Anna Karenina (Tập 1)
Phần 4 – Chương 06
14
Còn lại một mình sau khi Kitti đi, Levin thấy hết sức bồi hồi vì vắng bóng nàng và nôn nóng mong cho chóng tới ngày mai để gặp lại và mãi mãi gắn bó đời mình với nàng, đến nỗi chàng thấy sợ khoảng thời gian mười bốn giờ còn phải sống xa nàng như sợ cái chết vậy. Chàng thấy cần phải nói chuyện với ai đó để khỏi cô độc và cho khuây niềm mong đợi. Đối với chàng, Xtepan Arcaditr là người tiếp chuyện thú vị nhất, nhưng ông ta nói còn phải đi dự liên hoan (thực ra ông đi xem vũ kịch). Levin chỉ vừa đủ thì giờ nói với ông rằng chàng đang sung sướng, chàng yêu quý ông và sẽ chẳng bao giờ quên những điều ông đã giúp chàng. Cái nhìn và nụ cười của Xtepan Arcaditr chứng tỏ với Levin rằng ông hiểu đúng tình cảm đó.
– Vậy thì chuyện chết không thành vấn đề nữa chứ? – Xtepan Arcaditr nói và nồng nhiệt xiết chặt tay Levin.
– Kh… hông! – Levin nói. Khi chàng cáo từ ra về, Daria Alecxandrovna cũng nói những lời như kiểu chúc mừng và bảo chàng:
– Tôi rất hài lòng thấy anh đã gặp lại Kitti. Không nên quên bạn cũ.
Những lời đó khiến Levin phật ý. Doli không thể hiểu tất cả chuyện này thực cao cả, khó lĩnh hội đến chừng nào và đáng lý bà ta không nên nói bóng gió gì mới phải, Levin chào từ biệt, nhưng để khỏi thui thủi một mình, chàng vớ lấy anh trai.
– Anh đi đâu?
– Đi họp.
– Cho tôi theo được không?
– Được chứ, chú đến nhé, – Xergei Ivanovitr mỉm cười nói. – Hôm nay, chú có chuyện gì đấy?
– Chuyện gì à? Hạnh phúc! – Levin nói, hạ tấm kính cửa ở chiếc xe ngựa họ mới bước lên. Mở thế này anh có thấy làm sao không? Ngột ngạt quá! Phải, hạnh phúc! Tại sao anh không bao giờ lấy vợ?
Xergei Ivanovitr mỉm cười.
– Tôi rất sung sướng vì chuyện đó, đáng yêu thay cô thiếu… – ông mào đầu.
– Anh im đi, im đi! – Levin kêu lên, nắm cổ áo lông của ông anh và bắt chéo lại. “Đáng yêu thay cô thiếu nữ đó!”, câu nói tầm thường và nôm na thật không xứng với tình cảm chàng chút nào!
Xergei Ivanovitr cười khanh khách vui vẻ, một điều hiếm có ở ông.
– Dù sao, tôi cũng có thể nói với chú tôi rất mừng vì chuyện đó chứ.
– Mai, đến mai cơ, đừng nói trước! Bây giờ, anh đừng nói gì hết, đừng nói gì hết, anh im đi! – Levin nói và càng quấn chặt chiếc áolông vào người anh, chàng nói thêm: – vậy tôi đến dự họp được chứ?
– Được mà, tất nhiên.
– Hôm nay, bàn vấn đề gì vậy? – Levin hỏi và vẫn không ngừng mỉm cười.
Họ tới nơi họp. Levin nghe thấy người thư ký ầm ừ đọc bản chương trình nghị sự mà hình như ông ta chẳng hiểu mô tê gì cả; nhưng nhìn mặt ông ta chàng thấy đó là một người trung thực xuất sắc. Có thể đoán được điều đó qua cái vẻ luống cuống khi ông ta đọc chương trình nghị sự. Sau đó, bắt đầu đến diễn văn. Người ta tranh luận về việc khấu trừ những khoản tiền nào đấy và về việc đặt một số ống dẫn nào đó; Xergei Ivanovitr áp đảo hai ủy viên và thuyết một tràng dài, vẻ đắc thắng; một nhân vật khác, sau khi viết cái gì đó trên một mảnh giấy, nén được sự nhút nhát ban đầu để trả lòi ông ta một cách mềm mỏng và sâu cay. Tiếp đó, Xvyajxki (cả ông ta cũng có mặt ở đó) nói những lời trang nhã. Levin lắng nghe họ và thấy rõ cả những khoản khấu trừ kia, lẫn những ống dẫn nọ, đều chẳng có gì quan trọng, họ chẳng giận dữ chút nào, mà tất cả đều ưu tú và trung thực, người nọ đối xử với người kia đều tốt cả. Họ chẳng làm phiền ai và tất cả đều thoải mái. Điều đáng chú ý nhất đối với Levin là lúc này, chàng thấy như nhìn thấu ruột gan tất cả từng ấy người: qua những biểu hiện rất nhỏ từ trước tới nay vẫn lọt khỏi mắt, chàng khám phá tâm hồn từng người và thấy tất cả bọn họ đều tốt. Nói riêng, họ đều yêu mến chàng, chính chàng, Levin ấy. Điều đó lộ rõ ở cách họ nói với chàng và ở những cái nhìn thân ái mà cả những người không quen cũng hướng về phía chàng.
– Thế nào, chú có bằng lòng không? – Xergei Ivanovitr hỏi.
– Rất bằng lòng. Tôi không bao giờ nghĩ cuộc họp lại thú vị, mê li đến thế!
Xvyajki lại gần và mời chàng lại chơi uống trà. Levin hoài công tìm những điều trước kia chàng không ưng ở Xvyajxki, những điều trước kia chàng bới móc ở ông ta. Đó là một người thông minh và tốt tuyệt vời.
– Rất vui lòng, – chàng nói và hỏi thăm tin tức vợ và em vợ ông ta. Và, do một liên tưởng kỳ lạ, vì trong óc chàng, cô em vợ Xvyajxki gắn liền với ý niệm hôn nhân, chàng liền nghĩ hai chị em cô ắt là những người thú vị nhất để tâm sự về niềm hạnh phúc của mình và chàng rất mừng được đến nhà họ. Xvyajxki hỏi han chàng về công việc làm ăn; ông ta vẫn cứ đinh ninh người ta không thể tìm thấy bất cứ cái gì mà ở châu Âu chưa khám phá ra, nhưng lần này, Levin tuyệt nhiên không vì thế mà mếch lòng. Trái lại, chàng còn thấy Xvyajxki nói có lý, thấy tất cả vấn đề đó thật vô bổ và chàng rất coi trọng sự tế nhị của Xvyajxki đã tránh không chứng minh điều đó. Các bà thì đặc biệt đáng yêu. Levin có cảm tưởng họ biết hết và đã góp phần vào hạnh phúc của chàng, nhưng vì giữ ý nên họ cố nén không nói ra đấy thôi. Chàng nán lại nhà họ một giờ, hai giờ, ba giờ, đề cập đến những vấn đề linh tinh mà vẫn liên quan đến điều đang tràn ngập tâm hồn chàng và không hề để ý mình đã làm họ chán ngấy kinh khủng và họ buồn ngủ lắm rồi. Xvyajxki vừa tiễn chàng ra phòng đợi vừa ngáp dài, ngạc nhiên về tâm trạng kỳ cục của ông bạn. Đã quá một giờ sáng. Levin trở về khách sạn và kinh hãi nghĩ đến mười tiếng đồng hồ còn phải sống lủi thủi với nỗi sốt ruột của mình. Bác bồi phòng trực đêm thắp nến cho chàng và định trở lui, nhưng Levin chưa bao giờ để ý tới bác: chàng thấy bác có vẻ thông minh và nhất là tốt bụng.
– Này, bác Egor, thức thế này chắc vất vả lắm nhỉ?
– Làm thế nào được? Nghề nghiệp của tôi là phải thế. Làm cho các ông chủ thì nhàn hơn, nhưng ở đây kiếm được nhiều tiền hơn.
Thì ra Egor có gia đình: ba con trai và một con gái làm thợ khâu mà bác định gả cho một người rao hàng đồ thắng ngựa.
Nhân dịp đó, Levin tâm sự với Egor rằng trong việc lấy vợ lấy chồng, điều cốt yếu là tình yêu, khi yêu thì bao giờ cũng sung sướng vì người ta mang hạnh phúc ngay trong lòng mình. Egor chăm chú nghe và có vẻ hoàn toàn hiểu ý Levin, nhưng bác đưa ra làm dẫn chứng một nhận xét thật bất ngờ: bác ta bảo khi hầu hạ những ông chủ tốt, bao giờ bác cũng bằng lòng họ và giờ đây, bác hoàn toàn mãn nguyện về chủ mình dù đó là người Pháp.
“Con người mới tốt làm sao!”, Levin nghĩ thầm.
– Còn bác, bác Egor, khi lấy vợ, bác cũng yêu vợ chứ?
– Chậc! – Egor đáp. Và Levin thấy Egor cũng đang ở trong tâm trạng hào hứng như mình và sắp sửa thổ lộ những tình cảm sâu kín nhất.
– Cuộc đời tôi cũng thật kỳ lạ. Từ thuở nhỏ… – bác ta mào đầu, mắt long lanh, rõ ràng đã lây nỗi phấn khởi của Levin như người ta lây nhau ngáp. Nhưng giữa lúc ấy, tiếng chuông gọi vang lên, Egor đi khỏi và Levin lại trơ một mình. Chàng hầu như không ăn gì trong bữa tiệc chiều, chàng đã từ chối không dùng trà và không ăn tối ở nhà Xvyajxki, mà thậm chí cũng không thể nghĩ đến chuyện ăn tối được kia. Đêm trước, chàng không chợp mắt nhưng bây giờ cũng không nghĩ đến chuyện ngủ được. Buồng ngủ vốn lạnh, tuy nhiên chàng vẫn thấy nóng ngột ngạt. Chàng mở hai cánh cửa lùa và ngồi lên chiếc bàn trước khung cửa sổ. Đằng sau một mái nhà phủ đầy tuyết, nhô lên một cây thập tự chạm trổ với chuỗi dây xích, phía trên, chòm sao Xà ích hình tam giác, trong đó lấp lánh ánh vàng bợt của ngôi sao Dê Cái, đang lên dần trên bầu trời. Lúc chàng nhìn cây thập tự, lúc nhìn ngôi sao, hít luồng không khí giá băng đều đặn lọt vào phòng, và như trong giấc mộng, chàng dõi theo hoài những hình ảnh và kỉ niệm đột nhiên hiện lên trong trí tưởng tượng. Lúc hơn ba giờ sáng, chàng nghe thấy tiếng chân người và nhìn qua cửa ra vào. Đó là Myakin, một tay cờ bạc (cũng là chỗ quen với chàng) vừa ở sòng bạc về. Anh chàng vừa đi vừa ho, lông mày cau lại. “Khổ thân anh ta!”, Levin nghĩ thầm và rưng rưng nước mắt trìu mến, thương hại. Chàng muốn nói, muốn an ủi anh ta; nhưng chợt nhớ mình đang mặc quần áo lót, chàng bèn thôi và trở về ngồi xuống trước cửa lùa để lại đắm mình trong không khí giá lạnh, ngắm cây thập tự trang nhã, lặng lẽ nhưng bao hàm đầy ý nghĩa đối với chàng và ngôi sao vàng rực rỡ đang lên cao dần trong bầu trời. Vào khoảng bảy giờ, những người cọ sàn nhà đến làm ồn lên, chuông bắt đầu leng keng và Levin thấy người bắt đầu run rẩy. Chàng đóng cánh cửa lùa, rửa mặt, mặc quần áo và đi ra.
15
Phố xá còn vắng ngắt. Levin đến nhà Serbatxki. Cổng lớn đóng và tất cả còn ngủ. Chàng quay về, lên buồng và gọi cà phê. Người mang cà phê đến là anh bồi làm ban ngày chứ không phải Egor. Levin định bắt chuyện, nhưng có người rung chuông gọi nên gã phải lui ra. Chàng cố uống cà phê và cầm một chiếc bánh mì nhỏ đưa lên miệng, nhưng không thể nuốt trôi. Chàng nhổ miếng bánh đi, mặc áo choàng và lại đi ra. Khi chàng đến gần thềm nhà Serbatxki lần thứ hai thì đã chín giờ. Trong nhà vừa mới dậy và anh bếp đi mua thức ăn. Còn phải đợi ít ra là hai giờ nữa. Suốt đêm qua và sáng nay, Levin sống trong một trạng thái hoàn toàn vô thức và thấy mình tách rời hẳn mọi điều kiện sống vật chất. Hôm qua chàng không ăn gì, chàng đã thức trắng hai đêm, mặc phong phanh ngồi lì hàng giờ trong không khí giá lạnh; vậy mà chàng vẫn thấy tươi tỉnh và sảng khoái hơn bao giờ hết và hoàn toàn không phụ thuộc gì vào thể xác mình: chàng đi lại thoải mái và cảm thấy có thể làm được bất cứ việc gì. Chàng tin chắc nếu cần, chàng có thể bay bổng lên không hoặc tách rời những bức tường nhà ra được. Chàng lang thang ngoài phố nốt số thời giờ còn lại, chốc chốc lại xem đồng hồ và ngó nghênh khắp ngả. Cái chàng nhìn thấy lúc bấy giờ, chẳng bao giờ chàng còn thấy lại nữa. Chàng xúc động nhất khi thấy mấy em nhỏ đi học, đàn bồ câu xám bay từ mái nhà xuống vỉa hè và những chiếc bánh ngọt rắc bột mà một bàn tay vô hình nào đã bày ở một cửa hàng. Bánh ngọt, bồ câu và hai chú bé nọ đều là người, vật trên thiên giới. Tất cả đã lướt qua cùng một lúc. Chú nhỏ đã chạy về phía con bồ câu và mỉm cười nhìn Levin; con bồ câu đã vỗ cánh và lấy đà bay lên, lấp lánh dưới ánh nắng giữa làn bụi tuyết rung rinh trong khoảng không và mùi bánh mì nóng tỏa ra từ một khung cửa sổ. Tất cả hòa quyện vào nhau đẹp đẽ lạ lùng khiến Levin vừa khóc vừa cười vì sung sướng. Chàng đi một vòng rộng qua phố Gazet và phố Kixlôva, trở về khách sạn lần nữa và sau khi đặt chiếc đồng hồ quả quít trước mặt, chàng ngồi chờ đến trưa. Trong phòng bên cạnh, có tiếng người bàn chuyện máy móc, chuyện buôn gian bán lận, tiếng ho hắng khi thức giấc buổi sáng. Họ không hiểu kim đồng hồ đang xích lại gần con số mười hai. Cuối cùng, nó xoay tới con số đó. Levin ra ngoài thềm. Hiển nhiên là các xà ích đều đã biết hết chuyện. Họ quây quanh Levin với những bộ mặt sung sướng, tranh giành nhau, mời mọc chàng. Levin chọn một chiếc, cố không làm phật lòng những người khác và hứa lần sau sẽ thuê xe họ, rồi bảo họ đưa đến nhà Serbatxki. Gã xà ích này thật dễ thương với chiếc cổ sơ mi trắng thò ra khỏi áo captăng(58) và bọc lấy cái cổ đỏ đắn, khỏe mạnh. Chiếc xe trượt của anh ta cao và êm (chẳng bao giờ Levin còn bước lên một cỗ xe trượt như vậy nữa), con tuấn mã cố hết sức phóng nước kiệu nhưng không tiến lên được mấy tí. Gã xà ích biết nhà Serbatxki và để tỏ ra đặc biệt kính trọng ông khách, anh ta hãm ngựa trước thềm, vừa khoanh tay vừa kêu: “Hô… ô… ô!” Chắc chắn người gác cửa cũng biết hết chuyện rồi. Điều đó lộ rõ ở cặp mắt tươi cười và câu chào đón của lão.
(58) Một kiểu áo của người Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều đường thêu.
– Thưa ông Conxtantin Dimitrievitr, đã lâu không thấy ông lại chơi.
Không những lão biết hết mà rõ ràng còn hoan hỉ và phải cố giấu niềm vui nữa kia. Khi bắt gặp cái nhìn đôn hậu của lão già, Levin chợt hiểu chàng vẫn chưa thấy hết mọi khía cạnh niềm hạnh phúc của mình.
– Nhà dậy cả rồi chứ?
– Xin mời ông vào ạ. Ông cứ để mũ đấy ạ, – lão mỉm cười nói, khi Levin định quay lại lấy mũ. Điều này hẳn có ý nghĩa gì đây.
– Ông cần gặp ai để tôi đi báo ạ? – người hầu phòng hỏi. Tuy ra vẻ học đòi sang trọng và mới đến làm trong nhà, gã gia nhân trẻ này vẫn là một thanh niên trung thực và ưu tú: cả hắn nữa, hắn cũng thông tỏ sự tình.
– Gặp phu nhân… gặp lão quận công… gặp tiểu thư. – Levin nói.
Người đầu tiên chàng trông thấy là cô Linong. Bà ta đi qua phòng khách và cả những búp tóc xoăn lẫn bộ mặt bà đều sáng ngời. Chàng vừa cất lời nói với bà thì đột nhiên thấy tiếng tà áo sột soạt đằng sau cửa ra vào: cô Linong vụt biến đi trước mắt Levin, và trước hạnh phúc đang tới gần, người cảm giác sợ hãi pha lẫn vui mừng xâm chiếm lòng chàng. Cô Linong vội để chàng đứng đấy và đi về phía cửa kia. Bà ta vừa ra khỏi thì tiếng chân bước nhẹ nhàng thoăn thoắt đã vang trên sàn gỗ và niềm hạnh phúc của chàng, cuộc đời chàng, bản thân chàng, cái tốt đẹp nhất trong bản thân chàng, điều chàng tìm kiếm và ao ước bấy lâu nay, đang lại gần. Nàng không bước, mà một sức mạnh vô hình đẩy nàng đến với chàng. Chàng chỉ trông thấy cặp mắt nàng trong sáng và chân thật, sợ hãi và long lanh cùng một niềm vui đang tràn ngập lòng chàng. Cặp mắt đó mỗi lúc một đến gần, sáng ngời làm chàng lóa mắt. Nàng dừng lại sát bên, chạm cả vào người chàng. Nàng giơ hai tay đặt lên vai Levin. Nàng đã làm tất cả những gì có thể làm: nàng đã chạy đến với chàng, trao toàn vẹn thân mình cho chàng, rụt rè và sung sướng. Chàng ôm nàng và áp đôi môi lên miệng nàng đang đón đợi chàng hôn.
Cả nàng, suốt đêm cũng không ngủ và đợi chàng cả sáng nay.
Cha mẹ nàng hoàn toàn đồng ý và sung sướng với hạnh phúc của con. Nàng đợi chàng đến. Nàng muốn là người đầu tiên báo cho chàng biết hạnh phúc của mình và của chàng. Nàng chuẩn bị tiếp chàng một mình, vừa vui sướng, vừa rụt rè, thẹn thùng và chính nàng cũng không biết mình sắp làm gì. Nàng nghe thấy tiếng chân, giọng nói của chàng và đã đứng sau cửa đợi cô Linong đi khỏi. Cô Linong đi rồi. Không nghĩ ngợi thêm cũng chẳng phân vân, nàng đã đến bên chàng và làm như vừa rồi.
– Ta đi gặp mẹ đi! – nàng nói, cầm lấy tay chàng. Hồi lâu, chàng không nói nên lời, không phải đến mức sợ lời nói sẽ phạm tới cái cao cả của tình cảm mình, mà vì mỗi lần định nói điều gì, chàng lại thấy nghẹn ngào sung sướng.
Chàng cầm tay nàng hôn.
– Có đúng đây là sự thật không? – cuối cùng chàng nói, giọng câm đặc. – Anh không dám tin là em yêu anh.
Nàng mỉm cười về tiếng “em” đó và về cái vẻ rụt rè của chàng khi nhìn nàng.
– Vâng, – nàng chậm rãi nói một cách trang nghiêm. – Em sung sướng vô cùng!
Nàng không buông tay chàng và bước vào phòng khách. Thấy họ, phu nhân bỗng nghẹn ngào và tức thì nước mắt giàn giụa, rồi ngay sau đó lại cười. Bà chạy lại phía Levin, bước chân vững vàng hơn chàng tưởng, đưa tay ôm đầu chàng, hôn chàng, làm má chàng ướt đẫm nước mắt.
– Thế là xong xuôi tất cả! Mẹ bằng lòng lắm. Con hãy yêu Kitti. Mẹ bằng lòng lắm… Kitti!
– Chúng nó giải quyết chuyện này mau mắn thật! – lão quận công nói, cố làm ra vẻ thờ ơ; nhưng Levin thấy mắt ông ướt đẫm khi quay lại phía chàng. – Tôi đã muốn thế từ lâu rồi, từ trước đến nay tôi vẫn ao ước thế! – lão quận công nói, và cầm tay Levin kéo về phía mình. – Ngay cả khi con bé điên rồ này nảy ra ý định…
– Ba! – Kitti kêu lên và lấy tay bịt miệng bố.
– Thôi được, ba im đây, – ông nói. – Ba rất, rất sung… Chao ôi, sao mà tôi ngốc thế.
Ông ôm Kitti, hôn má rồi hôn tay, rồi lại hôn má và làm dấu thánh giá cho nàng.
Và Levin thấy lòng tràn ngập một niềm yêu thương mới đối với lão quận công cho đến nay vẫn xa lạ với chàng, khi thấy Kitti âu yếm hôn mãi bàn tay gân guốc của ông.
16
Phu nhân ngồi lặng thinh trong ghế bành, tươi cười; lão quận công ngồi cạnh; Kitti đứng bên ghế bành của cha, cầm tay ông. Mọi người đều im lặng. Phu nhân là người đầu tiên gọi tên sự việc lên và kéo tình cảm, ý nghĩ của họ trở lại thực tại. Thoạt tiên, điều đó có vẻ khó chịu và kỳ dị với mọi người.
– Vậy thì bao giờ đấy? Phải làm lễ đính hôn và báo hỉ chứ. Nhưng bao giờ thì cưới? Ông nghĩ sao, Alecxandr?
– Chuyện đó phải hỏi anh ấy chứ, – lão quận công chỉ Levin nói.
Chính anh ấy mới là người chủ chốt trong việc này.
– Bao giờ ạ? – Levin đỏ mặt nói. – Ngày mai. Nếu bố mẹ hỏi ý kiến con, thì con nghĩ chúng con có thể đính hôn hôm nay và cưới ngay ngày mai…
– Thôi đi, con thân yêu, đừng có nói tầm bậy…
– Vậy thì trong vòng tám hôm nữa.
– Đúng là nó điên rồi.
– Không đâu, tại sao?
– Nhưng này! – bà mẹ nói, vui vẻ mỉm cười vì sự nóng vội ấy, – còn quần áo cô dâu?
“Vậy ra phải có quần áo cưới và tất cả mọi cái khác, Levin sợ hãi nghĩ thầm. Nhưng, quần áo cưới, việc làm phép cưới ở nhà thờ và tất cả mọi cái khác liệu có thể làm bợn hạnh phúc của mình không nhỉ? Không, chẳng có gì làm tổn thương tới nó được!” Chàng nhìn Kitti và thấy ý kiến về quần áo cưới không làm nàng phật ý mảy may. “Vậy thì đó là chuyện cần thiết”, chàng tự nhủ.
– Con chẳng hiểu gì về chuyện đó cả, ba mẹ biết đấy, con chỉ nói lên điều mong ước của con với ba mẹ thôi, – chàng nói tiếp để cáo lỗi.
– Ta sẽ tính chuyện đó sau. Bây giờ có thể làm lễ đính hôn và báo hỉ được rồi đấy.
Phu nhân lại bên chồng, hôn ông và định đi, nhưng ông giữ bà lại, ôm bà vào trong tay, và như một gã tình lang trẻ tuổi, âu yếm hôn bà nhiều lần, vừa hôn vừa mỉm cười. Đôi vợ chồng già rõ ràng tâm trí để đi đâu và không còn biết đích xác rằng họ đang yêu hay là con gái họ nữa. Khi họ đi khỏi, Levin lại gần vợ chưa cưới và cầm tay nàng. Chàng đã định thần và có thể nói nên lời. Chàng có biết bao điều cần nói với nàng. Nhưng chàng lại nói khác hẳn điều cần nói.
– Trước đây, anh đã biết là chuyện này sẽ đến! Anh chưa bao giờ dám hi vọng, nhưng trong thâm tâm, anh đinh ninh như vậy, – chàng nói. -Anh tin là số mệnh đã định như thế.
– Còn em? – nàng nói. -Ngay cả khi… – nàng ngừng lại và quả quyết đưa cặp mắt chân thật nhìn thẳng vào mặt chàng, nói tiếp: – ngay cả lúc em xua đuổi hạnh phúc của mình, em cũng chỉ yêu mình anh thôi, nhưng hồi đó em đã dại dột nghe theo một sự cám dỗ. Em cần hỏi anh… Anh có thể quên chuyện đó chứ?
– Có lẽ thế thì hơn. Em còn nhiều cái phải tha thứ cho tôi… Tôi muốn nói với em rằng…
Đó là một lời thú tội chàng định nói với nàng. Chàng đã quyết định phải thú tội với nàng ngay từ ngày đầu, là chàng không trong trắng như nàng và chàng không tin đạo. Thật khổ tâm nhưng chàng cho rằng mình phải thú với nàng cả hai điều đó.
– Không, tôi không nói bây giờ đâu, để sau vậy! – chàng nói.
– Được rồi, sau hãy hay, nhưng thế nào anh cũng phải nói cho em biết nhé. Em không sợ gì hết. Em cần biết tất cả mọi chuyện. Bây giờ thì xong xuôi rồi.
Chàng kết thúc:
– Xong xuôi có nghĩa là em lấy tôi y nguyên như con người thực của tôi… Em sẽ không bỏ tôi chứ? Có phải không?
– Vâng, vâng. – Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì cô Linong đến mừng cô học trò yêu bằng một nụ cười âu yếm và yểu điệu. Bà chưa kịp lui ra thì bọn người làm đã đến chúc tụng. Rồi người trong họ tới và bắt đầu cái giai đoạn đầy hạnh phúc và vô lý mà mãi đến hôm sau ngày cưới Levin mới thoát khỏi. Levin luôn thấy gò bó, chàng chán ngấy, tuy nhiên hạnh phúc vẫn chỉ có tăng lên. Chàng cảm thấy người ta đòi hỏi chàng từng cách đi đứng, cư xử mà trước đây chàng không hề nghĩ tới, chàng làm tất cả những điều người ta bảo và điều đó cũng khiến chàng sung sướng. Chàng tin rằng lễ đính hôn của mình tuyệt nhiên không giống với lễ đính hôn của những người khác, rằng nếu nó diễn ra như thường lệ, thì hạnh phúc sẽ vì thế mà tổn thương, nhưng thực ra chàng cũng làm giống hệt mọi người và hạnh phúc chỉ có lớn thêm, trở thành một diễm phúc cá nhân không một hạnh phúc nào khác có thể sánh bằng.
– Bây giờ, ta sẽ ăn kẹo, – cô Linong nói, thế là Levin chạy đi mua kẹo.
– Xin nhiệt liệt chúc mừng anh, – Xvyajxki nói. – Tôi khuyên anh nên đặt mua hoa ở hàng Fomill.
– À vâng, cần phải như thế à? – thế là chàng bổ đến nhà Fomill. Ông anh bảo chàng phải vay tiền để chi tiêu những món trước mắt, mua quà tặng…
– Phải tặng quà ư? – thế là chàng lập tức đến nhà Funđa. Ở hàng bánh kẹo, ở hàng Fomill, ở nhà Funđa, chàng đều thấy họ đang chờ mình, họ hài lòng được thấy chàng và họ hỉ hả cũng như mọi người chàng phải liên hệ giao dịch trong những ngày đó đều hỉ hả. Lạ thay, không những mọi người đều yêu mến chàng mà cả những người xưa nay thường lạnh lùng và thờ ơ, cũng đều có vẻ phấn khởi khi thấy mặt chàng, chiều mọi ý muốn, tỏ ra tế nhị đối với mối tình của chàng và thừa nhận chàng là người sung sướng nhất đời vì vợ chưa cưới của chàng quả là toàn thiện toàn mỹ. Đối với Kitti cũng vậy. Khi nữ bá tước Norxton mạo muội nói bóng gió đến những đám hiển hách hơn mà bà ta vẫn nhắm nhe cho cô bạn, Kitti bèn nổi nóng và hết sức hùng hồn vạch cho bà ta thấy trên đời này không có chàng rể nào ưu tú hơn Levin, đến nỗi nữ bá tước Norxton phải thừa nhận là đúng và từ đó trở đi, mỗi lần gặp Levin trước mặt Kitti, bà không bao giờ quên chào chàng bằng một nụ cười ngây ngất. Riêng có cuộc giãi bày tâm sự Levin đã hứa với Kitti là sự việc nặng nề duy nhất trong giai đoạn này. Theo ý lão quận công mà chàng nhờ chỉ bảo, Levin trao cho Kitti quyển nhật ký đã ghi tất cả những điều giày vò chàng. Chàng viết cuốn nhật ký ấy với ý định dành riêng cho vị hôn thê tương lai của mình đọc. Có hai điểm khiến chàng băn khoăn: chàng không còn trong trắng và không tin đạo. Nàng vốn ngoan đạo, không bao giờ nghi ngờ chân lý của tôn giáo nhưng cái vẻ ngoài không tín ngưỡng của chồng chưa cưới không làm nàng băn khoăn mảy may. Tình yêu đã giúp nàng thâm nhập hoàn toàn vào tâm hồn Levin và nhìn thấy trong đó tất cả những gì nàng muốn thấy; nhưng việc đặt tên tâm trạng đó là vô tín ngưỡng, đối với nàng hoàn toàn không quan trọng. Trái lại, lời thú tội thứ hai khiến nàng khóc cay đắng. Trao nhật ký cho nàng, đâu phải Levin không trải qua đấu tranh tư tưởng. Chàng biết giữa chàng với nàng, không thể và không nên có điều gì giấu nhau nên quyết định làm như vậy, nhưng chàng không biết điều đó có thể tác động đến Kitti như thế nào; chàng đã không đặt mình vào địa vị của nàng. Mãi đến chiều hôm đó, khi tới nhà nàng trước giờ đi xem hát, bước vào phòng và thoáng thấy bộ mặt xinh đẹp sầu não và đẫm nước mắt, chàng mới hiểu cái tai hại không thể cứu chữa mình đã gây cho nàng và cái vực thẳm ngăn cách quá khứ đáng xấu hổ của chàng với cái trong trắng bồ câu kia. Chàng hoảng hốt vì việc mình đã làm.
– Anh hãy cầm lấy quyển vở kinh khủng này đi! – nàng nói, vừa đẩy tập giấy đặt trước mặt trên bàn. – Tại sao anh lại đưa nó cho tôi!… Không, làm thế mà tốt hơn, – nàng nói tiếp vì thương hại bộ mặt tuyệt vọng của chàng. – Nhưng thật là kinh khủng, kinh khủng!
Chàng cúi đầu nín lặng. Chàng không thể nói gì được.
– Em sẽ không tha thứ cho tôi ư? – chàng thầm thì.
– Có chứ, em tha thứ cho anh rồi mà. Nhưng thật là kinh khủng! – Hạnh phúc của Levin lớn đến nỗi lời thú tội đó chẳng những không hề làm nó tổn hại chút nào, mà còn điểm thêm vào đó một màu sắc mới. Nàng đã tha thứ cho chàng; nhưng từ hôm đó, chàng càng cho mình không xứng với nàng, càng rạp mình, về mặt tinh thần, trước mặt nàng và càng đánh giá cao cái hạnh phúc chàng không đáng được hưởng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.