Anna Karenina (Tập 1)
Phần 3 – Chương 04
9
Daria Alecxandrovna, đầu chít khăn, ngồi giữa bọn trẻ vừa tắm xong tóc còn ướt, sắp về tới nhà thì gã xà ích chợt nói:
– Có ai đang tới kia kìa; chắc là ông khách ở Pocrovxcoie. – Daria Alecxandrovna nhìn về phía trước và vui sướng nhận ra cái bóng dáng quen thuộc của Levin, mặc áo choàng và đội mũ màu xám, đang đi lại. Lần nào gặp chàng, bà cũng sung sướng, nhưng giữa lúc này, bà càng vui thích được ra mắt với tất cả hào quang của mình. Không ai hiểu nổi vẻ cao đẹp của bà hơn Levin.
Nhìn thấy bà, Levin tưởng như đang đứng trước cảnh hạnh phúc gia đình tương lai chàng hằng mơ tưởng.
– Chị quả đúng là gà mái mẹ, Daria Alecxandrovna ạ.
– Chào! Tôi rất sung sướng lại được gặp anh! – bà nói và chìa tay cho chàng bắt.
– Thế mà chị không báo tin cho tôi biết chị về đây! Ông anh tôi hiện đang ở nhà tôi. Chính Xtiva viết thư báo tôi biết chị đang ở đây.
– Xtiva à? – Daria Alecxandrovna ngạc nhiên hỏi.
– Phải, anh ấy viết thư bảo chị đã về quê ở và cho rằng chị sẽ bằng lòng để tôi giúp đỡ trong điều kiện có thể, – Levin nói. Vừa dứt lời, chàng bỗng lúng túng và nín bặt, vừa tiếp tục lặng lẽ đi cạnh xe, vừa bứt những chồi bồ đề đưa lên miệng nhấm nháp. Chàng nghĩ Daria Alecxandrovna ắt khổ tâm khi phải nhờ người khác giúp đỡ những việc đáng lẽ là phận sự của chồng. Quả thực Doli không ưa cái thói Xtepan Arcaditr hay đổ trách nhiệm gia đình lên đầu người khác. Và bà đoán ngay Levin cũng hiểu điều đó. Bà thầm cảm ơn thái độ tế nhị và trực giác của chàng.
– Tôi hiểu đó là cách anh ấy nhắn rằng chị đang muốn gặp tôi và tôi rất lấy làm sung sướng. Nhưng tôi chắc chị thể nào cũng bỡ ngỡ ở chốn nông thôn này; nếu cần, tôi xin sẵn sàng giúp chị, – Levin nói.
– Ồ, không, – Doli nói. – Thời gian đầu thì cũng có khó khăn đấy, nhưng bây giờ, nhờ vú già nên mọi việc đâu vào đấy rồi, – bà vừa nói vừa chỉ Matriona Filimonovna, vú hiểu họ đang nhắc đến mình và vui vẻ, thân mật mỉm cười với Levin. Bà lão biết chàng, hiểu đây là đám tốt cho cô chủ và ước ao đám cưới sẽ thành.
– Anh lên đây nào, ngồi chật lại một tí thôi, – bà bảo chàng.
– Không, tôi thích đi bộ. Này, các cháu, có đứa nào muốn chạy đua với ngựa không nào?
Lũ trẻ không quen Levin mấy; chúng không nhớ đã gặp chàng lần nào chưa, nhưng trước mặt chàng, chúng tỏ ra không hề có cái cảm giác kỳ lạ vừa rụt rè vừa ghét sợ thường thấy ở trẻ con đối với những người lớn giả nhân giả nghĩa, khiến cho chúng thường bị nghiêm phạt. Thói đạo đức giả có thể đánh lừa người tinh khôn và sắc sảo nhất, nhưng đứa trẻ kém thông minh nhất lại nhận ra ngay và né tránh, dù nó có được che đậy khéo léo đến đâu chăng nữa. Levin có tính xấu gì không biết, nhưng chàng không hề đạo đức giả, cho nên chúng liền bộc lộ với chàng cùng một mối thiện cảm chúng nhận thấy trên nét mặt mẹ. Nghe chàng rủ, hai đứa lớn lập tức nhảy tót xuống xe và chạy ngay bên cạnh chàng, cũng tự nhiên như chạy với vú nuôi, với cô Hal hoặc mẹ. Lili cũng đòi chạy theo và Doli bế nó đưa cho Levin. Chàng cho nó ngồi lên vai và lao đi.
– Daria Alecxandrovna, chị đừng sợ, – chàng mỉm cười vui vẻ nói với người mẹ. – Tôi không đánh ngã nó đâu.
Và nhìn những động tác của chàng, thận trọng và khéo léo, người mẹ liền yên tâm và vui vẻ mỉm cười đồng tình.
Giữa cảnh thôn dã, bên lũ trẻ và Daria Alecxandrovna đầy thiện cảm đối với mình, Levin trở lại cái tâm trạng hồ hổi và trẻ thơ thường thấy ở chàng mà Daria Alecxandrovna đặc biệt thích. Chàng chạy đua với lũ trẻ, dạy chúng tập thể dục, nói một thứ tiếng Anh cà cộ làm cô Hal phì cười và kể cho Daria Alecxandrovna nghe về công việc của mình.
Sau bữa trưa, Daria Alecxandrovna ngồi một mình với chàng ngoài bao lơn, lân la nhắc đến chuyện Kitti.
– Anh biết không, Kitti sắp về nghỉ hè ở đây với tôi đấy.
– Thật à?- chàng đỏ mặt nói, và để lái sang chuyện khác, lập tức nói thêm: – Vậy tôi sẽ đưa sang cho chị hai con bò sữa nhá? Nếu chị cứ khăng khăng đòi trả tiền thì mỗi tháng cho tôi năm rúp, trừ phi chị biết ngượng vì cách xử sự như vậy.
– Không, cảm ơn. Chúng tôi thu xếp xong cả rồi.
– Thôi được, nhưng tôi phải đi thăm bò của chị và nếu chị bằng lòng, tôi sẽ chỉ dẫn về vấn đề cỏ ăn. Tất cả là trông vào cỏ.
Và để cắt dẫn câu chuyện sang vấn đề khác, Levin giảng cho Daria Alecxandrovna đôi chút về lý thuyết chăn nuôi bò sữa nhằm làm con bò trở thành cái máy đơn giản chuyên biến cỏ thành sữa v.v…
Trong khi nói, chàng vừa tha thiết muốn biết tin Kitti lại vừa sợ. Chàng sợ mất cái thế thăng bằng tinh thần phải chật vật biết bao mới đạt được.
– Vâng, nhưng phải trông nom tất cả những việc đó, mà biết lấy ai làm cho? – Daria Alecxandrovna trả lời, không lấy gì làm sốt sắng.
Giờ đây nhờ Matriona Filimonovna giúp đỡ, bà đã thu dọn cơ ngơi ngăn nắp rồi, nên không muốn thay đổi gì nữa; vả lại, bà cũng không tin tưởng gì cái vốn khoa học của Levin về phương diện chăn nuôi. Quan niệm coi con bò như cái máy sản xuất sữa, đối với bà, còn đáng nghi ngờ lắm. Bà nghĩ mọi việc đó thật giản dị hơn nhiều; theo lời Matriona Filimonovna giảng giải, chỉ cần cho con Bạch, con Đốm ăn thêm cỏ và chú ý đừng để anh bếp lấy nước rửa bát đem đi cho bò của chị thợ giặt. Nói thế mới rõ. Chứ còn những lời bàn hão về cách nuôi bằng thức ăn có chất bột và cỏ thì khó tin lắm. Và nhất là bà lại đang muốn nói chuyện về Kitti.
10
– Kitti viết thư nói nó không muốn gì hơn là được sống yên tĩnh và nghỉ ngơi, – Doli lại nói sau một lúc im lặng.
– Cô ấy có khỏe hơn không? – Levin xúc động hỏi.
– Đội ơn Chúa, em nó khỏi hẳn rồi. Tôi không bao giờ tin là em nó mắc bệnh phổi.
– Ồ, thế thì tôi rất mừng! – Levin nói, trong khi ấy Doli như thấy một vẻ đau khổ tồi tội trên nét mặt chàng, và chàng nín lặng nhìn bà.
– Này, Conxtantin Dimitrievitr, tại sao anh giận Kitti? – Daria Alecxandrovna hỏi với một nụ cười hiền hậu điểm chút giễu cợt.
– Tôi ấy à? Tôi… có giận cô ấy đâu, – Levin nói.
– Có, có, anh có giận nó. Tại sao khi đến Moxcva, anh không đến chơi chúng tôi mà cũng không đến thăm ba mẹ chúng tôi?
– Daria Alecxandrovna, – chàng nói và mặt đỏ bừng đến tận chân tóc, – tôi lấy làm lạ thế sao chị tốt bụng thế mà không thông cảm cho. Tại sao chị không thương tôi một chút khi biết rằng…
– Biết cái gì kia chứ?
– … Khi chị biết tôi đã cầu hôn và bị cự tuyệt, – Levin nói; và tất cả lòng trìu mến, trước đây một phút chàng còn cảm thấy đối với Kitti, giờ nhường chỗ cho oán giận trong tâm hồn.
– Sao anh lại cho là tôi biết chuyện đó?
– Vì mọi người đều biết.
– Chính anh lầm ở điểm ấy đấy: tôi không biết chuyện đó, nhưng cũng ngờ ngợ.
– Nếu thế bây giờ chị biết rồi đấy.
– Tôi chỉ biết có một cái gì xảy ra đã giày vò nó ghê gớm và nó van tôi đừng bao giờ nhắc đến nữa. Nếu nó không thổ lộ với tôi, tức là cũng chưa hề nói chuyện đó với ai. Thế có chuyện gì giữa hai người vậy? Anh nói cho tôi biết đi.
– Tôi nói với chị rồi đấy.
– Hồi nào?
– Cái lần cuối tôi đến thăm nhà ta.
– Tôi cần nói với anh điều này: tôi thương nó vô cùng, – Daria Alecxandrovna nói. – Anh thì chỉ bị tổn thương đến tự ái thôi.
– Có thể như vậy, – Levin nói, – nhưng… – Bà ngắt lời chàng:
– Nhưng con bé tội nghiệp thì làm tôi thương hại vô cùng. Bây giờ tôi biết rõ tất cả rồi.
– Daria Alecxandrovna, chị tha lỗi, – chàng nói và đứng dậy. – Tôi phải về đây. Chào chị.
– Không, anh hãy ở lại đã, – bà nói và núi tay áo chàng. – Anh hãy ở lại, ngồi xuống đây đã.
– Tôi xin chị, tôi xin chị, đừng nhắc đến chuyện ấy nữa, – chàng nói, ngồi xuống đồng thời cảm thấy mối hi vọng tưởng đã chôn chặt nay lại trỗi dậy và sống lại trong lòng.
– Nếu trước đây tôi chưa quý mến anh, – Daria Alecxandrovna nói và rơm rớm nước mắt, – nếu trước đây tôi chưa hiểu anh như bây giờ…
Tình cảm tưởng đã chết nay sống lại mãnh liệt và tràn ngập tâm hồn Levin.
– Phải, bây giờ, tôi hiểu cả rồi, – Daria Alecxandrovna nói tiếp. – Các anh thì không thể hiểu được; đàn ông các anh, các anh đối với tự do, các anh được quyền kén chọn, các anh nhìn thấy rõ các anh yêu ai. Nhưng con gái thì phải chờ đợi, phải giữ gìn ý tứ, một cô gái chỉ nhìn thấy các anh từ xa thì cái gì cũng tin ngay làm thực. Đôi khi, ngay bản thân cô ta cũng không phân biệt nổi tình cảm mình nữa.
– Phải, nếu lòng cô ta không rung động…
– Có chứ, lòng cô ta có rung động đấy, nhưng anh thử ngẫm mà xem: các anh để mắt tới một cô gái, các anh tới nhà cha mẹ cô ta, các anh làm quen, các anh quan sát cô ta, các anh chờ đợi tìm thấy ở cô ta những cái các anh yêu quý và khi các anh chắc chắn đã yêu rồi, các anh liền cầu hôn…
– Không, chuyện xảy ra không hoàn toàn như vậy.
– Điều đó không quan trọng; các anh chỉ cầu hôn khi nào tình yêu đã chín muồi hoặc giữa hai bề kén chọn, một bên đã thắng thế. Nhưng người ta lại không hỏi ý kiến cô gái. Người ta muốn cô ta tự lựa chọn lấy, mà cô ta thì không làm nổi. Cô ta chỉ có thể trả lời “có” hoặc “không”. – “Đó là chuyện kén chọn giữa Vronxki và mình đây”, Levin thầm nghĩ và cái tình cảm đã chôn sâu vừa sống lại trong đáy lòng lại chết đi lần thứ hai, tan nát trái tim chàng.
– Daria Alecxandrovna ạ, – chàng nói, – người ta lựa chọn cái áo hoặc món hàng nhưng không thể lựa chọn tình yêu. Việc lựa chọn đã dứt khoát rồi, và thế càng tốt… không thể làm lại được.
– Ôi! Tự ái, bao giờ cũng vẫn tự ái! – Daria Alecxandrovna nói, lộ vẻ khinh bỉ đối với tình cảm ti tiện đó, so với thứ tình cảm khác mà chỉ riêng giới phụ nữ mới hiểu nổi. – Khi anh đến cầu hôn, chính Kitti đang ở trong tình thế không biết trả lời ra sao. Nó phân vân. Nó lưỡng lự giữa anh và Vronxki. Ngày nào nó cũng gặp hắn ta, còn anh thì đã lâu chẳng thấy đến. Nếu nó lớn tuổi hơn… Như tôi chẳng hạn, tôi sẽ không đắn đo một giây nào cả. Tôi xưa nay vẫn ác cảm với hắn ta.
Levin nhớ lại câu trả lời của Kitti. Nàng đã nói: “Không, Không thể được…”
– Daria Alecxandrovna, – chàng lạnh lùng nói, – tôi quý trọng lòng tin cậy của chị đối với tôi nhưng tôi nghĩ chị đã lầm. Dù đúng hay sai, lòng tự ái, mà chị rất khinh bỉ, cũng buộc tôi không được, phải, tuyệt đối không được nghĩ tới Ecaterina Alecxandrovna… chị hiểu chứ?
– Tôi muốn nói với anh điều này nữa: đây là tôi đang nói chuyện với anh về em gái tôi, tôi yêu quý nó như đứa con rứt ruột của tôi. Tôi không nói là nó yêu anh, tôi chỉ muốn nói việc nó từ chối vào lúc đó không có ý nghĩa gì cả.
– Tôi không hiểu chị có biết chị làm khổ tôi đến thế nào không? – Levin nói và đột nhiên vùng dậy. – Có khác gì con chị chết mà người ta cứ đến nói với chị: nó có thể trở nên thế này, thế nọ, nó có thể sống mãi và đem nguồn vui cho chị. Nhưng nó đã chết rồi, chết rồi, chết rồi…
– Anh thật kỳ lạ! – Daria Alecxandrovna nói, mỉm cười buồn rầu trước vẻ xúc động của Levin. – Phải, mỗi lúc tôi một hiểu hơn, bà nói thêm, tư lự. – Thế bao giờ Kitti về đây ở, anh sẽ không lại thăm chúng tôi nữa à?
– Phải. Tất nhiên, tôi không lẩn trốn Ecaterina Alecxandrovna, nhưng mỗi lần có thể được, tôi sẽ hết sức tránh cho cô ấy khỏi khó chịu vì có mặt tôi.
– Anh buồn cười thật, – Daria Alecxandrovna nhắc lại, dịu dàng nhìn chàng. – Thôi được, cứ coi như chúng ta chưa nói chuyện gì với nhau. Tania, con đến đây làm gì? – bà nói bằng tiếng Pháp với cô bé đang đi vào.
– Cái xẻng của con đâu hả mẹ?
– Mẹ nói với con bằng tiếng Pháp, con cũng phải trả lời bằng tiếng Pháp.
Cô bé muốn vâng lời mẹ nhưng quên không biết gọi “cái xẻng” bằng tiếng Pháp là gì; bà mẹ nhắc, rồi vẫn dùng tiếng Pháp, bảo cho nó biết chỗ để xẻng. Việc đó làm Levin khó chịu.
Giờ đây, tất cả: căn nhà, lũ trẻ, đối với chàng đều không có vẻ thích thú như trước nữa.
“Tại sao chị ấy lại phải nói tiếng Pháp với lũ trẻ? Chàng thầm nghĩ. Thật giả dối và gượng gạo! Chính bản thân lũ trẻ cũng thấy thế. Người ta dạy chúng biết tiếng Pháp, nhưng lại làm chúng quên mất tính thành thực”, chàng tự bảo, không biết rằng Daria Alecxandrovna đã suy đi tính lại vấn đề đó đến hàng hai mươi lần và cuối cùng xét thấy dù có ảnh hưởng xấu đến tính thành thực thì cũng cứ phải dạy tiếng nước ngoài bằng cách đó cho lũ trẻ.
– Anh đi đâu mà vội! Hãy ngồi nán lại lát nữa nào.
Levin ở lại đến bữa trà, nhưng chàng đã hết hứng thú và cảm thấy mất thoải mái.
Sau bữa trà, chàng ra phòng chờ sai thắng ngựa vào xe. Khi trở lại, chàng thấy Daria Alecxandrovna nhớn nhác, mặt tái nhợt và nước mắt giàn giụa. Trong lúc vắng mặt Levin, xảy ra một việc khiến đối với Alecxandrovna phút chốc thấy sụp đổ cả niềm hạnh phúc ngày hôm đó và niềm kiêu hãnh lũ trẻ mang lại cho bà: Grisa và Tania đánh nhau vì tranh giành quả bóng. Daria Anna nghe tiếng chúng kêu hét, bèn chạy vào phòng trẻ và thấy chúng thật gớm ghiếc: Tania đang túm tóc Grisa, còn chú bé mặt mũi hằm hằm giận dữ, thụi lấy thụi để chị. Cảnh tượng này làm tan vỡ một cái gì đó trong lòng Daria Alecxandrovna. Bóng tối như tràn vào đời bà; bà hiểu ra rằng lũ trẻ này, niềm tự hào của bà, không những chỉ là những đứa bình thường nhất mà còn độc ác, mất dạy, tính nết cục cằn và tàn bạo.
Không còn bụng dạ nào để nghĩ và bàn bạc những chuyện khác, bà chỉ còn cách kể lể nỗi khổ tâm cho Levin nghe.
Levin thấy bà đau khổ như vậy, liền cố an ủi: chàng nói cái đó không có gì đáng lo ngại, trẻ con đứa nào chả đánh nhau; nhưng vừa nói Levin vừa nghĩ trong thâm tâm: “Không, mình sẽ không hoài công đi nói tiếng Pháp với con cái, con mình sẽ khác hẳn, chỉ cần đừng nuông chiều, đừng làm méo mó trẻ con cho chúng có vẻ đáng yêu. Phải, con mình sẽ khác hẳn.”
Chàng cáo từ và ra về; bà ta cũng không giữ chàng ở lại nữa.
11
Khoảng trung tuần tháng bảy, viên xã trưởng làng bà chị Levin ở cách Pocrovxcoie chừng hai mươi vecxtơ, đến báo cho chàng biết về tình hình sản xuất và vụ cắt cỏ. Nguồn lợi tức chủ yếu của khoảng đất này là ở những đồng cỏ ngập lụt trong mùa xuân. Những năm trước, nông dân thuê mỗi mẫu đồng cỏ là hai mươi rúp. Khi bắt tay vào trông nom trại ấp, Levin đi kiểm tra những cánh đồng cỏ đó, và thấy đáng giá đắt hơn nên đã nâng giá là hai mươi lăm rúp một mẫu. Đám mugich từ chối giá mới và đúng như Levin e ngại, họ còn dèm pha những người mua khác. Cho nên Levin đích thân đến thẳng đó và cho cắt cỏ, một phần thuê công nhật, một phần cắt rễ. Nông dân dùng đủ mọi cách chống lại sự cách tân này; tuy nhiên, công việc vẫn làm xong và ngay năm đầu, thu hoạch ở cánh đồng cỏ đã tăng gấp đôi. Hai năm sau, Levin vẫn gặp sức phản kháng đó và cỏ lại cắt về trong những điều kiện như trước. Năm nay, đám mugich nhận cắt cả cánh đồng cỏ lấy rẻ một phần ba và hôm nay, xã trưởng đến báo cỏ đã cắt xong: vì sợ trời mưa nên y đã mời thư ký kế toán đến chứng kiến việc chia cỏ: họ dành riêng mười một đống cỏ cho phần chủ. Những câu trả lời lúng túng của xã trưởng khi chàng hỏi đến số lượng cỏ cắt được trên cánh đồng lớn, việc chia cỏ vội vã khi chưa được phép, tất cả thái độ đó làm Levin biết chắc có điều ám muội gì đây và chàng quyết định sẽ tự mình làm sáng tỏ việc này. Chàng về đến làng vào giờ ăn trưa, để ngựa ở nhà chồng bà vú nuôi của anh chàng và ra nơi đặt tổ ong gặp ông lão để hỏi vài chi tiết về vụ cắt cỏ. Pacmênich, người đẹp lão, mồm miệng bẻo lẻo, vui vẻ chào Levin, chỉ cho xem tất cả cơ ngơi của mình, kể lể dài dòng về chuyện ong cùng bầy đàn năm nay; nhưng khi Levin hỏi đến vụ cắt cỏ thì lão trả lời thoái thác, và miễn cưỡng. Điều đó càng làm Levin xác định mối nghi hoặc của mình là đúng. Chàng ra đồng và xem xét các đống cỏ. Mỗi đống không thể đủ năm mươi xe; muốn làm đám mugich bẽ mặt, Levin sai đánh ra ngay tại chỗ một chiếc xe, cho chất cỏ lên và chở về kho. Đống cỏ chỉ đủ chất ba mươi hai xe. Mặc cho xã trưởng biện bạch là cỏ đã đánh đống tất phải xẹp xuống, và vạch trời chỉ đất thề mọi sự đều được tiến hành một cách lương thiện, Levin vẫn giữ nguyên ý kiến: chàng nói cỏ đã được chia trước khi có lệnh và do đó, chàng không thừa nhận mỗi đống cỏ đủ năm mươi xe. Sau một hồi lâu bàn cãi, mọi người quyết định là đám mugich sẽ nhận mười một đống cỏ đó về phần mình và chia lại phần mới cho chủ. Việc thương lượng và chia cỏ đó kéo dài đến tận giờ ăn chiều. Khi số cỏ còn lại được chia xong, Levin giao những việc tồn tại cho thư ký trông nom, đến ngồi trên một đống cỏ bé có đánh dấu bằng một cành kim tước và thích thú ngắm cánh đồng cỏ đông nghịt người. Trước mặt chàng, ở khuỷu sông sau cánh đồng lầy, một dãy phụ nữ những quần áo sặc sỡ đi lên, tiếng nói lanh lảnh vang dội cả không trung và đám cỏ khô được họ cào xới trải ra sau lưng thành từng lượn sóng uốn khúc một màu xanh nhạt. Theo sau đám phụ nữ, những nông dân cầm chàng nạng đánh cỏ khô thành từng đống nhỏ tròn trặn. Bên trái, trên cánh đồng cỏ cắt xong, xe ngựa lọc cọc chạy; những đống cỏ lần lượt vợi đi từng bó lớn rồi biến mất và thay vào chỗ cũ là hàng dãy xe nặng trĩu cỏ khô thơm nức đầy tràn ra sát mông ngựa.
– Thời tiết thế này, cỏ sẽ tốt lắm đây, – một ông già đến ngồi cạnh Levin nói. – Thật là chè chứ không phải cỏ khô nữa. Thu hoạch dễ như đổ thóc cho vịt ăn! – ông nói thêm, và chỉ những đống cỏ khô chất đầy xe. – Từ lúc ăn trưa đến giờ đã chở về được già một nửa rồi. Chuyến cuối cùng đấy phải không? – ông già kêu to, hỏi một thanh niên đứng giật đôi dây cương bằng gai, đằng trước một chiếc xe đi qua mặt họ.
– Thưa bố, vâng! – gã trai ghìm ngựa và trả lời: anh ta mỉm cười ngoái lại nhìn một thôn nữ nét mặt hớn hở và nước da hồng hào ngồi trong xe, cũng đang tủm tỉm cười; anh ta ra roi quất ngựa tiếp tục đi.
– Con trai cụ đấy à? – Levin hỏi.
– Thằng con út tôi đấy, – ông già nói, mỉm cười trìu mến.
– Bảnh trai nhỉ!
– Chả đến nỗi nào.
– Lấy vợ chưa?
– Rồi, tới ngày lễ Thánh Filip(51) thì được hai năm.
(51) Theo lịch Nga cũ là ngày 14 tháng 11.
– Có con chưa?
– À, con cũng có rồi! Suốt một năm, nó làm ra bộ không biết gì cả… chả là chúng tôi làm nó thẹn mà… – ông già trả lời. – Cỏ tuyệt quá! Khô nhỏ như chè ấy! – ông già nhắc lại, muốn lái sang chuyện khác. Levin để ý nhìn hai vợ chồng Vanya Pacmenov kĩ hơn. Họ đang chất cỏ lên xe cách đấy không xa. Ivan Pacmenov đứng trên xe, đón lấy rồi san đều và giẫm xuống những bó cỏ to tướng do cô vợ trẻ xinh đẹp đưa lên, đầu tiên dùng tay ôm, rồi sau xiên bằng đầu chàng nạng. Thiếu phụ làm việc thoải mái và vui vẻ. Chàng nạng lúc đầu không xiên được vào đống cỏ khô nén chặt. Chị gỡ tơi nó ra, xọc chàng nạng vào rồi bằng một cử chỉ mềm mại và nhanh nhẹn, dùng sức nặng cả người ấn xuống; sau đó, lập tức, chị cúi khom xuống, dướn lên và ưỡn bộ ngực rắn chắc mặc sơ mi trắng thắt dây lưng đỏ, dùng hai tay khéo léo nắm chặt lấy chàng nạng và hất bó rơm khô vào trong xe. Ivan rõ ràng muốn tránh cho vợ không hao phí phút lao động thừa nào nên dang rộng hai tay đón lấy bó rơm vợ đưa cho và san đều ra trong xe. Cào sạch mớ cỏ cuối cùng, thiếu phụ gạt những nhánh cỏ lọt trong cổ ra và buộc lại chiếc khăn vuông đỏ tụt xuống vầng trán trắng muốt, rồi chui xuống gầm xe để buộc chặt đống cỏ khô. Ivan bảo vợ cách buộc thừng và phá lên cười khi cô ta nói một câu gì đó. Vẻ mặt họ biểu lộ một tình yêu mãnh liệt, trẻ trung, vừa mới chớm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.