Anna Karenina (Tập 1)

Phần 3 – Chương 07



17

Giới thượng lưu đến dự cuộc đánh quần mà quận chúa Tverxcaia đã mời Anna tới, gồm hai vị phu nhân và những kẻ ngấp nghé họ. Hai vị phu nhân là nhân vật nổi nhất trong nhóm quý phái mới của Peterburg, được mệnh danh bắt chước theo một sự bắt chước là: “Bảy kỳ quan của thế giới”. Mặc dầu là tinh hoa trong xã hội thượng lưu ưu tú, nhóm đó lại đối địch với nhóm Anna thường lui tới. Hơn nữa, tôn ông Xtremov, một trong những người có thế lực nhất ở Peterburg, kẻ vẫn tôn thờ Liza Mercalova, lại là kình địch của Alecxei Alecxandrovitr. Vì tất cả lý do trên, Anna không muốn đến đó và câu nhấn mạnh trong thư của quận chúa Tverxcaia cũng là để đề phòng nàng từ chối. Nhưng bây giờ, với hi vọng gặp Vronxki ở đó, Anna lại muốn đến. Nàng tới nhà quận chúa Tverxcaia trước cả các quan khách khác. Nàng vừa bước vào thì gã hầu phòng của Vronxki với hai chòm râu má chải mượt, trông giống như quan nội giám, cũng sắp bước qua ngưỡng cửa. Hắn dừng lại để nhường bước và ngả mũ lưỡi trai ra chào. Anna nhận ra hắn ta và lúc đó mới sực nhớ hôm qua Vronxki đã bảo mình là chàng sẽ không đến. Chắc chàng cho người đến tạ lỗi. Trong khi cởi áo ngoài ở phòng chờ, nàng nghe thấy gã người hầu nói với cách phát âm điều điệu kiểu các quan nội giám không nhấn chữ r: “Của bá tước tôi kính gửi quận chúa”, và hắn trao bức thư. Nàng muốn hỏi gã hầu phòng xem chủ hắn ở đâu. Nàng định quay gót lại và gửi một bức thư nhắn chàng tới nhà nàng hoặc tự nàng sẽ đến tìm. Nhưng muộn rồi: tiếng chuông báo nàng đến đã vang lên và gã hầu phòng của quận chúa đứng né trước cánh cửa mở, đang chờ nàng đi vào.

– Thưa phu nhân, quận chúa đang ở ngoài vườn, sẽ có người đi báo ngay cho quận chúa biết, trừ phi phu nhân cũng muốn ra gặp quận chúa, – một gã hầu phòng thứ hai trong gian buồng thứ hai thưa với nàng. Nàng lại cảm thấy do dự và bối rối như lúc ở nhà; thậm chí còn tệ hơn, vì không làm gì được: nàng không được gặp Vronxki mà còn phải nán lại đây giữa đám người xa lạ rất khác biệt với tâm trạng mình; nhưng nàng biết mình đang mặc bộ quần áo rất hợp; nàng không đơn độc; nàng được bao bọc trong cái cảnh trí nhàn hạ trang trọng rất quen thuộc và cảm thấy ở đây còn thoải mái hơn ở nhà; nàng không còn buộc phải suy nghĩ về những việc sẽ phải làm. Cứ để cho mọi sự xoay vần. Thấy Betxi mặc áo dài trắng, rất trang nhã, đi lại gặp mình, Anna mỉm cười với bà ta như không hề có chuyện gì xảy ra. Theo sau quận chúa Tverxcaia là Tuscievitr và một cô em họ trẻ ở tỉnh nhỏ về đây nghỉ hè tại nhà vị quận chúa nổi tiếng, điều làm bố mẹ cô ta rất vui sướng.

Rõ ràng Anna có vẻ gì kỳ lạ, vì Betxi lập tức thấy ngay.

– Tôi bị mất ngủ, – Anna trả lời, liếc nhìn người hầu mà nàng đoán là cầm thư của Vronxki lại.

– Tôi thật vui sướng thấy chị đã quá bộ tới đây, – Betxi nói. – Tôi mệt quá và đang thèm uống chén trà trước khi họ đến. Còn anh, – bà quay lại bảo Tuscievitr, – anh nên cùng Masa đi ra thử cái sân quần, chỗ bãi họ xén cỏ rồi ấy. Ta còn đủ thời giờ nói chuyện thong thả với nhau trong lúc uống trà; ta sẽ chuyện gẫu một lát cho vui, phải không? – đối với bà nói và bắt tay Anna đang cầm dù.

– Rất vui lòng, nhất là tôi không thể nán lại đây lâu, vì còn phải đến thăm bà cụ Vrege. Tôi hứa tới thăm bà cụ từ lâu lắm rồi, – Anna nói, và tính dối trá vốn trái ngược với bản chất nàng, không những đã trở thành giản dị và tự nhiên trong chốn giao du, mà còn thú vị nữa. Tại sao nàng lại nói như vậy, trong khi trước đó một giây chưa hề nghĩ thế? Nàng không cắt nghĩa được. Nàng nói vậy vì Vronxki không tới, nàng phải đảm bảo tự do để tìm cách gặp chằng bằng cách này hoặc cách khác. Nhưng tại sao nàng lại nhắc đích danh bà mệnh phụ già đó, trong khi còn cần đến thăm bao nhiêu người khác? Nàng không giải thích nổi. Nhưng mọi việc sau đấy chứng tỏ nàng không thể tìm cách nào khéo hơn thế để gặp Vronxki.

– Không, tôi không để chị đi đâu, – Betxi trả lời, chăm chú nhìn Anna. – Thực tình, nếu không quý mến chị, thì tôi giận rồi đấy. Hình như chị sợ giới giao du của tôi làm chị mang tiếng ấy. Pha trà ngoài phòng khách nhỏ ấy nhé, – bà nói, lim dim mắt như thường lệ mỗi khi nói với đầy tớ.

Bà cầm thư và đọc.

– Alecxei sai hẹn rồi, – bà nói bằng tiếng Pháp; – anh ấy cho biết không đến được, – bà nói thêm, giọng rất giản dị và tự nhiên, tựa hồ chưa bao giờ bà nghĩ Vronxki có thể là gì khác đối với Anna ngoài tư cách là bạn cùng đánh quần. Anna biết chắc Betxi thấu suốt mọi chuyện, nhưng mỗi lần nghe bà ta nhắc tới Vronxki trước mặt mình, nàng vẫn luôn tự hỏi một lát xem có thực bà ta biết rõ chuyện không.

– Ồ! – Anna lạnh lùng nói, làm như rất ít quan tâm đến việc đó và tiếp tục mỉm cười: – giới giao du của chị làm sao lại có thể khiến người ta mang tiếng được? – Cách chơi chữ này, để che giấu điều bí mật, rất hấp dẫn đối với Anna cũng như đối với mọi người phụ nữ khác. Và không phải sự cần thiết che giấu, cũng chẳng phải cái đích cần đạt tới, mà chính bản thân phương pháp đó làm nàng thích thú.

– Tôi không thể ngoan đạo hơn cả giáo hoàng, – nàng nói. – Xtremov và Liza Mercalova là tinh hoa của xã hội thượng lưu. Hơn nữa, ở đâu họ cũng được tiếp đón, còn tôi (nàng nhấn mạnh vào chữ tôi), tôi chưa bao giờ nghiêm khắc và cố chấp cả. Tôi không có thời giờ.

– Phải, nhưng có lẽ chị không muốn gặp Xerioja? Cứ mặc ông ta và Alecxei Alecxandrovitr công kích lẫn nhau ở ủy hội, cái đó không dính líu gì đến ta cả. Nhưng ở chốn giao du, đó là con người hòa nhã nhất mà tôi được biết, và còn là người say mê chơi quần vợt. Rồi chị sẽ thấy. Và mặc dầu vai trò chàng si già theo đuổi Liza có lố bịch thật, cũng phải công nhận ông ta sắm vai thật tuyệt vời! Ông ta rất dễ thương. Chị không quen Xapho Stond à? Tối tân bậc nhất đấy.

Trong khi Betxi nói, nhìn khóe mắt thông minh và lanh lợi của bà ta, Anna thấy bà đoán biết hoàn cảnh nàng và đang tìm cách giải quyết. Cả hai đang ở phòng khách nhỏ.

– Nhưng phải trả lời cho Alecxei chứ, – Betxi nói; bà ngồi vào bàn, viết vài chữ và bỏ vào phong bì. – Tôi viết thư mời anh ấy lại ăn trưa. Tôi có bà khách chưa có nam giới tiếp. Chị xem xem, thế đã đủ thuyết phục chưa? Xin lỗi, chị ngồi đây một lát nhé. Chị làm ơn dán giúp phong bì lại và cho đem đi, tôi còn phải sai bảo vài việc, – bà ra đến cửa và nói. Không nghĩ ngợi một giây, Anna ngồi vào bàn và chẳng cần đọc thư, viết thêm luôn: “Em rất cần gặp anh. Anh đến vườn nhà Vrege. Em sẽ ở đó hồi sáu giờ.” Nàng dán thư và Betxi đã quay trở lại, liền đưa thư cho tên đầy tớ ngay trước mặt nàng. Quả thực hai bà đã chuyện gẫu vui vẻ, như lời quận chúa Tverxcaia hứa, trong khi uống trà bày trên chiếc bàn con trong phòng khách nhỏ mát mẻ. Họ bàn về những khách họ đang chờ và cuối cùng câu chuyện xoay quanh Liza Mercalova.

– Chị ấy rất đáng yêu và tôi bao giờ cũng có thiện cảm với chị ấy, – Anna nói.

– Chị mến chị ấy là phải. Còn chị ấy thì tôn sùng chị. Hôm qua, chị ấy đến gặp tôi sau cuộc đua ngựa và thất vọng vì không gặp chị. Chị ấy nói chị đích thực là nhân vật tiểu thuyết, và nếu là đàn ông thì chị ấy sẽ sẵn sàng làm mọi chuyện liều lĩnh vì chị. Xtremov liền bảo cứ như thế chị ấy cũng đã đủ liều lĩnh rồi.

– Nhưng xin chị cho biết, – Anna nói, sau một lát im lặng và bằng một giọng chứng tỏ rõ ràng không phải nàng bâng quơ, mà câu hỏi đó, đối với nàng, còn quan trọng hơn người ta tưởng, – chị nói cho biết, tôi không sao hiểu nổi quan hệ giữa chị ấy và hoàng thân Calujxki, thường gọi là “Misca”, là như thế nào? Tôi họa hoằn mới gặp họ. Giữa họ với nhau có gì vậy? – Betxi nheo mắt cười và chăm chú nhìn Anna.

– Đó là mốt mới, – bà ta nói. – Tất cả các bà đều đã theo mốt đó. Họ bất chấp mọi dị nghị. Nhưng có nhiều cách khác nhau.

– Phải, nhưng quan hệ của chị ấy với Calujxki là thế nào? – Betxi không nhịn được, phá lên cười, điều hiếm thấy ở bà ta.

– Chị lấn sang địa hạt của quận chúa Myagkaia mất rồi. Thật là câu hỏi của đứa trẻ bất trị! – Và Betxi tuy đã cố gắng vẫn không nén được cười ngất, cái cười dễ lây của người không hay cười. – Phải hỏi họ chứ, – bà nói thêm, cười chảy nước mắt.

– Không, – Anna nói, bất giác lây cái vui của Betxi, – chị cười thế, nhưng tôi vẫn không hiểu. Thế vai trò người chồng ở đây là thế nào?

– Người chồng à? Ông chồng Liza Mercalova thường mang áo choàng cho chị ta và lúc nào cũng sẵn sàng phục tùng. Còn thực chất vấn đề là gì thì không ai cần biết. Chị cũng rõ, trong xã hội thượng lưu, không ai bàn đến chi tiết gia giảm; thậm chí cũng không nghĩ tới nữa. Những vấn đề này thì cũng như vậy.

– Chị có đến dự tiệc nhà Rôlanđaki không? – Anna hỏi để lái sang chuyện khác.

– Tôi không định đi, – Betxi trả lời, và không nhìn bạn, bà thận trọng rót trà thơm phức ra chén trong suốt. Bà đưa một chén cho Anna, rồi rút một điếu thuốc cuốn bằng giấy ngô, cắm vào bót bằng bạc và châm hút. – Chị thấy tôi đang ở trong hoàn cảnh may mắn, – bà nói tiếp, lần này không cười nữa, chiếc chén trong tay. – Tôi hiểu chị và tôi hiểu Liza. Liza là một người trong trắng, giống như đứa trẻ, không biết cái gì tốt và cái gì xấu, ít ra, cũng là trong thời kỳ niên thiếu. Và bây giờ, chị ta thấy sự ngây thơ đó hợp với mình nên có lẽ cố tình làm ra không hiểu, – Betxi nói, mỉm cười ranh mãnh. – Dù sao chăng nữa, cái đó cũng hợp với chị ta. Chị thấy không, vẫn cùng một hoàn cảnh người ta có thể nhìn bằng con mắt bi thảm và lấy đó làm đau khổ, đồng thời cũng có thể nhìn một cách giản đơn, thậm chí vui vẻ nữa. Hình như chị có xu hướng nhìn sự vật bằng con mắt quá bi thảm.

– Ước gì tôi hiểu người khác như hiểu mình, – Anna nghiêm trang nói, giọng tư lự. – Tôi xấu hay tốt hơn người khác? Tôi nghĩ có lẽ mình xấu hơn.

– Thật là đứa trẻ bất trị, bất trị! Nhưng kìa họ đã đến.

18

Họ nghe thấy tiếng chân, một giọng đàn ông, rồi một giọng đàn bà, tiếng cười và ngay sau đó, các vị khách họ đang chờ bước vào: Xapho Stond và một chàng thanh niên tràn trề sức lực tên gọi Vaxca. Rõ ràng chế độ ăn uống với các món thịt tái, nấm hương và rượu vang Buorgonh rất có hiệu quả với anh ta. Vaxca cúi chào các phu nhân và liếc nhìn họ, thoáng trong một giây. Anh ta bám sau Xaphô, bước vào phòng khách và như bị buộc chặt vào bà ta: đôi mắt anh long lanh nhìn chằm chằm như muốn nuốt chửng bà ta. Xapho Stond là một phụ nữ tóc vàng, mắt đen. Đĩnh đạc trên đôi giày cao gót, bà bước vào từng bước thật ngắn, và bắt tay các phu nhân mạnh mẽ như nam giới. Anna chưa bao giờ gặp nhân vật trứ danh mới này và phải ngạc nhiên vì sắc đẹp và trang phục cùng cử chỉ táo tợn của bà ta. Trên đầu bà, sừng sững cả một dàn dáo tóc thật và giả vàng óng mượt. Thành thử đầu bà cũng đồ sộ ngang bộ ngực đầy ngồn ngộn và hở phanh. Bà đi dáng hăm hở đến nỗi mỗi cử chỉ đều làm hằn rõ dưới chiếc áo dài hình khối đôi đầu gối hoặc đôi chân, và người ta bất giác tự hỏi, dưới cái núi phục trang giả núng nính kia, đến đâu thì thực sự chấm dứt tấm thân mảnh dẻ và thanh lịch phía trên phơi ra mà đằng sau và phía dưới lại che kín như vậy.

Betxi vội giới thiệu bà ta với Anna.

– Các bà có biết là suýt nữa chúng tôi chẹt phải hai người lính, – bà lập tức nói ngay, vừa nháy mắt và mỉm cười, vừa hất ra sau cái đuôi áo dài bị lệch sang bên do một cử động quá mạnh. – Tôi ngồi cùng xe với Vaxca… A, phải rồi, các ông bà chưa biết nhau nhỉ. – Bà giới thiệu chàng thanh niên, gọi bằng tên tục, rồi đỏ mặt và bật cười vì đã lỡ miệng gọi anh ta bằng Vaxca(53) trước một người không quen. Vaxca chào Anna lần nữa nhưng không nói gì. Anh ta quay lại phía Xaphô.

(53) Vaxca là tên gọi thân mật của Vaxili (còn gọi là Vaxya). Thông thường, người ta chỉ dùng cách gọi này với các em nhỏ hoặc nếu áp dụng với người lớn thì chỉ trong những quan hệ rất thân thiết.

– Bà thua cuộc rồi. Chúng ta là những người đến đầu tiên. Bà trả nợ đi, – anh chàng mỉm cười nói. Xaphô càng cười vui vẻ hơn.

– Chưa trả bây giờ được, – bà nói.

– Không sao cả, bà sẽ trả sau vậy.

– Thôi được, thôi được! A! Phải rồi, – bà đột nhiên kêu to với nữ chủ nhân, – tôi thực hay… Tôi quên bẵng đi mất… Tôi dẫn đến cho bà một vị khách. Ông ấy đây.

Vị khách bất ngờ đó mà Xaphô quên bẵng là một nhân vật quan trọng đến nỗi cả hai phu nhân đều đứng dậy đón tiếp mặc dầu ông ta còn trẻ.

Đây lại thêm một người tình si của Xaphô. Giờ đây ông ta cũng như Vaxca, bám sát bà.

Sau đó một lát, hoàng thân Kakujxki và Liza Mercalova đến, theo sau là Xtremov. Liza Mercalova tóc nâu, người mảnh khảnh theo kiểu á Đông và điệu bộ uể oải, có đôi mắt đẹp mà ai cũng bảo là “bí ẩn”, bộ trang phục sẫm màu (Anna nhận thấy ngay và lấy làMưa thích) rất hợp với loại sắc đẹp của nàng. Xaphô bộp chộp và dứt khoát bao nhiêu thì Liza dịu dàng và thoải mái bấy nhiêu.

Nhưng theo sở thích Anna thì Liza quyến rũ hơn nhiều. Betxi có nói với Anna rằng Liza làm ra vẻ trẻ nhỏ ngây thơ; khi thấy nàng, Anna cảm thấy không đúng. Nàng ngây thơ thực sự; quen được nuông chiều, nhưng đáng yêu và vô trách nhiệm. Đành rằng nàng cũng theo cùng một “mốt” như Xaphô: hai chàng hâm mộ, một trẻ, một già, bám theo sau như bị khâu liền vào váy và nghiến ngấu nhìn nàng; nhưng ở nàng có cái gì cao quý hơn những thứ vây quanh: cái ánh sáng của hạt kim cương giữa những đồ thủy tinh. ánh đó tỏa ra từ đôi mắt đẹp, đúng là bí ẩn. Cái nhìn mệt mỏi đồng thời lại đắm đuối của đôi mắt quầng thâm quả là kỳ lạ với vẻ vô cùng chân thực của nó. Nhìn thấy cặp mắt đó, ai nấy đều có cảm giác như đã hiểu nàng hoàn toàn, và một khi đã hiểu thì không thể không mến nàng. Nhìn thấy Anna, cả khuôn mặt nàng ngời lên một nụ cười vui vẻ.

– Chao! Tôi rất vui sướng được gặp bà! – nàng nói và bước lại gần Anna. – Tôi đã định gặp bà ngay sau cuộc đua, nhưng bà đi rồi. Tôi rất mong được gặp bà, nhất là hôm qua. Thật khủng khiếp, phải không? – nàng nói và nhìn Anna như muốn bộc lộ hết tâm hồn mình.

– Vâng, tôi không ngờ việc đó lại có thể xáo động đến như vậy, – Anna đỏ mặt nói. Lúc đó, mọi người đứng dậy để ra vườn.

– Tôi không ra ngoài ấy đâu, – Liza nói, mỉm cười ngồi xuống cạnh Anna. – Cả bà cũng không ra chứ? Không hiểu đánh quần thì thích thú gì kia chứ!

– Có chứ, tôi rất thích chơi cái đó, – Anna nói.

– Thực ư? Bà bảo cho tôi biết, bà làm cách nào để khỏi buồn? Cứ nhìn thấy bà là thấy vui rồi. Bà đang sống; còn tôi thì chán chường.

– Bà mà chán chường ư? Nhưng nhà bà được coi là nơi vui nhất Peterburg kia mà, – Anna nói.

– Thế thì những người ít lui tới đó có lẽ còn chán ngán hơn; nhưng chúng tôi cũng chẳng vui vẻ gì, ít nhất cũng là về phần tôi: tôi buồn ghê lắm.

Xaphô châm thuốc lá hút và ra vườn cùng hai chàng thanh niên. Betxi và Xtremov ngồi lại uống trà.

– Thế nào, chị buồn lắm à? – Betxi hỏi. – Xaphô nói hôm qua ở nhà chị vui lắm kia mà.

– Ô! Buồn chết đi được! – Liza Mercalova nói. – Sau cuộc đua, mọi người về nhà tôi. Vẫn những bộ mặt ấy, vẫn cái trò ấy! Mọi người nằm ườn trên đi văng suốt buổi tối. Thật chẳng có gì lý thú! Phải, như vậy làm sao khỏi buồn chán được? – nàng nói và lại quay sang Anna. – Chỉ cần trông bà cũng đủ biết dù sung sướng hay khổ sở, bà cũng không bao giờ buồn chán cả. Bà cho biết bà làm cách nào thế?

– Tôi chẳng làm cách nào cả, – Anna trả lời, đỏ mặt vì câu hỏi gặng đó.

– Đó chính là cách tốt nhất, – Xtremov nói chêm vào. Xtremov trạc ngũ tuần, tóc hoa râm, nhưng còn khỏe mạnh, có cá tính và thông minh tuy rất xấu. Liza Mercalova là cháu vợ ông và ông luôn ở cạnh nàng trong mọi lúc rỗi. Là kình địch của Alecxei Alecxandrovitr, nhưng lịch thiệp và thông minh, ông cố tỏ ra đặc biệt niềm nở với Carenin.

– Phải, – ông nhấn mạnh với một nụ cười tinh tế, – đó là cách tốt nhất. Tôi đã nhắc cô điều đó từ lâu rồi, – ông nói và quay sang Liza Mercalova: – muốn khỏi buồn chán thì không nên nghĩ mình sẽ buồn chán. Cũng như sợ mất ngủ thì đừng nên lo là mình không ngủ được. Đó chính là điều Anna Arcadievna muốn nói đấy.

– Tôi sẽ sung sướng nếu nói được câu đó vì không những nó trí tuệ mà còn đúng nữa, – Anna mỉm cười nói.

– Phải, nhưng hãy bảo cho tôi biết tại sao muốn không buồn cũng khó như muốn ngủ vậy.

– Vì muốn ngủ thì phải làm việc đã, và muốn vui chơi thì cũng phải thế.

– Tại sao tôi phải làm việc nếu tôi làm không có ích cho ai cả? Còn như giả vờ thì tôi không biết cách và cũng không thích.

– Cô thật bất trị, – Xtremov nói, không nhìn nàng và tiếp tục nói chuyện với Anna.

Ông ta họa hoằn mới gặp Anna nên chỉ có thể nói chuyện khách sáo thôi, nhưng khi hỏi nàng bao giờ về Peterburg, khen ngợi tình bạn của Lidia Ivanovna với nàng, ông đã biết làm ra vẻ hết sức thành tâm muốn làm vừa lòng và kính trọng nàng, thậm chí còn hơn thế nữa.

Tuscievitr vào báo là mọi người đang chờ họ ra đánh quần.

– Không, xin bà đừng đi vội, – Liza Mercalova nài khi thấy Anna định đứng dậy về. Xtremov cũng phụ họa theo.

– Giữa bè bạn ở đây và ở nhà bà cụ Vrege là cả một sự trái ngược rất lớn, – ông ta nói. – Hơn nữa, bà sẽ là cái cớ để bà cụ gièm pha, còn như ở đây bà chỉ gợi lên những tình cảm tốt đẹp nhất, hoàn toàn trái ngược với thói gièm pha, – ông ta nói với nàng. Anna đã định thay đổi ý kiến. Những lời nói bùi tai của con người thông minh này, mối thiện cảm ngây thơ và trẻ con của Liza Mercalova đối với nàng, cái cảnh trí quý phái và thân thuộc, mọi cái đó thật nhẹ nhõm, còn việc sắp phải làm lại khó khăn đến nỗi khiến nàng do dự giây lát: tại sao không ở lại, không tạm hoãn giờ phút giãi tỏ nặng nề đó? Nhưng nghĩ tới những gì chờ đợi lúc vò võ một mình một bóng ở nhà, nếu không dám quyết định hẳn một đường, nhớ tới lúc đưa hai tay nắm lấy đầu tóc, cử chỉ mà chỉ nghĩ tới cũng đủ thấy khiếp sợ, nàng bèn cáo từ và ra về.

19

Vronxki, tuy sống phóng đãng với vẻ ngoài phù phiếm, vẫn ghét sự bừa bãi. Hồi còn trẻ, ở trường Hoàng tộc thiếu sinh quân, một hôm túng tiền phải đi hỏi vay, chàng đã trải một phen nhục nhã vì bị từ chối và từ đó, chàng cố làm sao không bao giờ lâm vào cảnh đó nữa. Để thu xếp công việc đâu vào đấy, mỗi năm độ bốn, năm bận, nhiều hay ít còn tùy hoàn cảnh, chàng đóng kín cửa ngồi tính toán tiền nong, hoặc như chàng gọi, để giặt giũ. Hôm sau ngày đua ngựa, Vronxki ngủ dậy muộn, không cạo mặt và cũng chẳng tắm rửa, khoác chiếc áo quân phục trắng và xếp tiền nong, sổ sách, thư từ lên bàn, rồi bắt đầu làm việc. Pet’rixki thức dậy, thấy bạn đang ngồi ở bàn giấy, biết chàng rất dễ cáu vào lúc này, nên lặng lẽ mặc quần áo và đi ra ngoài để khỏi làm phiền. Tất cả những kẻ nhìn rõ mọi chi tiết của hoàn cảnh phức tạp quanh mình, thường vô tình cho rằng sự phức tạp của hoàn cảnh đó cùng nỗi khó khăn trong việc gỡ mối, chỉ là chuyện cá biệt và ngẫu nhiên của riêng mình chứ không hề nghĩ người khác cũng phải đối phó với hoàn cảnh phức tạp của mình. Vronxki cũng cảm thấy thế. Chàng không khỏi hãnh diện và chẳng phải hồ đồ khi nghĩ rằng người khác hẳn sẽ gục ngã trước khó khăn như vậy. Nhưng hơn bao giờ hết, chàng thấy cần làm sáng tỏ hoàn cảnh của mình để khỏi bị kẹt. Trước tiên – và đây là việc dễ nhất – chàng xem xét công việc tiền nong. Bằng kiểu chữ nhỏ nhắn của mình, chàng ghi lên một tờ giấy viết thư tất cả số tiền nợ và cộng lại; chàng thấy mình mắc nợ mười bảy nghìn rúp và vài trăm lẻ tạm bỏ qua cho dễ tính. Chàng đếm tiền mặt, xem lại sổ ngân phiếu và thấy chỉ còn một nghìn tám trăm rúp và từ nay đến cuối năm, chàng thấy trước chưa có khoản thu nhập nào cả. Sau khi đọc lại bản kê nợ, Vronxki chép lại và chia làm ba loại. Loại thứ nhất, gồm các món phải trả ngay hoặc lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn tiền để phòng khi bắt buộc thanh toán thì có cái trang trải. Những món đó lên tới chừng bốn nghìn rúp: một nghìn rưởi trả tiền ngựa và hai nghìn rưởi trả cho tên bịp đã được bạc người bạn trẻ Venevxki ngay trước mặt Vronxki và được chàng đảm bảo trả thay. Vronxki định trả ngay lập tức (hôm đó chàng đang sẵn tiền ở nhà), nhưng Venevxki và Yasvin khăng khăng đòi trả lấy vì Vronxki không dự canh bạc đó. Đành rằng mọi điều đó đều tốt đẹp, nhưng Vronxki biết khi đã dính líu vào việc rắc rối này, dù chỉ đứng ra bảo đảm cho Venevxki, chàng vẫn phải giữ sẵn hai nghìn rưởi rúp để quẳng vào mặt thằng ăn cắp và khỏi phải hạ lời với nó nữa. Như thế là chàng cần có bốn nghìn rúp cho loại nợ đầu tiên quan trọng nhất. Loại nợ thứ hai: tám nghìn rúp thì số lớn chi cho chuồng ngựa đua: nợ gã bán cỏ và lúa mạch, nợ gã người Anh, nợ người bán đồ ngựa: về khoản này chàng cũng phải tiêu độ hai nghìn rúp thì mới hoàn toàn êm thấm. Loại cuối cùng là nợ các cửa hàng, tiệm ăn và thợ may: cái đó thì không cần bận tâm. Như thế, ít nhất phải có sáu nghìn rúp để chi dùng trước mắt mà hiện chàng chỉ có nghìn tám. Một người mà thiên hạ cho là có tới mười vạn rúp thu nhập, lẽ nào lại túng thiếu, nhưng thực ra Vronxki còn lâu mới có được mười vạn rúp ấy. Tài sản kếch sù của bố, hàng năm riêng nó thu lợi hai mươi vạn rúp, vẫn chưa được chia. Khi ông anh cả, nợ nần ngập đến cổ, cưới quận chúa Varya Tsiêckôva, con gái một đảng viên Tháng Chạp, không có chút tài sản nào, Alecxei đã nhường cho anh tất cả số thu nhập ruộng đất của bố và chỉ dành lại phần mình có hai vạn rưởi rúp. Lúc đó, Alecxei bảo anh là số tiền đó đủ cho chàng chi dùng tới khi lấy vợ, cái việc có lẽ không bao giờ xảy ra. Và ông anh vốn chỉ huy một trung đoàn vào loại tốn kém nhất, lại vừa lấy vợ xong, không thể không nhận món quà đó. Mẹ Vronxki có tài sản riêng, hàng năm ngoài số tiền hai vạn rưởi rúp đã quy định, còn cho thêm con trai hai vạn rúp mà Alecxei tiêu nhẵn đến đồng cuối cùng. Gần đây, bà xích mích với chàng về chuyện chàng dan díu với Anna và bỏ đi Moxcva, nên không gửi cho số tiền đó nữa. Và Vronxki, vốn quen sống với bốn vạn rưởi rúp, năm nay chỉ nhận được có hai vạn rưởi thôi, nên đâm túng. Chàng không thể hỏi xin tiền mẹ được. Lá thư cuối nhận được hôm qua làm chàng rất bực vì bà tỏ ý sẵn sàng giúp chàng đạt thắng lợi trong giới xã giao và trên đường công danh sự nghiệp chứ không phải để sống một cuộc đời làm ô danh cả xã hội thượng lưu. Ý định mua chuộc đó làm tổn thương nặng đến lòng tự ái của Vronxki và khiến chàng càng thêm lãnh đạm với mẹ. Nhưng chàng cũng không thể nuốt lời hứa hào phóng với anh, mặc dù bây giờ nghĩ tới những hậu quả bất ngờ có thể xảy tới do việc dan díu với Anna, chàng mới thấy mình đã nhẹ dạ hứa hẹn, và tuy chưa có vợ, mười vạn rúp thu nhập của chàng vẫn có thể rất ích lợi. Nhưng chàng không thể thay đổi ý kiến được nữa. Chỉ cần nghĩ tới bà chị dâu Varya hiền thảo, đáng yêu, luôn luôn nhắc lại rằng bà không quên và biết đánh giá đúng tấm lòng rộng rãi của chàng, là chàng đủ hiểu không thể đòi lại cái đã cho. Không thể làm thế cũng như không thể đánh phụ nữ, không thể ăn cắp hoặc nói dối. Giải pháp duy nhất mà Vronxki quyết định ngay không chút chần chừ, là đi mượn một vạn rúp của một tên cho vay nặng lãi, (việc đó không có gì khó khăn), rồi giảm bớt chi tiêu và bán đàn ngựa thi. Sau khi quyết định như vậy, Vronxki viết ngay mấy chữ cho Rôlanđaki, người đã nhiều lần hỏi mua ngựa của chàng. Sau đó, chàng cho đi tìm gã người Anh cùng người cho vay nợ lãi và chia số tiền còn lại ra, trang trải các khoản nợ khác. Làm xong việc đó, chàng viết một bức thư lạnh nhạt và cộc lốc cho mẹ. Rồi chàng lấy trong ví ra ba lá thư của Anna, đọc lại và đốt đi: nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa hai người hôm qua, chàng bỗng triền miên suy nghĩ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.