Cài Hoa Vào Quá Khứ

ĐÂU PHẢI CHUYỆN CHƠI



Đâu chuyện này thì nhiều người đã biết: Có ông hàng cá treo trước cửa tấm bảng đề Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI. Một người đi qua thấy vậy góp ý: “Không bán ở đây thì bán ở đâu?” Người bán cá vội xoá đi hai chữ Ở ĐÂY. Người thứ hai đi qua lại nói: “Dễ nhà ông có bán thêm cá ươn hay sao?”. Thế là tấm bảng chỉ còn lại hai chữ BÁN CÁ. Đến lượt người thứ ba: “Ông có cho ai đâu mà phải đề như thế?”. Chữ BÁN lại bị xoá tiếp để cuối cùng chỉ còn lại độc nhất chữ CÁ. Vậy mà có người vẫn không để yên: “Cái con vật đựng đầy trong rổ là con gì vậy?”. Chữ CÁ liền bị xoá đi nốt.
Chuyện trên ngoài ngụ ý răn đời (không nên thấy ai nói gì cũng nghe theo ngay) còn có dụng ý hướng dẫn người ta cách viết bảng. Viết hoặc xóa chữ nào là cả một sự cân nhắc, thận trọng. Chứ đừng như câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây: Trong giờ “Giáo dục công dân” ở một lớp nọ, khi định nghĩa “Thế nào là năng động sáng tạo?”, một cô giáo đã ghi lên bảng: “… là sự say mê tìm tòi, phát hiện và xử lý các tình huống…”. Câu này nguyên văn trong sách giáo khoa có từ “linh hoạt” đặt trước từ “xử lý” nhưng cô giáo đã tự tiện bỏ đi làm câu định nghĩa càng trở nên tối nghĩa hơn.
Kẻ viết bài này trộm nghĩ, giá bốn ông quân sư quạt mo về viết bảng cho ông hàng cá kia biết chuyện này hẳn phải lên tiếng:
– Coi vậy, xoá đi một chữ của người ta đâu có phải chuyện chơi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.