Cô gọi đó là Boong tàu. Một khoảng sân gỗ ép màu xám, một chiều sáu mét, một chiều chín mét, nối từ căn bếp của Dance ra sân sau và chất đầy những chiếc ghế ngoài trời, bàn và sô pha. Những bóng đèn Giáng sinh nhỏ li ti, mấy quả cầu hổ phách, cái chậu rửa và một cái tủ lạnh lớn là những thứ đồ trang trí chính cùng với mấy cái cây còi cọc trồng trong chậu đất.
Một cầu thang nhỏ dẫn xuống sân sau, ít được chăm sóc, có rất nhiều cây mọc tự nhiên: những cây sồi rậm rạp, cây phong, cúc tây, đậu, khoai tây và cỏ dại. Một dãy hàng rào phân cách nhà cô với nhà hàng xóm. Hai cái bể nước cho chim tắm và một máng thức ăn dành cho bọn chim ruồi được treo trên nhánh cây gần cầu thang.
Hai cái chuông gió lăn lóc trên mặt đất, chỗ mà Dance vẫn mặc pijama, đã vứt chúng ra lúc ba giờ sáng một đêm mưa gió một tháng trước. Một ngôi nhà kiểu Victoria truyền thống – màu xanh lá sẫm với lan can xám đã bạc màu vì thời tiết, cửa lật và các họa tiết trang trí – nằm ở vùng Tây Bắc Pacific Groove; nếu bạn chịu khó nghiêng người, bạn có thể thoáng nhìn thấy biển cách đó khoảng nửa dặm.
Dance dành rất nhiều thời gian trên Boong tàu. Thường thì ở đó quá lạnh và mù mịt để ăn sáng sớm nhưng vào những ngày nghỉ lười nhác cuối tuần, sau khi mặt trời đã làm tan sương mù, cô và bọn trẻ có thể ra đây sau một chuyến đi dạo trên bãi biển với lũ chó để ăn bánh vòng và pho mát kem, cà phê và sô cô la.
Hàng trăm buổi tiệc tối lớn nhỏ đã được tổ chức trên những tấm ván cập kênh này. Boong tàu là nơi chồng cô, Bill, đã khẳng định với bố mẹ là anh đúng, anh sẽ lấy Kathryn Dance mà không phải là một nhân vật vai vế ở Napa mà mẹ anh đã mai mối trong vài năm – một hành động dũng cảm hơn tất cả những gì anh đã làm trong FBI.
Boong tàu cũng là nơi họ tổ chức đám tang cho anh. Đó cũng là nơi tụ tập bạn bè trong và ngoài cộng đồng thực thi pháp luật ở bán đảo. Kathryn thích bè bạn nhưng sau cái chết của Bill, cô đã dành thời gian rỗi của mình cho bọn trẻ. Không muốn đưa chúng đến quán rượu hay nhà hàng với những người bạn trưởng thành của mình, cô đưa bạn bè mình đến thế giới của bọn trẻ.
Có bia và soda trong tủ lạnh ngoài trời và thường có một hoặc hai chai Central Coast Chardonnay hoặc Pinot Grigorio và Cabemet. Ở đây còn có một cái lò nướng lem nhem, han gỉ nhưng vẫn dùng được, có phòng vệ sinh dưới nhà, có thể vào được từ sân sau. Chẳng có gì bất bình thường với Dance nếu cô về nhà và thấy bố, mẹ, bạn bè hay đồng nghiệp của cô từ CBI hay MCSO đang ngồi thưởng thức bia hay cà phê.
Mọi người đều được chào mừng, bất kể cô có nhà hay không. Dù người đến thăm có nói trước ý định hay không, có khi có ở nhà nhưng cô cũng không ra với họ. Một quy tắc ngầm nhưng được mọi người hiểu rất rõ là trong khi mọi người luôn được chào mừng bên ngoài nhà, thì bên trong nhà là vùng giới hạn, ngoại trừ những bữa tiệc được lên kế hoạch trước; sự riêng tư, giấc ngủ và việc làm bài tập ở nhà là những điều cô coi trọng.
Dance trèo lên những bậc cầu thang dốc từ sân bên và đi vào Boong tàu, cầm theo cái hộp đựng giấy tờ photo và những cuốn băng, trên cùng là món gà nấu sẵn cho bữa tối mà cô vừa mua ở Albertsons. Lũ chó chào mừng cô, một con chó săn màu đen lông ngắn và một con bec-giê Đức loang lổ đen nâu.
Cô xoa đầu bọn chó và ném cho chúng mấy thứ đồ chơi, sau đó đi tới chỗ hai người đàn ông đang ngồi ghế nhựa. “Chào con yêu”. Stuart Dance trông trẻ hơn tuổi bảy mươi của mình. Ông có vóc người cao, vai rộng với mái tóc bạc trắng bù xù. Những ngày tháng lênh đênh trên biển và cả trên bờ đã để lại dấu ấn trên da ông, mấy vết sẹo do dao mổ và laser của bác sĩ ghép da trông khá rõ.
Thực tế ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc ở bể cá vài ngày một tuần và chẳng có gì trong vũ trụ có thể kéo ông ra khỏi những bãi cát ngầm lởm chởm đá bên bờ biển. Ông và con gái cọ má chào nhau. Một tiếng “hừm” từ Albert Stemple, một đặc vụ trong Ban Trọng án của CBI. Một người đàn ông to lớn, đầu cạo trọc, đi bốt, mặc quần jeans và áo phông đen.
Trên mặt anh ta cũng có vài vết sẹo và cả những vết sẹo khác mà anh ta khéo léo ám chỉ đến – ở những chỗ ít kín đáo trên cơ thể và chẳng phải là những tác phẩm của bác sĩ ghép da. Anh ta đang uống bia, hai chân duỗi ra trước. CBI không nổi tiếng vì những chàng cao bồi, nhưng Albert Stemple là một chàng Wild Bill Hickok (Jarme Butler Hickok (27/05/1837 – 02/08/1876), biệt danh Bill Hickok Hoang dã, là một anh hùng của miền Tây Hoa Kỳ.
Ông là một sĩ quan cảnh sát nổi tiếng vơi tài đấu súng giỏi, khá năng trinh sát tuyệt vời – một nỗi kinh hoàng của những tên tội phạm) tự ra quy tắc cơ bản. Anh ta bắt được nhiều tội phạm hơn tất cả các đặc vụ khác, cũng như nhận được nhiều than phiền nhất (và anh ta rất tự hào về điều thứ hai này).
“Cảm ơn đã để ý giúp mọi thứ, Al. Xin lỗi vì tôi bị muộn hơn so với dự tính”. Nghĩ lại những lời đe dọa của Pell khi hỏi cung và việc hắn vẫn ở lại trong vùng, Dance đã nhờ Stemple đến trông cho tới khi cô về nhà. (O’Neil cũng bố trí các sĩ quan địa phương canh chừng nhà cô chừng nào tên tù vượt ngục vẫn còn đang tự do).
Stemple gầm gừ: “Không vấn đề gì. Overby sẽ đãi tôi bữa tối”. “Charles nói thế à?” “Không. Nhưng ông ta sẽ phải mời tôi bữa tối. Ở đây rất im lặng. Tôi đã đi quanh vài lần. Không có gì khác thường”. “Anh có muốn lon soda khi đi đường không?” “Chắc rồi”. Người đàn ông to lớn tự lấy hai lon bia Anchor Steam trong tủ lạnh.
“Đừng lo, tôi sẽ uống hết trước khi lên xe. Tạm biệt, Stu”. Anh ta nặng nề bước trên Boong tàu đang kêu kèn kẹt dưới sức nặng của anh ta. Stemple biến mất và mười lăm giây sau cô nghe thấy tiếng động cơ của chiếc Crown Victoria khởi động và đi khuất, chắc chắn có lon bia đang mở kẹp giữa cặp đùi to lớn của anh ta.
Dance liếc nhìn qua cánh cửa sổ vào phòng khách. Mắt cô dừng lại trên cuốn sách đặt trên bàn cà phê. Điều đó kích thích trí nhớ của cô. “Brian có gọi điện không?” “Ồ, bạn của con? Người đến ăn tối ấy à?” “Đúng thế”. “Họ của anh ta là gì ấy nhỉ?” “Gunderson”. “Chủ nhà băng đầu tư?” “Đúng rồi ạ.
Anh ấy có gọi điện không?” “Bố không biết. Con muốn hỏi bọn trẻ không?” “Không, được rồi bố ạ. Cảm ơn bố”. “Không có gì”. Một câu nói rơi rớt lại từ hồi ông còn ở Kevi Zealand. Ông quay đi, gõ gõ vào cửa sổ, “Tạm biệt!”. “Đợi đã, ông ơi!” Maggie chạy ra ngoài, sợi dây buộc tóc màu hạt dẻ của con bé vẫy vẫy đằng sau lưng.
Con bé đang cầm một cuốn sách. “Chào mẹ”, con bé nói đấy nhiệt tình, “Mẹ về lúc nào thế ạ?”. “Mẹ vừa về”. “Thế mà mẹ chẳng nói gì cả!”, cô bé mười tuổi than thở, đẩy kính cao lên mũi. “Anh con đâu?” “Con không biết. Chắc là trong phòng anh ấy. Lúc nào ăn tối ạ?” “Năm phút nữa”.
“Hôm nay có gì ạ?” “Con sẽ biết ngay thôi”. Maggie đưa quyển sách cho ông ngoại và chỉ vào hình một con ốc nhỏ màu tím xám. “Nhìn này. Ông đã đúng”. Maggie không cố đánh vần các từ. “Một con ốc Columbian Amphissa”, ông nói và lấy ra cái bút và cuốn sổ lúc nào cũng đem theo. Ghi lại.
Lớn hơn con gái mình tới ba chục tuổi mà không cần dùng kính. Hầu hết bộ gene của cô là thừa hưởng của mẹ, Dance biết thế. “Một con ốc sống theo thủy triều,” ông nói với Dance. “Rất hiếm có ở đây. Nhưng Maggie tìm được vỏ của một con”. “Nó ở ngay kia kìa”. “Được rồi, đã đến lúc ông phải về nhà với cảnh sát trưởng.
Bà ấy đang nấu bữa tối và ông bắt buộc phải có mặt. Chúc cả nhà buổi tối vui vẻ”. “Chào ông ạ”. Bố cô đi xuống cầu thang và Dance thầm cảm ơn số phận hay Đức Chúa Trời hoặc bất cứ ai, như cô thường làm, vì đã có một người đàn ông thật tốt, đáng tin cậy trong đời một quả phụ là cô và những đứa con của cô.
Điện thoại reo khi cô đang đi vào bếp. Rey Carraneo gọi điện báo rằng chiếc Thunderbird ở Moss Landing đã bị đánh cắp từ bãi đỗ xe có người phục vụ của một nhà hàng hạng sang trên đại lộ Sunset ở Los Angeles vào ngày thứ Sáu tuần trước. Không có nghi phạm nào. Họ đang chờ báo cáo của Sở cảnh sát Los Angeles nhưng giống như hầu hết các vụ trộm xe, đều không có bằng chứng.
Anh ta cũng không tìm được khách sạn, nhà khách hay nhà nghỉ nào mà người phụ nữ đó có thể đặt chỗ. “Có quá nhiều khách sạn”, anh ta thú nhận. Chào mừng tới bán đảo Monterey. “Chúng ta phải có chỗ mà chứa khách du lịch chứ, Rey. Tiếp tục đi. Và gửi lời chào tới vợ anh nhé”. Dance bắt đầu mở hộp bữa tối.
Một cậu bé gầy gò với mái tóc màu hung đi vào phòng tắm nắng cạnh bếp. Cậu đang nói điện thoại. Dù mới mười hai tuổi nhưng Wes đã cao bằng mẹ. Dance vẫy ngón tay và cậu đi lại phía mẹ. Cô hôn vào trán cậu và cậu không có ý tránh né. Điều đó có nghĩa: “Con rất yêu mẹ!”. “Không điện thoại nữa”, cô nói, “Đến giờ ăn tối rồi”.
“Tớ phải tắt máy đây”. Cậu bé bỏ máy. “Chúng ta có gì thế?” “Gà”, Maggie nói không chắc chắn. “Em thích đồ của hiệu Albertsons mà”. “Nhưng còn dịch cúm gia cầm thì sao?” Wes khúc khích cười. “Em không biết gì cả à? Em lây bệnh ấy từ gà sống cơ”. “Nó từng là con gà sống mà”, cô bé phản bác.
Wes nói: “À, đây không phải là gà châu Á đâu”. “Này. Bọn nó di cư chứ. Anh sẽ bị nôn mửa đến chết đấy”. “Mags, không được nói vậy vào giờ ăn!”, Dance nói. “Ồ, vâng”, cô bé trả lời. “Ồ, gà di cư á? Haha. Ở đây chúng ta không có cúm gia cầm. Nếu có thì mọi người cũng đã biết rồi chứ”, cậu anh vẫn tiếp tục.
Chỉ là chuyện đùa của hai anh em, nhưng Dance tin rằng việc này còn nhiều hơn thế. Con trai cô bị chấn động sâu sắc sau cái chết của bố. Việc đó làm cậu nhạy cảm với sự chết chóc và bạo lực hơn nhiều so với những cậu bé cùng tuổi. Dance lái cậu ra khỏi những chủ đề này – một công việc khó khăn đối với một người phụ nữ sống bằng nghề truy bắt tội phạm như cô.
Cô tuyên bố: “Nếu gà đã được nấu chín rồi thì ổn thôi” dù cô không chắc điều đó đúng lắm và băn khoăn không hiểu Maggie có tranh luận với cô không. Nhưng con gái cô đang chăm chú đọc quyển sách về ốc biển của nó. Cậu bé nói: “Cả khoai tây nghiền nữa này. Mẹ thật là hết ý”.
Maggie và Wes bày bàn ăn, còn cô đi tắm. Khi cô từ phòng tắm quay lại, Wes hỏi: “Mẹ không định thay quần áo à?”. Cậu bé nhìn bộ đồ màu đen của cô. “Mẹ đang đói ngấu. Mẹ không chờ được nữa”. Cô không nói ra nguyên nhân thực sự cô mặc bộ đồ này là để có thể đeo súng. Thông thường thì việc đầu tiên cô làm khi về nhà là thay quần jeans, áo phông và cất khẩu súng vào cái két cạnh giường.
Làm cảnh sát thì thật khó sống. Bọn trẻ lại rất hay ở một mình, phải thế không? Có thể chúng cần bạn chơi cùng đấy… Wes liếc nhìn bộ quần áo của cô lần nữa như thể nó biết chính xác cô đang nghĩ gì. Nhưng rồi chúng quay sang đồ ăn, vừa ăn vừa nói chuyện về ngày hôm nay – cuối cùng thì vẫn là trẻ con.
Tất nhiên Dance không nói gì về ngày hôm nay của cô. Wes đến trại tennis ở Monterey còn Maggie đến trại âm nhạc ở Carmel. Cả hai có vẻ đều thích thú với trải nghiệm của chúng, ơn Chúa, không đứa nào hỏi gì về Daniel Pell. Khi bữa ăn kết thúc, bộ ba cùng dọn bàn và rửa bát, bọn trẻ của cô luôn có phần việc nhà.
Khi xong việc, Wes và Maggie ra phòng khách đọc sách hoặc chơi điện tử. Dance đang nhập vào máy tính và kiểm tra email. Không có gì về vụ án, dù cô vẫn nhận được mấy email về “công việc” của mình. Cô và người bạn thân nhất là Martine Christensen cùng điều hành một website có tên là “Những giai điệu Mỹ” theo tên một bài hát của Paul Simons từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước.
Ktithryn Dance là một nhạc công không tồi, nhưng một thử nghiệm ngắn ngủi làm ca sĩ và nhạc công ghi ta toàn thời gian đã khiến cô thất vọng (cô sợ cũng làm cho người nghe của mình thất vọng như vậy), cô quyết định rằng tài năng thực sự của cô là nghe nhạc và khuyến khích những người khác cùng nghe.
Trong những kỳ nghỉ hiếm hoi hay những ngày nghỉ cuối tuần dài của mình, cô hay đi tìm kiếm âm nhạc tự biên, thường là đi cùng với lũ chó và bọn trẻ. “Một nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian” – đó là tên của việc làm ngoài giờ này và cách gọi phổ biến hơn là “thợ săn bài hát”.
Alan Lomax có lẽ là người nổi tiếng nhất, sưu tầm các bài hát từ Louisiana cho tới Appalachians cho Thư viện Quốc hội vào giữa thế kỷ mười chín. Trong khi gu âm nhạc của ông ta trải rộng từ nhạc Blues của người da đen tới âm nhạc của những vùng cao thì những chuyến săn tìm kho báu của Dance đi xa hơn nữa, tới những nơi đang thể hiện những thay đổi về xã hội học của Bắc Mỹ: âm nhạc có nguồn gốc Latinh, Caribbean, Nova Scotian, Canada, văn hóa thành thị của người da đen và người da đỏ.
Cô và Martine giúp các nhạc sĩ đăng ký bản quyền những tác phẩm gốc của mình, đăng các bài hát đã được ghi âm lên mạng và gửi cho họ tiền người nghe trả để tải nhạc về. Cho tới ngày Dance không thể hay không còn muốn truy bắt tội phạm nữa thì cô biết âm nhạc sẽ là một cách nghỉ hưu rất tốt.
Điện thoại reo. Cô nhìn số điện thoại người gọi. “A lô”. “Chào”, Michael O’Neil nói, “Việc với Reynolds thế nào?”. “Không có gì thực sự hữu ích. Nhưng ông ta đang xem lại hồ sơ cũ của mình từ vụ Croyton”. Cô nói thêm rằng mình đã lấy tài liệu từ Morton Nagle nhưng vẫn chưa có cơ hội xem qua.
O’Neil nói với cô rằng chiếc Focus bị lấy cắp từ Moss Landing vẫn chưa được tìm thấy và họ cũng không tìm được thêm điều gì có ích từ nhà hàng hải sản Jack’s. Các kỹ thuật viên đã lấy được dấu tay từ chiếc T-bird và từ chậu rửa mặt: dấu tay của Pell và người khác, có thể đó là một người phụ nữ.
Tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu của bang và liên bang cho thấy cô ta không có hồ sơ. “Có một thứ tìm thấy làm chúng ta hơi lo lắng. Peter Bennington… ” “Nhân viên phòng thí nghiệm tội phạm của anh”. “Đúng thế. Anh ta nói có acid trên sàn chiếc T-bird, bên phía ghế lái chỗ chưa bị cháy. Nó còn mới.
Peter nói đó là một loại acid ăn mòn đã bị pha khá loãng nhưng bên cứu hỏa Watsonville đã phun chiếc xe ướt đẫm để làm mát nó, có nghĩa là khi Pell để xe lại, acid vẫn còn khá đặc”. “Bằng chứng phải được phân tích rõ ràng, Michael”. “Được rồi, vấn đề ở đây là nó được trộn với cùng một chất có trong táo, nho và kẹo”.
“Anh nghĩ là Pell đang… cái gì? Đánh thuốc độc cái gì đấy à?” Thực phẩm là ngành kinh tế chính của trung tâm California. Có hàng nghìn mẫu ruộng và vườn cây ăn quả, hàng chục cánh đồng nho lớn và những nhà máy sản xuất thực phẩm nằm trong bán kính bốn tiếng lái xe. “Có thể. Hoặc có thể hắn trốn trong một vườn cây ăn quả hay trong một cánh đồng nho.
Ta đã dọa hắn sợ ở Moss Landing và hắn không dám ở trong khách sạn hay nhà nghỉ nữa. Anh đang nghĩ đến các đồng cỏ… Ta phải cử vài người đi tìm kiếm”. “Anh còn ai rỗi không?”, cô hỏi. “Anh có thể cử tới đó vài người. Cử nhân viên của CHP nửa. Anh không thích kéo họ khỏi việc tìm kiếm trong thành phố và trên đường 1, nhưng không còn lựa chọn nào khác”.
Dance đồng ý. Cô chuyển cho anh thông tin của Carraneo về chiếc T-bird. “Đừng chạy với tốc độ ánh sáng là được, ok?” “Ok”, cô đồng ý. “Em đang làm gì thế?” “Bài tập về nhà”. “Anh nghĩ giờ bọn trẻ đang nghỉ hè chứ”. “Bài tập về nhà của em. Để chuẩn bị săn người”. “Anh đến chỗ em ngay đây.