Anna Karenina (Tập 1)
Phần 4 – Chương 08
19
Alecxei Alecxandrovitr đã phạm sai lầm khi chuẩn bị gặp lại vợ: ông không dự kiến trước là sự ăn năn thành thật của nàng có thể khiến ông phải tha thứ và sau đó nàng có thể sống sót. Hai tháng sau, khi trở về Moxcva, sai lầm đó hiện ra trước mắt ông với tất cả tầm nghiêm trọng của nó. Vậy mà, sai lầm này không phải chỉ do ông không tính đến trường hợp ngẫu nhiên kia, mà còn vì, cho đến trước khi về gặp vợ đang hấp hối, ông vẫn chưa hiểu rõ lòng mình. Ở đầu giường vợ đang lâm bệnh, lần đầu tiên trong đời, ông tự buông trôi theo cái mối thương cảm mà những đau đớn của kẻ khác thường gây cho ông và cho tới nay, ông vẫn chống lại, coi như một nhược điểm có hại; lòng thương xót Anna, sự hối hận vì đã cầu cho nàng chết và nhất là chính niềm vui trong sự khoan dung, không những xoa dịu đau khổ, mà còn khiến tâm hồn ông tràn ngập một nỗi thanh thản chưa từng cảm thấy bao giờ. Đột nhiên ông thấy chính cái điều đã gây ra đau khổ lại trở thành nguồn gốc của niềm vui tinh thần; cái điều tưởng như không thể giải quyết được, khi ông chê trách, kết án và căm thù, giờ đây lại trở nên đơn giản và sáng sủa khi ông yêu thương và tha thứ.
Ông tha thứ cho vợ và thương hại cho những đau khổ cùng ăn năn của nàng. Ông tha thứ và thương hại Vronxki, nhất là từ khi nghe kể lại hành động tuyệt vọng của chàng. Ông càng thương con trai hơn trước. Bây giờ ông tự trách mình đã không chăm sóc nó. Đối với con bé mới đẻ, ông có một tình cảm đặc biệt, không phải chỉ do thương hại mà còn pha lẫn âu yếm nữa. Thoạt đầu hoàn toàn chỉ vì thương hại mà ông chăm sóc cái sinh vật nhỏ nhoi yếu ớt không phải là con ông, nó bị bỏ bẵng từ khi mẹ ốm và chắc chắn sẽ chết nếu không ai trông nom đến… và rồi ông gắn bó với nó lúc nào không biết. Mỗi ngày vài lần, ông đến buồng trẻ và ở lại một lúc lâu. Vú nuôi và bảo mẫu mới đầu còn rụt rè, nay bắt đầu quen với ông. Đôi khi, ông đứng hàng giờ liền chẳng nói chẳng rằng, ngắm khuôn mặt bé tí, nhăn nheo, có lông tơ và đỏ kệch màu nghệ của đứa bé, vầng trán nhăn nhúm và nhìn nó dụi mắt, dụi mũi bằng bàn tay xinh xẻo bụ bẫm ngón quắp lại. Những lúc ấy, Alecxei Alecxandrovitr cảm thấy hoàn toàn thư thái, bằng lòng mình và thấy hoàn cảnh mình chẳng có gì khác thường, chẳng có gì cần thay đổi. Khi sự xúc động do cái chết kề bên gây ra cho Anna qua đi, Alecxei Alecxandrovitr nhận thấy nàng sợ ông, chịu đựng sự hiện diện của ông một cách chật vật và không dám nhìn thẳng vào mặt ông. Hình như nàng muốn nói điều gì mà chưa dám nói, và cũng như mọi người, linh cảm thấy quan hệ của họ không thể kéo dài, nàng chờ đợi ở ông một cái gì. Cuối tháng hai, đứa con gái của Anna, cũng tên là Anna, mắc bệnh, Alecxei Alecxandrovitr ở cả buổi sáng trong phòng trẻ, và sau khi sai mời thầy thuốc, ông đến Bộ. Làm xong việc, ông về nhà lúc bốn giờ. Khi bước vào phòng chờ, ông thấy một tên hầu dáng dấp đường bệ, mặc quần áo dấu có lon và áo choàng da gấu, tay cầm một chiếc măng tô tròn lót da thú trắng.
– Ai ở trong ấy đấy? – Alecxei Alecxandrovitr hỏi.
– Quận công Elizavêta Fedorovna Tverxcaia ạ, – hắn đáp và Alecxei Alecxandrovitr thấy hình như gã mỉm cười.
Trong suốt thời kỳ nặng nề này, Alecxei Alecxandrovitr nhận thấy người quen trong giới thượng lưu, nhất là các bà, đều tỏ ra quan tâm đặc biệt đến vợ chồng ông. Ông phát hiện ra ở tất cả bọn họ một nỗi vui gần như công khai, giống như nỗi vui ông bắt gặp trong mắt viên luật sư và giờ đây, ông lại thấy trong mắt tên hầu. Tất cả đều mừng rỡ như họ đang kết hôn cho ai vậy. Khi gặp ông họ thường chào hỏi với một vẻ khoái hoạt khá lộ liễu. Ông thấy khó chịu về sự có mặt của quận chúa Tverxcaia do những kỉ niệm dính líu tới bà ta và vì, nói chung, ông không ưa bà ta, cho nên Alecxei Alecxandrovitr sang thẳng buồng trẻ. Trong gian thứ nhất, Xerioja nằm xoài trên bàn, chân gác lên ghế, đang vẽ và nói chuyện vui vẻ. Cô gia sư người Anh thay thế cô người Pháp trong khi Anna ốm, đang ngồi đan áo cạnh thằng bé. Cô ta đứng phắt dậy, cúi chào và xốc Xerioja đứng lên.
Alecxei Alecxandrovitr vuốt tóc con, trả lời cô gia sư hỏi thăm sức khỏe vợ ông và hỏi cô ta xem bác sĩ nói gì về đứa bé.
– Thưa ông, bác sĩ bảo không đáng ngại và dặn phải cho tắm.
– Nhưng nó còn ốm kia mà, – Alecxei Alecxandrovitr nói và lắng nghe tiếng đứa bé khóc trong gian bên.
– Thưa ông, tôi cho rằng chị vú không hợp, – cô gia sư người Anh nói, giọng cả quyết.
– Tại sao cô nghĩ thế? – ông dừng lại hỏi.
– Thưa ông, tôi đã thấy như thế ở nhà nữ bá tước Pôn. Người ta điều trị cho đứa bé và phát hiện ra nó chỉ đói thôi: chị vú không có sữa.
Alecxei Alecxandrovitr suy nghĩ và đứng lại vài giây rồi bước sang gian bên. Con bé, co quắp trong tay chị vú, đầu ngật ra sau, không chịu ngậm bầu vú nây nẩy chìa ra và không ngừng khóc thét lên mặc dầu cả u già lẫn chị vú đang ngồi xuống, góp sức cố dỗ nó.
– Nó không đỡ ư? – Alecxei Alecxandrovitr hỏi.
– Em quấy lắm, – u già khẽ nói.
– Cô Etuớt bảo có lẽ vú em thiếu sữa, – ông nói.
– Thưa ông Alecxei Alecxandrovitr, tôi cũng cho là thế.
– Tại sao u không nói từ trước?
– Nói với ai kia chứ? Anna Arcadievna vẫn còn ốm, – u già đáp, giọng bất mãn.
Người đàn bà này đã làm cho họ từ lâu. Trong câu nói bình thường, Alecxei Alecxandrovitr tưởng như có ám chỉ đến hoàn cảnh mình.
Đứa bé càng khóc già, giãy giụa và khản tiếng dần. U già khoát tay chán nản, lại gần vú em, bế đứa bé và vừa đi vừa ru.
– Phải nói với bác sĩ xem cho vú em mới được, – Alecxei Alecxandrovitr nói.
Vú em – một phụ nữ bề ngoài khỏe mạnh, quần áo tươm tất – sợ mất chỗ làm, lẩm bẩm một mình và kéo áo che bộ ngực đồ sộ, mỉm cười khinh bỉ những kẻ dám nghi ngờ khả năng mình. Trong nụ cười đó, Alecxei Alecxandrovitr cũng tưởng như có ý mỉa mai.
– Tội nghiệp con bé! – u già nói, cố dỗ đứa bé nín và tiếp tục đi đi lại lại.
Alecxei Alecxandrovitr vẻ mặt đau khổ và ủ rũ ngồi xuống một chiếc ghế tựa, nhìn u già đi lui đi tới.
Cuối cùng, khi đứa bé đã nín, được đặt vào nôi và vú em sửa xong gối đã đi ra, Alecxei Alecxandrovitr đứng dậy và vụng về rón chân bước lại gần chiếc giường nhỏ. Trong khoảng một phút, ông chẳng nói chẳng rằng, ngắm đứa bé, vẫn với vẻ mặt lo âu; nhưng đột nhiên, một nụ cười làm trán ông hết nhăn và ông lặng lẽ ra khỏi phòng. Trong phòng ăn, ông rung chuông gọi và sai gã đầy tớ vừa bước vào đi tìm thầy thuốc lần nữa. Ông giận vợ đã không quan tâm đến đứa bé đáng yêu và tâm trạng ấy khiến ông chẳng muốn đến buồng nàng và gặp quận chúa Betxi làm gì nữa; nhưng e rằng vợ có thể ngạc nhiên vì không thấy ông đến buồng mình như thường lệ, ông cố tự chủ và đi về phía phòng ngủ. Đang bước trên tấm thảm êm lại gần cửa phòng, bất giác ông bất chợt thấy câu chuyện mà ông không định nghe.
– Nếu chú ấy không đi mà chị và ông ta cự tuyệt thì tôi còn hiểu được. Nhưng chồng chị hẳn cao thượng hơn thế, – Betxi nói.
– Vấn đề không phải ở nhà tôi mà là ở tôi kia. Chị đừng nói chuyện đó với tôi nữa, – tiếng Anna xúc động trả lời.
– Vâng thì thôi, nhưng lẽ nào chị lại từ chối không chia tay với con người đã tự bắn vào mình vì chị…
– Chính vì thế mà tôi không muốn. – Alecxei Alecxandrovitr dừng lại, vẻ mặt sợ hãi và phạm lỗi, định quay gót không để ai biết. Nhưng ông nghĩ như thế là không xứng đáng và lại tiếp tục đi về phía phòng ngủ, vừa đi vừa ho. Tiếng nói chuyện im bặt và ông bước vào. Anna ngồi trên ghế nằm, mặc áo ngủ màu xám, bộ tóc đen dày ngắn mới mọc lại như bàn chải trên mái đầu tròn. Như mọi lần trông thấy chồng, vẻ linh hoạt trên mặt nàng vụt biến mất; nàng cúi đầu và đưa mắt nhìn Betxi lo lắng. Betxi diện theo thời trang mới nhất, đội một chiếc mũ nhỏ chót vót trên đỉnh đầu như cái chụp úp trên ngọn đèn và mặc áo dài xanh xám kẻ chéo phía trước nịt ngực và sau váy. Bà ngồi cạnh Anna, dướn rất thẳng cái thân trên dài dẹt, mỉm cười giễu cợt và gật đầu chào Alecxei Alecxandrovitr.
– A! – bà nói làm ra vẻ ngạc nhiên. – Tôi rất mừng được gặp ông ở nhà. Ông chẳng đi đến đâu nữa cả; từ khi Anna ốm, tôi chưa được gặp ông. Nhưng tôi biết tất cả sự chăm sóc ân cần của ông đối với bà nhà. Ông thật là một người chồng tuyệt vời! – bà nói với một vẻ dịu dàng và trịnh trọng như ban thưởng cho ông một tấm huân chương cao thượng về thái độ cư xử với vợ.
Alecxei Alecxandrovitr lạnh lùng cúi chào và sau khi hôn tay vợ, ông hỏi thăm tình hình sức khỏe nàng.
– Em thấy trong người hình như có khỏe hơn! – nàng trả lời, tránh cái nhìn của chồng.
– Tuy nhiên, trông mình vẫn có vẻ sốt, – ông nói, nhấn mạnh vào chữ “sốt”.
– Chúng tôi trò chuyện đã quá lâu, – Betxi nói. – Tôi thấy như thế là mình ích kỉ, tôi xin rút lui đây. – Nói rồi đứng dậy, nhưng Anna bỗng đỏ mặt và vội nắm lấy tay bà.
– Không, xin chị hãy ở lại. Tôi cần nói với chị… không, đúng hơn là với mình, – nàng quay về phía Alecxei Alecxandrovitr nói và cả cổ lẫn trán nàng đều đỏ ửng lên. – Em không thể và không muốn có điều gì giấu giếm mình, – nàng nói thêm.
Alecxei Alecxandrovitr bẻ khục ngón tay và cúi đầu.
– Betxi nói với em rằng bá tước Vronxki muốn đến nhà ta để từ biệt em trước khi đi Tasken, – nàng không nhìn chồng và rõ ràng muốn nói cho chóng xong, vì điều đó thật khổ tâm cho nàng hết sức. – Em đã nói em không thể tiếp ông ta được.
– Xin lỗi, chị thân mến, chị vừa trả lời là điều đó còn tùy thuộc Alecxei Alecxandrovitr, – Betxi cải chính.
– Phải, nhưng tôi không thể tiếp ông ta được và điều đó cũng không ích… – Nàng bỗng dừng bặt và đăm đăm nhìn chồng, vẻ dò hỏi (ông không nhìn nàng). – Tóm lại, tôi không muốn…
Alecxei Alecxandrovitr tiến lên một bước và định nắm tay nàng.
Cử chỉ đầu tiên của Anna là muốn tránh cái bàn tay ướt nhâm nhấp nổi gân xanh đang tìm tay nàng; nhưng rõ ràng nàng đã gắng tự chủ và nắm lấy tay ông ta.
– Tôi rất cảm ơn mình đã tin cẩn tôi, nhưng… – ông bối rối nói và bực bội cảm thấy rằng cái điều mà nếu chỉ có một mình, ông sẽ giải quyết rất dễ dàng, nhưng lại không thể suy xét cho ra nhẽ trước mặt quận chúa Tverxcaia, hiện thân của cái sức mạnh thô bạo vẫn chi phối đời ông trước mắt thế gian và ngăn không cho ông mặc sức yêu thương và tha thứ. Ông ngừng lại, mắt đăm đăm nhìn quận chúa Tverxcaia.
– Thôi, từ biệt thiên thần của tôi! – Betxi đứng dậy nói. Bà hôn Anna và đi ra. Alecxei Alecxandrovitr tiễn bà ta.
– Alecxei Alecxandrovitr, tôi coi ông là một người rất đại lượng, – Betxi nói, dừng lại trong phòng khách nhỏ và bắt tay ông lần nữa đặc biệt cương quyết. – Tôi… hoàn toàn ở ngoài cuộc, nhưng tôi mến Anna lắm và rất mực trọng ông, nên tôi đánh bạo khuyên ông một lần. Ông hãy tiếp chú ấy, Alecxei Vronxki chính là hiện thân của danh dự và chú ấy sắp đi Tasken.
– Thưa quận chúa, tôi xin cảm ơn về mối thiện cảm và lời khuyên của bà. Nhưng tiếp hay không tiếp ai, chỉ có nhà tôi mới có quyền quyết định. – Ông vừa nói vừa dướn lông mày lên một cách trịnh trọng, theo thói quen, và lập tức nghĩ ngay là dù ông có nói thế nào, cũng không thể lên mặt trịnh trọng trong tình thế hiện tại của mình. Ông đọc thấy điều đó trong nụ cười cố nén, đầy vẻ mỉa mai sâu cay kèm theo cái nhìn của Betxi sau câu ông nói.
20
Alecxei Alecxandrovitr chào Betxi trong phòng khách lớn và quay về buồng vợ. Nàng đang nằm nhưng nghe tiếng chân chồng, vội ngồi dậy, theo dáng ngồi lúc trước và sợ hãi nhìn ông. Ông thấy rõ là nàng vừa khóc.
– Tôi rất cảm ơn mình đã tin tôi, – ông dịu dàng nhắc lại bằng tiếng Nga (trước mặt Betxi ông nói câu này bằng tiếng Pháp) và ngồi xuống cạnh nàng. Mỗi lần ông dùng tiếng Nga gọi nàng bằng “mình”, cách xưng hô đó thường khiến Anna rất khó chịu. – Và tôi cũng rất cảm ơn mình đã quyết định như vậy. Tôi cũng nghĩ bá tước Vronxki đã ra đi thì tuyệt nhiên chẳng cần phải đến đây làm gì. Vả lại…
– Thì em đã nói như thế rồi, không cần nhắc lại chuyện đó nữa! – Anna đột nhiên ngắt lời ông với vẻ bực dọc không nén nổi “Tuyệt nhiên chẳng cần! Nàng nghĩ thầm. Một người đàn ông yêu một người đàn bà, toan tự tử vì nàng và không thể sống thiếu nàng được, mà lại tuyệt nhiên không cần phải đến từ biệt nàng!” Nàng mím môi và đưa cặp mắt long lanh nhìn đôi bàn tay nổi gân xanh của chồng đang chậm rãi xoa vào nhau.
– Ta đừng bao giờ nói đến chuyện đó nữa, – nàng nói thêm, bình tĩnh hơn.
– Tôi đã để mình tự ý giải quyết vấn đề đó và tôi rất sung sướng thấy rằng… – Alecxei Alecxandrovitr mào đầu.
– Rằng ý muốn của tôi phù hợp với mong muốn của mình chứ gì, – nàng vội nói nốt, bực mình vì phải nghe ông ề à mãi không hết câu, trong khi nàng biết trước tất cả những điều ông sắp nói.
– Phải, – ông tán thành. – Và quận chúa Tverxcaia cứ đi can thiệp vào những chuyện gia đình rất tế nhị như vậy, thật vô lối. Nhất là, bà ta…
– Tôi chẳng tin những điều người ta đồn đại về bà ta chút nào, – Anna nói nhanh. – Tôi biết bà ta mến tôi thật lòng. – Alecxei Alecxandrovitr thở dài và lặng thinh. Nàng bực bội vân vê cụm tua áo ngủ, thỉnh thoảng lại nhìn ông với một cảm giác ghê tởm về thể xác không sao chịu nổi mà nàng thấy là đáng trách nhưng không dẹp đi được. Nàng chỉ còn một mong muốn duy nhất: thoát khỏi sự có mặt bỉ ổi của ông ta.
– Tôi đã cho mời thầy thuốc, – Alecxei Alecxandrovitr nói.
– Tại sao? Tôi có ốm đâu.
– Nhưng con bé cứ quấy hoài và người ta bảo vú em không đủ sữa.
– Tại sao tôi đã van mình mà mình vẫn không để tôi cho nó bú?
Dù sao (Alecxei Alecxandrovitr hiểu rõ chữ “dù sao” đó nghĩa là thế nào), đó cũng là một đứa trẻ và khéo người ta làm nó chết mất. – Nàng rung chuông và sai người mang con bé lại. – Tôi xin người ta để tôi cho nó bú, người ta cấm đoán tôi, và bây giờ người ta lại trách móc tôi.
– Tôi không hề trách mình gì cả.
– Có! Lạy Chúa tôi! Tại sao tôi không chết đi cho rảnh. – Và nàng òa lên nức nở. – Mình tha thứ cho tôi, tôi đang bực dọc, tôi thật không đúng, – nàng trấn tĩnh lại và nói. – Nhưng mình hãy đi ra đi…
“Không, không thể cứ kéo dài thế này mãi”, Alecxei Alecxandrovitr kiên quyết tự nhủ khi rời khỏi phòng vợ.
Chưa bao giờ ông thấy hiện ra rõ như lúc này cái thế bí của ông trước mắt thế gian, sự hằn học của vợ và uy lực của cái sức mạnh phũ phàng và huyền bí, nó bất chấp mọi trạng thái nội tâm, vẫn chi phối đời ông và đòi hỏi ông phải thay đổi thái độ với vợ. Ông thấy rõ tất cả thế gian và vợ đòi hỏi ở ông một cái gì, nhưng đích xác điều chi thì ông không biết. Ông cảm thấy trong lòng dấy lên một cảm giác oán giận, nó xua tan niềm thanh thản cùng tất cả giá trị cái thành tích của ông. Ông cho rằng, đối với Anna, tốt nhất là cắt đứt liên hệ với Vronxki, nhưng nếu mọi người đều thấy không thể thế được, thì ông sẵn sàng bỏ qua sự dan díu đó lần nữa với điều kiện lũ trẻ không vì thế mà khổ lây, ông không mất chúng và hoàn cảnh ông không thay đổi. Điều đó dù đáng buồn đến đâu cũng còn hơn đoạn tuyệt, biện pháp này đặt Anna vào hoàn cảnh ô nhục không lối thoát và bản thân ông cũng mất hết những gì mình yêu. Nhưng ông cảm thấy bất lực; ông biết trước tất cả đều chống lại mình, người ta sẽ không để ông làm cái điều bây giờ ông thấy là rất giản dị và đẹp đẽ, và người ta sẽ buộc ông phải hành động xấu xa, coi đó là bổn phận phải làm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.