Búp Bê Đang Ngủ

CHƯƠNG 8



Người đàn ông to béo, râu ria, hói đầu khoảng trên năm mươi tuổi đứng gần tòa án nhìn vào đám hỗn loạn, đôi mắt sắc sảo của ông ta xem xét mọi người, từ cảnh sát, bảo vệ, đến dân thường. “Này sĩ quan, anh khỏe chứ, cho tôi một phút được không? Chỉ hỏi vài câu thôi… Anh vui lòng nói mấy câu vào máy ghi âm được chứ?… Ồ, tất nhiên rồi.
Tôi hiểu. Tôi sẽ nhờ anh sau. Chúc may mắn”. Morton Nagle nhìn chiếc trực thăng bay tới và hạ cánh để chuyển tên cớm bị thương đi. Ông ta nhìn những người đàn ông, đàn bà đang tìm kiếm những khuôn mặt, để chắc chắn rằng họ chưa bao giờ làm vụ vượt ngục nào. Ông ta nhìn đám đông đang lo lắng băn khoăn, nghĩ đó là đám cháy tình cờ, sau đó nghĩ tới khủng bố, sau đó biết được sự thực và lại càng sợ hãi hơn nếu Al-Qaeda lại là kẻ đứng sau vụ nổ này.
Và tốt nhất là họ nên thế, Nagle nghĩ. “Xin lỗi, anh có thể nói chuyện một phút được không?… Ồ, chắc chắn rồi. Không sao. Xin lỗi vì đã làm phiền anh, thưa sĩ quan”. Nagle lách qua đám đông. Vuốt mượt mái tóc lưa thưa của mình, xốc lại cái quần dài nâu thùng thình, ông ta cẩn thận nghiên cứu khu vực xung quanh, xe cứu hỏa, xe cảnh sát, những chiếc đèn nhấp nháy phóng ra những quầng sáng khổng lồ qua làn sương mù mỏng.
Ông ta giơ máy ảnh số lên chụp vài kiểu. Một người phụ nữ trung niên nhìn chiếc áo vét thùng thình của ông ta – cái áo với gần chục cái túi – và cái túi đựng máy ảnh sờn rách. Cô ta quát lên: “Các anh chị nhà báo kia, các người cứ như bọn kền kền ăn xác thối ấy. Sao các người không để cho cảnh sát làm việc của mình cơ chứ?”.
Ông ta tặc lưỡi, “Tôi không biết là mình đang ngăn cản các vị”. “Các người như nhau cả thôi”. Người phụ nữ quay đi và tiếp tục giận dữ nhìn tòa nhà đang bốc khói. Một bảo vệ đến chỗ ông ta và hỏi liệu ông ta có thấy gì đáng ngờ không? Nagle nghĩ, đây mới là một câu hỏi lạ lùng.
Nghe cứ như một câu trong một chương trình truyền hình cũ. Chỉ sự kiện thôi, thưa bà… Ông ta tự nghĩ trong đầu, chẳng có gì đáng ngạc nhiên với ta cả. Ta không phải là người thích hợp để hỏi những câu như vậy đâu. Nagle ngửi thấy một làn hơi nhẹ có mùi kinh khủng – mùi thịt và tóc cháy và thật vô lý, ông ta lại nở một nụ cười ngạc nhiên khác.
Lúc này nghĩ lại – Daniel Pell đã đưa ý ấy vào đầu – ông ta nhận ra ông ta luôn tặc lưỡi vào những lúc mà mọi người coi là không thích hợp, nếu như không nói là vô duyên. Những lúc như thế này, khi nhìn vào khung cảnh tàn sát. Trong những năm qua, ông ta đã thấy rất nhiều cái chết đầy bạo lực, những hình ảnh đủ sức làm kinh hãi hầu hết mọi người.
Những hình ảnh thường làm Morton Nagle bật cười. Có thể đây là một cơ chế phòng vệ. Một thiết bị giữ cho bạo lực – một chủ đề mà ông ta cực kỳ thân thuộc – không ăn mất linh hồn ông ta, dù ông ta băn khoăn không hiểu tặc lưỡi có phải là biểu hiện của việc linh hồn của mình đã bị ăn mất hay không.
Sau đó một sĩ quan thông báo mọi người sắp được phép vào tòa nhà. Nagle xốc lại quần, kéo cao cái túi đựng máy ảnh đeo trên vai và rà quét trong đám đông. Ông ta nhìn thấy một thanh niên gốc Mỹ Latinh cao mặc đồ vét, rõ ràng là một kiểu thám tử mặc thường phục. Người đàn ông này đang nói chuyện với một phụ nữ trung niên đeo huy hiệu bồi thẩm.
Họ đứng hẳn sang một bên, không có nhiều người vây quanh. Tốt. Nagle đánh giá người sĩ quan. Đúng loại ông ta muốn, trẻ tuổi, cả tin, dễ mắc lừa. Và từ từ đi lại chỗ anh ta. Lại gần hơn nữa. Người đàn ông, không biết gì tới Nagle, tiếp tục tìm thêm người để phỏng vấn.
Khi còn cách ba mét, ông ta kéo sợi dây đeo máy ảnh quanh cổ, mở khóa túi và thò tay vào trong. Một mét rưỡi… Ông ta bước lại gần hơn. Và cảm thấy một cánh tay khỏe mạnh vòng quanh tay mình. Nagle hổn hển, tim nhẩy lên. “Để tay ở chỗ nào tôi còn nhìn thấy chúng”. Người đàn ông này là một sĩ quan, dáng người thấp, có vẻ làm việc cho Cục điều tra California.
Nagle đọc tấm thẻ treo trên cổ anh ta, “Này, cái gì vậy.”… “Suỵt.”…, viên sĩ quan có mái tóc đỏ xoăn khẽ suỵt ông ta, “cả hai tay? Nhớ chưa?… Này Rey”. Anh chàng Latinh bước lại phía họ. Anh ta cũng có một tâm thẻ ID của CBI. Anh ta nhìn Nagle từ đầu đến chân. Họ cùng nhau dẫn ông ta sang cạnh tòa án và điều này thu hút sự chú ý của tất cả những người gần đó.
“Này, tôi không.”… “Suỵt”, người đặc vụ rắn chắc lại nói. Anh chàng Latinh soát ông ta kỹ lưỡng và gật đầu. Sau đó anh ta gỡ tấm thẻ nhà báo của Nagle khỏi cổ ông ta và chìa nó cho người sĩ quan thấp hơn xem. “Hừm”, anh ta nói, “nó cũng hơi quá hạn rồi, anh có thấy thế không?”.
“Về mặt kỹ thuật thì đúng, nhưng”… “Thưa ông, nó hết hạn bốn năm rồi”, anh chàng Latinh nói. “Thế này thì chúng ta có rắc rối rồi đây”, đồng nghiệp của anh ta nói. “Chắc tôi đem nhầm thẻ. Tôi là phóng viên của.”… “Thế thì nếu chúng tôi gọi cho báo, họ sẽ nói ông là một nhân viên không có hổ sơ?” Nếu mà họ gọi cho báo thì họ sẽ có một số điện thoại không còn sử dụng.
“Này, tôi có thể giải thích”. Người sĩ quan thấp nhăn mặt, “Ông biết đấy, chắc chắn là tôi muốn nghe giải thích. Tôi vừa nói chuyện với bảo vệ ở đây, anh ta nói có một người đàn ông giống ông đã ở đây lúc tám rưỡi sáng nay. Lúc đó làm gì có phóng viên nào. Tại sao lại thế? Khi đó còn chưa xảy ra vụ vượt ngục… Đến đây trước cả khi có tin.
Cái này người ta gọi là gì, Rey?”. “Hớt tay trên?” “Đúng, đúng, đúng là hớt tay trên. Vậy, trước khi ông giải thích bất cứ cái gì, quay người lại và đưa tay ra sau lưng”. Trong phòng hội nghị trên tầng hai tòa án, TJ đưa cho Dance những thứ anh tìm được trên người Morton Nagle. Không vũ khí, không dây cháy chậm, không bản đồ tòa án hay đường thoát.
Chỉ có tiền, ví, máy ảnh, máy ghi âm và một quyển sổ tay dày. Cùng với ba cuốn sách về tội phạm, tên người đàn ông có trên bìa trước và ảnh ở bìa sau (trẻ hơn rất nhiều và cũng còn nhiều tóc hơn). “Ông ta là tác giả của một vài cuốn sách bìa mềm”, TJ nói. Trong phần tiểu sử tác giả, Nagle được mô tả như “cựu phóng viên chiến trường và phóng viên điều tra, tác giả của ba cuốn sách về tội phạm”.
Sống ở Scottsdale, bang Arizona, ông cũng là tác giả mười ba cuốn sách thuộc thể loại không hư cấu khác. Ông nói những nghề khác của mình là người lang thang, dân du mục và người kể chuyện. “Điều đó cũng không gỡ ông ra được đâu”, Dance quát, “ông làm gì ở đây? Sao ông lại có mặt ở tòa án trước đám cháy?”.
“Tôi không đến để viết bài về vụ vượt ngục. Tôi đến sớm để làm vài cuộc phỏng vấn”. CVNeil hỏi: “Phỏng vấn Pell? Hắn không nhận trả lời à?”. “Không, không phải Pell. Với gia đình Robert Herron. Tôi nghe nói họ đến để làm chứng trước bồi thẩm đoàn”. “Thế còn thẻ nhà báo giả thì sao?” “Được rồi, đã bốn năm nay tôi thôi đăng ký với các tòa soạn báo hoặc tạp chí để tập trung vào viết sách.
Nhưng không có thẻ nhà báo thì chẳng đi được đến đâu đúng không. Làm gì có ai nhìn hạn của tấm thẻ bao giờ”. “Gần như không bao giờ”, TJ chỉnh lại câu nói của ông ta với một nụ cười. Dance lật nhanh một cuốn sách. Nó nói về vụ giết Peterson ở California mấy năm trước. Có vẻ viết cũng được.
TJ ngẩng lên khỏi máy tính, “Ông ta sạch sẽ sếp ạ, ít nhất là trước đây. Kiểm tra cả ảnh DMV (cục quản lý xe) rồi”. “Tôi viết sách. Mọi thứ đều hợp pháp. Các vị có thể kiểm tra”. Ông ta cho họ tên của biên tập viên của mình ở Mahattan. Dance gọi điện cho công ty xuất bản lớn và nói chuyện với một người phụ nữ, thái độ của bà ta rất ngạc nhiên: “Ối trời, Morton lại dính dáng vào chuyện quái quỉ gì nữa thế?”.
Nhưng bà ta khẳng định là ông ta đã ký hợp đồng viết một cuốn sách mới về Pell. Dance nói với TJ: “Mở còng cho ông ta”. O’Neil quay lại tác giả và hỏi: “Sách viết về gì thế?”. “Nó không giống bất cứ cuốn sách về vụ án có thực nào mà anh đã đọc. Không hề nói về bọn giết người.
Việc này đã xong rồi. Nó viết về những nạn nhân của Daniel Pell. Cuộc sống của họ ra sao trước vụ giết người và những người sống sót, bây giờ họ thế nào. Hầu hết các chương trình truyền hình hay sách vụ án thực tế đều chỉ tập trung vào chính kẻ sát nhân và tội ác – những khía cạnh giết chóc, khủng khiếp.
Đồ rẻ tiền. Tôi ghét trò này. Cuốn sách của tôi nói về Theresa Croyton – cô bé sống sót, cùng những người thân và bạn bè của gia đính. Tựa sách sẽ là Búp bê đang ngủ. Đó là tên họ gọi Theresa. Tôi sẽ đưa vào sách cả những người đàn bà trong cái mà Pell gọi là gia đình, những người đã bị hắn tẩy não.
Và tất cả những nạn nhân khác của Pell nữa. Nếu nghĩ một chút, thì có thể tới hàng trăm người. Tôi nhìn tội ác bạo lực như một hòn đá bị ném xuống ao. Những gợn sóng hiệu quả có thể lan truyền mãi mãi”. Trong giọng nói có sự đam mê, ông ta nói như một giáo sĩ đang giảng đạo: “Có quá nhiều bạo lực trên thế giới.
Hàng ngày chúng ta đều nghe về chúng và cuối cùng chúng ta bị tê liệt, mất hết cảm giác. Lạy Chúa, chiến tranh ở Iraq? Gaza? Afganistan? Các vị đã nhìn thấy bao nhiêu bức tranh những chiếc xe hơi bị nổ tung, bao nhiêu cảnh tượng những người mẹ khóc than cho đến khi các vị không còn quan tâm đến chúng nữa?”.
“Khi còn là phóng viên chiến trường làm việc ở Trung Đông, châu Phi và Bosnia, tôi đã bị tê liệt. Các vị không cần phải đến đó mới có cảm giác giống như tôi. Đó cũng là thứ trong phòng khách của các vị khi các vị xem tin tức hay phim kinh dị – ở nơi không có hậu quả thực sự của bạo lực.
Nhưng nếu chúng ta muốn hòa bình, nếu chúng ta muốn ngăn chặn bạo lực và đánh nhau thì điều mà mọi người phải trải nghiệm là hậu quả. Các vị không thể làm điều đó nếu rụt rè khi đứng trước những xác chết máu me, các vị sẽ quan tâm tới những số phận bị tội ác làm thay đổi mãi mãi”.
“Đầu tiên tôi chỉ dự định là viết về vụ Croyton. Nhưng sau đó tôi nghe Pell còn giết một người nữa – Robert Herron. Tôi muốn đưa bất kỳ người nào bị ảnh hưởng bởi cái chết của ông ta vào cuốn sách: những người bạn, gia đình của ông ta. Còn bây giờ theo tôi hiểu là có hai bảo vệ cũng đã chết”.
Nụ cười vẫn còn đó nhưng đó là nụ cười buồn bã, Kathryn Dance nhận ra vì cô là một người mẹ và một đặc vụ của Ban Trọng án, người đã điều tra nhiều vụ hiếp dâm, tấn công và giết người. “Việc này bổ sung thêm một lời mách nước nữa”. Ông ta ra hiệu vòng quanh mình. “Theo dấu nạn nhân và thành viên gia đình trong một vụ đã xảy ra khá lâu còn khó khăn hơn nhiều.
Herron bị giết mười năm trước. Tôi đã nghĩ.”…, giọng Nagle nhỏ dần và ông ta đang nhăn mày, dù vậy, không thể giải thích được, một đốm sáng đã quay lại trong mắt ông ta, “đợi, đợi đã… Chúa ơi, Pell không liên quan gì đến cái chết của Herron đúng không? Hắn thú tội để ra khỏi Capitola và có thể vượt ngục từ đây”.
“Chúng tôi không biết điều đó”, Dance khôn ngoan nói, “chúng tôi vẫn đang điều tra”. Nagle không tin cô, “Hắn có làm giả tang chứng không? Hay bảo ai đó xuât hiện và nói dối. Tôi cá là có”. Bằng giọng trầm đều, Michael O’Neil nói: “Chúng tôi không muốn có bất cứ tin đồn nào làm ảnh hưởng đến cuộc điều tra”.
Khi người phó giám đốc nhận xét bằng giọng như vậy, mọi người đều hiểu lời khuyên. “Được thôi. Tôi sẽ không nói gì”. “Cảm ơn ông”, Dance nói, sau đó hỏi: “Ông Nagle, ông có thông tin gì có thể giúp chúng tôi được không? Daniel Pell có thể đi đâu, hắn đang có dự định gì? Ai giúp hắn?”.
Với cái bụng phệ, mái tóc lưa thưa và giọng cười chân thực, Nagle giống như một yêu tinh tốt bụng trung tuổi. Ông ta xốc lại quần. “Chịu. Tôi xin lỗi. Thực sự là tôi mới bắt đầu dự án được khoảng một tháng. Tôi đang tiến hành nghiên cứu cơ bản”. “Ông nói là có dự định viết cả về những người phụ nữ trong Gia đình Pell nữa.
Ông đã liên lạc với họ chưa?” “Được hai người. Tôi hỏi xem họ có muốn tôi phỏng vấn không”. O’Neil hỏi: “Họ được thả rồi à?”. “Đúng vậy. Họ không liên quan đến vụ giết nhà Croyton. Họ chỉ bị án nhẹ, chủ yếu là tội ăn trộm”. O’Neil nói nốt suy nghĩ của Dance: “Liệu có ai trong số họ, hay là cả hai người, tôi đoán thế, có thể trở thành đồng bọn của Pell được không?”.
Nagle suy nghĩ về điều này. “Tôi không nghĩ thế. Họ nghĩ rằng Pell là điều tệ hại nhất đã từng đến với họ”. “Họ là ai?”, O’Neil hỏi. “Rebecca Sheffield. Cô ta sống ở San Diego. Và Linda Whitfield sống ở Portland”. “Họ tránh không gây rắc rối chứ?” “Tôi nghĩ thế. Tôi không tìm thấy ghi chép gì của cảnh sát.
Linda sống với vợ chồng người anh. Cô ấy làm việc cho một nhà thờ. Rebecca điều hành một công ty tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ. Ấn tượng của tôi là họ đã để quá khứ lại đằng sau”. “Ông có số của họ không?” Nhà văn lật giở quyển sổ ghi chép dày cộp của mình. Chữ ông ta nghiêng, rất to và có rất nhiều ghi chú trong cuốn sổ.
“Còn có người phụ nữ thứ ba nữa trong Gia đình”, Dance nói, nhớ lại nghiên cứu cô đã làm khi chuẩn bị cho cuộc thẩm vấn. “Samantha McCoy. Cô ta biến mất mấy năm trước. Rebecca nói cô ta thay đổi tên họ và chuyển đi, phát ốm lên vì nổi tiếng là một trong những ‘cô gái’ của Daniel. Tôi cũng có tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm được cô ta”.
“Có manh mối gì không?” “Đâu đó ở bờ Tây là tất cả những gì Rebecca nghe được”. Dance nói với TJ: “Tìm cô ta đi. Samantha McCoy”. Người đặc vụ tóc xoăn lao ra góc phòng. Anh ta trông cũng giống một chú yêu tinh, cô nghĩ. Nagle đã tìm thấy số của hai người phụ nữ và Dance ghi lại. Cô gọi điện thoại cho Rebecca Sheffield ở San Diego.
“Công ty Women’s Initiatives đây”, người tiếp tân nói với giọng pha nhẹ vùng Chicana, “tôi giúp gì được cho cô?”. Ngay sau đó, Dance thấy mình đang nói chuyện với giám đốc công ty, một phụ nữ thực dụng có giọng nói trầm và dễ bị kích động. Người nữ đặc vụ nói về vụ đào tẩu của Pell.
Rebecca Sheffield bị sốc. Và cả giận dữ. “Tôi nghĩ hắn bị nhốt trong siêu nhà tù gì đó chứ”. “Hắn không trốn từ đó. Mà từ nhà giam của tòa án hạt”. Dance hỏi liệu người phụ nữ có ý tưởng gì về việc Pell có thể đi đâu và tòng phạm của hắn là ai, những người bạn khác mà hắn có thể liên lạc.
Nhưng Rebecca không biết. Cô ta nói mình gặp Pell chỉ mấy tháng trước vụ giết nhà Croyton, cô cũng vừa mới biết về hắn ta và những người khác trước khi cảnh sát tóm cổ cả bọn. Nhưng cô nói thêm có ai đó đã gọi cho cô khoảng một tháng trước, có thể là một nhà văn. “Tôi nghĩ ông ta hợp pháp.
Nhưng ông ta có thể liên quan tới vụ chạy trốn. Tên ông ta là Murry hay Morton gì đó. Tôi có số điện thoại của ông ta đâu đây”. “Không cần. Ông ấy đang ở chỗ chúng tôi. Chúng tôi đã kiểm tra ông ấy”. Rebecca không nói được gì thêm về chỗ ở của Samantha McCoy và nhân dạng mới của cô ta.
Sau đó, cô ta nói vẻ lo lắng: “Tám năm trước, tôi không tố cáo hắn ta, nhưng tôi có cộng tác với cảnh sát. Cô có nghĩ tôi bị nguy hiểm không?”. “Tôi không thể nói chắc. Nhưng cho tới khi chúng tôi tóm lại được hắn, cô nên liên hệ với cảnh sát ở San Diego”. Dance cho người phụ nữ số của cô ở CBI và số di động, Rebecca nói cô ta sẽ cố nghĩ xem ai là người có thể giúp Pell hoặc biết hắn có thể đi đâu.
Nữ đặc vụ gác máy. Sau đó cô quay số điện thoại thứ hai, đó là số của nhà thờ Thánh Brethen ở Portland. Cô được nối máy với Linda Whitfield, người chưa biết đến tin này. Phản ứng của cô ta hoàn toàn khác Rebecca: Sự im lặng bị phá vỡ bởi những tiếng lẩm nhẩm gần như không thể nghe thấy.
Tẩt cả những gì Dance có thể phân biệt được là “Chúa ơi!”. Nghe như một lời cầu nguyện, chứ không phải một lời cảm thán. Giọng nói tan mất hoặc cô ta đã bỏ máy. “A lô?”, Dance hỏi. “Vâng, tôi đây”, Linda nói. Dance hỏi những câu mà cô đã hỏi Rebecca Sheffield. Linda đã không nghe tin về Pell trong nhiều năm dù họ vẫn giữ liên lạc khoảng mười tám tháng sau vụ giết nhà Croyton.
Cuối cùng thì cô không viết thư nữa và không nhận được tin gì về hắn ta từ dạo đó. Cô cũng không có thông tin gì về nơi ở của Samantha McCoy, mặc dù cô cũng nói với Dance về cuộc gọi của Morton Nagle vào tháng trước. Nữ đặc vụ nói với cô họ biết ông ta và thuyết phục cô là ông ta không làm việc cho Pell.
Linda không có manh mối gì về việc Pell có thể đi đâu. Cô không biết đồng phạm của hắn là ai. “Chúng tôi không biết hắn ta nghĩ gì”, Dance nói với người phụ nữ, “Chúng tôi không có lý do gì để nghĩ rằng cô bị nguy hiểm, nhưng… “Ồ, Daniel sẽ không làm hại tôi đâu”, cô ta nói nhanh.
“Nhưng cô vẫn nên liên lạc với cảnh sát địa phương”. “Được, tôi sẽ suy nghĩ về việc này”, sau đó cô ta nói thêm: “Có đường dây nóng nào để tôi gọi và tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra được không?”. “Chúng tôi chưa làm đường dây nào như thế cả. Nhưng báo chí tường thuật vụ này rất kỹ.
Cô có thể biết tin trên báo nhanh như chúng tôi biết đấy”. “Được, nhưng anh tôi không có ti vi”. Không có ti vi? “Được rồi, nếu có tiến triển gì đáng kể, tôi sẽ cho cô biết. Và nếu như cô có thể nghĩ ra gì thêm, làm ơn gọi lại cho tôi”, Dance cho cô ta số của cô và gác máy. Mấy phút sau, Charles Overby, ông chủ của CBI bước vào phòng.
“Cuộc họp báo đã diễn ra rất tốt, tôi nghĩ thế. Họ có hỏi một số câu hóc búa. Lúc nào cũng thế. Nhưng tôi cũng đối đáp với họ tương đối khá, phải nói là thế. Luôn đi trước một bước. Các cậu thấy không?”, ông ta hất đầu về phía chiếc ti vi ở góc phòng. Không ai buồn vặn to tiếng lên để xem ông ta diễn thế nào.
“Lỡ mất rồi, Charles- Chúng tôi bận gọi điện thoại”. “Ai đây?”, Overby hỏi. Ông ta nhìn Nagle chằm chằm như thể có biết ông ta. Dance giới thiệu họ với nhau, sau đó nhà văn ngay lập tức biến mất khỏi màn hình rada của đặc vụ phụ trách. “Có tiến triển gì không?”, một cái liếc mắt lên bản đồ.
“Không có báo cáo gì”, Dance nói với ông ta. Sau đó cô nói đã liên hệ với hai trong số những người phụ nữ trong Gia đình Pell, “Một người ở San Diego và một người ở Portland, chúng tôi đang tìm người còn lại. Ít nhất thì chúng tôi biết rằng hai người phụ nữ đầu tiên không phải đồng phạm”.
“Vì cô tin họ?”, Overby hỏi, “nghe giọng của họ là cô biết được à?”. Không ai trong phòng nói gì. Còn lại Dance là người duy nhất nói với sếp một điều rõ ràng: “Tôi không nghĩ họ có thể đặt bom xăng rồi ở đây rồi về nhà kịp bây giờ”. Một khoảng ỉặng ngắn. Overby nói: “Ồ, cô gọi đến nhà họ à? Cô đâu có nói thế”.
Kathryn Dance, một cựu phóng viên và tư vấn viên bồi thẩm, đã diễn kịch khá lâu trong thế giới hiện thực. Cô lờ cái liếc mắt của TJ và nói: “Ông đúng, Charles, tôi không nói. Tôi xin lỗi”. Giám đốc CBI quay sang O’Neil, “Đây là một vụ khó đây Michael. Quá nhiều góc độ. Sẽ rất vui nếu anh có thể giúp chúng tôi”.
Đúng là Charles Overby ở đỉnh cao của sự cáo già. Dùng từ “giúp chúng tôi” đã chỉ rõ ai là người chỉ đạo nhưng cũng ngầm nói rằng CVNeil và MCSO cũng cùng chịu trách nhiệm. Đổ lỗi ngầm… Overby tuyên bố ông ta sẽ về văn phòng CBI rồi ra khỏi phòng họp. Dance quay sang Morton Nagle: “Ông có nghiên cứu gì về Pell không?”.
“Có. Nhưng sao cơ?” “Có thể nó sẽ giúp chúng tôi có một vài ý tưởng xem hắn đi đâu”, O’Neil nói. “Bản sao thôi”, nhà văn nói, “không phải bản chính”. “Thế được rồi”, Dance nói với ông ta, “sẽ có người của chúng tôi đến lấy sau. Văn phòng của ông ở đâu?”. Nagle làm việc trong một ngôi nhà ông ta thuê ở Monterey.
Ông ta cho Dance địa chỉ và số điện thoại rồi bắt đầu cho đồ của mình vào túi máy ảnh. Dance nhìn xuống cái túi, “Chờ chút”. Ông ta lấy ra một cuốn sách vụ án của mình, Sự thật mù quáng, ký nó một cách thật hoa mỹ rồi đưa cho cô. Cô đặt xuống và chỉ vào thứ mà cô đang thực sự nhìn.
“Máy ảnh của ông. Ông có chụp bức ảnh nào sáng nay không? Trước khi có đám cháy ấy?” “Ồ”, ông ta gượng cười vì sự hiểu nhầm, “có, tôi có chụp”. “Máy ảnh số đấy chứ?” “Đúng thế”. “Chúng tôi có thể xem được không?” Nagle nhặt chiếc máy Canon lên và bắt đầu ấn nút. Cô và O’Neil cúi xuống nhìn cái màn hình nhỏ tí ở phía sau.
Dance ngửi thấy mùi nước hoa sau cạo râu. Cô thấy thoải mái khi ở gần anh. Nhà văn chuyển các bức ảnh. Phần lớn là ảnh chụp những người đi vào tòa án, một vài bức ảnh nghệ thuật chụp mặt tiền tòa nhà trong sương mù. Sau đó, cả viên thám tử và nữ đặc vụ đồng thời nói: “Đợi đã”.
Bức ảnh họ đang nhìn là đoạn đường dẫn đến chỗ xảy ra đám cháy. Họ có thể nhìn thấy có người nào đó mặc chiếc áo khoác xanh, đội mũ lưỡi trai, đeo kính râm đứng sau một chiếc xe, chỉ nhìn thấy lưng. “Nhìn cái tay kìa”. Dance gật đầu. Có vẻ như cánh tay người đó để phía sau, tựa như đang kéo một chiếc va li.
“Ảnh có thời gian chụp không?” Nagle đọc các thông tin: “Chín giờ hai mươi hai phút”. “Đúng lúc ấy”, Dance nói, nhớ lại đánh giá của thanh tra cháy nổ về thời gian quả bom được cài. “Ông có phóng to ảnh lên được không?” “Trên máy ảnh thì không được”. TJ nói anh ta có thể làm được trên máy tính của anh, không vấn đề gì.
Nagle đưa thẻ nhớ cho anh và Dance để TJ quay về trụ sở CBI, vẫn nhắc nhở anh ta: “Tìm Samantha McCoy đi. Cả bà cô Bakersíield nữa”. “Chắc chắn rồi, thưa sếp”. Rey Carraneo vẫn đang ở ngoài, tìm kiếm nhân chứng. Nhưng Dance tin là tên đồng bọn cũng đã trốn thoát, lúc này Pell có lẽ cũng đã vượt qua được các chốt chặn đường nên chẳng còn lý do gì để đối tác của cô ở lại đây.
Cô cũng bảo cả anh ta về trụ sở. Nagle nói: “Tôi sẽ bắt đầu làm các bản sao… À, đừng quên nhé”. Ông ta đưa cuốn sách đã ký cho cô. “Tôi biết cô sẽ thích nó”. Khi ông ta đi khỏi Dance cầm nó lên. “Với thời gian rỗi của tôi ư?” Cô đưa nó cho O’Neil thêm vào bộ sưu tập của anh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.