta không thể… em không thể cứ sống như vậy, nhất là bây giờ.

– Thế theo ý anh thì phải làm gì nào? – nàng hỏi, vẫn với vẻ châm biếm như cũ. Nàng vốn rất lo sợ chàng có thể coi thường việc mình có mang, bây giờ lại bực tức thấy chàng kết luận là nhất thiết phải làm một việc gì.

– Nói hết với ông ta và bỏ ông ta.

– Được lắm; giả sử tôi làm như vậy, – nàng nói. – Anh có hiểu là sẽ xảy ra cái gì không? Tôi có thể nói trước điều đó (và một tia hằn học vụt ánh lên trong cặp mắt một phút trước đây còn rất dịu dàng). “À, cô yêu người khác và cô tằng tịu tội lỗi với hắn ta à? (bắt chước chồng, nàng dằn mạnh tiếng tội lỗi như kiểu Alecxei Alecxandrovitr). Tôi đã bảo cô dè chừng những hậu quả mà hành vi của cô có thể gây nên về phương diện tôn giáo, xã hội và gia đình. Cô không nghe lời tôi. Bây giờ, tôi không thể để cho thanh danh tôi bị bôi nhọ… (và thanh danh con trai tôi nữa, nàng định nói thế, nhưng rồi không nỡ đưa con ra bông đùa), để cho thanh danh tôi bị bôi nhọ…”, và một vài câu khác tương tự thế nữa, – nàng nói. – Tóm lại, với tác phong chính khách, ông ta sẽ bảo rõ ràng và dứt khoát với tôi là ông ta không thể để tôi bỏ đi, mà sẽ dùng đến những biện pháp ông có quyền thi hành để tránh tai tiếng. Rồi ông ta sẽ bình tĩnh làm rất đúng những điều đã nói. Đó là điều sẽ xảy ra. Ông ta không phải là người, mà là cái máy, hơn nữa là cái máy tàn ác khi nó tức giận, nàng nói thêm, đồng thời hình dung cặn kẽ từng chi tiết về diện mạo, cách nói năng của chồng và nàng oán thù như một tội ác tất cả những gì xấu xa ở chồng khiến nàng chán ghét, mà không chút thương xót khi cảm thấy mình rất có lỗi với ông ta.

– Nhưng, Anna ạ, – Vronxki nói, giọng dịu dàng và thuyết phục, cố làm cho nàng trấn tĩnh, – dù sao cũng phải nói với ông ta… Và sau đó tùy theo sự quyết định của ông ta mà hành động.

– Thế thì chúng ta bỏ trốn hay sao?

– Tại sao lại không? Tôi thấy không thể nào tiếp tục như thế này mãi được… Mà không phải vì lợi ích của tôi đâu… tôi thấy là em đau khổ.

– Phải, bỏ trốn để rồi tôi bêu mặt ra cho mọi người thấy tôi là nhân tình của anh chứ gì, – nàng tàn nhẫn nói.

– Anna… – chàng nói, giọng dịu dàng đầy trách móc.

– Phải… – nàng tiếp tục, – trở thành nhân tình của anh và mất hết… – Một lần nữa nàng định nói: con trai tôi, nhưng không thể thốt ra tiếng đó. Vronxki không hiểu nổi một người vốn cương nghị và trung thực như vậy lại có thể chịu đựng tình cảnh ngang trái này mà không muốn thoát ra; chàng không đoán được rằng lý do, chung quy lại, chính là cái tiếng con trai mà nàng không nói ra được. Khi nghĩ đến con và quan hệ sau này của nó với người mẹ đã xa lìa bố nó, nàng thấy sợ hãi về việc mình đã làm đến nỗi không dám suy nghĩ nữa, mà chỉ cố tự an ủi bằng những lý lẽ giả dối, như đàn bà thường làm, tự nhủ là mọi cái vẫn có thể giữ nguyên như cũ, để quên câu hỏi ghê gớm: con nàng sẽ ra sao?

– Em xin anh, em van anh, – nàng cầm lấy tay chàng, đột nhiên nói bằng một giọng khác hẳn, âu yếm và chân thành. – Đừng bao giờ nói tới tới chuyện đó nữa!

– Nhưng mà, Anna…

– Đừng bao giờ nói nữa. Anh cứ tin ở em. Em đã thấy hết cái đê tiện, khủng khiếp của tình cảnh em, nhưng có được một quyết định không phải dễ như anh tưởng đâu. Anh cứ tin ở em và hãy nghe em. Đừng bao giờ nói tới chuyện đó nữa. Anh hứa với em thế nhé?… Không, không, anh phải hứa với em đi!…

– Anh xin hứa tất cả, nhưng anh không thể yên tâm, nhất là sau những điều em vừa nói. Anh không thể yên tâm, nếu chính em cũng không yên tâm…

– Em ấy à? – nàng nói. – Phải, đôi lúc em có day dứt, nhưng rồi sẽ qua đi, nếu anh không bao giờ nhắc với em chuyện đó nữa. Em chỉ day dứt khi anh nhắc tới chuyện đó thôi.

– Anh không hiểu, – chàng nói.

– Em biết, – nàng ngắt lời, – đối với bản chất trung thực của anh, phải dối trá thật là điều rất khổ tâm và em thương anh lắm. Em thường nói vì em mà anh làm hỏng cả cuộc đời anh.

– Giờ đây anh cũng đang nghĩ như vậy, – chàng nói: – làm sao em lại có thể hy sinh tất cả vì anh? Anh không thể tha thứ cho anh khi thấy em đau khổ.

– Em mà đau khổ ấy à? – nàng nói, bước lại gần và nhìn chàng với một nụ cười ngây ngất. – Em ấy à? Nhưng em lại giống như người đang đói mà được cho ăn. Có thể hắn đang rét, quần áo rách rưới, hắn hổ thẹn, nhưng không đau khổ. Em mà đau khổ ấy à? Không! Đây là hạnh phúc của em… – Nàng nghe thấy tiếng con trai đã trở về và đảo mắt nhìn khắp sân thượng, rồi vụt đứng dậy. Khóe mắt nàng bừng lên ánh lửa chàng rất quen biết; bằng một cử chỉ nhanh nhẹn, nàng giơ hai bàn tay đẹp đeo đầy nhẫn, ôm lấy đầu chàng, ngắm hồi lâu và ghé khuôn mặt tươi cười sát lại gần, đôi môi hé mở, hôn rất nhanh lên miệng, mắt chàng và đẩy chàng ra. Nàng định đi nhưng chàng giữ lại.

– Bao giờ? – chàng thầm thì hỏi, mắt nhìn đắm đuối.

– Hôm nay, một giờ, – nàng thầm thì nói; với một tiếng thở dài, nàng bước nhẹ nhàng và thoăn thoắt ra đón con.

Mưa đổ xuống khi Xerioja đang ở ngoài vườn và nó cùng người vú nuôi đã trú ở nhà bát giác.

– Thôi, tạm biệt, – nàng chào Vronxki. – Sắp tới giờ đến trường đua rồi. Betxi đã hứa đến đón em. – Vronxki rút đồng hồ ra xem rồi vội đi ra.

24

Khi Vronxki xem giờ trên sân thượng nhà Carenin, chàng hoang mang, bối rối đến nỗi nhìn vào đôi kim mặt đồng hồ mà không biết mấy giờ nữa. Chàng xuống đường và đi về chỗ xe đỗ, bước rón rén giữa những vũng bùn. Mải nghĩ về Anna, chàng cũng không tự hỏi lúc đó là mấy giờ và còn kịp đến nhà Brianxki không. Như vẫn thường xảy ra trong những trường hợp tương tự, chàng chỉ còn lại một thứ ký ức ngoại tại giúp chàng nhớ ra mình định làm gì sau khi từ biệt Anna. Chàng lại gần gã xà ích đang ngủ gật trên ghế, trong bóng râm đã xế của cây bồ đề lớn, đứng một lúc nhìn đám ruồi muỗi vo ve quay cuồng quanh mấy con ngựa đầm đìa mồ hôi, rồi chàng đánh thức gã, nhảy lên xe và bảo đưa tới nhà Brianxki. Mãi sau khi đi được bảy dặm, chàng mới kịp định thần: chàng xem đồng hồ, thấy đã năm rưỡi và thế là trễ giờ rồi. Hôm đó có nhiều cuộc đua: một cuộc đua xe ngựa kéo, rồi cuộc đua hai dặm của sĩ quan, một cuộc đua khác bốn dặm, rồi đến cuộc đua có chàng tham dự. Chàng có thể đến kịp để dự cuộc đua này, nhưng nếu tới nhà Brianxki thì phải đến phút cuối chàng mới về kịp, mà đến sau Triều đình, thì thật không tiện. Mặt khác, chàng trót hứa với Brianxki rồi, nên quyết định cứ tiếp tục đi và sai xà ích đừng nương nhẹ ngựa. Chàng chỉ ở lại nhà Brianxki có dăm phút và phóng hết tốc lực trở về. Xe chạy nhanh làm chàng bình tĩnh lại. Tất cả những gì khổ tâm trong quan hệ của chàng với Anna, tình trạng nhập nhằng vẫn còn lại sau câu chuyện, tất cả những thứ đó biến khỏi đầu óc; lúc này chàng nghĩ đến cuộc đua với một niềm vui thích xen lẫn hồi hộp, dự tính là mình sẽ đến kịp giờ, và đôi lúc, sự chờ đợi niềm hạnh phúc của đêm hò hẹn sắp tới tỏa sáng chói ngời trong trí tưởng tượng. Ý nghĩ về cuộc đua sắp tới càng xâm chiếm chàng khi tiến sâu vào không khí trường đua, vượt qua những đoàn xe từ thành phố lân cận và Peterburg đến.

Ở phòng chàng không còn ai; mọi người đều đi rồi, gã hầu phòng chờ chàng trên bậc cửa. Trong khi chàng thay quần áo, gã nói cuộc đua thứ hai bắt đầu, có nhiều người đến hỏi chàng và chú bé coi ngựa đã hai lần từ chuồng ngựa lại. Sau khi ung dung thay quần áo (không bao giờ chàng hấp tấp hoặc mất tự chủ), Vronxki bảo đánh xe đến lán ngựa. Ở đó đã thấy cả một biển ngựa xe, bộ hành, binh lính bao quanh trường đua và khán đài đông nghịt. Cuộc đua thứ hai chắc hẳn đã bắt đầu, vì khi chàng bước vào chuồng ngựa thì nghe thấy tiếng chuông. Ngang đường, chàng gặp con Võ sĩ lông nâu chân trắng của Makhotin đang được đưa ra bãi đua, choàng tấm vải phủ mình màu da cam và xanh lơ, với đôi tai viền xanh có vẻ rất to.

– Anh Coóc đâu? – chàng hỏi chú bé coi ngựa.

– Ở chuồng ngựa, họ đang đóng yên cho ngựa của ông. Trong tàu ngựa để ngỏ, con Lao xao đã được đóng yên. Họ sắp đưa nó ra.

– Tôi đến không muộn chứ?

– Tốt lắm! Tốt lắm! Mọi việc đều tốt đẹp, – gã người Anh nói, – ông đừng lo ngại.

Vronxki nhìn lần cuối hình dáng uyển chuyển của con Lao xao đang run rẩy toàn thân, và chàng cố dứt khỏi cảnh tượng đó, ra ngoài lán. Chàng chọn lúc thuận lợi nhất để đến khán đài khỏi bị chú ý. Cuộc đua hai dặm sắp kết thúc và mọi cặp mắt đều đổ dồn vào một sĩ quan cận vệ đang dẫn đầu và một khinh kỵ thuộc ngự lâm quân bám sau; cả hai đang cố hết sức thúc ngựa khi đến gần cột. Ở giữa và quanh ria vòng đua, mọi người đã tụ tập gần chiếc cột về đích và một toán sĩ quan cận vệ đang reo hò ầm ĩ, biểu lộ niềm vui sướng trước thắng lợi sắp tới của bạn họ. Vronxki lẳng lặng len vào giữa đám đông, đúng lúc tiếng chuông châm dứt cuộc đua vang lên và viên sĩ quan cận vệ, một người cao lớn, khắp mình đầy bùn, về tới đích đầu tiên, ngồi thả người trên yên và buông lỏng dây cương con ngựa giống màu xám, đầm đìa mồ hôi, đang thở phì phò. Con ngựa giống khó nhọc rướn căng bắp chân để hãm chậm lại cái thân mình to lớn đang đà lao và viên sĩ quan cận vệ, như người sực tỉnh cơn ác mộng, nhìn quanh và mỉm cười gượng gạo. Một đám đông bạn bè và kẻ tò mò vây lấy anh ta. Vronxki thận trọng tránh đám công chúng quý phái và sang trọng, dáng điệu từ tốn, đang tự do đi lại và trò chuyện thoải mái trước khán đài. Chàng biết ở đó có Anna, Betxi và bà chị dâu mình nên chủ tâm không đến gần để khỏi phân tán tư tưởng. Nhưng chàng luôn gặp bạn bè giữ lại, kể cho chàng tại sao đến muộn. Trong khi người thắng cuộc được mời vào khán đài danh dự lĩnh thưởng và mọi người đều đi về phía đó, ông anh cả của Vronxki là Alecxandr, một đại tá đeo ngù vai, dáng người thấp bé, cũng to ngang như Alecxei, nhưng tuấn tú và hồng hào hơn, với cái mũi đỏ của người nghiện rượu và nét mặt cởi mở, đến gặp chàng.

– Chú đã nhận được mấy chữ của anh chưa? – ông ta hỏi. – Không mấy khi gặp được chú cả.

Alecxandr Vronxki, tuy sống một cuộc đời trụy lạc và rượu chè mà ai cũng biết, vẫn là một đình thần chân chính.

Lúc này, bàn bạc với em trai về một vấn đề rắc rối và biết con mắt công chúng có thể đổ dồn vào mình, ông làm bộ tươi cười như đang bông đùa với Alecxei.

– Có, tôi nhận được rồi, và quả thực tôi không rõ anh lo ngại cái gì, – Vronxki nói.

– Anh lo ngại về việc mới đây họ lưu ý anh là chú đã vắng mặt trong khi người ta lại gặp chú ở Petetrov thứ hai vừa rồi.

– Có những công việc chỉ liên quan tới những người trực tiếp dính dáng với nó và cái công việc anh đang quan tâm lại chính là…

– Phải, nhưng, nếu thế thì đừng ở lại quân đội nữa, thà chú…

– Tôi xin anh đừng xen vào chuyện đó, có thế thôi. – Bộ mặt cau có của Alecxei Vronxki tái đi và quai hàm dưới run lên, một điều ít thấy ở chàng. Là người rất tốt bụng, chàng ít khi nổi giận. Nhưng khi đã nổi giận và cằm run lên thì chàng trở nên nguy hiểm. Alecxandr Vronxki biết rõ như vậy và vui vẻ mỉm cười.

– Anh chỉ muốn chuyển lá thư của mẹ cho chú. Chú nhớ trả lời mẹ và không nên nóng nẩy trước khi bước vào cuộc đua. Chúc chú may mắn, – ông ta mỉm cười nói thêm và bỏ đi.

Nhưng ngay sau đó, một lần nữa lại có người sán đến gần Vronxki.

– Anh không nhận ra cả bè bạn nữa rồi! Chào anh bạn thân mến, – Xtepan Arcaditr nói, – và giữa cái xã hội sang trọng ở Peterburg này, ông vẫn không kém phần choáng lộn so với khi ở Moxcva, với bộ mặt hồng hào và hai chòm râu má chải chuốt, bôi sáp. Tôi đến đây hôm qua và lấy làm sung sướng được chứng kiến thắng lợi của anh. Bao giờ chúng ta gặp nhau?

– Mai anh đến quán ăn sĩ quan, – Vronxki trả lời, chàng xin lỗi và xiết ống tay áo khoác của ông ta rồi vào bãi đua, ở đó ngựa đã được dẫn ra dự cuộc đua vượt chướng ngại. Mấy người coi ngựa dẫn về tàu những con ngựa mệt nhoài, đầm đìa mồ hôi vừa chạy đua xong, và những con khỏe nguyên của cuộc đua sau lần lượt được dẫn vào, phần đông là ngựa Anh, đai thắng kĩ càng, choàng vải phủ mình, trông như một đàn quái điểu đồ sộ. Ở bên phải, là con Lao xao xinh đẹp và mảnh dẻ, với dáng đi rún rẩy, lần lượt đưa từng chiếc cổ chân thon dài bước về phía trước. Cách đấy không xa, người ta đang cởi vải phủ mình con Võ sĩ với đôi tai dựng ngược mãi phía sau đầu. Hình dáng đầy đặn, cân đối và hoàn hảo của con ngựa giống, với cặp mông bệ vệ và cổ chân rất ngắn, ngay phía trên móng, buộc Vronxki phải chú ý. Chàng định đến với ngựa mình nhưng lần nữa lại bị một người bạn giữ lại.

– À! Carenin kia kìa! – Anh ta nói. – Ông ta đang tìm vợ. Anh không trông thấy bà ta ngồi ở khán đài à?

– Không, – Vronxki trả lời, không quay lại phía khán đài mà người kia đang chỉ cho chàng thấy Anna, và bước đến gần con Lao xao.

Chàng vừa kịp xem lại chiếc yên có chỗ cần chỉnh đốn, thì người ta đã gọi tên các đấu thủ để rút số. Mười bảy sĩ quan, vẻ mặt nghiêm trang, phần đông tái đi, tụ tập gần khán đài và rút số. Vronxki rút được số bảy.

– Lên yên! – có tiếng hô.

Cảm thấy mình và các đấu thủ là mục tiêu của toàn thể cử tọa, Vronxki tiến về phía con Lao xao trong cái trạng thái căng thẳng thường khiến cử chỉ chàng trở lại bình tĩnh và chậm rãi. Nhân cuộc đua này, Coóc đã mặc lễ phục: áo ngắn đen cài khuy, cổ cồn dựng cao tới má, mũ tròn đen, ủng cao. Y vẫn bình tĩnh và nghiêm trang như thường lệ và đứng sững trước con ngựa, tự tay cầm cương để giữ nó. Lao xao vẫn run như đang lên cơn sốt. Con mắt nó nẩy lửa liếc nhìn Vronxki đang tiến lại gần. Chàng luồn ngón tay xuống dưới dây đai. Con ngựa liếc mắt gườm gườm, nhe răng và vểnh tai. Gã người Anh mím môi phác một nụ cười khi thấy chàng kiểm tra lại việc đóng yên của y.

– Lên ngựa đi: ông sẽ bớt hồi hộp, – y nói.

Vronxki quay lại lần cuối nhìn các đối thủ. Chàng biết trong cuộc đua sẽ không nhìn thấy họ nữa. Hai người trong bọn họ đã đến chỗ xuất phát. Gantdin, một trong những đối thủ nguy hiểm nhất, bạn của Vronxki, lăng xăng quanh con ngựa giống màu tía đang vùng vằng không chịu cho cưỡi. Một gã khinh kị ngự lâm bé nhỏ, mặc quần hẹp, phi nước đại một lúc, bắt chước những kị mã người Anh thu mình lại như mèo trên mình ngựa. Hoàng thân Kudovlev mặt tái nhợt, ngồi trên con ngựa cái nòi của trại ngựa Grabôp do một gã người Anh cầm dây cương dắt đi. Vronxki và tất cả bạn chàng đều biết Kudovlev và đặc điểm ông ta: yếu bóng vía mà lại tự ái ghê gớm. Họ biết ông ta sợ đủ thứ; ông ta rất sợ cưỡi ngựa chiến nhưng chính vì sợ, vì có người đã ngã gãy cổ và ở mỗi chướng ngại đều có bác sĩ, xe cấp cứu và nữ cứu thương, cho nên ông ta đã quyết định tham dự cuộc đua. Luồng mắt hai người vô tình gặp nhau và Vronxki nháy mắt với ông ta một cách thân ái và đồng tình. Chỉ có một người là chàng không thấy: kẻ đối thủ lợi hại nhất, Makhotin trên con Võ sĩ.

– Ông đừng hấp tấp, – Coóc nói với Vronxki, – và hãy nhớ kĩ điểm này: khi qua chướng ngại đừng kìm và cũng đừng thúc nó, cứ mặc nó làm theo ý thích.

– Được, được, – Vronxki nói, tay cầm lấy dây cương.

– Nếu có thể được thì ông nên dẫn đầu cuộc đua; nhưng chưa kết thúc thì đừng có nản, dù đang chạy ở cuối đoàn cũng vậy.

Con ngựa chưa kịp động đậy thì Vronxki, bằng một động tác vững vàng và mềm mại, đã đặt chân vào bàn đạp thép có răng cưa, và nhẹ nhàng ngồi lên chiếc yên da kêu cót két. Trong khi luồn bàn chân phải vào bàn đạp, chàng quen lệ kéo ngay ngắn đôi dây cương kép giữa mấy ngón tay; Coóc buông ra. Lao xao vươn cổ và kéo căng dây cương: nó hình như tự hỏi xem nên bước đi bằng chân nào, lắc lư như trên lò xo, làm người cưỡi đu đưa trên tấm lưng mềm. Coóc rảo bước đi theo Vronxki. Con ngựa hung hăng kéo căng dây cương, lúc phía bên này, lúc phía bên kia, thử bắt nạt người cưỡi, và Vronxki cố dùng giọng nói và bàn tay để vỗ về nhưng vô hiệu. Họ đến gần con sông có bờ đê và tiến về điểm xuất phát. Người đi trước, kẻ đi sau Vronxki; bỗng nhiên, chàng nghe thấy đằng sau có tiếng ngựa phi trên đường bùn lầy và Makhotin cưỡi con Võ sĩ có đôi tai doãng và bộ chân trắng, vượt lên trước mặt. Makhotin mỉm cười nhe hàm răng dài, nhưng Vronxki tức tối nhìn y. Lúc thường chàng đã không thích y và lúc này lại coi y là địch thủ nguy hiểm nhất; cho nên chàng tức giận thấy y phi vượt lên trước, làm ngựa chàng sợ hãi. Con Lao xao cất chân phi hai bước và giận dữ vì bị dây cương kìm lại, bèn chạy nước kiệu lóc cóc làm Vronxki thỉnh thoảng lại bật nảy người. Coóc nhíu mày và rầu rĩ gần như chạy theo sau Vronxki.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.