Bà giáo Cang đi chợ về khoe với chồng:
– Ông ơi, lão Tám Kiểng cho mướn khu vườn cảnh để làm chỗ bán cà phê rồi đó. Bây giờ ông chỉ cần kêu một ly cà phê đen là tha hồ vừa nhâm nhi vừa ngắm nghía những chậu cây mà tôi biết ông mê nó còn hơn cả vợ con…
– Thế hả, vậy đưa tiền đây!
Bà móc túi định đưa ông năm, bảy ngàn gì đó nhưng không còn bạc nhỏ nên đành phải giúi vào tay ông cả tờ giấy năm chục ngàn đồng.
Ông lọc cọc đạp xe đi. Trời tối, cả khu vườn lên đèn màu nhấp nháy huyền ảo như một động tiên. Ông chọn một chỗ ngồi bên cây thiên tuế mà ông cho là đẹp nhất. Đang gang tay ra đo vòng quanh gốc để đoán định tuổi tác của cây thì có người đến đặt nhẹ bàn tay lên vai ông. Ông quay lại. Ôi, một cô gái còn rất trẻ mặc chiếc váy mỏng và ngắn gì mà ngắn thế.
– Anh uống gì?
Cô gái hỏi. Ông thấy ngượng quá. Con bé này ít tuổi hơn cả con út ông.
– Cháu hãy kêu tôi bằng bác!
Ông bảo thế! Cô gái không chịu nghe mà còn cười:
– Ấy, không được đâu anh! Bà chủ nghe thấy đuổi cổ em liền à. Mà sao anh khó tính vậy? Mấy khi đến được chỗ bình đẳng nhất xã hội này, anh!
– Thôi được, vậy giá cả thế nào?
– Tám ngàn một ly cà phê thường. Nghĩa là ngồi một mình. Còn với đào thì 38 ngàn, gồm 2 ly nước giải khát, một đĩa hạt dưa, một phong kẹo xuynh- gum.
– Còn tiền trả cho em?
– Em chỉ ăn tiền “bo” thôi!
– Bao nhiêu?
– Tùy à…Mười …hai mươi… ba mươi, thậm chí ba trăm ngàn cũng được, em không từ chối đâu mà sợ !
Ông giáo Cang nhẩm tính: vậy là mình có thể “vào cuộc” được! Ông đưa tờ giấy bạc cho cô gái:
– Tôi ngồi với đào!
Cô gái mừng rỡ:
– Anh muốn cô nào, để em đi kêu?
– Muốn em! – Ông đáp giọng cụt lủn.
– Ôi, vậy thì hạnh phúc quá!
Cô chìa môi định hôn vào má ông nhưng ông đã lập tức giơ tay ngăn lại.
Cô gái nhí nhảnh chạy biến đi để lại cho ông một khoảng không gian đầy ắp mùi nước hoa. Lát sau, cô bưng khay nước đến. Vừa “dâng” nước cho ông, cô vừa xê mông ngồi gần lại. Thấy ông vẫn chả “động tĩnh” gì, cô liền chủ động:
– Bắt giùm em con kiến trong áo lót, anh. Trời, nhột quá à!
Cô cầm tay ông đặt lên bộ ngực trẻ trung, căng cứng của mình. Bỗng cô giật mình vì gặp chuyện lạ, hiếm có: ông ấy đã vội rút tay về. Đồng thời, cô còn nghe gọi tên mình:
– Huệ, em không nhận ra thầy sao?
Cô sững sờ trong giây lát rồi từ từ lắc đầu:
– Thế mà thầy lại nhận ra và vì thế mới kêu em ngồi lại. Vì sao em… đến nông nỗi này?
Cô gáí bật khóc. Cô kể cho ông nghe hoàn cảnh của cô. Bố chết, mẹ bị bại liệt nên đang học lớp 12 phải nghỉ để nuôi nấng bốn đứa em nhỏ. “Đi làm” thế này chỉ mong kiếm đủ tiền mua một chiếc máy may.
– Thầy vô tâm quá, thầy thật có lỗi với em… Vì vậy hôm nay em phải cho thầy sửa lại cái lỗi đó trước khi quá muộn.
Ông tháo chiếc nhẫn vẫn đeo trên tay dúi vào tay cô, rồi lấy xe, đạp biến đi. Cứ như có ai đang đuổi đằng sau.
Không bao lâu sau cô học trò tìm đến nhà ông. Cô gửi lại ông chiếc nhẫn và cho biết cô đã mở được một tiệm may nhỏ, sẵn việc làm. Ông vui gợi lại chuyện cũ:
– Sao hôm đó em không nhận ra thầy?
Cô gái cười:
– Sao lại không? Nhưng em đâu dám. Vì đến chỗ ấy ai mà chả muốn giấu tung tích. Đến giám đốc còn khai là đạp xích lô, thủ trưởng còn tự nhận là nhân viên bảo vệ, nữa là… Với lại cũng muốn thử xem. Thầy có đúng là “thầy” không, hay cũng… cùng một giuộc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.