Dance và O’Neil còn lại một mình trong văn phòng cô. Từ Sở cảnh sát quận Orange, cô biết được rằng bố Jennie Marston đã mất và mẹ cô ta có tiền sử phạm tội, lạm dụng ma túy và thiểu năng cảm xúc. Không có hồ sơ gì về nơi ở của bà mẹ; cô ta có vài người thân ở bờ Đông, nhưng đã từ lâu không ai nghe tin gì của Jennie.
Dance biết được rằng Jennie có đi học ở trường cao đẳng cộng đồng được vài năm, nghành quản lý thực phẩm, sau đó bỏ học, rõ ràng là đi lấy chồng. Cô ta làm việc trong hiệu cắt tóc được một năm và sau đó chuyển sang ngành ăn uống, làm việc cho một số công ty cung cấp thức ăn và hiệu bánh ở quận Orange, một nhân viên lặng lẽ, thường đến đúng giờ, làm việc của mình rồi ra về.
Cô sống cô độc, cảnh sát không tìm được người quen hay bạn bè gì. Chồng cũ đã nhiều năm không nói chuyện với cô nhưng nói rằng cô ta xứng đáng với bất cứ điều gì xảy ra với bản thân. Không ngạc nhiên khi hồ sơ cảnh sát cho thấy tiền sử của những mối quan hệ khó khăn. Cảnh sát đã được nhân viên bệnh viện gọi tới ít nhất vài lần vì những vụ nghi vấn bạo lực gia đình có liên quan đến chồng cũ và ít nhất là bốn người tình khác.
Cơ quan Dịch vụ Xã hội đã lập hồ sơ, nhưng Jermie không bao giờ đưa đơn kiện, đừng nói đến việc yêu cầu lệnh bắt giữ. Đúng là kiểu con mồi cho người như Daniel Pell. Dance nói điều này với O’Neil. Viên thám tử gật đầu. Anh ta đang nhìn ra ngoài cửa sổ, hai cây thông bị dính vào nhau nhiều năm nay, tạo thành một cái nút hình đốt ngón tay ngay tầm mắt.
Dance thường nhìn chỗ khuyết tật kỳ lạ này không rời mắt khi những sự việc của một vụ án không chịu gắn kết thành những xâu chuỗi hữu ích. “Anh nghĩ thế nào?”, cô hỏi. ”Em muốn biết à?” “Em hỏi rồi mà, phải không?”, giọng nói có pha chút hài hước. Nhưng nó không được đáp lại.
Anh bực tức nói: “Em đúng. Anh ta sai”. “Kellogg? Ở khách sạn?” “Ta phải theo kế hoạch ban đầu của em. Thiết lập vùng giám sát ngay khi biết về cái khách sạn. Không phải bỏ cả nửa giờ triệu tập nhóm Tác chiến. Chính vì thế mà hắn phát hiện ra. Có ai đó đã để lộ tin”. Bản năng của loài mèo.
Cô ghét tự bênh vực mình, đặc biệt là chống lại ai đó thân thiết với cô. “Tấn công khi đó là có lý, có rất nhiều việc xảy ra và xảy ra rất nhanh”. “Không, vô lý. Chính vì thế mà em ngần ngại. Kể cả lúc cuối cùng em vẫn chưa chắc chắn”. “Ai mà biết được chuyện gì trong những tình huống như thế” “Được rồi, em cảm thấy cách ấy là sai lầm và thường thì những điều gì em cảm thấy đều đúng” “Chỉ là may mắn thôi, nếu ta vào sớm hơn có thể ta đã tóm được hắn”, cô tiếc là mình đã nói điều đó, sợ rằng anh sẽ coi những lời nói của cô là phê bình MCSO.
“Và có thể có người chết. Ta thật may mắn là không có ai bị thương. Kế hoạch của Kellogg là công thức đi tắt. Anh nghĩ chúng la đã may mắn vì Pell không có ở đó. Nếu không có thể đã xảy ra một vụ tắm máu”. Anh bắt chéo tay – một biểu hiện bảo vệ, một điều thật trớ trêu vì anh vẫn đang mặc áo giáp chống đạn.
“Em đã từ bỏ quyền chỉ huy chiến dịch. Chiến dịch của em”. “Cho Winston?” “Chính xác. Anh ta là một nhân viên tư vấn. Và có vẻ như là anh ta đang điều hành vụ này”. “Anh ấy là chuyên gia, Michael. Không phải em. Không phải anh”. “Thật không? Anh xin lỗi, anh ta nói về tâm thức giáo phái, anh ta nói về các loại hồ sơ.
Nhưng anh không nghĩ là anh ta lại gần được Pell chút nào. Em mới là người làm việc đó”. “Thế còn chứng chỉ, học vấn của anh ấy? Anh ấy là chuyên gia”. “Được rồi, anh ta có một số nhận định và có ích. Nhưng thế vẫn chưa đủ để bắt Pell một giờ trước”. Anh hạ giọng: “Thấy không, lúc ở khách sạn, Overby đã hỗ trợ Winston.
Rõ ràng rồi, ông ta chính là người muốn anh ta tham gia. Em thì chịu áp lực từ FBI và sếp của em. Nhưng chúng ta đã từng bị áp lực rồi, cả hai ta. Ta có thể đẩy họ xuống”. “Chính xác là anh đang nói gì? Rằng em nhường anh ấy vì lý do nào khác?” Nhìn ra chỗ khác. Một cử chỉ phân tán.
Mọi người cảm thấy áp lực không chỉ khi họ nói dối, đôi khi họ cảm thấy điều đó kể cả khi họ nói thật. “Anh nói là em đã cho Kellogg quá nhiều quyền kiểm soát chiến dịch. Và, nói thực, cả em nữa”. Cô bật lại: “Vì anh ấy làm em nhớ lại chồng em? Có phải anh định nói thế không?”.
“Anh không biết. Em nói xem. Anh ta có làm em nhớ đến Bill không?” “Thật lố bịch!” “Em gây chuyện trước đấy”. “Được rồi, mọi thứ không liên quan đến nhận định chuyên môn đều không phải việc của anh”. “Tốt thôi”, O’Neil nói cộc lốc. “Anh sẽ bám theo nhận định chuyên môn. Winston đã quá đà.
Còn em thì lại nhượng bộ anh ta dù biết rằng anh ta sai”. “Biết? Tỷ lệ ủng hộ tấn công là 55-45. Đầu tiên em có ý kiến riêng. Nhưng em đã đổi ý. Ai cũng có thể đổi ý chứ”. “Nếu có lý do. Nếu đã phân tích logic”. “Thế còn nhận định của anh thì sao? Anh khách quan đến đâu?” “Anh? Sao anh lại không khách quan được chứ?” “Vì Juan”.
Trong mắt O’Neil có sự đồng ý mờ nhạt. Dance đã bắn gần trúng đích và cô giả định viên thám tử luôn cảm thấy có trách nhiệm về cái chết của viên sĩ quan trẻ tuổi, có thể nghĩ rằng anh đã chưa đào tạo Millar đến nơi đến chốn. Cô thấy hối hận vì nhận xét của mình. Trước đây Dance và O’Neil cũng đã từng tranh cãi, không thể nào có được tình bạn và mối quan hệ công việc mà không có vài trục trặc.
Nhưng chưa bao giờ găng thế này. Và sao anh lại nói những lời đó? Những nhận xét của anh đã vượt qua biên giới, đi vào cuộc sông riêng tư của cô. Đây là lần đầu tiên. Những cử chỉ cho thấy sự ghen tuông. Họ im lặng. Viên thám tử giơ tay lên và nhún vai. Đó là một cử chỉ mang tính biểu tượng, được hiểu là: Tôi đã nói xong phần của mình.
Không khí trong phòng căng thẳng như cái nút trên cây thông ngoài cửa sổ, những thớ gỗ quấn chặt vào nhau chắc như thép. Họ tiếp tục trao đổi những bước đi tiếp theo: hỏi thêm quận Orange để lấy thêm chi tiết về Jennie Marston, tìm kiếm nhân chứng và tiếp tục xử lý kết quả khám nghiệm hiện trường vụ án tại khách sạn Sea View.
Họ cử Carraneo cầm tấm hình người phụ nữ tới sân bay, bến xe khách và các văn phòng cho thuê xe. Họ cũng đưa ra vài ý tưởng nữa nhưng không khí trong phòng đã kém hẳn đi, chuyển từ hè sang đông, khi Winston Kellogg vào phòng thì O’Neil rút lui, giải thích rằng anh phải liên hệ với văn phòng và báo cáo với cảnh sát trưởng.
Anh nói lời tạm biệt chiếu lệ không hướng tới người nào….* Tay vẫn còn giần giật vì vết cắt khi leo qua hàng rào lưới mắt cáo nhà Bolling, Morton Nagle nhìn người lính canh đứng bên ngoài xà lim của nhà tù nam giới quận Napa. Anh chàng gốc Latinh to lớn ném lại một cái nhìn lạnh lẽo.
Rõ ràng là Nagle đã phạm tội ác lớn nhất tại Vallejo Springs – không phải là đột nhập vùng cấm và tấn công người khác mà là tội gây phiền toái khi chọc giận cô con gái địa phương của họ. “Tôi có quyền gọi một cuộc điện thoại”. Không có hồi âm. Ông muốn nói với vợ rằng mình ổn.
Nhưng chủ yếu là ông muốn chuyển lời tới Kathryn Dance về nơi ở của Theresa. Ông đã đổi ý và bỏ qua đạo đức nhà báo cũng như cuốn sách của mình. Quỷ tha ma bắt, ông sẽ làm mọi việc có thể để bắt lại Daniel Pell và ném trả hắn về Capitola. Không lột trần tội ác mà phải tự tấn công nó.
Như cá mập. Nhìn thấy Theresa chính là điều đã làm ông lung lay: một cô gái đáng yêu, hấp dẫn, yêu đời – người xứng đáng được sống một cuộc sống bình thường của một thiếu nữ và tên quỷ dữ này đã phá hoại hy vọng cho điều đó. Kể cho mọi người câu chuyện của cô là chưa đủ, cá nhân Morton Nagle muốn lấy đầu Pell.
Nhưng rõ ràng là họ sẽ cách ly ông ta càng lâu càng tốt. “Tôi thực sự cần phải gọi điện”. Người lính canh nhìn ông như thể ông bị tóm trong khi bán ma túy cho lũ trẻ bên ngoài trường học ngày Chủ nhật và không nói gì. Ông đứng dậy đi đi lại lại. Người lính canh liếc nhìn rồi nói: “Ngồi xuống”.
Nagle ngồi. Mười phút dài dằng dặc rồi ông nghe thấy tiếng mở cửa. Có tiếng chân bước lại gần. “Nagle”. Ông nhìn người lính gác khác. To lớn hơn người thứ nhất. “Đứng dậy”. Người lính gác bấm nút và cửa mở. “Chìa tay ra”. Nghe thật lố bịch, như thể ai đó dụ kẹo trẻ con.
Ông chìa tay và nhìn chiếc còng khóa lấy cổ tay mình. “Đường này”. Người đàn ông nắm lấy vai ông, những ngón tay mạnh khỏe kẹp lấy vai ông. Nagle ngửi thấy mùi tỏi và hơi thuốc lá. Ông suýt nữa thì giằng ra, nhưng rồi lại nghĩ rằng đấy không phải là ý hay. Họ cứ tiếp tục đi như thế khoảng mấy mét theo một hành lang mờ tối, những mắt xích va vào nhau lanh canh.
Họ tiếp tục đi đến phòng thẩm vấn A. Người lính gác mở cửa và ra hiệu cho Nagle vào trong. Ông đứng lại. Theresa Croyton, Búp bê đang ngủ, ngồi tại bàn, ngẩng đôi mắt đen nhìn ông. Người lính gác đẩy ông tới trước và ông ngồi xuống đối diện với cô bé. “Lại xin chào”, ông nói.
Cô bé nhìn cánh tay, mặt và bàn tay ông, như thể tìm kiếm bằng chứng của việc lạm dụng tù nhân. Hoặc có thể hy vọng tìm thấy nó. Cô bé nhìn thấy bông băng trên tay ông, nhăn mặt và chắc sau đó đã nhớ ra là ông bị đứt tay khi leo qua hàng rào. Ông biết cô bé mới mười bảy tuổi nhưng chẳng có gì trẻ trung ở cô bé, ngoại trừ làn da mịn màng.
Cô bé không chết trong cuộc tấn công của Daniel Pell, Nagle nghĩ. Nhưng tuổi thơ của cô bé thì đã chết. Cơn giận của ông đối với kẻ giết người nóng bỏng hơn bao giờ hết. Người lính gác lùi lại. Nhưng vẫn ở gần, Nagle có thế nghe thấy tiếng thân thể to lớn của anh ta hấp thụ âm thanh.
“Anh có thể để chúng tôi lại một mình được rồi”, Theresa nói. “Tôi phải ở lại đây, thưa cô. Quy định mà”. Anh ta có sự thay đổi trong nụ cười. Lịch sự với cô bé, thù địch với Nagle. Theresa ngần ngại nhưng sau đó tập trung chú ý vào nhà văn. “Nói xem ông định nói gì với tôi lúc ở sân sau.
Chuyện về Daniel Pell ấy”. “Hắn có lý do để ở lại Monterey. Cảnh sát không hiểu tại sao” “Và hắn định giết chết công tố viên đã cho hắn vào tù?” “James Reynolds, đúng thế”. “Ông ấy không sao chứ?” “Ừ. Cô cảnh sát mà tôi đã nói với cháu đã cứu ông ấy”. “Chính xác thì ông là ai?”, cô bé hỏi.
Những câu hỏi trực tiếp, vô cảm. “Cô của cháu không nói gì với cháu à?” “Không”. “Tôi đã nói chuyện với bà ấy cả tháng về một cuốn sách tôi đang định viết. Về cháu”. “Về tôi? Được đấy, sao ông lại muốn viết cuốn sách ấy? Tôi đâu có gì thú vị?” “Ồ, tôi lại nghĩ cháu thú vị.
Tôi muốn viết một cuốn sách về người đã bị một thứ gì đó thật là tệ hại làm hại. Trước đó họ thế nào, sau ra sao. Cuộc sống của họ thay đổi thế nào và mọi thứ sẽ như thế nào nếu như tội ác không xảy ra”. “Không, cô không nói gì với tôi về chuyện ấy cả”. “Bà ấy có biết cháu ở đây không?” “Có, tôi có nói với bà ấy.
Bà ấy chở tôi đến đây. Bà ấy không muốn tôi có giấy phép lái xe”. Cô bé ngẩng lên nhìn người lính gác, sau đó quay lại Nagle. “Họ cũng không muốn tôi nói chuyện với ông, cảnh sát ở đây ấy. Nhưng họ không thể làm gì được”. “Vì sao cháu đến gặp tôi, Theresa?”, ông hỏi. “Vì người nữ cảnh sát mà ông nói đến”.
Nagle ngạc nhiên. “Ý cháu là cô ấy có thể đến gặp cháu?” “Không”, cô gái bướng bỉnh lắc đầu và nói. Nagle không thể đổ lỗi cho cô. “Tôi hiểu. Nhưng… “Tôi muốn đến gặp chị ấy”. Nhà văn không chắc là mình nghe đúng. “Cháu muốn gì?” “Tôi muốn đến Monterey. Gặp riêng chị ấy”.
“Ồ, cháu không phải làm thế”. Cô gái gật đầu dứt khoát. “Nhung tôi muốn”. “Vì sao?” “Vì thế”. Câu trả lời mà Nagle thấy cũng đúng như mọi câu trả lời khác. “Cô tôi sẽ chở tôi tới đó”. “Bà ấy sẽ làm thế chứ?” “Nếu không tôi sẽ đi xe khách. Hoặc đi nhờ. Ông có thể đi cùng với chúng tôi”.
“‘Ờ, nhưng vẫn còn một chuyện”, Nagle nói. Cô gái nhăn mặt. Ông chặc lưỡi. “Tôi vẫn đang ở tù”. Cô nhìn người lính gác, ánh mắt ngạc nhiên. “Anh vẫn chưa nói với ông ấy à? Người lính gác lắc đầu. Theresa nói: “Tôi đã bảo lãnh để ông ra”. “Cháu?” “Cha tôi đáng giá lắm”.