Anna Karenina (Tập 1)
Phần 3 – Chương 01
1
Xergei Ivanovitr Coznusev quyết định tạm nghỉ công việc trí óc; nhưng đáng lẽ ra nước ngoài như thường lệ, thì đến cuối tháng năm ông lại tới nhà Levin. Theo ý ông, không gì tốt bằng sống ở nông thôn. Ông đến nhà em trai để hưởng thụ cuộc sống đó. Conxtantin Levin càng lấy đó làm vui thích vì hè năm đó, chàng không còn hi vọng ông anh Nicolai đến nữa. Nhưng, mặc dầu quý trọng Xergei Ivanovitr, Conxtantin Levin vẫn không thoải mái khi có mặt ông ở Pocrovxcoie. Chàng khó chịu, thậm chí còn khổ tâm, về cái cách ông ta hiểu nông thôn. Đối với Conxtantin Levin, nông thôn chính là sân khấu của cuộc đời chàng, nghĩa là của những vui sướng, đau khổ và công việc; đối với Xergei Ivanovitr thì một mặt nó là chốn nghỉ ngơi, mặt khác lại là liều thuốc giải độc thần hiệu chống sự đồi trụy thị thành, một liều thuốc giải độc ông vui lòng uống vì biết nó hiệu nghiệm. Đối với Conxtantin Levin, nông thôn đẹp chính vì nó tạo địa bàn hoạt động cho những việc làm rõ ràng là hữu ích; đối với Xergei Ivanovitr, nông thôn đẹp chính vì ở đó người ta có thể không làm và không cần phải làm việc gì. Hơn nữa, thái độ Xergei đối xử với nông dân cũng làm Conxtantin hơi bực mình. Xergei Ivanovitr cho là mình yêu mến và hiểu biết đám bình dân; ông luôn luôn trò chuyện với bà con mugich, không có vẻ gì ngượng ngùng hoặc vờ vĩnh cả, và sau mỗi cuộc nói chuyện, lại rút ra những kết luận chung có lợi cho đám bình dân và chứng tỏ ông hiểu biết họ. Conxtantin Levin không ưa thái độ đó. Đối với chàng, bình dân chỉ là trợ thủ chủ yếu trong lao động chung và mặc dầu vừa kính trọng vừa yêu thương người mugich với mối tình mà chàng cả quyết đã hấp thụ cùng với dòng sữa của người vú nuôi nông dân, mặc dầu đôi khi cảm thấy thán phục sức mạnh, tính ôn hòa, thẳng thắn của họ, chàng vẫn thường tức giận vì tính bừa bãi, bẩn thỉu, rượu chè, dối trá của họ mỗi khi công việc chung đòi hỏi phải có những đức tính khác. Nếu ai hỏi Conxtantin Levin rằng chàng có yêu bình dân không thì quả chàng không biết trả lời ra sao. Đối với họ cũng như với mọi người khác, chàng vừa có thiện cảm, lại vừa có ác cảm. Nhưng vốn là người trung thực, chàng thường thấy nhiều thiện cảm hơn là ác cảm với mọi người; cho nên chàng đối với nông dân cũng như vậy. Nhưng tình cảm chàng đối với bình dân lại có một tính chất riêng biệt. Không những chàng sống với bình dân, không những tất cả quyền lợi của họ và của chàng gắn bó với nhau, mà chàng còn tự cho mình là một bộ phận khăng khít của bình dân, cho nên chàng không thể nhìn thấy khuyết điểm lẫn ưu điểm của nông dân cũng như không thể nhìn thấy ưu, khuyết của chính bản thân mình. Ngoài ra, tuy đã bao lâu sống giữa mugich với quan hệ rất mật thiết, vừa là chủ điền vừa là trọng tài và nhất là cố vấn nữa (người mugich, vốn tin chàng, có khi đi hàng bốn chục dặm đường đến xin chàng chỉ bảo), chàng vẫn không có ý niệm gì rõ ràng về bình dân và nếu ai hỏi chàng có hiểu biết đám bình dân đó không, thì chàng cũng sẽ trả lời rất lúng túng, không khác gì khi họ hỏi chàng có yêu bình dân không. Đối với chàng, nói mình hiểu biết bình dân cũng tựa như nói là hiểu biết mọi người. Chàng luôn quan sát và biết đủ mọi hạng người, trong đó có cả những mugich mà chàng cho là tốt và thú vị; chàng luôn luôn phát hiện ở họ những nét mới làm thay đổi ý niệm trước kia của chàng đối với họ. Đối với Xergei Ivanovitr thì lại hoàn toàn ngược lại. Ông ưa thích và tán dương cuộc sống thôn dã thế nào, tương phản với lối sống mà ông không ưa thích, thì ông cũng ưa thích đám bình dân như vậy, tương phản với lớp người ông không ưa thích, và ông thấy bình dân là hạng người tương phản với mọi người nói chung. Đầu óc khuôn phép của ông đã hình thành những quan điểm rành mạch về cuộc sống nông thôn; sở dĩ ông có những quan điểm đó, phần nào nhờ đã quan sát ngay bản thân cuộc sống nông dân, nhưng chính là nhờ quan sát những việc ngược lại. Ông không bao giờ thay đổi ý kiến về bình dân cũng như thái độ thiện cảm đối với họ. Trong những cuộc tranh luận xảy ra giữa hai anh em, phần thắng bao giờ cũng về thuộc Xergei Ivanovitr, chính vì ông có quan niệm rành mạch về bình dân, về tính chất, đặc điểm và sở thích của họ, còn Conxtantin Levin thì lại không có ý niệm gì rõ ràng cả; cho nên trong những cuộc bàn cãi đó, chàng thường mâu thuẫn với chính mình. Xergei Ivanovitr vẫn coi em là một chàng trai ưu tú, có trái tim đặt đúng chỗ, trí tuệ tuy sắc sảo nhưng bị những ấn tượng nhất thời chi phối quá nhiều và do đó đầy mâu thuẫn. Với thái độ chiếu cố kẻ cả, đôi khi ông giảng giải ý nghĩa các sự việc cho chàng nghe, nhưng không thấy hứng thú gì trong tranh luận vì ông thường dồn chàng đuối lý quá dễ dàng. Conxtantin Levin vốn coi anh mình là người thông minh và kiến thức rộng, phẩm chất cao thượng với tất cả ý nghĩa cao quý nhất của chữ đó, và sẵn khả năng hoạt động vì lợi ích công cộng. Nhưng tuổi càng lớn chàng càng hiểu ông anh hơn, trong thâm tâm, chàng càng hay nghĩ khả năng hoạt động vì lợi ích công cộng đó, mà chàng hoàn toàn không thấy có ở mình, có lẽ không phải là một đức tính mà trái lại còn là thiếu sót, không phải là thiếu những ước vọng và sở thích cao thượng, thẳng thắn và lành mạnh, mà nói cho đúng là thiếu sinh lực, thiếu cái người ta gọi là trái tim, thiếu niềm khát vọng nó bắt buộc ta phải chọn lấy một trong những con đường đó mà thôi. Càng hiểu ông anh hơn chàng càng thấy rằng, cũng như bao người khác hoạt động vì lợi ích công cộng, Xergei Ivanovitr yêu mến lợi ích chung không phải do trái tim thúc đẩy; lý trí đơn thuần đã vạch cho họ thấy quan tâm đến việc đó là tốt và đó là động cơ duy nhất. Điều phỏng đoán đó lại càng chắc chắn khi Levin thấy, đối với những vấn đề thuộc lợi ích công cộng và sự bất diệt của linh hồn, ông anh mình cũng chẳng quan tâm gì hơn là đối với một ván cờ hoặc sự cấu tạo tài tình của một kiểu máy mới. Conxtantin Levin thấy khó chịu khi sống ở nông thôn với ông anh còn vì lí do khác: trên trại ấp của mình, nhất là trong vụ hè, Levin luôn bận bịu và làm không hết việc dù ngày có dài mấy đi nữa, còn Xergei Ivanovitr cứ nghỉ tràn. Tuy nghỉ ngơi, nghĩa là không viết tác phẩm, nhưng vì quá quen hoạt động trí não, ông thích diễn đạt những ý nghĩ nảy ra trong đầu dưới hình thức trang nhã và cô đúc, do đó ông muốn có người nghe mình nói. Cái người nghe thường xuyên đó tất nhiên là ông em. Và tuy quan hệ của họ với nhau thân mật xuề xòa, Kônxtantin vẫn ngại để ông anh phải lủi thủi một mình. Xergei Ivanovitr thích nằm ngoài bãi cỏ dưới ánh mặt trời, vừa phơi nắng vừa uể oải trò chuyện.
– Chắc chú không thể tưởng tượng được cuộc đời nhàn rỗi này đối với anh thích thú biết bao, – ông nói với em trai. – Đầu óc ta rỗng không, chẳng suy nghĩ gì cả. – Nhưng phải ngồi nghe ông ta nói mãi cũng ngấy, nhất là khi Conxtantin Levin biết rằng, trong lúc vắng mặt mình, người làm đang xe phân bón ra cánh đồng chưa cày vỡ và nếu chàng không để mắt tới thì có trời biết là họ sẽ đánh đống ra sao ở ngoài đó, dễ thường họ còn không vặn chặt gióng cây và tháo tung ra để rồi sau đó bảo cày mới chỉ là thứ phát minh vô lí, “thà cứ dùng cày cũ còn hơn”, v.v…
– Trời nóng thế này, chú chạy đi chạy lại vừa thôi, – Xergei Ivanovitr bảo chàng.
– Không, em chỉ đến buồng giấy một lát thôi, – Levin nói và chạy tót ra đồng.
2
Đầu tháng sáu, bà vú già hiền lành kiêm quản gia Agafia Mikhailovna, khi cất hũ nấm vừa muối xong xuống dưới hầm, bị trượt chân ngã và trẹo cổ tay. Thầy thuốc của hội đồng tự trị địa phương, một sinh viên trẻ, ba hoa, vừa tốt nghiệp Đại học, được mời đến. Anh ta khám tay, nói là không bị sai khớp, lấy làm vui sướng được tiếp chuyện nhân vật trứ danh Xergei Ivanovitr Coznusev, và, để bày tỏ cho ông biết quan điểm sáng suốt của mình về mọi việc, anh ta kể lại cho ông nghe các thứ chuyện lăng nhăng trong quận, và than phiền về tình hình tồi tệ của cơ quan hành chính tỉnh. Xergei Ivanovitr chăm chú nghe, hỏi han anh ta, và, hứng lên vì có thêm thính giả mới này, ông liền nói thao thao bất tuyệt, điểm thêm những nhận xét xác đáng và sâu sắc, được vị bác sĩ trẻ kính cẩn tán thưởng, và ông bỗng trở nên phấn khởi, cái vẻ phấn khởi mà em trai ông biết rất rõ, thường thấy sau mỗi lần ông nói chuyện sinh động và xuất sắc. Khi bác sĩ đi rồi, ông định ra ngồi câu ở bờ sông. Xergei Ivanovitr thích câu cá và hình như hãnh diện là mình có thể ưa thích một thứ tiêu khiển ngu ngốc đến thế.
Conxtantin Levin đang cần ra chỗ ruộng cày và đồng cỏ, bèn mời ông đi bằng xe ngựa.
Lúc đó đã vào cuối hè: thời kỳ việc gặt hái trong năm đã định liệu đâu vào đấy, bắt đầu phải lo giống má cho năm sau và sắp đến vụ cắt cỏ; thời kỳ lúa lõa mạch xanh non đã lên đòng và thân cây mỏng manh đang lả lướt trước gió, chờ đợi mầu mỡ bốc lên; thời kì lúa yến mạch xanh sẫm gieo muộn đang hỗn độn vượt lên trên những búi cỏ vàng; thời kì lúa kiều mạch sớm đã mọc che kín đất; thời kì cày những thửa ruộng hưu canh có vệt đường bỏ hoang, trơ trơ dưới lưỡi bừa và rắn đanh lại vì súc vật xéo lên; thời kì hàng đống phân bón được chở ra ruộng, trộn lẫn mùi phân với hương cây cỏ; thời kì cánh đồng cỏ được chăm sóc, đang chờ lưỡi hái, trải tấm thảm rậm rì điểm những búi cây chua me sạm đen đã cắt xong. Đó là thời kì rảnh rang ngắn ngủi xen vào giữa công việc đồng áng trước mùa gặt hằng năm vẫn trở lại và hằng năm đòi hỏi tất cả sức lực của nông dân. Mùa màng hứa hẹn tốt đẹp: ban ngày quang đãng và ấm áp, tiếp theo những đêm ngắn đầy sương sa. Hai anh em phải qua một khu rừng mới tới được đồng cỏ. Xergei Ivanovitr suốt dọc đường ngây ngất ngắm khu rừng cành lá um tùm: khi ông trỏ cho em trai một cây bồ đề già xế rợp bóng râm, sặc sỡ cuộng lá vàng và sắp nở hoa, lúc lại trỏ những chồi cây non tơ một màu xanh cẩm thạch lộng lẫy. Conxtantin Levin không thích nói mà cũng chẳng thích nghe nhắc đến vẻ đẹp thiên nhiên. Đối với chàng, chữ nghĩa chỉ làm mất vẻ đẹp của cảnh vật. Chàng ừ hữ với anh nhưng bất giác lại nghĩ tới việc khác. Ra khỏi rừng, chàng chỉ một mực chăm chăm chú chú ngắm thửa ruộng hưu canh trên đồi, chỗ phủ kín cỏ vàng úa, nơi vụn ra từng tảng, đây thì rải rác gò đống, kia lại cày bừa rồi. Một dãy xe tải đậu dọc theo đám ruộng hưu canh. Levin đếm và vui thích thấy số xe đã đến đầy đủ. Khi thấy đồng cỏ, chàng liền nghĩ tới cỏ khô. Việc hái cỏ bao giờ cũng làm rung động một sợi dây tâm tình đặc biệt nhạy cảm trong chàng. Tới ria đồng cỏ, Levin liền dừng ngựa lại. Sương sớm vẫn phủ khắp bãi cỏ dày và Xergei Ivanovitr, để khỏi ướt chân, nhờ chú em đánh xe đưa ông tới một bụi cây kim tước, gần đó có thể câu được cá măng. Tuy xót ruột vì phải đè nát đồng cỏ, Conxtantin Levin vẫn đánh xe tiến vào. Cỏ cao quấn lấy vó ngựa và bánh xe, vương vãi hạt vào nan hoa và trục xe ẩm ướt. Ông anh ngồi xuống dưới bụi cây sau khi đã tháo cần câu; Levin dắt ngựa ra chỗ khác, buộc lại và đi vào đồng cỏ im gió, bát ngát một màu xanh xám. Ở những chỗ ngập nước, cỏ óng mượt mọc cao xấp xỉ ngang thắt lưng, hạt đã gần chín.
Conxtantin đi tắt qua cánh đồng cỏ, ra đường cái và gặp một ông lão mắt húp híp mang cái rọ chụp tổ ong.
– Thế nào, bắt được rồi chứ, bác Fômich? – Levin hỏi ông già.
– Bắt được rồi! Chà! Tôi chỉ cầu sao giữ được cái gì của mình mà thôi. Đây là lần thứ hai, đàn ong bé bay đi… Vừa may các chàng trai đến kịp thời. Chúng đang cày ruộng của ông: thế là chúng liền tháo ngựa ra và đuổi ngay theo sau…
– Bác Fômich, bác thấy thế nào? Giờ nên hái cỏ chưa hay là hãy chờ đã?
– Biết Thưa với ông thế nào đây? Chúng tôi thì chờ đến ngày lễ Thánh Pie kia, nhưng còn ông thì bao giờ ông cũng hái sớm hơn. Nếu Chúa thương thì cỏ sẽ tốt đấy. Gia súc cũng có đủ cái mà ăn.
– Bác có cho là sẽ đẹp trời không?
– Cái đó còn nhờ lượng Chúa. May ra thì có thể đấy. – Levin quay lại chỗ ông anh. Cá không cắn câu, nhưng Xergei Ivanovitr không chút chán nản và xem chừng còn rất vui là khác. Levin thấy ông đang bốc vì cuộc trò chuyện với bác sĩ, vẫn còn hứng nói. Ngược lại, Levin muốn về nhà ngay để sai người đi gọi thợ hái ngày mai đến và quyết định về vấn đề hái cỏ vẫn canh cánh trong lòng.
– Ta về thôi, – chàng nói.
– Làm gì mà vội thế? Hãy ở lại lát nữa nào. Chú ướt hết rồi! Chẳng câu được con nào nhưng ở đây, anh rất dễ chịu. Mọi thứ săn bắn, câu cá đều có cái tốt là được tiếp xúc với thiên nhiên. Làn nước long lanh mới đẹp làm sao! – ông nói. – Những bờ nước trong đồng cỏ này làm anh nhớ tới một câu đố, – ông nói tiếp. – Chú có biết không? Cỏ nói với nước: “Chúng tôi đong đưa, chúng tôi đong đưa.”
– Em không biết câu đố đó, – Levin trả lời, giọng ưu tư.
3
– Chú ạ, anh đang nghĩ về chú, – Xergei Ivanovitr nói. – Cứ theo lời bác sĩ nói với anh thì những công việc xảy ra ở quận chú thật không ra thế nào. Cái anh chàng đó, nó không ngốc tí nào đâu. Anh đã nói điều đó với chú rồi và anh cần nhắc lại: chú không đi họp và nói chung chú xa lánh hội đồng tự trị địa phương là sai lầm. Nếu người đứng đắn mà lảng trốn cả vào một xó thì mọi cái sẽ hỏng bét. Chúng ta bỏ tiền ra nhưng tiền của chúng ta biến thành lương bổng hết; rồi chẳng có trường học, chẳng có nhà phẫu thuật, nữ hộ sinh, nhà bào chế; chẳng có gì hết.
– Tôi cũng đã thử rồi, – Levin khẽ trả lời miễn cưỡng. – Tôi không làm nổi! Biết làm thế nào?
– Nhưng tại sao chú không làm nổi? Thú thực anh không hiểu đấy. Anh không nghĩ là chú thờ ơ hay bất lực: thế thì có lẽ chỉ vì lười biếng chăng?
– Mọi cái đó đều không phải. Tôi đã thử rồi và nhận thấy không thể làm được gì, – Levin nói.
Chàng không để ý mấy đến lời ông anh nói. Nhìn sang thửa ruộng cày bên kia sông, chàng thấy một chấm đen nhưng không nhận ra đó là viên quản lý đang phi ngựa tới hay chỉ là con vật không người cưỡi.
– Tại sao chú không thể làm được gì? Chú đã thử một lần mà lần ấy, theo ý chú, là thất bại, nên chú đành cam chịu à? Chú không biết tự ái ư?
– Tự ái ư? Anh nói gì tôi không hiểu, – Levin nói, cay cú vì những lời ông anh. – Nếu ở trường đại học, người ta bảo tôi không hiểu gì về tích phân học, trong khi mọi người khác đều hiểu, chắc tôi sẽ tự ái đấy. Nhưng trong trường hợp này, trước tiên phải tin rằng mình có khả năng nào đó đối với loại công việc này và nhất là phải tin rằng mọi công việc đó đều rất quan trọng.
– Thế thì sao? Chẳng đúng là như thế ư? – Xergei Ivanovitr nói, đến lượt ông cay cú vì em trai cho việc ông quan tâm là phù phiếm và nhất là vì rõ ràng hắn chỉ lơ đãng nghe mình.
– Không, cái đó đối với tôi không có gì quan trọng cả, nó không làm tôi quan tâm thì anh bảo sao? – Levin trả lời, lúc này chàng đã đoán ra cái chấm đen là người quản lý và hình như y đang để cho nông dân về nhà. Họ đã quay ngược bừa. “Họ làm xong rồi kia à?”, chàng thầm nghĩ.
– Dù sao chú cứ nghe anh đã, – ông anh nói, bộ mặt thông minh tuấn tú của ông sa sầm, – cái gì cũng có giới hạn. Làm người độc đáo, chân thực và ghét dối trá là rất tốt; anh hiểu mọi cái đó lắm; nhưng cái điều chú nói, hoặc là không có ý nghĩa gì, hoặc có thể hiểu theo ý xấu. Thế nào, chú cho là không quan trọng khi đám bình dân, mà chú vẫn nói là chú yêu mến…
“Mình không hề nói thế bao giờ”, Levin thầm nghĩ.
– … Chết không ai cứu vớt? Khi những bà đỡ vụng về làm chết trẻ sơ sinh, khi đám bình dân ngụp lặn trong dốt nát và lệ thuộc vào bất cứ tên nha lại nào? Chú có phương tiện để bổ khuyết tình trạng đó nhưng chú không hề can thiệp, vì cho là không quan trọng! – Và Xergei Ivanovitr dồn chàng đến chỗ phải nhận một trong hai điều, hoặc là sự phát triển trí lực không đầy đủ nên chàng không nhìn thấy tất cả những cái có thể làm được, hoặc là chàng không muốn hy sinh cuộc sống yên ổn, lòng tự ái, hoặc cái gì đấy… Conxtantin Levin cảm thấy chỉ còn có cách khuất phục hoặc thú nhận mình lừng khừng đối với lợi ích công cộng. Mà điều đó khiến chàng vừa khó chịu vừa buồn phiền.
– Cả thế này lẫn thế kia, – chàng nói, giọng dứt khoát. – Tôi thấy người ta không thể…
– Thế nào? Nếu đem tiền ra phân phối tốt hơn, người ta không tổ chức nổi một trạm y tế hay sao?
– Không, tôi không tin là có thể làm được… Trên bốn nghìn vécxtơ đất đai của quận chúng ta, với những vùng đất trũng ẩm thấp, những bão táp, công việc đồng áng, tôi thấy không thể tổ chức được một trạm y tế. Vả lại, tôi cũng không tin vào y học.
– Nhưng, xin lỗi chú, thế là không đúng… Tôi có thể kể chú nghe hàng ngàn thí dụ khác… Còn trường học thì sao?
– Trường học ư, để làm gì kia chứ?
– Chú nói cái gì mà lạ thế! Lại có thể nghi ngờ cả lợi ích của giáo dục hay sao? Nếu nó có ích cho chú thì cũng có ích cho mọi người chứ!
Conxtantin Levin cảm thấy, về phương diện tinh thần, chàng bị dồn vào chỗ bí nên phát khùng và bất giác buột miệng nói ra lý do chính về sự dửng dưng của mình đối với lợi ích công cộng.
– Tất cả những cái đó có lẽ đều đúng; nhưng tại sao tôi lại phải lo lắng đến chuyện xây dựng trạm y tế mà chẳng bao giờ tôi được nhờ vả gì, xây dựng trường mà không bao giờ tôi cho con cái đến học, và ngay cả nông dân cũng không muốn cho con họ đến, và tôi cũng chưa chắc có thật cần thiết phải cho chúng đến trường hay không? – chàng nói. Xergei Ivanovitr lúc đầu hơi bối rối vì cách nhìn nhận vấn đề bất ngờ như vậy; nhưng sau đó, ông lập tức bố trí một kế hoạch tấn công mới.
Ông nín lặng, giật một cần câu lên, rồi lại quăng xuống và mỉm cười quay về phía em trai:
– Xin lỗi… Trước hết, sự cần thiết của trạm y tế được chứng minh rồi đấy. Chúng ta đã cho mời bác sĩ ở hội đồng tự trị địa phương đến chữa cho Agafia Mikhailovna.
– Phải, nhưng tôi e bàn tay vú ấy vẫn trẹo như cũ.
– Để rồi xem sao đã… Sau nữa, một mugich, một người thợ biết đọc biết viết đối với chú càng quý giá, càng có lợi ích hơn…
– Không, anh cứ hỏi bất cứ ai mà xem, – Conxtantin Levin trả lời, giọng quả quyết: – một người biết đọc biết viết, mà lại là thợ nữa, càng trăm lần tệ hại hơn. Hắn ta sẽ không muốn đi sửa đường nữa; nếu cho đi xây cầu thì hắn ta sẽ ăn cắp vật liệu.
– Tóm lại, – Xergei Ivanovitr cau mày nói, ông vốn không ưa lối nói năng mâu thuẫn và nhất là cứ luôn luôn nhảy từ vấn đề này sang vấn đề khác, với những lý lẽ mới chẳng dính dáng gì với nhau, làm người ta không biết đâu mà trả lời, – tóm lại, vấn đề không phải là ở đó. Thế chú có thừa nhận giáo dục là việc hữu ích đối với bình dân không?
– Có chứ, – Levin vô tình buột miệng trả lời và lập tức nhận thấy là đã không nói đúng như mình nghĩ. Chàng thấy một khi mình đã thừa nhận như vậy, ông anh sẽ chứng minh là chàng đã nói quàng xiên chẳng đâu vào đâu. Chàng không hiểu ông ta sẽ chứng minh bằng cách nào, nhưng biết trước điều đó chắc chắn sẽ được chứng minh hợp lý và chàng chờ đợi.
Lý lẽ thật đơn giản hơn nhiều so với dự đoán của Conxtantin Levin.
– Nếu chú đã thừa nhận đó là việc hữu ích thì với tư cách là một người trung thực, chú không thể từ chối không quan tâm săn sóc và sau đó hợp tác vào một công cuộc như vậy, – Xergei Ivanovitr nói.
– Nhưng tôi vẫn chưa tin chắc công cuộc đó là tốt, – Conxtantin Levin đỏ mặt nói.
– Sao hả? Nhưng chú vừa mới nói là…
– Tóm lại, tôi vẫn chưa biết công cuộc đó có tốt không và có thể làm được không…
– Chú chưa có làm theo hướng đó thì chú chưa có thể biết được.
– Cứ cho là như thế, – Levin nói, mặc dầu tuyệt nhiên không thừa nhận điều đó, – thì cứ cho là như thế đi; nhưng tôi vẫn chưa rõ tại sao tôi phải lo lắng đến việc đó kia chứ.
– Thế là thế nào?
– Này, nếu chót bàn đến đây rồi, anh cứ thử trình bày quan điểm triết học của anh cho tôi xem, – Levin nói.
– Anh không hiểu triết học có dính dáng gì đến chuyện này, – Xergei Ivanovitr nói bằng một giọng ngụ ý không thừa nhận chú em có quyền tranh luận về triết học (ít ra đó cũng là cảm tưởng của Levin). Điều đó làm Levin bực bội.
– Có chứ! – chàng sôi tiết nói. – Tôi cho rằng động cơ mọi hành động của chúng ta chung quy cũng chỉ vì hạnh phúc cá nhân mà thôi. Ngày nay, trong các cơ quan hàng tỉnh, với tư cách là người quý tộc, tôi không thấy cái gì có thể góp phần cải thiện đời sống của tôi. Đường sá thì không tốt hơn mà cũng không làm sao có thể tốt hơn được; vả lại có đi đường xấu thì ngựa cũng vẫn đưa tôi đi yên lành như thường. Tôi không cần đến bác sĩ mà cũng chẳng cần đến trạm y tế. Tôi lại càng hoàn toàn không cần đến thẩm phán hòa giải; tôi không bao giờ có việc gì phải tiếp xúc với ông ta cả và tôi mong sau này cũng cứ như thế. Trường học thì không những không giúp ích gì cho tôi mà còn có hại nữa, như tôi đã nói với anh rồi. Đối với tôi, các cơ quan hàng tỉnh chỉ là sự bắt buộc phải đóng mười tám kôpêch tiền thuế cho mỗi mẫu đất, phải ra tỉnh và ngủ chung với rệp, phải nghe họ tuôn ra những lời ngu ngốc và đê mạt, còn lợi ích cá nhân của tôi thì không liên can gì vào đấy cả.
– Xin lỗi chú, – Xergei Ivanovitr mỉm cười ngắt lời, – không phải lợi ích cá nhân đã thúc đẩy ta hoạt động để giải phóng nông nô; tuy nhiên, ta đã cộng tác vào việc đó đấy.
– Không! – Levin ngắt lời ông và càng nổi nóng hơn. – Giải phóng nông nô, đó lại là chuyện khác. Chúng ta có quyền lợi cá nhân ở đó. Tất cả những người chính trực đều muốn rũ cái ách vẫn đè lên người họ. Nhưng làm đại biểu nghị viện để bàn bạc về số lượng phu đổ thùng và kế hoạch cống rãnh của một thành phố tôi không ở; làm bồi thẩm và xử án một lão mugich đã ăn cắp cái chân giò sấy, ngồi liền sáu tiếng đồng hồ để nghe bọn thầy cãi và biện lý tuôn ra hàng tràng những lời ngớ ngẩn, nghe viên chánh án hỏi lão già khốn khổ đó rằng: “Thưa ông bị cáo, ông có nhận là đã ăn cắp một chiếc chân giò sấy không?”, anh cho như thế là thú vị à? Và Conxtantin Levin, theo đà câu chuyện, làm điệu bộ diễn lại cảnh giữa viên chánh án và lão mugich ngờ nghệch, cho thế là phát triển lập luận của mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.