Anna Karenina (Tập 1)
Phần 4 – Chương 05
11
Tất cả đều tham gia vào câu chuyện chung, trừ Kitti và Levin. Mới đầu, khi mọi người bàn về ảnh hưởng của một dân tộc này đối với dân tộc khác, Levin bất giác nghĩ đến điều chàng có thể phát biểu về vấn đề này; nhưng những ý nghĩ đó, trước kia chàng coi rất quan trọng, bây giờ lướt qua tâm trí chàng như trong giấc mộng và chẳng còn gì thú vị cả. Thậm chí, chàng còn lấy làm lạ là tại sao họ lại mất công bàn những chuyện vặt vãnh đến thế. Cũng như những điều họ nói về phụ nữ, về quyền lợi học tập của họ lẽ ra phải lý thú đối với Kitti mới đúng. Biết bao lần nàng đã nghĩ đến điều đó khi nhớ tới cô bạn Varenca, tới cảnh nô lệ nặng nề cô ta đang sống, biết bao lần nàng tự hỏi là đời nàng sẽ ra sao nếu không lấy chồng và biết bao lần nàng đã tranh luận với bà chị về chuyện đó! Nhưng giờ đây, điều đó chẳng hề làm nàng quan tâm nữa. Levin và nàng nói một chuyện khác hẳn; vả chăng, đó cũng chẳng phải là trò chuyện nữa mà là một cảm thông thầm kín cứ mỗi phút lại khiến họ thêm gần nhau và gợi lên một cảm giác vui sướng pha lẫn sợ hãi trước cái mới lạ họ đang dấn bước vào. Kitti thoạt tiên hỏi Levin đầu đuôi thế nào mà năm ngoái lại nhìn thấy mình và chàng bèn kể lại lần gặp trên đường cái khi chàng ở ngoài đồng về.
– Lúc ấy mới tinh mơ. Chắc cô vừa thức giấc. Bà cụ ngủ trong góc xe. Buổi sáng hôm đó thật đẹp trời. Tôi đang đi và cứ tự hỏi tại sao chiếc xe lại có bốn ngựa kéo. Một cỗ ngựa tuyệt đẹp đeo lục lạc. Giữa lúc ấy, cô hiện ra trước mắt tôi: cô ngồi như thế này, ở khung cửa xe, hai tay cầm dải băng mũ. Chắc cô đang nghĩ điều gì mông lung lắm, – chàng mỉm cười nói. – Tôi thật muốn biết lúc ấy cô đang nghĩ gì! Điều ấy có quan trọng không? – “Liệu lúc ấy đầu tóc mình có đến nỗi bù rối không nhỉ?”, nàng thầm nghĩ, nhưng nhìn nụ cười ngây ngất trên môi Levin khi gợi lại kỉ niệm ấy, nàng cảm thấy, trái lại, lúc bấy giờ, nàng đã gây ấn tượng rất tốt đẹp đối với chàng. Nàng đỏ mặt và vui vẻ cười.
– Quả thật em không còn nhớ chuyện ấy nữa.
– Anh chàng Turôpxưn có cái cười thật hồn hậu! – Levin vừa nói vừa thân ái nhìn đôi mắt ươn ướt và thân hình vị khách trẻ đang cười rung lên.
– Anh quen anh ấy lâu chưa? – Kitti hỏi.
– Ai mà không biết anh ta.
– Thế mà em lại thấy anh coi anh ta là người xấu.
– Không xấu nhưng vô vị.
– Anh lầm rồi! Và xin anh hãy mau mau thay đổi ý kiến đi, – Kitti nói.
– Cả em nữa, trước đây em cũng có ý nghĩ rất xấu về anh ta, nhưng anh ta thật là một thanh niên ưu tú, đáng yêu. Thật là một tấm lòng vàng.
– Làm sao cô biết được?
– Chúng em chơi với nhau rất thân. Em rất hiểu anh ta. Mùa đông năm ngoái, ít lâu sau khi… sau hôm anh đến chơi, – nàng nói, vẻ phạm lỗi đồng thời với một nụ cười tin cẩn, – các cháu con chị Doli bị sốt phát ban và một hôm, anh ta đến thăm. Anh tưởng tượng xem, – nàng thì thầm nói tiếp, – anh ta thương chị ấy quá và đã ở lại giúp chị chăm sóc các cháu. Anh ấy đã ở nhà này ba tuần lễ và trông nom lũ trẻ như là vú bõ của chúng.
– Em đang kể cho anh Conxtantin Dimitrievitr nghe chuyện Turôpxưn săn sóc các cháu hồi chúng bị sốt phát ban, – nàng cúi về phía bà chị nói.
– Phải, anh ấy tốt lắm! – Doli nói, mắt liếc nhìn Turôpxưn (anh chàng cũng cảm thấy người ta đang nói về mình) và thân ái cười với anh ta. Levin nhìn Turôpxưn thêm lần nữa và lấy làm lạ sao đến tận giờ mình vẫn đánh giá thấp cái nét đáng yêu của con người ấy.
– Xin lỗi, tôi sẽ không bao giờ nghĩ xấu về ai nữa! – chàng vui vẻ nói. Chàng đã thành thật nói lên điều mình cảm thấy.
12
Cuộc tranh luận về quyền lợi phụ nữ có một vấn đề hóc búa khó mà bàn trước mặt các bà: sự bất bình đẳng về quyền lợi giữa vợ chồng. Trong bữa ăn, một đôi lần Petxov đã mon men tới, nhưng Xergei Ivanovitr và Xtepan Arcaditr khôn khéo lái câu chuyện sang hướng khác. Khi mọi người đứng dậy khỏi bàn ăn và các bà quay về phòng khách, Petxov không đi theo mà quay sang trình bày với Alecxei Alecxandrovitr về nguyên nhân sự bất bình đẳng về quyền lợi giữa vợ chồng. Theo ông, vấn đề này chủ yếu ở chỗ sự bội bạc của người vợ và sự bội bạc của người chồng thường bị trừng phạt không đều nhau trước pháp luật cũng như trước dư luận công chúng.
Xtepan Arcaditr vội bước lại phía Alecxei Alecxandrovitr mời ông ta hút thuốc.
– Không, tôi không hút thuốc, – Alecxei Alecxandrovitr bình tĩnh trả lời và như muốn tỏ ra không sợ nói chuyện ấy, ông quay lại Petxov với một nụ cười lạnh lùng.
– Tôi nghĩ cơ sở của cách nhìn nhận đó ở ngay trong bản chất sự vật, – ông nói và định sang phòng khách; nhưng giữa lúc đó, Turôpxưn đột nhiên lại lên tiếng, nhằm đúng Alecxei Alecxandrovitr mà bắt chuyện.
– Ngài có nghe nói về Priatsnikôp không ạ? – Turôpxưn nói, anh chàng uống sâm banh vào đã thấy rạo rực và từ lâu muốn phá tan sự im lặng đè nặng lòng mình. – Vaxya Priatsnikôp ấy mà, – chàng nói tiếp với vị khách chính, Alecxei Alecxandrovitr, đôi môi đỏ ươn ướt mỉm cười hiền hậu. – Hôm nay, tôi nghe người ta kể ông ta đã đấu súng với Kvitxki tại Tve và đã giết hắn. – Như thường luôn xảy ra một cách trớ trêu, vết đau trong người bao giờ cũng là chỗ hay bị đụng chạm tới nhất, Xtepan Arcaditr cảm thấy chẳng may hôm nay câu chuyện lúc nào cũng đe dọa xúc phạm tới Alecxei Alecxandrovitr. Một lần nữa, ông định kéo em rể đi, nhưng Alecxei Alecxandrovitr tò mò hỏi:
– Tại sao Priatsnikôp lại bắn nhau?
– Vì vợ ông ta. Ông ta xử sự rất anh hùng: ông khiêu chiến với tình địch và đã giết hắn.
– A! – Alecxei Alecxandrovitr nói, giọng hờ hững và rướn lông mày lên, đi sang phòng khách.
– Tôi rất mừng là chú đã đến, – Doli mỉm cười sợ sệt nói và đi về phía ông trong phòng khách nhỏ. – Tôi có chuyện muốn nói với chú. Ta ngồi xuống đây. – Vẫn với vẻ hững hờ do đôi lông mày hơi nhếch lên tạo ra, Alecxei Alecxandrovitr ngồi xuống cạnh Daria Alecxandrovna và mỉm cười gượng gạo.
– Rất vui lòng, – ông nói, – vì tôi cũng đang muốn xin lỗi chị để ra về. Mai tôi phải đi rồi. – Daria Alecxandrovna tin chắc Anna vô tội và cảm thấy mình tái mặt, môi run lên vì tức giận người đàn ông vô tình và lạnh lùng này đang rắp tâm hại đời cô bạn của bà một cách thản nhiên nhất trên đời.
– Alecxei Alecxandrovitr, – bà nói, nhìn thẳng vào mặt ông ta với một vẻ quả quyết đến tuyệt vọng. – Tôi đã hỏi thăm chú về tin tứ anh, thế mà chú chưa trả lời. Cô ấy có khỏe không?
– Tôi chắc cô ấy khỏe, – Alecxei Alecxandrovitr không nhìn bà ta, trả lời.
– Alecxei Alecxandrovitr, xin lỗi chú, tôi không có quyền… nhưng tôi yêu và trọng Anna như em gái; tôi van chú, tôi xin chú nói cho tôi hay có chuyện gì đã xảy ra giữa cô chú? Chú kết tội cô ấy về việc gì?
Alecxei Alecxandrovitr cau mày và cúi đầu, mắt gần như nhắm lại.
– Tôi chắc anh ấy đã nói với chị những lý do khiến tôi thấy cần thay đổi quan hệ giữa tôi với Anna Arcadievna, – ông nói, mắt ngoảnh đi không nhìn mặt bà mà bực bội dán vào Serbatxki đang đi qua phòng khách.
– Tôi không tin thế, tôi không tin thế, tôi không tin thế được! – Doli vừa nói vừa chắp đôi bàn tay gầy guộc với một cử chỉ kiên quyết. Bà nhanh nhẹn đứng dậy và kéo ống tay áo Alecxei Alecxandrovitr. Chúng ta ngồi đây không được tĩnh đâu. Mời chú lại đằng này. Nỗi xúc động của Doli tác động đến Alecxei Alecxandrovitr. Ông đứng dậy và ngoan ngoãn theo bà sang phòng học của lũ trẻ. Họ ngồi trước một cái bàn phủ vải sơn có những vết dao díp rạch.
– Tôi không tin thế, tôi không tin là thế đâu! – Doli nhắc lại, cố tóm bắt cái nhìn đang lẩn tránh mắt bà.
– Người ta không thể nghi ngờ thực tế, chị Daria Alecxandrovna ạ, ông nói, nhấn mạnh vào chữ “thực tế”.
– Nhưng cô ấy đã làm gì? – Daria Alecxandrovna hỏi tiếp. – Thực ra, cô ấy đã làm gì nào?
– Cô ấy từ bỏ bổn phận và lừa dối chồng. Cô ấy đã làm thế đó, – ông nói.
– Không, không, không thể có chuyện ấy được! Không, lạy Chúa, chú lầm rồi, – Doli vừa nói vừa bóp hai thái dương và nhắm mắt lại.
Alecxei Alecxandrovitr nhếch mép cười lạnh lùng để chứng tỏ với bà và với chính bản thân là lập trường mình rất vững; nhưng sự phản kháng cuồng nhiệt kia, nếu không làm ông lay chuyển, thì cũng khơi lại vết thương lòng. Ông nói tiếp, hăm hở hơn.
– Thật khó mà lầm khi chính miệng vợ đã nói trắng ra cho anh chồng bất hạnh biết. Khi cô ta nói với chồng rằng tám năm ăn ở với nhau cùng đứa con trai chỉ là một sai lầm và cô ta muốn làm lại cuộc đời, – ông nói, giọng rít lên giận dữ.
– Anna và tội lỗi… tôi thấy hai ý niệm đó không thể đi đôi với nhau được, tôi không thể tin thế được.
– Daria Alecxandrovna! – ông nói, lần này nhìn thẳng vào bộ mặt đôn hậu, xúc động của Doli và thấy hết líu lưỡi, – tôi sẵn sàng đổi một giá rất đắt để có thể còn được nghi ngờ. Chừng nào còn hồ nghi, tôi cũng đau khổ, nhưng dù sao vẫn đỡ hơn bây giờ. Chừng nào còn hồ nghi, tôi vẫn vớt vát chút hi vọng: giờ đây, tôi chẳng còn hi vọng gì nữa và tôi nghi ngờ tất cả. Đến nỗi tôi đâm ghét cả con tôi và đôi khi cứ tự hỏi nó có thật là con mình không. Tôi đau khổ lắm. Ông chẳng cần phải nói điều đó. Daria Alecxei Alecxandrovitr đã hiểu ngay từ lúc ông nhìn thẳng vào mặt bà. Bà thương hại ông và niềm tin là cô bạn mình vô tội đã lung lay.
– Chao, thật kinh khủng, kinh khủng! Có thật là chú đã quyết định ly dị không?
– Tôi đã dùng đến biện pháp cuối cùng đó. Tôi còn biết làm thế nào khác nữa.
– Không biết làm thế nào nữa… – bà nhắc lại, nước mắt vòng quanh. Có chứ, có thể làm khác được! – bà nói.
– Đối với loại bất hạnh này, điều kinh khủng nhất là nó không giống mọi nỗi không may khác, chỉ cần chịu một sự mất mát, một cái chết, hoặc cắn răng nhịn nhục là đủ, mà phải hành động, – ông nói như đọc được ý nghĩ của bà. – Phải thoát khỏi tình thế sỉ nhục mình bị xô vào: không thể sống tay ba được.
– Tôi hiểu, tôi rất hiểu, – Doli nói và cúi đầu. Bà nín lặng, nghĩ đến thân phận mình, đến nỗi cay cực về chuyện vợ chồng mình và đột nhiên bà ngửng đầu lên với một thái độ kiên quyết và chắp tay lại trong dáng điệu van xin. – Nhưng hãy khoan! Chú là con chiên của Chúa. Chú hãy nghĩ đến cô ấy! Cô ấy sẽ ra sao nếu bị chú bỏ!
– Tôi đã nghĩ đến điều đó, chị Daria Alecxandrovna ạ, nghĩ nhiều rồi, – Alecxei Alecxandrovitr nói. Mặt ông hằn những vệt đỏ và cặp mắt rầu rĩ đăm đăm nhìn bà. Lúc này Daria Alecxandrovna hết lòng thương hại ông. – Chính tôi đã làm như vậy khi cô ta tự ý báo cho tôi biết nỗi nhục nhã của tôi; tôi đã để mọi sự vẫn y nguyên như trước. Tôi tạo điều kiện cho cô ta có thể chuộc lỗi, tôi tìm cách cứu vớt cô ta. Rút cục thế nào? Ngay đến cả điều kiện đơn giản tôi đề ra là giữ thể diện, cô ta cũng không muốn tuân theo, – ông ta sôi nổi nói. – Người ta có thể cứu một người không muốn chết, nhưng nếu bản chất y đã hoàn toàn thối nát đến nỗi chính cái chết hóa ra thành một cứu chuộc đối với y, thì biết làm thế nào?
– Làm tất cả, nhưng đừng có ly dị! – Daria Alecxandrovna đáp.
– Chị hiểu tất cả là thế nào?
– Chao, thật ghê sợ! Cô ấy sẽ không phải là vợ của ai nữa, đời cô ấy thế là bỏ đi!
– Nhưng tôi biết làm thế nào? – Alecxei Alecxandrovitr nói, rướn lông mày lên và nhún vai. Nhớ tới lỗi lầm mới đây của vợ, ông tức đến nỗi lại trở nên lạnh lùng như lúc bắt đầu câu chuyện. – Tôi rất cảm ơn mối thiện cảm của chị, nhưng đã đến giờ tôi phải về rồi, – ông nói và đứng dậy.
– Không, chú hãy ngồi lại! Chú không nên đẩy cô ấy vào chỗ chết. Chú ạ, tôi xin kể cho chú biết chuyện tôi. Tôi cũng vậy, tôi đã có chồng và chồng tôi đã lừa dối tôi. Trong lúc giận dữ, trong cơn ghen, tôi đã định bỏ tất cả và chính tôi cũng muốn thế… Nhưng tôi trấn tĩnh lại… Và ai đã cứu thoát tôi? Anna. Bây giờ, tôi vẫn sống. Các con tôi lớn lên, chồng tôi trở về với gia đình, hiểu rõ lỗi lầm, cải hối, tôi vẫn sống… Tôi đã tha thứ, cả chú nữa cũng nên tha thứ! – Alecxei Alecxandrovitr lắng nghe, nhưng lời nói không tác động gì đến ông nữa rồi. Trong tâm hồn ông, lại dấy lên tất cả sự phẫn nộ cảm thấy hôm ông quyết định ly dị vợ. Ông lắc lư và nói tiếp, giọng the thé:
– Tôi không thể và không muốn tha thứ, tôi cho thế là bất công. Tôi đã làm tất cả vì người đàn bà ấy và cô ta đã chà đạp tất cả xuống bùn; đó là bản chất cô ta. Tôi không phải là người độc ác: tôi chưa từng ghét ai bao giờ, nhưng bây giờ tôi căm ghét cô ta với tất cả sức lực tâm hồn. Tôi không tha thứ được, vì tôi ghét cô ta thậm tệ do tất cả những tai họa cô ta gây ra cho tôi! – ông kết luận, giọng nghẹn ngào tức tối.
– Hãy yêu thương những kẻ thù ghét ta… – Daria Alecxandrovna rụt rè nói khẽ.
Alecxei Alecxandrovitr mỉm cười khinh bỉ. Câu đó ông biết đã từ lâu, nhưng không thể áp dụng vào trường hợp của ông được.
– Hãy yêu thương những kẻ thù ghét ta, phải, nhưng yêu những kẻ mà ta thù ghét thì quả không thể được. Xin chị tha lỗi cho tôi đã làm chị bận tâm. Mỗi người mang nỗi khổ của mình là đủ rồi! – Và, rất tự chủ, Alecxei Alecxandrovitr bình tĩnh cáo từ, ra về.
13
Khi mọi người đứng dậy khỏi bàn ăn, Levin định đi theo Kitti sang phòng khách; nhưng chàng sợ tỏ vẻ xoắn xuýt quá lộ liễu như vậy sẽ làm nàng phật ý. Chàng ở lại góp chuyện với cánh đàn ông, nhưng tuy không nhìn Kitti, chàng vẫn cảm thấy từng cử động, từng khóe nhìn của nàng và vẫn biết nàng ngồi ở chỗ nào trong phòng khách. Lập tức chàng thực hiện ngay lời hứa với nàng dễ như không: luôn luôn nghĩ tốt về mọi người và yêu mến mọi người. Câu chuyện xoay sang vấn đề công xã nông thôn, trong đó Petxov nhìn thấy một nguyên lý kỳ quặc mà ông đặt tên là “nguyên lý hợp xướng.” Levin không đồng ý với cả Petxov lẫn anh trai mình, ông này, theo thói quen, vừa thừa nhận đồng thời vừa nghi ngờ tầm quan trọng của công xã Nga. Nhưng chàng tranh luận với họ, chỉ để tìm cách dàn hòa đôi bên và làm dịu những lời đối đáp. Chàng không hề quan tâm đến những điều chính mình nói ra và càng không quan tâm đến những điều người khác nói. Chàng chỉ mong muốn có một điều: là mọi người đều sung sướng và thoải mái. Bây giờ, chàng biết cái gì là quan trọng nhất, trên mọi cái khác. Mục tiêu duy nhất đó, thoạt đầu, nán lại cuối phòng khách rồi bắt đầu vận động và dừng lại ở gần cửa ra vào. Không cần quay lại, chàng vẫn cảm thấy cặp mắt tươi cười đăm đăm nhìn mình và chàng không thể không ngoảnh lại. Nàng đứng với Serbatxki trên ngưỡng cửa và đang nhìn chàng.
– Tôi chắc cô sắp ngồi vào dương cầm, – chàng bước lại gần và nói. – Điều tôi thường cảm thấy thiếu thốn ở nông thôn là cái đó: âm nhạc.
– Không, chúng tôi chỉ tìm anh thôi; cảm ơn anh đã quay lại chỗ chúng tôi, – nàng nói và thưởng cho chàng một nụ cười. – Tranh luận làm gì! Các anh chẳng bao giờ thuyết phục được nhau đâu.
– Phải, đúng thế, – Levin nói; – thường thường người ta sôi nổi bảo vệ ý kiến mình chỉ vì không hiểu đối phương thực ra định chứng minh điều gì. – Levin nhận thấy trong các cuộc tranh luận giữa những người rất thông minh, sau những cố gắng lớn cùng hàng loạt lập luận lô gich và tế nhị, cuối cùng đôi bên thường đi đến chỗ công nhận rằng ngay từ lúc mới bàn cãi, họ đã biết rõ điều người kia ra sức chứng minh hồi lâu, nhưng họ vốn thích sự bất đồng và không muốn gọi tên điều mình thích ra, để khỏi thấy ý kiến mình bị bác. Chàng thấy đôi khi, giữa cuộc tranh luận, người ta hiểu ra điều đối phương thích, tức thì người ta cũng mê luôn điều đó và mọi lập luận từ đó trở thành vô ích, tự nó tiêu tán đi; đôi khi, lại trái ngược hẳn: cuối cùng, người ta diễn đạt được điều muốn phát biểu trên cơ sở những lập luận mới và nếu phát biểu hay và thẳng thắn, thì chính đối phương đột nhiên ngả theo ý kiến mình và chấm dứt tranh luận. Đó chính là điều chàng muốn nói.
Nàng cau mày, cố hiểu cho ra. Nhưng khi chàng định cắt nghĩa thì nàng đã hiểu rồi:
– Em hiểu rồi: phải biết tại sao họ tranh luận, điều họ ưa thích, bấy giờ ta mới có thể…
Nàng đã đoán ra, diễn đạt được điều chàng đang tìm cách phát biểu. Levin mỉm cười sung sướng: chàng rất ngạc nhiên thấy nàng dễ dàng chuyển cuộc tranh luận rắc rối và rườm lời giữa chàng với Petxov và ông anh, thành một cuộc trao đổi ngắn gọn, khúc chiết gần như không lời, giải thích rành rọt, những ý nghĩ phức tạp nhất. Serbatxki rời khỏi chỗ họ và Kitti lại gần bàn đánh bài, ngồi xuống, cầm mẩu phấn và bắt đầu vẽ những vòng tròn lên nền dạ xanh mới tinh.
Họ lại nói tiếp câu chuyện khai mào từ lúc ăn: về vấn đề tự do và công việc phụ nữ. Levin đồng ý với Daria Alecxandrovna: một thiếu nữ không lấy chồng có thể tìm việc làm trong một gia đình. Để chứng minh không bao giờ khỏi cần phụ nữ giúp việc; trong mỗi gia đình, giàu hoặc nghèo, đều có hoặc đều phải có vú bõ, dù đó là họ hàng hay người làm thuê.
– Không, – Kitti đỏ mặt nói, nhưng đôi mắt chân thật mạnh dạn nhìn thẳng vào chàng. – Có khi một thiếu nữ bị lâm vào cảnh éo le khiến cô ta không thể vào làm trong một gia đình mà không thấy nhục, nhưng bản thân cô ta…
Chỉ thoáng nghe, Levin đã hiểu ý nàng.
– À! Phải, – chàng nói, – phải, phải, cô nói đúng, cô nói đúng! Tất cả những điều Petxov tìm cách chứng minh trong bữa ăn về quyền tự do của phụ nữ, chàng chợt hiểu ra khi nhìn thấy trong tâm hồn Kitti nỗi sợ của lòng trinh bạch bị làm nhục. – Chàng cảm động, bản thân cũng thấy rõ nỗi sợ và nỗi nhục đó, và lập tức từ bỏ lập luận của mình. Hai người im lặng. Nàng vẫn vẽ tiếp lên bàn bằng mẩu phấn. Mắt nàng long lanh hiền dịu. Thả mình theo tâm trạng, chàng thấy tràn đầy hạnh phúc.
– Ồ! Em vẽ nguệch ngoạc đầy cả bàn rồi! – nàng nói và đặt mẩu phấn xuống, nhổm người định đứng dậy.
“Nàng đi thì mình ngồi lại một mình sao được?” – chàng sợ hãi nghĩ thầm và cầm lấy mẩu phấn.
– Khoan đã, – chàng ngồi xuống, bảo nàng. – Có một chuyện tôi muốn hỏi cô từ lâu.
Chàng nhìn thẳng vào mắt nàng: nàng có vẻ vừa âu yếm vừa sợ sệt.
– Xin anh cứ hỏi đi.
– Này nhé, – chàng nói và vạch những chữ đầu: – K, e, t, l, t: k, t, đ, t, n, l: c, b, g, h, b, g, t? Đó là những chữ viết tất cả câu “Khi cô trả lời tôi: không thể được, thế nghĩa là: chẳng bao giờ hay bấy giờ thôi?” – Có lẽ nàng khó mà hiểu được cái câu rắc rối đó; nhưng chàng nhìn như thể cả cuộc đời chàng lệ thuộc vào sự minh mẫn của nàng vậy. Nàng đăm đăm nhìn chàng một cách nghiêm trang rồi tì trán vào bàn tay và bắt đầu đoán. Thỉnh thoảng, nàng lại ngước nhìn chàng như muốn hỏi: “Có đúng như em đang nghĩ không?”
– Em hiểu rồi, – nàng đỏ mặt nói.
– Đây là những tiếng gì? – chàng chỉ mấy chữ cái c, b, g, thay cho những tiếng: chẳng bao giờ.
– Chẳng bao giờ, – nàng nói. – Không đúng thế đâu, anh ạ. – Chàng vội xóa những chữ mình viết, chìa mẩu phấn cho nàng và đứng dậy. Nàng viết: b, g, e, k, t, l, k, đ.
Nỗi phiền muộn của Doli sau cuộc nói chuyện với Alecxei Alecxandrovitr bỗng hoàn toàn nguôi dịu khi bà thoáng thấy hai người: Kitti tay cầm mẩu phấn, mắt ngước nhìn Levin với một nụ cười rụt rè sung sướng, và vóc dáng đẹp đẽ của Levin đang cúi xuống nàng, đôi mắt long lanh hết nhìn cái bàn lại nhìn Kitti. Thốt nhiên, mặt chàng rạng rỡ: chàng đã hiểu. Những chữ đó nghĩa là: “Bấy giờ, em không trả lời khác được.”
Chàng nhìn nàng, vẻ rụt rè dò hỏi.
– Bấy giờ thôi ư?
– Vâng, – nụ cười của nàng trả lời như vậy.
– Thế b…, thế bây giờ thì sao? – chàng hỏi.
– Đây, anh đọc đi. Em sẽ nói với anh điều em mong muốn. – Nàng viết: m, a, q, c, c, v, t, t, c, e. Nghĩa là: “Mong anh quên chuyện cũ và tha thứ cho em.”
Chàng riết mẩu phấn trong những ngón tay run rẩy rồi bẻ làm đôi và viết những chữ đầu của câu: “Tôi chẳng có gì mà quên, mà tha thứ, bao giờ cũng vẫn yêu cô.”
Nàng nhìn chàng; nàng vẫn không ngừng mỉm cười.
– Em hiểu, – nàng thầm thì. Chàng ngồi xuống và viết một câu dài. Nàng hiểu hết và không cần hỏi có đúng thế không, cầm lấy phấn và trả lời tức khắc.
Chàng ngồi mãi không đoán ra câu của nàng và nhiều lần đưa mắt hỏi. Chàng tưởng đến phát điên vì hạnh phúc. Chàng không chắp được đúng những tiếng nàng đã dùng, nhưng trong đôi mắt xinh đẹp rạng rỡ, chàng đọc thấy tất cả những điều cần biết. Chàng viết ba chữ cái, nhưng chưa xong nàng đã đón trước ý chàng, bổ sung nốt và viết câu trả lời: vâng.
– Các con chơi trò thư ký đấy à? – lão quận công đến bên hỏi. – Này, nếu con muốn xem hát đúng giờ thì phải đi ngay thôi. Levin đứng dậy và tiễn Kitti ra tận cửa. Họ đã nói với nhau tất cả: nàng yêu chàng, nàng sẽ báo cho cha mẹ và sáng mai, chàng sẽ đến nhà nàng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.